Monday, November 7, 2011

Vũ Cao Đàm


Vụ đàn áp khoa học đẫm máu nhất

thế kỷ XX ở Liên Xô


Trong thế hệ thanh niên Việt Nam trưởng thành sau 1954, cả người từng học ở LX trở về cũng như người học ở trong nước và công tác tại miền Bắc, hình ảnh LX đều để lại trong tâm hồn rất nhiều ấn tượng đẹp (những bài hát Đôi bờ, Thùy dương, Khúc hát nàng Solveg, Chiều Mascơva… bộ phim Đàn sếu bay, những bà mẹ Nga chất phác và nồng hậu, những tính cách Nga cực kỳ thẳng thắn dễ thương…). Nhưng phía sau mặt phải dễ nhìn thấy kia lại cũng có một mặt trái của LX mà ít người nhìn thấy. Dưới đây là hồi ức của GS Vũ Cao Đàm, người từng có dịp chứng kiến cái phía ít người nhìn thấy đó; mục đích của ông là muốn tâm sự với chúng ta một vài điều mà chính chúng ta phải tự rút ra bài học để tránh cho mình những tổn thất, bởi chúng ta đang sống trong chính cái cơ chế mà Liên Xô đã trải qua và với trí thức nước họ, nay… chỉ còn là một dĩ vãng-Bauxite Việt Nam-

Trong các nước XHCN, khoa học là do Đảng Cộng sản (ĐCS) lãnh đạo.

Vụ án di truyền học ở Liên Xô do Lưxenko(Trofim Denisovich Lysenko ), Chủ tịch Viện Hàn lâm Nông nghiệp, đã nhân danh Đảng CSLX chủ xướng có thể xem là một vụ đàn áp khoa học đẫm máu nhất thế kỷ XX, đáng xem là một bài học đắt giá về sự lãnh đạo của ĐCS đối với khoa học.

Câu chuyện được bắt đầu khi thuyết Mendel-Morgan được truyền bá vào Liên Xô với Vavilov là một đại biểu của trường phái này.

Vavilov khi đó là Viện trưởng Viện Di truyền học thuộc Viện hàn lâm Nông nghiệp Liên Xô, cũng chính là người thành lập và lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp từ trước năm 1935. Năm 1938, sau khi hai vị Chủ tịch kế nhiệm của Vavilov là Muralov và Meister bị bắt và bị tử hình thì Lưxenko đã giành ngay được chức vụ này. Năm 1940 Vavilov cũng bị bắt, và đầu năm 1943 ông bị chết trong tù. Lưxenko đã giành nốt chức Viện trưởng Viện di truyền học cũng do Vavilov thành lập. Lưxenko nhanh chóng lợi dụng chức Viện trưởng của chính Viện nghiên cứu về di truyền học để mở chiến dịch tấn công di truyền học. Nhiều nhà sinh học lỗi lạc như Viện sĩ Zhebrak, Zavadovski, Zhukovski, Nemtchinov và Rapoport đã lên tiếng bảo vệ cho sự tồn tại của trường phái khoa học này.

Tuy nhiên, Lưxenko đã dùng quyền lực trong Đảng và trong khoa học tuyên bố chỉ cho phép tồn tại một trường phái mà ông chủ trì trong ngành sinh học Xô viết. Đó là trường phái non-Mendel, đồng thời trực tiếp chỉ đạo việc đàn áp những nhà di truyền học đi theo Mendel và Morgan, gán cho họ tội danh “truyền bá chủ nghĩa duy tâm tư sản phản động”.

Làn sóng khủng bố lan rộng. Hàng loạt nhà khoa học bị gọi tới cơ quan để viết kiểm điểm và buộc tuyên bố từ bỏ “trường phái khoa học phản động”. Ai không chấp nhận thì bị đuổi khỏi cơ quan. Những người là đảng viên thì bị yêu cầu phải thừa nhận sai lầm trước Đảng. Nhiều người đã không làm như vậy, chẳng hạn Rapoport đã đến cơ quan Đảng để trả thẻ đảng và xin ra Đảng; Nhà sinh lý học thực vật Sabinin bị đuổi khỏi Đại học Matxcơva, bị chuyển đến Krưm, và đã tự sát; Hiệu trưởng Đại học Gorki đã gọi Chủ nhiệm Bộ môn Di truyền học Tchetverikov yêu cầu thay đổi quan điểm, nhưng ông không chấp nhận và đã bị sa thải; Bộ trưởng Bộ Giáo dục cao đẳng cách chức Nemtchinov, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Matxcơva; Zhebrak cũng bị cách chức Viện trưởng và Viện của ông bị giải thể. Nạn đại dịch khủng bố di truyền học lan tràn trong hàng loạt trường đại học có các ngành nông nghiệp, y, sư phạm, lâm sinh, công nghiệp thực phẩm và nhiều trường đại học khác. Toàn Liên Xô đã có gần ba ngàn nhà sinh học bị sa thải ngay trong thời điểm đó (*).

Kết quả là Liên Xô đã để mất những vị trí rực rỡ đã giành được trong lĩnh vực di truyền học, bước vào thời kỳ tụt hậu cả trong di truyền học, cả trong các khoa học ứng dụng về chọn giống, cả trong việc chữa các bệnh mang tính di truyền và trong công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh. Liên Xô đã bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chạy đua với các cường quốc sinh học trong lĩnh vực quan trọng nhất, vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa quân sự. Kết quả đau buồn là ngành di truyền học ở Liên Xô đã bị gạt sang bên lề của thế giới, nhiều nước đã vượt lên trước, thậm chí cả những nước mới vừa trước đó còn chưa dám nghĩ tới chuyện chạy đua với Liên Xô về di truyền học trong các lĩnh vực nghiên cứu bản chất và cấu trúc của tính di truyền.

Vào những năm 1970, đúng vào lúc Viện hàn lâm Liên Xô vẫn đang được xem là cơ quan khoa học “cao nhất”, được hưởng những đặc quyền lớn nhất trong xã hội, thì các nhà điện ảnh Xô Viết đã cho ra đời bộ phim trào phúng có tên tiếng Nga là “Pienư”. Bộ phim đả kích tệ sùng bái tước vị và khoa bảng trong cộng đồng khoa học Xô viết, một tệ nạn dẫn đến bị lũng đoạn bởi các công ty ma gồm những chuyên gia không hàm vị, chuyên viết thuê luận án cho các vị có chức quyền muốn giành ghế Viện sỹ Viện hàn lâm. Phim đã được chiếu dài ngày vào năm 1978 tại Hà Nội với nhan đề được dịch sang tiếng Việt là “Bèo bọt”.

Ngày nay ở nước Nga vị trí của Viện hàn lâm đang thay đổi, từng bước được đặt vào vị trí “bình thường” trong mạng lưới tổ chức khoa học. Không những thế, ở nước Nga ngày nay còn xuất hiện thêm hàng loạt tổ chức khác cũng được đặt tên là Viện hàn lâm. Điều này khiến nhiều đại biểu của tư tưởng học phiệt phản ứng quyết liệt. Họ đã tìm cách gây ảnh hưởng để các nhà lãnh đạo ký sắc lệnh cấm sử dụng tên “húy” của Viện hàn lâm; một số Viện sỹ già nua còn viết bài đả kích trên công luận, xem đó là một thứ “ngụy khoa học”. Nhưng xu thế dân chủ trong khoa học đã như luồng gió lành quét sạch tư tưởng phong kiến. Tất cả các tổ chức có tên là Viện hàn lâm ở nước Nga đều đang tồn tại như sự thách thức trước các nhóm học phiệt và hồi chuông cáo chung của chủ nghĩa học phiệt lỗi thời.

Ngay sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, tôi có dịp viếng thăm nước Đức thống nhất. Trước cảnh vắng lạnh trong khuôn viên của Viện hàn lâm Đông Đức cũ, tôi bùi ngùi nuối tiếc Viện hàn lâm, nơi tôi vừa đến làm việc mấy tháng trước đó. Người bạn Đức đã nhận bằng Tiến sỹ tại Viện hàn lâm Liên Xô cũ, vốn lãnh đạo một viện thuộc Viện hàn lâm Đông Đức, hiểu ý, vừa chia sẻ tình cảm với tôi, vừa nói: “Sau ngày thống nhất, trong khi tất cả các trường đại học ở miền Đông nước Đức vẫn được giữ lại nguyên vẹn, thì Viện hàn lâm theo mô hình Xô viết đã bị giải thể hoàn toàn; công việc nghiên cứu khoa học được trả lại cho các trường đại học”. Ông nhắc lại một lần nữa như sợ tôi không hiểu hết ý: “trả lại cho các trường đại học”, và tiếp: “Tuy là người đã mất quyền lãnh đạo khoa học, và hiện đang mất việc làm, tôi vẫn khẳng định: Quyết định đó của Nhà nước Đức là đúng đắn”.

Lịch sử đàn áp khoa học của Liên Xô không phải chỉ diễn ra có một lần trong lĩnh vực Di truyền học. Cho đến tận những năm 1960, nhiều tư tưởng khoa học tiến bộ cũng vẫn chịu số phận như di truyền học. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt lĩnh vực hiện đại đưa vào Liên Xô đều đã bị phê phán gay gắt, trước hết là từ giới triết học marxist-leninist, sau đó là giới chính trị gia và các thế lực học phiệt bám đuôi giới chính trị gia.

Chúng ta có thể kể đến hàng loạt lĩnh vực, như Điều khiển học (Cybernetics), Lý thuyết hệ thống (Systems Theory), Toán kinh tế (Mathematical Economics), và ngay cả John Bernal, nhà vật lý học, một đảng viên cộng sản người Anh, khi viết cuốn The Social Function of Science (1939) cũng đã bị đả kích gay gắt, khi ông đưa ra khái niệm thất nghiệp vì công nghệ (technological unemployement), vì đã đưa ra một luận đề mới về sự thất nghiệp do đổi mới công nghệ gây ra, trái với Marx, thất nghiệp chỉ có thể là do tư bản bóc lột.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, xem lại những bài học về quan hệ giữa chính trị và khoa học sẽ vô cùng cần thiết để hoạch định một chính sách đúng đắn cho sự phát triển khoa học của đất nước.

Vũ Cao Đàm
(*) Viết theo số liệu công bố trong Tạp chí Tia lửa nhỏ (Ogonjok) Số 8-9 năm 1987