Diễn văn của Tổng thống Obama trước quốc hội Úc
Video Obama's speech
Thưa Thủ tướng Gillard, lãnh đạo [đối lập] Abbott, cám ơn hai vị vì sự đón tiếp rất nồng hậu. Thưa ngài Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch và các thành viên Hạ viện và Thượng viện Úc, thưa các quý ông và quý bà, tôi xin cám ơn quý vị vì đã cho tôi vinh dự được đứng trong căn phòng tuyệt vời này để tái khẳng định những liên kết giữa Hoa Kỳ và Úc, hai nền dân chủ và hai đất nước bè bạn lâu đời nhất trên thế giới.
Thưa quý vị và nhân dân Úc, cám ơn lòng hiếu khách đặc biệt của quý vị. Và tại đây, ở thành phố này – một ―nơi gặp gỡ cổ kính — tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những cư dân đầu tiên của mảnh đất này, thuộc một trong những nền văn hoá liên tục lâu đời nhất trên thế giới, những người Úc đầu tiên.
Tôi đến Úc lần đầu khi còn nhỏ, qua lại giữa Haiwaii nơi tôi sinh ra, và Indonesia, nơi tôi đã sống bốn năm. Lúc đó mới tám tuổi nên không phải lúc nào tôi cũng hiểu được thứ ngôn ngữ lạ lùng của các bạn. (Cười). Đêm qua tôi đã cố gắng nói một vài từ ―tiếng Anh kiểu Úc.‖ (Cười) Hôm nay tôi không muốn quý vị phải chịu đựng thêm những điều chói tai đó nữa. Tôi thực sự yêu thích thứ tiếng này và sẽ giới thiệu thứ tiếng này vào ngôn ngữ thường dùng ở Washington. (Cười)
Đối với một cậu bé người Mỹ, Úc và người dân Úc — sự lạc quan, tính xuề xòa và khiếu hài hước của các bạn — khiến tôi có cảm giác rất thân thuộc. Cảm giác như ở nhà. Tôi luôn mong muốn được trở lại đây. Năm ngoái tôi đã cố gắng hai lần để quay lại. Nhưng Úc là một Đất nước May mắn, và hôm nay tôi cảm thấy may mắn được có mặt tại đây khi chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập liên minh không thể phá vỡ được của chúng ta.
Những gắn kết giữa chúng ta rất sâu sắc. Trong câu chuyện của mỗi quốc gia, chúng ta đều thấy chính mình trong đó. Tổ tiên ta đã băng qua những đại dương rộng lớn — một số người lựa chọn để đến, một số khác bị đưa đến trong xiềng xích. Những người định cư mở rộng sang phía Tây băng qua những đồng bằng trải dài rộng lớn. Những người đầy hoài bão lao động cần cù bằng cả trái tim và đôi tay mình để xây dựng những đường sắt và thành phố. Nhiều thế hệ người nhập cư — khi di cư đến nơi — đã bổ sung thêm một sợi chỉ mới vào tấm thảm thêu nên mỗi nước chúng ta. Và chúng ta là những công dân sống theo một niềm tin chung – bất kể bạn là ai, bất kể trông bạn thế nào, mọi người đều xứng đáng có cơ hội công bằng; mọi người xứng đáng được hưởng công bằng.
Dĩ nhiên, tiến bộ trong xã hội của chúng ta không phải lúc nào cũng có thể tránh khỏi có những căng thẳng, hay những tranh đấu để vượt qua quá khứ đau thương. Nhưng chúng ta là những đất nước sẵn sàng đối mặt với sự không hoàn hảo, và tiếp tục vươn tới những lý tưởng của mình. Đó là tinh thần chúng tôi đã chứng kiến trong hội trường này cách đây 3 năm, khi đất nước này truyền cảm hứng cho cả thế giới bằng hành động hoà giải mang tính lịch sử đối với những thổ dân Australia gốc. Đó chính là tinh thần đổi mới, ở Hoa Kỳ, đã cho phép tôi đứng trước các quý vị hôm nay với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. Và đây là tinh thần mà tôi sẽ thấy trong ngày hôm nay khi tôi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Lãnh thổ Bắc Australia, nơi tôi sẽ gặp những Chủ nhân Truyền thống của Mảnh Đất này.
Để có được những tiến bộ đó chúng ta không phải không chịu những hy sinh to lớn. Sáng nay, tôi đã rất xúc động khi đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh của các bạn để tri ân những liệt sĩ, nam và nữ, của Úc. Cuối ngày hôm nay, ở Darwin, tôi sẽ cùng Thủ tướng đi chào các quân nhân dũng cảm của chúng ta. Đây là dịp để nhắc nhở chúng ta rằng – từ những chiến hào trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đến những dãy núi ở Afghanistan — những người Úc và Mỹ đã luôn đứng bên nhau, chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau trong bất kỳ cuộc chiến lớn nào trong suốt một trăm năm qua. Bất kỳ cuộc chiến nào.
Tình đoàn kết này đã duy trì chúng ta suốt một thập niên khó khăn. Chúng ta sẽ không bao giờ quên các cuộc tấn công ngày 11/9 đã cướp đi mạng sống của không chỉ người Mỹ mà còn của người dân của nhiều quốc gia khác, kể cả người Úc. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không bao giờ quên khi Úc khẩn thiết kêu gọi sự tham gia của Khối hiệp ước quân sự ANZUS [Úc - New Zealand - Mỹ] – lần đầu tiên. Điều này cho thấy rằng hai quốc gia chúng ta luôn thống nhất như một. Và không ai trong chúng ta sẽ có thể quên những con người của đất nước mình đã thiệt mạng trong các cuộc khủng bố của al Qaeda trong suốt những năm qua, trong đó có những công dân Úc vô tội.
Và đó là lý do tại sao, khi cả Thủ tướng và Nhà lãnh đạo đối lập đều đồng ý rằng chúng ta quyết tâm phải thành công ở Afghanistan. Đó là lý do tại sao tôi chào đón Úc là quốc gia, ngoài NATO, đã đóng góp nhiều binh lính nhất cho cuộc chiến quan trọng này. Và đó là lý do tại sao chúng ta tôn vinh tất cả những người đã phục vụ ở Afghanistan vì an ninh của chúng ta, kể cả 32 người Úc yêu nước đã hy sinh, trong đó có Đại uý Bryce Dufy, Hạ sĩ Ashley Birt, và Chuẩn Hạ sĩ Luke Gavin. Chúng ta sẽ tôn vinh sự hy sinh của họ bằng cách bảo đảm rằng Afghanistan sẽ không bao giờ lại trở thành khởi nguồn của những cuộc tấn công chống lại người dân của chúng ta. Không bao giờ.
Là hai đối tác toàn cầu, chúng ta luôn chung tay bảo vệ an ninh và phẩm giá của người dân trên khắp thế giới. Chúng ta nhìn thấy điều này khi các nhân viên cứu hộ của chúng ta lao đến giúp đỡ lẫn nhau khi đất nước chúng ta bị hoả hoạn, hạn hán và mưa lụt. Chúng ta nhìn thấy điều đó khi chúng ta chung tay duy trì hoà bình — từ Đông Timo đến bán đảo Ban-căng — và khi chúng ta theo đuổi một tầm nhìn chung: một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong sự phát triển giúp cưu mang mỗi đứa trẻ ở châu Phi; sự hỗ trợ giúp cứu mỗi gia đình khỏi nạn đói; và khi chúng ta mở rộng hỗ trợ đến với người dân ở Trung Đông và Bắc Phi, những người xứng đáng được hưởng quyền tự do — thứ quyền đã cho phép chúng ta có mặt tại hội trường dân chủ vĩ đại này.
Đây là liên minh mà chúng ta tái khẳng định ngày hôm nay — bắt nguồn từ những giá trị gốc của chúng ta; được kế tục bởi từng thế hệ. Đây là quan hệ đối tác mà chúng ta đã cùng góp sức để làm sâu sắc hơn trong suốt ba năm qua. Và hôm nay tôi có thể đứng trước các bạn và nói một cách tự tin rằng liên minh giữa Hoa Kỳ và Úc chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Giống như trong quá khứ, liên minh của chúng ta tiếp tục không thể thiếu được trong tương lai của chúng ta. Vì vậy ở đây giữa những người bạn thân thiết, tôi muốn đề cập đến một mục đích lớn hơn trong chuyến thăm của tôi đến vùng này — đó là những nỗ lực của chúng ta nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và nhân phẩm ở châu Á Thái Bình Dương.
Đối với Hoa Kỳ, điều này phản ánh một sự thay đổi rộng lớn. Sau một thập niên bận rộn với hai cuộc chiến đẫm máu hao tiền tốn của, lúc này Hoa Kỳ đang chuyển sự chú ý đến tiềm năng rộng lớn của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng vài tuần nữa, sau gần chín năm, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời Iraq và cuộc chiến của chúng tôi ở đó sẽ kết thuc. Ở Afghanistan, chúng tôi đã bắt đầu quá trình quá độ – một sự quá độ đầy trách nhiệm – để người Afghanistan có thể tự đảm trách tương lai của chính họ và để các lực lượng đồng minh có thể bắt đầu rút quân. Và với các đối tác như Úc, chúng tôi đã giáng những đòn chí mạng vào al Qaeda và đẩy tổ chức khủng bố này vào con đường đi đến thất bại, kể cả việc thực thi công lý đối vơi Osama bin Laden.
Không nghi ngời gì nữa, làn sóng cuộc chiến tranh đang lùi xa, và Hoa Kỳ đang nhìn về một tương lai mà chúng tôi phải dựng xây. Từ châu Âu đến châu Mỹ, chúng tôi đã và đang củng cố các đồng minh và quan hệ đối tác. Tại Hoa Kỳ, chúng tôi đang đầu tư vào các nguồn lực đem lại sức mạnh kinh tế lâu dài của chúng tôi — đó là giáo dục con cái chúng tôi, đào tạo nhân công, xây dựng cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy thương mại, tăng cường nghiên cứu khoa học để tiến đến những đột phá mới. Chúng tôi đã thực hiện một số quyết định khó khăn để cắt giảm thâm hụt ngân sách và đưa nền tài chính vào đúng trật tự — và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quá trình này. Bởi vì sức mạnh kinh tế của chúng tôi ở trong nước là nền tảng của vai trò lãnh đạo của chúng tôi trên thế giới, kể cả ở đây tại châu Á Thái Bình Dương.
Tiêu điểm mới của chúng tôi vào khu vực này thể hiện một chân lý căn bản — đó là Hoa Kỳ đã, đang và sẽ luôn là một quốc gia Thái Bình Dương. Những người nhập cư từ châu Á đã giúp xây dựng Hoa Kỳ và hàng triệu gia đình người Mỹ, trong đó có chính gia đình tôi nuôi nấng liên hệ của chúng tôi với khu vực này. Từ trận đánh bom vào Darwin đến việc giải phóng những hòn đảo ở Thái Bình Dương, từ những cánh đồng lúa ở Đông Nam Á đến bán đảo Triều Tiên lạnh giá, nhiều thế hệ người Mỹ đã từng phục vụ ở đây, và đã hy sinh ở đây. Nhờ đó mà nhiều nền dân chủ có thể trỗi dậy; những phép màu kinh tế đã đến và có thể đưa hàng trăm triệu dân đến với thịnh vượng. Người Mỹ đã cùng các bạn đổ máu để đạt được tiến bộ này — và chúng ta sẽ không bao giờ cho phép đảo ngược điều này.
Ở đây, chúng tôi nhìn thấy tương lai. Là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới và chiếm hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu, châu Á Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu, xứng đáng nhận ưu tiên cao nhất của tôi: đó là tạo công ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ. Với sự hiện diện của hầu hết các cường quốc hạt nhân của thế giới và khoảng một nửa nhân loại, châu Á đóng vai trò lớn trong việc xác định liệu thế kỷ sắp tới sẽ được đánh dấu bởi xung đột hay hợp tác, bởi những tổn thất vô ích hay tiến bộ cho nhân loại.
Do vậy, là Tổng thống, tôi đã đưa ra một quyết định chiến lược có tính toán — là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và dài hạn trong việc định hình khu vực này và tương lai ở đây, bằng cách duy trì các nguyên tắc cốt lõi và mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè của chúng tôi.
Để tôi giải thích thêm. Thứ nhất, chúng tôi tìm kiếm an ninh, nền tảng của hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi ủng hộ một trật tự thế giới mà ở đây quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các quốc gia và người dân đều được nêu cao. Nơi đây luật pháp và quy tắc quốc tế đều được thực thi. Nơi đây thương mại và tự do hàng hải không bị cản trở. Nơi đây những cường quốc đang nổi lên đóng góp vào an ninh khu vực, và nơi đây những sự bất đồng đều được giải quyết một cách hòa bình. Đó là tương lai mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Hiện nay tôi biết rằng một số quốc gia trong khu vực này đang băn khoăn muốn biết về cam kết của Hoa Kỳ đối với việc duy trì những nguyên tắc này. Vì vậy, hãy để tôi trực tiếp đề cập vấn đề này. Khi Hoa Kỳ đưa nền tài chính của mình vào đúng trật tự, chúng tôi đang cắt giảm chi tiêu. Đúng vậy, sau một thập kỷ tăng mạnh ngân sách quốc phòng — khi chúng tôi hoàn toàn kết thúc cuộc chiến ở Iraq và bắt đầu giảm dần cuộc chiến ở Afghanistan — chúng tôi sẽ cắt giảm vài phần trong chi tiêu quốc phòng.
Chỉ đạo của tôi hết sức rỏ ràng. Trong khi chúng tôi lên kế hoạch và ngân sách cho tương lai, chúng tôi sẽ dành các nguồn lực cần thiết để bảo đảm hiện diện quân sự hùng mạnh ở khu vực này. Chúng tôi sẽ giữ vững khả năng độc đáo của mình nhằm thể hiện sức mạnh và răn đe các mối đe dọa đối với hòa bình. Chúng tôi sẽ giữ các cam kết của mình, trong đó có trách nhiệm đã ghi trong hiệp ước với các đồng minh như Úc. Và chúng tôi sẽ thường xuyên tăng cường khả năng để đáp ứng được các đòi hỏi của thế kỷ 21. Những lợi ích lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi chúng tôi phải hiện diện lâu dài trong vùng này. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi tới đây để ở lại đây.
Thực sự chúng tôi đã và đang hiện đại hóa sự bố trí phòng thủ của Hoa Kỳ trên khắp châu Á Thái Bình Dương. Sự bố trí phòng thủ sẽ phân bổ rộng hơn — duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi ở Nhật Bản và trên bán đảo Triều Tiên, trong khi đẩy mạnh sự có mặt của chúng tôi ở Đông Nam Á. Sự bố trí phòng thủ của chúng tôi sẽ uyển chuyển hơn — với những khả năng mới nhằm bảo đảm các lực lượng của chúng tôi có thể hoạt động một cách linh hoạt. Và sự bố trí phòng thủ của chúng tôi sẽ bền vững hơn bằng cách giúp đỡ các đồng minh và đối tác xây dựng khả năng của họ, với các hoạt động huấn luyện và tập trận.
Chúng ta nhìn thấy sự bố trí phòng thủ mới của chúng tôi ở Úc. Những sáng kiến mà Thủ tướng Úc và tôi đã công bố hôm qua sẽ giúp đưa quân đội của hai nước chúng ta đến gần nhau hơn. Chúng ta sẽ có những cơ hội mới để huấn luyện với các đồng minh và đối tác khác, đến từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Và điều này sẽ cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn đối với đủ loại thách thức, kể cả các cuộc khủng hoảng nhân đạo và hoạt động cứu trợ nạn nhân của thảm họa.
Kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, người dân Úc đã nồng nhiệt chào đón các binh sĩ Hoa Kỳ đã từng qua lại trên đất nước của các bạn. Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi xin cám ơn các bạn sắp tới sẽ tiếp tục đón thêm các binh sĩ của chúng tôi, vì họ là những người sẽ bảo đảm cho quan hệ liên minh giữa hai nước chúng ta tiếp tục vững mạnh và sẵn sàng đối phó với những thách thức của thời đại ngày
Chúng ta nhìn thấy thêm sự hiện diện của Hoa Kỳ trong các liên minh mà chúng tôi đã củng cố. Tại nhật bản, liên minh này vẫn là hòn đá tảng cho an ninh khu vực. Tại Thái Lan, chúng tôi là đối tác trong việc cứu trợ nạn nhân của thảm họa. Tại Philippines, chúng tôi tăng cường các chuyến viếng thăm bằng tàu chiến và hoạt động huấn luyện. Và tại Hàn Quốc, cam kết của chúng tôi với an ninh của Cộng Hòa Triều Tiên sẽ không hề suy suyển. Chúng tôi thực sự nhấn mạnh quyết tâm sẽ có hành động cứng rắn chống lại bất kỳ hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Việc vận chuyển nguyên liệu hạt nhân từ Bắc Triều Tiên đến các quốc gia hay các thực thể phi quốc gia sẽ được xem như là một sự đe dọa nghiêm trọng đến Hoa Kỳ và đồng minh, và chúng ta sẽ buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hậu quả của hành động như vậy.
Chúng ta thấy sự hiện diện tăng cường của Hoa Kỳ tại khắp Đông Nam Á—trong quan hệ đối tác với Indonesia chống cướp biển và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, trong công việc của chúng tôi với Malaysia để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân; trong các chuyến tàu chúng tôi triển khai đến Singapore, và trong quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam và Campuchia; và trong cách chúng tôi hoan nghênh Ấn Độ khi họ ― hướng [về phía] đông‖ và đóng vai trò lớn hơn của môt cường quốc châu Á.
Đồng thời, chúng tôi sẽ trở lại tham gia vào các tổ chức khu vực. Hoạt động của chúng tôi tuần này tại Bali sẽ đánh dấu cuộc gặp lần thứ ba giữa tôi và các lãnh đạo ASEAN, và tôi tự hào là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Tôi tin chúng ta có thể cùng đối phó với những thách thức chung như [nạn] phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải, trong đó bao gồm cả hợp tác tại biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].
Trong khi đó Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Cả hai nước chúng ta — Hoa Kỳ và Úc — đều quan tâm sâu sắc đến sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ hoan nghênh Trung Quốc. Chúng tôi đã thấy Trung Quốc có thể là một đối tác từ việc giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều tiên đến hỗ trợ ngăn chặn nạn phổ biến vũ khí hạt nhân. Và chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, bao gồm giao thiệp nhiều hơn giữa quân đội hai nước nhằm tăng cường hiểu biết và tránh [để xảy ra] các toan tính sai lầm. Chúng tôi sẽ làm điều đó ngay cả khi đang tiếp tục trao đổi thẳng thắn với Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc tuân thủ các qui chuẩn quốc tế và tôn trọng những quyền con người cơ bản của nhân dân Trung Hoa.
Một châu Á hòa bình và an ninh là nền tảng cho lãnh vực thứ hai mà Hoa Kỳ lại đang dẫn đầu — thúc đẩy sự thịnh vượng mà chúng ta chia sẻ. Lịch sử dạy chúng ta rằng, lực lượng lớn nhất xưa nay giúp tạo ra sự giàu có và cơ hội mà thế giới từng biết đến, là các thị trường tự do. Vì thế chúng ta tìm kiếm các nền kinh tế cởi mở và minh bạch. Chúng ta tìm kiếm thương mại tự do và công bằng. Và chúng ta tìm kiếm một hệ thống kinh tế thế giới cởi mở, nơi mà các luật chơi là rỏ ràng và các quốc gia tuân thủ các luật chơi đó.
Tại Úc và Hoa kỳ, chúng ta hiểu các nguyên tắc này. Chúng ta nằm trong số những quốc gia có nền kinh tế cởi mở nhất trên trái đất. Sáu năm kể từ hiệp định thương mại [mang tính] cột mốc giữa hai nước, buôn bán giữa chúng ta đã tăng mạnh mẽ. Người lao động của hai nước đang kiến tạo các quan hệ đối tác mới và các sản phẩm mới, như những công nghệ máy bay tiên tiến ta đang cùng nhau xây dựng tại Victoria. Chúng tôi là nhà đầu tư hàng đầu tại Úc và các bạn đầu tư vào Hoa Kỳ nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào, tạo ra nhiều việc làm tốt đẹp ở cả hai đất nước.
Chúng tôi nhận thấy rằng quan hệ đối tác kinh tế không thể chỉ là việc một quốc gia khai thác nguồn tài nguyên của quốc gia khác. Chúng tôi hiểu rằng không thể áp đặt từ trên xuống bất cứ một chiến lược phát triển dài hạn nào. Sự thịnh vượng thật sự — sự thịnh vượng có sức thúc đẩy sáng tạo, sự thịnh vượng bền lâu — phải đến từ việc giải phóng nguồn lực kinh tế lớn nhất của chúng ta, đó là tinh thần doanh nghiệp và tài năng trong dân chúng.
Vì vậy ngay cả khi Hoa Kỳ phải cạnh tranh gay gắt tại các thị trường Á châu, chúng tôi cũng thúc đẩy các mối quan hệ đối tác kinh tế mà tạo ra cơ hội cho tất cả các bên. Trong khi thực thi một hiệp định thương mại lịch sử với Hàn Quốc, chúng tôi đàm phán với Úc và các đối tác thành viên APEC khác, nhằm tạo ra một nền kinh tế liền mạch trong khu vực. Cùng với Úc và các đối tác khác, chúng tôi đang trên đường đạt đến hiệp định thương mại nhiều tham vọng nhất, cũng là một mô hình tiềm năng cho toàn khu vực – [Hiệp Định] Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ là vẫn là nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất trên thế giới. Nhưng trong một thế giới đầy các nối kết qua lại, các nước thường trỗi dậy và ngã xuống cùng nhau. Đó là lý do tại sao tôi ra sức thúc đẩy nhóm các nước G20 đi đầu và là trung tâm của hoạt động hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu — nhằm trao cho nhiều nước, trong đó có Úc, vai trò lãnh đạo lớn hơn trong quản lý kinh tế quốc tế. Cùng nhau, chúng ta sẽ cứu kinh tế thế giới khỏi khủng hoảng. Và giờ đây, thách thức khẩn cấp nhất của chúng ta là tạo tăng trưởng trong đó có thêm cơ hội viêc làm cho mọi người.
Chúng ta cần sự tăng trưởng công bằng, nơi mà mọi quốc gia tuân thủ đúng luật; nơi mà quyền của người lao động được tôn trọng; nơi các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng; nơi mà tài sản trí tuệ và các công nghệ mới giúp thúc đẩy sức sáng tạo, được bảo vệ; và nơi các đơn vị tiền tệ đều do thị trường quyết định, và không quốc gia nào [được phép] có lợi thế không công bằng.
Chúng ta cũng cần đến sự tăng trưởng rộng lớn– không dành cho chỉ vài nước, mà phải vì lợi ích nhiều nước — với những cải cách [có mục đích] bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị xúc phạm và một cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt nạn tham nhũng đang kìm chế tăng trưởng. Chúng ta cần sự tăng trưởng cân bằng, bởi vì chúng ta sẽ cùng thịnh vượng khi các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn [quay lại] thúc đẩy mức cầu tại chính nội địa của họ.
Và chúng ta cần sự tăng trưởng bền vững. Điều này bao gồm năng lượng sạch để tạo ra việc làm ‗xanh‘, và chống biến đổi khí hậu — một hiện tượng mà giờ đây ta không còn có thể phủ nhận. Chúng ta thấy tác hại [của biến đổi khí hậu] thể hiện ở các đám cháy rừng lớn mạnh hơn trước, các cơn lụt lội tàn phá nghiêm trọng hơn, hay hiện tượng các đảo tại Thái Bình Dương đang đối phó với mức nước biển đang dâng cao. Là hai trong số các nước đang thải lượng carbon lớn, Hoa Kỳ và Úc có trách nhiệm đặc biệt — phải đi đầu [trong phát triển bền vững.]
Mọi quốc gia có đóng góp giải pháp chống biến đổi khí hậu theo cách riêng của mình — và tôi biết rằng đây là vấn đề không khỏi gây tranh cãi tại cả hai nước chúng ta. Nhưng tất cả những gì chúng ta có thể làm — và đang làm — là cùng nhau phối hợp đầu tư vào năng lượng sạch, tăng cường sử dụng năng lượng thật hiệu quả, thực hiện những cam kết chúng ta nêu ra tại Copenhagen và Cancun. Chúng ta có khả năng và sẽ làm được điều đó.
Khi chúng ta phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần nhớ đến liên kết giữa tăng trưởng và hoạt động điều hành công quyền đúng đắn — thực hiện pháp trị, minh bạch trong các cấp chính quyền và thực hiện công lý một cách công bằng. Vì lịch sử đã chứng minh rằng, về lâu về dài, dân chủ và tăng trưởng kinh tế luôn đồng hành. Và thịnh vượng mà không kèm theo tự do thì chỉ là một biến tướng của đói nghèo.
Điều này đưa tôi tới lãnh vực [đề cập] sau cùng mà chúng ta cũng đang dẫn đầu — những hỗ trợ của chúng ta đối với các quyền căn bản của mỗi người dân. Mỗi quốc gia thường tạo đường đi cho chính mình. Nhưng thực tế cho thấy một số quyền của con người mang tính phổ quát; trong đó gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo, và quyền tự do của người dân trong việc chọn những người lãnh đạo của họ.
Chúng không phải những quyền của riêng người Mỹ, của người Úc, hay của Phương Tây. Chúng là nhân quyền. Những quyền này khuấy động trong tâm hồn của mỗi người dân trong các thể chế dân chủ thành công ở đây, tại Châu Á. Những thể chế chính trị khác đã được thử áp dụng và đã thất bại – [đó là] chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, các chính thể chỉ do một cá nhân hay do một nhóm nhỏ lãnh đạo. Những thể chế này đã thất bại đều vì một lý do đơn giản: chúng đã không đếm xỉa đến nguồn gốc sâu xa nhất của quyền lực và tính chính nghĩa — là ý chí của nhân dân. Đúng, dân chủ có thể rối rắm và thô thiển — và tôi biết rằng tất cả quí vị tại đây [quốc hội Úc] đã pha trộn nhuần nhuyển trong những buổi Chất Vấn Nghị Trường. (Cười). Tuy nhiên, bất kể là chúng ta có những khác biệt về đảng phái hay tư tưởng, chúng ta đều biết rằng những nền dân chủ của chúng ta [Úc và Mỹ] đã may mắn cho ra đời hình thái chính quyền tuyệt vời nhất trong nhân loại.
Do vậy, là hai quốc gia có hai nền dân chủ tuyệt vời, chúng ta lên tiếng bênh vực cho những quyền tự do này một khi chúng bị đe dọa. Chúng ta trở thành đối tác với các nền dân chủ mới nổi lên, như Indonesia chẳng hạn, giúp họ tăng cường các cấu trúc chính quyền để dựa vào đó thực thi hệ thống quản trị tốt đẹp. Chúng ta khuyến khích một nhà nước [có cơ chế] cởi mở, bởi vì các nền dân chủ phụ thuộc vào khối công dân tích cực và được thông tin đầy đủ. Chúng ta giúp tăng cường các xã hội dân sự, vì xã hội dân sự sẽ tăng cường quyền lực trong dân chúng để họ buộc chính phủ chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình. Và chúng ta thúc đẩy quyền lợi cho tất cả các tầng lớp — phụ nữ, các nhóm thiểu số và đa sắc tộc — xã hội nào tiếp thụ được những tiềm năng của tất thảy các tầng lớp dân chúng, xã hội đó sẽ được thành công hơn, sẽ trở nên thịnh vượng hơn và công bằng hơn.
Những nguyên tắc trên đã định hướng cách chúng tôi tiếp cận Miến Điện – đó là sự kết hợp giữa cấm vận và tiếp xúc ngoại giao. Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi được tự do, không còn bị quản thúc tại gia. Một số tù nhân chính trị được trả tự do và chính quyền đã bắt đầu một cuộc đối thoại. Tuy vậy, các vi phạm nhân quyền vẫn còn đó. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng rõ rệt về những bước tiếp theo mà chính quyền Miến Điện phải thực hiện để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
Đó chính là tương lai mà chúng tôi tìm kiếm ở Châu Á Thái Bình Dương — an ninh, thịnh vượng và phẩm giá cho tất cả người dân ở đó. Đó chính là những điều chúng tôi bênh vực. Đó là bản chất người Mỹ. Đó là tương lai mà chúng tôi sẽ theo đuổi, cùng với sự góp sức của các đồng minh và bè bạn, cộng với mọi yếu tố căn bản trong sức mạnh Mỹ. Tựu trung để chúng ta khỏi nghi ngờ gì thêm: tại Á Châu Thái Bình Dương, trong thế kỷ thứ 21, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ toàn tâm nhập cuộc.
Đương nhiên, trong giai đoạn có những thay đổi to lớn và bất an này, viễn tượng nói trên có vẻ chưa [thực] chắc chắn. Xuyên qua một đại dương to lớn, chúng ta không thể biết được điều gì đang chờ đón ở phía chân trời. Nhưng nếu vùng đất rộng lớn này và dân chúng tại đây có thể dạy chúng ta được điều gì, thì đó chính là lòng quyết tâm giành tự do và sự tiến bộ mà chúng ta không có lý gì để nghi ngờ.
Đó là lý do tại sao phụ nữ của nước Úc đã đứng lên đòi để tiếng nói của họ được lắng nghe, để nước Úc là quốc gia đầu tiên có phụ nữ được bầu cử và ứng cử vào quốc hội, và đến một ngày, có một người phụ nữ trở thành Thủ Tướng.
Đó là lý do tại sao dân chúng xuống đường biểu tình — từ Dehli đến Seoul, từ Manila đến Jakarta — để loại bỏ các chế độ thực dân và độc tài và từ đó xây nên vài trong số những nền dân chủ lớn nhất của thế giới.
Đó lý do tại sao có người lính đứng canh gác tại khu phi quân sự Nam-Bắc Triều Tiên để bảo vệ người dân miền Nam, và có người thanh niên Bắc Triều Tiên dám liều mạng trốn qua biên giới xuống phiá Nam. Đó là lý do tại sao có những người lính đội mũ màu xanh da trời gìn giữ hòa bình cho một đất nước mới thành lập. Và cũng là lý do tại sao có những phụ nữ gan dạ vào các nhà chứa cứu các bé gái thoát khỏi cảnh nô lệ thời nay, một thảm cảnh phải cần bị triệt tiêu.
Đó lý do tại sao những thanh niên yêu chuộng hòa bình trong những chiếc áo choàng Saffron đã đối đầu với bạo lực và súng đạn, và tại sao hàng ngày — từ thành phố rộng lớn bậc nhất thế giới đến những vùng nông thôn hẻo lánh đã có những hành động dũng cảm mà có lẽ thế giới chưa từng thấy — như một sinh viên đăng tin trên blog; một người dân ký tên vào tuyên cáo; một nhà tranh đấu không chịu khuất phục khi chịu quản thúc tại gia — chỉ để đòi các quyền lợi tương tự những gì mà chúng ta đang chăm chút ngày hôm nay.
Thế giới sẽ không bao giờ được quên những con người như thế. Những dòng lịch sử có lúc sẽ tạm ngưng hoặc chảy, nhưng qua thời gian chúng di chuyển — chủ động và quyết định — chỉ theo một hướng. Lịch sử đứng về phía tự do — xã hội tự do, chính quyền tự do, kinh tế tự do và con ngưới tự do. Tương lai là của những người đứng lên vì những lý tưởng đó, trong khu vực này, cũng như trên toàn thế giới.
Đây là câu chuyện về liên minh mà chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay. Đây là cốt lõi của sự lãnh đạo Hoa Kỳ và cốt lõi của quan hệ đối tác của chúng ta. Đây là công việc chúng ta sẽ cùng làm, vì an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của mọi người dân.
Thượng Đế ban phước lành cho nước Úc, Thượng Đế ban phước lành cho nước Mỹ và Thượng Đế ban phước lành cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc của chúng ta.
Xin cám ơn quí vị.