Friday, July 19, 2013

TRẦN DẠ TỪ

Cô Bé Họ Đặng Vũ Lạc Bước Vào Nghề Báo
 
Họ Đặng  ở Hành Thiện là dòng họ danh gia khoa bảng miền Bắc. Một họ, hai nhánh Đặng Xuân và Đặng Vũ, đều có những nhân vật tiêu biểu trong  suốt cuộc tương tranh giữa hai phe Quốc Cộng.
 
Nhánh Đặng Xuân, có ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau thành chủ tịch nước Việt Nam Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhánh Đặng Vũ, giầu có thành đạt hơn, có bệnh viện tư đầu tiên tại Hà Nội, có bà cô nổi tiếng trong chính giới chống Cộng là Bà Cả Tề, người chăm lo cho nhiều thế hệ đảng viên Đại Việt Cách Mạng chống Pháp, chống Cộng. Các chiến sĩ Đại Việt từ miền Trung, miền Nam, khi tụ về Hà Nội, đều do một tay bà Cả Tề lo. Có người sau này thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà như ông Nguyễn Văn Thiệu. Có người còn thành rể họ Đặng, như trường hợp “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên, sau là nhà văn nhà báo Nam Kỳ nổi tiếng ở Saigon.
 
 Là một đại tiểu thư họ Đặng Vũ, nhưng Tường Vi  chào đời đúng năm loạn: Bính Tuất 1946, Hà Nội khói lửa. Ngày 23 tháng 11 năm 1946, Mẹ sinh Vi trên đường chạy loạn về Nam Định.
 
Tản cư. Hồi cư. Rồi di cư vào Nam. Nhà đông các em -bốn trai, sáu gái- chị lớn phải vừa học vừa làm, phụ giúp cha mẹ. Mới 16 tuổi, đang học lớp đệ tứ, năm cuối trung học đệ nhất cấp, làm gì bây giờ" Trong họ, có mấy bà cô, ông chú đang làm tờ tuần báo Ngàn Khơi: Cô chú Nguyễn Hữu Đông quản nhiệm, Chú Tư Cầu Lê Xuyên viết truyện dài, chú Từ cô Nhã và các bạn Đằng Giao, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long... lo việc trình bầy, bài vở. Thôi thì tan học, đạp xe ra toà báo, làm việc với các cô các chú.
 
Vậy là từ 1962, có cô bé áo dài học trò tóc ngang vai, phụ việc biên tập tại toà soạn Ngàn Khơi ở đường Bùi Viện, Saigon. Chính tại đây, Đặng Tường Vi đã có những bài thơ đầu tiên về trường lớp, bạn học, nay còn tìm thấy và được in trong Di Cảo Thơ.
 
Thấy cô cháu Đặng (Vũ) Tường Vi học hành giỏi dang, thi đâu đậu đó, tưởng báo chí đối với cô chỉ là việc tạt ngang tạm thời trong khi chờ học hành, thành đạt. Nào ngờ, từ tờ tuần báo văn nghệ nhà nghèo, Vi bước luôn vào làng báo chuyên nghiệp, và lam việc với các nhật báo Sống, Hoà Bình, Độc Lập, Báo Đen, Thách Đố, Đại Dân Tộc, Quật Cường...
 
Năm 1967,  Đặng Tường Vi dự thi  vào ban phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã và trúng tuyển. Thời chiến tranh, Việt Tấn Xã là tổng nha lớn, có cả mấy trăm biên tập viên, phóng viên, phiên dịch. Tổng Giám Đốc là nhân vật chính trị, quản trị. Tổng Thư Ký -do nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh  đảm nhiệm- là người phối hợp toàn bộ việc biên tập, mỗi ngày 2 lần cung cấp cho báo chí trong ngoài nước và các cơ sở công quyền  hàng trăm trang tin tức thời sự bằng Việt-Anh-Pháp ngữ.
 
 Dù trúng tuyển làm phóng viên nhưng khi vào Việt Tấn Xã, công việc đầu tiên Vi được giao là... thư ký hành chánh, đánh máy. Lý do là thấy cô chưa qua tuổi 20, cũng không tốt nghiệp khoa báo chí. Vi vào tận phòng Tổng Thư Ký Nguyễn Viết Khánh khiếu nại. Anh Khánh sau này thưởng kể lại “Hồi ấy mình không quen biết gì. Thấy cô bé khóc,  phải mở hồ sơ, đọc xong bài viết thử của cô bé là quyết định chuyển ngay. Nhờ vậy mà từ đó Việt Tấn Xã có một nữ phóng viên xuất sắc.”
 
Tới với làng báo từ năm 16 tuổi và liên tục ở lại với nghề, có lẽ Đặng Tường Vi  là người đã “chọn nghiệp” sớm nhất, trong số các nữ phóng viên tại Saigon năm xưa. Chọn  báo bổ làm nghiệp chưa ngán, Vi còn chọn một anh nhà báo  bạn ông chú làm chồng, để rồi một mình lãnh biết bao sóng gió.
 
Sau tháng Tư 1975, khi các chàng đi tù mút mùa, nhóm nữ phóng viên Saigon, nay đã thành các bà mẹ một mình, họp nhau bán cà phê vỉa hè. Đây là phần được nữ phóng viên Vũ Thanh Thuỷ kể trong bài “Nhớ Đặng Tường Vi.”
 
(Nhân chuyện tháng Tư, chỉ xin bổ túc chút chi tiết về họ Đặng Hành Thiện: Saigon đổi đời, treo đèn kết hoa đón các lãnh tụ Hà Nội, nhà Bà Cả Tề của họ Đặng Vũ bị “giải phóng” sạch sành sanh chén đũa, nồi niêu. Cũng nên nhắc lại là năm xưa, khi Trường Chinh Đặng Xuân Khu bị bắt nằm nhà tù Hoả Lò, thì dù là nhân vật Đại Việt chống Cộng, cũng chính Bà Cả Tề đã là người lo vào tận nhà tù thăm nuôi ông em họ ở phía đối nghịch.)
 
Tháng Tư năm 1979, Đặng Tường Vi một mình cõng con trai là bé Nguyễn Khắc Việt Anh 4 tuổi vượt biên từ cửa biển Rạch Giá. Từ tháng Chín cùng năm,  định cư tại San Diego, Vi một mình mang con đi xe bus đến trường học, và mấy năm sau, tốt nghiệp Bachelor of Science về Information Systems tại San Diego State University.
 
Năm 1981, Vi bảo lãnh anh chồng nhà báo thuyền nhân Nguyễn Khắc Nhân từ Mã Lai sang Mỹ. Sau đó, tuần báo “Người Việt San Diego” thành tờ báo được đọc nhiều nhất trong vùng. Vừa đi làm toàn thời gian tại San Diego Reginal Center, Vi vừa tiếp tục “trả nghiệp”, bằng cách hàng tuần giúp chồng lái xe đi bỏ báo. Tiếp theo, cô gái lớn nhà họ Đặng lần lượt bảo lãnh được bố mẹ và đông đủ các em sang Hoa Kỳ, một nhà đoàn tụ.
 
Mọi bổn phận, chu toàn. Và sau cùng, đúng ngày Lễ Tình Nhân, Thứ Ba 14 tháng 2 năm 2006, Đặng Tường Vi ra đi, sau mấy  năm bị bệnh Alzheimer.
Bính Tuất 1946 - Bính Tuất 2006.
Sáu mươi năm Đặng Tường Vi.
Đúng một vòng hoa giáp.
 
Đến với báo chí, Đăng Tường Vi,  lặng lẽ mà tận tụy. Mười ba năm làm báo ở quê nhà, viết ký sự, tường thuật đủ loại biến cố, phỏng vấn đủ loại nhân vật, mỗi ngày vài ba bài, vừa cho Việt Tấn Xã vừa cho nhiều báo khác nhau, Đặng Tường Vi hẳn nhiên đã phải viết cả chục ngàn bài báo, chưa kể 18 năm dịch tin, viết bài cho Người Việt San Diego. Vậy mà trong số di cảo Vi để lại trước khi chìm vào bóng tối Alzheilmer, không thấy dấu vết bài báo nào. Chỉ còn những trang thơ cũ được trân trọng gìn giữ.
 
Đến với thi ca, Đặng Tường Vi nhẹ nhàng mà say mê. Trong di cảo thơ Vi, từ con đường học trò tới hành trình vượt biển, từ đêm xuân thành phố tới bờ cát hoang đảo, đâu đâu cũng thấy  lấp lánh thứ ánh sáng hiền hoà của tình yêu, tình bạn.
Trong số 52 bài sưu tập được cho Di Cảo Thơ, không có dòng nào cay đắng về chiến tranh, thù hận.
*
Cháu Vi,
 
Hôm đưa cháu đi, chú Từ bỗng nhớ đủ thứ chuyện. Nhớ cái xó có chú Lê Xuyên ngồi trong toà báo cũ. Nhớ bằng hữu người mất kẻ còn, phiêu dạt đâu đó. Chú nhớ cháu. Nhớ những hạnh phúc và khổ đau chung. Nhớ tấm lòng cháu ăn ở với mẹ cha, anh chị em, bạn hữu. Nhớ cả cái máy sưởi cháu từng mang tới gian phòng của Việt Báo mùa đông năm kia.  Chú nhớ... và đã nói lời cuối: Các bạn chúng ta, dù ở bất cứ đâu, tất cả đều nhớ Đặng Tường Vi.
 
Mới tuần trước, ông bạn nhà văn Lê Tất Điều gửi cho chú bài viết mới, tựa đề là “Một Giọt Hư Vô”. Ngược xuôi cõi tử sinh thấm mệt, ông ta gây sự với Albert Einstein về thuyết tương đối. Bài viết có câu kết gửi một cô cháu “Chú đang cần vòng hoa tiếc thương một giọt hư vô thân thiết vừa từ bỏ nhân gian.” Trong mail kèm theo cho chú, ông Điều than “Từ ngày giọt hư vô thân yêu Đặng Tường Vi ra đi, không còn ai lo gửi dùm mấy tờ báo cho tôi đọc nữa.”
Thấy không, Vi thân yêu, tất cả nhớ cháu.
 
Cám ơn cháu. Tất cả.
 
TRẦN DẠ TỪ
@vietbao