Thursday, October 11, 2012

VH

Đọc “Một thời oan trái” của Phan Lạc Tiếp
 
Trước tháng 4/75, Phan Lạc Tiếp có hai nghề: Nghề tay phải là đi biển và nghề tay trái là viết văn. Viết để gửi gấm những cảm nghĩ, những sự việc buồn vui của đời sông biển. Sau khi bỏ xứ qua Mỹ, ông bỏ luôn nghề tay phải cũ, sống cuộc đời mới, nghề mới. Có lúc ông được tiếng là thợ “cổ xanh”, có khi mang danh là thầy “cổ trắng” (Hình phải:Tác phẩm "Một Thời Oan Trái" Nguồn Ảnh: TQH). Lại có thời gian ông làm “cổ cò” chỉ vì cứ phải luôn ngóng tìm bóng dáng những chiếc ghe mong manh trên đại dương mênh mông. Đó là thời gian ông làm ủy viên sáng lập trong Ủy ban Báo nguy Cứu người Vượt biển. Và dù trong bất cứ nghề tay phải nào, nhịp sáng tác của ông vẫn chừng mực và đều đặn, không quá nhanh cũng không quá chậm.

Hoạt động trực diện chiến đấu chống Cộng Sản trong năm năm được nhà văn Hải quân Thiếu tá Phan Lạc Tiếp mô tả trong quyển bút ký “Bờ sông lá mục” phát hành năm 1969. Quyển này tái bản ở Hoa Kỳ năm 1997, có tăng cường một bài không tiện đăng ở lần đầu. Còn trong suốt 36 năm “lưu lạc”, ông cho ra đời 4 tác phẩm “Cánh vạc lưng trời” (1991), “Nỗi nhớ” (1995), “Quê nhà, 40 năm trở lại” (1995) và “Một thời oan trái” (2011). Giữa thời buổi sách tiêu thụ giảm dần thì đây là một việc làm gây ngạc nhiên và đáng khen ngợi. Đặc biệt là quyển sau cùng do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản, dầy trên 400 trang, lại được đóng bìa cứng tuyệt đẹp.

"Một thời oan trái” gồm 22 bài và được chia thành 2 phần. Phần 1 mang cái tựa chung là Đất Cũ Người Xưa, gồm 9 bài kể chuyện về thời thế, tập tục và những người thân với tác giả từ thưở ấu thơ ở một làng quê miền Bắc. Phần 2 gồm 13 bài viết trong Những Ngày Lưu Lạc xứ người, trong đó ông mô tả về một số nhân vật, có người ông quen thân, có người ông biết tiếng. Nhân vật dân sự thì gồm nhà văn Võ Phiến, Nhất Linh, Nguyên Phong, Hoàng Văn Chí… Và các quân nhân thì có Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Đô đốc Chung Tấn Cang, HQ Trung tá Phan Phi Phụng, Người đàn bà trên tàu 502… và chính tác giả.

Ở phần đầu Đất cũ người xưa, tôi thích nhất bài Quê Ngoại. Tác giả kể về quê ngoại và trường hợp bố mẹ ông quen nhau nghe thật… dễ thương:

“Mẹ tôi người bên Chàng. Làng Chàng cách làng (bố) tôi một cánh đồng nhỏ… ‘Biên giới’ hai làng, một cách cụ thể là hai con chó đá để ở hai bên cổng của hai làng. Hai con chó này cũng là nơi trẻ con hai làng tụ họp, cỡi lên mình chó để nô đùa và đánh nhau… Rồi trong một ngày Tết, làng Chàng mở hội tế Thành Hoàng, đón Xuân, có đánh cờ người ở sân đình. Mẹ tôi được chọn là quân xe, dì tôi là quân tượng. Cả hai mặc áo tứ thân, váy lụa, đội nón thúng quai thao, thắt bao hoa lý, đeo sà tích bạc ông vôi quả đào, nổi tiếng đẹp giòn rã, tươi vui. Chú Cửu tôi và thầy tôi là hai anh em con cô con cậu, cùng tuổi, ở sát nhà nhau nên thân nhau lắm… chẳng biết hai chú làm quen với hai cô thế nào, chỉ biết cô P. (tên dì tôi) lấy chồng trước, nửa năm sau là đến cô L. (tên mẹ tôi) cùng về làm dâu làng Nủa.”

Cũng trong phần đầu, bài tôi hài lòng nhất là “Tào Mạt”. Tào Mạt, người cùng làng, cùng thời Phan Lạc Tiếp, có chút bà con, vừa mới lớn đã hăng say theo mặt trận Việt Minh chống Pháp. Nhưng khi Mặt trận ra lệnh phá ngôi Đình uy nghi và ngôi Chùa Vĩnh Phúc của làng theo chủ trương vườn không nhà trống thì cán bộ huyện Tào Mạt ngầm ra tay ngăn cản. Ngôi Đình và ngôi Chùa được giữ nguyên nhưng Tào Mạt thì bị điều đi học tập một thời gian dài… Tác giả kể tiếp:
“Năm 1950, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, đặc biệt Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của Mặt Trận, chính anh Thục (tên thật của Tào Mạt) một đêm bên bờ sông Thao, đã nói với ông anh tôi rằng: ‘Các anh đi đi, Đây không phải là đất của các anh đâu. Đi ngay trước khi quá trễ’”. Gia đình tác giả nghe lời dời về Hà Nội rồi vào Nam ngay khi đất nước phân ly. “Các anh em sau đó đều trở thành quân nhân quân đội Cộng hòa, chống lại sự xăm lăng của quân Cộng sản, trong đó có người bạn thân, người ân nghĩa Tào Mạt”.
 
Sau tháng tư 1975, Tào Mạt vào Nam tìm gặp bạn bè xưa nhưng một lần nữa gia đình Phan Lạc Tiếp đã tìm đường lánh xa cộng sản. Tào Mạt không gặp bạn nhưng “vô tình” chứng kiến sự trù phú của miền Nam, chứng kiến lòng người miền Nam giản dị bao dung, khiến Tào Mạt dần dần thấy rõ bộ mặt xảo trá, độc ác, tham lam, bần tiện của người Cộng Sản. Những khơi dậy từ Đảng về lòng căm thù và tận lực tàn sát đồng bào ruột thịt dần dần mất hiệu lực. Khi trở về đất Bắc, Tào Mạt như tịnh khẩu, chỉ thừ người thở dài, chìm trong cơn trầm uất. Tào Mạt càng ngày càng bất mãn đến độ từ chối cả việc “trên” giao cho viết một vở chèo về “Bác” – việc làm coi như là một vinh dự đặc biệt. Sự từ chối của Tào Mạt dẫn đến kết luận của giới lãnh đạo là Tào Mạt mắc phải bệnh điên. Và Tào Mạt thà mang tiếng điên còn hơn phải mở lời ca ngợi con người đã lộ hoàn toàn bộ mặt gian xảo.

Trong những ngày buồn khổ, Tào Mạt càng nhớ những người từng đứng bên kia chiến tuyến. Rồi một ngày của năm 1992, từ nửa vòng trái đất, Phan Lạc Tiếp nhận được thư của người bạn cùng làng. Người bạn cho biết đã rời bỏ lon đại tá và “đang trải những ngày cuối cùng cuộc đời trong nhà thương vì bệnh ung thư”. Lá thư có lời tha thiết:
“Các anh hãy cố mà về để anh em còn được nắm tay nhau, kẻo chần chừ thì quá muộn. Anh em ta là những con người làng Nủa, cùng uống nước giếng Bìm mà thành người, trước sau vẫn không thay đổi…Tôi cố sống để được gặp các anh. Làm gì có chuyện kỳ thị giữa những người đã thành tình thành nghĩa từ thuở còn thơ trẻ”.
Là người từng trải nghiệm những phản trắc của người cộng sản, Phan Lạc Tiếp vẫn chần chừ. Mãi hai năm sau ông mới dứt khoát về làng cũ. Và đúng như bạn dự đoán: Quá muộn! Tào Mạt đã chết trước đó một năm. Tác giả viết: “Đứng trên căn gác ở đầu làng, nơi thiết trí bàn thờ Tào Mạt… tôi thắp 3 nến hương, vái 2 vái coi như anh còn sống, mà nước mắt bỗng chan hòa”.

Nhân vật Tào Mạt của Phan Lạc Tiếp gợi tôi nhớ nhân vật Trần trong tác phẩm Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm, vừa được Thư Ấn Quán tái bản. Các nhân vật cùng thời Tào Mạt, cùng trẻ như Tào Mạt và cùng hăng hái tham gia kháng chiến. Một hôm hai trong số họ tò mò xem màn Việt Minh xử tử Việt gian. Việt gian là một cô gái trẻ phạm tội… lấy Tây, tuổi mười tám hai mươi là cùng. Khi họ đến cánh rừng thì đã thấy
“Người con gái bị trói quặt vào một thân cây, chiếc áo cánh trắng bị xé toạc để lộ từ ngực suốt xuống bụng, hai mũi tên ghim sâu vào bộ ngực căng phồng trắng muốt… rung lên từng hồi cùng tiếng kêu cứu không dứt… Vút, mũi tên thứ ba bay đến cắm phập vào ngực trái của nạn nhân, tiếng kêu cứu lại nổi lên nhưng lần này yếu ớt hơn, rền rĩ ai oán không dứt.”
Chứng kiến cảnh đó, một chàng thì nôn thốc nôn tháo, còn chàng kia thì thấy “tâm hồn mệt mõi trống rỗng… ý nghĩa cuộc sống không còn như xưa nữa”. Và khi quyết định phải đạo đạt để xin Mặt trận hãy nương tay vì chính nghĩa, chàng thanh niên không biết rằng mình đã phạm điều luật kháng chiến tối hậu: “Thà giết lầm hơn bỏ sót”. Thế là chàng bị nghi ngờ, bị đày ải cho đến năm sau thì… mất mạng!

Tào Mạt thì bị đày ải một thời gian dài nhưng nhờ may mắn mà sống tận ngày tàn cuộc chiến. Tào Mạt cũng chỉ là một nạn nhân trong số hàng triệu thanh niên bị Đảng dối gạt đem tuổi thanh xuân của mình đi giết hại đồng bào ruột thịt của mình. Tôi cảm thông những nén hương và giọt nước mắt của nhà văn họ Phan dành cho Tào Mạt.

Ở Phần 2 của quyển sách, với tôi thì hầu hết đều rất thú vị vì những nhân vật ông nói đến đa phần là những người tôi ngưỡng mộ. Các bài viết của ông giúp tôi hiểu sâu hơn về họ. Như bài đầu tiên ông viết về nhà văn Võ Phiến, ngoài việc nêu lên nhân cách, văn tài…, ông còn ca ngợi Võ Phiến đã tinh tế vạch ra “cái dụng ý thâm sâu, ác độc của những người chủ trương cuộc chiến”. Điển hình là truyện ngắn Bắt Trẻ Đồng Xanh mô tả việc các cán bộ Việt Cộng “trong nhiều năm đã tìm mọi cách bắt đi các trẻ nhỏ tại miền quê miền Nam đưa ra Bắc. Các đứa trẻ ấy được tôi luyện, hướng dẫn để trở thành cán bộ trở về xâm nhập miền Nam, tham gia cuộc chiến.”

Phan Lạc Tiếp cũng nhắc đến cái công trình văn học đồ sộ của Võ Phiến: Bộ Văn Học Miền Nam gồm 7 quyển, dầy trên 3 ngàn trang, một nỗ lực sưu tập cá nhân từ các thư viện Hoa Kỳ chỉ nhằm gìn giữ phần nào các tác phẩm hay đẹp mang tính nhân bản của miền Nam đã bị bọn Bắc Cộng ra lệnh hỏa thiêu ngay sau khi cưỡng chiếm. Phan Lạc Tiếp phát biểu: “Công trình ấy để lại cho hậu thế, cho những ai muốn tìm hiểu về 20 năm sinh hoạt rất phong phú của miền Nam”. Cũng theo họ Phan, những công trình trước tác của Võ Phiến rất được thế giới trân trọng. Nhiều luận án tiến sĩ chọn đề tài Võ Phiến, mà chủ đề nổi bật trong sự nghiệp của ông là những nét bút mô tả sự quỷ quyệt của Cộng Sản và nêu bật chính nghĩa của nhân dân miền Nam. Kết luận bài viết, Phan Lạc Tiếp khẳng định: “Với tôi, Võ Phiến đúng là cây thông già mọc trên đỉnh núi, bốn mùa cây lá lúc nào cũng xanh tươi.”

Không còn lời khen nào đầy ý nghĩa và đúng đắn bằng. Thế mà mới đây lập trường chống Cộng của Võ Phiến bị đặt dấu hỏi chỉ vì một quyển sách của ông được in lại ở Việt Nam. Trước ông thì đã có sách “in lại” của Dương Nghiễm Mậu. Nhạc Vàng xưa cũng từng bị cấm ngặt mà nay trở thành nhạc thời thượng ở Việt Nam. Cá nhân tôi thì thấy đây là một biểu lộ của chính nghĩa tất thắng. Với một nhà văn bị Cộng sản kết tội “biệt kích văn hóa” hàng đầu như Võ Phiến, tác phẩm bị đốt sạch, nay lại được yêu cầu cho in lại, chứng tỏ sách của ông, của miền Nam, chuyên chở tình tự dân tộc và tập quán tốt đẹp của quê hương rất cần cho một xã hội Việt Nam đang sa đọa, vong thân. Đồng thời việc tái bản phải được coi như là một nhìn nhận công khai việc làm sai trái trước đây của người cộng sản. Và dù chưa có lời xin lỗi chính thức từ phía nhà cầm quyền thì việc cho tái bản này cũng đã hàm chứa ý nghĩa đó. Cây thông già càng sừng sững trên đỉnh núi.

Tới bài “Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh”, tôi đọc với lòng hoài niệm. Giống như nhà văn Phan Lạc Tiếp, tôi cũng có một thời phục vụ ở Phòng Tâm lý chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Nhưng khác với nhà văn là tôi có được khoảng thời gian nhiều tháng làm việc dưới quyền vị đề đốc này. Khi tôi đổi đi nhận nhiệm vụ mới, Hải quân Trung tá Hoàng Cơ Minh còn giữ chức Tham mưu phó Chiến tranh chính trị (1969). Lúc Phan Lạc Tiếp về làm Trưởng Phòng năm 1971, Hải quân Đại tá Hoàng Cơ Minh đã đổi đi nắm chức Tư lệnh phó Lực lượng Trung Ương. Năm 72 ông được chuyển qua nắm chức Tư Lệnh Lực lượng Thủy bộ và đến năm 74 thì vinh thăng Phó Đề đốc. Phan Lạc Tiếp kể: “Sau đó là lúc đất nước đến hồi nghiêng ngửa, tháng 3 năm 1975, tướng Minh được chỉ định ra miền Trung làm Tư lệnh Vùng 2 Duyên hải.” Chức vụ cuối cùng của ông được giao phó một tháng sau, vào ngày 2 tháng 4, là Tổng trấn Quy Nhơn. Bắt đầu với chức vụ này, tướng Minh cho… rút quân dần về phía Nam và chở theo đông đảo đồng bào. Tác giả tường thuật: “Trên đường xuôi Nam, các chiến hạm nối đuôi nhau, uy nghiêm, thứ tự như khi diễn hành thao dượt. Vẫn lá cờ xanh, một ngôi sao trắng trên cánh phải của cột cờ, phất phới tung bay…”

Đọc đến đây thì tôi dừng lại. “Vẫn lá cờ xanh, một ngôi sao trắng…”. Tâm trí tôi loáng thoáng lá cờ xanh phất phới đâu đó. Tôi lật lui, đọc lại:
“Dọc theo kinh Phụng Hiệp, từ Cần Thơ đi Sóc Trăng dài hun hút, năm 1974, gần 50 đồn bót bị Cộng quân san bằng. Tư lệnh Quân đoàn 4 ra lệnh bằng mọi giá phải xây dựng lại. Trong cuộc hành quân này vai trò của Hải Quân rất nặng nề: Dùng đường thủy mở lại đầu cầu…. dưới nước, thủy lôi như dừa khô, trên bờ, địch lẩn trong dân như trấu. Vậy mà trên chiếc xe Jeep chạy dọc theo bờ kinh dài hun hút, tướng Minh vẫn ra lệnh cắm hiệu kỳ một sao phất phới. Khi di chuyển dưới nước, khai diễn cuộc hành quân, ông ngồi trên mui chiếc Fom, đi đầu đoàn chiến đỉnh, ngôi sao bạc vẫn lấp lánh trên vai áo. … Một tràng đại liên, một quả B40 phụt ra là tất cả bộ tham mưu Lực lượng bay hết”.
Tôi tự hỏi, hình ảnh các ngôi sao “phất phới, lấp lánh” trong vùng xôi đậu ngày xưa đó liệu có “liên lụy” gì đến sự thất bại của các cuộc hành quân Đông Tiến về sau này?!

Một bài khác, bài “Một Chút Nhớ Quên”, Phan Lạc Tiếp cũng đề cập đến “ngôi sao lấp lánh” nhưng ở một quang cảnh hoàn toàn khác: Lễ bàn giao và tiếp nhận 2 Dương vận hạm Quy Nhơn HQ 504 và Nha Trang HQ 505 trong căn cứ Hải Quân Mỹ ở San Diego. Đồng chủ tọa lễ bàn giao là Phó Đề đốc Trần Văn Chơn,Tư Lệnh Hải quân Việt Nam và Đô đốc Elmo Zumwalt, Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ.

Một ngày trước khi buổi lễ chính thức diễn ra, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đến phi trường San Diego. Phan Lạc Tiếp là một thành viên trong ban tiếp đón, ghi những dòng ký sự:
“Cánh cửa phi cơ mở ra, dàn quân nhạc danh dự bùng vang điệu nhạc đón chào và lần lượt 19 phát đại bác từ một góc sân rền vang. Đô đốc Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, 4 sao trên vai áo, trong đại lễ trắng, đeo kiếm vàng bên hông ra tận chân cầu thang dơ tay chào vị khách danh dự từ Việt Nam vừa đến… Họ bắt tay nhau rồi cùng đi duyệt hàng quân danh dự. Sau hai bài diễn văn ngắn từ chủ và khách, “ông Thị trưởng thành phố San Diego được trân trọng giới thiệu tiến lên trao Chìa khóa vàng của Thành phố cho vị thượng khách….” Chứng kiến cảnh đó nhà văn suy diễn: “Dù vị Tư lệnh Hải quân Việt Nam mới có một sao, nhưng là Tư lệnh Hải quân của một nước, nên được kính trọng và tiếp rước với đầy đủ nghi thức dành cho vị Tư lệnh Hải quân một quốc gia, ngang hàng với đương kim tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ”.
“Hàng ngày vào sở ông thường ghé bàn tôi, đưa tôi đọc những bài thơ ông mới làm và yêu cầu tôi góp ý… có khi cả buổi rất là tương đắc. Chính trong lúc này ông đưa tập thơ của ông cho tôi đọc. Lúc đầu tên tập thơ (hình như) là Tâm Tình Người Đi Biển. Sau bàn cãi lung tung, nhớ những ngày dài lênh đênh xuôi ngược tuần dương, tàu đã “cày nát” cả vùng biển quê nhà, để lại phía sau những luồng sóng trắng xóa. Từ ý nghĩ đó, tập thơ của ông được đổi là Luống Biển”.
(Nhân dịp, người điểm sách xin bổ sung về các tập thơ của Hữu Phương cho đầy đủ: Luống Biển (1962), Tâm Sự người Đi Biển (1964), Neo Tuổi Vàng (1976) và hai tập thơ làm ở hải ngoại chưa kịp xuất bản thì ông mất (1988): Kiếp Lưu Đày I và II. (Hình phải:Tác giả Vũ Thất Nguồn: Trang Vũ Thất)Ông được coi như là vị sĩ quan Hải quân văn võ song toàn với cấp bậc cuối cùng là Phó đề đốc. (Theo http://tonthatphusi.centerblog.net/252-Pho-de-doc-Nguyen-Huu-Chi).
Tà tà được một thời gian ngắn, do một lỗi lầm của người khác nhưng ông dính búa, Phan Lạc Tiếp ôm ba lô về đơn vị tác chiến, bước vào chặng đường nghiệt ngã thứ nhì. Ông tham dự hành quân và tự ra lệnh mình kiêm luôn chức… phóng viên chiến trường. Các bài ông tường thuật về các cuộc đụng trận cũng đều được trân trọng đăng trên nhật báo Tiền Tuyến đồng thời được phát thanh trên đài tiếng nói Quân đội. Đến một bài ông mô tả cái chết anh dũng của vị chỉ huy Duyên đoàn, sĩ quan khóa đàn anh, ông đề cái tựa và tên người viết: “Kẻ nằm xuống bên kia rạch Sọ Dừa – Phan Lạc Tiếp”. Cái tựa được cô xướng ngôn viên đài Quân Đội đọc… một lèo khiến cả nhà ông hốt hoảng và bạn bè cho đăng phân ưu lên báo…

Bằng lối viết nhẩn nha và cẩn trọng như bản tính của ông, nhà văn Phan Lạc Tiếp tiếp tục kể lể trọn vẹn quãng đời “nghiệt ngã” của mình qua 12 năm hải nghiệp và 32 năm xa xứ (năm ông kể chuyện 2007). Quả là tôi đã hiểu rõ cuộc đời ông hơn. Đó là những trải nghiệm thật đa dạng và thú vị. Mỗi phương vị một hướng đời nghiệt ngã.Từ tác chiến sang tâm lý chiến. Từ chiến hạm đổi qua thương thuyền. Từ hàng hải về chiến tranh chính trị. Rồi đi Mỹ lãnh tàu. Rồi về nước. Rồi trở lại Phòng Tâm lý chiến làm xếp sòng. Sau đó, ông đi học tham mưu. Sau đó xuống tàu làm Hạm trưởng, lên bờ làm Thanh tra. Rồi sau cùng ông dọt qua Mỹ… ở luôn tới giờ!

“Tới giờ” tính ra đã dài gấp ba lần thời gian hải nghiệp nhưng ông chỉ đề cập vắn tắt dăm ba công việc đã làm. Dăm ba việc nhưng đều là việc lớn: Xuất bản 4 quyển truyện và ký. Soạn thảo và phát hành công trình bề thế "Lịch sử Hải quân Việt Nam Cộng Hòa" (gọi tắt là Hải Sử 2004) và công tác Vớt người biển Đông kéo dài hàng chục năm. Xin để phần còn lại của 400 trang Bút ký nêu ra chi tiết. Chỉ ghi lại đây những dòng cuối cùng Phan Lạc Tiếp kết luận về quãng đời đã qua của mình: “Trong thời đại loạn triền miên mà mang tấm lòng “Quốc văn giáo khoa thư” ra hành xử, thì sống được đến hôm nay, quả là một phép lạ. Đúng như lời ông thân sinh tôi đã nhắc: “Lập thân tối hạ thị văn chương”! Quả là vậy, nhờ ông nghe lời thân phụ không sống bằng nghề cầm bút mà chỉ hành nghề tay trái cho vui nên dù rằng đời ông có nhiều chặng đường nghiệt ngã nhưng chưa từng lâm vào cảnh…“khốn khổ nhất”!

Tôi mới chỉ bàn sơ dăm ba “cốt truyện” trong tổng số 22 mà đã khá dài. Rất may là việc đánh giá nội dung và hình thức của tác phẩm “Một Thời Oan Trái” đã có nhiều nhà văn tên tuổi từng lên tiếng ngợi khen. Trước hết là nhà văn Trần Phong Vũ qua bài “Khi tình người cạn kiệt…”, Nguyễn Mạnh Trinh với: “Từ Bờ Sông Lá Mục đến Một Thời Oan Trái", và Lưu Na với: “Phan Lạc Tiếp: Những Mảnh Hồn Quê”. Ngoài ra, còn một nhận xét rạch ròi của Võ Phiến về kỹ thuật viết văn của Phan Lạc Tiếp trong bộ Văn Học Miền Nam từ trang 2093 đến 2098. Tôi xin trích vài dòng:
“Đọc ký của ông, dễ nghĩ đến truyện; và khi đọc truyện của ông tôi nhiều lần lờ mờ nghĩ đến thể ký…Ký của ông có tham vọng sáng tạo… Ký ấy thường có cái cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật, có dấu vết của một xây dựng đắn đo”. Còn truyện của ông là “thứ truyện tích lũy ngồn ngộn chất liệu sống. Nó không hư, nó thực (mặc dù lắm lúc thực một cách ly kỳ)”.
 
Nói tổng quát, “Một thời oan trái” là một quyển sách thuộc loại rất đáng đọc cho nhiều thế hệ. Dù được viết bằng thể văn ký sự nhưng nhờ tác giả khéo léo lồng vào giọng điệu tâm tình nên đọc mà thấm. Tập bút ký không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một hồ sơ hình ảnh bạo tàn của chiến tranh. Nó còn là chứng cứ của hàng triệu người tan nhà mất nước, với trùng diệp ngang trái oan khiên… 
 
Và càng đọc càng thấy thấm! Khi gấp lại tập bút ký, không thể không đặt câu hỏi: “Ai đã gây ra một thời oan trái đó?”
 
Vũ Thất