DIỄN VĂN CỦA PHÓ TỔNG THỐNG JOE BIDEN
VỀ CHÍNH SÁCH CHÂU Á-THÁI BÌNH
DƯƠNG
Xin chào quý vị. Cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn.
Tôi xin bắt đầu với lời cảm ơn ngài Hiệu trưởng, cảm ơn ngài đã mời sử dụng
địa điểm này, trường George Washington. Ngài luôn hào phóng, và chúng tôi vô
cùng cảm kích. Và tôi đã – việc sắp xếp ngày tháng thật thú vị. Tôi đã – tôi đã
nói trong năm đầu tiên là Trung tâm Vì Tiến bộ Mỹ đã được khai trương, và lúc
này đây tôi đang phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 10. Và điều tuyệt vời là họ
vẫn đang hoạt động; điều đó làm cho tôi phát biểu ở đó trước tiên.
Nhưng, Neera, xin cảm ơn. Chúng tôi nhớ bạn. Và, Rich, cũng xin cảm ơn. Và thưa các đại sứ đang có mặt ở đây, xin cảm ơn nhiều. Tôi thật hân hạnh là các vị đã dành thời gian.
Hôm nay tôi muốn nói với quý vị về lý do tại sao và làm thế nào chúng tôi đang tiến hành chính sách đã được công bố của chúng tôi về nâng cao can dự ở châu Á-Thái Bình Dương, và nơi mà tôi tin – chúng tôi tin – rằng chính sách đang hướng đến.
Khi Tổng thống Obama và tôi nhậm chức, có điều hiển nhiên, đó là chúng tôi thừa kế 2 cuộc chiến tranh. Và điều đó làm chúng ta mất mát xương máu, của cải và thời gian. Và chúng tôi biết chúng tôi phải kết thúc cả 2 cuộc chiến đó một cách có trách nhiệm. Chúng tôi đã làm điều đó ở Irắc, và cùng lúc tôi phát biểu chúng tôi cũng đang làm như vậy ở Apganixtan. Đương nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục can dự ở cả 2 nơi. Và dĩ nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đánh vào Al Qaeda và những kẻ cộng sự ở đó hay ở bất cứ nơi nào chúng có mặt. Nhưng kết thúc dần các cuộc chiến đó đã cho chúng tôi hướng tới các cơ hội thể hiện thực tế của một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Chúng tôi tự hỏi 2 điều khi kiểm điểm lại cách thức tiến hành: Chúng tôi nên tập trung sự chú ý và nguồn lực có thêm vào đâu mà sẽ cho phép chúng tôi tạo ra cơ hôi to lớn hơn ở trong nước và tạo ra tăng trưởng lớn hơn -- tăng trưởng kinh tế -- trên toàn thế giới? Và chúng tôi phải đầu tư chiến lược vào đâu cần thiết để tăng cường không chỉ an ninh của chúng ta mà cả sự ổn định toàn cầu nữa?
Cả hai -- xin nói với các đại sứ -- đều chỉ về châu Á-Thái Bình Dương.
Về mặt kinh tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương -- trải dài từ Ấn Độ tới các quốc gia Thái Bình Dương của châu Mỹ -- là quê hương của khoảng 1 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu. Ở khu vực này có một số nước có mức tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Cũng ở đó có những thị trường đang nổi lên mà sự lựa chọn của họ sẽ định hình đặc tính của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Vì vậy chúng tôi đã chìa tay ra. Chúng tôi chủ động tiếp cận để làm sâu sắc thêm những quan hệ kinh tế và thúc đẩy các thị trường mở và một sự cạnh trạnh trên cơ sở luật lệ dành cho thế kỷ 21.
Chúng tôi đã hoàn tất một hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, cũng như các thỏa thuận với Panama và Côlômbia. Chúng tôi đã khởi động đàm phán về hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ kết nối các nền kinh tế đa dạng như Xinhgapo và Pêru. Chúng tôi đã làm việc hướng tới một mối quan hệ kinh tế có tính xây dựng hơn với Trung Quốc, kể cả thông qua Đối thoại Kinh tế và Chiến lược. Và chúng tôi đã thực hiện vòng đối thoại thứ 5 hồi tuần trước.
Về mặt an ninh, chúng tôi đã tiến hành một cuộc kiểm điểm chiến lược quan trọng tại Bộ Quốc phòng và với các cán bộ an ninh về cách thức đánh giá vị thế toàn cầu của chúng ta ra sao và chúng ta cần biến chuyển ở đâu để phù hợp với thời thế.
Ở châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi thấy một khu vực đầy hứa hẹn, nhưng cũng có sự bất định và rủi ro chính trị. Nhiều nước đã trải qua sự biến đổi kinh tế nhanh chóng mà về cơ bản đã tạo ra một sự chuyển động mới: tham vọng gia tăng và căng thẳng gia tăng. Nhưng những luật lệ và chuẩn mực mang lại khả năng lường trước để xử lý cả hai sự thay đổi đó, sự trật tự cần có thì vẫn chưa hoàn chỉnh.
Chúng tôi tập trung vào những nguy cơ gián đoạn thương mại, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thảm họa con người, xung đột giữa các quốc gia và mối đe dọa dai dẳng tạo ra bởi Bắc Triều Tiên.
Vì vậy chúng tôi chủ trương làm một số việc: trước hết, tăng cường các quan hệ đồng minh; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác an ninh và đầu tư chưa từng có vào các định chế khu vực để giúp quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.
Tổng thống Obama đã chuẩn thuận một Định hướng Chiến lược Quốc phòng được các Tham mưu Trưởng Liên quân thông qua sau nhiều tháng nghiên cứu theo đó đã nâng sự tập trung của chúng ta vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Và về mặt kinh tế và chiến lược, thật rõ ràng vì sao Hoa Kỳ phải tái cân bằng -- để chuyển hướng nhiều nguồn lực và sự chú ý hơn nữa tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bởi vì hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu số người tầng lớp trung lưu châu Á-Thái Bình Dương đang gia tăng có thể giúp nâng cao nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn nhiều hơn nữa so với những gì họ đang làm hiện nay; nếu các quốc gia từ bỏ những cám dỗ về tư duy được ăn cả ngã về không và trỗi lên một cách hòa bình cùng nhau; nếu sự tiến bộ để có các quyền và tự do lớn lao hơn chứng minh rằng không có nước nào phải lựa chọn giữa dân chủ và phát triển, mà đó là một sự lựa chọn sai.
Tôi muốn đặt lại vấn đề khác đi một chút: Hãy tưởng tượng rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những điều đó không diễn ra. Tất cả chúng ta sẽ ở trong một thế giới đầy rắc rối. Vì vậy tất cả chúng tôi đều nhập cuộc, toàn bộ chính quyền này. Tuyệt đối toàn tâm toàn ý với việc tái cân bằng này. Tổng thống hoàn toàn tâm huyết, và tôi cũng vậy. Và đội ngũ an ninh quốc gia và kinh tế của chúng tôi cũng vậy.
Và quý vị không cần nhìn đâu xa hơn chính sự can dự mới đây của tôi để hiểu được tầm vóc và quy mô của việc tái cân bằng. Tôi sẽ đi Ấn Độ tuần tới. Hai mươi, thậm chí 10 năm trước, một số người có thể đã cho rằng cứ để mặc Ấn Độ đứng ngoài các cuộc thảo luận về châu Á-Thái Bình Dương.
Một trong những lý do tại sao Tổng thống Obama gọi mối quan hệ của chúng ta với Ấn Độ là “một quan hệ đối tác mang tính định nghĩa cho thế kỷ tới” là vì Ấn Độ đang ngày càng hướng đông như là một thế lực vì an ninh và tăng trưởng ở Đông Nam Á và hơn thế nữa.
Đối với chúng tôi đó là tin đáng hoan nghênh. Chúng tôi khuyến khích điều đó. Chúng tôi hoan nghênh sự can dự của Ấn Độ ở khu vực, và chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của họ nhằm phát triển các liên kết thương mại và vận tải mới trên bộ và trên biển trong khu vực.
Tôi cũng sẽ thăm Xinhgapo, một nước có 5 triệu dân, nước đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới, một đối tác trong TPP và một bên tham gia quan trọng ở Đông Nam Á và hơn thế nữa.
Lý do Tổng thống Obama tập trung đặc biệt vào Đông Nam Á: ASEAN giờ đây là nền kinh tế quy mô 2 ngàn tỷ đôla với 600 triệu dân. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á nhiều hơn ở Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á như Xinhgapo và Inđônêxia đã trở thành những đối tác quan trọng về mọi thứ từ chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho đến chống cướp biển. Đó là lý do tại sao tôi sẽ đi thăm Xinhgapo.
Và dĩ nhiên, nằm trong cốt lõi chiến lược của chúng ta ở khu vực là các liên minh của chúng ta: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philíppin, Thái Lan.
Xét về toàn diện trong các liên minh này, chúng ta đang ở mức độ cao về hợp tác giữa các nhà lãnh đạo -- cả về quân sự và chính trị -- và sự ủng hộ của nhân dân.
Sát với tổ quốc hơn, sự can dự tăng cường của chúng ta ở Tây Bán Cầu cũng là một phần -- chứ không phải song hành -- với chính sách tái cân bằng tổng thể của chúng tôi.
Quý vị thấy điều đó rất cụ thể trong hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong đó có 5 nước ở Tây Bán Cầu. Quý vị cũng có thể thấy điều đó trong các sáng kiến ở Tây Bán Cầu như Liên minh vì Thái Bình Dương -- một tổ chức mới gồm các nước định hướng thị trường tự do đang tích hợp các nền kinh tế của mình và hướng tây vì thương mại và đầu tư.
Như tôi đã nói trong một diễn văn cách đây chưa lâu, lần đầu tiên, ít nhất là lần đầu tiên mà tôi nhớ, tôi tin là lần đầu tiên trong lịch sử, có thể hình dung ra một châu Mỹ gồm dân cư là tầng lớp trung lưu, an ninh và dân chủ kéo dài từ bắc Canađa cho tới mũi đất của Chilê và tất cả những gì ở giữa. Còn nhiều việc phải làm, nhưng điều đó nằm trong tầm tay.
Một châu Mỹ như vậy được kết nối về kinh tế, chiến lược và thông qua các giá trị chung có thể đóng góp to lớn cho một Thái Bình Dương thịnh vượng và an ninh hơn.
Đó là một trong những lý do tại sao Tổng thống Obama mới đây đã thăm Mêhicô và Costa Rica. Đó là vì sao mới đây tôi đã thăm Côlômbia, Thái Lan [nguyên văn] và Braxin hồi tháng 5 và sẽ quay trở lại khu vực vào mùa thu năm nay. Vậy tất cả những điều này kết hợp lại có ý nghĩa gì?
Mục tiêu của chúng tôi là giúp gắn kết các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương lại với nhau -- từ Ấn Độ cho đến châu Mỹ -- thông qua các liên minh, định chế và quan hệ đối tác.
Trong 60 năm qua, sự an ninh mà chúng ta mang lại đã làm cho nhân dân của khu vực có thể biến tài năng và sự lao động cật lực của họ trở thành sự kỳ diệu về kinh tế. Và giờ đây, chúng tôi muốn đẩy nhanh sự xuất hiện của một trật tự châu Á-Thái Bình Dương mà sẽ mang lại an ninh và thịnh vượng cho mọi quốc gia tham gia.
Nói ngắn gọn, chúng tôi muốn góp phần lãnh đạo trong việc tạo ra những luật lệ trong thế kỷ 21 dành cho con đường mang lại lợi ích không chỉ cho Hoa Kỳ, và khu vực, mà cả toàn bộ thế giới. Dòng máu nuôi sống khu vực, hiển nhiên, là sự phát triển kinh tế. Nhưng tăng trưởng đã bị chậm lại ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nơi ở châu Á. Và mỗi nước phải đối mặt với những thách thức riêng biệt, khác nhau.
Nhưng từ góc độ của chúng tôi, con đường về phía trước khá rõ ràng. Để tạo sự bùng nổ tăng trưởng mới, cần phải có: ít rào cản hơn tại và sau biên giới của chúng ta; bảo hộ tài sản trí tuệ và trọng thưởng sự đổi mới; các cam kết mới để đảm bảo rằng mọi người đều tuân theo những luật lệ giống nhau bởi vì đó là yếu tố thu hút đầu tư và việc làm; cũng như hội nhập kinh tế.
Đó là công việc mà chúng tôi đang theo đuổi chính lúc này, hôm nay ở Malayxia vào lúc đoàn đại biểu của chúng ta đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với các nước đa dạng như Việt Nam, Chilê, New Zealand, Mêhicô, thì chẳng bao lâu nữa, sẽ có thêm Nhật Bản, và lúc đó khối này sẽ chiếm 40% GDP của thế giới.
TPP có tiềm năng đưa ra những tiêu chuẩn mới cho các cam kết chung hướng đến cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh công bằng về đầu tư, lao động, môi trường, các thị trường mở dành cho ô tô và các ngành công nghiệp khác.
Và chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng điều này sẽ tạo ra một sự khích lệ mạnh mẽ đối với các quốc gia khác trong việc nâng cao các tiêu chuẩn của mình, nhờ đó họ cũng có thể tham gia. Chúng tôi đã thảo luận với một số trong các quốc gia này ở cả châu Mỹ và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nỗ lực của chúng tôi về TPP không chỉ là tham vọng mà chúng tôi tin tưởng rằng điều đó có thể làm được. Và chúng tôi đang làm việc tích cực để để có thể hoàn thành trong năm nay.
Cùng lúc chúng tôi cũng đang hướng đến các nền kinh tế đang nổi ở khu vực Đông Nam Á: hợp tác với các quốc gia vùng Hạ nguồn sông Mê Kông để nâng cao an ninh lương thực, kết nối, nước và y tế; khuyến khích các đầu tư và cải cách có trách nhiệm ở Myanmar; và vào mùa thu năm ngoái, Tổng thống đã phát động sáng kiến Cam kết Kinh tế Nâng cao với ASEAN.
Chúng tôi cũng đang giải quyết các thách thức trong mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc. Các thách thức này không hề mâu thuẫn với nhau. Chúng tôi không coi quan hệ của chúng tôi và quan hệ trong tương lai với Trung Quốc về mặt xung đột hoặc nói về các xung đột không thể tránh được. Chúng tôi xem mối quan hệ này ở góc độ kết hợp lành mạnh giữa cạnh tranh và hợp tác. Một cuộc cạnh tranh mà chúng ta chào đón. Nó đã ăn vào trong DNA (cấu tử cơ bản của tế bào di truyền) của chúng ta. Chúng ta muốn cạnh tranh. Cạnh tranh tốt cho cả hai chúng ta miễn là cạnh tranh đó là công bằng.
Rõ ràng người Trung Quốc hiểu để đảo ngược tốc độ tăng trưởng đang giảm cần phải có các cải cách nội bộ mà họ muốn tiến hành – không phải các cải cách mà chúng ta đang gợi ý họ tiến hành. Họ đã tự đưa ra phán đoán của chính họ - những phán đoán nếu họ tiếp tục thực hiện sẽ không chỉ giúp Trung Quốc theo quan điểm của chúng tôi mà còn giúp khu vực và thế giới. Họ đã kết luận rằng Trung Quốc cần chuyển sang một nền kinh tế định hướng tiêu dùng nhiều hơn. Họ đã kết luận rằng họ phải tạo ra một hệ thống tài chính dựa trên thị trường và điều hành tốt. Và họ đã kết luận rằng họ cần tự do hoá tỷ giá hối đoái của chính họ. Điều này sẽ rất khó khăn. Nó khó về mặt nội tại khi họ thực hiện điều này, nhưng tôi tin chắc rằng họ tin tưởng – và rõ ràng chúng ta cũng tin - việc này là cần thiết.
Và chúng tôi đang cam kết trực tiếp với Ấn Độ vì Ấn Độ đã có một số lựa chọn cơ bản mà Ngài Đại sứ có thể trình bày trực tiếp hơn tôi về tương lai kinh tế của chính nước này.
Trong 13 năm qua, chúng tôi đã gia tăng thương mại song phương của chúng ta lên 5 lần, đạt gần 100 tỷ USD. Nhưng nếu bạn nhìn vào điều này từ một khoảng cách nhất định, một người không có thông tin đầy đủ nhìn vào điều này từ một khoảng cách nhất định thì không có lý do gì cho rằng hai quốc gia chúng ta có lựa chọn đúng thì thương mại không thể tăng 5 lần hoặc cao hơn nữa.
Ngay trong tuần này, Ấn Độ đã công bố sẽ nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số lĩnh vực nhất định. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên nhiều vấn đề, kể cả hợp tác hạt nhân dân sự, hiệp ước đầu tư song phương, các chính sách bảo vệ sáng kiến. Còn rất nhiều việc cần phải làm. Nhưng chúng tôi tin tưởng - với tâm trí cởi mở và biết lắng nghe, cũng như tập trung vào trường hợp của chúng tôi, chúng tôi tin tưởng có thể làm được.
Vì tất cả chúng tôi đều cố gắng hướng đến tăng trưởng lớn hơn, chúng tôi phải thừa nhận rằng biến đổi khí hậu cũng có tác động đến tăng trưởng và an ninh. Đây là một ưu tiên của Tổng thống và tôi. Hoa Kỳ hiện nay có mức độ khí thải các bon thấp nhất trong 2 thập kỷ qua. Và chúng tôi đã quyết định tiến xa hơn nữa, và theo quy trình chúng tôi có thể thực hiện, khả năng công nghệ sẵn có của chúng tôi, đồng thời để giúp các quốc gia khác làm tương tự như chúng tôi.
Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc cùng với ASEAN nhằm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch; tại sao chúng tôi đang giúp các quốc gia vùng đảo Thái Bình Dương làm dịu bớt tác động của nước biển dâng. Nước biển đang dâng. Chúng tôi vừa đạt được một thoả thuận với Trung Quốc trong việc giảm sử dụng các chất gây ô nhiễm có tên là HFC gây ra biến đổi khí hậu. Và không có lý do gì chúng tôi không thể hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ. Đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Kerry đã đồng ý một cuộc đối thoại nâng cao với Ấn Độ về biến đổi khí hậu mới tháng trước.
Tăng trưởng kinh tế có thể là vị trí trung tâm của tất cả những gì chúng ta đang nói đến. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hoà bình và ổn định. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải có các quy định chung cho thế kỷ 21 không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực an ninh.
Liên quan đến tranh chấp biển, điều quan trọng là tất cả các quốc gia phải có sự hiểu biết rõ ràng về những gì cấu thành các cư xử quốc tế có thể chấp nhận được. Có nghĩa là không có sự đe doạ, ép buộc, gây hấn và có sự cam kết của tất cả các bên nhằm làm giảm nguy cơ mắc sai lầm và tính toán sai.
Cha tôi - Chúa rất yêu quý ông - thường hay nói một câu rất hay. Ông thường nói này Joey, cuộc chiến tranh duy nhất tồi tệ hơn cuộc chiến tranh mong đợi đó là cuộc chiến tranh không dự tính trước. Những viễn cảnh nơi chúng ta rất dễ mắc sai lầm là có thực. Vì vậy, vì lợi ích của tất cả mọi người cần phải có tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tôn trọng luật và các quy tắc quốc tế cũng như giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ.
Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích Trung Quốc và ASEAN hợp tác thậm chí nhanh hơn để đạt được thoả thuận về bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Đề ra những quy định rõ ràng là bước đầu tiên trong việc quản lý các tranh chấp. Và Hoa Kỳ có lợi ích to lớn trong việc chứng kiến điều này trở thành hiện thực.
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, một điều tôi nghĩ mọi người hiện giờ đều đồng ý đó là chúng ta đồng ý rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này gây ra một mối đe doạ rõ ràng và nhãn tiền đối với ổn định trong khu vực và trong vùng Đông Á nói riêng. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc gần gũi với các đồng mình của chúng tôi là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng chúng tôi cũng đang làm việc ngày càng gần gũi hơn so với 40 năm trước đây với Trung Quốc và Nga.
Liên quan đến thái độ khiêu khích gần đây của Bắc Triều Tiên, chúng tôi chào đón tuyên bố quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình: đạt được thoả thuận về Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là ưu tiên của Trung Quốc. Đây không chỉ là điều Trung Quốc mong muốn mà còn là ưu tiên của họ. Chúng tôi chào đón lời khẳng định quả quyết đó.
Hiện nay, Bắc Triều Tiên đang kêu gọi một cuộc đối thoại. Như mẹ tôi từng nói tôi đã xem bộ phim này rồi. (Cười). Chúng tôi đã từng ở đó trước đây. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi sẵn sàng nếu Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị tham gia vào các cuộc đàm phán thành thật. Chúng tôi sẽ không khuyến khích mô hình của Bắc Triều Tiên là khiêu khích một cuộc khủng hoảng và sau đó lại nằng nặc cho rằng họ đáng được thưởng để dừng các hành động mà họ đang tiến hành. Trước đây chúng tôi đã ở đó, chỉ để nhận ra rằng một khi họ nhận được khoảng không và sự viện trợ cần thiết, họ lại quay lại thái độ khiêu khích và nguy hiểm tương tự và tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.
Bắc Triều Tiên có thể có hoà bình và thịnh vượng giống như các quốc gia khác trong khu vực chỉ khi không có vũ khí hạt nhân. Bắc Triều Tiên có một lựa chọn rõ ràng: Nước này có thể lựa chọn một con đường tốt hơn cho người dân của mình hoặc tiếp tục theo con đường hiện nay.
Mặc dù vậy, không nên mắc sai lầm về điều này. Chúng tôi cởi mở hợp tác với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Đó là điều chúng tôi đã làm ở Myanmar. Và tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ nói rằng chúng ta đã thấy một số lợi ích hữu hình từ sự hợp tác đó.
Vì vậy, chúng tôi có một chương trình nghị sự dày đặc ở châu Á trong thời gian tới. Và chúng tôi cam kết sẽ xem xét hết chương trình này. Nhưng khi tôi đi khắp thế giới, và đang đến Ấn Độ - tôi chuẩn bị vượt qua ranh giới 700.000 dặm kể từ khi trở thành Phó Tổng thống, không tính 36 năm trước – nhưng tôi vẫn nghe thấy những câu hỏi ở bất cứ nơi nào tôi đến, những câu hỏi ở châu Á về khả năng chúng tôi thực sự cam kết vào sự tái cân bằng này. Tôi cũng đã nghe những câu hỏi trong các chuyến đi gần đây của tôi đến châu Âu, với các nhà lãnh đạo châu Âu, về khả năng chúng ta sẽ bỏ châu Âu lại phía sau.
Rõ ràng là chúng tôi không rời bỏ châu Âu. Gần đây, tôi có trao đổi với các nước châu Âu, các thành viên NATO và EU tại Munich. Tôi đã nói rằng châu Âu vẫn là “nền tảng chính sách can dự của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới”. Đó là sự thật. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.
Thật sự, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự can dự của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương nằm trong lợi ích to lớn của chính châu Âu. Chúng tôi tin vào sự kết hợp giữa các hiệp định kinh tế xuyên Đại Tây Dương mà chúng ta đang đàm phán và Hiệp Định Xuyên Đối Tác Thái Bình Dương mà tôi đã đề cập, chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Chúng không hề mâu thuẫn với nhau. Các hiệp định được tạo ra nhằm cập nhật và củng cố các quy luật kinh tế toàn cầu của thế giới trong thế kỷ 21.
Châu Âu, cũng giống như chúng tôi, sẽ hưởng lợi lớn từ sự ổn định tại Thái Bình Dương, tại châu Á. Vì thế, không có lý do gì chúng ta không dành quan tâm lớn hơn cho châu Á-- Thái Bình Dương và vẫn để mắt tới khu vực Trung Đông. Các bạn à, đây là những gì mà các cường quốc làm. Nói theo ngôn ngữ thông dụng, chúng có thể vừa đi vừa nhai kẹo cao su. Đó là điều mà các cường quốc thường làm.
Chẳng có bằng chứng nào cho thấy chúng tôi đang rời mắt khỏi khu vực Trung Đông như lẽ ra phải thế, rời bỏ châu Âu và không có ý định tiếp tục thực hiện chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các bạn, hơn lúc nào hết, chúng ta đang có lợi thế để thực hiện tất cả các điều này. Tôi biết các bạn sẽ nghĩ nghe như lời hứa hẹn trong các chiến dịch mà tôi đã nói trong nhiều năm, nhưng thực sự Hoa Kỳ đã trở lại. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất, tôi đã nói rõ với lãnh đạo Trung Quốc rằng, sẽ không bao giờ có kết quả tốt khi đặt cược chống lại Hoa Kỳ. Sự kiên cường của nhân dân Hoa Kỳ và bản chất của hệ thống chúng ta--Hoa Kỳ đã trở lại
Xin được nhại lời văn hào Mark Twain, các bài viết về sự suy tàn của chúng ta là hơi vội. Các doanh nghiệp chúng ta đã tạo ra 7,2 triệu việc làm kể từ khi chúng tôi nhậm chức. Từ chỗ mất hơn 400.000 chỗ làm trong một tháng, kéo dài trong hơn 12 tháng trong năm 2009, hiện cho đến thời điểm này, hàng tháng chúng ta đã tạo ra trên 200.000 chỗ làm. Sản xuất cũng đã trở lại—đó là sự tăng trưởng sản xuất lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Rất nhiều công ty công nghệ cao đã quay trở lại quê nhà.
Có lý do cho điều đó. Và đây là một ví dụ, công nhân Hoa Kỳ có năng suất rất cao – cao hơn gấp ba lần so với công nhân Trung Quốc. Các công ty được bảo đảm về quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta còn có hệ thống tòa án minh bạch để thực thị các hợp đồng.
Thâm hụt ngân sách đã giảm 50% kể từ khi chúng tôi nhậm chức. Tài sản của các hộ dân, có hơn 17 nghìn tỷ đô la Mỹ giá trị tài sản của các hộ dân đã mất trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế mà chúng tôi thừa hưởng. Số tiền này đã quay trở lại với các gia đình. Chúng ta đang sản xuất nhiều năng lượng hơn từ tất cả các nguồn. Giờ đây chúng ta đã có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho hơn 100 năm, đáp ứng được tất cả nhu cầu trong nước, nhu cầu năng lượng cho 100 năm tiếp theo. Chúng ta là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới—đó cũng là lý do mà các công ty đang quay trở lại. Chi phí chỉ bằng 1/3 cho đến 1/5 so với các nơi khác trên thế giới.
Chúng ta cũng sẵng sàng giúp các quốc gia khác. Nhập khẩu dầu của chúng ta đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ vẫn là quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới, nếu các đồng nghiệp tại các nước khác không trách khi tôi phát biểu như vậy.
Các bạn à, tôi cũng nghĩ rằng, các nước khác trên thế giới cũng hiểu lý do của những gì đang diễn ra, đó không phải vì chúng ta may mắn có nguồn khí đốt tự nhiên hay vì có hai đại dương… Tôi cho rằng đó còn nhờ vào sức mạnh bền bỉ của người dân và hệ thống của chúng ta. Dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn khó khăn, học sinh vẫn được dạy phải thách thức lại những điều chính thống. Không ai tại Hoa Kỳ là thấp kém hay bị phạt vì dám thách thức những điều chính thống.
Cách duy nhất tạo ra đột phá là thách thức lại những gì chính thống—ở đó cạnh tranh là công bằng, nơi đó mọi người có quyền bày tỏ quan điểm, thực hành tôn giáo, và quyết định tương lai. Đây là những giá trị phổ quát. Những giá trị này không phải chỉ dành cho duy nhất người dân Hoa Kỳ. Tôi tin rằng sẽ không có có ngoại lệ nào của riêng châu Á đối với khát vọng chung về tự do.
Người trẻ tuổi khắp châu Á và trên thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi các vấn đề như tham nhũng, quyền về đất đai, ô nhiễm, an toàn thực phẩm và sản phẩm. Đây là những vấn đề liên quan đến sự cởi mở và minh bạch, đến những quyền và tự do lớn hơn.
Theo thiển ý của tôi, không quốc gia nào cần phải áp dụng chính xác hệ thống của chúng ta. Tôi không hề gợi ý như vậy. Tuy nhiên, rất khó để sáng tạo ở những nơi mà không có hơi thở của tự do. Không thể tạo ra những đột phát công nghệ tại những nơi vẫn xem chính thống là qui chuẩn.
Theo thiển ý của tôi, những điều làm cho chúng ta trở thành một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo và có sức bền chính là sự cởi mở, tự do trao đổi ý tưởng, tự do doanh nghiệp và tự do cho người dân. Những điều này cũng có những mặt trái, như những gì chúng ta đã chúng kiến tại Boston và các nơi khác, có mặt trái nhưng chúng ta sẽ không đánh đổi chúng dù lấy cả thế giới.
Có quá tự tin không khi nói điều này, bởi chúng ta chẳng bao giờ nói cho các lãnh đạo các nước khác lợi ích của họ là gì, không bao giờ nói cho các nước khác họ nên làm gì. Nhưng tôi tin rằng những nhân tố này chính là nhưng thành phần cơ bản cho sự thành công của bất kỳ quốc gia nào trong thế kỷ 21.
Một câu nổi tiếng của người sáng lập công ty Apple tại đại học Standford khi ông được hỏi là “Tôi phải làm gì để được giống như ông”, câu trả lời của ông ấy là “Hãy suy nghĩ khác biệt”. Các bạn chỉ có thể suy nghĩ khác biệt tại những nơi mà có thể suy nghĩ tự do, tại nơi mà bạn có thể thở hơi thở của tự do.
Cho nên cho phép tôi kết thúc bài phát biểu này bằng câu như Neera đã nói “đây không phải là cuộc chơi có tổng lợi nhuận bằng không”. Ấn Độ phát triển cũng là lợi ích to lớn của Hoa Kỳ. Trung Quốc phát triển cũng mang lại lợi ích to lớn của chính chúng ta. Kinh tế thế giới tăng trưởng cũng mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta. Vì chúng ta tin rằng thành công của Châu Á gắn liền với thành công của chúng ta.
Vì thế Tổng thống và tôi sẽ tiếp tục vượt đại dương, cả tây và đông, đặc biệt đến các quốc gia không thể thiếu được tại Thái Bình Dương, để định hình một tương lai thịnh vượng cho Hoa Kỳ, cho người dân tại chính các quốc gia này và cho cả thế giới.
Cám ơn sự chú ý lắng nghe của các bạn. Xin cảm ơn