Tuesday, May 1, 2012

30-4-1975



Dưới Dấu Ấn Ngày 30 Tháng Tư 1975

Chỉ vài ngày sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, hai người chú ruột miền Bắc mà tôi chưa hề biết mặt đến nhà tôi ở Sài Gòn.

Người chú ruột thứ nhất, người đến trước, là con trai út của bà nội tôi. Ông là một người làm ruộng trong một hợp tác xã. Cao trên trung bình, hơi khòm, gầy gò và xương xẩu với một nụ cười hơi nhăn nhó và có phần khó hiểu nhưng thường trực trên môi, chú tôi ngủ đêm đầu tiên ở miền Nam trong phòng tôi, trên sân thượng của một phố lầu. Đêm đó, ông đi ngủ sớm và nói với tôi là ông sẽ thức dậy khi trời chỉ hơi tờ mờ sáng. Nhưng tôi đã dậy sớm hơn ông. Khi ông mở mắt thức dậy và ngồi bật lên, tôi đã ngồi trên một ghế nhỏ ở đầu gường với một khay đồ ăn sáng: một ly cà phê phin sữa nóng, một khúc bánh mì nóng mới nướng, dao và nỉa, và hai quả trứng chiên ốp la với tiêu muối trong một đĩa nhỏ. Có lẽ mùi thơm của ly cà phê phin đang còn bốc hơi nóng đã đánh thức ông dậy sớm hơn ông dự tính. Tôi đã ngồi đó nhìn ông ăn sáng. Ông nhấp nha ly cà phê, ăn bánh mì quẹt trứng tiêu muối. Tôi thấy đôi mắt ông hình như đẫm uớt, và ông đã nói nhỏ, như sợ ai khác nghe “Đây, chính là thiên đường…”.

Khi ăn sáng xong, ông kề môi vào tai tôi, và cũng nói thật nhỏ như sợ người khác nghe được: “Sao chúng mày còn ở đây…” rồi ông đứng dậy và đi xuống lầu. Ông ở với chúng tôi một tuần, kể chúng tôi nghe chuyện ông bị nhốt trong chuồng heo và bị xích chân gần hai năm trời vì tội làm địa chủ sau năm 1954, nhưng ông không nói gì nhiều hơn hay ca ngợi ai hay chê bai ai. Ông chỉ xin các cháu đưa ông đi thăm chổ này chổ nọ, rồi sau khoảng một tuần ông từ biệt để về lại miền Bắc. Ông không xin ai bất cứ gì, có gì ăn đó, ăn cái gì cũng khen ngon quá, và cả nhà đã rơi lệ thương ông khi tiển ông ra cổng nhà để lên đường về Bắc. Sau khi ông đi, Mẹ tôi nói nhỏ riêng với các con: “Chú sẽ đi bộ về Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, để hỏi tìm xác hai con chú đã chết trên đường vô Nam…”

Người chú ruột thứ nhì, anh của người chú ruột thứ nhất, đến nhà tôi hai ngày sau. Tuy ông không hề nói ông làm gì, nhưng hình ông như có chức vụ cao tại miền Bắc, vì ông đến nhà tôi bằng xe hơi có tài xế lái, với ba hay bốn bộ đội bảo vệ. Những người này mang nón cối và quân phục xanh, người thì có súng AK-47 trên tay, người thì bên hông đeo súng ngắn. Đứng giữa phòng khách trong quần dài màu sậm và áo sơ mi ngắn tay trắng, ông chú tôi trông béo tốt, bệ vệ, và bề thế. Ông ôm choàng lấy bố tôi thật lâu và ông đã đột nhiên bật khóc thành tiếng, như để bù lại cho những thập niên dài anh em xa cách. Nhưng ông tự chế ngay, quay người lại và nghiêm nghị ra lệnh cho chúng tôi đang đứng chờ quanh ông: “Các cháu đây, ai là ai, tên gì, học gì, làm gì, ở đâu, nói cho chú nghe”. Thế thôi. Rồi ông ngồi vào ghế bành và trò chuyện riêng với bố tôi cho đến trưa.

Trước khi từ giả, ông kêu tôi ra, và chỉ thị: “Mày đi ráp khẩn trương cho chú một chiếc xe đạp tốt, hai ngày sau chú tới lấy.” Tôi và một cậu em ra một tiệm xe đạp đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành, đặt ráp một chiếc xe đạp, và dặn chủ tiệm nhớ xài đồ bền nhất và tốt nhất, tiền không quan trọng, cứ làm rồi tính. Đúng hai ngày sau chú tôi đến. Ông nâng, ông nắm, ông ngắm chiếc xe đạp mới ráp, ông xem xét từng bộ phận, rồi ông ra lệnh thay nhiều bộ phận trong xe. Tôi còn nhớ trong đó có cái sườn xe, vì không phải là “dura” chính hiệu, cái dĩa, vì không phải là đồ Pháp, và hai cái vỏ xe và bốn cục cao su bàn thắng, vì chúng là đồ của bọn Đài Loan cực kỳ phản động chứ không phải là đồ của Pháp hay của Ý. Chỉ trong một ngày, tôi và cậu em đã đi “tân trang” xong chiếc xe đạp mới toanh nhưng bị chê te tua đó theo đúng các chỉ thị của chú tôi. Chiếc xe đạp “mới-mới” được để một góc trong phòng khách chờ chú tôi đến lấy. Một buổi chiều vài hôm sau, khi tôi về lại nhà sau một chuyến la cà đường phố, tôi thấy chiếc xe đạp đã biến mất. Tôi hỏi thì Mẹ nói chú mày đâu có đến lấy, chú chỉ cho bảo vệ lái xe đến chở đi…

Bây giờ là những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 2012, ba mươi bảy năm sau ngày 30 tháng Tư 1975. Hai ông chú của tôi đã ra người thiên cổ từ lâu. Nhưng những gì tôi đã nghe và học được từ hai người đó trong những ngày tháng năm đã qua hình như vẫn còn có khả năng ám ảnh, định hướng, và thay đổi cái nhìn của tôi về mọi việc.

Từ người chú quan lớn miền Bắc của tôi, tôi đã hiểu được từ trong ruột gan thế nào là quyền lực, thế nào là sự tham lam đến mức vô sỉ của những kẽ ăn trên ngồi trước mà không hề biết mình tham lam, và nhất là, khả năng tiêu diệt tính người tuyệt đối của quyền lực tuyệt đối. Bất chấp những gì đang thấy được ngay trước mắt, tôi đã nhận thức được và tin chắc là thế gian này chưa hề và sẽ không bao giờ thuộc về những kẽ đang có quyền lực tuyệt đối, và những gì họ đã chiếm đoạt qua quyền lực và bạo lực rốt ráo sẽ chỉ là ảo tưởng. Đó là vì họ thực sự chưa hề sống được – dù chỉ là một phút giây – trong con tim con người, cho dù những người đó là gia đình con cháu họ.

Trực diện với những người như ông chú quan lớn của tôi, con người ở mọi nơi trên địa cầu này chỉ có thể có một lực chọn: chống lại họ cho đến cùng, tìm mọi cách vạch trần những toan tính độc ác phi nhân của họ đang ẩn núp đằng sau những ngôn từ hoa mỹ và những bánh vẽ ngàn đời cũng không với tới được về độc lập, tự do, và hạnh phúc; và chiến đấu cho đến khi nào khả năng áp đặt những chế độ áp bức toàn trị của họ bị vô hiệu hoá, triệt tiêu, và mãi mãi xoá tên trên thế gian này. Để cho mọi người, ở mọi nơi, có thể sống tự do, có thể phát triển được mọi tài năng, và có thể thực hiện được các ước mơ của mình trong một xã hội công bằng và, như một vĩ nhân của nhân loại đã từng nói, một xả hội [chỉ] của người dân, [chỉ] vì người dân, và [chỉ] do người dân.[1]

Từ người chú làm ruộng miền Bắc của tôi, tôi đã hiểu thế nào là đạo lý làm người khi tất cả những gì quý giá nhất trên cõi đời này – dù là danh dự, dù là tự do, dù là gia đình, hay sinh mạng, hay tài sản – đều có thể bị tước đoạt bởi những thế lực tuyệt đối và bất khả kháng ở bên ngoài. Đạo làm người của chú tôi hình như rất đơn giản: hãy mở rộng mắt, thấy tất cả, nhớ tất cả, gắng sống để làm người chứng, chấp nhận và kín đáo tỏ lòng biết ơn và trả ơn tất cả những ai thương giúp mình, và nhất là, lắng nghe và làm theo con tim. Có những đêm đông thật dài, thật dày tuyết, và thật lạnh trên xứ lạ, tôi nhớ đến chú tôi, và tôi mường tượng đến hình ảnh một con người gầy còm chống gậy bươn bải đi ngược dòng tìm xác con trên đường mòn Hồ Chí Minh. Và tôi đã thấy trong hình ảnh đó thấp thoáng bóng dáng bi tráng của một người đã tìm được tự do và đã an tâm, vì đó là một người đã lên đường theo lời gọi của con tim — con tim một người cha mãi mãi thuơng nhớ con.

Tôi quý trọng dù bị ám ảnh bởi hình ảnh đó của người chú nông dân của tôi. Nhưng trong đầu tôi, tôi vẫn đã thấy từ lâu có một điều gì bất ổn, có một điều gì rất bức xức, có một điều gì rất xót xa trong hình ảnh đó.
Nhiều đêm, tôi đã tự hỏi, nếu trong một nước có truyền thống 80% người dân sống về nghề nông, nếu tất cả những người làm ruộng thấp cổ bé miệng như chú tôi đều chỉ muốn sống như chú tôi – dù rằng sống được như chú tôi tự nó không phải là một điều ddàng gì – thì đất nước Việt sẽ ra sao nếu không phải là một nước cam phận hiện hữu như một cái xác không hồn trong đêm dài chế độ toàn trị ỡ trong và nô lệ ngoại bang  ngoài?

Lịch sử đã cho tôi câu trả lời.

Nước Việt của tôi, và hàng chục hàng trăm nước khác, đã từng vượt thoát khỏi những đêm dài đó, đã từng có những thời đại tươi sáng, độc lập, tự do, tự chủ, vì đã có người nông dân áo vải, những người con mất cha, những người mẹ mất chồng mất con qua những oan khiên ngút trời, những kẻ cùng khổ nhất, đã dám nghe và đã dám đi theo cho đến tận cùng một lời mời gọi khác của con tim họ: hãy không biết sợ, hãy vùng lên dành lấy lại quyền sống cho người, cho mình; dành lấy lại quyền đuợc làm người tự do; và dành lấy lại quê hương. Như những giòng sông lớn tức nước vỡ bờ, những người đó đã quét sạch ngoại bang ra ngoài biên giới quê hương, trừng trị bọn chuyên chế toàn trị mại quốc cầu vinh, và kỳ diệu nhất, biến tuyệt vọng thành hy vọng.

Vào những ngày cuối của tháng tư năm 2012, hình như đất nước Việt đang chuyển mình sôi sục vì đã và đang có những người nông dân, nhũng nguời cùng khổ mất nhà mất đất mất mẹ mất cha đang cùng lên đường đi theo một lời mời gọi mới từ trái tim của họ. Và tôi tin rằng, lần này, họ sẽ có khả năng đi đến hết con đường mà con tim họ đã chọn. Chỉ cần một con tim…

Chỉ cần một con tim chân chính, là thế gian có thể đổi thay. Ý niệm chỉ đạo đó, và những lời mời gọi, những ký ức, những ám ảnh, những ước mơ, và những nhận thức quanh đó, chính là dấu ấn ngày 30 Tháng Tư 1975 của tôi, mỗi lúc mỗi rõ rệt.

Chấn Minh
28 Tháng Tư 2012
[1] “We here highly resolve that these dead shall not have died in vain, that this nation, under God, shall have a new birth of freedom; and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.” President Abraham Lincoln (1809-1865). The closing words of his Gettysburg Address, delivered on November 19, 1863].