NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ HỘI TAM ĐIỂM
1. VUA BẢO ĐẠI VỀ NƯỚC
Trong khi những biến chuyển lớn lao đang xảy ra tại Việt Nam, thì tại Pháp, năm 1932, vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) vừa trên 18 tuổi, tức tuổi trưởng thành. Ông được Pháp đưa về nước chấp chánh. Cùng đi với ông về Việt Nam, có ông bà Jean E. Charles, cựu khâm sứ Trung Kỳ, người giám hộ và bảo dưỡng vua Bảo Đại bấy lâu nay. Vua Bảo Đại về tới Huế tháng 9-1932. Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân xin từ chức và xin rút lui. Lúc đó, nhà vua mới được thượng thư bộ Lại là Nguyễn Hữu Bài cho biết về nội dung của hiệp định Monguillot.(1)
Theo sự tiến cử của phủ toàn quyền Pháp, ngày 11-11-1932 vua Bảo Đại triệu Phạm Quỳnh từ Hà Nội vào Huế làm Tổng lý Ngự tiền văn phòng (thư ký riêng hay bí thư) cho nhà vua.(2) Trước khi vào Huế, Phạm Quỳnh đã gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie).(3) Ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nam Phong, lập từ năm 1917 ở Hà Nội. Ông chủ trương hợp tác với Pháp, nhưng yêu cầu Pháp dần dần trả lại quyền cho triều đình Việt Nam. Ông cổ võ việc thiết lập nền quân chủ lập hiến tại Việt Nam dựa trên căn bản hoà ước 1884.
Ngày 10-12-1932, vua Bảo Đại ra tuyên bố ý định tự cầm quyền và thực hiện cuộc cải cách hành chánh dưới hình thức quân chủ lập hiến. Nền quân chủ lập hiến lúc đó đang thịnh hành và thành công ở nhiều nước Âu Châu và Á Châu như Anh, Hoà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan... Nền quân chủ lập hiến có thể thích hợp với xã hội Việt Nam lúc đó, vì trong khi tiếp tục bảo lưu truyền thống quân chủ cổ truyền, vẫn mở ra nền dân chủ, tôn trọng dân quyền là trào lưu tiến bộ rất được dân chúng ưa chuộng.
2. THƯỢNG THƯ BỘ LẠI NGÔ ĐÌNH DIỆM
Cuộc cải tổ đã thay một loạt năm thượng thư: Nguyễn Hữu Bài (bộ Lại), Tôn Thất Đàn (bộ Hình), Phạm Liệu (bộ Binh), Võ Liêm (bộ Lễ), Vương Tứ Đại (bộ Công).(4) Sau đây là thành phần Hội đồng thượng thư mới:
Thượng thư bộ Lại kiêm tổng thư ký Uỷ ban Cải cách : Ngô Đình Diệm
Thượng thư bộ Học kiêm tổng lý Ngự tiền văn phòng : Phạm Quỳnh
Thượng thư bộ Công : Thái Văn Toản
Thượng thư bộ Hộ : Hồ Đắc Khải
Thượng thư bộ Hình : Bùi Bằng Đoàn
Trước kia, triều đình gồm lục bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Nay triều đình chỉ còn 5 bộ: Lại, Lễ (bao gồm bộ Công cũ), Hộ, Hình, Học (trước kia thuộc bộ Lễ), và không có bộ Binh. Lý do việc nầy có thể bắt nguồn từ sau hiệp định Monguillot (1925), vua Việt Nam không còn quyền hành gì cả, người Pháp nắm toàn bộ quyền cai trị và quốc phòng. Tổ chức quân sự Pháp tại Đông Dương đã hoàn chỉnh. Bộ Binh trong triều đình Việt Nam không còn ích lợi cho Pháp.
Nếu để triều đình Việt Nam tổ chức và điều động bộ Binh, nghĩa là triều đình có trong tay lực lượng quân sự, thì triều đình có thể sử dụng để chống lại Pháp, như trước đây, năm 1885, Tôn Thất Thuyết hoặc năm 1916 vua Duy Tân đã làm. Ngoài ra, lúc đó ngân sách triều đình rất eo hẹp, cần đơn giản tổ chức triều đình để tiết kiệm. Từ thời Albert Sarraut còn làm toàn quyền Đông Dương (lần thứ hai từ 1917 đến 1919), người Pháp đã càng ngày càng cắt giảm ngân sách của triều đình Huế. Do đó, chính người Pháp quyết định dẹp bỏ bộ Binh.
Sự thành lập bộ Học rất cần thiết trong thời gian chuyển đổi từ nền giáo dục cựu học qua nền giáo dục tân học, và nhất là đào tạo lớp viên chức mới cho nền Bảo hộ. Trong năm nhân vật trên đây, chỉ có ông Hồ Đắc Khải đậu cử nhân Nho học năm 1915 tại trường thi Thừa Thiên, nhưng sau đó ông Khải vào học trường Hậu Bổ Huế, giống các ông Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn. Ông Thái Văn Toản xuất thân trường Thông ngôn Đông Dương ở Hà Nội năm 1902, còn ông Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi Cao đẳng tiểu học Hà Nội năm 1908, rồi ra làm báo. Như thế, cả năm nhân vật trên đây có thể được xem là thành phần trẻ trung theo tân học, nằm trong buổi giao thời giữa cựu học và tân học, và đều là những nhân vật xuất sắc của thế hệ mới, khi vua Bảo Đại về nước cầm quyền năm 1932.
Ngô Đình Diệm giữ chức thuợng thư bộ Lại, tức là viên quan đứng đầu triều đình. Trong kế hoạch canh tân của mình, Ngô Đình Diệm nhấn mạnh đến hai điều: Thứ nhất là thống nhất Trung và Bắc Kỳ, theo đó chính phủ bảo hộ chỉ nên đặt một tổng trú sứ (résident général) ở Huế điều khiển hành chánh bảo hộ chung cho Trung và Bắc Kỳ như đã quy định trong hòa ước 1884. Như thế có nghĩa là bãi bỏ chức khâm sứ Trung Kỳ và chức thống sứ Bắc Kỳ. Thứ hai là phải để cho Viện Nhân Dân Đại Biểu Trung Kỳ (thường được gọi là Viện Dân Biểu)(5) được quyền tự do thảo luận.(6)
3. NGÔ ĐÌNH DIỆM TỪ CHỨC
Sau chưa đầy ba tháng làm thượng thư, bất ngờ Ngô Đình Diệm từ chức ngày 12-7-1933. Có hai cách giải thích khác nhau được đưa ra về việc từ chức của ông Diệm:
Thứ nhất, có tài liệu cho rằng người Pháp không đồng ý với chương trình cải cách của ông Diệm nên ông Diệm từ chức để phản đối Pháp.(7) Tuy nhiên, lúc đó ông Diệm mới nhậm chức chưa đầy ba tháng, kế hoạch của ông Diệm đang còn trong vòng nghiên cứu và thương thảo với người Pháp.
Tại sao kế hoạch cải cách còn trong vòng nghiên cứu và thương lượng mà ông Diệm lại vội vàng từ chức? Điều nầy xem ra không phù hợp với tư cách của ông Diệm và nhất là bên cạnh ông Diệm còn có nhiều cố vấn, trong đó có những nhân vật lẫy lừng như Ngô Đình Khôi (anh ông Diệm), Nguyễn Hữu Bài...
Thứ hai, theo một nguồn tin khác, lúc đó ở Pháp, Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) thắng thế tại quốc hội Pháp. Khuynh hướng chính trị Tam Điểm luôn luôn chống lại thế lực Ky-Tô giáo La Mã. Vì vậy, chính phủ Paris muốn loại bỏ Ngô Đình Diệm vì Ngô Đình Diệm thuộc gia đình theo đạo Ky-Tô nổi tiếng ở Huế.
Sau đây là nguyên văn lời ông Thái Văn Vượng trong thư viết bằng bàn máy chữ từ Falls Church, Virginia, đề ngày 15-6-1989, gởi cho các em, về việc ông nghe phụ thân ông là Thái Văn Toản kể việc ông Ngô Đình Diệm từ chức: “… Ngô Đình Diệm được hậu thuẫn của Thiên Chúa giáo (Công giáo) Pháp trong khi Phạm Quỳnh là đảng viên đảng Thợ Nề Pháp (Franc-Maçonnerie tức Hội Tam Điểm) là một đảng chống đối quyết liệt với Thiên Chúa giáo. Đảng Thợ Nề bên Pháp thắng, nhà đương quyền Pháp ở Việt Nam thuộc đảng nầy nên mới tìm cách loại trừ ông Diệm. Do một nguồn tin từ Pháp báo cho Ngô Đình Huân (con ông Ngô Đình Khôi) lúc đó đang làm công chức (rédacteur) tại phủ toàn quyền biết “trong vòng một tuần nữa, ông Ngô Đình Diệm sẽ bị mất chức”.. Ông Ngô Đình Huân báo tin cho cha là Ngô Đình Khôi biết. Thấy tình hình giữa Pháp và ông Ngô Đình Diệm quá căng thẳng nên ông Ngô Đình Khôi bàn với ông Ngô Đình Diệm nên từ chức trước...”(8)
Theo tài liệu của Hội Tam Điểm Pháp, lúc bấy giờ ba vị tổng thống Pháp liên tiếp từ 1920 đến 1932 đều theo Tam Điểm. Đó là Alexandre Millerand (tổng thống 1920-1924), Gaston Doumergue (tổng thống 1924-1931) và Paul Doumer (từ 1931-1932, bị ám sát ngày 6-5-1932).(9) Điều nầy cho thấy rõ khuynh hướng chính trị Tam Điểm đang thắng thế ở Pháp. Một điểm đáng lưu ý nữa là thượng thư bộ Học kiêm ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, ông Phạm Quỳnh, là một thành viên Hội Tam Điểm. Phạm Quỳnh do toàn quyền Pierre Pasquier cử vào làm việc với vua Bảo Đại, và chính Pasquier cũng là một cảm tình viên của Tam Điểm.(10)
Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại kể rằng khi đưa đơn xin từ chức, ông Diệm đã nói với vua Bảo Đại như sau: “Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức, và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước.”(11) Nếu nói rằng ông Diệm bị Pháp gây trở ngại đối với chương trình cải cách của ông Diệm, nên ông Diệm từ chức để phản đối Pháp, thì tại sao khi từ chức, ông Diệm lại xin trả luôn cho vua Bảo Đại tất cả những chức vụ mà triều đình đã giao cho ông từ trước?
Như thế, phải chăng ông Diệm biết tin về toan tính của nhà cầm quyền Pháp (chịu ảnh hưởng của Hội Tam Điểm) như đã trình bày ở trên, nên để tránh việc bị tước hết phẩm hàm, ông Diệm đi bước trước, tự xin “giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước”?
Dầu vì lý do gì, cuối cùng Ngô Đình Diệm đã từ chức ngày 12-7-1933, sau chưa đầy ba tháng làm thượng thư bộ Lại, đứng đầu triều đình Huế. Thái Văn Toản được đưa qua làm thượng thư bộ Lại thay Ngô Đình Diệm. (Cho đến năm 1942 thì Phạm Quỳnh thay thế Thái Văn Toản.) Cuộc cải cách do vua Bảo Đại hăng hái đưa ra sau khi về nước thực sự cầm quyền, cũng bị bỏ qua. Năm 1934, triều đình mở thêm một bộ mới là bộ Nông nghiệp và An sinh Xã hội, do Nguyễn Khoa Kỳ, nguyên tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh) làm thượng thư đầu tiên của bộ nầy.(12)
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 29-6-2007)
CHÚ THÍCH
1. Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Nxb. Xuân Thu, California, 1990, tr. 54. Vua Khải Định từ trần trước 7 giờ sáng ngày 6-11-1925 vì bệnh lao cột xương sống (Pott’s disease). Lúc 9 giờ sáng hôm đó, quyền toàn quyền Monguillot cùng với khâm sứ Pasquier triệu tập phiên họp với Phụ chính phủ (cơ mật viện), do phụ chính thân thần Tôn Thất Hân đứng đầu, ký một hiệp định gồm 4 điểm, theo đó: vua Việt Nam chỉ còn giữ tước vị tượng trưng, phụ trách những vấn đề nghi lễ truyền thống, hoàn toàn không có thực quyền, ngay cả quyền bổ nhiệm thượng thư trong triều đình cũng do khâm sứ Pháp quyết định. Tiền chi tiêu của triều đình do Pháp trang trải qua ngân sách Trung Kỳ. Hiệp định nầy về sau gọi là hiệp định Monguillot.
2. Phạm Quỳnh (1892-1945): Nguyên quán tỉnh Hải Dương, đậu đầu kỳ thi cao đẳng tiểu học (Diplôme d'Études primaires supérieures, tương đương với Brevet Elementaire) tại Hà Nội năm 1908, và đi làm tại Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ (École Française d' Extrême Orient). Năm 1917, tuy mới 25 tuổi, ông đứng ra xuất bản tạp chí Nam Phong, và làm chủ bút kiêm chủ nhiệm. Năm 1932, Phạm Quỳnh rời Hà Nội, vào Huế làm tổng lý Ngự tiền văn phòng tức thư ký riêng hay bí thư cho vua Bảo Đại, nên báo Nam Phong xuống dốc và đình bản năm 1934. Năm 1933, Phạm Quỳnh được đưa lên làm thượng thư bộ Học (bộ Giáo dục), rồi thượng thư bộ Lại (bộ Nội vụ) năm 1942, thay ông Thái Văn Toản về hưu trí, đứng đầu triều đình. Khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại cùng toàn thể thượng thư trong nội các Nam triều ký bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ngày 11-3 do Phạm Quỳnh soạn. Sau đó nội các từ chức ngày 19-3, Phạm Quỳnh rút lui về ở ẩn tại làng An Cựu, Huế. Sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, Phạm Quỳnh cùng Trần Văn Chương, phó tổng lý (phó thủ tướng) chính phủ Trần Trọng Kim, và Nguyễn Duy Quang, nội các đại thần, đã họp riêng với vua Bảo Đại chiều ngày 15-8-1945. Nội dung cuộc họp không được tiết lộ, nhưng cuộc họp nầy đã bị Phạm Khắc Hòe, lúc đó thế Phạm Quỳnh làm tổng lý ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, biết được và báo cáo với Việt Minh. Ngày 23-8, VM đến lục soát nhà Phạm Quỳnh và mời [bắt] ông đi họp với Uỷ ban Cách mạng Trung bộ đóng ở tòa Khâm sứ Pháp cũ (vị trí trường Kiểu Mẫu trước 1975). Việt Minh mời [bắt] luôn người con rể của Phạm Quỳnh là Nguyễn Tiến Lãng, tuần phủ Đà Lạt, lúc đó đang về thăm gia đình. Phạm Quỳnh ra đi và không bao giờ trở lại. Về sau, gia đình được biết VM đã giết ông một cách tàn bạo ở làng Cổ Bi, gần ga xe lửa Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
3. Jacques Dalloz, Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002, tr. 53.
4. Lúc bấy giờ, ở Huế xuất hiện bài thơ thời sự sau đây:
“Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy xứ Thần kinh.
Bài không đeo nữa đành dâng lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình.
Liệu thế không xong binh chẳng được,
Liêm đành giữ tiếng lễ không rinh.
Công danh thôi thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh.”
[Có tài liệu cho rằng bài thơ nầy do Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, một cộng tác viên của báo Tiếng Dân, sáng tác. Báo Tiếng Dân (10-8-1927 - 28-4-1943) ở Huế do Huỳnh Thúc Kháng chủ trương.]
5. Viện Nhân Dân Đại Biểu Trung Kỳ (Viện Dân Biểu) được thành lập do đạo dụ của vua Khải Định ngày 19-4-1920, nhưng cho đến khi toàn quyền Varenne sang cầm quyền vào đầu năm 1926 mới cho thi hành. Viện nầy họp phiên thứ nhất tại Huế vào tháng 10-1926, bầu Huỳnh Thúc Kháng, đại biểu tỉnh Quảng Nam, làm viện trưởng đầu tiên, nhưng chẳng bao lâu Huỳnh Thúc Kháng từ chức, vì nhận thấy viện chẳng có thực quyền.
6. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Nxb. Văn Hóa, Houston, Texas, 1997, tr. 262.
7. Tiêu biểu cho ý kiến nầy là sách Những ngày cuối cùng của tổng thống Ngô Đình Diệm của Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức, San Jose California: Nxb. Quang Vinh & Kim Loam & Quang Hiếu, in lần thứ năm, 2003, tr. 21.
8. Thư của ông Thái Văn Vượng viết bằng bàn máy chữ từ Falls Church, Virginia, đề ngày 15-6-1989, gởi cho các em, về việc ông nghe phụ thân ông là Thái Văn Toản kể việc ông Ngô Đình Diệm từ chức. Ông Nguyễn Lý Tưởng trích đăng trong bài “Cải tổ nội các ngày 2-5-1933 dưới thời vua Bảo Đại”, trong sách Thuyền ai đậu bến Văn Lâu, California: 2001, tt. 217-218. Sách của ông Nguyễn Lý Tưởng in đã khá lâu, mà không thấy gia đình, con cháu ông Thái Văn Vượng phản hồi gì về lá thư của ông Vượng, chứng tỏ gia đình chấp nhận lá thư nầy là có thật. Bản đánh máy thư nầy được ông Nguyễn Lý Tưởng ở California sao chụp và gởi cho người viết năm 2004.
9. Hội Tam Điểm Pháp: http://www.franc-maconnerie.org/web-pages/histoire-fm/histoire-fm.htm.
10. Jacques Dallos, Francs - Maçons d'Indochine 1868-1975, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002, tr. 47. Các toàn quyền trước Pasquier là Maurice Long, Martial Merlin và Alexandre Varenne đều là thành viên Tam Điểm.
11. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại cho biết lúc đó, ông yêu cầu ông Diệm lưu lại chức vụ. Ông Bảo Đại viết: “Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn còn liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu châu, và như thế sẽ có nhiều hậu quả đối với Á châu, mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt. Vì những lý do đó, Trẫm nhắc lời cho quan Thượng sự yêu cầu [ở lại] của Trẫm lần nữa.” (BĐ sđd. tr. 93.).
12. Vũ Ngự Chiêu, sđd. tập 3, Nxb. Văn Hoá, Houston, 2000, tr. 809.
1. Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Nxb. Xuân Thu, California, 1990, tr. 54. Vua Khải Định từ trần trước 7 giờ sáng ngày 6-11-1925 vì bệnh lao cột xương sống (Pott’s disease). Lúc 9 giờ sáng hôm đó, quyền toàn quyền Monguillot cùng với khâm sứ Pasquier triệu tập phiên họp với Phụ chính phủ (cơ mật viện), do phụ chính thân thần Tôn Thất Hân đứng đầu, ký một hiệp định gồm 4 điểm, theo đó: vua Việt Nam chỉ còn giữ tước vị tượng trưng, phụ trách những vấn đề nghi lễ truyền thống, hoàn toàn không có thực quyền, ngay cả quyền bổ nhiệm thượng thư trong triều đình cũng do khâm sứ Pháp quyết định. Tiền chi tiêu của triều đình do Pháp trang trải qua ngân sách Trung Kỳ. Hiệp định nầy về sau gọi là hiệp định Monguillot.
2. Phạm Quỳnh (1892-1945): Nguyên quán tỉnh Hải Dương, đậu đầu kỳ thi cao đẳng tiểu học (Diplôme d'Études primaires supérieures, tương đương với Brevet Elementaire) tại Hà Nội năm 1908, và đi làm tại Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ (École Française d' Extrême Orient). Năm 1917, tuy mới 25 tuổi, ông đứng ra xuất bản tạp chí Nam Phong, và làm chủ bút kiêm chủ nhiệm. Năm 1932, Phạm Quỳnh rời Hà Nội, vào Huế làm tổng lý Ngự tiền văn phòng tức thư ký riêng hay bí thư cho vua Bảo Đại, nên báo Nam Phong xuống dốc và đình bản năm 1934. Năm 1933, Phạm Quỳnh được đưa lên làm thượng thư bộ Học (bộ Giáo dục), rồi thượng thư bộ Lại (bộ Nội vụ) năm 1942, thay ông Thái Văn Toản về hưu trí, đứng đầu triều đình. Khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại cùng toàn thể thượng thư trong nội các Nam triều ký bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ngày 11-3 do Phạm Quỳnh soạn. Sau đó nội các từ chức ngày 19-3, Phạm Quỳnh rút lui về ở ẩn tại làng An Cựu, Huế. Sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, Phạm Quỳnh cùng Trần Văn Chương, phó tổng lý (phó thủ tướng) chính phủ Trần Trọng Kim, và Nguyễn Duy Quang, nội các đại thần, đã họp riêng với vua Bảo Đại chiều ngày 15-8-1945. Nội dung cuộc họp không được tiết lộ, nhưng cuộc họp nầy đã bị Phạm Khắc Hòe, lúc đó thế Phạm Quỳnh làm tổng lý ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại, biết được và báo cáo với Việt Minh. Ngày 23-8, VM đến lục soát nhà Phạm Quỳnh và mời [bắt] ông đi họp với Uỷ ban Cách mạng Trung bộ đóng ở tòa Khâm sứ Pháp cũ (vị trí trường Kiểu Mẫu trước 1975). Việt Minh mời [bắt] luôn người con rể của Phạm Quỳnh là Nguyễn Tiến Lãng, tuần phủ Đà Lạt, lúc đó đang về thăm gia đình. Phạm Quỳnh ra đi và không bao giờ trở lại. Về sau, gia đình được biết VM đã giết ông một cách tàn bạo ở làng Cổ Bi, gần ga xe lửa Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
3. Jacques Dalloz, Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002, tr. 53.
4. Lúc bấy giờ, ở Huế xuất hiện bài thơ thời sự sau đây:
“Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy xứ Thần kinh.
Bài không đeo nữa đành dâng lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình.
Liệu thế không xong binh chẳng được,
Liêm đành giữ tiếng lễ không rinh.
Công danh thôi thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh.”
[Có tài liệu cho rằng bài thơ nầy do Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, một cộng tác viên của báo Tiếng Dân, sáng tác. Báo Tiếng Dân (10-8-1927 - 28-4-1943) ở Huế do Huỳnh Thúc Kháng chủ trương.]
5. Viện Nhân Dân Đại Biểu Trung Kỳ (Viện Dân Biểu) được thành lập do đạo dụ của vua Khải Định ngày 19-4-1920, nhưng cho đến khi toàn quyền Varenne sang cầm quyền vào đầu năm 1926 mới cho thi hành. Viện nầy họp phiên thứ nhất tại Huế vào tháng 10-1926, bầu Huỳnh Thúc Kháng, đại biểu tỉnh Quảng Nam, làm viện trưởng đầu tiên, nhưng chẳng bao lâu Huỳnh Thúc Kháng từ chức, vì nhận thấy viện chẳng có thực quyền.
6. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Nxb. Văn Hóa, Houston, Texas, 1997, tr. 262.
7. Tiêu biểu cho ý kiến nầy là sách Những ngày cuối cùng của tổng thống Ngô Đình Diệm của Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức, San Jose California: Nxb. Quang Vinh & Kim Loam & Quang Hiếu, in lần thứ năm, 2003, tr. 21.
8. Thư của ông Thái Văn Vượng viết bằng bàn máy chữ từ Falls Church, Virginia, đề ngày 15-6-1989, gởi cho các em, về việc ông nghe phụ thân ông là Thái Văn Toản kể việc ông Ngô Đình Diệm từ chức. Ông Nguyễn Lý Tưởng trích đăng trong bài “Cải tổ nội các ngày 2-5-1933 dưới thời vua Bảo Đại”, trong sách Thuyền ai đậu bến Văn Lâu, California: 2001, tt. 217-218. Sách của ông Nguyễn Lý Tưởng in đã khá lâu, mà không thấy gia đình, con cháu ông Thái Văn Vượng phản hồi gì về lá thư của ông Vượng, chứng tỏ gia đình chấp nhận lá thư nầy là có thật. Bản đánh máy thư nầy được ông Nguyễn Lý Tưởng ở California sao chụp và gởi cho người viết năm 2004.
9. Hội Tam Điểm Pháp: http://www.franc-maconnerie.org/web-pages/histoire-fm/histoire-fm.htm.
10. Jacques Dallos, Francs - Maçons d'Indochine 1868-1975, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002, tr. 47. Các toàn quyền trước Pasquier là Maurice Long, Martial Merlin và Alexandre Varenne đều là thành viên Tam Điểm.
11. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại cho biết lúc đó, ông yêu cầu ông Diệm lưu lại chức vụ. Ông Bảo Đại viết: “Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn còn liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu châu, và như thế sẽ có nhiều hậu quả đối với Á châu, mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt. Vì những lý do đó, Trẫm nhắc lời cho quan Thượng sự yêu cầu [ở lại] của Trẫm lần nữa.” (BĐ sđd. tr. 93.).
12. Vũ Ngự Chiêu, sđd. tập 3, Nxb. Văn Hoá, Houston, 2000, tr. 809.