Wednesday, February 14, 2024
Wednesday, February 7, 2024
NHỚ TẾT QUÊ
Lá dong ôm trọn vui buồn
Ống giang cha chẻ lạt luồn buộc Xuân
Nếp thơm tắm nước trắng ngần
Mẹ ngồi gói cả tảo tần một năm
Mưa phùn đậu mái tranh nằm
Mẹ nhen khói bếp thăng trầm mẹ ơi
Nước sôi reo với củi tươi
Bên kiềng ông Táo canh nồi bánh chưng
Rạ rơm bén lửa bập bùng
Sưởi con ấm giữa một vùng ca dao
Giao thừa tiếng pháo chát chao
Ban thờ chứa những ước ao vơi đầy
Nén hương lấm láp chân gầy
Chắp tay cha khấn Xuân này ấm no
Con thương cái rét co ro
Cầu mong cha mẹ chẳng lo lắng gì
Em trai nhoẻn miệng cười khì
Áo quần mới mặc tập đi giữa nhà
Đồng tiền mang nặng tình cha
Nghe thơm thơm cả đượm đà quê hương
Con đi trên khắp nẻo đường
Mưa phùn nhớ Tết lại thương nhớ làng
Chiều nay cái rét về ngang
Lòng run run lạnh hai hàng mắt cay.
Bạch Văn Tín
Monday, February 5, 2024
Nhà Thơ Phạm Thiên Thư – Bốn Hình Ảnh Một Cuộc Đời
1. Người viết chơi với Phạm Thiên Thư (hình phải) từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58 – 59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ.
Tôi đến nhà Phạm Thiên Thư tham dự những cuộc họp gồm có khoảng 6, 7 người trẻ ngang tuổi nhau. Tôi không nhớ tên ai. Nhà Thư lúc đó ở trong một con hẻm trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện chợ Hòa Hưng, gần cống Bà Xếp. Con hẻm này thấp hơn mặt đường, nên vào hẻm phải đi xuống dốc. Sau một thời gian họp hành mấy tháng, chỉ thảo luận (tôi không nhớ là thảo luận gì), nhưng không làm gì. Chuyện tất nhiên, vì các bạn đến họp cũng đang học đệ ngũ, đệ tứ, hiểu biết bao nhiêu để viết. Có khá lắm là cuối năm làm bích báo ở trường, như tôi thường làm ở trường Chu Văn An. Thời gian này tôi đi bán báo buổi tối, rồi đi kèm trẻ ở tư gia, không có thời gian nhiều, nên tôi ngừng họp và cũng ít gặp Thư. Ngay từ lúc quen biết nhau, Thư đã có tên là Phạm Thiên Thư. Vì thế mãi sau này khi Thư nổi tiếng tôi mới biết Phạm Thiên Thư là bút hiệu, còn tên thật là Phạm Kim Long. Thư có dáng gồ ghề, nhưng nói năng hoạt bát với tiếng cười xuề xòa. Một thời gian sau tôi tới nhà Thư thì Thư đã di chuyển đi chỗ khác. Từ đó tôi và Thư không gặp nhau nữa.
2. Đến đầu thập niên 70, khi tôi là lính nằm giữ cầu, giữ đường ở Thừa Thiên thì bỗng nhiên cái tên Phạm Thiên Thư vang lên qua nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị với tiếng hát Thái Thanh cao vút, âm thanh và lời tuyệt diệu. Chỉ một thời gian ngắn, Ngày Xưa Hoàng Thị trở thành một hiện tượng. Về Huế, vào quán cà phê nào cũng:
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ
Dưới cội mai vàng.
Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê.
Tiếp đó, cái tên Phạm Thiên Thư lại vút lên với ca khúc Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng:
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông.
Rồi liên tiếp, tiếng hát Thái Thanh lại đi vào lòng người với Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu…
Thời gian những năm này, chiến tranh ở miền Nam leo thang dữ dội. Đêm đêm đại bác vọng về thành phố với ánh hỏa châu đè nặng lên lòng người. Trong tình cảnh đó, những bài thơ của Phạm Thiên Thư được thầy phù thủy âm thanh Phạm Duy phổ nhạc với tiếng hát Thái Thanh đã như những cơn gió xuân đưa con người ra khỏi bầu khí chiến tranh. Tiếng hát Thái Thanh đã đưa những vần thơ lãng mạn diễm ảo lên nhiều cung bậc. Người ta mơ theo tiếng hát và quên đi thực cảnh tang tóc quanh mình. Nhạc lời Trịnh Công Sơn đơn điệu chuyên chở chất bi thảm của chiến tranh. Còn thơ nhạc Phạm Thiên Thư và Phạm Duy có thiền vị diễm ảo như mây ở ngoài chiến tranh. Giới trẻ chào đón Ngày Xưa Hoàng Thị và Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng cũng là điều tự nhiên.
Tôi ngạc nhiên không ngờ người bạn có dáng dấp gồ ghề mặt to, miệng hô răng vẩu, mũi to tai lớn, cử chỉ và tiếng cười thuần chất nông dân lại là người sáng tạo những bài thơ diễm lệ đi ra ngoài tiếng bom đạn ngày càng dữ dội trên khắp đất nước. Từ đó tôi mới biết Phạm Thiên Thư đã đi tu từ năm 1964 với pháp danh Thích Tuệ Không. Và trong 9 năm ở chùa, Phạm Thiên Thư đã sáng tác nhiều thơ. Cũng trong thời gian này có một cái duyên đẹp là Phạm Thiên Thư đã gặp Phạm Duy qua nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh. Ông Quỳnh gợi ý: “Nhạc ông Duy toàn chất đời, nay gặp cư sĩ làm thơ về đạo, vậy hai ông nên kết hợp”. Và sự kết hợp này là một cơ duyên tuyệt vời. Theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, thì khi đi vào tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca và tục ca là ông đã bế tắc về hướng sáng tác. Gặp Phạm Thiên Thư ông đã bắt được những bài thơ đạo, thơ thiền, đạo đi vào đời với tình lãng mạn thanh thoát, và những bài thơ này đã đưa ông ra khỏi những những đắng cay, chán chường để đi vào một hướng sáng tác mới với đạo ca, thiền ca. Thơ Phạm Thiên Thư đã khai thông bế tắc về hướng sáng tác cho Phạm Duy, còn nhạc Phạm Duy đã chắp cho thơ của Thư bay lên. Một Nhạc, một Thơ đã thành tri kỷ nương nhau tạo thành một nguồn âm thanh mới với tình ca, đạo ca, thiền ca hút hồn người trong lửa đạn chiến tranh.
Trong căn hầm ở đầu cầu Lăng Cô, tôi đã ngồi bên ly cà phê với chiếc máy cassette, nghe đi nghe lại: Em tan trường về… Ngày xưa có gã từ quan… và nghĩ đến Phạm Thiên Thư. Tôi đoán Thư đã nương cửa Phật để tránh lính, nhưng thời gian ở chùa đã giúp Thư làm được những việc có giá trị lớn, khai phá một dòng thơ lãng mạn đượm màu thiền mà Phạm Duy đã tạo thành những ca khúc diễm ảo. Trong khi đó chiến tranh đã giết mất những nhà văn trẻ như Doãn Dân, Y Uyên, Song Linh và nhạc sĩ Dzũng Chinh.
Mấy năm đầu thập niên 70, tôi có người em học Quốc Gia Hành Chánh, cũng làm thơ và chịu nhiều ảnh hưởng của Phạm Thiên Thư với những câu thơ như:
Những trang kinh vô tự
Đưa ta vào tâm hư.
Năm 73, tôi có dịp vào Sài Gòn, đã nghe chú em nói nhiều về Phạm Thiên Thư. Em tôi coi Thư là thầy, rất ngưỡng mộ chất sống của ông thầy nửa đạo nửa đời với những bài thơ đượm thiền vị. Và chú em đã ghi cho tôi địa chỉ của Thư.
Nhà họ Phạm gần Tỉnh Đường Gia Định và chợ Bà Chiểu, từ đường Chi Lăng rẽ trái vào một con đường nhỏ khá dài. Trước ngõ có cây hoa vàng, tôi không biết là loại hoa gì. Ngôi nhà khang trang có sân rộng, phía ngoài gần cổng là cái gác gỗ, dưới là mái hiên rộng. Phía trước hiên có mấy chục chậu cây cảnh, trong đó có nhiều loại hoa mọc ngoài đường. Tôi nhớ nhất là hai chậu hoa ngũ sắc.
Phạm Thiên Thư tiếp tôi ở hàng hiên với cái bàn dài bằng tre. Thư vẫn nguyên dáng dấp thời 58, 59, nhưng mập mạp hơn với phong thái đạo sĩ ở cử chỉ và khung cảnh chung quanh. Sau mười mấy năm gặp lại, Thư vui và nói nhiều về những việc Thư đã làm. Nay tôi chỉ còn nhớ mấy điểm đặc biệt:
Thứ nhất, Thư cho biết dưới Hiên Văn này Thư đã tiếp nhiều nhà văn, nhà thơ Pháp, Mỹ, Nhật… Họ đã đến với những cuộc phỏng vấn.
Thứ nhì, Thư nói về Đoạn Trường Vô Thanh. Thư muốn thay Nguyễn Du nối dài đời Kiều. Đời trước đau khổ trầm luân không nói lên được. Đời sau của Kiều là đời ngộ đạo thông hiểu lẽ phù du mộng ảo, vô tướng, vô ngã của đời người. Thư đi xa hơn Nguyễn Du là đã Việt hóa Đoạn Trường Vô Thanh với con người, khung cảnh, điển tích Việt Nam.
Thứ ba, Thư nói đến chương trình thi hóa kinh Phật. Hoài bão của Thư là Việt hóa kinh Phật với những vần thơ đơn giản, phổ thông dễ vào tâm trí của mọi người.
Trong khi Thư nói, chiếc khánh bằng đồng treo trước hiên theo từng cơn gió lắc lư phát ra tiếng leng keng…đã tạo thành một khung cảnh lạ. Tôi nhìn lên chiếc khánh trong khi tai nghe cả hai thứ âm thanh. Lời người hòa lẫn tiếng leng keng theo gió… Tôi chợt thấy Thư khéo tạo cho mình một khung cảnh lạ, khung cảnh thoát tục của một đạo sĩ.
Tôi từ giã Phạm Thiên Thư với hình ảnh từ giã một đạo sĩ. Người bạn cũ thời 16, 17, nay thành nhà thơ nổi tiếng, nên ngôn ngữ có phần cao ngạo. Cuộc gặp gỡ chỉ có Thư nói. Thư diễn giảng và nói đến cái lớn của mình. Tôi thấy ở Thư một mâu thuẫn lớn. Chín năm trong chùa cho Thư thấm nhuần đạo để Thư nói đến cái không của đời người, làm thơ thiền nhìn đời hư ảo, nhưng cái ngã không nhẹ theo thơ mà rất nặng.
3. Khoảng tháng 9, 10 năm 81, sau khi chạy từ kinh tế mới Gia Ray, Long Khánh về Sài Gòn và có được chỗ an cư ở cà phê Ngự Uyển, trong ngõ Con Mắt khu Ông Tạ, tôi gặp ký giả Vũ Uyên Giang, bạn tù chung ở K1, trại cải tạo Suối Máu. Giang rủ tôi tới quán cà phê của Phạm Thiên Thư, ở đường Yên Đổ. Gần chục năm không nghĩ đến họ Phạm, giờ nghe Vũ Uyên Giang nhắc đến Thư, tôi vui nghĩ đến ông bạn đạo sĩ với Hiên Văn tre trúc và chiếc khánh đồng leng keng theo gió. Hai chúng tôi đạp xe từ khu Ông Tạ lên đường Yên Đổ. Quán cà phê của Thư ở gần góc Yên Đổ với đường Hai Bà Trưng. Chúng tôi bước vào quán, Thư nhận ra, đứng dậy vui cười đón tiếp. Quán nhỏ, có 4, 5 cái bàn vuông, phía trong lỉnh kỉnh chai, bình đựng rượu. Thư đem đến hai ly cà phê pha bằng vợt. Thư không còn dáng sẻ đạo sĩ của năm 1973 mà xuề xòa của một chủ quán. Quán vắng khách. Thư ngồi than việc làm ăn khó khăn. Bây giờ đọc những bài viết về nhà thơ họ Phạm thì giai đoạn này Thư sống với bà vợ thứ hai là Đỗ Thị Mai Trinh, rất đẹp, con gái nhà văn Hoàng Ly, chuyên viết truyện đường rừng, nhưng tôi không thấy bóng dáng Mai Trinh. Sau khi nói chuyện làm ăn, Thư hân hoan cho chúng tôi biết là đang viết Trường Ca Việt Nam ca ngợi đảng Cộng Sản đã chiến thắng để giải phóng con người, giải phóng đất nước thoát ách đế quốc, một chiến thắng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Tôi quá ngạc nhiên trước quan điểm và lý luận của Thư, nhưng không tiện tranh luận vì vô ích và nguy hiểm, nên cuối cùng chỉ nói là đảng Cộng Sản nhân danh cách mạng đã chiếm hết tất cả những chữ nghĩa đẹp nhất của thế gian. Việc họ làm, họ đã tự tuyên dương cũng đã hết chữ. Ông làm trường ca để ca ngợi cuộc chiến thắng của họ, tôi sợ ông không vượt qua được những chữ họ đã dùng. Nhưng ông có tài làm thơ hy vọng tìm được chữ tuyệt vời hơn.
4. Khoảng đầu năm 1982, tôi gặp Phạm Thiên Thư trên đường Chi Lăng, gần ngã tư Chi Lăng – Võ Di Nguy. Thư cho biết là Chủ Nhật tới sẽ khai trương quán cà phê vỉa hè đầu đường Hoàng Hoa Thám, con đường đâm ra đường Chi Lăng, gần nhà của Phạm Thiên Thư và hẹn tôi tới buổi khai trương.
Sáng Chủ Nhật theo hẹn, tôi rủ ông Nguyễn Gia Đôn, người tôi đang dạy tiếng Anh và nhà văn Hoàng Quốc Hải, bạn thân của ông Đôn thời Đôn ở Hà Nội, vào Sài Gòn để nghiên cứu về văn hóa miền Nam, tới quán cà phê vỉa hè của một nhà thơ lớn của miền Nam. Ngày hôm trước khi rủ hai ông cán bộ văn hóa, tôi đã nói qua về Phạm Thiên Thư và những tác phẩm của Thư, nhất là tập Hậu Truyện Kiều – Đoạn Trường Vô Thanh. Khi nghe tôi nói về Đoạn Trường Vô Thanh, ông Hải đã nói một câu mà tôi đã quên, ý nói là làm một việc thừa, vô ích.
Khi tới nơi, tôi thấy Thư đang ngồi xổm quạt lửa, lò dùng than củi – khói bay mù mịt. Mặt Thư vốn gồ ghề, nay thêm nước mắt, nước mũi vì khói. Dáng đạo sĩ đã biến mất, chỉ còn dáng một ông nông dân thổi lửa, quạt lò. Tôi đến chỗ bếp lò cho Thư biết, rồi tìm chỗ ngồi ở một cái bàn dưới gốc cây để tìm bóng râm dưới tàn cây.
Chừng 20 phút sau, Thư bưng cái khay đựng 3 ly cà phê đen tới để ra bàn. Tôi giới thiệu Thư với hai ông khách và nói thêm là hai ông muốn hiểu nội dung của Đoạn Trường Vô Thanh. Thư cười tươi, bảo là rất hân hạnh được hai ông chú ý tới tập thơ hậu Kiều. Nói rồi Thư đi tới mấy cái bàn khác. Tôi để ý nhìn Mai Trinh, nhưng bà ở xa không tới bàn chúng tôi, nên tôi không thấy được dung nhan. Nhìn quán cà phê vỉa hè với ánh nắng, tôi buồn đoán là quán sẽ không thọ. Khắp nơi đâu cũng quán cà phê. Sao Thư lại liều bán cà phê trên vỉa hè ít cây cối này? Đường cùng đến thế sao? Chúng tôi ngồi trên nửa tiếng, Thư vẫn loay hoay ở bếp lò, không tới ngồi tiếp bạn. Thấy hai ông Đôn và Hải có vẻ bồn chồn, tôi để tiền ra bàn, tính tới chào Thư để về, thì Thư tới mời chúng tôi đến nhà Nguyễn Tiến Văn, cũng ở trên đường Chi Lăng, cách quán cà phê của Thư mấy trăm thước.
Nhà Nguyễn Tiến Văn khang trang, rộng rãi, nhưng không có đồ đạc. Chỉ độc nhất một chiếc đàn piano để ở góc nhà. Sau khi chủ, khách bắt tay nhau, ông Tiến Văn giải chiếu hoa xuống nền nhà. Mọi người ngồi xếp bằng trên chiếu.
Tôi mở đầu với việc giới thiệu hai ông cán bộ văn hóa, nhất là ông Hoàng Quốc Hải từ Bộ Văn Hóa ở Hà Nội vào Nam để tìm hiểu về văn hóa miền Nam. Nhân dịp gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư, hai ông muốn hiểu về mục đích và nội dung của Đoạn Trường Vô Thanh. Hy vọng nhà thơ Phạm Thiên Thư hoan hỷ nói về tác phẩm của mình theo sự thỉnh cầu của hai vị khách văn hóa.
Phạm Thiên Thư cám ơn sự quan tâm đến tác phẩm của hai ông, rồi vào đề bằng những câu thơ mở đầu của Đoạn Trường Vô Thanh:
Lòng như bát ngát mây xanh
Thân như sương tụ trên cành đông mai.
Cuộc đời chớp lóe, mưa bay,
Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không.
Tư tưởng hư ảo, cái không của đời người này xuyên suốt tác phẩm qua 27 phần. Mỗi phần nói về một chuyện hay một hai nhân vật. Về nhân vật gồm có: Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân với Tiểu Nguyệt (con của Thúy Vân với Kim Trọng), Vương Quan, Vương ông, Vương bà, Hồ Ông (dòng dõi Hồ Quý Ly), Ẩn Lan (con gái Hồ Ông, người yêu của Vương Quan, Hồ Tôn Hiến. Những nhân vật được nói đến nhiều nhất là Kim Trọng, Hồ Tôn Hiến và Từ Hải (qua sự hồi tưởng của Kiều). Còn toàn thể mấy ngàn câu thơ là nói về đời Kiều: Thanh thản với đàn, với thơ, với hành hương… mà ở chỗ nào cũng đắm chìm vào suy tưởng về sự hư ảo, về cái không của kiếp người.
Đoạn Trường Vô Thanh có mấy đặc điểm:
Thứ nhất, nhân vật từ Đoạn Trường Tân Thanh qua Đoạn Trường Vô Thanh đã trở thành người Việt từ Từ Hải đến gia đình Kiều, vì thế sau khi mua lại khu vườn nhà cũ, gia đình Kiều đã hồi hương, trở về đất Việt.
Thứ nhì, khung cảnh toàn truyện và điển tích đã được Việt hóa với những Trương Chi, An Tiêm, Từ Thức… Hội xuân được tổ chức với hát quan họ, trống quân, đu dây, đô vật, tuồng chèo.
Thứ ba, màu vàng đã tràn khắp tác phẩm với cỏ vàng, lá vàng, rừng vàng, cúc vàng và mai vàng.
Thứ tư, Đoạn Trường Vô Thanh dài 3296 câu, hơn Đoạn Trường Tân Thanh 20 câu. Vậy là Vô Thanh đã phá kỷ lục của Tân Thanh.
Kết của Đoạn Trường Vô Thanh tưng bừng với đất nước thịnh trị:
Non Hồng núi Tản chim ca
Sông Hà sông Cửu la đà dòng xuôi
Núi sông chiếu diệu tinh khôi
Ngọc lên mặt biển, vàng trôi mạch rừng
Mừng người trời đất tưng bừng
Ruộng Lam trâu kéo một vừng long lanh.
Trên đây là người viết tóm tắt một số điểm trong Đoạn Trường Vô Thanh. Còn thực sự Phạm Thiên Thư đã trình bày tác phẩm của ông rất tuyệt, vừa nói từng điểm vừa đọc thơ dẫn chứng. Tôi chưa đọc Đoạn Trường Vô Thanh nên chú ý nghe Thư diễn giảng. Cả hai ông Đôn và Hải chăm chú và bị cuốn hút theo dòng ngôn ngữ của Thư với những câu thơ trác tuyệt. Phạm Thiên Thư đã nói về Đoạn Trường Vô Thanh trong khoảng một tiếng.
Khi Thư kết thúc, tôi vui là Thư đã không làm tôi thất vọng, vì tôi đã giới thiệu một nhà thơ lớn của miền Nam với hai ông cán bộ văn hóa của đảng Cộng Sản. Ngôn ngữ với những vần thơ của Thư đã làm mờ đi sự tương phản giữa một người bán cà phê hè đường với một nhà thơ. Ở đây thư đã linh hoạt với những câu thơ tuyệt tác của mình: Như khi mô tả tiếng đàn Thúy Kiều:
Năm cung da diết đê mê
Nắng hoen thềm phấn, mây kề song hương.
Ngón cong – đàn trổ nụ hường
Ngón xuôi – tơ rụng hoa vương mấy dòng.
hay nói về sự hư ảo của đời người:
Trăm năm là mấy nhịp cầu
Bước chân kiếm hỏi bể dâu ngậm lời
Tử sinh một cõi con người
Thấp, cao, thành, bại, khóc cười dở dang
Buồn vui trong giấc mơ màng
Mấy ai thoát khỏi con đàng khói mây.
Nhìn hai ông cán bộ chú ý với nét mặt vui, tôi biết Thư đã chinh phục được cả hai ông với những câu thơ trác tuyệt cùng sự diễn giải tư tưởng Phật giáo làm nền cho cả tác phẩm.
5. Khoảng giữa năm 1982, tôi gặp Phạm Thiên Thư trên đường Lê Văn Duyệt, gần ngã ba Ông Tạ. Trên xe đạp của Thư lủng lẳng mấy giỏ đựng bình rượu. Tôi đưa Thư vào cái chái của tôi sau cà phê Ngự Uyển. Thư cho biết đã bỏ quán cà phê vỉa hè Hoàng Hoa Thám và nay đi bỏ mối rượu thuốc của nhà làm. Tôi đưa Thư lên cà phê Ngự Uyển, bảo cô Bội Yến thay băng cho nghe tiếng hát của cô. Thư yên lặng uống, nhìn quanh không nói gì. Tôi đoán có lẽ Thư đang so sánh cà phê Ngự Uyển với quán cà phê của Thư ở đường Yên Đổ và trên vỉa hè Hoàng Hoa Thám.
Từ đó, trên đường đi bỏ mối rượu thuốc, thỉnh thoảng Thư ghé lại cái chái của tôi. Có một lần Thư đọc cho nghe bài tứ tuyệt:
Một túp lều tranh mấy luống rau
Đêm nghe mưa nhỏ đụng hoa bầu
Rung đùi ngồi khoác chăn đơn rách
Hào khí ngâm hoài thơ bốn câu.
Tôi lắc đầu nói: Không được, bế tắc quá. Hào khí để làm gì, chớ hào khí để ngâm thơ như thế thì thành chim quốc. Rồi cười đọc hai câu trong Đoạn Trường Vô Thanh:
Chí người như cánh chim cao
Lạ thay lòng lại giam vào hữu thanh.
Tôi đọc để đùa, nhưng không ngờ Thư đã cúi xuống lấy khăn lau mắt.
6. Khoảng cuối thập niên 1990 ở Chicago, qua chuyện trò với một người bạn ở Sài gòn, tôi biết tin Phạm Thiên Thư đang hành nghề “Bấm Huyệt Đạo Trị Bệnh”. Sau đó qua người bạn này, Thư gửi cho tôi một bản in roneo chỉ dạy xoa bóp huyệt đạo để tự chữa bệnh, gọi là “Phương Pháp Luyện Tập Điện Công Dưỡng Sinh Phathata (Pháp – Thân – Tâm)”. Tập roneo 6 trang gồm hai phần, mỗi phần 3 bài. Đọc xong những bài chỉ dẫn, tôi nghĩ nếu luyện tập theo những bài chỉ dẫn thì dễ bị Tẩu Hỏa Nhập Ma như những cao thủ luyện công không đúng phương pháp trong truyện chưởng của Kim Dung, vì phương pháp của Thư phức tạp quá, rất khó theo. Và thầm phục cái đầu đầy thơ như thế mà lại nghĩ ra được những phương pháp trị bệnh cứu người của nhà thơ họ Phạm.
Đến năm 2006, đọc bài “Gặp lại Phạm Thiên Thư sau 25 năm” trên Net của Vũ Uyên Giang, tôi mới biết Phạm Thiên Thư đã trở lại nghề bán cà phê. Nhưng bây giờ tiệm cà phê của ông bề thế, là ngôi nhà hai tầng, tầng trên gia đình ở, tầng dưới là tiệm cà phê, với tên Cà Phê Hoa Vàng, ở số Y1B Hồng Lĩnh, quận 10 (khu này trước 1975 là Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa).
Trong bài “Cuộc đời và hình ảnh nhà thơ Phạm Thiên Thư hiện nay”, trên Net, ông Phạm Văn Hà viết: ” Đoạn Trường Vô Thanh, tiếp nối Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này dài hơn truyện Kiều 20 câu, ông có vẻ tự hào kể lại. Ông nói cuộc đời ông và cuộc đời của Nguyễn Du có sự trùng hợp kỳ lạ. Nguyễn Du sinh năm canh thìn thì ông cũng sinh năm canh thìn. Cha của Nguyễn Du chết lúc Nguyễn Du 10 tuổi thì cha ông cũng chết lúc ông 10 tuổi. Nguyễn Du ở Thái Bình 10 năm thì ông cũng ở Thái Bình 10 năm. Nguyễn Du nghiên cứu kinh Kim Cương thì ông thi hóa kinh Kim Cương. Nguyễn Du viết truyện Kiều thì ông viết Đoạn Trường Vô Thanh. Ông còn kể nhiều nữa nhưng tôi không nhớ hết. Chắc ý ông muốn nói ông có đủ điều kiện để tái kiếp Nguyễn Du chăng? Đặc biệt Nguyễn Du có ba bà vợ thì ông cũng có 3 bà vợ. Bà vợ đầu là nữ sĩ Tuệ Mai, con gái nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Sau khi hai người chia tay, ông cáp với bà Đỗ Thị Mai Trinh, con gái nhà văn Hoàng Ly, chuyên viết truyện đường rừng, có với bà này 3 đứa con. Thập niên 80 hai người ly dị. Ông bán căn nhà ở đường Trần Kế Xương, Gia Định, được 40 cây, ông chỉ lấy 10 cây, còn lại để bà lo cho mấy đứa con. Ông lên xã Nha Bích tỉnh Bình Phước mua mấy mẫu rẫy, nhờ người trông coi trong khi ông vẫn ở Sài Gòn dạy điện công Phathata (pháp-thân-tâm). Ông lấy bà ba là Trần Thị Như Báu là một nha sĩ. Bà này trông có vẻ nhà quê, không có gì là trí thức, tướng mình dây, chân dài như người mẫu, kém ông 10 tuổi. Bà ta có một người con gái riêng là y tá. Khi mua căn nhà hiện ở bây giờ, ông bán mảnh rẫy ở Nha Bích được 400 triệu, bỏ vào xây. Xây xong, vợ ông làm giấy tờ cho con gái đứng tên, coi như ông trắng tay, đành mang kiếp ăn nhờ, ở đậu. Thời gian đầu bà chẳng coi ông ra gì, cư xử mách qué với ông. Nhưng sau này bà ta đổi thái độ vì nhờ tiếng tăm của ông quán cà phê mới đông khách. Vắng ông khách cũng vắng theo”.
Theo Vũ Uyên Giang trong bài “Gặp Lại Phạm Thiên Thư sau 25 năm” thì từ sau ngày Phạm Duy trở về Việt Nam sinh sống và được hát lại những bản nhạc phổ thơ của Phạm Thiên Thư, khi được báo chí phỏng vấn, Phạm Duy đã giới thiệu quán Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, nên sinh viên nam nữ kéo đến khá đông.
Trong bài “Phạm Thiên Thư – Cõi hoa vàng trên ngọn Hồng Lĩnh“, Hoàng Phương Anh ghi lại hình ảnh của nhà thơ: “Ở tuổi tám hai, ông đi lại chầm chậm, nói chuyện nhớ nhớ “ngày xưa”, quên quên “Hoàng Thị”. Hàng ngày hai buổi sáng, chiều, với y phục bình dị, ông lặng lẽ ngồi ở bàn riêng kê ngay sát cửa chính, như thiền sư trầm mặc nghĩ về cõi nhân gian”.
Kết
Trong khoảng 10 năm từ 1973 đến mấy năm đầu thập niên 1980, tôi gặp Phạm Thiên Thư không bao nhiêu, nhưng mỗi lần gặp lại thấy Thư biến đổi với hình ảnh khác nhau: Năm 73, Thư là hình ảnh siêu thoát của một đạo sĩ dưới Hiên Văn trong động hoa vàng. Năm 81 Thư xuề xòa trong hình ảnh của chủ quán cà phê. Năm 82 là hình ảnh của người đạp xe đi bán rượu thuốc. Tới thập niên 1990, Thư trở về nghề bán cà phê mà có người ca tụng: Cà phê Hoa Vàng trang nhã, tịch mịch và rất nên thơ, khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu để ý sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư.
Đời sống của Phạm Thiên Thư đã thay đổi theo hoàn cảnh của xã hội. Nhưng có cái tuyệt là dù cuộc sống biến đổi, nhưng Thư vẫn sống cuộc đời thơ. Sau 1975, Phạm Thiên Thư không còn làm thơ tình lãng mạn, siêu thoát, nhưng đã dùng tài để khai phá con đường chưa ai đặt chân đến là thi hóa những bộ kinh Phật, làm tự điển cười gọi là tiếu liệu pháp, với 24 ngàn câu thơ tứ tuyệt và nhiều tác phẩm khác. Và tới nay những tác phẩm của Thư đã đạt tới 126.000 câu thơ. Sau Thư khó có người làm thơ đạt tới số lượng đó.
Có một điều lạ tôi không thể hiểu là Phạm Thiên Thư theo mẹ di cư vào Nam, đi học và trưởng thành ở Sài Gòn, nhưng ông có khuynh hướng thiên Cộng. Điều này tôi đã ngờ ngợ trong lần gặp ông năm 1973, khi ông nói về chính nghĩa dân tộc trong cuộc chiến với hàm ý là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có chính nghĩa dân tộc. Đến năm 1981, gặp ông ở quán cà phê đường Yên Đổ, ông cho biết đang viết Trường Ca Việt Nam để ca ngợi cuộc chiến thắng của đảng Cộng Sản. Cũng trong thời gian ấy tôi nghe vài người bạn văn nói là Thư làm thơ ca tụng Hồ Chí Minh. Ông Hà Thi (nguoivietnam.net) cho biết sau 30/4/75, Phạm Thiên Thư thực hiện cuốn Kinh Hồng, ca ngợi chế độ mới. Có thể Kinh Hồng là Trường Ca Việt Nam mà Thư đã nói với tôi. Nhưng có lẽ đảng Cộng Sản không cho Phạm Thiên Thư nhập vào dòng chính, nên thơ và Kinh Hồng không hiện lên được.
Như thế trường hợp Phạm Thiên Thư giống học giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi nhắc đến học giả họ Lê, vì ông là người nghiên cứu thiên kinh vạn quyển, viết sách nhận định những vấn đề cổ kim, đông tây, thông suốt chế độ cộng sản Nga, Tàu, Đông Âu và đã sống với tất cả những biến cố chính trị Việt Nam từ Pháp thuộc tới Cộng Sản, tới chế độ Cộng Hòa miền Nam, nhưng từ 1945 tới 1975 ông vẫn tin vào bộ mặt dân tộc của đảng Cộng Sản, tin vào sự cao đẹp của đảng viên cộng sản và của chủ nghĩa xã hội Mac-xit. Từ những niềm tin này ông đã viết:
“Đọc trước sau khoảng hai chục cuốn viết về Cộng Sản Nga, Trung Hoa, Đông Âu, tôi tuy ghét, tởm Staline, Mao Trạch Đông… nhưng vẫn tin rằng chế độ cộng sản công bằng hơn chế độ tư bản, nhất là cộng sản Bắc Việt dưới sự lãnh đạo thời kháng chiến của Hồ chủ tịch mà tám, chín phần mười người Việt kính mến, khắp thế giới phục thì không thể nào tàn nhẫn như Nga, Trung Hoa được, đảng có lỗi lầm thì sửa đổi ngay…. Ông lên án chế độ miền Nam là tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột, con người không có tư cách… Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: Cộng Sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ đó! (Nguyễn Hiến Lê – Hồi ký, tập 3 – Văn Nghệ California – 1988, trg 20).
Chính vì những niềm tin đối với đảng Cộng Sản như thế, nên tuy sống thoải mái trong chế độ dân chủ tự do ở miền Nam để làm văn hóa, nhưng ông vẫn duy trì thái độ bất hợp tác với chính quyền Cộng Hòa như không nhận giải thưởng văn chương toàn quốc với cuốn Đại Cương Triết Học Trung Quốc của ông và ông Giản Chi. Chắc ông nhìn chính quyền quốc gia theo luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản. May mắn là sau 1975, ông còn sống được 6 năm để nhìn ra bản chất của bộ mặt thật của đảng Cộng Sản và đảng viên Cộng Sản, như ông đã tổng kết trong bộ Hồi Ký tập 3 của ông:
– Về chế độ thì thất bại trong tất cả các mặt hành chánh, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội.
– Về đảng viên thì ăn cắp, hối lộ, chài bẫy nhau, cấu kết tham nhũng, thi nhau thủ lợi và thiếu nhân cách.
– Về xã hội thì bất công, tàn nhẫn, sa đọa về tinh thần và mất nhân phẩm.
Chỉ trong mấy năm được sống với chế độ cộng Sản, niềm tin mang nặng trong 30 năm của ông tan tành và học giả họ Lê phải cay đắng kết luận: “Từ đó người miền Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: Bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp hai đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… thì ra nhìn xa ngỡ tượng tô vàng” (Nguyễn Hiến Lê – sdd- trg 92)
Chỉ sống với Cộng Sản 6 năm, học giả Nguyễn Hiến Lê tỉnh mộng. Còn Phạm Thiên Thư thì sống dài dài lăn lóc với xã hội chủ nghĩa, nhưng ông vẫn làm Kinh Hồng, biến những áp chế, tàn bạo, bất nhân của chế độ cộng sản thành kinh để tụng niệm như kinh Phật thì thật đáng sợ.
Có cái may là đảng Cộng Sản không nhận Kinh Hồng, nên ông phải làm tiếp việc thi hóa kinh Phật, làm tự điển cười… Nhà thơ Phạm Thiên Thư có mâu thuẫn nội tâm giữa nghĩ và làm, giữa mộng và thực. Có phải do mâu thuẫn này mà ông đã khóc khi tôi đọc 2 câu thơ trong Đoạn Trường Vô Thanh:
Chí người như cánh chim cao
Lạ thay lòng lại giam vào hữu thanh.
Việt Dương
@diendantheky