Giới nghiên cứu Trung Quốc:
Bắc Kinh đuối lý
khi đòi chủ quyền ở Biển Đông
Chính
quyền Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng họ có chủ quyền “không thể chối cãi” trên hầu như toàn
bộ Biển Đông. Thế nhưng Bắc Kinh luôn luôn bác bỏ các đề nghị đưa tranh chấp ra
trước tòa án quốc tế hoặc mở đàm phán đa phương về vấn đề này(Bản đồ yêu sách
lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường
lưỡi bò", hay hình chữ U.eia.doe.gov). Trong một công trình nghiên cứu vừa
được một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố, sở dĩ chính quyền Trung Quốc có lập
trường như trên, đó là vì chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thấy rằng lập
luận của Bắc Kinh không thể đứng vững dưới lăng kính của luật pháp quốc tế.
Ngày 03/05/2012 vừa
qua, Trung tâm nghiên cứu về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New
American Security CNAS), trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố đồng thời ba bài nghiên
cứu của họ về các điểm nóng tại hai vùng biển Hoa Đông và Nam Hải (tức Biển
Đông). Đáng chú ý nhất là bài của nữ chuyên gia Tôn Vân (Sun Yun) mang tựa đề : Nghiên
cứu Nam Hải : Quan điểm
Trung Quốc (Studying
the South China Sea : The Chinese Perspective),
nêu bật kết quả nghiên cứu của bốn định chế nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc
hiện nay về Biển Đông.
Trong bài viết dài 10
trang, bà Tôn Vân đã nêu bật kết luận của một chuyên gia phân tích của chính
phủ Trung Quốc, sau khi điểm lại các kết quả nghiên cứu của các định chế được
giao phó trách nhiệm đề xuất ý kiến với Nhà nước về chính sách thích hợp cho
Biển Đông, nhằm đối phó với Hoa Kỳ và với các quốc gia khác trong khu vực.
Kết luận đó rất rõ
ràng : Nếu tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc
Kinh sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ chín đường gián đoạn cũng như “chủ quyền lịch sử" của họ tại vùng
biển đang có tranh chấp. Mặt khác, nếu được tiến hành, các cuộc đàm phán đa
phương về tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo, bãi đá hay rạn san hô ở Biển
Đông “hầu như sẽ dẫn tới kết quả là Trung
Quốc sẽ bị mất đi ít ra là một phần” các vùng biển và lãnh thổ mà
họ đòi hỏi chủ quyền.
Có điều, theo bà Tôn
Vân, những lời thừa nhận kể trên của giới nghiên cứu đã được giữ kín hoàn toàn, không hề tiết
lộ ra cho công chúng biết. Đối với bà Tôn Vân, trong cộng đồng nghiên cứu chính
sách tại Trung Quốc, có một sự công nhận khá rộng rãi là chính sách Biển Đông
căn cứ vào tấm bản đồ "hình lưỡi bò"
sẽ tạo ra nhiều vấn đề, tương tự như chủ trương thương thuyết song phương về
những tranh chấp mà bản chất là đa phương, hay là việc áp dụng Công ước Liên
Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Bản nghiên cứu của bà
Tôn Vân nhận định : “Bắc Kinh không thể
cho phép xảy ra tình trạng tựa như là lãnh thổ của mình rơi vào tay ngoại bang.
Do đó, giữa cử tọa ngoại quốc và dư luận trong nước, họ đã quyết định bám víu
vào những đòi hỏi chủ quyền và những lời khẳng định hiện
nay, kể cả khi phải trả giá cao về mặt ngoại giao”.
Vì thế, các chuyên gia
Trung Quốc đã đồng loạt đổ lỗi cho Hoa Kỳ về việc khuấy động cho tình hình Biển
Đông căng thẳng. Theo họ, Mỹ đã lợi dụng vấn đề này để khai thác phá hoại tình
hữu nghị giữa Trung Quốc và các láng giềng, tăng cường liên minh với
Philippines và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam để ngăn chặn
ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ trong
khu vực.
Bản nghiên cứu của bà
Tôn Vân ghi rõ : "Các nhà phân tích
Trung Quốc đều không tin là các nước nhỏ trong khu vực dám thách thức Trung
Quốc trên Biển Đông nếu không có sự can thiệp của Mỹ".
Tác giả đã trích lời
ông Viên Bằng (Yuan Peng), giám đốc của Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ của Học viện
Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng, chính sự can dự và hậu thuẫn của
Mỹ đã nhào nặn phán đoán về chiến lược cũng như quyết định của các nước trong
khu vực, thúc đẩy họ ngày càng quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Xin nói thêm là bà Tôn
Vân hiện là một chuyên gia thỉnh giảng tại Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách Đông
Bắc Á, thuộc Viện Brookings ở Mỹ. Bà nguyên là chuyên gia phân tích của Tổ chức
phi chính phủ nổi tiếng International Crisis Group, làm việc tại Bắc Kinh trong
đề án Đông Bắc Á của tổ chức này.
Trọng Nghĩa