Tuesday, February 28, 2017


Bị ném bom nguyên tử, vì sao người Nhật không hô hào tiêu diệt nước Mỹ?


Tướng quân MacArthur là danh tướng của Mỹ. Năm 1942 tướng MacArthur dẫn đại quân tấn công Nhật Bản, từ Melbourne xa xôi đánh thẳng đến Tokyo, hai tay nhuộm máu người Nhật Bản. Vì thế vô số người Nhật muốn xé xác ông, còn ông cũng hận người Nhật thấu xương.(Tướng MacArthur tiếp nhận quân Nhật đầu hàng (Ảnh: Internet)
Vào 2:5 chiều ngày 30/8/1945, tướng quân MacArthur ra khỏi máy bay và đặt chân lên đất Nhật Bản, cho dù ông không mặc quân phục và không mang theo vũ khí gì, cũng không có người tổ chức duyệt binh, nhưng thời khắc đó với 70 triệu người Nhật Bản là thời khắc kinh hoàng mà họ không thể quên, trong tâm trí mọi người chỉ còn nghĩ được hai chữ “mất nước, mất nước, mất nước”.
Nhưng tướng MacArthur mang quân đến vì hòa bình, chính nghĩa, khoan dung và dân chủ
 
Tướng MacArthur tiếp nhận quân Nhật đầu hàng (Ảnh: Internet)Nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh rơi vào suy sụp, đến bữa trưa của Nghị viên Quốc hội cũng phải ăn cơm trộn khoai lang, cái đói bao phủ khắp nơi. Lúc này tướng MacArthur gây áp lực khiến chính phủ Mỹ phải hỗ trợ Nhật Bản, thế là 3,5 triệu tấn lương thực và 2 tỷ Mỹ kim tức tốc được gửi đến Nhật. Ông không chỉ giữ lại chính quyền Nhật Bản mà còn gây áp lực đặc xá cho Thiên hoàng, thậm chí còn quan tâm đến số phận của từng người lính bình thường của Nhật Bản, giúp họ tìm con đường sống.
 
Theo sau ông, 400 nghìn lính Mỹ đã dùng thiện ý và tinh thần hy sinh để chinh phục người Nhật Bản. Khi đó các con hẻm trong thành phố của Nhật vô cùng chật hẹp, một người Nhật bình thường và một người lính Mỹ to lớn nếu gặp nhau cũng khó khăn để đi qua nhau, vì thế thường thì người lính Mỹ sẽ nép vào một bên cho người Nhật đi trước. Người Nhật không thể không băn khoăn tự hỏi, nếu họ là kẻ chiến thắng thì họ có làm được như thế không?
 
Sau khi tướng MacArthur đến Nhật Bản, ông lập tức ra lệnh thả tội phạm chính trị, trong đó có rất nhiều Đảng viên Cộng sản, bị chính phủ Nhật bắt giam trong thời gian dài.
Ngày 25/8/1945, quân chiếm đóng của Mỹ cho phép phụ nữ Nhật xây dựng tổ chức của mình; tháng 9 cho công bố Dự luật về vai trò trong bầu cử của phụ nữ Nhật Bản; đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử.
 
Lúc này tại Tokyo có cô kỹ nữ được chọn làm Nghị viên thành phố, nhiều thị dân cảm thấy khó chấp nhận. Nhưng tướng MacArthur nói, mọi người chọn cô ấy để cô ấy phục vụ mọi người, đừng vì cô ấy là kỹ nữ mà kỳ thị bỏ qua. Khi đó mọi người chợt hiểu người được chọn trong bầu cử dân chủ phải là người thay mặt cho mình để vì mình làm việc, thế là sau khi hiểu ý nghĩa vấn đề họ đã quyết định chọn bầu cô kỹ nữ kia. Kết quả sau khi trở thành Nghị viên, cô đã không phụ lòng mọi người, làm được rất nhiều việc có ý nghĩa.
 
Vào ngày 11/10/1945, tướng MacArthur tuyên bố bỏ lệnh cấm báo chí, Nhật Bản được tự do thông tin và tự do ngôn luận. Ngày 22/12/1945, ban hành “Luật Công hội”, giai cấp công nhân thực sự có tổ chức của mình. Ngày 1/9/1947, ban hành “Luật lao động”, quy định tiêu chuẩn tiền lương thấp nhất và thời gian làm việc nhiều nhất.
 
Ngày 3/2/1946, tướng MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh khởi thảo Hiến pháp Nhật Bản. Chính phủ Mỹ truyền đạt nguyên tắc chế định Hiến pháp cho tướng MacArthur là: Chính phủ Nhật Bản phải do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể cử tri. Ngày 3/5, quân liên minh giao ra Bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 7/10, Quốc hội Nhật Bản thông qua Hiến pháp. Ngày 3/11, Thiên hoàng cho ban hành Tân Hiến pháp.
 
Đây là Hiến pháp do kẻ chiếm lĩnh chiếu theo giá trị quan phương Tây áp đặt cho kẻ bị chiếm lĩnh, nhưng lại là bản Hiến pháp đem lại phúc lợi cho nhân dân quốc gia bị chiếm lĩnh. Bản Hiến pháp nhấn mạnh quyền lợi công dân cơ bản của người Nhật Bản, xem những quyền lợi này là “quyền lợi trời cho mà không ai có quyền tước đoạt”. Những quyền này bao gồm: quyền bầu cử, lập hội và tự do xuất bản; không có sự tham gia của luật sư thì không được định tội; bảo đảm quyền cư trú an toàn cho dân, cấm kiểm tra và tước đoạt vô cớ.

Ngày 21/10/1946, Quốc hội đã thông qua “Luật Cải cách ruộng đất”. Chính phủ Nhật Bản mua lại đất đai dư thừa của giới địa chủ, sau đó bán đất lại cho nông dân không có ruộng. Với những nông dân không có tiền mua đất, chính phủ cho vay thế chấp. Tất cả diễn ra không đổ một giọt máu, một mạng người, những người nông dân ai nấy đều có được một phần đất cho mình.

Ngày 31/3/1947, ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”. Trường học của Nhật Bản không còn nằm trong kiểm soát của chính phủ mà là do Ủy ban Giáo dục do dân chúng bầu ra quản lý. Việc chọn lựa nhà giáo, sách học và bố trí chương trình hoàn toàn do người dân tự chủ quyết định.
 
Năm 1952, quân chiếm đóng Mỹ trả chính quyền về cho chính phủ Nhật Bản. Sau 7 năm chiếm đóng, người Mỹ cải cách triệt để con đường phát triển của Nhật Bản, chủ quyền quốc gia từ trong tay kẻ chuyên chế trao lại cho người dân Nhật Bản, những tiền đề tiến bộ đầu tiên này giúp người Nhật bước vào con đường thênh thang. Hơn 10 năm sau, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, quốc gia phồn vinh, nhân dân giàu có, xã hội ổn định. Có thể nói thêm một câu, quân chiếm đóng của Mỹ không chi một đồng tiền thuế nào của người dân Nhật Bản, chi phí của họ là lấy từ tiền thuế của người Mỹ.

Ngày 31/3/1947, ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”. Trường học của Nhật Bản không còn nằm trong kiểm soát của chính phủ mà là do Ủy ban Giáo dục do dân chúng bầu ra quản lý. Việc chọn lựa nhà giáo, sách học và bố trí chương trình hoàn toàn do người dân tự chủ quyết định.
 
Năm 1952, quân chiếm đóng Mỹ trả chính quyền về cho chính phủ Nhật Bản. Sau 7 năm chiếm đóng, người Mỹ cải cách triệt để con đường phát triển của Nhật Bản, chủ quyền quốc gia từ trong tay kẻ chuyên chế trao lại cho người dân Nhật Bản, những tiền đề tiến bộ đầu tiên này giúp người Nhật bước vào con đường thênh thang. Hơn 10 năm sau, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, quốc gia phồn vinh, nhân dân giàu có, xã hội ổn định. Có thể nói thêm một câu, quân chiếm đóng của Mỹ không chi một đồng tiền thuế nào của người dân Nhật Bản, chi phí của họ là lấy từ tiền thuế của người Mỹ.
 
Người Nhật tổ chức buổi lễ long trọng đưa tiễn tướng quân MacArthur
 
Trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, rất nhiều người Nhật đã viết thư gửi cho tướng MacArthur yêu cầu biếu tặng điền sản của họ. Nhiều phụ nữ can đảm viết thư đề nghị được hiến thân cho tướng MacArthur, nhiều người còn viết “xin hãy cho tôi được sinh con cho ngài.”
 
Sáng ngày 16/4/1951, Tổng thống Truman phế bỏ chức Tư lệnh quân chiếm đóng, tướng MacArthur phải về nước, sự kiện này chỉ thông báo cho một số quan chức cấp cao người Nhật biết. Nhưng khi ông ngồi lên ô tô thì mới phát hiện, từ nơi dinh phủ ông ở đến Sân bay Atsugi có hàng triệu người Nhật Bản đứng hai bên đường đưa tiễn. Đoàn xe hộ tống đi qua những hàng nước mắt cùng tiếng hô vang dậy của người dân Nhật Bản: Đại nguyên soái!
 
Người dân Tokyo đứng chật kín hai bên đường, ai nấy rơi nước mắt, họ như hoàn toàn quên chuyện tướng MacArthur là kẻ chiếm đóng đã đánh bại quân đội quốc gia mình. Thiên hoàng đích thân đến sứ quán đưa tiễn MacArthur, tướng MacArthur cũng xúc động rơi nước mắt, nắm chặt hai tay của Thiên hoàng Hirohito.
 
Khi đưa tiễn, Thủ tướng Yoshida của Nhật nói: “Tướng quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước trên con đường hòa bình, tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.
 
Uy lực quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá thành phố và nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng về phương diện tinh thần, nước Mỹ đã hoàn toàn chinh phục được người Nhật Bản.
 
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
 
Học giả Mỹ đề xuất 4 bước phá hủy
đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông
 
Đa Chiều ngày 27/2 bình luận, Biển Đông được xem như thùng thuốc súng có thể nổ ra chiến tranh thế giới trong thế kỷ 21. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi lấp, quân sự hóa (bất hợp pháp) đảo nhân tạo, trong khi Mỹ điều binh khiến tướng thể hiện sức mạnh ở Biển Đông.
 
Trong lúc cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông thì Trung tâm Đánh giá quốc phòng và dự toán Hoa Kỳ (CSBA) đã tổ chức một diễn đàn về tác chiến đổ bộ, đề xuất phương án 4 bước chiếm đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.
Đồng thời CSBA cũng kết luận rằng, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể phá hủy các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông sau khi trình bày 4 bước tác chiến, thể hiện trên hơn 70 trang trình chiếu (PPT) với nhiều số liệu, biểu đồ, hình ảnh minh họa.
 
Đầu tiên, CSBA đánh giá rằng Biển Đông là vấn đề nhức nhối. Những năm gần đây năng lực tác chiến đường dài của Trung Quốc đã phá triển nhanh chóng, bất luận là tên lửa đạn đạo chống hạm hay chiến đấu cơ thế hệ mới, đều tạo thành mối đe dọa lớn với hoạt động của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.
 
Một khi để Trung Quốc xây dựng xong hệ thống phòng thủ đa tầng phối hợp trên các đảo nhân tạo, nếu quân đội Mỹ chỉ sử dụng phương thức tác chiến truyền thống, rất khó có thể tạo được uy hiếp thực chất với Trung Quốc.
 
Tiếp đến theo các nhà nghiên cứu CSBA, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, nói dễ thì cũng dễ, chỉ cần sử dụng một cánh quân tấn công đổ bộ là xong.
Cụ thể, Mỹ có thể sử dụng các chiến hạm tấn công đổ bộ làm lực lượng nòng cốt trong đội hình hiệp đồng quân binh chủng, tấn công chớp nhoáng từ khoảng cách ngoài tầm bắn tên lửa Trung Quốc bố trí bất hợp pháp ở đảo nhân tạo.
 
Quá trình tác chiến này, theo CSBA có thể phân thành 4 bước:
 
Bước thứ nhất: Sử dụng một lượng lớn máy bay không người lái, tàu không người lái, thiết bị lặn không người lái từ các chiến hạm tấn công đổ bộ, các tàu khu trục tiến hành nghi binh, gây nhiễu và tiến tới cắt thông tin liên lạc của lực lượng đồn trú trên đảo nhân tạo với bên ngoài.
 
Bước thứ hai: Điều động các chiến đấu cơ F-35B cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công (mỗi chiếc tàu đổ bộ tấn công của hải quân Mỹ có thể chở đồng thời 16 chiếc F-35B) với đầy đủ vũ khí chế áp phòng không, kết hợp với máy bay không người lái tiêu diệt các mục tiêu trận địa ra đa, tên lửa phòng không, thiết bị thông tin liên lạc và chế áp, phá hủy hệ thống phòng không của Trung Quốc.
 
Bước thứ ba: Điều động loạt chiến đấu cơ F-35B thứ hai cất cánh, mang theo vũ khí hạng nặng như các loại bom chính xác trên 500 kg, chủ yếu tấn công các mục tiêu quân sự như doanh trại, trận địa pháp, xe tăng, xe thiết giáp, công trình phòng ngự, làm suy yếu khả năng phản công, phản kháng của đối phương.
 
Bước thứ tư: Điều động lực lượng MV-22 cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ, chở theo lực lượng thủy quân lục chiến đổ bộ lên đảo nhân tạo sau khi đánh giá thấy đối phương đã mất khả năng chống cự, phản công.
 
Đồng thời lực lượng này sẽ phá hủy toàn bộ các công trình và thiết bị quân sự còn lại của đối phương trên đảo nhân tạo.
 
Sau khi hoàn thành việc tấn công, các lực lượng thủy quân lục chiến sẽ rút khỏi đảo nhân tạo bằng MV-22 trở về các tàu tấn công đổ bộ và rút khỏi hiện trường.
 
Theo tính toán của CSBA, các hành động tấn công này có thể xóa bỏ hoàn toàn các công năng về mặt quân sự của các đảo nhân tạo mà muốn khôi phục nó, cần nhiều thời gian. Như vậy lo ngại của Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc từ các đảo nhân tạo có thể được loại trừ.
 
Tài liệu tham khảo:
 
Hồng Thủy

Sunday, February 26, 2017

Người Việt Nam chưa biết dạy con mình phải chịu trách nhiệm .
 
Hôm nay chứng kiến cách dạy con của 1 bà mẹ người Úc khiến cho Nhi suy nghĩ rất nhiều , và hiể...u ra được vì sao trẻ em Úc lớn lên lại có tinh thần trách nhiệm hơn rất nhiều người Việt Nam .
 
Một cậu bé khoảng 3-4 tuổi vừa đi vừa chạy , rồi còn nhảy tưng tưng . Mẹ cậu theo sau lên tiếng nhắc : Đi đàng hoàng coi chừng té đó !
 
Ít phút sau , quả nhiên cậu bé trượt chân té sóng soài , văng cả đồ chơi đi , rồi òa lên khóc . Người mẹ không vội vàng chạy lại bế con lên mà từ từ đến bên rồi nói " Té có đau không ? Đứng lên được không ? " . Cậu bé tiếp tục vừa khóc vừa lắc đầu " Đau lắm , đau lắm " . Bà mẹ ngồi xuống bên cạnh , ngắm nhìn con 1 lúc rồi bảo " Con không sao mà , đứng lên đi con " . Cậu bé vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài , nhưng lồm cồm đứng dậy .
 
Người mẹ xem qua tay chân mình mẩy cho con rồi hỏi " Con có biết tại sao con té không ? " Cậu bé vẫn thút thít khóc và lắc đầu . Người mẹ bèn giảng giải " Con té là vì con không nghe lời mẹ , đường trơn mà con không đi cẩn thận lại vừa chạy vừa nhẩy , nên con trượt chân té . Giờ con biết tại sao con té chưa ? "
 
Cậu bé vừa lau nước mắt vừa gật đầu " Con té vì con không đi cẩn thận " . Bà mẹ cũng gật đầu nói " Đúng rồi , giờ con đi lượm đồ chơi của con lên đi . Con coi con không cẩn thận không những con té mà con còn làm rớt đồ chơi bể rồi kìa . Con xin lỗi đồ chơi đi " .
 
Cậu bé lượm chiếc máy bay đồ chơi lên , nó đã bị gãy 1 cánh . Cậu bé nói với chiếc máy bay " Xin lỗi mày nhé , tại tao đi không cẩn thận làm rớt mày gãy mất cánh rồi , về nhà tao sẽ nói bố gắn lại cho mày " .
 
Thế đấy , con ngã mẹ không chạy a lại bồng lên xuýt xoa , mà để trẻ tự đứng lên , sau đó dạy trẻ lý do vì sao té , và còn biết nhận trách nhiệm xin lỗi món đồ vì mình mà đã bị gãy . Cậu bé 3-4 tuổi đó còn quá nhỏ để hiểu giá trị bài học mà mẹ vừa dạy cậu . Nhưng tiếp tục được giáo dục như thế thì cậu lớn lên sẽ là 1 người luôn biết tự lực tự cường và biết nhận trách nhiệm .
 
Trong khi đó , cha mẹ VN thương con , dạy con cái kiểu xót con . Con té 1 cái thì dù nhẹ cũng hớt hải chạy đến bồng lên làm rối rít , có khi còn giả bộ la cái bàn cái ghế hư quá làm bé té nữa chứ ! Dạy con kiểu đó đứa trẻ khi lớn lên sẽ nghĩ rằng hễ mình té ngã hay làm gì thất bại thì phải là lỗi của ai khác , và mình chỉ cần nằm đó kêu khóc , người khác phải đến giúp đỡ mình đứng dậy lại , và chắc chắn là không biết nhận trách nhiệm nếu chẳng may thất bại của mình còn gây hại lây cho người bên cạnh .
 
Các bạn muốn VN phát triển bằng nước người ta ư ? Phải bắt đầu bằng giáo dục con cái trong nhà đúng phương pháp , phải dạy con biết tự lực tự cường , biết nhận trách nhiệm đối với bản thân mình và với cả mọi người xung quanh .
 

ĂN CƠM CHƯA

 
Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đọc thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.

Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.

Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.

Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.

Bà sơ theo sau nói:

- Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!

- Phải đấy.

Đoạn bác sĩ hỏi tôi:

- Ông nghe thế nào?

- Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.

- Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm,vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột... nếu ông lén ăn gì.

Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:

- Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!

Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.

Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.

Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó. Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.

Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.

Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.

Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.

Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi... Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé "mua". Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc. Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.

Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé "nước lụt" ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.

Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác. Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.

Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.

Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được.

Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.

Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước "An Nam", con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả. Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.

Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.

Má Á Lìl cạn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.

Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân "nước lụt" như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.

Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũu. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.

Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa. Tôi hỏi:

- Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?

- Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.

- Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?

- Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng Annam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.

Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:

- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.

- Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.

Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:

- Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.

Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:

- Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người Annam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.

Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà Sơ, từ Sàigòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl. Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa. Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.

Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:

- Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?

- Vì thương mới không cho ăn.

Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy.

Lìl cười gằn hỏi:

- Thương gì lại bỏ đói?

- Vì ăn thì chết ngay.

- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.

Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.

Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.

Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.

Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:

- Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.

Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:

- Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!

Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: "Ăn cơm chưa?"

Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.

Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: "Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện".

Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.

Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.

Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:

- Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.

- Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.

Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:

- Chảy máu ruột!

- Sao lại chảy máu ruột?

- Vì ăn!

- Trời ơi!

Bà lão ho, rồi lại nói:

- Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.

- Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?

- Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.

Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:

- Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ...

- Sao vậy?

- Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu
1 thì tiền đâu?

Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:

- Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?

- Có. Nó có kêu thầy...

- Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?

Nó kêu khóc rằng: "Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!"

Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi. Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.

Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: "Ăn cơn chưa?", tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn mối tình thương đầu của tôi.

1 Thuở đó chưa có ngân hàng máu.

Bình Nguyên Lộc
@vietmessenger
ÂM MƯU DIỆT CHỦNG DÂN TỘC VIỆT
DÂN VIỆT BỊ ĐẦU ĐỘC MỖI NGÀY NHƯ THẾ NÀO?


Saturday, February 18, 2017

GIÃ TỪ VŨ KHÍ
 

DẮT LỢN QUA ĐƯỜNG
 
Chiều mơ dắt lợn qua đường,...
Tưởng chừng trở lại quê hương năm nào.
Gập ghềnh chân thấp chân cao,
Lợn lon ton bước, người nao nao sầu.
Gió hoang đổi dạng thay màu,
Hung hăng ép lá xướng câu tuyệt tình.
Người vờ câm điếc làm thinh,
Cơn đau xé ruột chỉ mình mình hay.
Bần thần đứng ngóng mây bay,
Mây tan mấy bận, mắt cay bấy lần.
La cà mỏi gối chồn chân,
Ngõ về chốn cũ thoạt gần thoạt xa.
Lui cui dọ lối quê nhà,
Xương khô lấp nẻo, hồn ma cản đường.
Quơ tay ghì nhánh tà dương,
Nghe như muối xát vết thương trong lòng.
x
x x
Thẫn thờ dắt lợn ra sông,
Cây khô, bến vắng, đò không tay chèo.
Một rừng sóng nhỏ đói meo,
Dựa hơi gió đẩy đám bèo ngược xuôi.
Trên dòng nước đục nổi trôi,
Cánh xơ xác rã, cánh tơi tả rời.
Bập bềnh dắt díu ra khơi,
Cầu mong chóng được đến nơi an bình.
Ngờ đâu cuối chặng linh đinh,
Xác người, xác cá chết sình nằm phơi.
Mênh mông oán khí ngập trời,
Giọt mưa uất hận thầm rơi lối mòn.
x
x x
Ngù ngờ dắt lợn lên non,
Nào hay cảnh cũ chẳng còn như xưa.
Núi mòn, đất lở, cây thưa,
Bàn tay phá hoại chẳng chừa nơi nao.
Tai nghe lũ Chệt ồn ào,
Biết Cao nguyên đã lọt vào ngoại bang.
Ung dung giặc Bắc ùa sang,
Dần dà nuốt trọn mảnh giang san này.
Vô tình người có nào hay,
Mình lưu vong tại chính ngay quê mình.
Vọng về tiếng khóc u linh,
Nổi chìm giữa tiếng âm binh cợt cười.
x
x x
Hoang mang dắt lợn tìm người,
Nắng chai màu áo, mưa tơi dấu giày.
Khật khừ nửa tỉnh nửa say,
Nghe bao ước vọng trên tay mỏn dần.
Nhọc công thăm hỏi xa gần,
Non sông khác chủ, người thân chốn nào.
Phố phường thú dữ lao xao,
Vực sâu vẳng tiếng kêu gào đắng cay.
Trời chiều thoảng chút heo may,
Cỏ đuôi chồn đã phất đầy ruộng nương.
Ngoái đầu trông lại quê hương,
Tang thương xóm cũ, thê lương bóng già.
x
x x
Tàn mơ, dắt lợn về nhà,
Giương đôi mắt lệch xót xa nhìn đời.
Chợt nghe pháo nổ vang trời,
Hình như Tết lại đến nơi quê người.
 
Trần Văn Lương
Cali, 2/2017
Cờ Vàng và Em bé

Sunday, February 12, 2017

THỜI ĐẠI TÔI ĐANG SỐNG
 
Thời đại tôi đang sống
Trẻ con học chữ cái không bắt đầu bằng chữ a
Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ


Thời đại tôi đang sống
Cứ mở mắt là thấy mình khó ở
Tháng tư vấn vương hoa sữa
Đông sang vẫn nóng như hè


Trẻ con không đón hè bằng những tiếng ve
mà bằng iphon, ipad
Thức ăn ngập tràn các market
Nhưng nuốt vào mồm là ngập hoá chất dư thừa


Thời đại bây giờ ai cũng như lừa
Chỉ biết phận mình, thản nhiên bịt tai còn mặc đâu thiên hạ
Vào trang các hót gơn hót boi like còm tung lả tả
Chuyện xã hội đau nhưng nhức lại im lìm


Thời đại bây giờ con người sống thiếu hẳn trái tim
Mượn gió bẻ măng, gắp lửa bỏ tay người đâu ra mà nhiều thế
Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần


Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
Người hiền lành luôn thua người bặm trợn
Chân thực ngủ vùi cho xảo trá lên ngôi


Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con sếp
Bài thơ thần ngàn đời bất diệt
Bỗng đâu tan vì cái mới lên ngồi


Thời đại bây giờ thiên hạ um xùm vì mất một con ruồi
Con voi lọt qua lỗ kim thì thản nhiên công nhận
Lấy hoạt động từ thiện nuôi thân còn mang lòng thù hận
Rắp tâm gieo tiếng ác cho người


Thời đại gì mà thương cái thân tôi
Bao chuyện trái ngang cứ vờ như không biết
Tai vẫn tinh mà như bị điếc
Miễn sao không vơi cơm vơi gạo nhà mình


Có những lúc trách mình rồi lại tự phân minh
Phận mình đàn bà biêt sinh con nuôi con là đủ
Những thứ lớn lao mang tầm vũ trụ
Xin nhường cho cánh đàn ông…


Đã thế rồi mà nhiều khi vẫn thấy lông bông
Ngơ ngác trước “Bụi Chương Mỹ, đĩ Đồ Sơn”
có khả năng trở nên thành ngữ
Niềm tin lung lay trước một xã hội hèn, mình cũng hèn đủ thứ

Dạy con thế nào đây trước bộn bề sóng gió cuộc đời

Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách” mẹ ơi !


Nguyễn Thị Thanh Yến
02/11/2015
 
@Fb/NTTY
Ghi chú : Hình trên  : Tác giả Nguyễn Thị Thanh Yến

Wednesday, February 1, 2017

Cảm ơn Thung Lũng Hoa Vàng
 & Cuộc chiến chưa chấm dứt