Friday, October 26, 2012

BC

Cái chết của một tờ báo

 Giữa tháng 10 vừa qua, có một tin làm chấn động giới truyền thông quốc tế: tờ báo Newsweek tuyên bố sẽ đình chỉ hoàn toàn việc xuất bản dưới hình thức giấy in vào cuối năm nay để chuyển hẳn sang hình thức mạng.
 
Ðể hiểu tại sao lời tuyên bố ấy được xem như một quả bom (bombshell), chúng ta cần biết tầm vóc cũng như sự quan trọng của Newsweek trong lãnh vực truyền thông của Mỹ cũng như của thế giới nói chung.

Ðược thành lập từ năm 1933, Newsweek là một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ. Ðúng ra, nó lớn hàng thứ hai, chỉ sau tờ Time về cả số lượng ấn hành cũng như số quảng cáo. Xuất bản hàng tuần, Newsweek có bốn ấn bản bằng tiếng Anh và 12 ấn bản toàn cầu (global edition) dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Trụ sở chính đặt tại thành phố New York, nhưng Newsweek có đến 22 văn phòng: 9 ở Mỹ (New York, Los Angeles, Chicago, Dallas, Miami, Washington D.C., Boston và San Francisco) và 13 ở ngoại quốc, bao gồm các nơi: London, Paris, Berlin, Moscow, Jerusalem, Bagdad, Tokyo, Hong Kong, Bắc Kinh, Nam Á, Cape Town, Mexico city và Buenos Aires.

Có thời gian Newsweek trở thành một trong vài tờ báo được đọc nhiều nhất thế giới. Ví dụ, năm 2003, số ấn bản hàng tuần của nó lên đến trên bốn triệu, bao gồm 2.7 triệu số bán ở nước Mỹ, còn lại là trên khắp thế giới. Newsweek trở thành nguồn cung cấp thông tin và cách diễn giải thông tin chính cho dân chúng Mỹ và giới trí thức khắp nơi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, số ấn bản của Newsweek không ngừng đi xuống. Năm 2008, số ấn bản hàng tuần chỉ còn 2.6 triệu; năm 2009, 1.9 triệu và đầu năm 2010, một triệu rưỡi (trong đó số báo bán được ở các sạp chỉ còn khoảng 40,000 tờ mỗi tuần). Ấn bản bằng tiếng Nga (ra đời vào năm 2004) bị đóng cửa.

Cùng với sự sút giảm của ấn bản được phát hành, thu nhập từ quảng cáo cũng bị sút giảm trầm trọng: mỗi năm giảm khoảng gần một nửa.
 
Hậu quả là tờ báo bị lỗ rất nặng. Năm 2008 lỗ 16 triệu; năm 2009 lỗ 29.3 triệu; trong quý đầu tiên của năm 2010, lỗ 11 triệu. Tháng 11 năm 2010, Newsweek phải hợp nhất với tờ báo mạng The Daily Beast để thành công ty Newsweek Daily Beast Company. Sự phân công như sau: Trong khi The Daily Beast tập trung vào việc phân tích các vấn đề thời sự quan trọng, Newsweek tập trung vào những bức tranh lớn với những sự phân tích theo chiều sâu nhằm phục vụ những độc giả trí thức.

Sự hợp nhất ấy mang lại thành công cho tờ báo mạng The Daily Beast hơn là tờ báo giấy Newsweek: số ấn bản (in) của Newsweek tiếp tục bị giảm; số người đăng ký để đọc tờ báo ấy trên mạng cũng chỉ mới manh nha (27,000 người), trong khi đó, số người truy cập tờ The Daily Beast tăng vọt lên đến 15 triệu mỗi tháng (tăng 70% so với năm ngoái).

hính sự thành công của tờ báo mạng The Daily Beast đã khiến ban giám đốc của Newsweek (cũng đồng thời là của The Daily Beast) quyết định đóng cửa Newsweek dưới hình thức in để từ đầu năm 2013, chỉ xuất hiện dưới hình thức mạng.

Ðằng sau cái chết của tờ báo giấy Newsweek, như vậy, là vấn đề thương mại. Trong năm vừa qua, thu nhập chính của Newsweek là từ báo in (70 triệu từ quảng cáo và 80 triệu từ việc bán báo). Lương trả cho các phóng viên (tổng cộng 122 người) chỉ khoảng 15 triệu. Tuy nhiên, các chi phí khác, từ việc in đến việc phát hành tờ báo đến độc giả cũng như các sạp báo lại quá lớn. Lấy thu trừ chi, tờ báo lỗ mỗi năm đến mấy chục triệu!

Những gì đang xảy ra với Newsweek, thật ra, cũng đang xảy ra ở hầu hết các tờ báo khác.

Trong bài “A note on Newsweek (long) (updated)” đăng trên The Atlantic, James Fallows ghi nhận số ấn bản của cả ba tờ báo lớn nhất ở Mỹ - Time, Newsweek và U.S. News - đều bị giảm liên tục từ 1988 đến 2008.

Không những giảm số báo bán được, theo Katerina-Eva Matsa, Jane Sasseen và Amy Mitchell trong bài “Magazines: by the numbers,” số lượng quảng cáo trên các báo từ năm 2001 đến nay cũng giảm:

Hai nguồn thu nhập chính của các tờ báo là tiền bán báo và tiền quảng cáo. Khi cả hai cùng giảm và xu hướng sút giảm của cả hai càng lúc càng nhanh, tương lai của báo in không có gì sáng sủa cả.

Dĩ nhiên, cái chết của tờ báo in Newsweek hay bất cứ một tờ báo in nào khác, dù phổ thông, nổi tiếng và có ảnh hưởng đến mấy, cũng không phải là dấu chấm hết của truyền thông cũng như của thói quen đọc của quần chúng. Không đọc trên giấy thì người ta đọc trên mạng. Ở đây chỉ là vấn đề chuyển đổi hình thức đọc.

Cái chết của Newsweek trên hình thức giấy chỉ cho thấy một điều: Chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều thay đổi. Những thay đổi ấy tuy lặng lẽ nhưng rất lớn lao. Nhiều người gọi đó là cách mạng: cách mạng truyền thông, một trong những cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nguyễn Hưng Quốc