Friday, December 24, 2021

 ĐÊM GIÁNG SINH TRONG THẾ CHIẾN THỨ II.

3 lính Mỹ bất ngờ chạm trán 4 binh sĩ Đức giữa những ngày đối đầu ác liệt nhất trong thế chiến II. Không ai dám nghĩ đến một kết cục tốt đẹp trong bối cảnh đó…

Câu chuyện diễn ra vào một đêm giáng sinh năm 1944. Vào thời điểm đó, tình hình chiến sự ở châu Âu đã đảo chiều. Quân đội Đức ngày càng rơi vào trạng thái bất lợi, quân đồng minh đổ bộ vào đất liền qua Normandie, tiến hành phản công.
Tuy nhiên, Hitler không cam tâm. Vào ngày 16/12 – 8 ngày trước lễ giáng sinh năm đó, ông ta đã mệnh lệnh cho quân Đức đóng tại khu vực Ardennes của Bỉ phát động một chiến dịch, bất ngờ tấn công quân đồng minh, cắt đứt mạch cung ứng của đối thủ, ép quân đồng minh phải giảng hòa.

Đây là chiến dịch đẫm máu nhất trong thế chiến II. Cả chiến dịch kéo dài hơn 1 tháng với số lượng người thương vong quá lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.

Đêm giáng sinh, hai mẹ con Frisbey rất mong chồng và cha của họ đang làm việc trên thị trấn về nhà đoàn tụ, cùng đón Chúa sinh ra đời. Thế nhưng hôm đó tuyết rơi nhiều bao trùm cả ngọn núi nên có thể bố của Frisbey khó trở về nhà.

Đột nhiên, tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Cậu bé Frisbey ngỡ rằng cha về, vội chạy ra mở cửa song mẹ cậu đã nhanh hơn. Elisabeth vừa hé cửa thì thấy có 2 binh sĩ đội mũ cối sắt đứng ngoài, còn 1 người khác đang nằm trên tuyết nhìn như đã chết.

Elisabeth ý thức ngay được rằng đó là lính Mỹ – đối thủ không đội trời chung của quân Đức thời điểm đó.
Họ thuộc sư đoàn 8 binh đoàn bộ binh 121, bị lạc mất đội và loanh quanh trong rừng sâu suốt 3 ngày, vừa phải tìm cách tránh quân Đức, vừa phải tìm lối thoát. Vừa đói vừa rét, người họ thâm tím, trong đó 1 người bị trúng đạn ở chân, mất rất nhiều máu, có thể sống được hay không chẳng ai có thể nói được vào lúc đó.

Mặc dù có súng trong tay song họ vẫn gõ cửa nhà Elisabeth một cách lịch sự.
Người mẹ dù không hiểu họ nói gì những cô hiểu ý của những binh sĩ Mỹ. Trầm ngâm một lúc, cô mời họ vào nhà và đưa người bị thương lên giường của Frisbey nghỉ ngơi, giúp anh ta làm ấm tay, đồng thời sai con đi bắt gà, lấy thêm vài củ khoai tây để làm cơm giáng sinh.

Không lâu sau, mùi gà nướng thơm phức đã bay ngào ngạt khắp nhà. Cùng lúc đó, Elisabeth nhận ra cô có thể nói chuyện với một lính mỹ bằng tiếng Pháp, không khí căng thẳng trong nhà lập tức giảm đi rất nhiều.

Một lúc sau, lại có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên. Frisbey chạy ra mở cửa. Thấy 4 lính Đức đứng ngay trước cửa, cậu bé quá đỗi sợ hãy, người như bị đóng băng. Dù là trẻ con, Frisbey cũng biết rõ quy định của Đức quốc xã khi đó, rằng cứ chứa chấp quân địch là giết ngay, không cần giải thích.

Elisabeth điềm tĩnh bước ra, nói với viên sĩ quan chỉ huy trong nhóm: “Giáng sinh an lành!”
Viên sĩ quan nói anh ta và cấp dưới của mình bị lạc đường, muốn ở nhờ trong nhà Elisabeth một đêm.
Người phụ nữ này vẫn bình tĩnh trả lời: “Mời các anh vào nhà cho ấm, và cũng mời các anh ăn cơm giáng sinh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những vị khách khác, họ không phải là bạn của các anh, hi vọng các anh có thể chấp nhận họ.”
Viên sĩ quan người Đức lập tức cảnh giác và hỏi dồn: “Ở trong nhà có người? Chúng là người Mỹ?”

Elisabeth đáp: “Vâng, hôm nay là đêm giáng sinh, không ai được phép động thủ, mời các anh để vũ khí ở bên ngoài.”
Viên sĩ quan Đức nhìn Elisabeth một cái, rồi ra hiệu cho những người khác để vũ khí ngoài cửa trước khi bước vào nhà.
Những viên lính Mỹ trong phòng bỗng chốc trở lên căng thẳng, vội vã cầm chắc súng trong tay. Một người thậm chí còn rút súng lục, chuẩn bị bắn lính Đức đang tiến vào. Thế nhưng Elisabeth đã ngăn cản anh ta và lặp lại những câu nói mà cô vừa nói với lính Đức: “Hôm nay là đêm giáng sinh, không được phép tàn sát, hãy đưa súng cho tôi.”

Và như thế, người phụ nữ thu hồi cây súng trong tay viên lính Mỹ đang lo lắng hơn là chủ động.
Elisabeth sắp xếp để khách ngồi quanh một cái bàn. Vì ngôi nhà khá chật hẹp nên lính Mỹ, lính Đức phải ngồi sát cạnh nhau, không khí rất căng thẳng. Hai bên, ai cũng nâng cao cảnh giác, đề phòng vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chỉ có nữ chủ nhà là vừa cười nói, vừa bận rộn chuẩn bị bữa tối giáng sinh.

Vài phút sau, mùi thức ăn hấp dẫn cộng thêm thái độ nhiệt tình của chủ nhà nên trạng thái căng thẳng dần dần được thả lỏng.
Một lính Mỹ lấy ra một hộp thuốc lá mời những viên lính Đức, trong khi một viên lính Đức lại rút ra một bình rượu vang và một cái bánh mỳ trong chiếc ba lô trên lưng ra chia cho mọi người. Một viên lính Đức thậm chí khi thấy viên lính Mỹ bị thương còn lại gần kiểm tra vết và xử lý lại vết thương cho người mà nếu ở chỗ khác, anh ta sẽ là kẻ thù không đội trời chung.

Vì được học qua trường y nên viên lính này có chút kinh nghiệm về y tế, lại có thể nói được tiếng Anh nên anh ta nói với viên lính Mỹ rằng vì trời lạnh, vết thương không bị nhiễm trùng nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Đến lúc này, sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nhóm lính mới bắt đầu tan biến.

Đồ ăn được đưa ra bàn. Elisabeth bắt đầu cầu nguyện trước bữa ăn. Cô cầu nguyện trong nước mắt:
“Cảm ơn Chúa đã ban ơn để mọi người có thể ngồi ăn chung một bữa trong trận chiến khủng khiếp này. Trong đêm giáng sinh hôm nay, chúng con đã hứa sẽ không coi nhau là kẻ thù mà sẽ đối xử hữu hảo với nhau, cùng thưởng thức bữa cơm giáng sinh đơn giản; chúng con cầu mong cuộc chiến đáng sợ này sẽ kết thúc trong thời gian sớm nhất để mọi người có thể bình an trở về quê hương của mình.”

Elisabeth nói xong cũng là lúc nước mắt lăn dài trên má những người lính. Họ bị những lời cầu nguyện của nữ chủ nhà lay động, thù hận trên chiến trường bỗng chốc tiêu tan, lòng họ hướng về quê nhà, về người thân, ai nấy cũng đang mong hòa bình sẽ lập lại.

Dùng xong bữa tối cũng là 12h đêm, mọi người ra ngoài đi dạo. Lúc này, tuyết ngừng rơi và gió cũng đã ngừng thổi, trên trời sao sáng lấp lánh.
Sau đó, 7 viên lính vốn không đội trời chung vào nhà cùng ngủ một giấc thoải mái cho đến sáng hôm sau.
Chủ nhà làm một ít canh trứng gà cho viên lính Mỹ bị thương. Viên sĩ quan Đức thì lấy bản đồ ra chỉ cho lính Mỹ sơ đồ trận mạc và nhắc họ những nơi không nên đi tới. Thậm chí những viên lính Đức còn làm tặng cho viên lính Mỹ bị thương một cái cáng.
Hai bên cảm kích chào tạm biệt mẹ con Elisabeth rồi đường ai nấy đi.

Vào năm 1958, cậu bé Frisbey đã 26 tuổi, sau khi kết hôn và di dân sang Mỹ, anh đã cư trú tại Hawaii và mở một tiệm bánh Pizza. Nhờ có bạn bè cổ vũ động viên, Frisbey đã viết lại câu chuyện trên và gửi cho nhà xuất bản “Reader’s Digest”.
Năm 1995, chương trình truyền hình “Unsolved mysteries” đã đem câu chuyện của Frisbey quay thành phim.
Không lâu sau, một nhân viên dưỡng lão viện ở thị trấn vùng Maryland gọi điện thoại cho người phụ trách tiết mục, nói rằng ở chỗ họ có một người lính già hay kể chuyện hệt như vậy.

Người lính đó là một trong ba người lính Mỹ đêm hôm đó, ông tên là Ralph. Rất nhanh, họ bố trí cho hai người gặp mặt.
Sau 52 năm xa cách, vào năm 1996, Frisbey và Ralph lại gặp nhau, hai người ôm nhau cảm động đến phát khóc. Ralph nức nở:” Mẹ cậu đã cứu sống chúng tôi”.
Về sau, Frisbey lại tìm được thêm một người lính Mỹ, nhưng chưa tìm lại được ai trong số những lính Đức năm xưa.
Năm 2002, Frisbey qua đời, cùng năm ấy, Hollywood đã sản xuất bộ phim có tên “The Silent Night” dựa trên chính câu chuyên đầy chất nhân văn này.

Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã dùng câu chuyện trên để tổng kết lại những gì ông có thể cảm nhận từ thế chiến thứ II, rằng “Cái thiện nhất định sẽ đẩy lùi cái ác, tự do nhất định sẽ đẩy lùi bá quyền!”. Câu nói cho đến nay vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.

Con người chúng ta ai cũng lấy thiện làm gốc, để đẩy lùi hiểm ác, để người hiểm ác trở lại với bản tính lương thiện của mình, để người trong thiên hạ có tự do, để không phải chịu đựng sự bạo ngược, chiến loạn và sự sợ hãi.

@internet

Monday, December 20, 2021

MERRY XMAS & HAPPY NEW YEAR


 

Tuesday, December 14, 2021

 ĐÔI BA ĐỒNG BẠC NGHĨA LÝ GÌ!

Hẻm nhỏ, lại là hẻm cụt, có 53 nóc nhà. Tuy 53 nóc nhà nhưng mà tới gần trăm hộ dân, do có mấy căn nhà cũ, hai ba gia đình cùng sống chung.

Trong hẻm cũng đủ loại người, có mấy người già ưa ngồi uống café sữa trong cái ly nhỏ xíu, đựng trong chén nước sôi giữ ấm, rồi gác chéo chưn nói chuyện đời xưa. Có mấy đứa thanh niên mua hàng vô tội vạ, shipper xanh đỏ ra vô hẻm liên tục. Có người làm hãng sở, sáng mơi sơ mi cà vạt ra xe hơi đi làm như trong phim Hồng Kông. Hẻm có chó, có mèo, có gà ta, có gà tre, thậm chí có nhà còn nuôi cả gà đá.

Hẻm nhỏ nên mọi người đều biết nhau, có thể không biết rành hết mọi người, nhưng ai trong hẻm cũng phải biết bà Tư. Bà Tư nhà khá giả, có đội xe tải, lính của bả toàn lái xe và lơ xe tải, xăm trổ kín người, tuần nào cũng tụ về cái bãi xe cuối hẻm nhậu.

Nhà Bà Tư đầu hẻm, nguyên một vách tường ngang cửa nhà bà Tư thay vì xây hàng rào làm sân thì bà Tư để trống, chỉ láng xi măng. Sáng cho vợ chồng chị Liên với đứa nhỏ bán cơm tấm và hủ tiếu, buổi chiều thì nguyên nhà cô Giàu bán cháo vịt với gỏi cuốn. Ai ra vô nhà bà Tư đều sực nức mùi đồ ăn, mấy người đó buôn bán được, cũng muốn gửi chút tiền gọi là “thuê mặt bằng” cho bà Tư, bà Tư khoát tay, nhớ sạch sẽ giùm tao là được rồi, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì.

Đó là câu cửa miệng của bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, cứ cái gì liên quan tới tiền là nghe giọng bà Tư, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, bả nói riết rồi cả xóm nói liệu theo bả. Bữa có ông kia đi nhậu về, hứng chí lên cho thằng tài xế tắc xi 500 ngàn, thằng tài xế không dám lấy, đem vô gõ cửa trả lại. Ổng đứng trong nhà cũng la câu y chang, đôi ba đồng bạc mà, nghĩa lý gì, lấy đi chú em. Bà Tư nghe xong bật cười, đù má bắt chước tao.

Bà Tư xuất thân đâu ngoài Quảng, bà theo chồng lưu lạc vô Sài Gòn từ trước 75. Sau 75, chồng bà Tư chết, để lại bà với 5 đứa con nhỏ. Bà tư trở thành trùm vượt biên, bà Tư từng vượt biên tổng cộng 17 lần, trong đó bị bắt nhốt chỉ có 2 lần, còn lại do anh em biên phòng thấy tội, thấy quen, thấy người phụ nữ ôm 5 đứa con nên họ thả về. Một tay bà Tư nuôi 5 đứa con, làm đủ mọi thứ để mưu sinh, mà ngon lành nhứt tới giờ là tổ chức một đội xe vận chuyển cho mấy chợ đầu mối.

Năm người con của bà Tư chỉ có đúng một người đi học đàng hoàng, đó là cô con gái duy nhứt của bà Tư, người được cưng chiều nhứt nhà. Cô học giỏi, lãnh học bổng, rồi ra nước ngoài học và lấy chồng định cư luôn ở bển. Bà Tư làm được nhiêu tiền mua thêm đất, cất nhà gần bên, nên bốn ông con trai còn lại cũng ở loanh quanh trong hẻm.

Họ vẫn tụ tập qua nhà bà Tư nhậu, buổi chiều, cuộc nhậu như mọi cuộc nhậu ở Sài Gòn, vài lon bia và dĩa thịt vịt mua của nhà cô Giàu, ngay cửa, bữa nào vui thì mở ka rao kê ca, cũng mấy bản nhạc bolero nhừa nhựa. Cả bốn người họ đều xuất thân tài xế hoặc bốc vác, đều đen đúa vạm vỡ, giọng nói vẫn mang âm vị xứ Quảng rổn rảng, và cũng ưa khoát tay: đôi ba đồng bạc…

Những ngày tháng Bảy, Sài Gòn bắt đầu phong toả, hẻm cũng gần ủy ban phường nên dân phòng tới chốt luôn. Dịch bệnh lan ra quá nhanh, nỗi sợ dịch bệnh và sự thiếu thốn của những ngày thành phố bị phong tỏa đều thê thảm như nhau.

Nhà chị Liên dính đầu tiên. Chị Liên vẫn hay mua hàng trên mạng, và không biết lần mua hàng nào đó chị đã bị lây. Bà già má chồng chị Liên trở nặng ngay lập tức. Hai chiếc xe cấp cứu với những nhân viên y tế xanh lè kín mít tới đưa cả nhà họ đi, con bé 12 tuổi hằng ngày bưng hủ tiếu cũng bị hốt theo, dù nó âm tính. Rồi nhà cô Giàu cũng dính, lây thêm một nhà nữa. Rồi xịt khuẩn mù mịt, rồi hàng rào, rồi giăng dây trắng đỏ… như mọi con hẻm khác, ở Sài Gòn.

Hai tuần sau con bé con chị Liên trở về hẻm bằng xe của công an. Nó bận bộ đồ xanh kín mít, ôm theo hũ cốt của bà nội nó. Nó nói ba nó nằm chỗ khác, mẹ nó nằm chỗ khác, giờ cũng không liên lạc được. Nó vẫn âm tính nên người ta trả về nhà theo dõi, nhường chỗ cho người khác, ở trỏng đông lắm rồi.

Bà Tư nói mày về ở với ai? Nhà còn ai đâu mà ở. Cũng không ai dám chứa con bé, âm tính vậy chớ biết đâu nó dương trở lại, ai cũng xầm xì. Bà Tư nói thôi vô nhà tao ở. Kệ mẹ, không lẽ bỏ con nhỏ đứng ngoài hẻm hoài. Con bé đưa hũ cốt bà nội về nhà, rồi quảy ba lô qua nhà bà Tư ở. Nó khóc hoài. Bà Tư nạt nó vang cả con hẻm, bà nội mày già thì chết thôi, không bịnh này cũng bịnh khác mà. Ba má má nằm viện ít bữa rồi về, ở đây tao nuôi, có gì đâu mà khóc, cười lên cái cho sáng cái nhà coi.

Đội xe bà Tư có hai chiếc được cấp mã QR để chở hàng rau củ quả từ Tây Nguyên về Sài Gòn, chủ hàng bao ăn ở xét nghiệm cho tài xế mà không ai chịu lái, đám tài xế né hết. Bà Tư biểu hai ông con trai, thôi tụi mày lái đi, chở rau củ về cho người ta ăn nữa, chớ ăn cơm với cá khô hoài ỉa không ra, tội người ta. Rồi bà Tư đưa tiền biểu hai ông con trai mua thêm rau củ quả, chở về hẻm.

Mới đầu bà Tư để cái bàn, là mấy cái bàn cơm Tấm của chị Liên, kê trước cửa nhà, chất rau củ trái cây lên đó, kêu mọi người trong hẻm ra lấy về ăn. Mà mấy nhà có người dính, hoặc mấy nhà không muốn ra đường thì không tới lấy. Bà Tư phiền quá mới đi dọc hẻm nói, thôi bà con mỗi nhà để giùm tui một cái rổ trước cửa. Tui biểu thằng Út đem rau củ quả bỏ vô rổ, đem vô ăn.

Vậy là ông Út nhà bà Tư thêm nhiệm vụ, mỗi khi xe rau củ trái cây về, vác xuống nhà, chia làm nhiều bịch nhỏ, rồi đi dọc hẻm, bỏ vô cái rổ trước nhà mỗi người. Để ngoài nắng chút cho chết mẹ con vi rút đi, lời bà Tư hay nói, rồi ai nấy đem vô nhà nấu ăn. Ở đâu thiếu rau củ chớ hẻm này không thiếu, mỗi nhà còn được cam, chanh, sả, trái cây… đủ thứ.

Ba tuần sau thì chồng chị Liên về. Anh tiều tụy như một cái xác khô, nhưng không phải do bệnh, mà buồn, mẹ mất, vợ còn nằm đâu chưa biết. Anh đón con bé từ nhà bà Tư, cúi đầu cám ơn bà Tư rồi dẫn con bé về nhà. Bà Tư xúc cho một bao gạo, một túi đồ ăn, một bao rau củ, hai cha con lục đục vác về nhà.

Hai cha con loay hoay ở nhà được ít bữa thì xe quân đội tới, chị Liên về, trong một cái hũ. Anh chồng ráo hoảnh, mắt xa xăm vô hồn, im lặng. Còn con bé nó cứ khóc miết. Bà Tư lại chạy qua, nói thôi để đó, hết dịch làm cái đám sau, giờ hai cha con mày ráng sống đi, cho mẹ mày ở trển yên lòng.

Rồi không biết lây ai, tới lượt anh Út nhà bà Tư dính luôn, mà lúc này cả thành phố đang cao điểm dịch, các bệnh viện đều quá tải, anh Út không đi viện nữa, phải tự nhốt mình trong nhà và uống thuốc theo đơn bác sĩ. Không có ai đi phát rau củ thì bà Tư tự đi.

Mỗi khi xe rau củ về, mấy ông con chất xuống cho mẹ, rồi bà Tư tự chia. Buổi chiều, bà Tư kêu anh chồng chị Liên phụ, đẩy cái xe đẩy hàng của mấy thằng tài xế bỏ trong bãi, chất đầy rau củ, trái cây, gạo… bà đi bỏ mỗi nhà một bịch. Xóm riềng cảm ơn bà Tư hoài cũng ngại, cả tháng ăn rau củ của bà Tư mà, có người mới về hẻm không biết, ráng cột tiền vô cái rổ, năn nỉ bà Tư cầm tiền giùm. Bà Tư thấy tiền bèn la lớn, nè, ra lấy tiền vô đi, cái này tao cho mà, đôi ba đồng bạc, nghĩa lý gì, chết có mang theo được đâu, đù má.

Đàm Hà Phú
@Facebook/ĐHP

Wednesday, November 17, 2021

 NHỚ VỀ

SÔNG VĨNH ĐỊNH


*

Xa quê luôn nhớ về Quảng Trị
Cả đời buộc chặt một giòng sông
Sông chảy ngàn đời như lòng mẹ
Xanh trong Vĩnh Định nước xuôi giòng.

Thạch Hãn phụ lưu sông quặt phải
Cổ Thành-chợ Sãi tới Ô Lâu
Hai mươi cây số qua làng mạc
Bồi đắp phù sa đất bạc màu.

Ngô Xá-La Duy đất nội ngoại
Duân Kênh đối diện ngã ba sông
Đào tới Hội Yên qua hói Dét
Nối tiếp Ô giang suốt một giòng.

Văng vẳng dư âm từng hồi trống
Rộn ràng thúc dục đám ba quân
Bảy cây số rưỡi, đào ba tháng
Minh Mạng: “mệnh vi Vĩnh Định hà”.

Tuần thú Bắc phương vua Thiệu Trị
Thuyền rồng ghé lại bến Trung Đan
Thần dân trăm họ tung hô dậy
Vạn tuế quân vương vạn vạn lần.

Cồn Đống-Cu Hoan bia đá dựng
Ngự chế thơ đề vạn thế sau
Cửu Đỉnh văn minh phương Đông đứng
Muôn năm nước Việt Nam lẫy lừng.

Kỳ hân hoan cờ hoa lễ hội
Xóm làng vui trăm họ sum vầy
Xuân Hạ Thu Đông vòng trục xoáy
Đời trước đời sau nối tiếp ngày.

Cám ơn sông Nhùng sông tiếp nước
Lòng tràn Triệu-Hải đất bao dung
Ba Bến ngã ba chia nhánh phụ
Đổ qua Hãn-Hiếu lại chung cùng.

Sông, nước, con người, chung một thế
Đời này đời nọ tiếp theo nhau
Tháí bình thịnh trị niềm hoan hỉ
Nghĩa tình chung ruột thịt đồng bào.

Sông chiếu lại góc trời lịch sử
Chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ phương Nam
Chiêng trống rộn kèn loa mở nước
Xóm làng xưa qui ước dựng thành.

Ông cố ông sơ lòng hăm hở
Ngoài sân rộn rã trẻ thơ cười
Vuốt chùm râu bạc ngồi lên chiếu
Gia phả từ nay đã lập rồi.

Cuốc ruộng cày bừa cha chân đất
Chày vồ táng đập cục đất khô
Mồ hôi đổ xuống đồng thêm mặn
Ơn sao trời mưa thuận gió hòa .

Nhớ chị xưa ra sông giặt áo
Con trâu nằm mẹp gốc cây sung
Bến nước trưa gió Nam lồng lộng
Em thơ hụp lặn lội vẫy vùng.

Thằng cháu mới sinh trông tuấn tú
Rõ ràng cha mẹ gặp lương duyên
Có phải trời xui cùng đất khiến
Kế thừa Lê-Nguyễn chuyển đời truyền .

Vầng ráng lạ báo tin lũ dữ
Trời thấp cao kéo nước đổ về
Con cá cấn bụng to đầy trứng
Lá gừng kho miếng mặn vùng quê.

Sông cũng buồn qua nhiều cuộc chiến
Vòng vây xưa Đơn Quế-Đồng Dương
Nước buồn thiu con đường đổ lệ
Những oan khiên đè nặng đôi đường.

Sau chiến cuộc kẻ còn người mất
Đàn giải oan phướn lượn lưng trời
Hồn tử sĩ con dân lạc phách
Chuông chùa ngân cứu độ trùng khơi.

Cầu bắc qua niềm thương nổi nhớ
Tiễn người đi giây phút chạnh lòng
Rứt ruột tha hương tìm đất lạ
Mẹ mong con chân cứng đá mềm.

Sông yêu cầu mà sông ghét đập
Đập chặn giòng sông chảy của sông
Sông với cầu có chung có thủy
Lỡ bồi bên chung thủy có nhau.

Rượu Kim Long bước chân cao thấp
Nước chè xanh níu áo con người
Khói lam chiều quê hương vẫy gọi
Tiếng ru em kẻo kẹt vành nôi.

Vĩnh Định những đêm trăng vằng vặc
Theo thương hồ những chuyến buôn xuôi
Tiếng hát hò vọng ngang trầm bỗng
Sắt son người duyên thắm kết đôi.

Chú học trò vào kinh ứng thí
Thỏa lòng mong khung cửi yêu ai
Cõng việc đời gánh nặng đôi vai
Vốn kẻ sĩ triều đình không phụ.

Nhớ sông xưa như nguồn sửa mẹ
Một thời đằm thắm tuổi hoa niên
Nước xanh trong nuôi điều hy vọng
Ái Tử mong từng bước con về.

Sông là mạch nổi của lòng đất
Nước bốc hơi tụ khí mây trời
Không chỉ nước mà là sự sống
Trần gian này khép mở khôn nguôi.

Nước non ngàn dặm ra đi mãi
Chớp bể mưa nguồn chạnh ngoái lui
Tìm về quê cũ nơi yêu dấu
Có một giòng sông lỡ hẹn hò.

Chuyện An Tiêm làm vua phật ý
Đày ra đảo vắng tội Mỵ nương
Biển mênh mông nào ai đắp đập
Dưa hấu ngon hạt giống mang về.

Mai này chắc hẳn giòng sông ấy
Trở mình xếp lại nếp thương đau
Nước chẳng phụ người, đất cũng chẳng
Niềm vui xé đập nước tuôn mau.

Trời đất bao la mà ngắn ngủỉ
Chỉ còn sót lại một giòng sông
Xin gửi nơi đây lòng tín cẩn
Khơi ngòi cứu lấy một giòng sông.

Trời cao xin thành tâm cúi lạy
Gọi ơn người xin cáo đất chung
Vĩnh định muôn đời sông Vĩnh Định
Thạch Hãn - Ô Lâu nối lại giòng.

Trương Thúy Hậu
Boston, 15.11.2021

Xem thêm :
Sông Vĩnh Định

@hoidonghuongquangtri

Sunday, October 17, 2021

 PHẠM ĐOAN TRANG


Em đứng đó mùa Xuân như bất tận,
Nghe ngoài kia cuồng nộ sóng biển Đông.
Hoàng-Trường sa vọng tiếng thét vẫy vùng,
Hồn sông núi thiêng liêng thúc giục gọi !

Em bặm miệng. Trời đất ơi. Trưng Trắc !

(Phạm Đoan Trang bị đảng CSVN bắt giam đã 1 năm (06.10.2020 - và ra Tòa CSVN ngày 04.11.2021)

Cám ơn anh Nguyễn Lân Thắng đã chụp bức hình lịch sử.

Saturday, September 25, 2021

Thăm những vùng địa sử
Nhạc&lời : Thanh Sơn 
 Thanh Tuyền&Bùi Thiện ca

Sunday, September 5, 2021

Sunday, June 27, 2021

 ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN

TỈNH GIANG TÔ, TRUNG QUỐC 2019


"Đề:(Hình phải)- Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn không dưới 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).

Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."

VÀ ĐÂY LÀ BÀI LÀM ĐÃ ĐẠT ĐIỂM TUYỆT ĐỐI 150/150

"Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác".
Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, cậu luôn hăm he làm thịt nó.
Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.
Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần tuý cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hoà lại càng tốt hơn.
Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn.
Vật đã thế, con người càng thế...
Tả Truyền từng viết, tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.
Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?
Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.
Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.
Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hoá. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hoà thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: “Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hoà bình.”
Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hoà hợp.
Từ bản thể triết học mà nói, hoà hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: “Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hoà hợp.”
Từ góc độ triết học mà nói, hoà hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: “Những kẻ biết hoà hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ”. Hoà hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.
Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hoà hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: “Quân tử hoà hợp nhưng cũng khác nhau.” Chỉ khi thuận theo quy tắc hoà hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.
Hoà hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.
Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hoà. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất.
Từ Tiểu Bình từng nói: “Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất.”
Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hoà, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.
Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hoà hợp, chỉ là điều hoà, không phải hoà tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.
Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hoà vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hoà!

Saturday, June 19, 2021

 LẰN RANH THIỆN ÁC.


Khoảng năm 1979, anh Vương Thanh (anh rể bạn dì với tôi ) bị bắt vô công an Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) khi khám trong mình anh có ma túy. Dĩ nhiên là anh khai số ma túy này không phải là của mình, còn tại sao nó có trong túi thì anh không biết.

Bị nhốt gần một năm thì anh được chiếu cố cho ra bên ngoài cùng với 1 người bạn tù cũng có hoàn cảnh giống như anh. Nhiệm vụ của hai anh chàng cũng nhẹ nhàng, sáng theo anh nuôi ra chợ xách thức ăn, trưa về rửa chén hay chẻ củi gì đó, tranh thủ nhận mua các thứ cho mấy anh chàng đang kẹt bên trong kiếm chút hoa hồng (thời đó mua bánh trái, thuốc hút đem vô phòng giam cũng chưa bị cấm). Những người được ra lao động bên ngoài như vậy cũng là cách cho biết mình sắp được trả tự do rồi nên đâu có ai ngu mà trốn. ( Ban ngày được cho ra ngoài để làm những việc lặt vặt tối cũng bị nhốt trong phòng)

Anh Thanh cũng biết vợ con mình đã đi vượt biên, bởi vì anh là người chồng bê tha khi vướng vào nàng tiên nâu, anh cũng tự hứa với lòng là sau khi cải tạo lần này anh quyết tâm sẽ làm lại cuộc đời, thằng bạn tù nó cũng hứa giống như anh vậy. Nhưng hứa vậy thôi chứ có làm được hay không là một chuyện khác.

Một đêm nọ, có nhóm người vượt biên bị bắt đem về nhốt ở Công an huyện. Đa số là dân Sài Gòn, trong đó cô một cô bé xinh xắn dễ thương có nụ cười hiền, buổi sáng cô nhờ anh mua giùm đồ ăn thức uống.

Cô hỏi :
- Anh có thể kiếm giùm em cây viết và một tờ giấy trắng không anh?
Dĩ nhiên chuyện đó là chuyện nhỏ, khi nhìn không có ai cô mới nói:
- Em có người chú tên C, là tiệm trồng răng ngang cái Chùa Bà ở chợ anh biết không?

Anh gật đầu, cô gái nói tiếp:
- Anh mang thư này đến cho chú em gấp, em sẽ mang ơn anh suốt đời.

Anh Thanh khẽ gật đầu rồi xin phép ra ngoài cùng thằng bạn tù đi đến nhà anh C nhưng hiếu kỳ nên hai chàng mở thư ra xem. Vừa đọc nội dung lá thư hai chàng trố mắt nhìn nhau.

Thư viết :
"Chú C con là ... tối qua con vượt biên bị bắt tại xã Mỹ Hòa và bây giờ con đang bị giam tại công an huyện, ngay cây cầu ván xuống bờ sông ở truóc ủy ban xã Mỹ Hòa phía bên trái có bụi cỏ lớn, ngang tấm ván thứ 5 từ trên xuống, con giấu bọc vàng nơi đó. Nhận thư chú ra đó tìm bọc vàng và cất giùm con. Đó là tất cả tài sản của con, khi bị bắt, con tranh thủ giấu khi xin đi vệ sinh".

Từ bến đò Bình Minh ra uỷ ban Mỹ Hòa đò chạy tầm 30 phút, 9 h 30 đò chạy... thằng bạn của anh lẩm bẩm tính một lúc rồi hỏi :

- Mày thấy sao? Tao và mày ra tù lấy gì mà sống? Hai thằng mình bây giờ thằng nào cũng như thằng nấy. Nghề nghiệp không, nhà cửa không. Muốn làm ăn lấy vốn đâu ra? Hay là sẵn dịp này mình vớt cú chót... nếu được nhiều mình sẽ tìm đường đi vượt biên luôn.
Anh Thanh ngập ngừng trước lời đề nghị hấp dẫn của thằng bạn tù. Nhưng đó là tài sản của cô con gái dễ thương kia, thật lòng anh không muốn làm chuyện ác.

Thằng bạn nói thêm :
- Mày lo gì, đúng 10 giờ tao đem thơ lại nhà cho ổng, lúc đó mày đi đò tới đó rồi. Ổng ra tới đó kiếm không gặp thì thôi, thư mình cũng đưa rồi mà. Nếu không gặp thì ổng nghĩ chắc bị công an tìm được, hay người nào đó vô tình lượm được, hay sóng đánh trôi đi... mày lo nghĩ gì nữa?

Thằng bạn đưa anh xuống đò, nó dặn:
- Mày nghe lời tao chỉ một lần này nữa thôi, rồi sau này mày nói gì tao cũng nghe lời mày. Nhớ nghen, đúng 10 giờ là tao đưa thơ cho ông C đó.

Đò chạy về hướng Trà Ôn, chỉ 30 phút là tới uỷ ban Mỹ Hòa nơi có cây cầu ván. Ranh giới mong manh giữa Thiện và Ác trong con người anh đang đấu tranh nhau.

Ác hay Thiện?
Chưa bao giờ anh thấy muốn làm thiện khó đến như vậy? Mà nói là ác thì có gì đâu mà ác? Mình và cô bé đó chỉ mới biết nhau thôi mà. Cứ xem như ai đó... thí dụ như một tay giăng câu hay đặt lờ nào đó đã gặp thì đã sao? Nhưng mình đã hứa với lòng sẽ làm con người tốt rồi mà...

Tiếng của anh chủ tàu vang lên:
- Tới uỷ ban Mỹ Hòa có ai lên không?
Anh Thanh cắn chặt môi làm thinh... chiếc tàu đò chạy thẳng về hướng Trà Ôn. Khi con tàu chạy xa cây cầu ván anh bỗng thấy một cái gì lạ lắm, hình như có một cái gì đó làm cho lòng anh nhẹ tênh và lúc đó anh mỉm cười rồi gật gù:
- Đội ơn Chúa, có lẽ con đã là người tốt rồi.

Chiều hôm đó anh lí nhí nói với thằng bạn :
- Tao mệt quá nên ngủ quên mày ơi.
Nó làm thinh nhìn anh bằng nửa con mắt, chắc là nó giận lắm. Có khi nào nó nghĩ anh hớt tay trên nó không nhỉ?

Vừa bước về phòng giam cô bé trơ mắt nhìn anh như ngầm hỏi : Anh đã đưa thư giùm em chưa? Anh khẽ gật đầu.

Sáng hôm sau hai người bạn đi ra chợ làm nhiệm vụ như mọi hôm, nhưng không ai nói với ai câu nào, gặp anh C anh vồn vã mời cả hai ghé cà phê ăn sáng anh cho biết :
- Anh đã ra tới đó, đã tìm được bọc vàng của nhỏ cháu ruột mình. Anh không ngờ hai chú đều là người tốt.

Khi cả hai đang ăn tô hủ tíu anh C nói nhỏ :
- Cả chục cây đó hai chú...
Nghe vậy anh Thanh lạnh cả sống lưng nhìn sang thằng bạn thấy nó nhếch miệng cười, chắc nó hận mình lắm chứ chẳng chơi.

Anh C gởi tặng cho mỗi chàng một cây thuốc Đà lạt, anh gởi một mảnh giấy nhờ đưa cho nhỏ cháu của mình, trong đó chỉ vỏn vẹn 1 chữ: Xong.

Tới nhà giam chưa kịp đưa thư thì thằng bạn của anh nó giành lấy lá thư rồi nó... đưa cho cô gái, đọc xong đôi mắt cô sáng rực lên nắm chặt tay nó... cô lắp bắp :
- Em cảm ơn, em biết hai anh là người tốt mà.

Tới chiều khi ngồi hút điếu Đà lạt thằng bạn nó mới vỗ vai anh rồi nói:
- Tao cảm ơn mày đã ngủ quên để cho tao được làm người tốt.

Lúc nghe nó nói như vậy anh Thanh đã nhẹ cả lòng, anh cứ ngỡ nó giận anh, nhưng không ngờ nó cũng là một con người không đến nổi nào.

Làm người tốt thì đôi khi không dễ chút nào, ranh giới giữa Thiện và Ác lúc nào cũng mong manh. Trong vài giây phút chỉ cần một quyết định đúng ta sẽ trở thành một Thiên thần, một quyết định sai ta sẽ trở thành con Ác quỷ. Anh Vương Thanh không hẳn là một người tốt nhưng chuyện lần đó của anh đáng cho chúng ta ca ngợi anh đúng không không các bạn của tôi.

Bùi Trung

Friday, June 4, 2021

 CON ĐƯỜNG HẠ CHAO NGHIÊNG

Anh đã về nhưng chẳng gặp được em
Con đường Hạ bây giờ hiu quạnh quá!
Nơi ta vẫn thường ngồi trên ghế đá
Có tiếng cười nào còn đọng lại đây không?
Nắng Hạ vàng đang trải thảm mênh mông
Thương hạt mưa chiều nghiêng vai em ướt
Đâu bóng áo dài trong chiều tha thướt?
Đợi anh cùng chầm chậm bước sau lưng.
Những cánh phượng hồng còn hé nụ bâng khuâng
Nhưng tiếng ve sầu đã khan dần giọng hát
Bãi ngô non bên triền sông bát ngát
Vẫy ngọn gió nồm cho những cánh diều bay.
Ghé lại thăm trường giữa buổi chiều nay
Im ắng quá, dọc hành lang trống vắng
Anh vào lớp, vẫn bảng đen, phấn trắng
Tưởng còn em, trên bục giảng dịu dàng...!
Tờ giấy ngày xưa em để dưới hộc bàn
Những nét mực đã mờ dần theo năm tháng
Đợt về phép cũng sắp ngày hết hạn
Chưa gặp em, nên đi, ở... cũng chần chừ.
Bài thơ tình đã hóa những dòng thư
Anh viết vội trao nhờ người hàng xóm
Con đường Hạ giờ này đang chớm
Giọt mưa nghiêng em để lại hơi buồn.
Chạnh lắng lòng nghe đổ mấy nhịp chuông
Ngôi chùa cổ, nơi mình hay khấn nguyện
Anh còn phải quay về nơi chiến tuyến
Nặng bên lòng... con đường Hạ... chao nghiêng...!

Phan Hoà

Wednesday, June 2, 2021

 NƯỚC MẮM CỦA RIÊNG TÔI


Tác giả : Bruce Weigl

Giáo sư Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thi ca Mỹ . Sinh ngày 27-1-1949 tại Lorain , Ohio , ông từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến 1968 và đã chứng kiến những sự thật kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam . Trở về sau cuộc chiến , ông tìm đến văn chương như một sự cứu rỗi linh hồn . Sau tập thơ đầu tay Một mối tình (1979) , ông là tác giả của 13 tập thơ riêng và quyển hồi ký nổi tiếng mang tên Vòng tròn của Hạnh . Giáo sư Bruce Weigi nguyên là chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia , chủ tịch hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ . Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học . Tập thơ Bài hát bom na-pan viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer .

Nước mắm của riêng tôi là một trong những câu chuyện có thật mà ông viết riêng cho tập sách Khi mưa thôi nã đạn . (After the Rain Stopped Pounding) Nguyen Phan Que Mai dịch
Image

Tôi ngửi thấy mùi nước mắm lần đầu tiên trong lúc tên lửa và đạn cối pháo kích dữ dội tại một nơi chúng tôi đặt tên là Trại Evans , một căn cứ của lữ đoàn kỵ binh bay số 1 , trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam , cách Huế 35 km về phía bắc theo quốc lộ số 1 .

Đối diện với hầm trú ẩn của chúng tôi - cái hầm đã cứu mạng chúng tôi rất nhiều lần -là một chiếc lều và hầm trú ẩn của những người lính Việt Nam Cộng Hoà . Lúc đó chúng tôi đã bị hai quả tên lửa 122 li nổ rất gần , một mảnh tên lửa đã xé toang chiếc lều ngủ của những người lính Việt Nam Cộng Hoà dù lúc đó họ thoát chết vì đã kịp ẩn náu dưới hầm sau đợt pháo kích , tôi và một số đồng đội bước khoảng năm mươi mét để quan sát mảnh tên lửa đã xé rách chiếc lều . Khi cách lều chừng mười lăm mét , chúng tôi bị choáng váng bởi một mùi nồng nặc hơn tất cả các loại mùi mà tôi đã từng tiếp xúc . Lúc đó tôi nghĩ phải có một người hoặc con thú to lớn nào đó đã chết và thối rữa gần đó . Tôi không kìm nén dược cơn ho dữ dội , cơn ho đã khiến tôi phải hít thở rất sâu và điều đó làm tôi mắc nghẹn , tiếp tục ho không thể kiềm chế . Tôi di chuyển càng nhanh càng tốt xa khỏi cái lều đã bị tên lửa đánh trúng , nơi những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã trữ một lu nước mắm trên dưới 80 lít , một thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt . Sau đó tôi mới biết điều này và biết rằng lu nước mắm đậm đặc đó bị mảnh tên lửa bắn vỡ . Nước mắm tràn vào lều , chảy xuống chiếc mương nhỏ gần đó .

Nhưng có điều gì trong cái mùi nồng nặc đó làm tôi thích thú và nó lưu lại trong tôi . Một đôi lần ở trại căn cứ trên quốc lộ số 1 , nơi chiến trường đầy bom và lửa đạn , hoặc ở bãi đậu máy bay gần đó , tôi đã ăn cùng những người lính Việt Nam Cộng Hoà - những người đã vui vẻ cho tôi nhập cuộc . Tôi rất biết ơn họ vì tôi ghét cay ghét đắng lương khô được cung cấp cho lính Mỹ . Có một lần trong những bữa ăn chung đó , tôi hỏi họ về nước mắm . Họ rất vui khi tôi đề cập đến nó - lúc này tôi đã biết đôi chút về tính cách của người Việt - và họ nhanh nhảu rót ra một ít , chan lên một chén cơm trắng nhỏ và đưa cho tôi . Thật là ngon : một sự phối hợp tuyệt vời giữa sự đậm đà và ngọt ngào , và sự trù phú của một dòng sông chảy về bóng tối nơi thời gian chiếm hữu .

Kể từ lúc đó tôi ăn với nước mắm bất cứ khi nào có thể ở chiến trường Việt Nam , nhưng cơ hội đó không nhiều .Dĩ nhiên nước mắm không nằm trong khẩu phần lương khô hoặc trong những bữa ăn được chuẩn bị cho lính Mỹ nơi căn cứ trại . Nhưng tôi luôn giữ hương vị của nó trong tâm trí tôi và chỉ cần nghĩ về nước mắm là tôi đã ứa nước bọt . Tôi tìm hiểu nhiều hơn về nước mắm : nước mắm dùng làm nước chấm , dùng nấu ăn để thêm hương vị và thay cho muối . Trong chiến tranh , một số người Việt thậm chí còn uống nước mắm để giữ cho thân thể họ ấm áp , đặc biệt là khi họ phải ngâm mình xuống nước trong thời gian dài . Với cái mùi đặc biệt của nước mắm , nó cũng giúp mồi hoặc bẫy thú lợi hại hơn . Và nước mắm làm cho tất cả những thứ bạn ăn ngon hơn .

Khi rời chiến trường Việt Nam , tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại . Tôi mang theo rất ít văn hoá Việt về cùng , lý do chính là bởi nền văn hoá đó đã bị ngăn cách với chúng tôi . Tôi biết rằng nó đã bị biệt lập với chúng tôi vì nó là một nền văn hoá lâu đời , giàu có . Nó bị ngăn cách với chúng tôi để chúng tôi không thể nhìn thấy con người Việt Nam như những con người thật , nhất là những con người đang chiến đấu cho miền Bắc , chống lại chúng tôi ở chiến tuyến bên kia , để chúng tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi giết họ . Tôi không mang nhiều văn hoá Việt theo về cùng tôi sau chiến tranh , nhưng tôi mang theo tình yêu về một đất nước xanh như thiên đàng , nơi mà những con người tôi gặp luôn luôn tỏ ra tốt bụng và rộng lượng . Tôi cũng đem theo về một balô đầy những nỗi buồn sâu thẳm , một sự trống vắng niềm tin đối với chính phủ của mình . Và tôi đem theo một sự nghiện ngập đối với nước mắm .

Ở Lorain , bang Ohio , một thị xã có nhiều xưởng chế biến sắt nơi tôi sinh ra và lớn lên , không thể nào tìm thấy nước mắm vào tháng 12 năm 1968 . Tôi cũng không thể tìm thấy nước mắm ở Cleveland , không có một nhà hàng , cửa hiệu hoặc chợ bán đồ ăn Việt Nam nào . Lúc đó chưa có một người Việt nào sống ở khu vực xung quanh . Sau khi rời chiến trường , trở về quê hương , tôi thường nhìn đăm đắm qua cửa sổ căn nhà cha tôi , quan sát tuyết phủ đầy những khoảng sân để biết rằng không có ai đang trốn sau bụi cây để tìm cách giết tôi . Tôi cảm thấy an toàn nhưng tôi cũng thấy rất nhớ Việt Nam . Nhưng tôi không thể bày tỏ nỗi nhớ đó với những cựu binh khác và với cả gia đình của mình . Nếu biết , họ sẽ nghĩ rằng có điều gì không ổn với tôi và chiến tranh đã làm tôi mất trí . Vì thế tôi giữ nỗi nhớ đó cho riêng mình . Sau đó thời gian trôi đi như những mảnh vụn trên sông , tôi bị lạc vào cơn mộng tưởng không thể gọi tên . Tôi không là con người của một năm về trước , tôi đã bỏ lại một phần hồn vía của mình ở Việt Nam .

Khi mùa xuân tới , tôi làm một việc mà tôi luôn làm trong mỗi mùa xuân : câu những con cá hồi to đã nảy nở sinh sôi nơi những con sông , dòng suối gần nhà . Sau một ngày may mắn , tôi đem về ba con cá to , mỗi con nặng khoảng hai đến ba cân . Khi làm vảy chúng sau gara ôtô của cha tôi , tôi ngửi thấy mùi cá . Lúc đó tôi nhớ về cuộc trò chuyện với một người lính Việt Nam Cộng Hoà . Chúng tôi đã nói về nước mắm , về việc nó là gia vị quan trọng và đặc biệt nhất trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam , rằng nó có sức mạnh huyền bí để biến đổi hương vị của những loại thức ăn khác nhau , theo những cách khác nhau và về cách làm nước mắm . Cuối câu chuyện , anh ta cho tôi biết cách làm nước mắm tại nhà . Tôi đã quên câu chuyện này cho đến khi tôi làm vảy cá vào mùa xuân mà tôi trở về nhà và bỏ lại rất nhiều trí nhớ của tôi nơi chiến trường xưa . Tôi nhớ anh ấy đã bảo tôi rằng chỉ cần mổ bụng , mổ ruột , xẻ đôi con cá , ướp muối và trải chúng trên những chiếc que xếp sẵn , sau đó cứ chờ chúng rã xuống chiếc nồi bên dưới . Anh ấy nói rằng khi mà chúng đã rã hết ra , tôi sẽ nấu chúng với lửa nhỏ cho đến khi chúng thật nhừ và quánh đặc thành một chất lỏng tuyệt đẹp . Ý nghĩ về nước mắm nơi căn lều của những người lính Việt Nam Cộng Hoà tại trại Evans đưa tôi trở về Việt Nam , và mùi nước mắm rất nặng thật sự đã trở thành mùi của một đất nước .

Vì thế tôi quyết định mà không cần suy nghĩ nhiều là mình sẽ tự làm nước mắm . Tôi ra cửa hàng vật liệu tìm mua dây thép và đinh . Dùng những thanh gỗ thừa trong gara ôtô của cha tôi , tôi dựng một giàn phơi nhỏ . Tôi lấy một chiếc chảo từ bếp của mẹ tôi , dùng gạch kê nó dưới giàn phơi để đón lấy chất lỏng từ những con cá đang rữa ra .

Tôi biết rằng tôi phải chờ chúng rữa , vì thế tôi vào nhà và quên mất nước mắm của riêng tôi đang lên men đằng sau gara ôtô của cha tôi tại thị xã Lorain , bang Ohio , cách cuộc chiến vẫn đang ác liệt mười hai nghìn dặm . Tôi quên như tôi đã để quên phần lớn trí nhớ của mình tại cuộc chiến ấy . Tôi quên cho đến một buổi tối , tôi đang ngồi trong nhà của cha tôi nhìn ra cửa sổ . Tôi không nhớ tôi đã nghĩ gì , nhưng tôi nhớ rằng lúc đó tôi đã loay hoay tìm lối đi cho mình . Tôi biết rằng chiến tranh đã ăn vào tôi và bám riết , không buông tha tôi . Ngồi trong ngôi nhà của cha , tôi nghe có sự náo động bên ngoài và bước sát đến cửa sổ , nhìn ra ngoài và thấy nửa tá xe cảnh sát đang đỗ bên đường và những khoảng sân ngập xanh màu áo cảnh sát . Tôi đi ra ngoài và nhập vào đám đông nơi hàng xóm của tôi đang tụ tập . Tôi hỏi người cảnh sát thường tuần tra quanh khu vực tôi sống rằng điều gì đang xảy ra vậy .

"Có người báo với chúng tôi có một xác chết ở một trong những căn nhà này" - anh ta nói .

"Tại sao họ nghĩ thế ?" - tôi hỏi .

"Chúa ơi - anh ta thốt lên - Vì cái mùi nồng nặc này . Anh không ngửi thấy nó sao ?"

Đứng giữa con phố , ban đêm , xung quanh tôi hàng xóm đang tụ tập như thể một nghi lễ, những khoảng sân nhà đầy cảnh sát , tôi hít hơi thở sâu đầu tiên từ khi tôi ra ngoài . Tôi biết ngay vấn đề và bảo cảnh sát tôi biết mùi nồng nặc phát sinh từ đâu . Ba người cảnh sát và một số hàng xóm đi theo tôi đến giàn phơi , đằng sau gara ôtô của cha tôi . Trước khi họ thấy cảnh tượng phơi cá của tôi , họ choáng váng bởi mùi nồng nặc và buộc phải quay chân .

"Đây là xác chết của anh" - người cảnh sát thường tuần tra khu vực của tôi đứng đằng xa và nói , chỉ tay vào những con cá đang thối rữa .

Sau khi mọi việc đã được giải quyết với cảnh sát và với những người hàng xóm tốt bụng của tôi , tôi hứa với họ rằng tôi sẽ tiêu huỷ những con cá càng sớm càng tốt . Tôi nhặt nhạnh những thứ còn lại của ba con cá hồi và bỏ chúng vào nồi . Bên ngoài nhà , tôi nhóm lửa và nấu những con cá này với lửa thật nhỏ , thật lâu cho đến khi chúng thật nát và hầu như biến thành chất lỏng . Tôi lược bỏ phần xác qua một chiếc rây và lại nấu tiếp . Cuối cùng , màu của chất lỏng trở nên giống màu mặt trời trước khi lặn xuống chân trời .Tôi đổ đầy chất lỏng vào một cái lọ , đậy nắp thật chặt và giấu nó trong phòng ngủ của mình .

Năm 1968 , ở cao nguyên Trung phần Việt Nam , một số người lính Việt Nam Cộng Hoà đã chia cho tôi ăn nhu yếu phẩm của họ , đã dạy tôi cách làm một loại nước từ cá lên men , loại nước giống như thuốc trường sinh bất lão diệu kỳ , như một phương thuốc chữa cho tất cả các loại bệnh thể xác và linh hồn . Đối với riêng tôi , mùi nước mắm đã trở thành mùi của đất nước Việt Nam khi tôi ở Mỹ và thương nhớ về đất nước thứ hai của tôi . Mùa xuân năm ấy , tôi làm nước mắm của riêng mình nơi sân sau của ngôi nhà cha tôi - một người công nhân làm ở xưởng chế biến sắt . Nước mắm ấy tôi đã đậy nắp thật chặt như một loại tinh hoa mà tôi cần phải mãi mãi giữ gìn . Tôi dùng nước mắm một cách bí mật cùng thức ăn , nhưng luôn luôn phải rất cẩn trọng vì mùi của nó rất nặng và vì cảnh sát đã đến thăm hỏi tôi chính vì cái mùi đó .

Sau rất nhiều năm , chiến tranh đã di trú vào tôi , mặc dù làm đủ cách để quên nó , có những điều cứ khắc sâu vào tâm khảm . Khi tôi ăn ở những cửa hiệu , nhà hàng Việt Nam trên đất Mỹ , tôi luôn nói với họ rằng hãy đừng cho tôi nước mắm kiểu Mỹ mà phải là kiểu chính hiệu Việt Nam . Tôi đã học được rằng thức ăn Việt Nam ngon hơn khi nấu với nước mắm ngon , hoặc chấm với nước mắm được pha khéo léo với đủ lượng tỏi , ớt , chanh , nước và đường . Từ một người hâm mộ nước mắm , tôi trở thành một người sành sõi khó tính , lùng sục những cửa hiệu châu Á ở Mỹ để tìm nước mắm ngon . Ở quê hương tôi , trong thập niên 1980 và 1990 , mặc dù người Việt bắt đầu di cư sang , rất khó tìm được nước mắm ngon .

Một số loại nước mắm hình như chỉ được pha bằng nước , muối và màu thực phẩm nhưng đã đánh lừa được những cái mũi to . Chỉ qua một quá trình tìm kiếm công phu , tôi mới tìm được những cửa hiệu tin cậy có thể cung cấp nước mắm tốt cho tôi . Thỉnh thoảng , khi nấu ăn mời bạn bè , tôi dùng một ít nước mắm để nấu những món ăn châu Âu mà họ yêu thích . Và thường sau bữa ăn , bạn tôi sẽ nói rằng thức ăn thật ngon và mùi vị rất đặc biệt , rồi hỏi "Anh đã dùng gia vị gì trong công thức chế biến đấy ...? Cái vị này rất đặc biệt" ... Tôi không bao giờ kể cho họ nghe . Cho đến hôm nay , tôi muốn giữ bí mật đó cho mình .
Tác giả : Bruce Weigl
Nguyễn Phan Quế Mai dịch