Friday, August 14, 2009

Bauxite Việt Nam


Nguyễn Công Trứ
từng đòi đuổi bọn khai mỏ Trung Quốc.

Thế kỉ XVIII, Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm và sau đó Ngô Thì Nhậm đã nói đến việc người nước ngoài vào khai thác mỏ, vơ vét tài nguyên, sản vật, tạo ra tai họa và các nguy cơ an ninh rình rập đất nước (...)

Đáng lưu ý là Ngô Thì Nhậm đã “tố” chuyện triều đình có biểu hiện “ăn cánh” – tức là làm gián điệp – tiết lộ quốc sự với bọn Tàu, khiến chúng khinh nhờn luật pháp nước ta.

Đến những năm 30 của thế kỉ XIX, tình hình vẫn không thay đổi, và người trí thức tên tuổi khác lại phải lên tiếng. Đó là Nguyễn Công Trứ – một người luôn biết đề xuất những vấn đề liên quan đến an, nguy của đất nước. Nguyễn Công Trứ nêu vấn đề người ngoại quốc khai thác mỏ, quấy nhiễu dân địa phương, gây xích mích, dễ gây mối “lo bất ngờ”. Đại Nam thực lục chính biên ghi lại đầy đủ những đề nghị của Nguyễn Công Trứ.

Đại Nam thực lục chính biên ghi rằng, năm Minh Mệnh thứ 15 (tức năm 1834), tháng 3: “Thự Tổng đốc Hải Yên là Nguyễn Công Trứ có nói trong tập thỉnh an rằng: “Lại nữa, các sở mỏ vàng, mỗi năm nộp thuế từ 1 đến 4 lạng. Những người nhà Thanh làm mỏ, mỗi nơi tụ tập trên dưới 700, 800 người, đều là những kẻ du đãng trốn tránh. Chúng đào xẻ mạch đất, quấy nhiễu dân địa phương, thường thường gây ra xích mích. Ngày nọ, giặc Vân đi đến đâu, chém giết bừa bãi đến đấy, đều do bọn này hùa đảng, giúp nó làm bậy cả. Số thuế vàng thu nhập ấy, có hay không, đều không đáng kể. Nay xin hãy tạm bắt các mỏ vàng đóng cửa. Đuổi hết về nước những bọn Thanh tụ tập kiếm ăn ở đấy. Sau này, có ai xin trưng, cứ quan địa phương xét thực, sẽ chiểu theo cái lệ “Hộ làm vàng” ở Quảng Nam mà đánh thuế. Rồi thưởng cho kiểm soát, không để chúng tự giấu bới như trước. Như vậy, đã dứt được cái lo bất ngờ, mà lại làm dồi dào thêm việc tiêu dùng của nhà nước”.

Lời cảnh báo đưa ra mấy vấn đề:

1. Hiện tượng kẻ ngoại bang giúp bọn nổi loạn giết người, làm bậy và các mối lo “bất ngờ” cần cảnh báo.

2. Họ gây ra xích mích và quấy nhiễu dân địa phương.

3. Họ, những người khai mỏ ngoại quốc, là những kẻ “du đãng trốn tránh” ( không phải du lịch), nghĩa là không hiện diện với mục đích chính đáng và đàng hoàng.

4. Vấn đề nguồn lợi cho dân nước. Đã có những tiền lệ về an ninh xã hội đáng phải suy nghĩ và theo đó là những mối lợi của nước nhà bị hao tổn.

Chúng ta có thể thấy thêm rằng:

1. Như vậy Nguyễn Công Trứ ngoài việc lo lắng về an nguy đất nước, an cư cho dân còn lo việc làm, nguồn lợi cho dân bị tước đoạt. 2. Nhờ có Đại Nam thực lục, một bộ sử chính thống của nhà Nguyễn(...) chúng ta mới được biết những ý kiến lo lắng cho đất nước của một trí thức.

Ghi lại những sự việc đã xẩy ra như thế có nghĩa là sử của một triều đại(...) đã không hề bỏ qua những việc cụ thể quan hệ đến quốc kế dân sinh, những ý kiến đề nghị của từng vị quan từ bậc đại thần đến các bậc chức tước nhỏ hơn nhưng biểu thị được tinh thần trách nhiệm đối với đất nước.

Trước những sự việc như vậy, các “sử gia hiện đại” chắc không cho vào bộ nhớ của mình, dù họ đã được trang bị bằng các “quan điểm khoa học”, được phong tặng các chức danh cao quý. Hoặc dù có muốn cho vào thì “lề phải” cũng khiến họ phải rụt lại.

Tất nhiên, xưa cũng như nay, những việc liên quan thực sự đến ích nước lợi dân không phải bao giờ cũng được số đông viên chức nhà nước quan tâm. Số người đề xuất những ý kiến kiểu như thế, trong thực tế, không phải nhiều, tuy vậy, do sĩ phu thời trước được đào luyện theo quan điểm Nho giáo nên rất thấm thía câu “xã tắc lâm nguy thất phu hữu trách”, lại cũng rất biết giữ tròn khí tiết với xã tắc. Còn ngày nay, phường “giá áo túi cơm” hơi nhiều.

Và điều đó khiến chúng ta càng trân trọng những người như Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ.

Nhưng hơn cả sự trân trọng, phải nói là đất nước còn có phúc có được vài ba tấm gương cứng cỏi như thế để hậu thế noi theo.

Nhất là vài ba người đó lên tiếng cả khi đang còn quyền chức, khi bả vinh hoa phú quý dễ khiến họ phải lựa gió xoay chiều.

Nguyễn Đức