Monday, July 20, 2020

VẪN CÒN ... ẤM ỨC


        Chuyện cũ đã gần 30 năm thế nhưng mỗi khi nhớ lại, nhắc lại vẫn thấy nhớ tiếc, bất mãn.

        Vào đầu năm 1973, lúc đã 36 tuổi đời, 11 tuổi nghề, tôi trở lại trường theo học Cao Học khóa 8 ban ngoại giao.

        Hồi sinh thời, cố giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông từng tranh đấu cho trường Hành  Chánh đào tạo các ngành nhà nước. Ẩn ý chính trị ? Điều đó không quan trọng. Chỉ biết đây là một đề nghị hợp lý. Bộ Tư Pháp chống đối viện lẽ thẩm phán là những người cần kiến thức chuyên môn luật học. Không biết ý kiến của Bộ Ngoại Giao thế nào ? Có điều chắc chắn là họ muốn bảo vệ cái châsse của họ.
   
     Từ trước Bộ Ngoại Giao tuyển người như thế nào ? Có thời mỗi vị được cử đi làm Đại Sứ được quyền mang theo một người thân tín để làm bí thư, một gia sư và một người giúp việc nhà. Khi Đại Sứ hồi hương, các người mang theo ở lại rồi dần dần trở thành viên chức Bộ Ngoại Giao các cấp tùy theo trình độ và văn bằng. Đặc biệt thời Đệ Nhất Cộng Hòa một số khoa bản từ nước ngoài được mời về nước phục vụ. Tóm lại việc tuyển dụng có tính cách lẻ tẻ dựa vào tiêu chuẩn khả năng và tín nhiệm. Mãi cho đến thời bác sĩ Trần Văn Đỗ, bộ Ngoại Giao mới bắt đầu tuyển các Thạm Vụ Ngoại Giao một cách hệ thống. Bộ đã mở chừng 4 hay 5 kỳ thi tuyển và thu nhận khoảng 100 nhân viên. Một số ít Tham Vụ gốc dân sự rất xuất sắc có thể kể Lưu Tường Quang từng giữ chức Tổng Thư Ký bộ Ngoại Giao, Cao Xuân Tứ từng trông coi nhiệm sở Hòa Lan.
    
    Mãi gần 3 năm sau khi bị Cộng Sản ám sát, ước nguyện của giáo sư Bông mới thành.
  
      Năm 1972, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký Nghị Định (?) với hai điểm chính sau đây:
        
   1. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh được giao phó tuyển dụng và đào tạo sinh viên Cao Học gồm các ban:
- Hành Chánh
- Kinh Tế
- Tài Chánh
- Ngoại Giao
- Thẩm Tra Kế Toán
         2. Việc xếp hạng ngạch trật:
- Đối với sinh viên thường: Vào ngạch trật có chỉ số 510 ở ngạch liên hệ. 
- Đối với sinh viên công chức: Thăng một trật và xếp vào ngạch liên hệ có chỉ số tương đương.
        Nghị Định được chiếu hội bởi các bộ liên hệ.
        
Việc thi tuyển vào ban Ngoại Giao ra sao ?

        Thi tuyển gồm 2 phần: Viết và Vấn đáp.

        - Phần thi viết có bài nghị luận chính trị, nghị luận tổng quát và bài dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp và Anh.
        Đề thi chính trị do Bộ Ngoại Giao đề nghị và Bộ Ngoại Giao cũng là premier correcteur nữa.
      Tôi còn nhớ đề bài nghị luận chính trị: Hãy tìm hiểu nguyên nhân đưa đến việc xích lại (rapprochement) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh hưởng của việc nầy đối với các Quốc Gia Á Châu ?

        Tôi chuẩn bị cho kỳ thi nầy chưa bao giờ kỹ hơn. Tôi tìm đọc các tạp chí chính trị như Forreign Affairs revue, Asian studies, Cao Đẳng Quốc Phòng v.v… Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một bài đăng ở Nghiên Cứu Hành Chánh cho rằng Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ bị hy sinh sau khi Hoa Mỹ bắt tay nhau. Tôi cứ thế mà tán rộng ra cho rằng phen nầy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ của Cộng Sản Hà Nội sẽ đi chỗ khác chơi để cho hai anh lớn (Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Hà Nội) nói chuyện thẳng với nhau. Một người bạn tôi lạc quan hơn cho rằng Bắc Việt sẽ bị xóa tên trên bản đồ và Việt Nam sẽ thống nhất với sự lãnh đạo của Miền Nam.

        Thật ra ngày nay các bạn đã biết tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã được giải mật cho thấy Đài Loan và Việt Nam Cộng Hòa bị hy sinh. Mỹ cho rút khỏi Đài Loan các giàn phóng có đầu đạn nguyên tử. Còn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã bị tên điếm thúi ngoại giao Kissinger bán đứng bằng hiệp định Paris với những điều khoản thật phi lý. Sau ngày mất nước chúng ta thấy một ông già tiều tụy vừa đi vừa lẩm bẩm: Tổ cha mi thằng Kissinger. Đó là cụ Phạm Văn Nhu, thầy học cũ của tôi ở trường Khải Định, Huế và cũng từng là nghị sĩ Liên Hiệp Pháp và Chủ Tịch Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

        Giáo sư Hùng chỉ nói đúng một phần. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị khai tử nhưng không phải do việc xích lại Hoa Mỹ mà chính bởi cha đẻ của nó là Cộng Sản Bắc Việt. Xin nhắc lại đoạn hồi ký “Memoire d’un Việt Cộng” của Trương Như Tảng, Bộ Trưởng Tư Pháp của cái gọi là chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Khi ngồi trên khán đài xem duyệt binh mừng chiến thắng Miền Nam ngày 2 tháng 5 năm 1975 chờ mãi vẫn không thấy đoàn quân giải phóng bèn hỏi Trường Chinh, Trường Chinh trả lời cộc lốc: Đã được sát nhập rồi.

        Sự ngây thơ của Trương Như Tảng không chỉ có thế. Người ta còn kể là y còn ký sự vụ lệnh cho các nhân viên Bộ Tư Pháp chế độ cũ đi học tập cải tạo nữa.

        - Phần vấn đáp giáo sư Nguyễn Ngọc Huy hỏi những vấn đề chính trị thế giới nóng bỏng vào thời đó. Bà giáo sư Nguyễn Thị Huệ hỏi Pháp văn và một giáo sư nữa (quên tên) hỏi Anh Văn.

        Kỳ thi tuyển gay go. Lúc đầu có 20 người được chọn. Sau vấn đáp chỉ còn lại 10 người trúng tuyển thực thụ trong 400 người dự thi.

        Thành phần giáo sư giảng dạy bao gồm số giáo sư cơ hữu của trường còn có những nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao nữa. Thành phần diễn giả ngoại quốc còn phải kể đến các viên chức sứ quán Mỹ và Thẩm Kế Viện (cour des comptes) Pháp. Tôi được cử làm liên lạc viên giữa Trưởng ban Ngoại Giao là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Bộ Ngoại Giao. Thỉnh thoảng bà giáo sư Huệ còn cử tôi đưa đón các giáo sư khác (professeur-visiter). Chúng tôi quả thật phấn khởi và thích thú lúc đầu. Càng về lâu về dài sự hăm hở bớt dần. Gặp giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, người bạn thân cũ từ thời trường Luật nay trở thành giáo sư trong buổi học đầu tiên anh ta ngạc nhiên: C’est un luxe. Liên tưởng tới cái background của tôi vào lúc đó: Đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ luật, có những connections với Phủ Tổng Thống và các tổ chức đảng phái chính trị. Anh nghĩ xem chỉ cố gắng mài quần trên ghế nhà trường hai năm mà tôi được vào Bộ Ngoại Giao bằng cửa chính với ngạch sứ thần hạng nhì và sẽ có gần 20 năm trong nghề là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Làm gì có chuyện sứ thần? Tham vụ đã là may! Tôi cãi lại: Nghị Định nói rõ mà bạn. Rồi “toi” sẽ thấy. Bọn ngoại giao chúng nó bảo vệ cái lâu đài ấy kỹ lắm. À, mà nếu là sứ thần thật không khéo “moi” cũng bỏ nghề dạy để nhảy vào đó.

        Trong hai năm đi học ấy có quá nhiều biến chuyển về chính trị, quân sự rất bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Một anh bạn cùng khóa nói vui: Điệu nầy không khéo chúng mình trình diện bà Nguyễn Thị Bình tới nơi. Bộ Ngoại Giao lại đổi chủ một cách không bình thường. Ngoại trưởng Trần Văn Lắm đắc cử vào Thượng Nghị Viện ra đi, nhường chỗ cho ông Nguyễn Phú Đức đang là Phụ Tá Ngoại Vụ Phủ Tổng Thống. Chỉ sau mấy tháng giáo sư Vương Văn Bắc thay thế ông Đức.

        Nhân viên Bộ Ngoại Giao xem ra không mấy hoan hỷ với viễn tượng từ nay mỗi năm sẽ có thêm 10 người mới vào ngạch trật thấp nhất sẽ là Tham Vụ hạng nhất. Họ đưa ra những ý kiến kỳ thị như là đám ấy ra trường sẽ được gởi về địa phương giúp đỡ các Tỉnh trưởng về giao tế và nghi lễ, hoặc là họ có thể được về Bộ Ngoại Giao nhưng chỉ phục vụ trong nước mà thôi (sédentaire) giống như cách tổ chức Bộ ngoại Giao Nhật Bản. Mặt khác họ cố tình “downplay” sự có mặt của chúng tôi. Mỗi năm chúng tôi phải đi thực tập tại Bộ Ngoại Giao 2 tháng. Ấy vậy mà phải lần thực tập năm thứ hai chúng tôi mới được Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc tiếp kiến với sự hiện diện của tất cả viên chức cao cấp khác của Bộ. Tôi thay mặt anh em đồng khóa đọc diễn văn rất cảm kích gợi lại những kỷ niệm 15 năm trước chính giáo sư cũng tại chỗ nầy số 6 Alexandre De Rhodes (vốn là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trước khi dời về đường Trần Quốc Toản) đã truyền đạt những kiến thức căn bản về các học thuyết chính trị. Giáo sư Bắc tiếp chúng tôi đặc biệt niềm nở và tỏ ý kỳ vọng vào việc đào tạo viên chức ngoại giao của trường Quốc Gia Hành Chánh. Chúng tôi cũng nhắc nhở nhau trong thời gian thực tập hãy nỗ lực làm việc hầu gây ấn tượng tốt. Và cái nhìn của các cấp chỉ huy bộ đã thay đổi, thuận lợi hơn.

        Thế rồi cũng đến ngày ra trường. Lễ tiếp nhận chúng tôi tại Bộ Ngoại Giao đã được tổ chức trang nghiêm trọng thể. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thay mặt trường Quốc Gia Hành Chánh (không còn là Học Viện nữa, một thành tích của Đại tá Quách Huỳnh Hà, Tổng Ủy Trưởng Công Vụ) giới thiệu các tân khoa và nói về cách thức đào tạo sinh viên Cao Học Ban Ngoại Giao. Tưởng cần ghi nhận sự kiện hai giáo sư Bắc và Huy vốn là chỗ thân tình không giấu sự ngưỡng mộ và quý trọng nhau. Bọn tôi rất vui mừng và hy vọng mọi chuyện rồi sẽ suông sẻ. Dịp nầy tôi lại được thay mặt anh chị em đồng khóa đọc diễn văn. Có một chút trục trặc nhỏ. Số là ông Đào Nguyên Lãng, Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Bộ Ngoại Giao chắc vốn không mấy hảo cảm với chúng tôi. Có thể là với việc trường QGHC từ nay đào tạo viên chức Bộ Ngoại Giao, vai trò của ông bị xuống cấp chăng. Ông ấy muốn xem trước bài diễn văn của tôi để nếu cần thì kiểm duyệt. Tôi không chịu và ông nhượng bộ. Lời phát biểu của tôi vừa cao ngạo vừa khiêm tốn. Đại để tôi nói rằng chúng tôi được đào tạo thành những cán bộ chứ không phải là công chức ngoại giao với tinh thần dấn thân làm sáng tỏ chính nghĩa quốc gia ở nước ngoài. Kinh nghiệm và kiến thức chúng tôi còn yếu kém cần đến sự dìu dắt chỉ vẻ của các bậc đàn anh.

        Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Quốc Trị mở tiệc tiếp tân giới thiệu chúng tôi với quan khách, đặc biệt có ông Đại sứ Pháp Mereillon, ông Josiah Bennet, sứ thần đại diện cho Đại sứ Martin (chắc đang lúc dầu sôi lửa bỏng) và Ngoại trưởng Vương Văn Bắc. Mọi chuyện dường như tốt đẹp quá phải không các bạn ? Thế nhưng thấy vậy mà chưa phải vậy!

        Nhưng rồi chúng tôi được bổ về Bộ Ngoại Giao vào tháng 1 năm 1975. Chỉ hai tháng sau các bạn đồng khóa thuộc các ban khác được bổ dụng vào các ngạch liên hệ ở trật chỉ số 510 nếu là sinh viên thuần túy và ở trật liền trên nếu là sinh viên gốc công chức. Riêng Bộ Ngoại Giao thì cứ trì hoãn mãi. Họ bị kẹt việc bổ dụng chúng tôi vào ngạch sứ thần và 2 sinh viên công chức khác vào ngạch cố vấn. Các sinh viên thuần túy được chấp nhận bổ dụng vào ngạch Tham Vụ Ngoại Giao hạng nhất. Đó cũng là một sự nhân nhượng lớn đối với họ rồi.

        Tôi đến gặp giáo sư Trị than thở. Ông nhỏ nhẹ nói rắng: Chúng ta đang mở được cánh cửa rồi, các anh chị cứ thong thả đi vào. Bên đó còn có anh Trần Ngọc Diện cũng là anh em hành chánh mình cả, lo gì. Tôi lại chạy đến anh Lê Công Truyền lúc nầy đã là Phụ Tá Tổng Ủy Trưởng Công Vụ. Đường vào nhà anh quá tối tăm khuất nẻo thêm vào mưa như thác. Sau khi nghe trình bày sự việc ở ngoài cổng nhà, anh thản nhiên: Đúng rồi. Anh mới vào nghề mà đòi làm “sứ thần” sao được! Nước mưa ngấm vào người làm tôi thấy lạnh ấy vậy mà không lạnh bằng câu nói của anh. Ô hay nào tôi có đòi làm sứ thần bao giờ. Nghị Định Thủ Tướng quy định như vậy. Thú thật tôi rất bất bình cách trả lời của một người đang nắm giềng mối công vụ.

        Một hôm ông Lưu Tường Quang, Tổng Thư Ký cho gọi tôi lên văn phòng nói chuyện. Sau những câu xã giao, ông đi vào đề về việc bổ dụng những người mới gốc công chức có chỉ số cao hơn 510. Ông nói rằng trong nghề ngoại giao thường người ta hay dùng cách thức thỏa hiệp để thương lượng. Vậy tôi đề nghị bổ dụng anh vào ngạch Tham Vụ hạng nhất sau 3 năm, có nghĩa là chỉ sau một năm làm việc, anh sẽ tự động thăng ngạch Cố Vấn hạng 3. Tôi trả lời: Đúng, trong thương lượng có thỏa hiệp. Nhưng đây là văn kiện pháp quy thì chỉ có thi hành mà thôi.

        Trong lúc chờ đợi, lương bổng của chúng tôi như sau: Chưa có gia đình lãnh khoản 20 ngàn đồng, có gia đình 30 ngàn đồng thua lương chính thức không có phụ cấp chức vụ đến 20 ngàn đồng.

        Tôi chuẩn bị kiện Bộ Ngoại Giao ở Tham Chính Viện thì biến cố 30 tháng 4 xảy đến. nước mất tất cả sá chi cái ngạch trật. Khi vào tù, một anh Giám Đốc Nha cũ nói  tùy theo kinh nghiệm và để an ủi hay thật lòng với tôi: Việc Bộ không bổ dụng anh vào đúng ngạch trật không thể giải thích được. Đáng lẽ cứ xếp anh vào ngạch sứ thần nhưng cử anh vào chức vụ tùy theo kinh nghiệm và khả năng. Trong tù tôi khá gần gũi với giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Hẳn các bạn khóa 7 còn nhớ giáo sư lái Floride Sport dáng dấp rất hào hoa dạy chúng ta môn kinh tế thế giới. Thế mà những năm trong tù bệnh hoạn đã lấy đi nét tinh anh của thầy. Có lần thầy nói với tôi: Nầy anh Phước, tôi nghĩ anh sẽ được về trước tôi. Nếu vượt thoát tới Mỹ, anh cố theo lại nghề ngoại giao. Hãy tìm đến trường Fletcher thuộc Đại Học Tuffs chuyên dạy về ngoại giao. Tôi tin anh có thể thự hiện được lòng mong mỏi của tôi vì anh hiếu học và có khả năng. Tôi cảm kích những khích lệ của thầy nhưng trong thâm tâm tôi thấy chuyện đó chẳng khác chi nằm mơ giữa ban ngày. Tù đến năm thứ 10 rồi còn biết ngày nào ra. Ra rồi thì làm sao mà đi ? Mà đi thì liệu có thoát nổi không ? Và rồi nếu có tới nước Mỹ đi nữa thì trình độ của mình làm sao với tới cương vị của một nhà ngoại giao đại diện cho Hoa Kỳ tại hải ngoại.

        Tôi được tin thầy Xuân mất trong tù khi vừa tới đất Mỹ. Rất tiếc là tôi không có dịp báo cho thầy vui là tình cờ tôi đã được vào Bộ Ngoại Giao Mỹ! Số là khi tốt nghiệp Cao Học Công Tác Xã Hội (Master of Social Work) tôi được tuyển dụng bởi cơ quan ICMC/JVA làm việc tại trại tị nạn ở Phi Luật Tân. Cơ quan ICMC/JVA là một cơ quan kết ước với State Department. Cấp chỉ huy tối cao của tôi là Đại Sứ Mỹ ở Manila. Tôi được cấp thẻ công vụ như là một “special case worker” của Tòa Đại Sứ Mỹ. Trong ID ảnh của tôi có background lá cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi được lui tới chỗ giải trí của ngoại giao đoàn. Tôi được mua hàng PX (vì là cháu ngoại nên chỉ giới hạng vào thức ăn, mỹ phẩm, sách báo). Và quan trọng hơn hết là được những nụ cười tươi mời mọc bởi các kiều nữ Maní chen chúc bao quanh Tòa Đại Sứ hàng ngày bất kể thời tiết với hy vọng lọt mắt xanh của một chàng trai Mỹ gốc xoài, mít, hay ổi.

        Tôi cứ kể như cái duyên ngoại giao cũng không đến nỗi triệt buột. Ấy vậy quên thì thôi, còn nhớ lại cái chuyện sứ thần của 30 năm trước thì vẫn còn… ấm ức… cả đời.

        Bạn nào đọc xong bài viết nầy xin gọi cho tôi ở số (209) 957.2665 hoặc để chửi tôi: Lẩm cẩm quá mầy ơi, Kissinger nó bán đứng Miền Nam một cách tức tưởi mà mầy không ấm ức hay sao ?  Hoặc để chia xẻ nỗi ấm ức với tôi: Đến thời mạt vận rồi, nên áp dụng luật lệ tùy tiện như vậy đó. À dù sao so với luật rừng của Cộng Sản vẫn còn khá hơn nhiều. Thái độ nào của các bạn tôi cũng hoan nghênh cả.

Nguyễn Văn Phước 
CH8-ĐS7

Friday, July 17, 2020

QUẬN HẢI NINH
TỈNH BÌNH THUÂN

QUẬN NĂM CĂN
TỈNH AN XUYÊN
1962