Monday, June 26, 2017

 
  Câu chuyện về kem đánh răng Hynos,
thương hiệu nổi tiếng một thời của Việt Nam
 
 Chia xẻ từ trang của Vincent Thành Lê Dũng Phan
 
Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem đánh răng Hynos. Lúc đầu, ông chỉ là người làm thuê cho hãng kem Hynos, lúc này Hynos chỉ là một hãng kem nhỏ, ít tiếng tăm do một người Mỹ gốc Do Thái có vợ Việt Nam mở hãng sản xuất kem đánh răng ở Việt Nam. Sau này khi người vợ mất, ông chủ buồn rầu bỏ đi giao lại cho ông vì ông được tiếng là trung thành, cần cù làm ăn.
 
Image may contain: 1 person, smiling, sky and outdoor Vương Đạo Nghĩa, là một người có óc làm ăn cấp tiến kiểu Tây Phương. Ông là người có rất nhiều sáng kiến để quảng cáo hàng của hãng ông trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Trung Hoa vào quảng cáo, sau khi gặp lại người anh họ (con ông bác) ở Hong Kong là tài tử Vương Vũ và được ông mời đến Việt nam nhiều lần trong các dịp nghĩ hè. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử “Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp” hay “anh Bảy Chà cười toe với hàm răng trắng chói” có mặt khắp nơi trên các đường phố, ngõ hẻm. Bên cạnh đó, điệp khúc Hynos cha cha cha… trên đài phát thanh và trên chiếc deux chevaux (2CV) bán hàng tại các chợ Sài Gòn.
 
Image may contain: 1 person Có lẽ ai sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975 cũng đều quá quen thuộc với hình ảnh anh Bảy Chà Và đen trên hộp kem đánh răng Hynos. Vương Đạo Nghĩa chọn hình ảnh một ông Chà Và da thật đen làm biểu tượng quảng cáo cho sản phẩm của mình cũng chính bởi vì nước da ngâm đen sẽ làm nổi bật lên hàm răng trắng, và mục đích của Vương Đạo Nghĩa cho hình ảnh quảng cáo này là: chỉ có dùng kem đánh răng Hynos mới có được hàm răng trắng khỏe như thế. Cũng nói thêm về người Chà Và ở đây là chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)….Chữ Chà Và là cách đọc trại từ chữ “Java”.
 
Image may contain: 1 person, smiling, outdoorSản phẩm của hãng kem đánh răng Hynos cạnh tranh với các hãng kem Việt Nam hiệu Perlon và Leyna ở miền Nam và kem ngoại quốc như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp). Khi Hynos lên ngôi thì các thương hiệu kem đánh răng khác như Kool, Gibbs, Perlon bị cáo chung. Hynos có mặt khắp nơi tại Việt Nam, Kampuchea, Lào, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông.

Trong vòng 10 năm, kể từ ngày góp mặt trên thị trường, kem đánh răng Hynos đã từ một cơ xưởng sản xuất nhỏ bé vượt lên thành một xí nghiệp với cá thiết bị sản xuất hiện đại. Sản phẩm của Hynos đã qua mặt các sản phẩm cùng ngành nghề khác trong nước về chất lượng và kỹ thuật sản xuất. Số lượng sản phẩm xuất xưởng đã vượt qua các nhà máy có sản phẩm nổi tiếng và lâu đời như Perlon, Leyna. Kem đánh răng Hynos đã độc chiếm thị trường nội địa và tạo được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trên thị trường Đông Nam Á. Kem đánh răng Hynos đã được bày bán ở các nước lân cận trong vùng Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và được người tiêu dùng rất hoan nghênh. Người ta nói ông chủ Hynos đã không ngần ngại trích ra 50% lợi nhuận cho việc quảng cáo. Có thể nói, đây là một tỷ lệ quảng cáo đột phá và đầy ấn tượng trong bối cảnh nền thương mại của Sài Gòn xưa đang trên đường hội nhập.

Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Sau đó liên doanh với các công ty nước ngòai và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S. Sau khi nhượng vốn liên doanh cho Unilever, Công ty Hóa phẩm P/S quay lại sản xuất kem Hynos.

Cũng sử dụng lại nụ cười anh Bảy Chà trên vỏ hộp kem, đồng thời làm mới bằng hình ảnh gia đình hiện đại, Hynos đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, dù số lượng chưa thật nhiều.

@Fb/Vicent Thanh

"Vương Vũ lưng dắt trường kiếm, phong tư tiêu sáo. Kiếm quang loang loáng, y phục bay phần phật, giải thoát các xe hàng, cứu giúp đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp. Nhưng bi kịch thay khi tất cả bảo tiêu đã chết, chỉ còn Vương Vũ. Ông mở xe hàng ra, trong này có gì mà khiến bao nhiêu sinh mạng phải ra đi? Thì ra trong đó không phải là vàng bạc, cũng chẳng phải châu báu gì, mà chỉ là các hộp kem đánh răng Hynos !"(Hình trên : Quảng cáo phim Độc Thủ Đại Hiệp (1967) - Vương Vũ)

Vâng, đó là nội dung của đoạn quảng cáo về kem đánh răng Hynos trên tivi tại SaiGon trước năm 1975. Và tài tử Hong Kong nổi tiếng Vương Vũ được mời về Việt Nam để đóng đoạn quảng cáo cho thương hiệu lẫy lừng này: Kem đánh rằng Hynos của ông trùm kinh doanh Vương Đạo Nghĩa. Một người Việt gốc Hoa.

Những người yêu nhớ SaiGon xưa có lẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh của kem đánh răng Hynos trên khắp miền Nam trước 1975. Với hình ảnh của anh bảy “chà và” da đen cười tươi với hàm răng trắng đều và đẹp.
(Chú thích: "Chà và" ở đây là phiên âm Java. Là những người Châu Á gốc Khơ Me với làn da đen nhẻm" như Ấn Độ hay Indonesia).

Và Vương Đạo Nghĩa - ông chủ của kem đánh răng Hynos chính là người tiên phong trong lĩnh vực tiếp thị và xây dựng thương hiệu.

Người Hoa với bản năng kinh doanh vốn có của họ, đã biết được giá trị của thương hiệu và sự quan trọng của tiếp thị trong kinh doanh thương mại ngay từ thuở đầu. Ông biến kem Hynos và anh "Bảy chà và" xuất hiện ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, trên các tuyến phố ở đô thành SaiGon, trước chợ Bến Thành, trên mọi nẻo đường ở nông thôn, các cửa hàng ăn uống, chợ búa và cả loa phóng thanh, báo chí thậm chí ngay cả trên các thùng xe vận tải chạy khắp miền Nam.
 
Ông xây dựng một kem đánh rằng Hynos thú vị và gần gũi. Chẳng hạn như câu thơ " Răng em, răng em trắng muốt như ngà / Nhờ kem, nhờ kem Hynos mà ra." Hehe.
Ngoài ra
- Đẳng cấp Quảng cáo không phải những lời rao giảng kệch cỡm mà bằng một đoạn phim kiếm hiệp với tài tử Vương Vũ. Khiến ai ai cũng thú vị và yêu quý.
- Còn cách truyền tải thì rất gần gũi. Tôi xin trích lại đoạn quảng cáo trên nhãn bìa đó cho các bạn nghe nhé:
* Trồng lúa mới có gạo ăn....thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn.
Vì không săn sóc răng một cách chu đáo, có người đã bị sâu răng và mất nhiều răng.
Với Hynos phosphate, đánh răng sớm chiều, răng vững bền nhiều*
Sự mộc mạc ấy đã đi vào lòng người dân miền Nam và nhiều người vẫn nhớ thương hiệu đó.

Trong vòng 10 năm, ông Vương đưa Hynos từ một hãng sản xuất nhỏ lẻ thành một xí nghiệp hiện đại. Ông giới thiệu sản phẩm ra quốc tế như cái cách Cocacola, Nike...đã làm. Lợi nhuận được trích nhiều cho quảng cáo. Sản phẩm của hãng kem đánh răng Hynos có mặt khắp nơi tại Việt Nam, và sau đó ở thị trường Đông Nam Á và Hong Kong. Bày bán ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kong

Sau năm 1975, nhiều biến động xảy đến khiến thương hiệu kem Hynos không còn nữa. Đi cùng với Hynos là những thương hiệu như xà bông Cô Ba, nước ngọt Con Cọp. Nhưng những người nhớ thương hiệu này luôn mong một ngày Hynos trở lại. Ví dụ tôi chẳng hạn, kẻ đã reo lên sung sướng khi vô tình gặp lại Hynos tại một resort trong chuyến đi du lịch Phan Thiết hồi tháng 8 vừa rồi. Và lập tức thực hiện một hành động xấu xa là "đem về kỷ niệm". Haha. Cái này cho phép nhé.

Tôi luôn mong một ngày Hynos sẽ trở lại hùng mạnh như ngày xưa. Như chim phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn. Để tôi bước ra siêu thị, và đem về một cách oanh liệt chứ không phải một cái nhỏ xíu thế này, và đảo mắt xung quanh và chưa gặp thật nhiệu nụ cười "Anh bảy chà và". Bởi đó còn là ước vọng một ngày kinh tế Việt Nam, thương hiệu Việt Nam sẽ cất cánh.

À, bên dưới stt này sẽ đăng một số hình ảnh về kem Hynos quảng cáo tại SaiGon trước năm 1975. Còn tôi thích đăng cái ảnh này cho câu chuyện hơn. Vì muốn cho những người hoài niệm biết rằng, cái tên Hynos đang trở lại thị trường kem đánh răng.
****
Nhân dịp "Vietnam Brand Matters" diễn đàn Thương hiệu Việt có quy mô lớn nhất Việt Nam đang được tổ chức tại Hà Nội. Tại hạ kể hầu câu chuyện xưa.

© Dũng Phan

Saturday, June 10, 2017

Thơ Nguyễn Thúy Hạnh

GỬI VỀ ANH, MÙA HẠ


Video : Hoa Thương Nhớ Ai

Gửi về anh cánh phượng hồng thắp lửa
Gió lang thang trốn mãi tận trời xa
Qua phố nhỏ bước chân ai vội vã
 Bóng cây thưa se sắt phủ bóng hè
 
Gửi về anh da diết khúc sầu ve
Tiếng trống trường vọng từ đâu khắc khoải
Trái tim em có khi nào biết mỏi
Cứ xôn xao như mãi thủa học trò
 
Gửi về anh thắc thỏm những buồn lo
Và cả những cơn mưa rào hối hả
Trên phố cạn chú cá rô bươn bả
Cái lưng cong cõng luôn cả con đường
 
Gửi cho anh dòng sông hạ nhớ thương
Nước mùa về dâng cao lên ngập bãi
Những con thuyền chở đầy khoang miết mải
Gió thênh thang dào dạt gọi sóng về
 
Gửi cho anh trái chín đỏ mùa hè
Vải ngọt lịm mơ chua và mận đắng
Trái nhót mọng hay trái đào hồng thắm
Chen chúc nhau giục nắng hãy vàng them
 
Gửi về anh khúc hát chưa đặt tên
Của ngày qua hôm nay và mai nữa
Mùa dẫu trôi như gió ngang qua cửa
Vẫn tình em mang hạ gửi vào anh...
 
Nguyễn Thúy Hạnh
Hải phòng, 10/6/2017
Hình trên : Tác giả NTH