Việt Nam hôm nay – vì sao?
Sáng trong người mệt mệt không muốn ra ngoài ăn, tôi nấu cho mình tô mỳ và ngồi nhâm nhi nó. Chợt cảm xúc dâng lên khi tôi nghĩ về những người nữ công nhân, những người nghèo khó, những người cũng đang bầu bì như tôi nhưng hoàn cảnh buộc 3 bữa của họ chẳng có thứ gì khác ngoài mỳ tôm. Mỳ tôm với họ không phải món ăn đôi khi thèm thuồng mà là món ăn chính trong các bữa ăn thường trực.
Cuộc sống lao động vốn đã vất vả nay mỗi ngày một khó khăn; giá điện, giá xăng độc quyền, tăng không ngừng. Người dân lao động cầy cật là vậy nhưng cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Họ không hiểu, không dám và cũng không biết thắc mắc vì sao. Quanh quẩn là những tiếng than thân, nghề nào cũng vất vả nhưng đời sống người dân không hề dư dả.
Tôi in đậm trong tâm ánh mắt của người đàn ông kham khổ tôi từng gặp bên Thái trong một lần du lịch. Đó là vào buổi chiều, tôi cho con trai ngừng chân ở một tiệm ăn bên đường gần một khu chợ sỉ. Đương nhiên người Việt phải dùng tiếng Việt, tôi vừa cho con tôi ăn vừa nói chuyện với thằng bé. Bất chợt tôi thấy người đàn ông bàn bên cạnh cứ len lén nhìn hai mẹ con tôi. Dáng vẻ của một người bốc vác, nhìn anh to con, đen nhẻm và nhếch nhác. Tôi nhận ra anh là người Việt. Tôi cười và quay ra hỏi anh qua bên đây làm lâu chưa. Anh im lặng không trả lời, cúi đầu ăn. Tôi không hiểu vì sao anh lại cư xử như thế.
Tôi không nhớ lúc đó tôi nói chuyện gì với con, nhưng hai mẹ con rất vui vẻ. Có vẻ như anh không chịu nổi nữa, anh chen một hai câu vào câu chuyện của mẹ con tôi. Anh hỏi thằng bé mấy tuổi rồi. Anh nói con anh ở nhà cũng chừng đó tuổi, rồi anh có vẻ buồn rầu. Ăn xong hai mẹ con tôi đứng dậy, không quên chào tạm biệt anh, anh gật đầu cười lại.
Một lần khác đưa con vào công viên bên ấy. Vì con đòi ăn mít, tôi dắt con vào chiếc xe bán hàng ron bên hông. Rõ ràng anh chàng bán mít đó là người Việt, nhưng khi tôi hỏi anh là người Việt hả? Anh lại một mực lắc đầu phẩy tay.
Lúc này thì tôi hiểu rồi, đó là những thân phận người Việt tha hương. Họ khao khát được nói tiếng Việt, được trò chuyện với đồng hương nhưng họ không dám làm như vậy. Họ sợ sẽ bị phát hiện ra là người Việt, sợ sẽ bị cảnh sát Thái bắt giam. Có hàng triệu những con người Việt Nam đang phải tha hương cầu thực, sống một cách bất hợp pháp nơi đất khách quê người như họ để cầu có một cuộc sống cho gia đình nơi quê nhà nghèo khó.
Tôi uất ức, tại sao sinh ra trên mảnh đất vốn màu mỡ với đường bờ biển trải dài như đất nước tôi mà người dân không thể sống nổi trên quê hương mình? Trước 30/4/1975, miền Nam Việt Nam được ví như hòn ngọc Viễn Đông cơ mà? Sau bao nhiêu năm giành được quyền lãnh đạo, đảng CS đã làm gì với đất nước này?
Thay vì phát huy sự nhân văn tốt đẹp, phát triển đất nước, họ đã bán dần bán mòn tài nguyên, vay nợ Quốc tế ngập đầu để vơ vét, bỏ túi riêng. Biết bao nhiêu thảm họa đã nối tiếp nhau trên mảnh đất quê nhà; đẩy biết bao gia đình vào cảnh ly tán tha hương?
Cộng sản là cộng vào chia ra, là người nghèo có ruộng cày ư?
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày hôm nay có một sự cách biệt lớn không tưởng, thậm chí không kém mà hơn các nước Tư bản nữa kìa.
Xã hội vô số những trọc phú huyênh hoang lệch cỡm, những kẻ coi tiền như giấy rác, đốt vào những thú vui bệnh hoạn. Trong khi đó có những đứa trẻ sinh ra đã không được sống như một con người. Còn hàng triệu những mảnh đời thê lương không được đưa lên những mặt báo. Không chỉ có hai đứa trẻ có mẹ ngày chạy Grap, tối đi làm lao công quét dọn, cho đến khi mất cũng không có một ngày an vui để nuôi con ăn học.
Nếu như đa phần những người giàu trong xã hội hôm nay là do tài năng, khả năng và công sức của họ thì không nói làm gì. Vì điều đương nhiên rằng, không thể bắt những người tài giỏi và hy sinh phải sống ngang như như những người bình thường như chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng không phải vậy, thành phần trọc phú của hôm nay xuất hiện nhiều từ việc ăn trên xương máu dân, từ kiểu quan hệ con ông cháu cha, một người làm quan cả họ được nhờ, từ những chính sách tàn phá đất nước. Thật bất nhẫn với những bỏ ra xương máu để mong cầu cuộc sống độc lập an vui, với tất cả những người đã nằm xuống trong cuộc nội chiến tương tàn, với tất cả người dân sinh ra và lớn lên dưới dải đất hình chữ S.
Chủ nghĩa sai lầm, thể chế sai hướng, quản lý, lãnh đạo yếu kém là nguyên nhân đẩy đất nước xuống dốc không phanh, người dân vẫn lầm lũi cơ cực như ngày hôm nay.
Trịnh Kim Tiến