Sunday, October 2, 2016

Thép!

Mạc Nhị Oa là một bần nông ở Công xã Đông Dương, huyện Sùng Khánh, khu Ôn Giang, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tháng 11-1960, dân quân phát hiện nhà của Mạc Nhị Oa có khói bếp, mùi thịt. Ập vào nhà, họ phát hiện con gái ba tuổi của Mạc Nhị Oa là Thụ Tài đã bị xẻ thịt hầm trong nồi.
 
Nhà Mạc Nhị Oa có tám nhân khẩu, chết đói hai còn sáu. Thụ Tài bị làm thịt, còn năm. Lợi dụng dân quân đang bàng hoàng, năm thành viên trong gia đình nhào vào vồ lấy thịt của Thụ Tài ăn ngấu nghiến. Lúc này, không biết thịt của Thụ Tài đã chín hẳn chưa?.
 
Đó là một điển hình ở thôn quê trong cơn hoang tưởng đại nhảy vọt về sản lượng thép của Mao Trạch Đông những năm 1950 kéo dài 1960 khiến 37,55 triệu người chết đói.
 
Có hai quyển cố gắng đọc, thứ nhất "Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội". Kế đến, "Nông dân Trung Quốc". Đọc vui thôi, tin hay không chẳng quan trọng lắm.
 
Tôi luôn nhớ đến chi tiết này, mỗi khi nghĩ lại câu nói của ông Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài, "Đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép". Ông ấy nói câu này để chứng minh, "Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch".
 
Trung Quốc đang là ông trùm thép của thế giới, nước này cung cấp 50% sản lượng thép toàn cầu. Tuy nhiên, chính sản lượng này đã khiến ngành thép của Trung Quốc lao đao. Theo ước tính, một tấn thép của họ xuất đi lỗ khoảng 27 USD trong hai tháng đầu năm 2016.
Sự can thiệp của Chính phủ Mỹ đã khiến thép Trung Quốc quay đầu, nhiều khả năng để tìm thị trường khác. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), một số doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn kiện chống phá giá đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam. Họ nghi ngại, thép Trung Quốc lách luật được tuồn sang cho doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam tuồn vào thị trường Mỹ.
Có rất nhiều ý kiến vin vào câu chuyện công nghiệp nặng phải có thép, vẫn có thể làm thép sạch. Bất chấp các chuyên gia khẳng định nhiều lần, làm thép sạch chỉ có từ lỗ ít đến lỗ nhiều hơn.
 
Trung Quốc đang trả giá về môi trường rất đắt cho 790 triệu tấn thép xuất đi mỗi năm. Chính phủ Trung Quốc đang kiên quyết tiến tới bỏ các lò cao dưới 300 mét khối và cấm sử dụng lò dưới 1000 mét khối thì Việt Nam lại đang bật đèn xanh cho sự dịch chuyển công nghệ lạc hậu do lượng chất thải và khí gây hiệu ứng nhà kính quá lớn này. Trước đây, sự tiếp nhận thiết bị cũ kỹ trong ngành xi măng từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến chúng ta vô cùng đớn đau. Bài học ấy vẫn chưa được nhắc lại với ngành thép.
 
Sự ảnh hưởng môi trường từ thép không đơn giản chỉ là con cá chết, mà đó là sự tích tụ lâu dài. Thuyết tiến hoá cho thấy, động vật hoàn toàn có thể thích nghi trong nhiều môi trường khác nhau với hình dạng phù hợp.
 
Con cá vẫn có thể sống ở vùng ô nhiễm, nhưng bên trong con cá có gì là điều không ai dám chắc?. Người cũng vậy, sự tích tụ độc tố không bung ra ngày một, ngày hai.
 
Formosa đã là mệnh đề quá đủ đầy về cả sự diệt vong môi trường, bí bách lòng dân, Bộ ngành lúng túng.
Hy vọng, bất cứ cá nhân nào muốn ủng hộ thêm dự án thép tỷ USD đều nhấc tay lên đặt tay xuống nhiều lần, nghĩ suy hết sức cẩn trọng, lấy cái chung làm nặng tình riêng xem nhẹ.
 
Ai cũng chỉ sống một đời, còn danh dự thì để lại mãi mãi.