Friday, December 24, 2021

 ĐÊM GIÁNG SINH TRONG THẾ CHIẾN THỨ II.

3 lính Mỹ bất ngờ chạm trán 4 binh sĩ Đức giữa những ngày đối đầu ác liệt nhất trong thế chiến II. Không ai dám nghĩ đến một kết cục tốt đẹp trong bối cảnh đó…

Câu chuyện diễn ra vào một đêm giáng sinh năm 1944. Vào thời điểm đó, tình hình chiến sự ở châu Âu đã đảo chiều. Quân đội Đức ngày càng rơi vào trạng thái bất lợi, quân đồng minh đổ bộ vào đất liền qua Normandie, tiến hành phản công.
Tuy nhiên, Hitler không cam tâm. Vào ngày 16/12 – 8 ngày trước lễ giáng sinh năm đó, ông ta đã mệnh lệnh cho quân Đức đóng tại khu vực Ardennes của Bỉ phát động một chiến dịch, bất ngờ tấn công quân đồng minh, cắt đứt mạch cung ứng của đối thủ, ép quân đồng minh phải giảng hòa.

Đây là chiến dịch đẫm máu nhất trong thế chiến II. Cả chiến dịch kéo dài hơn 1 tháng với số lượng người thương vong quá lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.

Đêm giáng sinh, hai mẹ con Frisbey rất mong chồng và cha của họ đang làm việc trên thị trấn về nhà đoàn tụ, cùng đón Chúa sinh ra đời. Thế nhưng hôm đó tuyết rơi nhiều bao trùm cả ngọn núi nên có thể bố của Frisbey khó trở về nhà.

Đột nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Cậu bé Frisbey ngỡ rằng cha về, vội chạy ra mở cửa song mẹ cậu đã nhanh hơn. Elisabeth vừa hé cửa thì thấy có 2 binh sĩ đội mũ cối sắt đứng ngoài, còn 1 người khác đang nằm trên tuyết nhìn như đã chết.

Elisabeth ý thức ngay được rằng đó là lính Mỹ – đối thủ không đội trời chung của quân Đức thời điểm đó.
Họ thuộc sư đoàn 8 binh đoàn bộ binh 121, bị lạc mất đội và loanh quanh trong rừng sâu suốt 3 ngày, vừa phải tìm cách tránh quân Đức, vừa phải tìm lối thoát. Vừa đói vừa rét, người họ thâm tím, trong đó 1 người bị trúng đạn ở chân, mất rất nhiều máu, có thể sống được hay không chẳng ai có thể nói được vào lúc đó.

Mặc dù có súng trong tay song họ vẫn gõ cửa nhà Elisabeth một cách lịch sự.
Người mẹ dù không hiểu họ nói gì những cô hiểu ý của những binh sĩ Mỹ. Trầm ngâm một lúc, cô mời họ vào nhà và đưa người bị thương lên giường của Frisbey nghỉ ngơi, giúp anh ta làm ấm tay, đồng thời sai con đi bắt gà, lấy thêm vài củ khoai tây để làm cơm giáng sinh.

Không lâu sau, mùi gà nướng thơm phức đã bay ngào ngạt khắp nhà. Cùng lúc đó, Elisabeth nhận ra cô có thể nói chuyện với một lính mỹ bằng tiếng Pháp, không khí căng thẳng trong nhà lập tức giảm đi rất nhiều.

Một lúc sau, lại có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Frisbey chạy ra mở cửa. Thấy 4 lính Đức đứng ngay trước cửa, cậu bé quá đỗi sợ hãy, người như bị đóng băng. Dù là trẻ con, Frisbey cũng biết rõ quy định của Đức quốc xã khi đó, rằng cứ chứa chấp quân địch là giết ngay, không cần giải thích.

Elisabeth điềm tĩnh bước ra, nói với viên sĩ quan chỉ huy trong nhóm: “Giáng sinh an lành!”
Viên sĩ quan nói anh ta và cấp dưới của mình bị lạc đường, muốn ở nhờ trong nhà Elisabeth một đêm.
Người phụ nữ này vẫn bình tĩnh trả lời: “Mời các anh vào nhà cho ấm, và cũng mời các anh ăn cơm giáng sinh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những vị khách khác, họ không phải là bạn của các anh, hi vọng các anh có thể chấp nhận họ.”
Viên sĩ quan người Đức lập tức cảnh giác và hỏi dồn: “Ở trong nhà có người? Chúng là người Mỹ?”

Elisabeth đáp: “Vâng, hôm nay là đêm giáng sinh, không ai được phép động thủ, mời các anh để vũ khí ở bên ngoài.”
Viên sĩ quan Đức nhìn Elisabeth một cái, rồi ra hiệu cho những người khác để vũ khí ngoài cửa trước khi bước vào nhà.
Những viên lính Mỹ trong phòng bỗng chốc trở lên căng thẳng, vội vã cầm chắc súng trong tay. Một người thậm chí còn rút súng lục, chuẩn bị bắn lính Đức đang tiến vào. Thế nhưng Elisabeth đã ngăn cản anh ta và lặp lại những câu nói mà cô vừa nói với lính Đức: “Hôm nay là đêm giáng sinh, không được phép tàn sát, hãy đưa súng cho tôi.”

Và như thế, người phụ nữ thu hồi cây súng trong tay viên lính Mỹ đang lo lắng hơn là chủ động.
Elisabeth sắp xếp để khách ngồi quanh một cái bàn. Vì ngôi nhà khá chật hẹp nên lính Mỹ, lính Đức phải ngồi sát cạnh nhau, không khí rất căng thẳng. Hai bên, ai cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chỉ có nữ chủ nhà là vừa cười nói, vừa bận rộn chuẩn bị bữa tối giáng sinh.

Vài phút sau, mùi thức ăn hấp dẫn cộng thêm thái độ nhiệt tình của chủ nhà nên trạng thái căng thẳng dần dần được thả lỏng.
Một lính Mỹ lấy ra một hộp thuốc lá mời những viên lính Đức, trong khi một viên lính Đức lại rút ra một bình rượu vang và một cái bánh mỳ trong chiếc ba lô trên lưng ra chia cho mọi người. Một viên lính Đức thậm chí khi thấy viên lính Mỹ bị thương còn lại gần kiểm tra vết và xử lý lại vết thương cho người mà nếu ở chỗ khác, anh ta sẽ là kẻ thù không đội trời chung.

Vì được học qua trường y nên viên lính này có chút kinh nghiệm về y tế, lại có thể nói được tiếng Anh nên anh ta nói với viên lính Mỹ rằng vì trời lạnh, vết thương không bị nhiễm trùng nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Đến lúc này, sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nhóm lính mới bắt đầu tan biến.

Đồ ăn được đưa ra bàn. Elisabeth bắt đầu cầu nguyện trước bữa ăn. Cô cầu nguyện trong nước mắt:
“Cảm ơn Chúa đã ban ơn để mọi người có thể ngồi ăn chung một bữa trong trận chiến khủng khiếp này. Trong đêm giáng sinh hôm nay, chúng con đã hứa sẽ không coi nhau là kẻ thù mà sẽ đối xử hữu hảo với nhau, cùng thưởng thức bữa cơm giáng sinh đơn giản; chúng con cầu mong cuộc chiến đáng sợ này sẽ kết thúc trong thời gian sớm nhất để mọi người có thể bình an trở về quê hương của mình.”

Elisabeth nói xong cũng là lúc nước mắt lăn dài trên má những người lính. Họ bị những lời cầu nguyện của nữ chủ nhà lay động, thù hận trên chiến trường bỗng chốc tiêu tan, lòng họ hướng về quê nhà, về người thân, ai nấy cũng đang mong hòa bình sẽ lập lại.

Dùng xong bữa tối cũng là 12h đêm, mọi người ra ngoài đi dạo. Lúc này, tuyết ngừng rơi và gió cũng đã ngừng thổi, trên trời sao sáng lấp lánh.
Sau đó, 7 viên lính vốn không đội trời chung vào nhà cùng ngủ một giấc thoải mái cho đến sáng hôm sau.
Chủ nhà làm một ít canh trứng gà cho viên lính Mỹ bị thương. Viên sĩ quan Đức thì lấy bản đồ ra chỉ cho lính Mỹ sơ đồ trận mạc và nhắc họ những nơi không nên đi tới. Thậm chí những viên lính Đức còn làm tặng cho viên lính Mỹ bị thương một cái cáng.
Hai bên cảm kích chào tạm biệt mẹ con Elisabeth rồi đường ai nấy đi.

Vào năm 1958, cậu bé Frisbey đã 26 tuổi, sau khi kết hôn và di dân sang Mỹ, anh đã cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Nhờ có bạn bè cổ vũ động viên, Frisbey đã viết lại câu chuyện trên và gửi cho nhà xuất bản “Reader’s Digest”.
Năm 1995, chương trình truyền hình “Unsolved mysteries” đã đem câu chuyện của Frisbey quay thành phim.
Không lâu sau, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở chỗ họ có một người lính già hay kể chuyện hệt như vậy.

Người lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh, họ bố trí cho hai người gặp mặt.
Sau 52 năm xa cách, vào năm 1996, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau cảm động đến phát khóc. Ralph nức nở:” Mẹ cậu đã cứu sống chúng tôi”.
Về sau, Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng chưa tìm lại được ai trong số những lính Đức năm xưa.
Năm 2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, Hollywood đã sản xuất bộ phim có tên “The Silent Night” dựa trên chính câu chuyên đầy chất nhân văn này.

Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng câu chuyện trên để tổng kết lại những gì ông có thể cảm nhận từ thế chiến thứ II, rằng “Cái thiện nhất định sẽ đẩy lùi cái ác, tự do nhất định sẽ đẩy lùi bá quyền!”. Câu nói cho đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.

Con người chúng ta ai cũng lấy thiện làm gốc, để đẩy lùi hiểm ác, để người hiểm ác trở lại với bản tính lương thiện của mình, để người trong thiên hạ có tự do, để không phải chịu đựng sự bạo ngược, chiến loạn và sự sợ hãi.

@internet

Monday, December 20, 2021

MERRY XMAS & HAPPY NEW YEAR


 

Tuesday, December 14, 2021

 ĐÔI BA ĐỒNG BẠC NGHĨA LÝ GÌ!

Hẻm nhỏ, lại là hẻm cụt, có 53 nóc nhà. Tuy 53 nóc nhà nhưng mà tới gần trăm hộ dân, do có mấy căn nhà cũ, hai ba gia đình cùng sống chung.

Trong hẻm cũng đủ loại người, có mấy người già ưa ngồi uống café sữa trong cái ly nhỏ xíu, đựng trong chén nước sôi giữ ấm, rồi gác chéo chưn nói chuyện đời xưa. Có mấy đứa thanh niên mua hàng vô tội vạ, shipper xanh đỏ ra vô hẻm liên tục. Có người làm hãng sở, sáng mơi sơ mi cà vạt ra xe hơi đi làm như trong phim Hồng Kông. Hẻm có chó, có mèo, có gà ta, có gà tre, thậm chí có nhà còn nuôi cả gà đá.

Hẻm nhỏ nên mọi người đều biết nhau, có thể không biết rành hết mọi người, nhưng ai trong hẻm cũng phải biết bà Tư. Bà Tư nhà khá giả, có đội xe tải, lính của bả toàn lái xe và lơ xe tải, xăm trổ kín người, tuần nào cũng tụ về cái bãi xe cuối hẻm nhậu.

Nhà Bà Tư đầu hẻm, nguyên một vách tường ngang cửa nhà bà Tư thay vì xây hàng rào làm sân thì bà Tư để trống, chỉ láng xi măng. Sáng cho vợ chồng chị Liên với đứa nhỏ bán cơm tấm và hủ tiếu, buổi chiều thì nguyên nhà cô Giàu bán cháo vịt với gỏi cuốn. Ai ra vô nhà bà Tư đều sực nức mùi đồ ăn, mấy người đó buôn bán được, cũng muốn gửi chút tiền gọi là “thuê mặt bằng” cho bà Tư, bà Tư khoát tay, nhớ sạch sẽ giùm tao là được rồi, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì.

Đó là câu cửa miệng của bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, cứ cái gì liên quan tới tiền là nghe giọng bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, bả nói riết rồi cả xóm nói liệu theo bả. Bữa có ông kia đi nhậu về, hứng chí lên cho thằng tài xế tắc xi 500 ngàn, thằng tài xế không dám lấy, đem vô gõ cửa trả lại. Ổng đứng trong nhà cũng la câu y chang, đôi ba đồng bạc mà, nghĩa lý gì, lấy đi chú em. Bà Tư nghe xong bật cười, đù má bắt chước tao.

Bà Tư xuất thân đâu ngoài Quảng, bà theo chồng lưu lạc vô Sài Gòn từ trước 75. Sau 75, chồng bà Tư chết, để lại bà với 5 đứa con nhỏ. Bà tư trở thành trùm vượt biên, bà Tư từng vượt biên tổng cộng 17 lần, trong đó bị bắt nhốt chỉ có 2 lần, còn lại do anh em biên phòng thấy tội, thấy quen, thấy người phụ nữ ôm 5 đứa con nên họ thả về. Một tay bà Tư nuôi 5 đứa con, làm đủ mọi thứ để mưu sinh, mà ngon lành nhứt tới giờ là tổ chức một đội xe vận chuyển cho mấy chợ đầu mối.

Năm người con của bà Tư chỉ có đúng một người đi học đàng hoàng, đó là cô con gái duy nhứt của bà Tư, người được cưng chiều nhứt nhà. Cô học giỏi, lãnh học bổng, rồi ra nước ngoài học và lấy chồng định cư luôn ở bển. Bà Tư làm được nhiêu tiền mua thêm đất, cất nhà gần bên, nên bốn ông con trai còn lại cũng ở loanh quanh trong hẻm.

Họ vẫn tụ tập qua nhà bà Tư nhậu, buổi chiều, cuộc nhậu như mọi cuộc nhậu ở Sài Gòn, vài lon bia và dĩa thịt vịt mua của nhà cô Giàu, ngay cửa, bữa nào vui thì mở ka rao kê ca, cũng mấy bản nhạc bolero nhừa nhựa. Cả bốn người họ đều xuất thân tài xế hoặc bốc vác, đều đen đúa vạm vỡ, giọng nói vẫn mang âm vị xứ Quảng rổn rảng, và cũng ưa khoát tay: đôi ba đồng bạc…

Những ngày tháng Bảy, Sài Gòn bắt đầu phong toả, hẻm cũng gần ủy ban phường nên dân phòng tới chốt luôn. Dịch bệnh lan ra quá nhanh, nỗi sợ dịch bệnh và sự thiếu thốn của những ngày thành phố bị phong tỏa đều thê thảm như nhau.

Nhà chị Liên dính đầu tiên. Chị Liên vẫn hay mua hàng trên mạng, và không biết lần mua hàng nào đó chị đã bị lây. Bà già má chồng chị Liên trở nặng ngay lập tức. Hai chiếc xe cấp cứu với những nhân viên y tế xanh lè kín mít tới đưa cả nhà họ đi, con bé 12 tuổi hằng ngày bưng hủ tiếu cũng bị hốt theo, dù nó âm tính. Rồi nhà cô Giàu cũng dính, lây thêm một nhà nữa. Rồi xịt khuẩn mù mịt, rồi hàng rào, rồi giăng dây trắng đỏ… như mọi con hẻm khác, ở Sài Gòn.

Hai tuần sau con bé con chị Liên trở về hẻm bằng xe của công an. Nó bận bộ đồ xanh kín mít, ôm theo hũ cốt của bà nội nó. Nó nói ba nó nằm chỗ khác, mẹ nó nằm chỗ khác, giờ cũng không liên lạc được. Nó vẫn âm tính nên người ta trả về nhà theo dõi, nhường chỗ cho người khác, ở trỏng đông lắm rồi.

Bà Tư nói mày về ở với ai? Nhà còn ai đâu mà ở. Cũng không ai dám chứa con bé, âm tính vậy chớ biết đâu nó dương trở lại, ai cũng xầm xì. Bà Tư nói thôi vô nhà tao ở. Kệ mẹ, không lẽ bỏ con nhỏ đứng ngoài hẻm hoài. Con bé đưa hũ cốt bà nội về nhà, rồi quảy ba lô qua nhà bà Tư ở. Nó khóc hoài. Bà Tư nạt nó vang cả con hẻm, bà nội mày già thì chết thôi, không bịnh này cũng bịnh khác mà. Ba má má nằm viện ít bữa rồi về, ở đây tao nuôi, có gì đâu mà khóc, cười lên cái cho sáng cái nhà coi.

Đội xe bà Tư có hai chiếc được cấp mã QR để chở hàng rau củ quả từ Tây Nguyên về Sài Gòn, chủ hàng bao ăn ở xét nghiệm cho tài xế mà không ai chịu lái, đám tài xế né hết. Bà Tư biểu hai ông con trai, thôi tụi mày lái đi, chở rau củ về cho người ta ăn nữa, chớ ăn cơm với cá khô hoài ỉa không ra, tội người ta. Rồi bà Tư đưa tiền biểu hai ông con trai mua thêm rau củ quả, chở về hẻm.

Mới đầu bà Tư để cái bàn, là mấy cái bàn cơm Tấm của chị Liên, kê trước cửa nhà, chất rau củ trái cây lên đó, kêu mọi người trong hẻm ra lấy về ăn. Mà mấy nhà có người dính, hoặc mấy nhà không muốn ra đường thì không tới lấy. Bà Tư phiền quá mới đi dọc hẻm nói, thôi bà con mỗi nhà để giùm tui một cái rổ trước cửa. Tui biểu thằng Út đem rau củ quả bỏ vô rổ, đem vô ăn.

Vậy là ông Út nhà bà Tư thêm nhiệm vụ, mỗi khi xe rau củ trái cây về, vác xuống nhà, chia làm nhiều bịch nhỏ, rồi đi dọc hẻm, bỏ vô cái rổ trước nhà mỗi người. Để ngoài nắng chút cho chết mẹ con vi rút đi, lời bà Tư hay nói, rồi ai nấy đem vô nhà nấu ăn. Ở đâu thiếu rau củ chớ hẻm này không thiếu, mỗi nhà còn được cam, chanh, sả, trái cây… đủ thứ.

Ba tuần sau thì chồng chị Liên về. Anh tiều tụy như một cái xác khô, nhưng không phải do bệnh, mà buồn, mẹ mất, vợ còn nằm đâu chưa biết. Anh đón con bé từ nhà bà Tư, cúi đầu cám ơn bà Tư rồi dẫn con bé về nhà. Bà Tư xúc cho một bao gạo, một túi đồ ăn, một bao rau củ, hai cha con lục đục vác về nhà.

Hai cha con loay hoay ở nhà được ít bữa thì xe quân đội tới, chị Liên về, trong một cái hũ. Anh chồng ráo hoảnh, mắt xa xăm vô hồn, im lặng. Còn con bé nó cứ khóc miết. Bà Tư lại chạy qua, nói thôi để đó, hết dịch làm cái đám sau, giờ hai cha con mày ráng sống đi, cho mẹ mày ở trển yên lòng.

Rồi không biết lây ai, tới lượt anh Út nhà bà Tư dính luôn, mà lúc này cả thành phố đang cao điểm dịch, các bệnh viện đều quá tải, anh Út không đi viện nữa, phải tự nhốt mình trong nhà và uống thuốc theo đơn bác sĩ. Không có ai đi phát rau củ thì bà Tư tự đi.

Mỗi khi xe rau củ về, mấy ông con chất xuống cho mẹ, rồi bà Tư tự chia. Buổi chiều, bà Tư kêu anh chồng chị Liên phụ, đẩy cái xe đẩy hàng của mấy thằng tài xế bỏ trong bãi, chất đầy rau củ, trái cây, gạo… bà đi bỏ mỗi nhà một bịch. Xóm riềng cảm ơn bà Tư hoài cũng ngại, cả tháng ăn rau củ của bà Tư mà, có người mới về hẻm không biết, ráng cột tiền vô cái rổ, năn nỉ bà Tư cầm tiền giùm. Bà Tư thấy tiền bèn la lớn, nè, ra lấy tiền vô đi, cái này tao cho mà, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, chết có mang theo được đâu, đù má.

Đàm Hà Phú
@Facebook/ĐHP