Friday, August 7, 2009

Chủ nghĩa Đại Hán


Bộ mặt bành trướng của Bắc Kinh

Cuối năm 1949, hành trình chuyến thăm Liên Xô của Mao Trạch Đông đã được xác định. Sau khi đến Liên Xô, một công việc quan trọng của ông là phải đối mặt với vấn đề nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Đó là một vấn đề lịch sử phức tạp, bởi vì tháng 8 năm 1945, chính quyền Quốc dân đảng và Chính phủ Liên Xô đã ký văn kiện “Công hàm về vấn đề Mông Cổ” và trong cùng năm đó đã tiến hành tại Mông Cổ cái gọi là “bỏ phiếu công dân” độc lập, việc Ngoại Mông độc lập đã thành một sự thực không thể tranh cãi.

Theo tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc do Mao Trạch Đông đại biểu, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập đều không công nhận mọi hiệp định quốc tế mà Trung Quốc đã ký với mọi nước. Vậy thì Mông Cổ đang do Liên Xô năm giữ có ngoại lệ không? Hoặc có thể thu hồi lại không? Nếu kiên trì “không công nhận độc lập của Ngoại Mông” và tiến hành đàm phán với Liên Xô về vấn đề này thì các vấn đề ở Đông Bắc Trung Quốc như đường sắt Trường Xuân, Lữ Thuận, Đại Liên… liệu có thể giành được kết quả lý tưởng với người Liên Xô không?

Đó là một cuộc đấu tranh lợi ích vì quốc gia, dân tộc, mà so sánh lực lượng hai bên đã rõ. Mao Trạch Đông muốn thu hồi mọi quyền lợi tại Đông Bắc và cũng không muốn công nhận Ngoại Mông độc lập. Còn Stalin vừa muốn tiếp tục duy trì lợi ích tại Đông Bắc lại muốn Ngoại Mông đang do ông khống chế trở thành bình phong lãnh thổ với Trung Quốc. Thế là hai quốc gia ngoài mặt thì “hữu hảo” và “đoàn kết” nhưng những tính toán sau lưng đều là lợi ích và lợi ích lớn nhất của mình.

Cuối cùng thì cũng phải ngả bài, hai bên phải thỏa hiệp. Và mỗi bên đều đã xác định yêu cầu tối thiểu của mình: Trung Quốc dùng việc công nhận Ngoại Mông độc lập để đổi lấy việc thu hồi toàn bộ lãnh thổ Đông Bắc đang do Liên Xô nắm; còn Liên Xô trong tình hình chính trị quốc tế: chiến tranh lạnh giữa Xô Mỹ đã hình thành, đưa Trung Quốc vào mặt trận xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu nhằm khống chế và ảnh hưởng đến cục diện châu Á, dùng đó làm cơ sở và điểm xuất phát cho chiến lược chống Mỹ, kết thành đồng minh với Trung Quốc. Hai bên thỏa thuận ba nước Xô, Trung, Mông mỗi nước đều ra tuyên bố về vấn đề Mông Cổ. Nhưng Mao Trạch Đông chưa cam chịu hẳn, sau khi Liên Xô và Mông Cổ ra tuyên bố, ông chỉ dùng danh nghĩa Hồ Kiều Mộc phát biểu với Tân Hoa xã, việc này làm Stalin rất không thích thú, oán ghét Mao một thời gian dài.

Sau khi một loạt vấn đề hắc búa đó được giải quyết, ký xong “Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu hảo Trung Xô” Mao Trach Đông về nước. Trên đường về, phía Liên Xô thu xếp rất chu đáo. Đoàn chuyên xa chạy xuyên qua vùng lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô, mỗi khi qua một thành phố lớn, người Liên Xô đều thu xếp đón tiếp nhiệt tình, mời các vị khách quí xuống xe tham quan, nghỉ ngơi. Đến mỗi nơi đã định, Mao Trạch Đông đều xuống xe lửa theo lời mời và tham quan nhiều nơi. Khi đến Irkutsk, rồi tới hồ Baikal. Hồ rất rộng, lúc đầu nước hồ mênh mông xanh ngắt làm tâm tình ông như vui vẻ hẳn lên, bỗng như nghĩ ra điều gì, ông thay đổi thái độ và gọi Trần Bá Đạt, tùy tùng trong đoàn tới và hỏi:

“Trần phu tử, ông có biết đây là nơi nào không?”

Trần Bá Đạt trả lời như chưa suy nghĩ: đây là nước Cộng hòa tự trị Mông Cổ Buryatia (thuộc Liên Xô) thủ phủ là Ulan-Ude”. Nghe xong Mao Trạch Đông có chút không vui, hỏi thêm: “tôi muốn hỏi ông, trong lịch sử đây là nơi nào?”. Không biết là Trần Bá Đạt nghe không hiểu câu hỏi hay đúng là ông ta không biết trong lịch sử đây là nơi nào, nên ông ta ấp a ấp úng, rồi một lần nữa lặp lại câu trả lời: “đây là Ulan-Ude”.

Mao Trạch Đông đứng phắt dậy, rõ ràng là nổi cơn giận, ông lớn tiếng với Trần Bá Đạt:

“Tôi lại không biết là Ulan-Ude ư?”.

Nói đến đó thì đoàn tàu đã vào ga. Sư Thệ[*] dẫn những người lãnh đạo đảng chính địa phương Liên Xô đến chào và mời Mao Trạch Đông xuống xe nghỉ ngơi. Nhưng Mao Trạch Đông đã thay đổi thói quen đến mỗi ga đều xuống xe, mà huơ tay từ chối lời mời và nói to với Uông Đông Hưng: “Cho tàu chạy, lập tức chạy ngay”.

Đây là nơi duy nhất tại Liên Xô mà trên đường về nước, Mao Trạch Đông không xuống xe lửa.

Đúng vào lúc mọi người tỏ ra không hiểu, Mao Trạch Đông lại một lần nữa hỏi Trần Bá Đạt: “Tôi vẫn hỏi ông, đây là nơi nào? Tôi hỏi trong lịch sử đây là nơi nào? Rõ chưa”.

Trần Bá Đạt đờ người như khúc gỗ, không biết nói thế nào. Còn Mao Trạch Đông như bùng phát một cơn giận dữ nói với Trần Bá Đạt: “hãy nhớ lấy, nơi này lịch sử gọi là Ô Kim Tư Khắc, vốn là lãnh thổ của Trung Quốc chúng ta. Dân cư chủ yếu là người Mông Cổ, cũng có người Hán. Đây chính là nơi Tô Vũ của chúng ta đã từng chăn cừu”


Dương Danh Dy

Nguồn: - bauxitevietnam.info
- Xưa và Nay số tháng 7-2009