Saturday, August 21, 2010

Phạm Văn Tiền


Cuộc hành quân Cửa Việt 1973

Trong khi đang giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, tôi được lệnh thuyên chuyển về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến vào giữa tháng 11 năm 1972, đang lúc đơn vị đang hành quân. Tôi thay thế Đại úy Phước, còn Trung tá Nguyễn Đằng Tống thay thế Trung tá Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Quang. Đây là một sự thay đổi khá bất ngờ và chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi. Lẽ dĩ nhiên khi thượng cấp đã quyết định thì có tính toán kỹ lưỡng rồi. Tôi chẳng bao giờ thích xáo trộn trong cuộc sống thường ngày, nhất là phải rời xa đơn vị Trâu Điên mến yêu, nơi mà tôi đã có quá nhiều kỷ niệm cùng đồng đội, thuộc cấp trong suốt 8 năm liền, kể từ lúc mới ra trường. Tôi mến và yêu thương những người lính thuộc Trung đội đầu tiên của tôi biết bao. Chúng tôi đã cùng thề sống chết có nhau, chia ngọt xẻ bùi, chịu đói chịu khổ trong những giờ phút sinh tử nhất của chiến trường… Và cuộc chiến thì thật tàn khốc, nó đào thải và gạn lọc cuộc sống, may mắn còn lại thật hiếm hoi và hao mòn từng ngày một. Thôi, đã là lệnh thì cứ phải thi hành.


Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đang nằm trên chạm tuyến Long Quang, cực Bắc về hướng Đông, sát bờ biển Gia Đẳng. Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng bình thường hóa những sự việc đã xảy ra cho đơn vị này suốt tháng nay: tổn thất và tinh thần không được khả quan lắm. Vượt ra ngoài những lo lắng bâng quơ lúc đầu, tôi đã không mấy khó khăn để làm quen với đơn vị mới. Địch vẫn pháo kích mãnh liệt và thường xuyên vào vị trí Tiểu đoàn nhưng bù lại các pháo đội cơ hữu của ta cũng yểm trợ phản pháo thật hết mình. Nơi địa đạo, dưới hố sâu… các chiến sĩ Kình Ngư luôn ghì chặt tay súng chờ địch từng giờ, từng phút trong rét mướt của những cơn mưa dầm tầm tả của mùa giông bão nơi vùng địa đầu giới tuyến.

Hệ thống phòng thủ và nhân sự được tổ chức lại, tăng cường thêm. Chúng tôi có mặt thường xuyên với binh sĩ trên tuyến đầu, cùng các Đại đội trưởng bàn bạc kế hoạch, dự trù mọi tình huống có thể xảy ra… Địch lại ra sức mở cuộc tấn công mới, nhưng nhờ có chuẩn bị chu đáo cùng sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh, các chi đội chiến xa tăng phái, và nhất là lòng quyết tâm cao độ của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến nên chiến thắng đã về với đơn vị. Hơn 4O vũ khí các loại bị ta tịch thu và nhiều xác địch nằm ngổn ngang quanh vị trí phòng thủ.

Tiểu đoàn được lệnh lui về Hương Điền để nghỉ dưỡng quân, tái trang bị sẵn sàng cho cuộc hành quân kế tiếp. Đại úy Dương Công Phó của Tiểu đoàn 5, sau khi mãn khóa học Đại đội trưởng, được bổ sung làm Đại đội trưởng Đại đội 1, thay thế Trung úy Xuân đang xử lý thường vụ. Đại úy Nguyễn Trí Nam từ Trung tâm Huấn luyện về làm Trưởng ban 3, bên cạnh các Đại đội trưởng cũ như: Trung úy Dương Tấn Tước của Đại đội 4, Đại đội 3 Trung úy Mai Văn Hiếu, Đại đội 2 Trung úy Ngô Hữu Đức, Trung uý Trần Kim Tài Đại đội chỉ huy. Họ là những cấp chỉ huy trẻ, độc thân, gan dạ, tận tụy hết lòng với đơn vị và thuộc cấp. Trừ “sao mai” Tài là Thủ Đức, còn tất cả đều xuất thân từ quân trường Đà Lạt như tôi và Trung tá Tống, Tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi đã sống với nhau trong tình “Huynh đệ chi binh” đậm đà và đáng quý vô cùng.

Đơn vị lại được lệnh lên đường với cuộc Hành Quân Tiến Chiếm Cửa Việt. Đây là cuộc hành quân đặc biệt nhằm mục đích dùng quân sự để hổ tương chính trị. Ngoài vũ khí đạn dược được trang bị, mỗi người lính phải mang thêm trong ba lô 5 lá cờ để sẵn sàng cắm lên vị trí vừa chiếm được. Tôi đã từng có mặt trong những ngày nóng bỏng của cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, tôi đã hiện diện suốt tất cả các cuộc hành quân Sóng Thần 1972 nhằm tái chiếm Quảng Trị … mà sự tiến quân nhanh hay chậm còn phải tùy thuộc vào tình hình, địa thế mỗi nơi. Còn đây là cuộc hành quân Thần Tốc, thời gian được ấn định thật chi ly, từng giây phút một vì nó cần thiết cho Hiệp định Quốc tế. Chỉ vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng 27/1 đến 8 giờ sáng ngày 28/1/73. Bằng mọi cách, các đơn vị tham chiến phải thanh toán cho xong mục tiêu, trên một địa thế toàn là đồi cát trắng, dày đặc chốt địch và mìn bẫy.

Tham dự cuộc hành quân này là lực lượng đặc nhiệm Tango do Đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lệnh phó chỉ huy. Gồm các Tiểu đoàn 2 và 4, sau đó được tăng cường thêm 3 Đại đội của Tiểu đoàn 9 cùng 1 Đại đội của Tiểu đoàn 5 làm Nổ Lực Chính. Cả 3 Tiểu đoàn Pháo binh cơ hữu của Thủy Quân Lục Chiến và 1 Thiết đoàn 2O chiến xa, được tăng phái để yểm trợ cuộc hành quân. Tôi, Tiểu đoàn phó cùng phối hợp chỉ huy với Thiếu tá Hoàng Kiều, Thiết đoàn phó, tại tuyến xuất phát. Mục tiêu chính là phải lấy lại cho bằng được căn cứ Hải quân mà ta bỏ lại sau trận chiến 1972, nằm trên cửa khẩu của nhánh sông Hiếu Giang, chảy từ Đông Hà về biển Đông, cách chúng tôi khoảng 12 km đường chim bay.

Pháo binh đã cày nát mục tiêu 3O phút trước giờ G ấn định, chiến xa M.48, M.41 với hỏa lực thật hùng hậu xung kích đồng loạt cùng các Đại đội Bộ binh tùng thiết trên các chiến xa M.113. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hành quân của Thủy Quân Lục Chiến, ta dùng chiến thuật “biển người”, tràn ngập, phủ đầu địch. Bị đánh bất ngờ, địch tháo chạy, bung tuyến… ta bắt sống khoảng 6O tù binh với toàn vẹn vũ khí. ở sườn trái, về phía Tây, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến vẫn tiến quân, nhưng có phần chậm hơn vì phải vượt qua những khoảng trống không an toàn.

Bị thua đau, địch tăng viện thêm một Trung đoàn, cùng chiến xa PT.54 và PT.59, đồng loạt phản công vào quân ta. Đã có vài chiến xa M.48 và M.41 của ta bị hư hại tại chỗ vì trúng phải hỏa tiễn tầm nhiệt AT.3 cùng nhiều thương binh cần được di tản về tuyến sau. Đúng 8 giờ đêm cùng ngày, ta chỉ mới nuốt được có nửa đoạn đường, với số tổn thất đáng kể nhưng vẫn phải tiếp tục nuốt tiếp đoạn đường còn lại. Tôi được lệnh để 2 Đại đội 3 và 4 bám chặt những vị trí vừa chiếm giữ, rồi cùng Đại đội 2 của Đại úy Đức lui về tuyến sau nhận lệnh mới.

Bộ Chỉ huy Hành quân quyết định tăng phái thêm Đại đội 2 của Đại úy Từ Đức Thọ và Đại đội 4 của Đại úy Trần Đình Công, thuộc Tiểu đoàn 2 dưới quyền chỉ huy của tôi cùng phối hợp với các chi đoàn chiến xa còn lại của Thiết đoàn 2O. Kế hoạch mới lại là một cuộc hành quân chớp nhoáng, nhị thức Bộ binh – Thiết giáp, nhằm thẳng tiến về hướng Bắc, dọc theo bờ biển mà không còn phải lo sợ cản trở bởi bất cứ ổ kháng cự nào. Đây là một cuộc hành quân liều lĩnh vì sườn trái của ta bị hỗng hoàn toàn… Lại tạo thêm một bất ngờ mới, ta di chuyển ào ạt hơn, vì không thể đoán biết được ý định của ta nên địch trở tay không kịp. Đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28/1/1973 nghĩa là trước giờ Lệnh Ngưng Bắn có hiệu lực chỉ có 2 phút, quân ta đã làm chủ tình hình !

Các Chi đoàn trưởng Đại úy Xứng và Đại úy Lê Nam cùng tất cả các chiến sĩ Cọp Biển tham dự hành quân đã hoàn tất nhiệm vụ một cách xuất sắc: Cả rừng cờ Việt Nam Cộng Hòa đã ngạo nghễ tung bay trước gió, trên vùng trời Cửa Việt. Về phía địch, cờ “Mặt trận giải phóng miền Nam” cũng được trương lên ở các vị trí mà họ chiếm giữ.

Lần đầu tiên, cả tháng qua mới có ngày nắng ấm như hôm ấy. Bầu trời trong với những tia nắng đẹp lung linh chiếu vào mặt biển, hòa cùng những cơn sóng đập ì ạch vào bờ như tiếng vỗ tay nhịp nhàng đón chào một ngày hòa bình mới ! Binh sĩ ta và địch đã quên đi lệnh CẤM tiếp xúc, cùng ôm nhau hoan hô hòa bình. Thôi, không còn chiến tranh khốc liệt tương tàn, họ mời nhau từng điếu thuốc, bao gạo sấy, thẻ lương khô, viết cho những chữ ký lưu niệm chiến trường… Cả hai bên, đã có nhiều người khóc, những giọt nước mắt dành cho bạn bè, đồng đội đã ngã xuống hôm qua. Trong những giờ phút cuối cùng này, mãi tận Paris, nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất, một Hiệp Định đã được ký kết và đã có hiệu lực với chúng tôi, tiếng súng đã ngừng nổ!

Rồi có lệnh cho chúng tôi tiếp tế, tải thương, tái trang bị lại càng nhanh càng tốt, phải đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Họ, những tên Cộng sản đầu nảo hiếu chiến đã lợi dụng ngưng bắn để tấn công. Bài học Tết Mậu Thân đẫm máu và biết bao vụ vi phạm đã xãy ra trong quá khứ lại tái diễn, làm sao có thể tin được họ !

Lệnh cấm tiếp xúc với địch lần này được áp dụng gắt gao hơn, có lẽ về phía địch cũng thế, họ đã biến mất tự lúc nào và đã có loa tuyên truyền lên án ta vi phạm ngưng bắn ! Tình hình có chiều hướng căng thẳng ngay vào chiều hôm đó. Đến 9 giờ đêm cùng ngày, địch tập trung quân bao vây và áp lực, Đại đội 2 của Đại úy Từ Đức Thọ phải rút ra khỏi vị trí đồn Hải quân mà ta đã chiếm được từ sáng sớm. Để bảo toàn lực lượng và chờ đợi sự can thiệp của ủy ban Liên hiệp Kiểm soát Đình chiến… nên ta có lệnh rút về phòng thủ với toàn bộ Chỉ huy nhẹ tại sát nách bờ biển gần cửa khẩu.

Địch lại bắt đầu pháo kích, đe dọa tấn công ta. Chúng tôi được lệnh tự chống trả mà không có yểm trợ. Các pháo đội Pháo binh ta sẵn sàng trực chỉ nổ súng… nhưng không được lệnh. Tàu chiến Hải quân Việt Nam lảng vảng ngoài khơi mà chẳng có một sự can thiệp nào !

Sáng sớm ngày 31/1/73 sau hơn 3 ngày nằm đêm nằm phòng thủ tại chỗ chịu trận, chúng tôi như những võ sĩ bị trói chặt tay bỏ lên sàn đánh. Mặc cho địch thủ tung hoành tới tấp mà chỉ có khả năng cựa quậy để tránh đòn đau. Cục đường khi đã nằm trên miệng ổ kiến thì cứ thế mà hao mòn dần ! Không còn gì nữa để mà trông chờ sự xuất hiện của những người điều hành trong ủy ban Liên hợp Quân sự Quốc tế. Các ủy viên thừa hành của các nước Cộng sản đời nào chịu chấp nhận sự thua thiệt về phía họ. Còn chúng ta, những người yêu lý tưởng tự do, luôn tin tưởng vào nền công lý và luật pháp đã bị thua thiệt bởi trò chơi chính trị bỉ ổi này. Còn gì vô lý hơn khi ta bị ép ký vào một bản hiệp định chấp nhận sự hiện diện của bọn cướp ngay trên đất nước mình bằng giải pháp “da beo, da cọp”!

Địch đã rảnh tay, không còn vướng bận trên trận tuyến nào nên dồn hết lực lượng về đây: từ Bắc xuống, từ Tây sang, bọc hậu phía Nam . Nghĩa là chúng tôi bị bao vây tứ bề vì sườn phía Đông lại là biển nước mênh mông. Suốt đêm qua, Đại tá Tư lệnh phó, người trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân này, đã liên lạc thường xuyên với chúng tôi vì lo sợ sự tràn ngập của địch. Còn chúng tôi, những người lính tác chiến của Trâu Điên, Kình Ngư đại diện của một binh chủng hùng mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, chẳng bao giờ để địch làm được điều này. Giờ đây cũng vẫn chưa có lệnh gì cho chúng tôi ngoại trừ lời an ủi: Đợi Chờ ! Chờ đợi một giải pháp chính trị.

Chúng tôi đang gặp nhiều vấn đề nan giải:

- Hơn một phần ba chiến xa bị hư hại vì pháo địch.
- Thiếu nước uống, lương thực và đạn dược cạn dần
- Nhiều thương binh và xác đồng đội cần được chuyển về tuyến sau.

Quả đúng như điều tiên đoán, Bộ binh địch có chiến xa yểm trợ đã bắt đầu kéo quân ào ạt vào tuyến. Trung đội tiền đồn của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 phải di tản vào tuyến trong. Xạ thủ Đại úy Lê Nam, Chi đoàn trưởng tài ba gan dạ, đã diệt gọn 2 chiếc T.59 đang mon men về hướng ta. Tất cả hỏa lực mạnh mẽ nhất của ta cùng lúc nổ thẳng vào địch, thêm vài chiến xa địch bị hạ tiếp. Rồi chính anh đề nghị tôi nên di tản chiến thuật, anh sẽ ra tòa chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, cho dù tôi có đồng ý hay không.

Và tất cả các chiến xa còn lại của Thiết đoàn 2O do anh dẫn đầu ra khỏi tuyến phòng thủ sau đó. Chúng tôi những kẻ may mắn sống sót trở về, nhưng còn gì đau đớn hơn khi phải bỏ lại sau lưng bao xác đồng đội và thuộc cấp của mình ! Những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã anh dũng chiến đấu và hết lòng tuân lệnh cấp trên cho đến những giây phút sau cùng.

Hãy vinh danh và mãi mãi nhớ ơn các chiến sĩ Cọp Biển đã hy sinh trong trận đánh này, cũng như những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã can trường bất khuất trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam thân yêu của chúng ta.

Thiếu Tá Phạm Văn Tiền

12/8/2010

Nguồn hungviet