Lê Quý Đôn, ngôi trường cổ nhất Sài Gòn
SÀI GÒN (NV) - Trường trung học Lê Quý Đôn tọa lạc trên đường Hồng Thập Tự cũ, đối diện khuôn viên Dinh Độc Lập trước đây, tính từ ngày thành lập tới nay đã được 140 năm, là ngôi trường trung học cổ nhất tại Sài Gòn.
Cổng trường trung học Lê Quý Đôn, Sài Gòn. (Hình: Phăng Xi Phăng blog)
Trường Lê Quý Đôn được khởi công xây dựng năm 1874, hoàn tất năm 1877. Thời gian này Nam Kỳ là xứ thuộc địa của Pháp, nên lúc đầu trường Lê Quý Đôn mang tên là Collège Indigène - trung học bản xứ, sau đổi là Collège Chasseloup-Laubat, theo tên vị bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại, còn gọi là Bộ Thuộc Địa. Trường Chasseloup-Laubat chỉ nhận học sinh là người Pháp, mãi tới đầu thế kỷ XX mới nhận thêm học sinh người Việt Nam có quốc tịch Pháp.
Trường Chasseloup-Laubat lúc ấy chia thành 2 khu vực: Khu vực dành cho học trò người Pháp gọi là Quartier Européen; khu vực dành cho học trò Việt Nam (có học thêm giờ bằng tiếng Việt), gọi là Quartier indigène - khu bản xứ. Học trò cả 2 khu vực đều học chung một chương trình giáo dục của Pháp, thi tốt nghiệp lấy văn bằng tú tài Pháp.
Người dân Việt Nam còn gọi trường Chasseloup-Laubat, là trường Bổn Quốc Sài Gòn, khác biệt hẳn các trường bản xứ. Trong ngày tưởng niệm nhà yêu nước Phan Chu Trinh vào năm 1926, học trò người Việt Nam thuộc khu bản xứ của trường Chasseloup-Laubat đã tổ chức bãi khóa, viết khẩu hiệu đả đảo thực dân Pháp.
Sự kiện trên dẫn tới việc thành lập một phân hiệu của trường Chasseloup-Laubat dành cho học trò người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine, vào cuối năm 1927. Phân hiệu này vẫn do ban giám đốc trường Chasseloup-Laubat điều hành, có giáo sư người Pháp phụ trách tổng giám thị của phân hiệu.
Năm 1928, toàn quyền Đông Dương lại cho thành lập trường cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao học trò người Việt Nam của phân hiệu trường Chaseloup-Laubat vào trường này.
Trong vụ việc có sát nhập số học trò thuộc hệ trung học đệ nhị cấp (lycée) bản xứ, nên đã hình thành một trường mới, trường này sau đó mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, tức trường Pétrus Ký.
Sau hiệp định Genève, vào thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, trường Chasseloup-Laubat được đổi tên là trường Jean-Jacques Rousseau; tuy học trò chủ yếu là người Việt Nam nhưng vẫn học theo chương trình giáo dục của Pháp và do người Pháp quản lý. Mãi tới năm 1967 trường mới được giao trả cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Kể từ lúc này, trường mang tên gọi là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn.
Sau năm 1975, Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn gọi là trường trung học Lê Quý Đôn, phân chia thành 2 khu vực: Khu dành riêng cho học trò cấp II, mang tên trung học cơ sở Lê Quý Đôn; khu dành riêng cho học trò cấp III, mang tên trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Trường Lê Quý Đôn, trường trung học cổ xưa nhất của thành phố Sài Gòn may mắn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu của Pháp. Nhiều lần sửa chữa trùng tu, nhưng trường Lê Quý Đôn vẫn mang đường nét kiến trúc truyền thống phương Tây, tới nay là vẻ đẹp cổ kính của một công trình đã trải qua gần một thế kỷ rưỡi.
Nói tới trường Lê Quý Đôn là chúng ta nhắc nhớ trường Jean-Jacques Rousseau, với nhiều nhân vật lịch sử đã học tại đây, trong đó có nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, học giả - nhà văn hóa Vương Hồng Sển, Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận, và Quốc Vương Cambodia Norodom Sihanouk cũng từng theo học tại trường.
Nhiều di tích, dấu ấn của Sài Gòn thời trường Lê Quý Đôn còn là trường Bổn Quốc Sài Gòn, đặc biệt ở khu vực Quartier Européen, khu vực dành cho học trò người Pháp và nước ngoài; những di tích này đều được nhà trường giữ gìn cẩn thận. Nhà trường đặt tên cho khu vực là Đại Lộ Thế Kỷ gồm 10 phòng học, một phòng thư viện, một phòng giám thị.
Học trò bản xứ và học trò nước ngoài học ở hai khu vực riêng biệt, nhưng giờ ra chơi vẫn chơi chung với nhau. Quốc Vương Cambodia Sihanouk học ở khu vực này một năm trước khi về nước để lên ngôi vua.
Mỗi khi đi qua trường Lê Quý Đôn, thấy cờ đỏ sao vàng treo cao phía trên sân trường, và khẩu hiệu “Học sinh Lê Quý Đôn tự hào tiến bước dưới cờ đảng,” chúng tôi không khỏi bực bội khó chịu, xót xa. Dù sao cũng còn chút an ủi, là dưới bức tượng Lê Quý Đôn được dựng vào thời gian cuối năm 1998, với danh ngôn của Lê Quý Đôn khắc phía dưới tượng đài: “Phi Trí Bất Hưng.”
Trường Lê Quý Đôn hiện nay có đội ngũ giáo viên trên 120 thầy cô được tuyển chọn. Chúng tôi được biết thời gian tới trường Lê Quý Đôn sẽ được sửa chữa nâng cấp, mở rộng một số hạng mục công trình. Ban giám hiệu nhà trường đảm bảo khu vực nào tháo dỡ sẽ xây dựng lại theo nguyên mẫu; khu vực nâng cấp - mở rộng thì bảo đảm sự hài hòa với cụm công trình cần bảo tồn.
Nguyễn Đạt