Ông Xếp Mỹ, Người nhân viên đặc biệt
Tác giả Nguyễn Duy-An nhận giải thưởng Việt Báo Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2006. Ông hiện là Senior Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic, tổ chức văn hoá khoa học bất vụ lợi lớn nhất thế giới. Bài viết sauđây của ông trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, hiện đang phát hành khắp nơi. Hình: Nguyễn Duy-An nói bằng trái tim với gia đình Ông Bernard Callahan (người đầu tiên bên trái)
Được sự đồng ý của ông Bernard Callahan, tôi viết lại những dòng này để bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ của tôi dành cho ông nhân dịp ông chính thức về hưu vào mùa hè năm nay. Ông Bernard Callahan là người Vice President đã nhận tôi vào làm việc tại National Geographic vào đầu tháng 8 năm 1998; hơn 2 năm sau, khi tôi được chọn làm Vice President, chúng tôi đã trở thành “peers” rất tương đắc; và từ đầu năm 2006 ông trở thành nhân viên rất đắc lực của tôi sau khi Hội Đồng Quản Trị bổ nhiệm tôi làm Senior Vice President tại National Geographic.
Hơn 13 năm trước...
Sau hai vòng phỏng vấn với một vài vị phó chủ tịch và bốn năm giám đốc ở National Geographic, ông Bernard Callahan nói với tôi trước khi chia tay:
- Với kinh nghiệm của anh và những gì National Geographic đang cần để vượt qua những trở ngại kỹ thuật của năm 2000 (Y2K), tôi sẵn sàng nhận anh về làm giám đốc kỹ thuật; tuy nhiên, anh phải trở lại để gặp bà Sandy Gill là Senior Vice President. Bà ta xuất thân là một “nhà báo” nên anh phải tuỳ cơ ứng biến. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng không làm sao giải thích cho bà ta hiểu được là chúng ta phải thay đổi lại toàn bộ máy móc từ “mainframe” tới “client-server”, từ “Token Ring” qua“CAT-5”... Bà ta đã từ chối hai ba ứng viên cũng rất khá, tuy không bằng anh, chỉ vì họ lúng túng không làm sao giải thích cho bà ta hiểu được tầm quan trọng của vấn nạn Y2K.
Chính nhờ những lời dặn dò của ông Callahan nên trong lúc chờ ngày hẹn để gặp bà Sandy Gill, tôi ngồi suy đi nghĩ lại nhiều lần tìm cách giải quyết vấn đề một cách “rất bình thường” thay vì lập luận theo “khoa học kỹ thuật!” Qua kinh nghiệm mấy năm dạy những lớp sử dụng máy điện toán dành cho người lớn tuổi vào ban đêm ở trường đại học cộng đồng gần nhà, tôi hiểu được phần nào nỗi khó khăn của một người “bình thường” khi phải đương đầu với những từ ngữ chuyên môn trong ngành điện toán... vì đối với họ, học mấy thứ đó còn khó hơn học tiếng La-Tinh! Đã hơn một lần tôi phải sử dụng những danh từ đơn giản, tìm những thí dụ thiết thực với đời sống hằng ngày để giúp “học sinh” hiểu rõ hơn những định nghĩa mông lung trong ngành điện toán. Tôi đọc lại “sổ tay dạy học” gom góp những câu hỏi “vớ vấn” của học trò và những câu trả lời phần lớn do những học sinh lớn tuổi khác đã dùng để giúp bạn học dễ dàng hiểu được “ngôn ngữ thời @” để làm hành trang đi phỏng vấn.
Tới ngày hẹn, sau vài câu chào hỏi xã giao, bà Sandy Gill bảo thư ký gọi ông Bernard Callahan tới văn phòng cùng ngồi “dự thính” và làm “thông dịch viên” khi cần thiết vì bà tự nhận ngay từ đầu là mặc dầu làm “xếp lớn” nhưng bà không biết gì về điện toán cả!
Ông Bernard Callahan vào văn phòng, vừa bắt tay vừa nói nhỏ với tôi: “Cố lên nhé. Nhớ đừng sử dụng từ ngữ chuyên môn. Anh phải nói làm sao để bà ta không cần hỏi lại tôi là anh thắng, bằng không thì...!”
Bà Sandy Gill bắt đầu cuộc phỏng vấn với một câu “nhập đề lung khởi” nhưng rất thực tế:
- Anh nhìn phía sau bàn giấy của tôi đi... Một cái TV, hai cái màn hình điện toán, một cái để xem hồ sơ tài chánh, một cái nữa để xem Email nhưng tôi vẫn cứ phải dùng bút đỏ để sửa bài rồi giao cho thư ký đánh máy lại. Thế cũng chưa đủ vì Bernard và mấy người giám đốc dưới quyền của ông ta còn xin thêm mấy triệu để thay đổi“infrastructure”, nào là “server, switches and routers” rồi “client-server” và“database” gì đó... Tôi biết cái giới hạn trong máy điện toán về việc chỉ dùng 2 con số để ghi năm nên phải thay đổi để có thể ghi cả 4 số, nhưng cái đó là chuyện nhỏ, phải không? Tại sao phải thay đổi toàn bộ như vậy? Tôi biết dùng mấy cái máy mới này tốt hơn dùng máy đánh chữ và như thế cũng được rồi, cần gì phải tiêu nhiều tiền như vậy? Tôi thấy mấy sợi dây cáp nối máy vào bờ tường vẫn còn rất tốt và chẳng bao giờ bị đứt cả, tại sao lại phải thay dây mới? Bernard cũng đã nhiều lần phân tích nhưng tôi cũng chỉ hiểu mù mờ vì đối với tôi dây cáp là dây cáp chứ việc gì phải đổi từ “Token Ring” sang “CAT-5” làm gì cho tốn tiền. Anh nghĩ sao?
Tôi vừa nghe vừa cố nhớ những câu hỏi của bà Sandy Gill và tính nhẩm trong đầu là để thấu hiểu những vấn đề ba ta vừa nêu lên, sinh viên phải theo học ba bốn lớp chuyên môn ở đại học thì làm sao tôi giải thích cho bà ta hiểu được trong cuộc phỏng vấn chỉ giới hạn khoảng một hai giờ đồng hồ! Tuy nhiên, nhờ ông Bernard Callahan đã “gà” trước nên tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và từ từ giải thích:
- Trước hết, tôi xin cám ơn bà đã cho tôi cơ hội này. Tôi xin đan cử một vài hình ảnh cụ thể làm thí dụ để giải thích những thắc mắc của bà. Thế này nhé... Theo như tôi được biết thì ở đây ai cũng được trang bị máy điện toán cá nhân (personal computer) nhưng có lẽ chưa tận dụng hết khả năng của máy vì nhiều lý do khác nhau. Bây giờ chúng ta cứ tưởng tượng rằng National Geographic vừa trang bị cho hơn 2 ngàn nhân viên ở đây mỗi người một chiếc xe hơi mới để đi làm, nhưng khổ nỗi chúng ta chỉ có khoảng 6 trăm chỗ đậu xe. Thêm vào đó, hai con đường L và M đều là đường một chiều, và trong giờ cao điểm thì con đường 17 cũng trở thành một chiều nên mọi người cứ phải chạy lòng vòng mấy lần mới quẹo vào được con đường nhỏ Desales xếp hàng đậu xe! Nhưng rồi làm sao chúng ta có thể chèn nhét hơn 2 ngàn chiếc xe vào 6 trăm chỗ đậu được, đúng không? Do đó, để giải quyết vấn đề, có lẽ chúng ta phải nới rộng bãi đậu xe, xin chính phủ mở lớn những con đường chung quanh sở để không bị tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Bà vẫn hiểu những gì tôi nói chứ?
- Tốt... nhưng cái đó có dính dáng gì tới việc Bernard muốn tiêu mấy triệu để mua máy móc gì không vậy?
- Vâng, có đấy. Bây giờ bà hãy so sánh chiếc máy điện toán cá nhân trên bàn của bà và các nhân viên trong sở như những chiếc xe tôi vừa nêu trên. Chúng ta có máy rồi nhưng chưa có “server”, chưa có “database” thì cũng như có xe nhưng không lái lên sở được vì không có chỗ đậu. Và rồi, nếu chúng ta có chỗ đậu rồi cũng chưa đủ nếu không mở rộng con đường nhỏ Desales và xin phép mở thêm lối khác để vào “garage” thì mỗi sáng nhân viên cứ phải xếp hàng dài dài chờ đợi... Những sợi dây cáp bà thấy vẫn còn tốt như còn đường Desales nhưng cần phải “mở rộng”, đó chính là sự khác biệt giữa “Token Ring” và “CAT-5”. Thêm vào đó, sau khi mở rộng mấy con đường chung quanh sở và số lượng xe cộ ra vào tăng lên gấp ba bốn lần, chúng ta phải làm thêm bảng “stop”, đèn xanh, đèn đỏ... nếu không sẽ xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đúng không? Trong chuyên môn, đó chính là việc làm của mấy cái “switches and routers” mà ông Bernard Callahan đề nghị phải mua đó, thưa bà.
Bà Sandy Gill cười lớn rồi quay sang ông Bernard Callhan:
- Hay quá! Sao mấy tháng nay ông không nghĩ ra cách này để giải thích cho tôi và Hội Đồng Quản Trị?
- Thật tình tôi cũng rất ngạc nhiên và thích thú với kiểu so sánh của anh John... Đó chính là lý do tại sao hôm trước tôi trình với bà anh John là “the right person for the job!”
Sau đó, chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện trời trăng mây nước, rồi tập cách phát âm họ “Nguyễn” bằng tiếng Việt, chuyện tôi đi vượt biên, chuyện làm thiện nguyện ở đảo rồi làm sao tôi được định cư ở Mỹ... cho tới hết giờ hẹn và bắt tay ra về. Bà Sandy Gill bảo ông Bernard Callahan tiễn tôi xuống nhà rồi trở lại gặp bà để thảo luận. Lúc đi thang máy xuống nhà, ông Bernard Callhan bảo tôi: “Anh thắng lớn rồi đó!”
Lúc tôi về tới nhà đã có “message” trong điện thoại của phòng nhân sự nhắn tôi liên lạc với họ để thảo luận về vấn đề lương bổng và ngày nhận việc. Chính ông Bernard Callahan cũng gọi và để lời nhắn bảo tôi cứ việc “nêu giá” vì bà Sandy Gill đã nói với ông ta và phòng nhân sự là “bằng bất cứ giá nào cũng phải nhận anh vào làm việc với chức vụ Director, Infrastructure Planning & Management để giải quyết vấn nạn Y2K và chuẩn bị đưa National Geographic tiến xa hơn trên siêu xa lộ thông tin.”
Tôi đã nhận lời về làm cho National Geogaphic dưới quyền ông Bernard Callahan.
Mùa hè năm 2000, trước khi về hưu, bà Sandy Gill, qua sự gợi ý của ông Bernard Callahan,đã đề nghị với Hội Đồng Quản Trị thăng chức cho tôi làm Vice President phụ trách Information Technology để lo về những kỹ thuật mới trong khi ông Bernard Callahan phụ trách những vấn đề hành chánh và tiếp tục bảo trì những hệ thống máy móc do nhóm của tôi đã đưa vào hoạt động. Trong buổi họp và tiệc trà mừng tôi được thăng chức, ông Bernard Callahan đã mời tôi lên sân khấu đứng bên cạnh ông rồi phát biểu trước mặt toàn thể nhân viên và Hội Đồng Quản Trị:
- Có lẽ nhiều người trong hội trường này không thể phân biệt được trách nhiệm và bổn phận của tôi và anh John khác nhau hay giống nhau ra sao. Mấy năm trước, trong lúc bà Sandy Gill và tôi phỏng vấn anh John, tôi đã học được nơi anh một cách giải thích khoa học kỹ thuật rất ấn tượng và độc đáo... Hôm nay tôi sẽ dùng thử, và nếu quý vị không hiểu thì “ông thầy của tôi đây” sẽ tiếp lời và tôi bảo đảm quý vị sẽ hiểu ngay lập tức. Như quý vị biết, từ hôm nay anh John sẽ “ngồi ngang hàng”với tôi trong công việc, và cả hai chúng tôi đều lo về “khoa học kỹ thuật” cho National Geographic, nhưng nếu không khéo, chúng tôi sẽ dẫm chân lên nhau và công việc sẽ không tốt. Vậy thì vai trò của hai chúng tôi khác nhau ở chỗ nào? Xin thưa... Anh John và nhân viên của anh ta sẽ làm công việc của những kiến trúc sư, còn nhóm của tôi là những người thợ xây và trang trí nội thất. Cả hai nhóm chúng tôi sẽ tay trong tay xây lại “tòa nhà khoa học kỹ thuật” của National Geographic mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Có ai không hiểu hay thắc mắc gì không?
Cả hội trường vỗ tay vang dội. Ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị cũng vui vẻ lên tiếng:
- Thật là may mắn cho chúng ta vì Sandy và Bernard kiếm được một người không những rất giỏi về kỹ thuật mà lại còn biết thông dịch những từ chuyên môn ra ngôn ngữ bình thường cho chúng ta dễ hiểu... Có lẽ vì John đã quen dịch qua dịch lại giữa tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, và hình như cả tiếng La-Tinh nữa thì phải nên anh ta dịch“ngôn ngữ điện toán” ra tiếng Anh rất dễ hiểu và lại còn dạy cho Bernard nữa mới là tuyệt vời chứ. Tôi bảo đảm với mọi người là nếu không có anh chàng gốc Việt này thì hôm nay Bernard sẽ nói là anh John sẽ lo về “Information Technology”còn ông ta phụ trách “Systems Administration”, và hầu hết chúng ta lại mù tịt vì không biết họ sẽ làm chuyện gì ở National Geographic!
Từ đó, chúng tôi chung vai sát cánh bên nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong tất cả các lãnh vực chuyên môn của National Geographic, từ việc chụp hình, quay phim, in ấn sách báo cho tới việc trực tiếp truyền hình những cuộc thám hiểm ở sa mạc, ở bắc cực và nam cực hay trong các rừng già Phi Châu cho tới lòng đại dương sâu thẳm. Ông Bernard Callahan luôn luôn nhắc nhở nhân viên là họ phải trở thành “hậu phương vững mạnh” để nhóm của tôi an tâm “ngoài tiền tuyến” và chính nhờ sự hỗ trợ tích cực của ông mà nhóm của tôi có thêm nhiều thì giờ nghiên cứu để sử dụng những phương tiện máy móc tối tân trong những chương trình mới của National Geographic. Chúng tôi làm việc tương đắc tới nỗi có nhiều người nói về ông Bernard Callahan và tôi là “like father like son!”
Giữa tháng 12 năm 2005, ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị gọi tôi lên văn phòng chỉ mấy phút trước cuộc họp “all hands” tổng kết cuối năm. Tôi vừa bước vào cửa, ông Bernard Callahan và 3 vị phó chủ tịch khác cùng đứng lên nói lớn: “Chúc mừng xếp mới!” Ông chủ tịch hội Hội Đồng Quản Trị đứng lên bắt tay và mời tôi ngồi rồi thong thả nói:
- John. Chúc mừng anh. Tôi muốn cho anh biết tin vui trước khi thông báo với tất cả nhân viên là “Board of Trustees” đã đề bạt anh lên chức vụ Senior Vice President từ ngày 1 tháng 1 năm 2006, và đây là những “vice presidents” sẽ làm việc trực tiếp dưới quyền anh, kể cả Bernard. Từ nay, ngoài vấn đề khoa học kỹ thuật, anh phụ trách luôn mấy nhóm lo việc in ấn sách giáo khoa, đặc biệt là chương trình huấn luyện giáo viên dạy tiếng Anh cho người ngoại quốc ở Á Châu, những cuộc thám hiểm cho học sinh “the JASON project”, và cung cấp phương tiện cho những “vấn đề quốc tế (international projects)”... Chúng tôi tin chắc anh sẽ làm tốt và quý vị ngồi đây cũng rất vui khi được làm việc dưới quyền anh. Thôi, chúng ta đi ra hội trường kẻo trễ.
Tôi bàng hoàng xúc động không nói lên lời! Tất cả những vị phó chủ tịch dưới quyền tôi đều làm cho National Geographic lâu năm hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi, và tuổi đời cũng lớn hơn tôi. Ông Bernard Callahan nói nhỏ với tôi: “Anh rất xứng đáng.Đừng lo, cần gì cứ nói một tiếng!”
Trong lúc phát biểu cảm tưởng trong cuộc họp, ông Bernard Callahan đã khẳng định với tất cả nhân viên rằng ông và những phó chủ tịch khác rất vui khi được làm việc dưới quyền tôi, và điều này “không có nghĩa là chúng tôi đi xuống nhưng là anh John đi lên, và anh ta xứng đáng được như vậy!”
Và cũng từ đó, ông Bernard Callahan luôn luôn tôn trọng và hỗ trợ tôi trong công việc. Ông đã trở thành nhân viên đắc lực nhất của tôi. Chính ông đã lôi kéo và thuyết phục những người khác dẹp tan mọi nghi ngờ hoặc đố kỵ và còn hãnh diện vì xếp của mình xuất thân là một người tỵ nạn đã từng bước đi lên bằng đôi tay, trí óc và con tim của mình. Phần tôi, lúc nào tôi cũng quý mến và kính trọng ông như một người đi trước, một người hướng dẫn và giúp đỡ tôi vững bước trong công việc“quản trị” ở National Geographic. Ông chính là “Role Model” của tôi.
Trước ngày chính thức về hưu, ông Bernard Callahan đã xin với ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị rằng ông muốn tôi là người đại diện National Geographic đọc “diễn văn đưa tiễn” trong ngày trọng đại của ông vì hôm đó tất cả vợ con và cháu chắt của ông đều có mặt, và ông muốn họ được nghe một “ông xếp” nói bằng trái tim chứ không phải chỉ bằng miệng lưỡi. Và đó chính là lý do tôi “đặt tên” cho bài diễn văn hôm đó là “From the Heart… on Mr. Callahan’s Retirement” để đăng lên trang tin nội bộ.
Tôi xin viết lên đây bài diễn văn hôm đó để một lần nữa bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ của tôi dành cho ông Bernard Callahan:
From the Heart…
on Mr. Callahan’s Retirement
Ladies and gentlemen,
The Callahan Family and distinguished guests,
It’s indeed an honor and privilege for me to be here to speak on behalf of National Geographic Society in this special ceremony for Mr. Callahan’s retirement.
Fourteen years of service is not long in comparison with over 123 years of the National Geographic history. Working at National Geographic for 14 years is short if we compare it with those who have been here for more than thirty or forty years. However, within this period of time, Mr. Callahan has contributed a significant list of achievements as written in the testimonial.
Bernard,
You and I have shared many ups and downs in the thirteen years I have worked at National Geographic. In August 1998, you hired me as the director of Infrastructure Planning & Management. A few years later, when the Information Technology group was created, we became peers; and in 2006, when the Information Systems, Information Technology and other divisions were consolidated, I became your supervisor; however, I always look to you as my role model. I always respect you as my superior and my mentor. Together, we always try to do the best for the Society.
In conclusion, I would like to quote a statement from another Vice President about our working relationship: “The success of the Information Systems and Technology division through so many reorganizations and changes in its focus could never be achieved without the unyielding loyalty and respect that Bernard and John have always shared with each other.”
Bernard,
Today, you have reached a new milestone of your life. You are retired. I respectfully wish you the best, and may the Lord’s blessings rest upon you always.
Thank you very much.
Nguyễn Duy-An (John)
Nguyễn Duy-An