Sunday, December 24, 2017

TRẠI PHONG HÒA VÂN
                                                                                                                    
Chiều ngày 2 tháng 6 năm 2008 , từ Saigon, chúng tôi đến Huế bằng xe lửa. Sáng hôm sau, chúng tôi được người quen hướng dẫn đi thăm Trại Phong Hòa Vân. Xe đưa chúng tôi đến thị trấn Liên Chiểu, cách Huế khoảng 90 cây số về phía Nam, từ đó chúng tôi đi ghe  dọc theo bờ biển dưới chân đèo Hải Vân để đến thôn Hoà Vân nơi có Trại Phong Hòa Vân. Gió biển mát rười rượi, mặt biển phẳng lặng, ghe đưa chúng tôi nhẹ nhàng hướng về thôn Hoà Vân. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đến Trại Phong Hòa Vân.

Đã được báo trước, nên khi ghe của chúng tôi vừa đến, đã thấy vài người đứng trên bến đón chúng tôi. Anh Đức, người phụ trách quản lý trại niềm nở chào hỏi chúng tôi. Anh giới thiệu với chúng tôi  Xơ Lợi, người nữ tu lớn tuổi đã phục vụ ở đây lâu năm. Anh Đức nhờ Xơ Lợi hướng dẫn chúng tôi đi thăm trại. Trước mắt chúng tôi là những mái nhà "tôn" nhỏ bé, nằm rải rác đây đó. Xơ Lợi giải thích : "Đó là nhà của những bệnh nhân đã lành bệnh, họ không còn phải sống tập trung trong trại gọi là nội trú nữa, họ ra sống ở ngoài, họ trồng khoai, trồng sắn và sinh sống như những người bình thường khác". Chúng tôi  ghé thăm nhiều nhà, ai cũng vui vẻ chào hỏi chúng tôi. Nhà của họ là những gian nhà nhỏ lợp "tôn", vách ván. Phần lớn họ sống độc thân.Nhưng cũng có nhiều người lập gia đình với nhau, có con cái.

  Tôi hỏi Xơ Lợi : "Thế con của họ có bị di truyền không ?"
   Xơ Lợi cho biết: "Từ lúc các em mới sinh ra đã được xét nghiệm máu, nhiều em có vi trùng bệnh phong trong máu, nhưng vì phát hiện sớm nên chữa trị được ngay, cũng có em không có vi trùng gì hết, nên các em đó lớn lên một cách bình thường, đến tuổi cũng đi học như các trẻ em khác".
   Họ sống giản dị và nghèo nàn quá. Nhiều gia đình Công Giáo, thiết lập một bàn thờ đơn sơ ở trên vách nhà với Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Nhưng một điều làm tôi chú ý là nhà nào cũng có treo hình một Xơ còn trẻ, người nhỏ nhắn. Tôi hỏi Xơ Lợi: "Thưa Xơ, tôi thấy nhà nào ở đây cũng có treo hình một Xơ trẻ. Xơ đó là ai vậy?"  Xơ vui vẻ cho tôi biết: "Đó là hình Xơ Têrêsa Phạm Thị Phương Anh".
Tôi ngạc nhiên : "Xơ Phương Anh là ai mà lại được bệnh nhân ở đây yêu mến như thế?"
     Xơ Lợi nói ngay : "Xơ Phương Anh là ân nhân của các bệnh nhân ở đây! "
    Tôi tò mò nói với Xơ Lợi: "Xin Xơ cho tôi biết thêm về Xơ Phương Anh."

   Xơ Lợi kể cho tôi nghe: " Xơ Phạm Thị Phương Anh là con gái của một gia đình Phật Giáo giàu có ở Saigon, gia đình Xơ còn có nhiều cơ sở kinh doanh ở Huế nữa. Thuở nhỏ, bé Phương Anh học trường Regina Pacis ở đường Tú Xương, Saigon; Xơ được tiếp xúc với cuộc sống thánh thiện của các Xơ ở đó, và được hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo, nên bé Phương Anh đã sớm có lòng mến Chúa và yêu người. Có lần Xơ Phương Anh tâm sự : Lúc nhỏ, khi học ở Regina Pacis, Xơ rất thích ngắm nhìn tượng Đức Mẹ, gương mặt hiền từ và nhân ái của Đức Mẹ đã lôi cuốn sự ngưỡng mộ của Xơ, và Xơ đã yêu mến Đức Mẹ không biết từ lúc nào. Năm 1962, Xơ đậu tú tài toàn phần. Xơ tiếp tục học Đại Học Dược Khoa Saigon và tốt nghiệp Dược Sĩ năm 1967. Gia đình chuẩn bị mở nhà thuốc tây cho Xơ, và mua cho Xơ một xe hơi hiệu Dauphine. Nhưng một hôm , Xơ lái xe vô nhà Dòng Regina Pacis và xin ở lại tu. Các Xơ ở đó rất ngạc nhiên, không biết phải giải quyết ra sao, các Xơ phải liên lạc với gia đình của Xơ Phương Anh. Gia đình của Xơ ngăn cản bằng cách đưa Xơ đi Pháp tiếp tục học Tiến Sĩ Dược Khoa. Xơ ở chung với gia đình người anh ruột và một người dì tại thành phố Bordeaux.

       Mặc dù gia đình không bằng lòng cho Xơ theo đạo, nhưng lòng yêu mến Chúa và Đức Mẹ của Xơ ngày một tràn đầy, nên một năm sau, Xơ Phương Anh đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tại Nhà Thờ Saint Joseph ở Bordeaux. Con đường sống đạo của Xơ Phương Anh không dừng lại ở đó. Một thời gian sau, Xơ xin vào tu ở Dòng Thánh Phao Lồ ở Lyon.

      Gia đình Xơ phản đối rất là quyết liệt. Mẹ của Xơ từ Saigon vội vã qua Pháp, đến Nhà Dòng để thăm Xơ. Mẹ Bề Trên, đặc biệt cho phép mẹ của Xơ ở lại với Xơ trong Nhà Dòng mấy ngày liền.Bà đã thấy tận mắt cuộc sống đạo đức và an lành của Xơ trong Nhà Dòng, và bà đã thay đổi hoàn toàn cảm nghĩ của bà về việc tu trì của con gái bà. Hôm bà từ giả Xơ Phương Anh để trở về Việt Nam, bà cầm tay Xơ và nói: " Mạ về hí, con cứ vui vẻ tiếp tục cuộc sống lý tưởng của con. Không có mạ bên cạnh, nhưng mạ biết từ nay con đã có Chúa, có Đức Mẹ nâng đỡ, yêu thương nên mạ rất an tâm."

     Xơ Phương Anh có một người dì đang sống ở Pháp, thỉnh thoảng bà đến Nhà Dòng thăm Xơ . Thật bất ngờ, mấy năm sau dì của Xơ xin theo đạo. Có lẽ đây là hoa quả đầu tiên do lời cầu nguyện của Xơ Phương Anh.

      Năm 1972, Xơ được khấn trọn đời. Thánh lễ khấn hứa được Nhà Dòng tổ chức ở nhà thờ Saint Joseph, thành phố Lyon. Mọi ngươì thân trong gia đình của Xơ đều hiện diện trong thánh lễ. Sau Lễ khấn trọn đời, Xơ được Nhà Dòng chuyển về Việt Nam. Xơ là một Dược Sĩ, nên Mẹ Bề Trên đưa Xơ vào phục vụ ở Bệnh viện Saint Paul, Saigon. Không hiểu do nguyên nhân nào thúc đẩy, Xơ Phương Anh chuyên chú nghiên cứu về bệnh phong cùi. Và cũng không biết do ai giới thiệu, Xơ Phương Anh xin Mẹ Bề Trên cho Xơ về phục vụ bệnh nhân phong cùi ở Trại Phong Hòa Vân, Huế. Mẹ Bề Trên thấy Xơ ốm yếu, sợ Xơ Không chịu nổi những khổ nhọc khi phục vụ bệnh nhân phong cùi, nên Mẹ Bề Trên không chấp thuận. Nhưng Xơ Phương Anh tiếp tục khẩn khoản xin được đi phục vụ bệnh nhân phong cùi, cuối cùng Mẹ Bề Trên phải chấp thuận cho Xơ đi.
     Xơ Lợi nói tiếp : "Tôi đến phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này sau Xơ Phương Anh. Tôi đưa bác đến gặp một vài bệnh nhân lớn tuổi, họ đã sống ở đây không dưới ba, bốn chục năm, họ sẽ cho quý vị biết rõ hơn về Xơ Phương Anh."  

   Chúng tôi đến gặp bác Nguyễn Một, năm nay bác đã 78 tuổi. Căn bệnh phong cùi quái ác đã cướp mất hai chân của bác, và cách đây mấy tháng bác bị mù hoàn toàn. Bác đang ở trại nội trú, dành cho những người bệnh nặng. Cùng ở chung với Bác Một, còn có bảy bệnh nhân khác nữa ; phần nhiều là những người  lớn tuổi, chỉ có ông Nguyễn Đức Hòa tương đối trẻ, ông sinh năm 1969. Tất cả bệnh nhân đều bị bệnh phong cùi ăn mất tay, mất chân, tai, mũi..Trông họ thật đáng thương, không ai cầm được nước mắt. Có đến đây gặp họ, nói chuyện với họ, nhìn tận mắt những thương tật của họ, xem nơi ăn, chốn ở của họ, chúng ta mới cảm nghiệm được sự bất hạnh của những bệnh nhân phong cùi.

    Tôi vô cùng cảm phục và thương mến họ. Tôi không nghe ai than thở hay oán trách về những đau đớn, bệnh tật mà họ đang gánh chịu, họ là những kẻ khốn khổ nhất trên thế gian này. Nhưng họ đã dạy cho chúng ta bài học  "Xin Vâng". Bài học vở lòng và cũng là bài học cuối cùng rất thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.
      Tôi đến gần Bác Một, bác ngồi trên chiếc giường tre  ọp ẹp, với một manh chiếu đơn sơ trải lên. Bác bị mù cà hai mắt, nên Chúa lại ban cho bác một giác quan khác, bác nhận biết ngay khi chúng tôi đến gần ; bác chào chúng tôi:
  - Chào ông bà, chắc ông bà từ xa đến đây.
 Tôi vội vã trả lời:
   - Dạ chúng tôi ở xa, may mắn được đến đây thăm các  bác.
 Bác Một vui vẻ nói:
    - Thật quí hoá, trại này ở xa xôi, cách trở , mà quý ông bà cũng lặn lội đến thăm chúng tôi, xin cám ơn quý ông bà . Chúng tôi đã không bị bỏ quên.
Tôi nghẹn ngào:
      - Thưa bác, chúng tôi không biết nói gì cho đủ để an ủi quý bác.
Tôi chợt nhìn về cuối phòng, trên vách tường có treo bức ảnh của Xơ Phương Anh. Tôi hỏi Bác Một:
     - Thưa bác, bức ảnh treo ở cuối phòng là ai rứa bác ?
Bác Một hướng về cuối phòng rồi nói:
     - Tui không thấy gì cả, nhưng tui thường hướng về bức ảnh cuối phòng để tưởng nhớ đến Xơ Phương Anh.
  Tôi nói với Bác Một :
       -Thưa bác, bác có thể cho tôi biết vài điều về Xơ Phương Anh được không ạ!
 Bác Một trầm ngâm, nhìn về một khoảng xa xôi nào đó, rồi bác chậm rãi nói:

     " Tôi không nhớ rõ là tháng, năm nào, nhưng chắc chắn là trước năm 1975, chúng tôi có nghe một Xơ ở Pháp về, sẽ đến đây phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ Xơ ở Pháp về chắc là cao ráo, mập mạp lắm. Nhưng khi Xơ Phương Anh đến đây, chúng tôi ngạc nhiên thấy Xơ là một cô gái nhỏ nhắn,giản dị ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Có lẽ Xơ chỉ cao khoảng một mét năm, nặng không qúa 40 kí lô. Xơ không mặc áo dòng như các bà Xơ khác, Xơ mặc một bộ bà ba hết sức bình dị. Xơ Phương Anh đến Trại Phong Hòa Vân vào một buổi chiều mùa đông, mưa lâm râm buồn bã. Chúng tôi vào chào Xơ, Xơ dịu dàng hỏi han từng người. Ai nhìn Xơ, cũng thấy ngay một nốt ruồi khá lớn trên gương mặt hiền lành, khả ái của Xơ. Xơ luôn luôn mĩm cười với mọi người. Trong những giây phút đầu tiên ấy, anh chị em bệnh nhân chúng tôi đã có ngay cảm tình với vị nữ tu bé nhỏ mới đến trại.

 Sau khi Xơ Minh, Quản Lý Trại sắp xếp chỗ nghỉ ngơi  cho Xơ, Xơ vội vã đi thăm trại, thăm bệnh nhân. Nói là trại, nhưng lúc đó chỉ có năm ba gian nhà tranh rách nát và một "nhà nội trú" lớn hơn, nhưng cũng quá hư dột, trống trước, trống sau. Xơ hỏi chúng tôi : "Nhà của các bác như thế này ư ?" Ngay lúc đó, một cơn gió lạnh buốt ùa vào. Tôi thấy Xơ rùng mình. Xơ được hướng dẫn đến thăm  nhà nội trú, có lẽ đây là lần đấu tiên Xơ Phương Anh nhìn thấy những khuôn mặt sứt mẻ của bệnh nhân phong cùi, và phần lớn họ đều mất tay, mất chân...Xơ đã úp mặt vào vách và khóc nức nở. Thấy Xơ quá cảm động, chúng tôi cũng khóc theo.
Xơ đến bên giường Bà Xuân, sau khi chào hỏi bà, Xơ cầm lên cái mền mà bà ấy đang trùm cả đầu, cái mền đã quá cũ, rách nát tả tơi. Xơ lại rươm rướm nước mắt, Xơ quay lại hỏi tôi: "Sao không thấy ai có mùng cả" Tôi cười : "Ở đây làm gì có mùng.
Xơ đến từng giường, thăm hỏi tất cả bệnh nhân ở khu nội trú. Dù đây là lần đầu tiên Xơ gặp những bệnh nhân, nhưng lời nói, cử chỉ của Xơ, thân mật, gần gũi, giống như Xơ đã quen biết với họ từ lâu.

Sau khi đi thăm bệnh nhân, Xơ trở về phòng của Xơ. Đêm đó , chúng tôi thấy Xơ chong đèn thật khuya.Xơ viết lách gì đó.
Mấy ngày sau, chúng tôi thấy một chiếc ghe lớn câp bến trước trại, họ chở gỗ, ván, tole, ciment đến, không biết để làm gì. Thì ra Xơ Phương Anh kêu người đến sửa lại nhà cửa của bệnh nhân..Chỉ vài tuần sau, nhà cửa ở đây như mới, nhà nào cũng lợp tole, vách ván, nền nhà được tráng ciment cao ráo. Đây là mùa đông đầu tiên, bệnh nhân được sống trong những căn nhà đàng hoàng, kín đáo, không bị gió rét ùa vào như trước nữa.
Khoảng năm, bảy ngày sau, anh em bệnh nhân chúng tôi nhận được mỗi người một cái mền, một cái mùng và một chiếc chiếu mới. Chúng tôi như sống trong mơ."

Bác Một ngừng lại  một lúc, rồi kể tiếp :
"Ông biết không, từ khi Xơ Phương Anh về ở đây với chúng tôi, chúng tôi không còn thiếu ăn như trước nũa. Vài ba ngày lại có ghe ở Lăng Cô ra, chở gạo, cá , thịt đến cho chúng tôi. Suốt mấy chục năm, chưa bao giờ bệnh nhân chúng tôi lại được ăn uống đầy đủ như vậy. Thuốc men chữa trị  cho bệnh nhân cũng được Xơ Phương Anh lo cho đầy đủ, không còn chữa cầm chừng như trước nữa.
Xơ còn cho cất một nhà nguyện nhỏ, tuy đơn sơ nhưng có chỗ cho những bệnh nhân Công Giáo vào đọc kinh, cầu nguyện. Nhiều bệnh nhân không phải Công Giáo cũng thường vào đó ngồi nghỉ ngơi.

Tôi còn nhớ, từ những ngày đầu tiên mới đến trại, khi tiếp xúc, săn sóc cho những bệnh nhân mà Xơ mới gặp lần đầu, Xơ cũng đối xử hết sức thân thiết, gần gũi như những người thân trong gia đình. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả bệnh nhân ở đây đều yêu mến Xơ. Không biết từ lúc nào, chúng tôi thân mật gọi Xơ là Mẹ Têrêsa dù Xơ còn rất trẻ. Xơ phục vụ, săn sóc bệnh nhân với tất cả lòng yêu thương, trìu mến của Xơ. Khi làm thuốc, thay băng ở chân, Xơ bảo chúng tôi ngồi ngay ngắn, rồi Xơ cúi xuống  rửa vết thương và băng lại cho chúng tôi. Khi đến phiên tôi được Xơ làm thuốc , thay băng ở chân, tôi ngồi đưa  chân cho Xơ chùi rửa, xức thuốc, băng bó, tôi thầm nghĩ : "Dù tôi có chết đi sống lại đôi ba lần cũng chưa đủ để đền đáp ân tình này cho Xơ."
Có lần tôi hỏi Xơ: "Sao Xơ có thể quên mình, hy sinh cho bệnh nhân một cách tận tụy như thế?" Xơ mỉm cười : "Vì tôi yêu Chúa . Mà Chúa là anh chị em đó!"
Bác Một dừng lại, trầm ngâm, có lẽ bác đang nhớ đến người nữ tu nhỏ bé, đã hy sinh cả cuộc đời cho những bệnh nhân phong cùi như bác...Bác khóc!

Qua cơn xúc động, bác nói tiếp: "Tôi suy nghĩ nhiều về câu nói của Xơ. Thật vậy chỉ có yêu Chúa hết lòng, mới có thể thầm lặng phục vụ  cho bệnh nhân phong cùi từ ngày này qua ngày khác được. Trên thế gian này, có hàng trăm cách hy sinh cho tha nhân, nhưng hy sinh tình nguyện săn sóc cho những bệnh nhân phong cùi có lẽ là sự hy sinh to lớn nhất, và đẹp lòng Chúa nhất. Anh em bệnh nhân chúng tôi yêu mến Xơ, và nhờ tấm gương thánh thiện của Xơ, chúng tôi cũng yêu Chúa. Lúc tôi mới đến trại này, hơn một trăm bệnh nhân mà chỉ có năm, sáu người Công Giáo. Nhưng từ khi Xơ Phương Anh về đây phục vụ, lòng tin yêu đặc biệt của Xơ dành cho Chúa, làm cho nhiều anh chị em bệnh nhân tò mò, tìm hiểu về  "Ông Chúa" nào đó là động lực thúc đẩy Xơ sống hiền lành, khiêm nhường, hy sinh trọn vẹn cho bệnh nhân như thế.
Xơ Phương Anh mở một lớp hướng dẫn cho những bệnh nhân muốn tìm hiểu về đạo Công Giáo. Kết quả thật bất ngờ, nhiều anh chị em xin theo đạo. Xơ Phương Anh đã ra họ đạo Lăng Cô gần đó, mời Cha Bửu Hiệp vào rửa tội cho sáu bệnh nhân, trong đó có tôi. Số anh chị em bệnh nhân xin theo đạo cứ tăng dần. Bây giờ trong nhà nguyện, lúc nào cũng có vài ba bệnh nhân Công Giáo ngồi đọc kinh cầu nguyện."
Bác Một lấy trong túi ra một tràng hạt Mân Côi cũ kỹ,bác nói : "Đây là vật kỷ niệm quí giá của đời tôi, xâu chuỗi này do Xơ Phương Anh đã tặng cho tôi, ngày tôi chiụ phép rửa tội. Xơ ân cần dặn tôi : "Bác nên lần chuỗi mỗi ngày để dâng kính Đức Mẹ vì Đức Mẹ nhơn từ lắm, Đức Mẹ yêu thương hết mọi người , Đức Mẹ yêu thương bác lắm đó"

Lòng sùng kính Đức Mẹ được tỏa ra từ lời nói đến việc làm của Xơ hàng ngày. Khi băng bó, săn sóc cho chúng tôi, Xơ thường kể cho chúng tôi nghe những nhơn đức của Đức Mẹ. Có ai than thở điều gì với Xơ, hoặc có bệnh nhân đau đớn rên xiết, Xơ nhỏ nhẹ khuyên: "Anh chị  hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đức Mẹ yêu thương anh chị lắm. Đức Mẹ đang chờ anh chị ngỏ lời để Đức mẹ cứu giúp". Xơ luôn luôn xác nhận: "Chưa hề có ai xin gì cùng Đức Mẹ mà chẳng được."

Từ ngày Xơ Phương Anh về phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này, cuộc sống của các bệnh nhân ở đây hoàn toàn thay đổi, cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài những  tiện nghi vật chất, một món quà mà chúng tôi cho là to lớn nhất mà Xơ Phương Anh đã đem đến cho chúng tôi, đó là niềm tin. Chúng tôi tự hào mình là  những con người không bị lãng quên, chúng tôi đang được chữa trị , chăm sóc, chúng tôi đang được yêu thương. Dù có đau đớn về thể xác, nhưng chúng tôi cảm thấy đang sống trong hạnh phúc vì chúng tôi được yêu thương.

Nhưng , những ngày hạnh phúc đó đã sớm qua đi.  Khoảng ba, bốn năm sau, vì tận tụy làm việc quá nhiều, sức khỏe của Xơ Phương Anh sa sút trầm trọng. Xơ gầy hẵn đi, thường lên cơn sốt và ho rũ rượi. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của Xơ. Cuối cùng , phải cho người lên Huế, báo với thân nhân của Xơ , đem Xơ đi bệnh viện.
Hôm Xơ xuống ghe để lên Huế, chúng tôi đứng chật bãi biển để tiễn đưa Xơ. Xơ cầm tay từ giả từng người. Xơ khóc, chúng tôi cũng khóc. Xơ nói: " Tôi mong chóng được lành bệnh để trở về với anh chị em." Ghe rời bến đã xa, chúng tôi thấy Xơ vẫn đứng đăm chiêu nhìn về phía Trại Phong Hòa Vân.
Sau khi Xơ Phương Anh rời khỏi trại, anh chị em bệnh nhân chúng tôi thay phiên nhau quét dọn, giữ gìn sạch sẽ nơi ở của Xơ, xem như Xơ đang ở với chúng tôi vậy. Chúng tôi yêu mến Xơ, chúng tôi nhớ Xơ lắm. Ai cũng ước mong Xơ sớm trở lại với Trại Phong Hòa Vân. Nhưng ngày tháng đợi chờ cứ qua đi, không có tin tức gì của Xơ.

Chúng tôi thấy trên bàn làm việc của Xơ có một tấm ảnh nhỏ, chụp nhân dịp ngày Xơ khấn trọn đời ở Pháp, chúng tôi sang tấm ảnh ấy ra. Nhà nào , phòng nào ở đây cũng xin được treo bức ảnh của Xơ Phương Anh, như một cử chỉ nhớ ơn Xơ. Chúng tôi thương nhớ Xơ, nhớ từng lời nói ngọt ngào, nhớ từng cử chỉ chăm sóc đầy trìu mến của Xơ. Xơ Phương Anh đã cho chúng tôi quá nhiều. Thỉnh thoảng vài bệnh nhân đứng ngắm nhìn bức ảnh của Xơ và khóc."

Ngứng lại một lúc, rồi với giọng đầy xúc động, bác Một nói: " Xơ Phương Anh là người chị, là người Mẹ, là ân nhân của chúng tôi. Tình thương dịu hiền của Xơ dành cho chúng tôi,là liều thuốc linh nghiệm cứu sống bệnh nhân phong cùi ở đây. Hằng ngày, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã gửi đến cho bệnh nhân phong cùi Trại Phong Hòa Vân chúng tôi một nguồn an ủi vô tận, đó là Xơ Têresa Phạm thị Phương Anh."

Bửu Uyển
ĐSXI-Phó Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị 1973

Sunday, November 12, 2017

Bị thầy đuổi học vì “thiểu năng trí tuệ”,
 người mẹ đã biến cậu thành thiên tài vĩ đại nhất thế kỷ

Sunday, October 8, 2017



                              HỒ CHÍ MINH, ÔNG LÀ AI?


Mây mù trong chánh trị
72 năm đã trôi qua trên đất nước Việt Nam tang thương bất hạnh đã bị tàn hại nặng nề về nhân mạng, tài sản và con người trong hai cuộc Chiến Tranh Đông Dương. Người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thực hiện cuộc tàn sát dã man giữa người đồng chủng trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) không cần thiết để áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên bán đảo Đông Dương và tái lập chế độ Bắc thuộc lần thứ năm là Hồ Chí Minh, cán bộ Đệ tam cộng sản quốc tế (Komintern) do Dmitry Manuilsky tuyển dụng năm 1924.

Hồ Chí Minh thật sự là ai?
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại Hà Nội để đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập (lần thứ hai) do Thiếu tá Mỹ Archimedes Patti, Trưởng Phái bộ OSS (Office of Stategic Services) tại Vân Nam, viết giúp. Trong tình trạng khan hiếm thông tin lúc Thế Chiến II vừa chấm dứt, hầu hết mọi người đều không biết Hồ Chí Minh là ai, ngoại trừ một số ít người thân tín (Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng văn Hoan) do ông ta tuyển dụng tại Quảng Tây năm 1943. Tuy nhiên, có một người Cắc chú bán thịt heo tại chợ Đồng Xuân nhận định Hồ Chí Minh là người Tàu gốc Hẹ (Hakka) khi nghe giọng nói tiếng Việt của ông ta. Lời nói của người khách trú bình dân nầy chưa đủ tín lực.

Chủ trương bưng bít thông tin của hệ thống tuyên truyền cộng sản và các sách báo do cán bộ cộng sản nắm độc quyền viết và phát hành đã bao phủ mây mù trong bao năm qua trên thân phận thật sự của Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu, quảng đại quần chúng từ Bắc chí Nam đã phải tuân lịnh nhà cầm quyền Việt Minh cộng sản gọi Hồ Chí Minh là Cụ Hồ mặc dầu ông ta chưa tới 50 tuổi (?). Nhiều người Việt thắc mắc tại sao phải dùng họ (Hồ) theo cách gọi của người Tàu mà không dùng tên (Minh) theo cách gọi của người Việt.

Một sự kiện đáng lưu ý: Trước khi quyển sách “Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” của Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) viết bằng Hán văn in và xuất bản tại Thượng Hải năm 1949, đảng Cộng Sản VN (CSVN) không hề nói Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.  Mãi đến khi quyển sách nầy được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 1950 và dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt năm 1951, đảng CSVN mới đưa ra lập luận: Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, quyển sách kể trên trở thành thánh kinh đối với người CSVN, nhứt là các nhà văn, nhà thơ, ký giả như Hồng Hà, Đặng Xuân Thiều v.v... Các văn nô và bồi bút của đảng CSVN chỉ bịa đặt thêm một số chi tiết mô phỏng theo nội dung của quyển sách do Hồ Chí Minh viết bằng tiếng Hán dưới bút hiệu Trần Dân Tiên để tự ca tụng mình. Nhiều người đọc sách của Trần Dân Tiên (Hồ Chí Minh) còn trách cứ tại sao tác giả là người Việt mà lại viết sách bằng tiếng Hán để mất công và thời giờ dịch từ tiếng Hán ra tiếng Pháp rồi từ tiếng Pháp ra tiếng Việt trong hai năm. Họ còn tự hỏi tác giả người Việt nầy có đủ trình độ Hán văn để viết sách bằng chữ Tàu hay không?

Đi tìm sự thật
Trong thời đại thông tin của thế kỷ 21 ngày nay, hệ thống mạng toàn cầu (Internet), các trang mạng xã hội (social media) và vô số sách, báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình lưu hành và  phát tán tự do đã giúp cho người Việt ở trong và ngoài nước soi rọi ánh sáng vào bóng tối chánh trị Việt Nam. Người nghiên cứu chánh trị phải lưu ý đến rất nhiều chi tiết trong khảo hướng: lý lịch cá nhân, tuổi tác, tên họ, nhân thân, liên hệ gia đình, thân tộc, bạn hữu và quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời.
  • Tuổi tác: Hồ Chí Minh không có ngày sinh nhưng có quá nhiều năm sinh
(1890, 1892, 1894, 1895, 1901, 1903). Vì Hồ Chí Minh muốn che giấu thân phận, không ai có thể biết đích xác ngày và năm sinh của ông ta. Ngày 19 tháng 5 có đúng là ngày sinh của Hồ Chí Minh hay không?
  • Danh tánh: Nhằm mục đích tung ra hỏa mù, Hồ Chí Minh đã mang trên 200 tên: Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Paul Thành, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Thau Chin, Tống văn Sơ, Già Thu, Lucius, Trần Dân Tiên, T.Lan. P.C Lin, C.B., Hồ Quang, Hồ Tập Chương v.v...Trong số trên 200 tên của Hồ Chí Minh có 4 danh tánh gắn liền mật thiết với ông ta: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Quang và Hồ Tập Chương.

  1. Đối chiếu Hồ Chí Minh với Nguyễn Tất Thành
Đến ngày nay, hệ thống Tuyên-Giáo của đảng CSVN vẫn khẳng định: Hồ Chí Minh là Nguyễn Tất Thành, sinh ra với tên Nguyễn Sinh Cung tại Nghệ An, con của Nguyễn Sinh Sắc tức Nguyễn Sinh Huy sau khi đổi tên. Học xong Tiểu học (enseignement primaire complémentaire), Nguyễn Tất Thành đã được nhận vào trường Quốc Học nhờ có cha là Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc làm quan của Triều đình Huế. Bỏ học rất sớm, Nguyễn Tất Thành đi vào Phan Thiết và Sài Gòn năm 1910, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville năm 1911 để xuất dương sang Pháp. Ngay khi đến cảng Marseille, Nguyễn Tất Thành đã đệ đơn đề ngày 15-9-1911 lên Tổng Thống Pháp xin nhập học trường Thuộc Địa (École Coloniale) để trở thành công chức cao cấp phục vụ Chánh phủ Pháp tại các thuộc địa, có địa vị xã hội cao và lương bổng hậu. Lá đơn nầy đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh tìm được trong hồ sơ lưu trử của Chánh phủ Pháp.
(Nguyễn Thế Anh, Tạp chí Đường Mới số 7, 1984, Paris)

Vì nhận thấy trình độ học vấn của Nguyễn Tất Thành quá kém, Tổng Thống Pháp đã bác đơn xin nhập học trường Thuộc Địa của Nguyễn Tất Thành. Riêng cá nhân người viết bài khảo cứu nầy đã tìm thấy 3 lỗi chánh tả và văn phạm Pháp trong lá đơn ngắn của Nguyễn Tất Thành. Ngoài lá đơn xin nhập học trường Thuộc Địa, Nguyễn Tất Thành còn viết một lá đơn thứ hai thỉnh cầu Toàn Quyền (Gouverneur Genéral) Pháp tại Đông Dương can thiệp phục chức cho cha (Nguyễn Sinh Huy) đã bị Triều đình Huế bải chức vì đánh chết một can phạm hình sự trong khi say rượu. Hai lá đơn của Nguyễn Tất Thành gởi Tổng Thống Pháp và Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương chứng tỏ ông ta khi sang Pháp chỉ chú trọng đến quyền lợi của bản thân và gia đình thay vì ra đi tìm đường cứu nước như bộ máy tuyên truyền cộng sản bịa đặt để đề cao lòng yêu nước của Hồ Chi Minh. Hai lá đơn nầy đã được Hồ Chí Minh giấu kín trong thời gian dài lãnh đạo đảng CSVN.

Về nhân thân (personal data), giữa Nguyễn Tất Thành và Hồ Chí Minh có một sự khác biệt rõ rệt: căn cứ theo hồ sơ của cơ quan an ninh Pháp tại Hà Nội và Paris, Nguyễn Tất Thành là một người tầm thước với chiều cao 1.62 mét. Nhưng Hồ Chí Minh là một người dong dõng cao ngang bằng Phạm văn Đồng và Mao Trạch Đông. Chiều cao của Hồ Chí Minh ít nhứt là 1.70 mét. Không lẽ Nguyễn Tất Thành về già trở thành Hồ Chí Minh lại cao hơn lúc còn trẻ?

Về sự qua đời của Nguyễn Tất Thành tại Hong Kong năm 1932 vì bịnh lao phổi trầm trọng, bộ máy tuyên truyền cộng sản phủ nhận sự kiện nầy nhưng không giải thích tại sao chính Hà Huy Tập, Tổng Bí thư thứ ba của đảng CSVN, lại báo cáo với Đệ tam Quốc tế Cộng sản rằng Nguyễn Tất Thành đã bị thực dân Anh ám sát trong nhà tù Hong Kong. Hơn nữa, báo cáo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập về cái chết của Nguyễn Tất Thành trong nhà tù Hong Kong đã được đăng tải trên trang mạng điện tử của đảng CSVN đang sử dụng trong thế kỷ 21.

Về mặt y học, bịnh lao phổi vào thập niên 1930 không chữa trị được vì phương Tây chưa phát minh thuốc Streptomycin. Đến năm 1943, Bác sĩ Albert Schatz trong nhóm nghiên cứu y học của Hoa Kỳ do Bác sĩ Selman Abraham Waksman điều khiển mới khám phá ra thuốc Streptomycin và đến năm 1946 thuốc trụ sinh nầy mới được thí nghiệm trên lâm sàng để chữa bịnh lao phổi.
(Phạm Đình Hưng, Thay Ngôi Đổi Chủ, Hoa Kỳ, 2016)

Về chữ viết của Nguyễn Tất Thành và Hồ Chí Minh, một sự khác biệt rõ rệt đã được phát hiện khi so chiếu đơn viết tay khá đẹp đề ngày 15-9-1911 của Nguyễn Tất Thành xin nhập học trường Thuộc Địa với bản Chúc thư viết tay rất thô thiễn của Hồ Chí Minh. Nguyễn Tất Thành, một người Việt có học đến năm thứ nhứt Trung học (enseignement primaire supérieur), không thể viết tiếng Việt sai sót nhiều và sửa đổi quá nhiều như Hồ Chí Minh trong bản Chúc thư cần đến vài năm mới hoàn tất.

  1. Đối chiếu Hồ Chí Minh với Nguyễn Ái Quốc
Để nâng cao uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng CSVN xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không phải là một con người thật (human being) mà chỉ là bút hiệu (pen name) của Nhóm Ngũ Long ở Paris gồm có Phó Bảng Phan Châu Trinh, Luật sư Tiến sĩ Luật Phan văn Trường, Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, Cử nhân Luật Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Trong Nhóm Ngũ Long, người có trình độ Pháp văn cao nhứt là Luật sư Tiến sĩ Phan văn Trường, người đã học và hoạt động rất lâu ở Pháp. Chính Luật sư Tiến sĩ Phan văn Trường là người đã viết các bài báo tiếng Pháp của Nhóm Ngũ Long, dùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc. Ở Paris, các cơ quan Cảnh sát Công an Pháp đều biết Luật sư Phan văn Trường lấy bút hiệu Nguyễn Ái Quốc. Khi đến Paris tham gia Nhóm Ngũ Long năm 1917, Nguyễn Tất Thành cư trú tại nhà của Luật sư Phan văn Trường (6 Villa des Gobelins) và được vị Tiến sĩ Luật nầy dạy tiếng Pháp. Sử dụng tiếng Pháp nhuần nhuyển với trình độ cao về luật pháp và chánh trị, Luật sư Phan văn Trường đã viết bản Thỉnh nguyện (Pétition) 8 điểm đề nghị cải tổ chế độ thuộc địa tại Việt Nam. Nguyễn Tất Thành chỉ là người chạy việc được giao cho nhiệm vụ mang bản Thỉnh nguyện 8 điểm của Nguyển Ái Quốc, bút hiệu của Nhóm Ngũ Long, đến Điện Versailles trình Hội Quốc Liên. Cũng chính Phan văn Trường đã viết 2 trong 3 phần của quyển Le Procès de la Colonisation Francaise bằng tiếng Pháp dưới bút hiệu Nguyễn Ái Quốc và Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền đã viết 1 trong 3 phần của quyển sách nầy. Quyển Le Proces de la Colonisation Francaise đã xuất bản tại Paris năm 1925. Lúc đó, Luật sư Phan văn Trường đã về Việt Nam từ 1923, Nguyễn Tất Thành đang phục vụ Cộng sản quốc tế tại Quảng Châu từ 1924. Ở Paris chỉ còn có Nguyễn Thế Truyền  là người xuất bản quyển sách nầy. Sử dụng thủ đoạn gian xảo, Nguyễn Tất Thành đã cưỡm đoạt công trình văn hóa của Phan văn Trường và Nguyễn Thế Truyền bằng cách tự nhận ông ta là Nguyễn Ái Quốc và đảng CSVN đã loại bỏ tên tác giả Nguyễn Thế Truyền ra khỏi quyển sách nầy khi cho dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp tác giả là Nguyễn Ái Quốc để xuất bản sau năm 1945. Ngoài việc tự nhận là Nguyễn Ái Quốc và tác giả quyển Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, Nguyễn Tất Thành còn gian manh chiếm đoạt công lao sáng lập Tạp chí Le Paria (tiếng Pháp) và Việt Nam Hồn (tiếng Việt) của Nguyễn Thế Truyền đứng chủ biên từ 1925. Trình độ Pháp văn thấp kém của Nguyễn Tất Thành đã lộ rõ trong lá đơn ngày 15-9-1911 xin nhập học trường Thuộc Địa của Pháp. Chính Nguyễn Tất Thành cũng thú nhận đã học tiếng Pháp từ ông thầy Phan văn Trường khi đến Paris năm 1917.
(Huy Phong & Yến Anh, Unmasking Hồ Chí Minh, tựa tiếng Việt: Nhận Diện Hồ Chí Minh)

  1. Đối chiếu Hồ Chí Minh với Hồ Quang
Năm 2014, Trung Quốc chánh thức xác định: Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Thiếu tá Hồ Quang của Quân đội Nhân Dân Giải Phóng Trung Quốc đã phục vụ trong Bát lộ quân ở Quảng Tây. Môt trang mạng của Trung Quốc còn ghi rõ: Hồ Quang sinh năm 1901: 38 tuổi năm 1939. 1901 cũng là năm sinh của Hồ Tập Chương. Như vậy, năm 1945, Hồ Quang chỉ mới 44 tuổi mà đã được gọi là Cụ Hồ!
Trong tác phẩm “Ho Chi Minh: The Missing Years”, Sophie Judge cũng có ghi một chi tiết đáng lưu ý về tuổi của Nguyễn Ái Quốc: Khi ghi danh học tại Viện Quốc tế Lenin, Nguyễn Ái Quốc (?) khai y sanh năm 1903 thay vì 1890 (năm sanh của Nguyễn Tất Thành). Sai biệt về năm sanh của Nguyễn Ái Quốc (?) rất lớn (13 năm).
(Sophie Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, Berkeley University Press Of california, USA, 2002)
Cục Lưu Trử và Văn Khố của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đã đăng tải nguyên văn lời xác nhận của Trung Quốc : Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Thiếu tá Hồ Quang của Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng Trung Quốc.

  1. Đối chiếu Hồ Chí Minh với Hồ Tập Chương
Theo Giáo sư Sử học Hồ Tuấn Hùng ở Đài Loan, tác giả quyển Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, tên thật của Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, người dân tộc Hẹ (Hakka) sanh năm 1901 tại Đài Loan. Giáo sư Hồ Tuấn Hùng là cháu trong gia tộc của Hồ Tập Chương.
(Hồ Tuấn Hùng, Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, Đài Bắc, 2014)
Ngoài sự khẳng định của Giáo sư Hồ Tuấn Hùng, người viết tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Ký giả Trần Đỉnh trong sách Đèn Cù cho biết đã nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếng Hẹ rất lưu loát trong khi thăm viếng thành phố Móng Cáy ở biên giới Việt-Hoa, nơi có nhiều cư dân gốc Hẹ. Trần Đỉnh còn nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quen thuộc với thành phố Móng Cáy mặc dầu mới đế đây lần đầu.
(Trần Đỉnh, Đèn Cù I & II, NXB Người Việt, California, 2014)
Cần ghi nhận một điều khác thường: sau khi Giáo sư Hồ Tuấn Hùng xuất bản năm 2014 tác phẩm nghiên cứu công phu “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo”, Đảng và Nhà nước CSVN hoàn toàn giữ im lặng, không chánh thức phản biện kết luận của tác giả.

Thay lời kết: Trước đại họa mất nước và mất dân tộc sẽ trở thảnh một hiện thực đau buồn vào năm 2020, đồng bào trong nước phải nhanh chóng thức tỉnh, sáng suốt nhận định và kịp thời hành động để cứu nước, cứu bản thân và con cháu. Kinh nghiệm đau thương của 30 năm chiến tranh trong thế kỷ 20 là một bài học chua cay cho nhiều thế hệ người Việt yêu nước, phần lớn đã phải lưu vong tại ngoại quốc.                                

 Thẩm phán Phạm Đình Hưng


Little Saigon, ngày 5-10-2017
2017

Thursday, September 21, 2017

Ông giáo sư dạy Sử
Một chiều cuối năm 1998 tôi vào Trường University of Washington (UW) để đón đứa con gái áp út tan giờ học. Tình cờ tôi nhìn thấy một ông già đứng chờ xe bên bến Bus. Có lẽ ông cụ lớn tuổi hơn tôi nhiều. Hỏi chuyện, tôi mới hay, ông cụ đã qua tuổi bảy mươi, ăn tiền hưu, và đang học môn Truyền Thông (Communication) năm Senior. Tôi chợt nghĩ, thời gian này mình cũng không bận lắm, tại sao không trở lại trường? Ít ra cũng học thêm được vài điều hay. Thế là, hôm sau tôi nộp đơn xin trắc nghiệm trình độ Toán và Anh Văn để xếp lớp tại Shoreline Community College (Shoreline C. C.).
So với các trường đại học cộng đồng quanh vùng, thì học phí của Shoreline C. C. tương đối nhẹ.Thật là, không có gì diễn tả nổi niềm vui sướng tột cùng của tôi buổi đầu được cắp cặp trở lại trường làm học trò. Ba mươi lăm năm sau khi rời ghế nhà trường (1963) để tình nguyện vào quân ngũ, tôi đâu ngờ còn có ngày được ngồi dưới lớp nghe lời thầy giáo giảng? (Hình phải : Tác giả bài viết VML)Xung quanh tôi là những người trẻ tuổi vừa qua bậc trung học.Tôi làm việc mười tiếng đồng hồ một ngày, bốn ngày một tuần lễ. Ngày, ngày, vừa tan sở, tôi lại vội lái xe tới lớp. Từ ấy, tôi làm việc full-time, đi học full-time, bận bịu vô cùng. Học kỳ (quater) đầu tiên, tôi ghi danh một lớp Toán, và hai lớp Anh Văn, mỗi lớp 5 tín chỉ (credit). Tôi miệt mài trong công việc suốt ngày, và chuyên cần trong học tập mỗi đêm. Vào mùa thi, tôi thức trắng hai, ba đêm là thường. Tôi ghi danh full-time để thúc đít thằng con út. Thằng nhỏ sợ ông bố theo kịp, nên phải gắng chạy có cờ để thoát lên đại học bốn năm.
Một niên khóa trôi qua. Con đường học hành của tôi đang có vẻ rộng mở thênh thang, thì bỗng dưng lại quẹo vào một khúc quanh, chỉ vì mùa Fall 2000 tôi đã ghi danh lớp History 274 “U.S. and Vietnam”.
Tôi “lấy” lớp Sử Ký này với mục đích tìm hiểu xem cuộc chiến tranh vừa qua đã được các sử gia Mỹ ghi chép lại như thế nào? Từ đó, hy vọng biết được phần nào, nguyên nhân vì sao, giữa đường, Mỹ đã bỏ rơi Việt-Nam, vì sao chúng ta đã thua trận.
Người từ lâu độc quyền phụ trách lớp Sử 274 là thầy Dan. Trong thời gian dài cả chục năm qua, ông giáo kỳ cựu này đã đào tạo hàng ngàn môn sinh. Những học trò của ông sau khi chuyển tiếp lên trường đại học bốn năm, đã trở thành những Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Lâu lâu họ lại ghé về trường xưa, thăm ông thầy cũ.
Lớp “U.S. and Vietnam” mùa Fall 2000 có chừng hơn hai chục học viên, trong đó da trắng chiếm đa số. Có bốn học trò gốc Châu Á, gồm hai anh Tàu lục địa, một cậu bé H’Mong và tôi. Bạn đồng lớp với tôi còn nhỏ lắm. Họ trẻ hơn mấy đứa con tôi nhiều.
Tôi cứ tưởng rằng những tài liệu lịch sử mà các thầy giáo đem truyền bá, phải nằm trong chương trình đã kiểm duyệt và cho phép của Bộ Giáo-Dục Hoa-Kỳ. Nhưng thực tế không phải vậy. Nền giáo dục của Mỹ đã đi vào tự trị từ lâu. Thầy giáo có toàn quyền lèo lái, hướng dẫn con thuyền học vấn chở học trò mình tới bất kỳ bến bờ nào mà thày đã chọn. Thầy giáo chỉ định sách giáo khoa nào thầy sẽ dạy để chúng tôi mua. Thầy phổ biến những tài liệu nào mà thầy ưng ý.Trong hai phần ba thời gian đầu của học kỳ Fall 2000, mỗi khi nói tới phong trào Việt-Minh, ông giáo sư dạy Sử không ngớt ca tụng HCM như một lãnh tụ tài ba, và vô cùng sáng suốt đã khôn khéo hướng dẫn dân tộc Việt -Nam tới chiến thắng thoát ách đô hộ của Đế-Quốc Pháp.
Thầy khẳng định rằng, chính phủ Hoa-Kỳ là nguyên nhân cuộc chiến tranh Đông-Dưong lần thứ hai (1954-1975). Vì theo lời thầy, thì HCM đã năm lần gửi mật thư cho Tổng Thống Harry Truman để xin thần phục và hợp tác, nhưng Tổng Thống Harry Truman đã từ chối. Thầy cho rằng người Mỹ đã lầm lẫn trợ giúp quân Pháp trở lại tái chiếm Đông-Dương trong khi cao trào dân chủ, đấu tranh giành độc lập đang lan tràn trên toàn thế giới, và chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời.
Chúng tôi đã được cho xem những đoạn phim cũ về trận Điện-Biên Phủ, về Hiệp- Định Geneve, và về cuộc di cư năm 1954. Với những trận có âm vang quốc tế như Plei-Me, Khe- Sanh, Kontum, Bình-Long, Long-Khánh vân vân… chúng tôi chỉ được thấy những cảnh thương vong của quân đội Đồng-Minh và Việt-Nam-Cộng-Hòa. Trận Mậu-Thân, chỉ là cảnh …nhà cháy, dân chạy loạn. Tất cả những “tư liệu” này đều có thực, nhưng thầy Dan chỉ trưng bày những phần có lợi cho Việt-Cộng. Tôi chưa nghe được từ miệng thầy một lời nói tốt nào cho phía Việt-Nam Cộng-Hòa. Thầy mô tả Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa như một đội quân kém cỏi về cả tổ chức lẫn khả năng tác chiến. Với thầy Dan, chiến tranh Việt-Nam chỉ là một gánh nặng cho ngân sách Quốc- Phòng Hoa-Kỳ, một sự phí phạm công quỹ. Đã có đôi lần tôi dơ tay nêu ý kiến bênh vực quân đội ta, chính quyền ta, thì ông chỉ cười, chỉ tay vào quyển Sử dày cộm,
“Book said!”
Cứ cái điệp khúc “Sách dạy!” đó, ông thầy phản chiến đã lịch sự gián tiếp nhắc nhở cho tôi hay rằng, tôi là một học trò, còn ông là một vị giáo sư nói có sách, mách có chứng.
Thầy hùng hồn thuật lại những lần thầy tham gia biểu tình chống chiến tranh thời 1960s và nặng lời đả kích lệnh động viên ngày đó, đã đưa hàng trăm ngàn thanh niên Hoa-Kỳ vào chỗ chết.
Kết quả hai lần khảo hạch giữa học kỳ (Mid-Term) tôi đều lãnh điểm (F) bởi vì tôi chỉ làm trót lọt phần A, B, C khoanh, còn về bài tiểu luận (essay) thì tôi bị loại thẳng tay.
Cả hai bài đều lãnh điểm KHÔNG (0) chỉ vì tôi đã viết không hợp ý ông thày. Ngặt một điều là, lớp History 274 này bị tính điểm đem lên trường đại học bốn năm. Bị đánh rớt lớp này thì giấc mơ chuyển tiếp lên University of Washington của tôi sẽ thành mây khói.
Tôi theo học lớp này đúng vào lúc nhà trường đang sôi sục với cuộc vận động bầu cử Tổng Thống. Ông thầy dạy Sử không phải là người độc nhất có ác cảm với chiến tranh, mà Tiểu-Bang Washington tôi đang cư ngụ cũng là thành trì của Đảng Dân-Chủ. Tâm sự này kiếm cả trường chắc cũng chẳng có ai thông cảm!
Thời gian này lòng tôi thật muộn phiền. Tôi tự trách rằng, mùa Fall 2000 có thiếu gì lớp tương đương với History 274 mà sao tôi lại nộp mạng vào cái lớp chết tiệt này? Đúng là bỏ tiền ra ghi danh để ngồi nghe người ta chửi mình, chửi quân đội mình. Càng nghĩ tôi càng thấy tức! Thằng con trai thấy ông bố rầu rầu bèn lân la hỏi chuyện. Khi hiểu nguồn cơn nỗi buồn của tôi, nó mới cho tôi hay, năm ngoái nó cũng ghi danh học lớp này, và đã bị một “vố” đau. Để thoát thân, từ bài thi thứ nhì nó phải viết theo ý ông giáo. Vất vả lắm nó mới kiếm được đủ điểm.
Sau ngày có kết quả khảo hạch kỳ thứ nhì, tôi bỏ công xuống thư viện nghiên cứu, sao chép những tài liệu sử liên quan tới chiến tranh Việt-Nam. Tôi không màng đến vấn đề chuyển tiếp lên University of Washington nữa. Tôi chờ, nếu có cơ hội là tôi sẽ “choảng nhau” với ông giáo phản chiến này một trận, rồi muốn ra sao thì ra.Tôi lục lạo kệ sách loại chọn lọc (preference) và tìm được một quyển Sử-Ký, trong đó, chứa đựng nhiều tài liệu ghi chép rõ ràng những thành quả mà Việt-Nam Cộng-Hòa đã thực hiện được. Trong số những tài liệu quý giá đó, có cả một bài đề cập tới đơn vị tôi, Liên Đoàn 2 Biệt-Động-Quân. Tôi vui mừng và cẩn thận photo copy những c thu nhận được để dùng làm bằng chứng khi cãi lý với ông giáo sư dạy Sử. Tôi cũng tận dụng thời gian rảnh cuối tuần để sắp xếp cho có thứ tự những điều cần tranh luận. Tôi ghi sẵn những câu phê bình, những câu chất vấn thẳng thắn với thầy Dan về cung cách giáo dục học trò của ông, và về những tài liệu mà ông đã dùng để trợ huấn.Buổi học áp chót của mùa Fall chúng tôi có một giờ đầu thi A, B, C khoanh. Sau đó thày giáo phát đề bài làm ở nhà. Thời gian còn lại, thày sẽ giảng gợi ý cho bài tiểu luận. Bài tiểu luận sẽ phải giao nộp vào đầu giờ buổi học cuối cùng.Vừa nghe chuông giải lao, tôi tiến tới bàn ông giáo Sử. Dù trong bụng đã chuẩn bị sẵn một mớ ngôn từ đao to búa lớn cho một cuộc đấu khẩu sống mái, nhưng tôi vẫn dằn lòng, nhỏ nhẹ,
- Thưa giáo sư. Xin giáo sư vui lòng cho phép tôi được trình bày với ông đôi điều liên quan tới sự giảng dạy của ông trong thời gian vừa qua. Tôi có thể làm phiền ông vài phút được không?
Thầy Dan niềm nở,
- Dĩ nhiên là được. Ông có điều gì cần cứ nói.
Thấy câu chuyện đã mở đầu trót lọt, tôi mạnh miệng,
- Thưa giáo sư, tôi là một người Việt-Nam tị nạn. Tôi là một cựu sĩ quan của Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi còn nhớ trong bài giảng đầu tiên, thầy có nhắc đi, nhắc lại rằng, phi vụ đầu tiên của pháo đài bay B 52 trên Cao Nguyên Việt-Nam là vụ oanh tạc Thung Lũng Ia-Drang.Thầy có biết không? Cũng vào ngày hôm đó, tôi đang tập dượt lễ mãn khóa sĩ quan Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam. Và mười năm sau, trước khi tàn cuộc chiến, vùng đất mà tôi chịu trách nhiệm trấn giữ cũng bao gổm cả cái Thung Lũng Ia-Drang đó.
Thầy chỉ biết tới những trận đụng độ đẫm máu trong thung lũng Ia-Drang qua báo chí, truyền thanh, và truyền hình. Còn tôi là người đã lặn lội mười năm ở đó, đã nhiều lần bị thương đổ máu ở đó, đã rơi lệ vuốt mắt cho nhiều đồng đội nằm xuống ở đó. Trong số những người nằm xuống ấy, không thiếu những thanh niên Mỹ đồng trang lứa với thầy. Nơi đó chúng tôi chiến đấu quên mình từng ngày, vì nền độc lập của đất nước tôi, và vì quyền lợi của nước Mỹ. Thầy chưa từng khoác áo nhà binh, chưa một lần có mặt trên chiến trường. Suốt đời thầy không hiểu nổi thế nào là niềm kiêu hãnh của một người lính chiến, thế nào là lòng khát khao chiến thắng, thế nào là tình huynh đệ chi binh.
Suốt đời thầy không hiểu được vì sao hơn hai chục thương binh què quặt của một đơn vị Biệt Động Quân Việt-Nam Cộng-Hòa phải mở đường máu rút lui mà vẫn cưu mang theo ba người lính Mỹ, trong đó có hai người bị trọng thương; và vì sao một đại tá Hoa-Kỳ đã đưa thân che chở cho một thương binh Việt-Nam để rồi ông bị mảnh đạn vỡ đầu. Mạng lưới truyền thông thiên Cộng khổng lồ của Hoa-Kỳ đã tiếp tay với bộ máy tuyên truyền của Cộng-Sản Quốc-Tế cố tình xuyên tạc, bóp méo tất cả những gì liên quan tới nguyên nhân, diễn tiến, và hậu quả của cuộc Chiến-Tranh Việt-Nam. Từ đó, tên Việt-Cộng khát máu HCM đã được tô vẽ, đánh bóng thành một vị lãnh tụ đức độ anh minh.
Chính tên sát nhân này và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã giết oan không biết bao nhiêu đồng bào vô tội của tôi trong suốt thời gian ba mươi năm chiến tranh. Nằm trong số hàng trăm ngàn nạn nhân bị giết, tù đầy, thủ tiêu, cha tôi và chú tôi cũng bị chặt đầu trôi sông trong thời gian đó. Nếu chế độ Cộng-Sản là tốt đẹp, thì đã không có một triệu dân miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp-Định Geneve năm 1954, và sẽ chẳng có những cuộc vượt biên bi thảm của hàng triệu thuyền nhân trên biển bỏ quê hương sau khi Miền Nam rơi vào tay Cộng-Sản năm 1975. Thầy chỉ mới thấy hình bé gái Kim Phúc trần truồng, vừa khóc vừa chạy, thân mình phỏng cháy vì bom Napalm của quân Đồng-Minh đánh lầm vào nhà dân, mà thầy đã thấy xót xa, cho rằng quân Đồng-Minh tàn ác.
Nếu thầy ở vào vị trí của tôi, không hiểu thầy sẽ nghĩ sao? Ngày 18 tháng Tư năm 1974, sau khi tái chiếm Căn Cứ Hỏa-Lực 711, Pleiku, tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh dã man chưa từng thấy. Trong một căn hầm trú ẩn đầy ruồi nhặng, trên chiếc giường tre là cái xác trần truồng của một người vợ lính. Chị bị Việt-Cộng lột hết quần áo, bị hãm hiếp, rồi bị đâm chết bởi nhiều nhát lưỡi lê, ruột gan lòi lòng thòng. Trên nền đất, máu đọng thành vũng. Trong góc hầm là xác đứa con trai hai tuổi của nạn nhân. Cháu bé bị trói hai tay, hai chân bằng dây dù và cũng bị hàng chục nhát lưỡi lê đâm vào bụng, vào ngực. Hai người này vừa theo chuyến xe tiếp tế của đơn vị lên thăm chồng và cha của họ được vài ngày. Họ đã không kịp chạy khi Việt-Cộng tràn ngập căn cứ trưa 15 tháng Tư năm 1974.
Câu chuyện vừa tới đây thì hết giờ giải lao, học trò trở lại lớp. Ông giáo vỗ vai tôi,
- Ông cứ ngồi đây, ta sẽ tiếp tục.
Rồi ông lớn tiếng cho phép lớp nghỉ sớm, để học trò có thời gian chuẩn bị bài thi viết. Chờ cho người học trò sau cùng ra khỏi cửa, thầy Dan nói nhỏ với tôi,
- Ông hãy tiếp tục câu chuyện của một nhân chứng sống. Tôi mong được nghe thêm. Tôi không ngần ngại, tiếp lời,
- Cám ơn giáo sư. Tôi chỉ nói những gì thấy tận mắt, nghe tận tai, và những gì xảy ra cho chính bản thân và gia đình tôi để thầy có một nhận định chính xác về cuộc chiến tranh Việt-Nam đã ảnh hưởng như thế nào đối với người dân Việt. Tôi tâm sự với thầy Dan rằng, tôi là một học trò tốt nghiệp trung học vào đúng thời điểm đất nước lâm nguy nên tôi đã tình nguyện vào quân ngũ để cứu nước. Tôi tóm lược cuộc đời chinh chiến của mình cho ông giáo nghe. Tôi thấy thầy Dan đặc biệt lưu tâm tới những chiến dịch xảy ra trên Tây-Nguyên, và ông có vẻ rất quen thuộc với những địa danh Ban-Mê-Thuột, Pleiku, Plei-Me, Đức-Cơ, Kontum. Nghe tôi nói ở Tây-Nguyên chiến trận, chết chóc xảy ra hàng ngày, ông vội hỏi,
“Mỗi lần ra trận, ông có sợ không?”
Tôi cứ tình thực trả lời,
Sợ chứ! Vào chỗ chết, ai mà không sợ? Nhưng tinh thần trách nhiệm đã làm cho tôi quên cái sợ. Thấy ông giáo sư có vẻ muốn nghe truyện chiến trường, muốn hiểu tâm tư người đi trận ra sao, tôi đã không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của tôi trong trận Dak-Tô năm 1969. Cuối trận này tôi đã phải mở khói đỏ yêu cầu máy bay đánh ngay trên đầu mình để cùng chết với quân thù. Vào giờ phút tuyệt vọng nhứt của trận đánh đó, tôi đã nghĩ gì, tôi cũng thổ lộ cho ông giáo biết. Ông giáo sư đã từng nghe nói tới cái tên “Đường Mòn HCM” nhưng chưa bao giờ ông ngờ rằng đó là cả một hệ thống đường giao thông chằng chịt che giấu dưới rừng già dọc Trường-Sơn. Tôi đã chia sẻ với ông những cảm giác hồi hộp, căng thẳng của người có cái kinh nghiệm đi toán Viễn-Thám săn tin dọc biên giới Việt-Miên-Lào từ Khâm-Đức tới Bu-Prang vào những năm 1972-1973.
Ông cũng rất hứng thú khi nghe tôi thuyết trình về kỹ thuật bắn xe tank mà Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã áp dụng trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975. Trận Xuân-Lộc này ông có nghe qua, nhưng ông không ngờ, một trong những cấp chỉ huy trực tiếp của trận đánh lừng lẫy ấy đang ngồi trước mặt ông. Tôi không quên nói tới những lần dừng quân bên xóm làng quê nghèo nàn, nhận những bát nước chè xanh, những củ khoai luộc của đồng bào tôi đem ra mời mọc. Tình quân dân cá nước ấy đã là những liều thuốc bổ giúp tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với quân thù. Tôi thuật lại cho thầy nghe, trong tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, chúng tôi đã chiến đấu kiên cường như thế nào.
Và sau khi biết rằng chỉ trong vòng một tháng cuối cùng, chín mươi phần trăm của quân số hơn năm trăm người thuộc Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã chết vì tổ quốc, thì ông giáo đã giơ hai tay lên trời, lắc đầu thốt ra hai tiếng,
“Trời ơi!”
Thầy Dan cũng muốn tìm hiểu xem, sau khi mất nước thì số phận của tôi và gần một triệu quân nhân, công chức chính quyền Việt-Nam Cộng-Hòa ra sao. Ông đã trố mắt ngạc nhiên khi biết ra rằng, từ sau tháng Tư năm 1975, khắp đất nước tôi, “Trại Cải Tạo” đã mọc lên như nấm. Cái tên “Re-Education Camp” mà ông đã nghe qua, trên thực tế chỉ là những trại tù khổ sai. Những “học viên” trong các trại đó sống không khác gì những con vật, quằn quại với cái đói. Họ bị ép buộc làm việc tới kiệt lực. Tinh thần bị khủng bố, căng thẳng liên miên bởi những buổi ngồi đồng học tập, phê bình, bầu bán. Tôi thú thật với ông giáo rằng, trong thời gian đó, tôi chỉ nghĩ tới tự do; làm sao để tìm lại được tự do, dù có chết cũng cam lòng. Ông giáo đã tỏ ra say mê theo dõi truyện hai lần tôi trốn trại thất bại, cùng những cực hình mà tôi phải gánh chịu. Tôi cũng không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của vợ tôi ngày đó, một nách bốn đứa con thơ dại, vất vả, tảo tần nuôi con, chờ chồng trong 13 năm tôi bị giam giữ, tù đầy.
Tôi cho ông giáo biết tôi là người sinh ra tại Miền Bắc Việt-Nam. Tháng 7 năm 1954 gia đình tôi đã cùng gần một triệu người khác di cư vào Nam để trốn lánh Cộng-Sản. Tôi cặn kẽ phân tích cho thầy rõ, sau Hiệp-Định Geneve năm đó, hai miền Nam, Bắc Việt-Nam đã thành hai quốc gia, độc lập và có chủ quyền, có biên giới. Chính HCM và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã chủ trương, phát động và điên rồ theo đuổi một cuộc chiến tranh tiến chiếm Miền Nam. Quân đội và nhân dân Việt-Nam Cộng-Hòa chỉ làm nhiệm vụ tự vệ. Quân Mỹ và Đồng-Minh vào Việt – Nam là để phụ giúp chúng tôi chống lại một cuộc xâm lược từ phương Bắc.
Chúng tôi thất trận không phải vì chúng tôi kém khả năng, thiếu tinh thần chiến đấu, mà vì người Mỹ đã phản bội, nửa đường rút quân, cắt viện trợ. Từ khi người Mỹ rút lui, chúng tôi bị bó chân bó tay, bụng đói mà vẫn phải chiến đấu. Trong khi đó, Miền Bắc lại tràn ngập lương thực, quân dụng, quân nhu, và vũ khí viện trợ từ khối Cộng. Thời gian khởi đầu chương trình Việt-Nam-Hóa chiến tranh, còn được cung ứng vũ khí, lương thực dồi dào, chúng tôi đã chứng tỏ khả năng có thể cáng đáng bất cứ nhiệm vụ nào của quân đội Đồng-Minh bàn giao lại. Để chứng minh điều này, tôi mở tờ copy từ quyển History của thư viện, trong đó có sơ đồ các cánh quân Việt-Nam Cộng-Hòa vượt biên tiến chiếm miền Bắc Cam-Bốt trong chiến dịch Bình Tây 1, 2, 3 cuối năm 1970 của Quân Đoàn II. Tôi chỉ cho ông cái dấu hiệu quân sự hình tam giác có chữ R ở giữa, cạnh trên có ba cọng râu, bên trái là con số 2,
- Đây! Thưa thầy, cuối năm 1970, tại vùng 2 Chiến Thuật, chúng tôi đã đánh đuổi quân Bắc Việt tới bờ đông của sông Mê-Kông trên đất Miên. Ngày đó tôi là người chỉ huy một đơn vị trực thuộc Liên-Đoàn 2 Biệt-Động-Quân. Tôi đã đánh chiếm thành phố Ba-Kev, và đóng quân tại nơi này một thời gian. Chúng tôi đã chứng tỏ rằng khả năng chiến đấu của chúng tôi đã hơn hẳn quân đội Bắc Việt.
Nhưng những năm sau, viện trợ cắt giảm dần. Mặc dầu tinh thần của chúng tôi không suy giảm, nhưng chiến đấu trong cảnh thiếu thốn thường xuyên, chúng tôi vất vả lắm. Tôi xin đan cử ra đây một so sánh để thầy thấy rõ sự khác biệt.
Trước khi Mỹ rút, tháng 6 năm 1968, có một lần tôi đang dàn quân tiến chiếm một ngọn đồi thì Bộ Chỉ Huy Task Force South của Mỹ ở Đà -Lạt đã bắt tôi ngừng lại để chờ pháo binh và không quân yểm trợ. Tôi đã nhận được một phi tuần hai phi xuất F4C và sau đó là một hỏa tập tám trăm quả đạn đại bác 105 ly trên mục tiêu trước khi xung phong. Mục tiêu đó chỉ rộng bằng diện tích khuôn viên trường Shoreline C. C. này. Chỉ hơn một năm sau khi Mỹ rút, tháng 8 năm 1974, tiền đồn Plei-Me do tôi trấn giữ đã bị một lực lượng địch đông gấp chín lần vây hãm 34 ngày đêm. Plei-Me cũng chỉ rộng bằng trường Shoreline C.C. thôi. Vậy mà mỗi ngày chúng tôi đã hứng chịu từ một ngàn tới hai ngàn viên đạn pháo cối của địch. Để chống lại, ngoài hai khẩu 155 ly của quân bạn yểm trợ từ xa, tôi chỉ có hai khẩu đại bác 105 ly. Vì tình trạng khan hiếm, tôi chỉ được phép bắn theo cấp số đạn giới hạn là bốn viên cho mỗi khẩu súng một ngày. Chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn như thế, chúng tôi vẫn chiến thắng. Thầy nghĩ sao về chuyện này?
Chúng tôi đã chiến đấu cho chính nghĩa như thế đấy, chúng tôi đã hy sinh như thế đấy, và chúng tôi đã bị bỏ rơi như thế đấy. Tôi cũng không hiểu vì sao người Mỹ phản chiến, trong đó có thầy, lại xuống đường tranh đấu, cổ vũ cho kẻ thù của chúng tôi, và ngược đãi chiến binh của chính nước Hoa-Kỳ? Thầy ơi! Sao thầy lại nỡ nhẫn tâm như thế! Thầy đã tiếp tay với kẻ thù, đâm sau lưng thân nhân và bạn bè đồng minh của thầy. Nhân dịp này, tôi cũng chuyển lại cho thầy nghe tâm sự của anh Bill, một bạn cựu quân nhân Mỹ trở về từ Việt-Nam năm 1973. Anh Bill hiện nay (2000) là Supervisor của hãng mà tôi đang làm việc. Đây là lời của anh ấy,
“Bạn có cảm thông nỗi đau đớn của chúng tôi ngày đó không? Hôm chúng tôi cặp bờ Everett, Washington, dân chúng Mỹ, kể cả những người thân, tiếp đón chúng tôi bằng cách dơ cao ngoắc ngoắc ngón tay giữa! Đi đâu chúng tôi cũng bị nhìn với đôi mắt khinh khi. Bao nhiêu ê chề nhục nhã đổ lên đầu người thua trận. Thua trận đâu phải lỗi của chúng tôi? Có bạn tôi đã buồn mà tự tử. Rồi tôi bị giải ngũ. Thời gian ấy kiếm được một việc làm là điều khó khăn trần ai. Hãng xưởng nào cũng không mặn mà với những hồ sơ xin việc của những cựu chiến binh. Cũng may, có người bạn học thời Mẫu Giáo đã giới thiệu tôi vào làm việc cho hãng này. Lương hướng thời ấy chỉ có 3 USD một giờ cũng đã khiến tôi mừng quá lắm rồi.”
Sau câu chuyện này, tôi chuyển sang phê bình cách giảng dạy của ông thầy, tôi nói thẳng với ông giáo sư rằng, bao năm nay ông đã bóp méo lịch sử của cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam, làm như thế ông đã phạm tội đối với lịch sử. Cách giảng dạy của ông đã gieo vào trí óc học trò những thành kiến sai lầm đối với Việt-Nam Cộng-Hòa, làm giảm giá trị sự trợ giúp của chính phủ và nhân dân Hoa-Kỳ đối với nước tôi. Cuối cùng, tôi hỏi ông giáo,
-Thầy còn nhớ, năm ngoái, có một cậu bé Việt-Nam, mặt mày sáng sủa, lông mày rậm, tóc hớt kiểu nhà binh theo học lớp Sử 274 này không?
- Nhớ chứ! Mỗi lớp chỉ có vài học trò Á Châu, dĩ nhiên là tôi nhớ!
- Cậu bé Việt-Nam đó chính là thằng con út của tôi! Năm ngoái, bài tiểu luận đầu của nó bị điểm KHÔNG (0) vì nó viết theo quan điểm của một người dân Miền Nam. Những bài sau nó phải đổi cách viết, để thầy cho điểm khá hơn. Tôi là cha nó; tôi là một trong những người chứng kiến, tham gia và trực tiếp gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh vừa qua; tôi không thể làm như con tôi được. Tôi đã nói hết những đều cần nói với giáo sư, và tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
Ông thầy dạy Sử như bừng tỉnh cơn mơ,
- Tôi tin lời ông, vì chẳng có lý do gì để ông nói dối. Có điều là, từ đó tới nay, hơn hai mươi năm dài, kể từ ngày những gia đình Việt-Nam đầu tiên tới định cư ở Hoa-Kỳ, chưa ai nói cho tôi nghe những điều này. Có thể, người ta muốn quên đi quá khứ, hoặc là người ta không có can đảm nói ra. Tôi đã hiểu, và tôi phải cám ơn ông. Ông quả là một chiến binh thực thụ.
Nghe được những lời nói chân tình từ miệng ông giáo sư, lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ lùng. Trước mắt tôi, ông đã thành một người bạn đồng minh, ông đưa bàn tay hộ pháp ra cho tôi bắt,
“Thưa người chiến binh. Ông vừa lập một chiến công!”
Đêm ấy trên đường về nhà, lòng tôi rộn ràng như thuở nào giữa sân vận động Pleiku, sau chiến thắng Plei-Me, tôi đã đứng trước một đoàn hùng binh, quần áo hoa rừng, nhận những vòng hoa rực rỡ, tai nghe bản nhạc “Bài Ca Chiến Thắng” do ban quân nhạc Quân-Đoàn II hòa tấu.
Ngày chấm dứt mùa Fall năm 2000 ông thầy dạy Sử tươi cười trao cho tôi bản tổng kết cuối khóa, trên đó điểm trung bình (GPA) lớp History 274 của tôi ghi 4 chấm (4.00).
Cuối mùa Spring 2001 tôi dự lễ cấp văn bằng tốt nghiệp A. A. nơi vận động trường có mái che của Shoreline Community College. Khán đài đông nghẹt thân nhân. Vợ tôi và bốn đứa con tôi cũng có mặt ngày hôm ấy. Khi người điều hành gọi tên tôi lên bục để nhận văn bằng, cả hội trường đều ngạc nhiên vì thấy nơi hàng ghế giữa của khu giáo sư có tiếng ai gào lên như tiếng sấm,
“Long! I’m proud of you!”
Đến lúc bà Hiệu Trưởng bắt tay tôi thì ông giáo Dan đứng dậy, bắc loa tay hướng về sân khấu,
“My soldier! I’m loving you!”
Ông là một người cao lớn. Trong chiếc áo thụng đen, trông ông dềnh dàng như nhân vật chính trong phim “Người Dơi”.
Những người có mặt trong hội trường buổi ấy đều quay mặt nhìn về hướng ông giáo, ai cũng ngạc nhiên vì hành động phá lệ của một ông thầy xưa nay nổi tiếng là mô phạm. Thấy ông giáo Dan réo tên tôi ầm ầm, vợ con tôi và những khán giả ngồi trên khán đài cũng vỗ tay, reo hò, la hét theo. Hai năm sau, khi tốt nghiệp B.A. từ University of Washington, tôi về thăm và báo cho ông biết, ông vui lắm.
Từ đó cho tới khi tôi ngồi viết lại những giòng này (2011) hàng chục ngàn học trò đã tới, rồi giã từ Shoreline Community College. Và chắc chắn, hàng trăm lượt người trẻ tuổi đã đi qua lớp History 274. Mười một năm qua, tôi vẫn nhớ buổi tối năm nào, tôi với ông giáo sư dạy Sử đã ngồi tâm sự với nhau. Lời khen của ông, mà tôi quý như một tấm huy chương, vẫn còn văng vẳng,
“Thưa người chiến binh. Ông vừa lập một chiến công!”