Sunday, May 30, 2021

 (12) NHÂN CHỨNG TRÊN ĐẠI LỘ KINH HOÀNG

Khi đi tìm nhân chứng của 1 chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên quốc lộ số 1. Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa.” Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền vào tên tuổi Phan nhật Nam.

Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy“ của đại tá pháo binh “Quân đội Nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành Đại lộ Kinh Hoàng.


Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 72. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng.


Anh phóng viên của bộ Thông Tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp trên DC. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên quốc lộ 1 qua lối này. Năm 2005 nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng không biết tay nào đặt cái tên Đại lộ Kinh Hoàng thật hay. Câu chuyện dừng tại đó vì Lê Thiệp cũng ra đi.  Một lần khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê huy Linh Vũ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con gái của trung tá Vũ là họa sĩ Hương Alaska có cho phép chúng tôi in lại cuốn này để tặng các bạn. Nhưng ông Vũ nay không còn nữa. 

Đại tá Hà Mai Việt, tỉnh trưởng Quảng trị thời kỳ 72 đã nói rằng: “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị trong tác phẩm Thép và Máu. Ông nhân chứng này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại 1 đêm giữa các xác chết.”

Sau cùng nhờ ông Hà mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu năm nay 68 tuổi quả thực là 1 người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 72 và trận 75.


Nói đến chuyện đất nước biết bao nhiêu địa danh nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả gia đình bỏ Nhan Biều mà đi. Ông Châu nói rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch viên cho ngành tình báo tại Đà Nẵng đang đi công tác về Ái tử.


Đến khi thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng 1 đứa cháu, dẫn vợ có bầu với 3 đứa con nhỏ, năm một, sáu, bẩy, tám tuổi. Tất cả vội vàng ra đi bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ Bắc của sông Thạch Hãn.


Vợ con đi trước 1 đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo 1 chiếc xe gỗ 2 bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy chiếc xe qua khỏi cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Đa số đi bộ vì đường tắc nghẽn nên không thể đi nhanh. Đạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó. Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng phần lớn nằm yên chịu trận. 

Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều lần. Bị thương rồi lại bị pháo rồi cũng chết. Biết bao nhiều người cố chạy cho thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô. Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu và đứa cháu chạy về phía Đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng 1 ngày pháo kích.

Đủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo 122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng súng được 1 lúc.Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng nước có cả phân trâu và máu người để uống. Khi trời tối dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ. Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi tìm xác thân nhân. 

Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện. Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Đêm hôm đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Đại lộ Kinh Hoàng. Hình như có đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ. Chung quanh toàn xác chết. Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi. Ông nghĩ rằng chắc xác vợ con cũng quanh đây. Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống đành phải bỏ lại 1 cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Đi đến cầu Dài gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt Nam chận lại. Khi biết chắc là không phải quân địch, ông trung úy thủy quân lục chiến phất tay cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn sẻ chết ngay tại chỗ. Đó là cái chết cuối cùng ông Châu chứng kiến tại Quảng Trị. Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu, thuộc thành phố Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ bầu đã dẫn 3 đứa con nhỏ đi xuống đường ven biển theo dân địa phương. Đoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo kích.


Vợ con dắt díu nhau đi suốt 1 ngày 1 đêm về đến Mỹ Chánh rồi được xe cho bà bầu quá giang về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho ông thêm 3 ngưới con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng năm nay đúng 37 tuổi, tốt nghiệp đại học và có gia đình cư ngụ tại miền đông Hoa kỳ.


Những bước chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 72 của bà mẹ mang bầu không biết có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời. Ông Châu nói rằng: Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu. Chỉ có đứa lớn nhất năm nay ngoài 40 tuổi là còn nhớ đôi chút. Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả. Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên 6 con. Bà thứ hai 3 con. Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả 3 cháu đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có 1 cháu. Năm nay cháu cũng 24 tuổi rồi. Bà sau này có 1 con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc không. Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời. 


Ông Châu nói rằng, cái đêm nằm ở đại lộ kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ rằng bây giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra sao. Làm sao tìm xác. Rồi chôn ở đâu. Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao nhiêu xác trẻ con, vợ con tôi đều trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người nào.

“Năm 1973 tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những gì tôi đã trải qua. Trận 72 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Đứng bên này dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu. Bên ta đã bị địch chiếm bờ Bắc, chỉ giữ được bờ Nam, đến 75 thì bờ Nam cũng chẳng còn.”

“Vâng thưa bác, năm nay em 67 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “quê ở Nhan Biều, bờ Bắc sông Thạch Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966 khóa 11 tại quân đoàn I. Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội CIA.


Sau đó em vượt biên rồi đoàn tụ. Trước sau 3 vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất đã sống với nhau 25 năm. Vâng, thưa bác đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có 1 ngày 1 đêm. So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào đâu.”


Đó là câu chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối cùng. “Ông có biết ai đặt tên Đại lộ kinh hoàng.” “Không đâu,” bây giờ ông gọi tôi là cụ. “Cụ với cụ Hà Mai Việt không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh hoàng thực đấy các cụ ạ.”  (Xem không ảnh: QL1A)


Tuy hỏi vậy, nhưng tôi đã tìm ra. Số là vào mùa hè năm 72 đó, có anh phóng viên trẻ tuổi bút hiệu Ngy Thanh cũng ra chiến trường Quảng Trị. Anh đã bỏ ra cả 1 ngày dài trên đoạn đường oan nghiệt. Chụp hình các xe cháy, các xác chết và có được 1 bộ hình hết sức đặc biệt. Khi về lại Saigon viết loạt bài phóng sự, anh có đặt tên là Đại lộ Kinh Hoàng. Câu chuyện làm xúc động độc giả tại thủ đô. Chủ nhiệm là chị Trùng Dương bèn cùng anh chị em quyên góp tiền bạc ra Trung tổ chức nhặt xác và chôn cất. Câu chuyên ngày đó có lẽ ai cũng biết, nhưng ngày nay ai cũng quên hết cả rồi. Hành động của báo chí và đồng bào tự nguyện đứng lên lo việc chung sự cho nạn nhân của đại lộ kinh hoàng là 1 câu chuyện ý nghĩa nhất trong phần nhân bản của trận Quảng Trị mùa hè 72.


Hai tháng sau đêm kinh hoàng của ông Phan văn Châu, quân miền Nam vượt sông Mỹ Chánh, phản công tái chiếm Quảng Trị. Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của 1 đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa 1 chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở đại lộ kinh hoàng vẫn là 1 hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được.


Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của 1 nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của quân đội Nhân dân, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tác phẩm “Mùa hè cháy” xuất bản năm 2005 tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122 pháo 130, pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên quốc lộ số 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.

Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.

    

Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

Định mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước.


Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây…


Giao Chỉ Vũ Văn Lộc


Trích trong: Ngày chiến sĩ trận vong 2021

Giao Chỉ, San Jose   giaochi12@gmail.com   (408) 316 8393

Monday, May 17, 2021

 Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u …
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt.
Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghiệu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
Nhưng có ai ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ.
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.
Ông đáp: - Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời
Hội cũ
Xin viết xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? – Cung trời hội cũ. Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? – “Giờ nao nức của một thời trẻ dại?”.
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ…
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh… Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi điều “phải nói” với mọi người “muốn nghe”, với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”.
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay là chẳng nghe.
Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả - par manque de justice interne.
Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.
Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: - “Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam, kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (……..) Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?”.
Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!
Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, ơn Thánh Đế đã dồi dào với Liệp Hộ như thế, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn cứ như thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.
Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời hội cũ.
Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay vì quá long lanh?
Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng niệm cho thơ.
Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ.
Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang…
Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?
Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng có về Sài Gòn tới chùa viếng ông, đem quà cho ông một đôi giép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ. Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
Mình là thân bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?
Phải có nhìn thấy gương mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzsche.
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tân thanh đoạn trường:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi:
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh
Tiết điệu cũng rời rạc như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi Xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm giã từ mọi yêu thương?
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn…
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường vôi nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.

* Trích:
Bùi Giáng - Đi Vào Cõi Thơ
Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969. An Tiêm tái bản lần thứ nhất tại Paris năm 1998. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Saturday, May 15, 2021

Sông Vĩnh Định

  Sông Vĩnh Định

*

         Sông Vĩnh Định (永定河) là một phụ lưu của sông Thạch Hãn, chảy theo hướng Đông Nam, từ làng Cổ Thành đến làng Xuân Viên, dài khoảng 20km, rồi nhập vào sông Ô Lâu, đổ ra phá Tam Giang.(Hình phải: sông Vĩnh Định đoạn chảy qua làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV).

     Tài liệu lịch sử để lại không thấy ghi tên sông mãi cho đến năm 1825, vua Minh Mạng cho đào 7.5km thẳng từ làng Câu Kênh cho đến hói Dét làng Trung Đan, nối giòng Ô Giang và đặt tên là Vĩnh Định. Từ đó giòng sông thiên nhiên này được mang tên là sông Vĩnh Định.

     Về địa lý, sông Vĩnh Định từ ngã ba làng Cổ Thành chảy quá 2.2 km đến Ba Bến,  sông chẻ giòng làm 2 :

             – Nhánh phụ dài khoảng 15 km từ Ba Bến chảy theo hướng tây bắc qua các xã thuộc huyện Triệu Phong: Triệu Thành,Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Độ, nhập cùng sông Thạch Hãn (và sông Hiếu) đổ ra Cửa Việt .

           – Nhánh chính, nguyên thủy khi chưa đào(xem không ảnh) chảy theo hướng đông nam. Từ Ba Bến sông chảy khoảng 2.3km thì gặp sông Nhùng từ phía Tây huyện Đa Krông đổ xuống tại làng Văn Vận (xã Hải Quy), chảy qua các làng Trà Trì, Phú Xuân, Trà Lộc, Duân Kinh, La Duy(xã Hải Xuân), Ngô Xá Đông, Xuân Dương, Tam Hữu (xã Triệu Trung),Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi(xã Hải Ba) đến Hội Yên(xã Hải Quế),qua các làng mạc giữa 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng (cập nhật bổ túc).


         Tại ngã 3 Hội Yên, sông Vĩnh Định lại chia 3 nhánh :

    – Nhánh Tân Vĩnh Định là chính, dài khoảng 6km chảy song song quốc lộ 49C (Tỉnh lộ 68 cũ)và bờ biển, cách bờ biển  khoảng hơn 6km, đoạn sông này từ ngã 3 Hội Yên chảy qua các làng Đơn Quế, Kim Long (xã Hải Quế) và Kim Giao, Diên Khánh, Đông Dương, An Nhơn, Xuân Viên (xã Hải Dương), đổ ra sông Ô Lâu, đi thuyền thêm khoảng 12km thì đến phá Tam Giang (Xem bản đồ Ray Smith/Street Without Joy ở dưới). Ngoài ra còn 2 nhánh phụ:

    – Nhánh Cựu Vĩnh Định Bắc dài khoảng 5km từ Hội Yên chảy qua các làng Trung Đơn, Kim Sanh, Phước Điền (xã Hải Thành)rồi cũng đổ ra sông Ô Lâu. Nhánh này nay giòng chảy đã bị bồi đắp.

    – Nhánh Cựu Vĩnh Định Nam dài 4km, được đào 2km từ Hội Yên đến Hói Dét, Trung Đơn(1825) nối sông Ô giang, phụ lưu sông Ô Lâu chảy ra tới xóm Càng,Trung Đơn . Cửa 2 nhánh sông Cựu Vĩnh Định Bắc và Nam này ở sông Ô Lâu cách nhau hơn 3km, ôm trọn ranh giới xã Hải Thành dọc sông Ô Lâu.


       Sông Vĩnh Định là sông thiên nhiên từ bao đời, nhưng do bị bồi đắp hằng năm, nên qua lịch sử có ghi lại như sau:

        – Tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Trung Đan, chúa đích thân ra xem.

        – Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lại cho đào kênh Trung Đan.

        – Năm 1819 vua Gia long, cho khảo sát đào sông Vĩnh Định, năm sau Vua băng hà(1820), phải đến 5 năm sau vua Minh Mạng mới kịp cho đào.

              Tháng 3 năm 1825, vua Minh Mạng cho đào đoạn sông mới thẳng tắp 7.5km(như con số 1) từ  Câu Kênh(Duân Kênh) đến Trung Đan(hói Dét,Trung Đơn), qua các làng Lam Thủy, Thi Ông, Cu Hoan, Hội Yên . Chiều dài đoạn sông này là: Câu Kênh-Hội Yên 5.5km, Hội Yên-Trung Đan 2km, nối sông Ô Giang (17 năm sau khi đào xong, năm 1842 vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, vào địa phận tỉnh Quảng Trị theo đoạn sông này, trạm đầu ghé lại nghỉ tại làng Trung Đan, và có bài thơ Trung Đan tọa lạc ngọ đình, bài thơ được khắc in trong Ngự chế Bắc tuần thi tập. Cùng theo vua Thiệu Trị trong chuyến Bắc tuần này có  quý phi Từ Dũ, mà con trai trưởng là  vua Tự Đức sau này tôn lên làm Hoàng thái hậu(1849).


          Lý do nhà Vua cho đào đoạn sông mới là vì, dòng sông cũ từ ngã ba làng Câu Kênh, La Duy, Ngô Xá Đông quật góc gần 90°, giòng sông khúc khuỷu(như con số 3) dài khoảng 5.5km chảy qua các làng La Duy, Xuân Dương, Tam Hữu, Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi, Hội Yên bị bồi đắp, nước khó thoát, gây lũ lụt trầm trọng. Sau năm 1825 khi đã đào xong sông mới thì đoạn sông cũ chảy qua các làng này, được gọi là(xem không ảnh) Sông Vĩnh Định  cũ hay Cựu hà Vĩnh Định.

           Nguyên chú văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề dựng tại Cồn Đống, bên bờ sông Vĩnh Định viết:.. 前後 三月零十八日始成命為永定河 …tiền hậu tam nguyệt linh thập bát nhật thủy thành, mệnh vi Vĩnh Định hà… Đào 3 tháng 18 ngày thì xong, bèn đặt cho tên là sông Vĩnh Định.

           Việc đào sông Vĩnh Định, Đại Nam Thống Nhất Chí ghi :

     …”Năm Ất Dậu Minh Mệnh thứ 6(1825), sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc dân phu khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan dài 1.720 trượng (một trượng bằng 4,7m), ba tháng thì xong, bèn cho tên hiện nay. Năm thứ 17, xa giá đi tuần Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ phía nam sông; cùng năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc hình sông vào Thuần đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1844) xa giá Bắc tuần, có thơ ngự chế khắc vào bia dựng ở bờ sông”.

         Công tác đào sông do Phan Văn Thúy (1758-1833), người làng Đạo Đầu, một trong 13 danh tướng triều Nguyễn đốc công chỉ huy và Nguyễn Hữu Thận (1757-1831),Thượng thư bộ Hộ, người làng Đại Hòa, phủ Triệu Phong phụ trách cung cấp tiền bac, lương thực, thuốc men.

     Các Châu Bản Triều Nguyễn còn lưu trữ được các bản tấu về việc thi công như sau :

      – Phan Văn Thúy cùng các quan bản địa xem xét, điều tra địa thế,  đào thử vài đoạn khảo sát đất cát tầng đáy,  cắm tiêu ghi chú…chiều ngang 6 trượng, chiều sâu gần 1 trượng tùy chỗ, đốc công 2.000 dân phu Huế và 1.700 dân phu Quảng Trị, đào sông.

     – Nguyễn Hữu Thận, cấp tiền, gạo hàng tháng ngay tại công trường. Ngoài ra, Vua còn chỉ dụ việc cấp phát thuốc men, cử toán lương y chăm sóc dân phu tại chỗ.(hình phải) theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh .

      Văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề, có ghi liệt kê tổng kinh phí đào sông:

    – Tiền : hơn 6 vạn 4 nghìn 6 trăm quan .

    – Thóc: hơn 2 vạn 9 nghìn 4 trăm phương.

     Cũng nên thêm là năm Ất Dậu 1825, vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên gặp thiên tai, nắng hạn, mất mùa đói kém, dân không có việc làm nên việc đốc công đào sông gặp thuận lợi. Công dân phu được trả bằng thóc và tiền tại chỗ hàng tháng. Đất mặt bằng trưng dụng đào sông, nhà cửa, mồ mã nếu có, di dời được bồi thường thỏa đáng, dụng cụ cuốc xẻng xuất tiền công mua sắm, không đụng đến của dân. Nhà Vua viết: Từ vất vả khó nhọc một lần, để hưởng lợi muôn đời(Khởi đạn nhất thời lao, vụ kì vạn thế lợi).

            Tại xóm Cồn Đống, làng Cu Hoan hiện còn hai tấm bia cao 2m, rộng 1m tạc ghi :

     – Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề (御製過永定河題) của vua Minh Mệnh năm thứ 17 (1836) lược thuật quá trình đào sông và thơ của Vua ca ngợi cảnh đẹp của sông (hình phải).

      – Quá Vĩnh Định hà cảm tác (過永定河感作) thơ cảm tác của vua Thiệu Trị, năm thứ 2 (1842) khi tuần du qua sông.

        Đầu đời 2 triều Nguyễn(1802-1841), sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, nước ta vốn thái bình thịnh trị, nhất là dưới triều vua Minh Mạng(1820- 1841),quân sự hùng manh, kinh tế phát triển, xã hội ổn đinh…Về mặt văn hóa mỹ thuật, năm 1835 nhà Vua cho đúc Cửu đỉnh, là 9 cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, trong đó Thuần đỉnh  đúc nổi hình 2 con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định(hình phải).

     Danh xưng đơn vị hành chánh Quảng Trị thời gian này là doanh Quảng Trị, năm 1827 đổi thành Trấn, năm 1832 đổi thành Tỉnh và lập bản doanh tại làng Thạch Hãn. Tương truyền trong thời gian này, vị thế ngã 3 sông Vĩnh Định là La Duy-Duân Kênh-Ngô Xá Đông cũng là địa điểm tỉnh lỵ thứ nhì nằm trong dự tính của vua Minh Mạng.

     Sau khi đào sông xong(1825), thỉnh thoảng tiếp tục công tác nạo vét sông vẫn được tiếp tục thực hiện, Châu bản triều Nguyễn ghi chép :

   – Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3(1844)Vua cho khai vét một vài đoạn trên sông.

   – 42 năm sau, năm 1867 vua Tự Đức thuận theo tờ tấu của bộ Công, cho nạo vét lại giòng sông.

    – Niên hiệu Kiến Phúc năm thứ 1(1884) Vua cho nạo vét giòng sông cũ(cựu Vĩnh Định hà)đoạn qua các làng  Câu Hoan, An Thư, An Thái vì sông cũ bị bồi lấp nhiều, không khơi thì ruộng bị nước ngập, dân bốn tổng ấy xin xuất tài lực, thẳng khơi một đoạn ở hai xã Kim Lung, Kim Giao, lược vét một đoạn từ xã Kim Long đến xã Hội Yên đều cho phép làm để tiện việc cấy ruộng mùa.

    – Năm 1897, vua Thành Thái cho nạo vét lại sông, đoạn từ làng Đồng Dương, Diên Khánh, Kim Giao thuộc xã Hải Dương qua thôn Kim Long, Đơn Quế, Hội Yên thuộc xã Hải Quế, đến Đa Nghi, xã Hải Ba nhằm khai thông sinh thái và môi trường khu vực này, vốn bị thiệt hại sau hơn 70 năm từ khi có sông đào 7.5km, như đã nêu trên.

     - Trong khoảng thời gian 3 năm từ 1926 đến 1929, Tri phủ Hải Lăng là Ngô Đình Diệm, sau này là Tổng Thống Đệ Nhất Cọng Hòa(1956-1963), có cho đào vét đoạn sông này từ Hội Yên đến hói Dét.
 
Thời vua Đồng Khánh, năm 1887 có soạn bộ Đồng Khánh Dư Địa Chí 25 tập gồm địa lý các tỉnh tại Bắc Kỳ và Trung Kỵ. Về tỉnh Quảng Trị có “Đăng Xương,Hải Lăng nhị huyện đồ”là bản đồ 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng hiện nay, trong đó vẽ rõ Cựu hà và sông đào Vĩnh Định.(Hình phải: Đăng Xương,Hải Lăng nhị huyện đồ)
 
     Tưởng cũng nên biết rằng trong số 8 con sông đào trong thời gian 30 năm đầu của 3 triều Vua nhà Nguyễn, có 3 con sông được đặt tên đầu bằng chữ Vĩnh, ngụ ý mong muốn về lâu dài là:

      – Kênh Vĩnh Tế, dài 90km nối Châu Đốc và Hà Tiên, đào năm 1819 thời cuối triều vua Gia Long.

     – sông Vĩnh Điện dài 12km từ đầu ngã sông(xem không ảnh) Thu Bồn đến cầu Tứ Câu, xã Điện Ngọc. Vua Minh Mạng cho đào vét, nới rộng 2 lần(1822,1824), khơi thông giòng từ Câu Nhí đến Cẩm Sa, dài 1.647 trượng tức khoảng 7.7km, để thông nước 2 hệ thống sông Thu Bồn và sông Vu Gia.

     – và sông Vĩnh Định .

      Nên thêm rằng đoạn sông đào mới 7.5km từ Duân Kênh đến Trung Đơn, tạo vẻ trù phú thêm vùng đất này, là lý do để 2 làng Thuận Nhơn và Thuận Đức được thành lập trong thời kỳ này.

        Theo chiều dài lịch sử đến giữa thế kỷ 20 có Kiến trúc sư Nguyễn Thụy(1907-1998), người làng Xuân Dương, xã Triệu Trung, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 1945-1946, khi là Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết tỉnh Quảng Trị, đã cho đào một con sông nhỏ từ  sông Vĩnh Định, tại địa đầu giữa 2 làng Ngô Xá Đông và Ngô Xá Tây cho đến làng Đồng Bào dài khoảng 3,5 km, khúc sông này được gọi là Sông Mới và nhờ đó cả một vùng đất trong vùng này trước đây do thiếu nước nên cằn cỗi, sau đó đã trồng được hai vụ lúa và đất đai tốt hơn.(Hình phải: Bản đồ tỉnh Quảng Trị)

      Hiện tại trong các bài viết về tỉnh Quảng Trị, có tác giả Lê Quang Thái, trong bài Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ lùng đăng trên tạp chí Cửa Việt(2014) viết:

(…”Tháng tư năm Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16 (1835) nhà Vua ngự ở từ kinh đô ra hành cung trong thành Quảng Trị bằng đường thủy. Từ Huế theo Sông Hương, sông Gia Hội ra Phá Tam Giang rồi theo sông Vĩnh Định đến sông Thạch Hãn.

        Vua bảo với các quan hầu rằng: “Ngày trước ta đi thuyền đến địa phận xã Ngô Xá, trông thấy một người đàn bà già, sai hỏi tuổi thì người ấy nói rằng đã 117 tuổi chưa biết có xác thực hay không, nhưng đại phàm người chỗ mạch đất núi sông thanh tú thì phần nhiều thọ, hoặc già cũng có lý đấy”…

     Lịch sử ghi lại các cuộc chiến trên dòng sông Vĩnh Định như sau :

     –  Tương truyền năm 1572 danh tướng nhà Mạc, Lập Bạo bị chúa Nguyển Hoàng lập kế bắt tại bờ sông Thạch Hãn, bên làng Ái Tử, Lập Bạo đã nhảy xuống sông, lặn từ đây đến làng Xuân Viên tiếp giáp sông Ô Lâu, nhưng cũng không thoát khỏi bởi chim trảo trảo bay theo phát giác và bị bắt, từ đó Chúa cho lập miếu trảo trảo.

      –  Cuối bán thế kỷ vừa qua, sau cuộc hành quân Sauterelle năm 1952(trận Thanh Hương) đến  Camargue của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương chống lại Trung đoàn 95/QT từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 1953 mà chính là trên đoạn đường tỉnh lộ 68 cũ hay là quốc lộ 49C hiện nay, dọc theo sông Vĩnh Định dài khoảng 15km, bắt đầu từ làng Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên qua giao điểm quốc lộ 49B và 49C hiện nay cho đến làng Phú Hải, xã Hải Ba, và giao tranh dữ dội nhất là tại làng Đơn Quế mà ký giả nổi tiếng Bernard Fall  khi đó là phóng viên chiến trường, đã đặt tên là Con Đường Buồn Thiu(La Rue Sans Joie) và cũng tại đây 14 năm sau, tháng 2 năm 1967, Bernard Fall  tử thương vì dẫm phải mìn trong cuộc hành quân Operation Chinook II của quân đội Mỹ.(Xem bản đồ của Ray Smith bên phải về Con Đường Buồn Thiu, để thấy Sông Cổ Hà(Cựu hà Vĩnh Định, cạnh thôn Tam Hữu), Tân Vĩnh Định, Cựu Vĩnh Định Bắc, Cựu Vĩnh Định Nam, trên địa phận xã Hải Thành).

     Con Đường Buồn Thiu (dài khoảng 15km)năm 1953 và Đại Lộ Kinh Hoàng(Highway of Horrors) khoảng 9km, từ cầu Trường Phước đến quá cầu Bến Đá) năm 1972 là những nghiệt ngã trong chiến tranh Việt Nam mà dân Quảng Trị đã phải hứng chịu trên trên địa bàn của giòng sông Vĩnh Định, sông Nhùng và sông Bến Đá.

     Các sự kiện diễn biến cuộc sống cư dân trên vùng đất này là đề tài âm nhạc được sáng tác như, nhạc sĩ Nhật Ngân có viết bài  Con đường buồn thiulà đoạn đường sinh tử, chết chóc,  đau buồn, trong chiến tranh Việt-Pháp năm 1953.

   Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bài Đưa Em Xuống Thuyền(do Ái Vân, con dâu làng Xuân Dương hát) theo lời kể của Ông, mô tả đám cưới người anh của nhạc sĩ vào đầu thập niên 40 thế kỷ vừa qua, thuyền rước dâu trên giòng Vĩnh Định, từ làng Thi Ông, Hải Lăng đến làng Bích Khê, Triệu Phong.

     Hệ thống sông ngòi tỉnh Quảng Trị gồm 7 sông, nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống sông “Bến Hải-Thạch Hãn-Ô Lâu” chạy dọc  theo chiều dài tỉnh từ sông Ô Lâu tới sông Sa Lung(huyện Vĩnh Linh) các thế kỷ trước, là thủy lộ từ kinh đô Huế ra Bắc, ngắn và an toàn hơn đường biển.

             Sông Vĩnh Định nối sông Thạch Hãn và Ô Lâu chảy vô phá Tam Giang, nhánh phụ sông Vĩnh Định cũng nối sông Thạch Hãn(và sông Hiếu) đổ ra biển Cửa Việt, sông Cánh Hòm nối sông Hiếu và sông Bến Hải là thủy lộ thuận tiện hàng đầu từ thế kỷ 19 trở về trước, trục thị tứ sầm uất thời kỳ này là chợ phiên Cam Lộ, thị xã Quảng Tri, chợ Sãi, chợ Ngô Xá, rồi đến Chợ Sịa, chợ Bao Vinh thuộc tỉnh Thừa Thiên.

          Dĩ nhiên, so với sau này ở cuối thế kỷ 20, khi khoa học kỹ thuật phát triển, với xe hơi, xe lửa thì vai trò vận chuyển bằng đường thủy, trên sông ngòi khắp mọi miền đất nước trở nên yếu kém hơn, không riêng gì trên thủy lộ. Nhưng thử nghỉ, tự hằng trăm năm trước, cho đến khi Quốc lộ 1 được người Pháp cho làm từ năm 1918, thì con đường bộ Nam-Bắc là con đường Thiên lý, con đường cái quan nhỏ hẹp băng qua những vùng ít dân cư, lắm thú dữ, và chưa có xe cộ, thì rõ ràng vai trò vận chuyển trên đất liền bằng đường sông là chiếm ưu thế và tiện dụng.(Hình phải: Quốc lộ 1A trước năm 1918 khi chưa làm, chỉ là con đường cái quan thiên lý).Cũng vậy, đường xe lửa Bắc-Nam từ Hà Nội đến Saigon dài 1.730 km, chạy dọc theo quốc lộ 1, hoàn thành và được đưa vào xử dụng vào năm 1936.

      Sông Vĩnh Định không chỉ là nguồn nước chảy, sông Vĩnh Định còn mang theo cả tinh thần cuộc sống của cư dân 2 bên bờ. Tiếng chuông chùa ngân nga buổi sáng, vang vọng kinh cầu buổi chiều tại các giáo đường, tiếng hát câu hò trên đò doc, hay tiếng đập loong coong xúc cá của vạn chài... là những kỷ niệm êm đềm vốn có và là tưởng niệm muôn đời của những ai đã từng sinh sống tại đây(Hình phải:Bến nước làng Trà Lộc, nhìn sang từ bến Miệu làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV)Tính từ năm 1825, đến nay là đã 196 năm, thế hệ Baby boomers sinh sau thế chiến thứ 2, đặc biệt được chứng kiến sinh hoạt cùng các cư dân, làng mạc dọc theo giòng sông Vĩnh Định rõ nét cùng hoài niệm dòng sông đã mất bởi công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, trong ngậm ngùi tiếc nuối một thời, một đời.

       Công trình dẫn thủy nhập điền đập Trấm năm 1977 rất đáng được ghi nhận, tuy thế việc ngăn chặn giòng chảy của sông Vĩnh Định tại đập An Tiêm là một thiếu sót khoa học kỹ thuật chuyên môn và công tác dẫn thủy nhập điền, trị thủy của gần nửa thế trước là do điều kiện khó khăn tạo nên như thế. Nay tình thế đã khác, thiết nghĩ cư dân 2 bên bờ sông cùng chính quyền sở tại, nên có các cuộc thảo luận , trao đổi để đi đến quyết định chuyên môn là, điều chỉnh  đập An Tiêm, điều hòa lưu lượng nước, khơi thông giòng chảy, nạo vét giòng sông…giải quyết môi trường môi sinh khu vực, phát huy chức năng cũ của giòng sông về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế…tránh thảm họa lũ lụt, thoát khỏi  dịch bệnh do ô nhiễm, tái tạo sinh thái 2 nhánh phụ và chính của sông Vĩnh Định với hơn 100.000 cư dân sinh sống tại đây. Vấn đề là kinh phí nhưng có thể xin thêm các quỹ quốc tế tài trợ nếu tự túc còn thiếu và điều này không khó. Hạ 1 cây che bóng mát đã là một điều bất nhẫn, huống là ngăn chặn một giòng sông. Cứu lấy giòng sông là cứu lấy chúng ta.

        Và nếu được  như thế, hãy tưởng tưởng một ngày nào đó, thử ngồi thuyền máy theo tours du lịch Quảng Trị, đi từ mạn Nam tỉnh nhà tại làng Xuân Viên bên sông Ô Lâu, theo giòng Vĩnh Định, đổ qua sông Thạch Hãn, ra sông Hiếu, vượt sông Cánh Hòm, đến sông Bến Hải, theo giòng Sa Lung, dừng chân ở Hồ Xá, huyện lỵ Vĩnh Linh… chúng ta như được sống lại cùng tổ tiên từ hằng trăm năm về trươc, nhất là từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận-Quảng  tại Ái Tử năm 1558, mở đầu công cuộc Nam tiến.

        Xin ghi chú thêm rằng, cùng mục đích bài viết này là, để điều chỉnh các sai lệch thuộc tài liệu về sông Vĩnh Định vốn có trong sách vở và trên internet, đặc biệt hiện nay, vì tam sao thất bổn trong suốt thời gian dài 196 năm, đồng thời  cũng là để tưởng nhớ những em bé bơi lội, các bà chị, bà mẹ giặt giủ bên sông, các bác nông phu ra đồng sau ngày cày cấy, ra bến sông tắm rữa, bầy trâu mẹp, làn hơi nước tỏa trên sông buổi sớm, âm vang tiếng hò lãng đảng trong đêm trăng… cứ thế, qua nhiều thế hệ xưa nay… từ đó, rất mong muốn được mọi người, mọi giới đặc biệt các sinh viên tỉnh nhà, nếu có dịp nên viết, làm luận văn tốt nghiệp về đề tài này, để xem xét lại, hoàn thiện và quy củ hơn chủ đề Khơi Lại Giòng Sông Vĩnh Định, bảo đảm môi trường môi sinh và sinh thái vùng đất của lòng người, trong lòng lịch sử, thì không có gì quý hơn. Đa tạ.

 Boston, ngày 9 tháng 3 năm 2021

Trương Thúy Hậu

@hoidonghuongquangtri

Viết theo các tài liệu trên internet dẫn giải trong các insert links, cùng không ảnh từ vệ tinh do Google chụp.

Xem thêm :

Nhớ về sông Vĩnh Đinh