Nhà văn Kim Thúy
‘nhìn chữ là thấy thương’
‘nhìn chữ là thấy thương’
“Không có. Không có.” Kim Thúy cười lớn,
khẳng định “không có” chuyện cô sẽ đoạt Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương
(the New Prize in Literature), được mệnh danh “giải thưởng thay thế
Nobel Văn Chương 2018.”
Giải
thưởng mới “tính theo số người bỏ phiếu.” Kim Thúy nói với VOA, cô ngạc
nhiên, và độc giả của cô cũng ngạc nhiên, về việc cô có tên trong số 47
tác giả được đưa ra cho công chúng bình chọn.
“Chẳng hạn, trong 47 người đó, có nhà văn
Rowling. Chỉ cần 0.01% độc giả của Rowling bỏ phiếu, thì tôi đã không
có tên trong số 4 người [vào vòng trong].” Rồi cô cười lớn, “chắc
Rowling không để ý.”
Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định hoãn
công bố giải Nobel Văn Chương 2018 do các điều tiếng về scandal liên
quan đến giám khảo của giải thưởng danh giá này. Vì lý do ấy, các quản
thủ thư viện Thụy Điển cùng thành viên trong cộng đồng văn hóa và nghệ
thuật quyết định lập ra một giải thưởng khác, chỉ trong năm nay, để lấp
vào khoảng trống của Nobel Văn Chương.
Văn bản nói về lý do ra đời của Giải
Thưởng Mới Trong Văn Chương có đoạn: “Trong thời điểm mà giá trị nhân
văn ngày càng bị thách thức, thì văn chương trở thành lực đối kháng với
sự đàn áp và thái độ vô cảm. Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ
hết giải thưởng văn chương cao quý nhất thế giới phải được trao tặng.”
Các thành viên trong ban tổ chức Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương chọn ra danh sách 47 nhà văn trên toàn thế giới, rồi để công chúng bình chọn. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi ban giám khảo, gồm giáo sư văn chương Lisbeth Larsson, nhà báo kiêm thủ thư Marianne Steinsaphir, nhà phê bình kiêm chủ bút Peter Stenson, và giám đốc thư viện, Gunilla Sandin.
Trả lời tờ báo National Post, Kim Thúy
cũng nói xác suất để mình thắng giải thưởng này là “dưới zero phần
trăm.” Cô nói về 3 nhà văn trong danh sách được bình chọn (Maryse Condé –
the Guadeloupe và Pháp, Haruki Murakami – Nhật Bản; và Neil Gaiman –
Anh): “Họ là những biểu tượng văn hóa – những nhà văn dày dạn kinh
nghiệm – trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình.”
Rồi cô nói đùa: “Có thể gia đình tôi hơi đông người!”
Kim
Thúy thật lòng không tin mình sẽ thắng giải, và cô bông đùa thoải mái
về giả thuyết sẽ trở thành “khôi nguyên giải thưởng thay thế Nobel Văn
Chương.”
Thế nhưng, con đường đi vào văn chương
của tác giả các tác phẩm có tựa đề độc đáo, “Ru,” “Vi,” “Man,” lại mang
đậm sự ray rứt về thân phân con người di dân, tị nạn, và lòng yêu mến
đến sâu thẳm giá trị văn hóa Việt Nam.
“Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam
mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý
tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy. Khi
tôi tìm đến tiếng Pháp thì chữ “ru” trong tiếng Pháp rất dài (Bercer un enfant jusqu’au sommeil). Ru con ngủ
là một cái gì rất là dài, thế mà “ru” chỉ là một chữ thôi. Thành ra tôi
thấy nó hay quá đi, và thấy mình phải chia sẻ.” Kim Thúy nói với VOA.