Tuesday, November 8, 2011

Ngô Trọng Anh


Duyên Nợ Hoàng Triều Cương Thổ
của cậu học sinh tiểu học Huế

Trích đoạn:

...Tôi đi học Tiểu Học Trường Paul Bert (sau này là Thượng Tứ) ngó sang bên kia Hương Giang, thấy xa xa các trường Trung Học oai lắm, nào là các trường Hồ Đắc Hàm, Khải Định, Đồng Khánh và cuối cùng là trường Pellerin, còn trường Providence ở ngã xa hơn, gần cầu Lò Rèn (Nhà Đèn) bắt qua một nhánh sông Hương hướng về An Cựu gọi là sông An Cựu. Chị tôi học Trung học Đồng Khánh trong khi các em gái tôi học trường Tiểu Học Thành Nội, hoặc trường Bồ Đề sau này..

Mỗi lần đi học tôi thường đi băng qua Cơ Mật Viện trong vòng thành nhỏ gọi là Tam Tòa (3 tòa lầu một tầng) để ra cửa Thượng Tứ, trước khi vào tiểu học Paul Bert. Cơ Mật Viện tuy là cơ quan tối quan trọng trên nguyên tắc nhưng lại bù nhìn thành thử trên thực tế không cần ai canh gát cả; nhờ vậy học sinh chúng tôi mỗi khi đi học tắt vào Tam Tòa, có cơ hội hái bông Kèn màu đỏ. Nhưng khi ra đến vòng thành nội gặp phải lính Khố Đỏ canh gát thông thường khá lỏng lẻo các cửa như Thượng Tứ, Đông Ba, cửa Hữu, cửa Tả, cửa An Hòa v.v. Vua ở trong Hoàng cung có lính Khố Vàng bảo vệ hiền hơn lính Khố Đỏ. Cửa vào Đồn Mang Cá thì do lính Khố Xanh trực thuộc Quân đội Pháp canh gát, vũ khí tối tân hơn; họ kiểm soát và canh phòng đường đi biển Thuận An.

Mỗi năm nhân lễ Vạn Thọ các quan chức Việt Pháp đến chúc Thọ Vua, học trò các trường được các Cô Thầy hướng dẫn vào Hoàng cung phất cờ hô to ba lần : “Hoàng Đế Vạn Tuế” rồi đi vòng ra cửa Hiển Nhơn và được các mệ phát mỗi trò một hộp bánh trước khi tan hàng rã đám. Tôi và một số bạn hữu cùng xóm ù té chạy thẳng về nhà một mạch. Tôi ở số 17 Tôn Nhơn (nay đổi thành 17 Đinh Công Tráng) bên hông đường Âm Hồn; ở nhà ra ngõ thấy cửa Hiển Nhơn ở cuối đường Tôn Nhơn.

Tôi thường gặp Ngài ngự ra vào cửa Thượng Tứ và vui mừng khôn xiết mổi khi gặp hàng lính khố đỏ rút lưỡi lê cắm vào nghe lắc cắc và sắp hàng trước trạm gát; họ nghiêm chỉnh chờ xe ngài qua cổng bèn hô lệnh đưa súng lên chào. Hình ảnh đơn sơ nhưng vui nhộn ấy được lập đi lập lại qua năm tháng tiểu học đã in sâu vào trí nhớ non dại của tôi mãi đến bây giờ. Quả thật tôi không sợ Hoàng Đế chút nào cả, chỉ thấy ngài rất oai, cao lớn và đẹp trai và được mọi người thương mến từ Bắc chí Nam. Ở Huế gọi Ngài là Ngài Ngự, ngoài Bắc gọi là Vua Bảo Đại còn trong Nam gọi là Ông Dua. Tôi theo cha mẹ vào Nam năm 4 tuổi học trường Như Vân rồi trường con trai Cần Thơ 1930. Về Huế tôi ở với Bà Nội và đầu tiên, khi lên 8 mẹ dẫn tôi đi xem đốt pháo bông nhân ngày ông Vua đám cưới tháng 3 năm1934; đâu ngờ đúng 12 năm sau Nhật đảo chánh Pháp tháng 3 năm 1945 và 9 tháng sau đó vợ chồng Ông Bà Vua xa cách nhau muôn trùng. Nam Phương Hoàng hậu mới 31 tuổi đời phải qua Tiềm Để tức An Định Cung cạnh sông An Cựu ở với mẹ chồng (Bà Từ Cung) nuôi con dại khá đông theo thứ tự tuổi tác như sau: Thái Tử Bảo Long 9 tuổi, Công chúa Phương Mai 8, Phương Liên 7, Phương Dung 3, Hoàng Tử Bảo Thăng 2. Nam Phương hoàng hậu là một công dân thiết tha với đất nước. Thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hoàng hậu Nam Phương cùng các con sang Pháp.

Tài liệu dặc biệt “Nói về lòng yêu dân tộc Việt Nam của Nam Phương Hoàng Hậu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949 Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại cung An Định bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:

“Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”

Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách... Bảo Đại có đến thăm bà vài lần. Tháng 1 năm 1962, công chúa Phương Liên thành hôn với một người Pháp, Bernard Soulain. Bảo Đại cũng đến dự và đám cưới đó là một sự kiện của vùng.

Bà mất ngày 16 tháng 9 năm 1963. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.

Đám tang của bà được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ. Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Trong suốt thời gian tang lễ Cựu hoàng Bảo Đại cũng không có mặt.

Hoàng Hậu Nam Phương được chôn cất tại nghĩa địa Chabrignac. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp:

Bia chữ Hán:

ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ
(Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)

Bia chữ Pháp:

ICI REPOSE L’IMPÉRATRICE D’ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN
(Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan)

Ai cũng phải công nhận Nam Phương Hoàng Hậu rất xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương, nhưng bà theo Thiên Chúa giáo nên gặp Hoàng Tộc phản đối. Nhưng Ngài ngự nhất quyết cưới Bà: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình. ” Tài liệu nói trên chứng minh Ngài đã chọn đúng ý trung nhân : Nam Phương Hoàng Hậu thiết tha yêu dân tộc Việt Nam. Nàng cũng như chồng, một lòng với câu của công dân Vĩnh Thụy “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ!”

Ba tài liệu sau đây chứng minh về sự thông minh hay hiểu biết về thời cuộc của Ngài Ngự mà ai cũng cho là kém cỏi, không ra gì, Ngài bị thực dân Pháp và Việt Minh dèm pha đủ điều. Đảng Cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp chống phong kiến nói xấu Ngài đã đành mà một số đảng viên Cần lao nhân vị của Ngô triều cũng bôi bác thêm vào. Ngài thoái vị trao ấn kiếm cho Việt Minh để làm công dân một nước độc lập với câu “Dân vi quý” bất hủ. Trước năm 1945, Ngài đã mời Tổng Ðốc Ngô Đình Diệm giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại kiêm thư ký Ủy Ban Hỗn Hợp Việt Pháp là một quyết định đúng. Đến năm 1945 Ngài ra chiếu chỉ bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thượng Thư Bộ Hình trong chính phủ độc lập đầu tiên Trần Trọng Kim là một quyết định đúng thứ 2. Nhưng sau đó Thượng Thư Ngô Đình Diệm biết trước thời cuộc bèn cải trang ra Đà Nẳng trốn Pháp, Nhật và Việt Minh. Trong tác phẩm Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế trang 197 Tổ Đình Hải Ngoại tái bản 1993 có đoạn “Ngài ( Mật Hiển) cũng đã giúp cho Thượng Thư Ngô Đình Diệm ẩn náu tại Tổ Đình Từ Hiếu trong lúc đang bị chính phủ bảo hộ truy lùng. Và, cũng chính ngài đã dẫn cho vị Thượng Thư này thoát ra khỏi tỉnh Thừa Thiên để về Đà Nẳng cải trang với tư thế một tu sĩ Phật Giáo”. Nguyên cụ Ngô Trọng Lữ (thân sinh tôi) thường làm việc với các quan chức Nam Triều về vấn đề địa bộ đất đai, đối với ông Ngô Đình Diệm là chỗ quen biết xưa nay chống Pháp. Ngoài ra cụ Lữ trước đây có mua trả góp xe của người bạn là ông Võ Văn Đạt chủ hãng sửa xe ô tô ở Tourane. Cụ bèn nhắn với ông Đạt cho xe ra Huế gặp ngay Ngài Trúc Lâm để đưa một nhà sư gia đình vào Tourane. Sau Hiệp Định Geneve 1954 Ngài Quốc Trưởng Bảo Đại tiếp tục chọn Ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ Tướng là một quyết định đúng thứ 3 khi biết Cụ Trần Trọng Kim đã mất tại Đà Lạt năm 1953, rồi Ngài âm thầm chấp nhận luôn sự kiện Thủ Tướng Diệm trở thành Tổng Thống Diệm qua trưng cầu dân ý 1955 cũng đúng luôn. Ngài lưu vong không một lời chống đối vì Ngài quá biết tính của Thủ Tướng Diệm có ác cảm với Pháp không muốn lệ thuộc vào Pháp thực dân. Dân miền Nam mừng Tổng Thống Diệm vì đã quá chán một ông quốc trưởng bù nhìn, ăn chơi phóng đãng, tai tiếng. Tổng Thống dẹp nạn Bình xuyên với Kim chung, Đại thế giới, một loại mafia Việt nam. Từ việc quét dọn rác rưởi do Thực dân Pháp để lại đến việc cải tổ chính trị, quân sự, giáo dục, kinh tế miền Nam, Tổng Thống Diệm đã tạo được một không khí yên vui thanh bình ở miền Nam mặc dầu còn thiếu tự do dân chủ nhưng dân chúng chấp nhận được lúc ban đầu (1955-1962) khi so sánh với chế độ tàn khốc Hà Nội. Trong khi đó Hồ chí Minh, tên cáo già đại bịp, điều nghiên những sơ hở nặng của Tổng Thống về vấn đề tôn giáo và gia đình hầu tung cán bộ gián điệp cao cấp vào ngay Phủ Tổng Thống và nắm chủ động mọi trạng huống. Nếu Cộng sản vô ơn đối với Cố Vấn Vĩnh Thụy, đó là hành sử đương nhiên của Cáo Hồ, nhưng rất tiếc Quốc Gia cũng bạc nghĩa với cựu Hoàng. Ai từng đời như Tổng Thống Diệm nho phong đạo đức mà lại giao cho Pháp thực dân tùy nghi trợ cấp hàng tháng cho Cựu Quốc Trưởng Việt Nam. Cựu Cố Vấn Vĩnh Thụy được Hồ Chí Minh tinh ranh gửi tiền sang Hong Kong cấp dưởng, trong khi Cựu Quốc Trưởng Vĩnh Thụy phải sống lưu vong bên Pháp và chết đói sau khi phung phí khánh tận gia sản.

Ngoài ra Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì quá tin ngoại bang nên thà chết chứ không chịu nhượng bộ áp lực nguy hại của Hoa Kỳ. Uy tín quốc gia còn nhưng quốc dân tan nát. Cụ tin vào Quốc Hội mà phần lớn là gia nô hoặc phản trắc, với câu: “Sau lưng tôi còn có Hiến Pháp”. Âu đó cũng là nhân quả, lỗi tại Cụ. Tổng Thống không bảo vệ dân tộc bằng một chính thể vững mạnh mà tin vào lời hứa của các Tổng Thống Mỹ Eisenhower hay John Kennedy và nhất là tin vào lời thề trung thành của một số tướng lãnh dễ bị mua chuộc. Do đó, nhờ vắng bóng cá nhân Cụ, Cộng Sản có cơ hội tha hồ xâm nhập sát hại dân vô tội. Chính Cộng sản thật sự đã giết cụ, Cáo già Hồ thương tiếc Cụ với giọt nước mắt cá sấu! trước khi tung quân vượt sông Bến Hải làm “nghĩa vụ quân sự quốc tế tiêu diệt quốc gia”.

Hoàng Đế Bảo Đại nhờ rút kinh nghiệm với thực dân Pháp (trước Cụ) rồi với cộng sản (sau Cụ) quá nhiều nên Ngài ưu tiên lo bảo vệ dân tộc quên mình, tránh nạn ngoại bang lợi dụng. Trong những năm tháng cuối đời ở hải ngoại, đối với Ngài một hộp sửa, một ổ bánh mì của bạn bè tặng là quí lắm rồi, “Hãy để cho tôi được sống và chết trong bình yên!”. Như mưa dầm thấm đất, qua sự tuyên truyền rỉ tai của cộng sản nên ai cũng tin rằng Ngài là một ông Vua chỉ biết ăn chơi, hoàn toàn vô dụng...Qua ba tài liệu quan trọng sau đây tôi xin trình bày rõ giá trị tinh thần quốc gia dân tộc của ông vua cuối cùng Nhà Nguyễn.

Tài liệu(1) “Nói Chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp” của Thụy Khuê;

Cụ (Trần Trọng Kim) cho biết rằng cụ nhận được cái giấy của ông Bảo Đại, mời cụ về để hỏi ý kiến; cũng nhân tiện để có thể về thăm bà con và ở lại Việt Nam, cho nên cụ cũng nhận về, chứ cụ nói với tôi (tức Hoàng Xuân Hãn) như thế này: “Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì!” Cụ nói với tôi rõ ràng như thế.

Tôi nói: “Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau.” Cụ bảo: “Thế nào tôi cũng phải ở lại đây vài ngày, nhất là vợ tôi đã tới đây. Tôi sẽ gặp.” ….....

Ngay sáng hôm sau thì Phạm Khắc Hòe đưa cụ vào thăm ông Bảo Đạị…....

Đến lúc ra, cụ gặp tôi, cụ bảo: “Lạ lắm!”

“Chuyện gì lạ?”

“Tôi vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải ngốc như người ta nói” Cụ Kim nói với tôi như thế. Thấy cụ có cái sympathie lạ lắm.

Tài liệu(2) Một Cơn Gió Bụi” của Trần Trọng Kim.

Từ trước tôi không biết vua Bảo Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mồng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những lời đúng đắn…..

Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.” ….....

“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”

Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng: ... (hết trích)

Trở lại bản tính cá nhân, tôi ưa vua chúa, và tôi mến Vua Bảo Đại một nhân vật lịch sử (sinh 22 tháng 10,1913 – mất 31 tháng 7, 1997) . Vua có công hay tội xin để lịch sử phán xét, tôi chỉ thấy điểm tốt nhất của Ngài là Hiếu sinh, trong thời gian đất nước bị Pháp rồi Nhật đô hộ, ngài không ra tuyên chiếu xữ tử bất cứ một người dân nào cả, huống hồ nhờ Nhật giết vài ngàn Việt Cộng trên toàn quốc. Vì vậy Ngài từ chối đề nghị của Đại sứ Yokoyama để tránh nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang.

Tài liệu(3) lời của sử gia Trần Gia Phụng:

“Đây là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ với một lực lượng nhỏ dưới 5.000 đảng viên mà Việt Minh cộng sản cướp được chính quyền và thao túng đất nước.

Trong lúc vua Bảo Đại nao núng vì Pháp không chịu công khai tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, và các nước Đồng minh lại không đáp ứng nguyện vọng độc lập của người Việt do nhà vua đưa ra, thì Việt Minh đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Vị đại sứ Nhật ở Huế là Yokoyama đến gặp vua Bảo Đại đề nghị dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt Việt Minh, vì tuy thất trận trên thế giới, quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, dư sức đàn áp Việt Minh. Lo sợ nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của Yokoyama.

Không nhận lời đề nghị của Yokohama, vua Bảo Đại quyết định thoái vị theo lời yêu cầu của Việt Minh. Tại Huế, nội các Trần Trọng Kim họp phiên cuối cùng ngày 23-8, rồi giải tán. Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8. Lễ thoái vị diễn ra ngày 30-8 tại cửa Ngọ Môn (Huế). Nhà vua trao bảo kiếm và quốc ấn, tượng trưng uy quyền của triều đình cho đại diện Việt Minh từ Hà Nội vào là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (tức thi sĩ Huy Cận). Nhà vua trở thành “công dân thứ nhất” của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tên khai sinh là “Vĩnh Thụy.” Tôi có mặt hôm Ngài thoái vị từ đó nước mắt đoanh tròng khi ra vào cửa Thượng Tứ thấy có chiếu chỉ thoái vị dán trên tường gạch. Hoài nhớ lại mới cách đây 4 tháng, tôi cũng đứng trước Ngọ Môn nghe Ngài và tuyên bố độc lập với Chính Phủ Trần Trọng Kim, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ngày 17 tháng 4 năm 1945.

Thành phần Nội các gồm các ông: Trần Trọng Kim Thủ Tướng ,Trần Văn Chương Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo, Hoàng Xuân Hãn Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ, Vũ Văn Hiền Bộ trưởng Tài chính, Phan Anh Bộ trưởng Thanh niên, Lưu Văn Lang Bộ trưởng Công chính, Vũ Ngọc Anh Bộ trưởng Y tế, Hồ Tá Khanh Bộ trưởng Kinh tế, Nguyễn Hữu Thí Bộ trưởng Tiếp tế, Phan Kế Toại Khâm sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm Khâm sai Nam bộ, Đốc lý Hà Nội. Trần Văn Lai. Mặc dầu chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 chính phủ này cũng đã làm được nhiều việc quan trọng :1- là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam; 2- Bộ Trưởng Hồ Tá Khanh dùng học sinh tình nguyện hộ tống chuyển tải gạo ra Bắc cứu đói bằng ghe bè nếu cầu xe hỏa bị bom phá sập (xin nhắc rằng 2 triệu nông dân chết đói vì thực dân Nhật-Pháp liên kết buộc dân chúng phải trồng cây đay (Kenaf) thay thế lúa); 3- chương trình học bằng tiếng Việt thay chương trình học bằng tiếng Pháp (GS Hoàng Xuân Hản biên soạn cùng Tự điển Khoa Học trước đó).

Anh em sinh viên học sinh chúng tôi đã nghe và đáp ứng ngay tiếng gọi xếp bút nghiên của chính phủ Ngài vừa thành lập, có thể nói là tốt nhất so với sau này. Tôi còn nhớ Trung Úy Phan Tử Lăng, ở con đường kiệt sau nhà tôi song song với đường Tôn Nhơn, được Ngài giao tổ chức một trung đội Thanh Niên Tiền Tuyến gồm các sinh viên đại học Hà Nội. Sau khi vào đại nội trình diện với Ngài thề trung thành với Quốc gia Đại Nam, họ được cấp tốc huấn luyện vài tháng để tổ chức những đoàn Giải phóng quân Nam tiến gồm thanh niên phần đông là học sinh Khải Định. Tôi về nhà xin ba má nhập ngũ, ông bà yên lòng để tôi ra đi với anh Võ Quang Hồ (hiện nay ở 120/6 đường Lê Văn Thọ Phường 11 Quận Gò Vấp SaiGon) bạn thân chị tôi mà cũng là cậu vợ của Ngô Viết Thụ anh em chú bác của tôi. Anh Hồ là sinh viên trường Thuốc, gia nhập thanh niên tiền tuyến nay là Trung Đội trưởng (chưa ai có cấp bậc gì cả). Anh Hồ đối với tôi rất tốt, y cho phép tôi từ mặt trận Xóm Bóng Nha Trang về Huế xin tiền nhà mua kính cận thị bị bể, sau trận tấn công đồn gát Nhật. Lần khác khi tôi chỉ huy Tiểu đội đại liên Hotchkis do hai anh cựu khố xanh Lương và Lê sử dụng) tại Hầm Số Một và bị thương ở đùi, Đại đội Trưởng Võ Quang Hồ (dưới quyền Tiểu đoàn Trưởng Hà Văn Lâu chỉ huy mặt trận) cho tải thương tôi về Tuy Hòa điều trị bằng chiếc xe Citroen đen dã chiến độc nhất của mặt trận. Tôi tình cờ tôi được Bác sĩ Hoàng Mộng Lương (bạn thân ba tôi ở cùng xóm trên đường Âm Hồn Huế) và được BS cho đi xe lữa về nhà thương Bồng Sơn để gặp Cô ruột tôi Ngô Thị Đóa, nữ hộ sinh tại đó. Nơi đây tôi chứng kiến 2 cảnh thương tâm: Dượng tôi, Trần Gia Thoại, Thanh tra Bưu điện cựu thành viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí hội đồng thời cũng là bạn của thi sĩ Quách Tấn, bị Việt Minh bắt, để lại một bầy con dại trong đó có sử gia Trần Gia Phụng mới lên hai. Cảnh thương tâm thứ 2 là khi tôi xuống chân cầu Bồng Sơn để đi sông thì gặp hai tấm mồ đắp sơ sài bằng đá đường rầy với hai thánh giá đề tên: Khương Hữu Tài và Tạ Thu Thâu. Tạ Thu Thâu thì tôi nghe danh biểu tình trước điện Elysée phản đối việc xử tử Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Nam Quốc dân đảng ở Yên Bái. Tôi thất vọng về đường lối vắt chanh bỏ võ của Việt Minh từ đó và cũng là lý do khiến tôi xuất ngoại năm 1949. Cô tôi cũng rất đau khổ về cái chết của nhà cách mạng Tạ Thu Thâu và nói tôi dầu sao cũng nên tiếp tục kháng chiến chống Pháp vì quân thực dân mới thật là kể thù của mọi người Việt Nam.

Bản tính tôi ưa vua chúa nói chung và say mê phong kiến Việt Nam nói riêng. Sau này tôi mới thấy cái dại của những ai ham canh tân mà quên ôn cố như nhóm Tự Lực Văn đoàn trào phúng quá đà đối với phe Nam Phong Tạp chí, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ích Hữu v.v. Chính những tài hoa tân học và thi văn bậc nhất ấy đã dùng ngòi bút châm biếm thời phong kiến qua những hình ảnh khôi hài đã giúp Việt Minh giết những Lý Toét, Xã Xệ thật thà chất phát rất cần thiết cho trật tự nông thôn. Từ đấy họ tàn sát luôn những Bang Bạnh, Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu ngoài Bắc, Đốc Phủ trong Nam và ngay cả Thượng Thư Phạm Quỳnh. Thật là nguy hại cho dân tộc nếu làm cách mạng mà chưa ôn cố đến nơi đến chốn như những Cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, thì những Cụ Phạm Quỳnh phải chết trong những ngày đầu tiên với cách mạng đấu tranh hủy diệt dân tộc Việt. Thưa quý Vị, chính nền phong kiến vô cùng độc đáo của dân tộc Việt đã bảo vệ cái mà Cụ Luật Sư Nguyễn Khắc Chính, gọi là văn minh Tre (sắp xuất bản) có từ thời xa xưa, cái mà các Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, Lương Kim Định, Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích v.v mở đường trở về triết Đông cho các Đại Học Sài Gòn, Vạn Hạnh và Huế. Thật vậy thế giới ngày nay sửng sốt về tính chất tiến bộ vượt thời gian của Luật Hồng Đức của văn minh Tre khi so với Luật Trung Hoa và nhất là Luật Tây Phương cùng thời. Luật Hồng Ðức cũng vượt qua về một số điểm quan trọng khác khi so sánh với Hiến Chương Liên Hiệp quốc về khía cạnh nhân quyền. Tiền nhân ta đã thiết lập được một thể chế thực sự dân chủ từ thời rất xa xưa…. cùng thời với các trống đồng Đông Sơn…

Quan niệm này có thể là lạc hậu đối với nhiều người trẻ tuổi Tây học, nhưng theo tôi, lạc hậu hay không cũng tùy hướng đi mà thôi. Lo tri tân mà không ôn cố cũng tai hại như lo ôn cố mà quên tri tân vậy. Nhưng ngòai ra, điều quan trọng không phải hướng đi của bộ óc tính toán hơn thiệt, mà chính là hướng lòng dung hóa mọi lý trí phân hai tranh chấp. Chính hướng lòng đặc biệt của dân tộc Việt đã tạo ra Văn Hóa Đông Sơn làm nền tảng cho Văn Minh Tre phát triển. Hướng lòng là hành động tạo nghiệp….

Đọc hết bài tại : Nước Việt

Tâm Tràng Ngô Trọng Anh