Ngô Tất Tố (1894 - 5.1954) và tình sử
Một trong các danh sĩ của Việt Nam, được cả hai miền Nam Bắc trên hay dưới vĩ tuyến 17 trọng vọng, ca ngợi, là Ngô Tất Tố, người đỗ đầu xứ bằng ngọn bút lông, nhưng mưu sinh thành công bằng ngọn bút sắt, viết tiểu thuyết lịch sử “Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ” (1935), nhưng nổi tiếng về các bản dịch “Tình sử Trung Hoa,” dịch thơ Ðường, hay viết khảo luận về Thơ Văn Lý Trần... (Nhà văn Ngô Tất Tố (1894 - tháng 5, 1954). (Hình: Tác giả cung cấp)
Lý do giản dị, nhưng cũng đáng buồn, là vì ông không đứng về phe nào, vì không có dịp trình chính công khai: ông tử nạn vào tháng 5, 1954, trước khi đất nước phân đôi. Miền Bắc cố gắng chứng minh rằng ông đứng về phe kháng chiến chống Pháp, và tử nạn vì bị phi cơ Pháp bỏ bom trên Việt Bắc, hay từng tham gia phong trào Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ, song “kháng chiến chống Pháp” không có nghĩa là theo cộng sản, tham gia phong trào Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ không có nghĩa là Việt Minh. Có một đôi trường hợp chết sớm lại là may mắn, nếu nhà thơ Hàn Mặc Tử còn sống, có thể ông cũng đã như Chế Lan Viên, bạn thân của ông, người làm những bài thơ vong thân một thời. Nhà thơ, nhà biên khảo Ngô Tất Tố đã từ trần hai tháng trước Hiệp định Geneve, cho nên ông hoàn toàn là một danh sĩ Tiền chiến, nguyên vẹn là một học giả, nhà văn, nhà thơ của Việt Nam, với những tác phẩm để đời như Tắt Ðèn (1939), Ðường Thi (1940), Lều Chõng (1941), Thơ Văn Bình Chú (1941), và dịch Tình Sử Trung Hoa hay dịch Hoàng Lê Nhất Thống Chí... của Ngô Thì Sĩ trong Ngô Gia văn phái.
Bài Tự Thán tương truyền là của Nguyễn Trãi, song người ta chỉ thấy qua bản
dịch theo thể thơ lục bát của Ngô Tất Tố, tin trong Thơ Văn Bình Chú:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay?
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao?
Ðã buồn về trận mưa rào
Lại đau về mối rào rào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng (dòng)
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.
Nguyễn Trãi
(Theo Ngô Tất Tố trong Thơ Văn Bình Chú, Mai Lĩnh, 1952, tr. 17)
Dịch Ðường Thi nổi tiếng nhất là hai người: Tản Ðà và Ngô Tất Tố, song dịch
Tình Sử Trung Hoa thì dẫn đầu là Ngô Tất Tố. Một dịch giả thành công hay một bản
dịch thành công, thì yếu tố thành công quan trọng hơn cả là “bản dịch” là quan
trọng, còn nguyên bản không quan trọng. Một bản dịch Anh Việt, Pháp Việt hay Hoa
Việt thì phần Việt quan trọng hơn phần Anh Pháp hay Hoa. Ngô Tất Tố ngoài sở học
uyên bác (đỗ đầu xứ thi Hương), còn có tài văn xuôi, mà tiểu thuyết Tắt Ðèn của
ông là một minh chứng; bản dịch cuốn lịch sử tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí
của ông thì văn chương đối thoại thật là gần gũi với mọi người, nghĩa là ông
dùng ngôn ngữ thời đại, ngôn ngữ mọi người dùng, thoát khỏi ngôn ngữ văn tự sách
vở.
Sau đây mời bạn đọc thưởng thức một truyện tình sử do ông dịch:
Tình sử - Ngô Tất Tố dịch
Cây ngọc vườn sau
Hậu Chủ nhà Trần có tiếng là vị phong lưu thiên tử, hậu cung lúc nào cũng độ
vài nghìn người. Người được ông ta yêu dấu hơn hết là Khổng Quý Tần và Trương
Quý Phi. Quý Phi tóc đen như mun, có thể soi gương, hai mắt lóng lánh như hai
làn nước, mỗi khi nhìn ngó, muốn xiêu cả người bên cạnh. Hậu Chủ sai người dựng
ở trước điện Quang Chiếu ba tòa gác lớn, đặt tên là gác Lâm Xuân, gác Kết Ỷ và
gác Vọng Tiên. Cửa lớn, cửa sổ của những gác ấy đều làm bằng gỗ trầm hương, dát
toàn vàng ngọc, ngoài che rèm châu, trong có trướng gấm. Những đồ bài trí, đều
là những thứ quý lạ, từ xưa chưa có. Dưới gác đều có chất đá làm núi, tháo nước
làm ao, và trồng các thứ hoa thơm cỏ lạ ở khắp chung quanh. Hậu Chủ tự ở trong
gác Lâm Xuân, cho Trương Quý Phi ở gác Kết Ỷ, còn gác Vọng Tiên thì là phần của
Khổng Quý Tần. Những lúc Quý Tần trang điểm chải chuốt, đứng ở phía trong lan
can trong cung trông ra, chẳng khác gì một nàng tiên.
Mỗi lần Hậu Chủ họp các cung nhân uống rượu tại mấy nơi đó thường bắt phi,
tần, học sỹ và các khách quen tức cảnh, ngâm thơ, tặng đáp lẫn nhau. Rồi thì ông
ta lựa riêng những bài bóng bẩy, bay bướm, phổ vào đàn sáo, chọn độ hơn nghìn
cung nữ bắt phải tập hát. Những khúc hát ấy, Hậu Chủ đặt tên là Nghênh Xuân
Nhạc, Ngọc Thụ, Hậu Ðình Hoa, đại để đều là những lời tán dương vẻ đẹp của các
phi tần. Mỗi lần yến ẩm múa hát, vua tôi say be say bét từ tối đến sáng. Hậu Chủ
có chế ra khúc Hậu Ðình Hoa như vầy:
Rừng thơm, lầu, gác chon von,
Nghiêng thành là vẻ phấn son nuột nà.
Lững lờ trong cửa bước ra,
Ðón nhau, vén bức màn hoa mỉm cười,
Người đâu móc đượm hoa tươi,
Long lanh cây ngọc sáng soi sau vườn.
Cách đó ít lâu quân Hán Cầm Hổ kéo vào Ðài Thành, Hậu Chủ toan chạy, quần
thần có người khuyên ngài nên ra đầu hàng. Hậu Chủ không nghe và nói:
“Ta đã có giếng!”
Rồi ngài dắt luôn hơn chục cung nhân ra điện Cảnh Dương, cùng nhẩy xuống một
cái giếng gần đó. Quân sĩ nghé vào trong giếng, gọi không thấy thưa, họ bèn bảo
nhau lấy đá ném xuống. Chợt nghe dưới giếng có tiếng người kêu. Bọn quân tức thì
lấy thừng gióng xuống, khi kéo thừng lên, thấy nặng, cả bọn đều lấy làm lạ. Thì
ra cả Trương Quý Phi và Khổng Quý Tần cùng bám ở dưới đầu thừng. Vì vậy người ta
mới gọi giếng ấy là giếng Son Phấn.
Viên Linh