Tuesday, August 24, 2010

Âm nhạc VN


Nhạc lính

Xin nói ngay, dù sử dụng từ “nhạc lính”, tôi không có ý định (và khả năng) để bàn về là nhạc lý mà chỉ bàn về lời ca. Và lính ở đây là lính Việt Nam Cộng Hòa.

Qua 70 năm âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, chúng ta có nhiều loại nhạc khác nhau, tùy cách phân định, tùy thời kỳ, hay tùy xu hướng: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc hùng, nhạc lính, nhạc bộ đội, nhạc sến, nhạc sang, nhạc chiến đấu, nhạc cách mạng, vân vân. Nói cho đúng, phải gọi là nhạc và lời. Đó là những “bài hát” = bài để hát. Hoàng Ngọc-Tuấn, trong một bài phỏng vấn của đài phát thanh Úc, gọi chung là “nhạc phổ thông” (popular music)(1).

Nếu những câu ca dao, nhờ vần điệu, dễ nhớ, dễ dàng đi vào tâm hồn con người (hò ru em chẳng hạn) thì ca khúc phổ thông, nhờ các giai điệu đơn giản được lập đi lập lại, dễ dàng thấm sâu vào tâm cảm. Qua đài phát thanh, qua các băng đĩa nhạc, ca khúc được phổ biến rộng và sâu hơn tất cả mọi hình thái nghệ thuật khác. Nhờ âm điệu mà lời (kể cả những lời ngây ngô nhất) cũng trở thành sinh động. Những câu văn, câu thơ bóng bẩy, đầy ẩn dụ, bỗng trở thành trơn tru, dễ hiểu. Khi hò, người ta cần những câu có vần có điệu; nhưng khi hát, có vần thì tốt, không vần cũng chẳng sao. Nhạc đã chuyển văn, thậm chí chuyển những câu nói, thành “vần”.

Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình/Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau/ Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi/Hình em tóc ngang vai lượt giắt với hoa cài… Đây là một trong những ca khúc mà tôi rất thích vào những năm còn học Đệ Tứ, Đệ Tam (lớp 9, lớp 10), vào lứa tuổi 14, 15 lúc mới bắt đầu tập tễnh biết “cua” (tán) gái. Nếu đọc, bốn câu trên chỉ là một loại văn xuôi khá bình thường. Nhưng khi hát, ta có cảm tưởng chúng có vần điệu. Như thơ. Chữ, câu trở thành dính, kết với nhau như trong những câu ca dao. Có thể nói, giai điệu nhạc trở thành phương tiện chuyên chở tuyệt hảo. Tuyệt hảo đến nỗi, không những làm cho loại lời ca đơn giản mộc mạc như bài “Tấm ảnh ngày xưa” nói trên, mà còn làm cho loại câu cấu trúc khác lạ như “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” hay “Vết lăn trầm/Từ hoang xưa dấu thân anh rã mềm/Như mắt thầm” cũng biến thành trơn tru, dễ nghe mặc dù…khó hiểu/hay có khi không hiểu gì cả.

Lời ca được sự hỗ trợ của nhạc tác động rất mạnh trên các sinh hoạt văn hóa, nhanh và nhạy hơn cả văn lẫn thơ. Chúng sớm trở thành một công cụ phát triển văn hóa, đồng thời cũng là một công cụ tuyên truyền hữu hiệu, gây ảnh hưởng lâu dài. Chính vì thế, mà ca nhạc góp phần mạnh mẽ hình thành nếp sống tinh thần của người dân, nhất là thế hệ mới lớn. Không những thế, có khi chúng còn uốn nắn cả tư tưởng và tình cảm con người. Chúng gần như trở thành món ăn tinh thần cho cả một thế hệ. Chẳng hạn trường hợp Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Nếu cả hai mà là nhà văn hay nhà thơ thì chắc chắn cũng nổi tiếng, nhưng sẽ thua và thua rất xa một Trịnh Công Sơn hay một Phạm Duy viết nhạc. Nhạc của họ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến nỗi họ luôn luôn là đề tài tranh cãi nóng bỏng mỗi khi được đề cập đến.

Thơ thì tôi cũng thuộc, nhưng chỉ nhớ lơ mơ. Nhớ câu trước quên câu sau, hay chỉ nhớ vài đoạn mình thích. Vả lại, thơ thì chỉ đọc thầm. Lời nhạc thì hát lên, hát to. Hát cho người khác nghe. Tôi lớn lên trong âm hưởng của những “Khúc ca ngày mùa”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Ngày trở về”, “Trăng thanh bình”, “Tình anh lính chiến”, “Ai lên xứ hoa đào” hay “Duyên kiếp”, “Tấm ảnh ngày xưa”… Lớn hơn chút nữa, là những “Nỗi buồn gác trọ”, “Nửa đêm ngoài phố”, “Đêm đô thị”…Các ca khúc vang vang qua các đài phát thanh, qua những đêm ca nhạc ngoài trời, qua những sáng Chúa Nhật thi hát ở rạp Quốc Thanh được trực tiếp truyền thanh hay qua chương trình “Nhạc yêu cầu” hàng tuần ở các đài phát thanh địa phương.

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát/Ánh trăng xanh chiếu qua làng xơ xác/Chiếu hồn về bao khúc ca ngày mùa (Khúc ca ngày mùa/Lam Phương)
Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang (Gạo trắng trăng thanh/Hoàng Thi Thơ)

Cho đến giờ này, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mà âm hưởng của những khúc hát như thế vẫn đọng lại trong tâm tưởng. Gần gũi, thân thương, nồng nàn. Thậm chí cả bài ca “Xổ số kiến thiết” mà Trần Văn Trạch hát trong những chiều xổ số hàng tuần (hình như vào ngày thứ tư) cũng không rời bỏ được ký ức vốn đã chật ních hàng khối kỷ niệm buồn vui của đời người. Chúng nhắc đến những ngày tuổi thơ thanh bình và ngập tràn mơ ước. Có thể nói: chúng tạo thành những ẩn dụ mà người ta “sống trong” và “sống với”. Chúng mạnh đến nỗi (ở một mức độ nào, có thể nói) tạo nên một số quan điểm sống. Lắm khi, cả lập trường chính trị. Người ta có thể không xem tranh, không đọc sách nhưng rất dễ dàng nghe hát. Xem tranh, đọc sách là tự mình mình xem, mình đọc. Còn hát, nếu mình không hát, đã có người hát giùm cho mình nghe. Mà không nghe cũng không được. Không thích, không muốn cũng phải nghe. Nghe riết thành quen. Quen lời, quen âm điệu. Chúng thấm vào vô thức lúc nào không hay. Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Chao ôi, dù đã đọc bao nhiêu truyện, đã đọc bao nhiêu tài liệu nghiên cứu “cao cấp” về tình yêu và đã…yêu, câu hát ví von thời xa xưa đó vẫn cứ dai dẳng trở đi trở lại trong tôi. Mỗi khi suy gẫm về tình yêu đôi lứa!

Đọc tiếp toàn bài : Nhạc lính

Trần Hữu Thục
3/2010
Nguồn damau