Sunday, October 28, 2012

CSVN

Khủng hoảng vì cơ cấu

Mọi thể chế chính trị phải có phương cách giải quyết những tranh chấp quyền lực, giữa các cá nhân hoặc các phe phái. Mỗi chế độ có giải pháp riêng. Các ông Stalin và Mao Trạch Ðông đã dùng những phương pháp chấm dứt các mâu thuẫn rất giản dị.
 
Những đồng chí có thể tranh giành ảnh hưởng với Stalin thường bị đưa ra tòa, kết tội phản động, rồi bắn chết. Khi Stalin chết, những người chung quanh cũng đem bắn ngay trùm mật vụ Beria của ông ta, theo cùng giải pháp đó.
 
Mao Trạch Ðông áp dụng cách đó, nhưng “theo đường hướng Trung Hoa.” Ông ta không xử bắn các đồng chí mà lại đem họ ra giữa chợ, cho “quần chúng” đấu tranh, hành hạ, sỉ nhục; rồi cho kéo dài kiếp sống mòn mỏi, tuyệt vọng, cho đến khi kiệt sức.
 
Những phương cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ như trên rất phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Vì chuyên chính vô sản dựa trên bạo lực. Khi bỏ mất nền tảng đó, nó sẽ tự tan rã giống như ngôi nhà bị sụt móng. Chế độ cộng sản bắt đầu rạn nứt khi các đồng chí tranh chấp quyền hành mà không còn bắn giết nhau nữa; chế độ dần dần tan vỡ khi các đồng chí chỉ tìm cách mua chuộc, hối lộ lẫn nhau (trả giá bằng các địa vị sinh lợi chắc chắn, hoặc đưa thẳng tiền mặt, đô la Mỹ). Ðổi mới kinh tế tạo cơ hội cho các “luật chơi mới” xuất hiện. Những người biết sử dụng các luật chơi mới sớm nhất sẽ tạo được thế lực mạnh hơn người khác. Nhưng vì thế các tranh chấp mới xuất hiện và cần giải quyết.
 
Nhưng các phe phái lại muốn sử dụng các luật chơi khác nhau để giải quyết những mâu thuẫn. Trong bất cứ hệ thống chính trị nào, câu hỏi quan trọng nhất là tại sao người này phải làm theo ý kiến, mệnh lệnh của người khác. Tại sao anh được quyền sai bảo mà tôi phải làm theo? Luật chơi cũ dựa trên chức vụ; thí dụ, chức tổng bí thư thì cao hơn chức thủ tướng. Luật chơi mới dựa trên khả năng phân phối, chia chác tài nguyên, lợi lộc. Tất nhiên, những người sử dụng luật chơi mới, phù hợp với thực tế kinh tế mới hơn, sẽ chiếm lợi thế. Tình trạng thay thế “bạo lực cách mạng” bằng “tài lợi kinh tế” làm cho hệ thống tự nó mất thăng bằng. Ðang giữa trận đấu, “luật lệ cuộc chơi” bỗng dưng thay đổi; người ta không còn biết áp dụng như phương pháp nào để giải quyết các tranh chấp nữa.
 
Ðiểm nổi bật là tất cả mọi người đều nhận ra “thực tế với lý thuyết” không đi đôi với nhau nữa. Mà họ cũng không thể đồng ý với nhau làm cách nào để sửa lại cho chúng phù hợp. Hậu quả là họ sẽ phải tiếp tục hô hoán những khẩu hiệu cũ (lý thuyết) mặc dù rỗng tuếch; trong khi đành chấp nhận phó mặc cho thực tế đưa đẩy, trôi nổi theo sức mạnh tương đối giữa các phe phái.
 
Thử tưởng tượng trong một trận đá banh bỗng dưng một tay cầu thủ dùng tay và cùi chỏ, thay vì chỉ dùng chân. Mà mấy anh cầu thủ đó còn tự ý thổi còi nữa. Một người dùng tay; rồi người thứ hai đá cẳng nhau thay vì đá banh; mà đó lại là những cầu thủ bự con, cao cấp; tất cả đua nhau đổi luật chơi, vừa đá banh lại vừa đóng vai trọng tài. Như vậy thì kết quả sau cùng sẽ ra sao? Khán giả sẽ bỏ về hết, trận đấu sẽ phải kết thúc không kèn không trống; giống như ở Liên Xô và các nước Ðông Âu những năm 1989, 90 vậy.
 
Hoàn cảnh bế tắc của cuộc họp gọi là “Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa XI” của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra theo kịch bản như trên. Ðọc bản tin cuối chúng ta thấy họ bị tắc nghẽn suốt 15 ngày vì không có kết quả cụ thể nào cả. Những lời lẽ mơ hồ, dù làm bộ nói đến cả những chi tiết lẩm cẩm vô ích nhưng trong thực tế lại vu vơ, không gây được hiệu quả nào hết. Qua đó, chúng ta biết chính những người trong Bộ Chính Trị cũng không biết họ phải theo luật chơi nào. Sở dĩ họ họp nhau lại, trước hết là vì có người muốn hạch tội Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thổi còi bắt đầu trận đấu, với Trương Tấn Sang đóng vai giám biên và đá cẳng. Nhưng cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng vẫn được an toàn “ra về thơ thới hân hoan.”
 
Lý do khiến Ba Dũng an toàn là vì đã tự bày trận đấu trên một sân banh khác, và theo những luật chơi khác. Mấy trăm ông bà ủy viên Trung Ương Ðảng, người theo Trọng Lú, người theo Ba Dũng; cũng theo các luật chơi khác nhau. Cuối cùng, trận đấu giải tán; không có kết quả nào cả vì không thể tính điểm ai thắng, ai thua. Ðể khỏi mất mặt cả bầu đoàn, họ đành phải đưa ra những khẩu hiệu trống rỗng cùng với những biện pháp nửa mùa, không thể gây ra hiệu lực cụ thể nào cả. Họ lúng túng, bế tắc vì không theo một luật chơi chung. Mà họ cũng không thể quay lại, sử dụng các luật chơi kiểu Stalin hay Mao.
 
Ðể thấy tình trạng bối rối và bế tắc của chế độ chính trị tại nước ta, hãy thử tìm hiểu xem trong các chế độ chính trị khác, khi người ta cần giải quyết các tranh chấp quyền lực tương tự giữa các “phe phái” thì họ theo các luật chơi như thế nào.
 
Trong một chế độ đại nghị, ông thủ tướng thường là lãnh tụ phe chiếm đa số ở Quốc Hội, thì các đối thủ của ông ta có thể yêu cầu Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu nhiều người đồng ý là ông thủ tướng đã làm kinh tế suy yếu hoặc nuôi đàn em tham nhũng quá đáng, thì họ sẽ bỏ phiếu lật đổ. Nếu không, ông ta tiếp tục cai trị, trong vinh dự. Ở một nước theo tổng thống chế, thì Quốc Hội không thể lật đổ một tổng thống do dân trực tiếp bầu lên; nhưng họ vẫn có khả năng kìm hãm bớt quyền hành của ông ta qua việc biểu quyết ngân sách. Với quyền nắm túi tiền của quốc gia, Quốc Hội có thể buộc hành pháp phải thỏa hiệp với mình tức là chia sẻ bớt quyền hành.
 
Trong một chế độ cộng sản thì sao? Trên nguyên tắc, đảng nắm toàn quyền. Tổng bí thư, Bộ Chính Trị rồi đến Trung Ương Ðảng quyết định tất cả. Trong cuộc họp 15 ngày đầu tháng 10, Nguyễn Phú Trọng đã trù tính dùng uy tín Trung Ương Ðảng để hạ thủ Nguyễn Tấn Dũng. Thật ra trận đấu đã khởi sự từ mấy tháng trước; ngay sau khi Trọng lên nắm chức tổng bí thư đã tính dùng “luật chơi cũ” để gia tăng quyền hành. Nhưng sân chơi đã thay đổi; uy quyền của tổng bí thư đã giảm sút rõ rệt nhờ Nông Ðức Mạnh ù ù cạc cạc. Có thể coi như chức tổng bí thư đã mất gần hết quyền lực; khi đem so với quyền hành thực tế của chức vụ thủ tướng. Quyền lực được thể hiện trong khả năng chia chác địa vị sinh lợi chứ không phải là các chức vị suông; ngoài ra là khả năng bắt người, giam người. Ba Dũng đã nắm trong tay hầu hết hai thứ quyền đó; nay Trọng Lú cố giành lấy nhưng vô hiệu.
 
Ngay từ đầu, cuộc đấu giữa Trọng và Dũng cho thấy họ theo các luật chơi khác nhau, người này không chịu luật chơi của kẻ kia. Nguyễn Phú Trọng đã ra tay trước khi công bố quyết định đem Ủy Ban Chống Tham Nhũng vào dưới quyền Bộ Chính Trị; để tổng bí thư đương nhiên nắm chức chủ tịch. Ai cũng tưởng Trọng đã thắng Dũng một keo; vì từ đầu Dũng đã lập ra Ủy Ban Chống Tham Nhũng để chính mình nắm đầu. Khi Trọng ra tay giành lấy quyền chống tham nhũng; nhiều nhà quan sát coi là cuộc mâu thuẫn giữa “Ðảng” và “Nhà nước” đã biểu hiện; và vội vã kết luận rằng trong keo này Ðảng đã thắng, tức là Trọng thắng.
 
Nhận xét đó càng có vẻ vững hơn khi Bầu Kiên bị bắt. Vụ bắt Bầu Kiên được thực hiện trong vòng bí mật, kín bưng, giống như cuộc hành quân của toán biệt kích tấn công vào sào huyệt Bin Laden! Một đội công an đặc biệt, do một thứ trưởng Bộ Công An cầm đầu thi hành cuộc đột kích. Mãi đến khi đi bắt Bầu Kiên họ mới thông báo cấp trên là bộ trưởng Công An biết. Như vậy là chức vụ tổng bí thư có quyền sử dụng một nhánh công an riêng, và thủ tướng chính phủ và Bộ Công An phải chấp nhận. Ai cũng nghĩ là Ba Dũng bị thua một keo nặng nề.
 
Nhưng ngay sau đó Nguyễn Tấn Dũng lại họp báo, trưng bày đủ mặt các bộ trưởng ngồi bên, Dũng tuyên bố một cách long trọng là, trái với tin đồn, chính mình đã ra lệnh đi bắt Bầu Kiên. Không những thế, Ba Dũng lại nhân dịp đó lại tự xác nhận mình vẫn là chủ tịch cái Ủy Ban Chống Tham Nhũng; một chức vụ ai cũng tưởng đã bị Nguyễn Phú Trọng giật mất rồi! Ðúng là hai bên đá banh theo lối khác nhau, và bên nào cũng tự coi mình nắm cái còi để thổi! Trước cảnh đó, người ngoài không thể biết được là ở trong nước Việt Nam hiện chỉ có một, hay là có hai cái ủy ban chống tham nhũng chạy song song? Chưa bao giờ hai ông tổng bí thư và thủ tướng lại giành nhau một cái danh hiệu như bây giờ. Mà cũng không ai biết nếu có hai cái ủy ban cùng làm một việc một lúc thì anh chủ tịch nào mới là anh có thực quyền? Chưa hết, anh nào có quyền ra lệnh sai bảo bảo công an? Ðám công an nào sẽ nghe lệnh ai? Nói chung, luật chơi hiện nay nó như thế nào? Chẳng biết sự thật ra sao cả! Nhưng đây là lần đầu tiên trong một chế độ cộng sản mối tranh chấp nội bộ được phơi bày trước mắt thiên hạ như vậy.
 
Trong cuộc họp 15 ngày, người ta tưởng là họ sẽ cùng nhau xác định lại một luật chơi thống nhất. Nhưng thất vọng. Vì ngay cả bản thông cáo cuối cùng họ cũng không dám gọi đó là một thông cáo; chỉ đưa ra dưới hình thức một bản tin, ký tên một phóng viên. Bản tin cho thấy cuộc đấu vẫn chưa ngã ngũ. Như đã phân tích trong bài trước, những điểm kết luận đưa nghe giống như những khuyến cáo, hoặc như các khẩu hiệu nghe cho vui tai nói phải làm gì nhưng không biết phải làm như thế nào. Cũng không thấy có ràng buộc nào để bắt phải thi hành hay không; rồi mai sau người thi hành có thể nói mình đã làm đúng; người chống đối sẽ bảo vẫn làm sai, cũng không có tiêu chuẩn nào để đánh giá cả. Nhìn vào văn từ của “bản tin kết thúc” chúng ta thấy toàn những điểm mập mờ muốn thi hành sao cũng được. Thí dụ, cuộc họp 15 ngày bảo các doanh nghiệp nhà nước mỗi năm phải được kiểm toán (nghe như dạy trẻ con trước khi ăn phải rửa tay!) Nhưng cả hệ thống kinh tế và chính trị ở nước ta chưa hề có những tổ chức chuyên nghiệp và độc lập làm công việc kiểm toán. Như vậy thì có bắt phải kiểm toán hàng tháng, hàng ngày cũng vậy thôi! Bao nhiêu điều khuyến cáo khác cũng tương tự! Cho nên, cuộc đấu chưa ngã ngũ, tức là vẫn như cũ, mạnh ai nấy đá banh theo lối của mình. Nguyễn Tấn Dũng không hề hấn gì hết! Có nhà quan sát đoán là sau 6 tháng hay một năm nữa, họ có thể họp lại để đánh giá việc thi hành. Ðó là cách suy nghĩ hoàn toàn lý thuyết, không hề nghĩ đến quyền hành thực sự nằm trong tay ai. Họ đã họp 15 ngày chẳng đi tới đâu, một năm nữa họp lại cũng chỉ thế thôi.
 
Cơn khủng hoảng bắt nguồn từ từ trong cơ cấu của chế độ, khi cải tổ kinh tế mà vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị xơ cứng như cũ. Toàn thể hệ thống đã hết sức sống; mất ngay cả khả năng tự thay đổi. Tình trạng rạn nứt kéo dài sẽ đưa tới nhu cầu thay đổi toàn diện, không cách nào khác.

Ngô Nhân Dụng
@nguoiviet