Sunday, June 27, 2021

 ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN

TỈNH GIANG TÔ, TRUNG QUỐC 2019


"Đề:(Hình phải)- Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn không dưới 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).

Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."

VÀ ĐÂY LÀ BÀI LÀM ĐÃ ĐẠT ĐIỂM TUYỆT ĐỐI 150/150

"Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác".
Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, cậu luôn hăm he làm thịt nó.
Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.
Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần tuý cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hoà lại càng tốt hơn.
Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn.
Vật đã thế, con người càng thế...
Tả Truyền từng viết, tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.
Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?
Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.
Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.
Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hoá. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hoà thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: “Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hoà bình.”
Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hoà hợp.
Từ bản thể triết học mà nói, hoà hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: “Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hoà hợp.”
Từ góc độ triết học mà nói, hoà hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: “Những kẻ biết hoà hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ”. Hoà hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.
Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hoà hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: “Quân tử hoà hợp nhưng cũng khác nhau.” Chỉ khi thuận theo quy tắc hoà hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.
Hoà hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.
Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hoà. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất.
Từ Tiểu Bình từng nói: “Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất.”
Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hoà, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.
Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hoà hợp, chỉ là điều hoà, không phải hoà tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.
Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hoà vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hoà!

Saturday, June 19, 2021

 LẰN RANH THIỆN ÁC.


Khoảng năm 1979, anh Vương Thanh (anh rể bạn dì với tôi ) bị bắt vô công an Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) khi khám trong mình anh có ma túy. Dĩ nhiên là anh khai số ma túy này không phải là của mình, còn tại sao nó có trong túi thì anh không biết.

Bị nhốt gần một năm thì anh được chiếu cố cho ra bên ngoài cùng với 1 người bạn tù cũng có hoàn cảnh giống như anh. Nhiệm vụ của hai anh chàng cũng nhẹ nhàng, sáng theo anh nuôi ra chợ xách thức ăn, trưa về rửa chén hay chẻ củi gì đó, tranh thủ nhận mua các thứ cho mấy anh chàng đang kẹt bên trong kiếm chút hoa hồng (thời đó mua bánh trái, thuốc hút đem vô phòng giam cũng chưa bị cấm). Những người được ra lao động bên ngoài như vậy cũng là cách cho biết mình sắp được trả tự do rồi nên đâu có ai ngu mà trốn. ( Ban ngày được cho ra ngoài để làm những việc lặt vặt tối cũng bị nhốt trong phòng)

Anh Thanh cũng biết vợ con mình đã đi vượt biên, bởi vì anh là người chồng bê tha khi vướng vào nàng tiên nâu, anh cũng tự hứa với lòng là sau khi cải tạo lần này anh quyết tâm sẽ làm lại cuộc đời, thằng bạn tù nó cũng hứa giống như anh vậy. Nhưng hứa vậy thôi chứ có làm được hay không là một chuyện khác.

Một đêm nọ, có nhóm người vượt biên bị bắt đem về nhốt ở Công an huyện. Đa số là dân Sài Gòn, trong đó cô một cô bé xinh xắn dễ thương có nụ cười hiền, buổi sáng cô nhờ anh mua giùm đồ ăn thức uống.

Cô hỏi :
- Anh có thể kiếm giùm em cây viết và một tờ giấy trắng không anh?
Dĩ nhiên chuyện đó là chuyện nhỏ, khi nhìn không có ai cô mới nói:
- Em có người chú tên C, là tiệm trồng răng ngang cái Chùa Bà ở chợ anh biết không?

Anh gật đầu, cô gái nói tiếp:
- Anh mang thư này đến cho chú em gấp, em sẽ mang ơn anh suốt đời.

Anh Thanh khẽ gật đầu rồi xin phép ra ngoài cùng thằng bạn tù đi đến nhà anh C nhưng hiếu kỳ nên hai chàng mở thư ra xem. Vừa đọc nội dung lá thư hai chàng trố mắt nhìn nhau.

Thư viết :
"Chú C con là ... tối qua con vượt biên bị bắt tại xã Mỹ Hòa và bây giờ con đang bị giam tại công an huyện, ngay cây cầu ván xuống bờ sông ở truóc ủy ban xã Mỹ Hòa phía bên trái có bụi cỏ lớn, ngang tấm ván thứ 5 từ trên xuống, con giấu bọc vàng nơi đó. Nhận thư chú ra đó tìm bọc vàng và cất giùm con. Đó là tất cả tài sản của con, khi bị bắt, con tranh thủ giấu khi xin đi vệ sinh".

Từ bến đò Bình Minh ra uỷ ban Mỹ Hòa đò chạy tầm 30 phút, 9 h 30 đò chạy... thằng bạn của anh lẩm bẩm tính một lúc rồi hỏi :

- Mày thấy sao? Tao và mày ra tù lấy gì mà sống? Hai thằng mình bây giờ thằng nào cũng như thằng nấy. Nghề nghiệp không, nhà cửa không. Muốn làm ăn lấy vốn đâu ra? Hay là sẵn dịp này mình vớt cú chót... nếu được nhiều mình sẽ tìm đường đi vượt biên luôn.
Anh Thanh ngập ngừng trước lời đề nghị hấp dẫn của thằng bạn tù. Nhưng đó là tài sản của cô con gái dễ thương kia, thật lòng anh không muốn làm chuyện ác.

Thằng bạn nói thêm :
- Mày lo gì, đúng 10 giờ tao đem thơ lại nhà cho ổng, lúc đó mày đi đò tới đó rồi. Ổng ra tới đó kiếm không gặp thì thôi, thư mình cũng đưa rồi mà. Nếu không gặp thì ổng nghĩ chắc bị công an tìm được, hay người nào đó vô tình lượm được, hay sóng đánh trôi đi... mày lo nghĩ gì nữa?

Thằng bạn đưa anh xuống đò, nó dặn:
- Mày nghe lời tao chỉ một lần này nữa thôi, rồi sau này mày nói gì tao cũng nghe lời mày. Nhớ nghen, đúng 10 giờ là tao đưa thơ cho ông C đó.

Đò chạy về hướng Trà Ôn, chỉ 30 phút là tới uỷ ban Mỹ Hòa nơi có cây cầu ván. Ranh giới mong manh giữa Thiện và Ác trong con người anh đang đấu tranh nhau.

Ác hay Thiện?
Chưa bao giờ anh thấy muốn làm thiện khó đến như vậy? Mà nói là ác thì có gì đâu mà ác? Mình và cô bé đó chỉ mới biết nhau thôi mà. Cứ xem như ai đó... thí dụ như một tay giăng câu hay đặt lờ nào đó đã gặp thì đã sao? Nhưng mình đã hứa với lòng sẽ làm con người tốt rồi mà...

Tiếng của anh chủ tàu vang lên:
- Tới uỷ ban Mỹ Hòa có ai lên không?
Anh Thanh cắn chặt môi làm thinh... chiếc tàu đò chạy thẳng về hướng Trà Ôn. Khi con tàu chạy xa cây cầu ván anh bỗng thấy một cái gì lạ lắm, hình như có một cái gì đó làm cho lòng anh nhẹ tênh và lúc đó anh mỉm cười rồi gật gù:
- Đội ơn Chúa, có lẽ con đã là người tốt rồi.

Chiều hôm đó anh lí nhí nói với thằng bạn :
- Tao mệt quá nên ngủ quên mày ơi.
Nó làm thinh nhìn anh bằng nửa con mắt, chắc là nó giận lắm. Có khi nào nó nghĩ anh hớt tay trên nó không nhỉ?

Vừa bước về phòng giam cô bé trơ mắt nhìn anh như ngầm hỏi : Anh đã đưa thư giùm em chưa? Anh khẽ gật đầu.

Sáng hôm sau hai người bạn đi ra chợ làm nhiệm vụ như mọi hôm, nhưng không ai nói với ai câu nào, gặp anh C anh vồn vã mời cả hai ghé cà phê ăn sáng anh cho biết :
- Anh đã ra tới đó, đã tìm được bọc vàng của nhỏ cháu ruột mình. Anh không ngờ hai chú đều là người tốt.

Khi cả hai đang ăn tô hủ tíu anh C nói nhỏ :
- Cả chục cây đó hai chú...
Nghe vậy anh Thanh lạnh cả sống lưng nhìn sang thằng bạn thấy nó nhếch miệng cười, chắc nó hận mình lắm chứ chẳng chơi.

Anh C gởi tặng cho mỗi chàng một cây thuốc Đà lạt, anh gởi một mảnh giấy nhờ đưa cho nhỏ cháu của mình, trong đó chỉ vỏn vẹn 1 chữ: Xong.

Tới nhà giam chưa kịp đưa thư thì thằng bạn của anh nó giành lấy lá thư rồi nó... đưa cho cô gái, đọc xong đôi mắt cô sáng rực lên nắm chặt tay nó... cô lắp bắp :
- Em cảm ơn, em biết hai anh là người tốt mà.

Tới chiều khi ngồi hút điếu Đà lạt thằng bạn nó mới vỗ vai anh rồi nói:
- Tao cảm ơn mày đã ngủ quên để cho tao được làm người tốt.

Lúc nghe nó nói như vậy anh Thanh đã nhẹ cả lòng, anh cứ ngỡ nó giận anh, nhưng không ngờ nó cũng là một con người không đến nổi nào.

Làm người tốt thì đôi khi không dễ chút nào, ranh giới giữa Thiện và Ác lúc nào cũng mong manh. Trong vài giây phút chỉ cần một quyết định đúng ta sẽ trở thành một Thiên thần, một quyết định sai ta sẽ trở thành con Ác quỷ. Anh Vương Thanh không hẳn là một người tốt nhưng chuyện lần đó của anh đáng cho chúng ta ca ngợi anh đúng không không các bạn của tôi.

Bùi Trung

Friday, June 4, 2021

 CON ĐƯỜNG HẠ CHAO NGHIÊNG

Anh đã về nhưng chẳng gặp được em
Con đường Hạ bây giờ hiu quạnh quá!
Nơi ta vẫn thường ngồi trên ghế đá
Có tiếng cười nào còn đọng lại đây không?
Nắng Hạ vàng đang trải thảm mênh mông
Thương hạt mưa chiều nghiêng vai em ướt
Đâu bóng áo dài trong chiều tha thướt?
Đợi anh cùng chầm chậm bước sau lưng.
Những cánh phượng hồng còn hé nụ bâng khuâng
Nhưng tiếng ve sầu đã khan dần giọng hát
Bãi ngô non bên triền sông bát ngát
Vẫy ngọn gió nồm cho những cánh diều bay.
Ghé lại thăm trường giữa buổi chiều nay
Im ắng quá, dọc hành lang trống vắng
Anh vào lớp, vẫn bảng đen, phấn trắng
Tưởng còn em, trên bục giảng dịu dàng...!
Tờ giấy ngày xưa em để dưới hộc bàn
Những nét mực đã mờ dần theo năm tháng
Đợt về phép cũng sắp ngày hết hạn
Chưa gặp em, nên đi, ở... cũng chần chừ.
Bài thơ tình đã hóa những dòng thư
Anh viết vội trao nhờ người hàng xóm
Con đường Hạ giờ này đang chớm
Giọt mưa nghiêng em để lại hơi buồn.
Chạnh lắng lòng nghe đổ mấy nhịp chuông
Ngôi chùa cổ, nơi mình hay khấn nguyện
Anh còn phải quay về nơi chiến tuyến
Nặng bên lòng... con đường Hạ... chao nghiêng...!

Phan Hoà

Wednesday, June 2, 2021

 NƯỚC MẮM CỦA RIÊNG TÔI


Tác giả : Bruce Weigl

Giáo sư Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thi ca Mỹ . Sinh ngày 27-1-1949 tại Lorain , Ohio , ông từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến 1968 và đã chứng kiến những sự thật kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam . Trở về sau cuộc chiến , ông tìm đến văn chương như một sự cứu rỗi linh hồn . Sau tập thơ đầu tay Một mối tình (1979) , ông là tác giả của 13 tập thơ riêng và quyển hồi ký nổi tiếng mang tên Vòng tròn của Hạnh . Giáo sư Bruce Weigi nguyên là chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia , chủ tịch hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ . Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học . Tập thơ Bài hát bom na-pan viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer .

Nước mắm của riêng tôi là một trong những câu chuyện có thật mà ông viết riêng cho tập sách Khi mưa thôi nã đạn . (After the Rain Stopped Pounding) Nguyen Phan Que Mai dịch
Image

Tôi ngửi thấy mùi nước mắm lần đầu tiên trong lúc tên lửa và đạn cối pháo kích dữ dội tại một nơi chúng tôi đặt tên là Trại Evans , một căn cứ của lữ đoàn kỵ binh bay số 1 , trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam , cách Huế 35 km về phía bắc theo quốc lộ số 1 .

Đối diện với hầm trú ẩn của chúng tôi - cái hầm đã cứu mạng chúng tôi rất nhiều lần -là một chiếc lều và hầm trú ẩn của những người lính Việt Nam Cộng Hoà . Lúc đó chúng tôi đã bị hai quả tên lửa 122 li nổ rất gần , một mảnh tên lửa đã xé toang chiếc lều ngủ của những người lính Việt Nam Cộng Hoà dù lúc đó họ thoát chết vì đã kịp ẩn náu dưới hầm sau đợt pháo kích , tôi và một số đồng đội bước khoảng năm mươi mét để quan sát mảnh tên lửa đã xé rách chiếc lều . Khi cách lều chừng mười lăm mét , chúng tôi bị choáng váng bởi một mùi nồng nặc hơn tất cả các loại mùi mà tôi đã từng tiếp xúc . Lúc đó tôi nghĩ phải có một người hoặc con thú to lớn nào đó đã chết và thối rữa gần đó . Tôi không kìm nén dược cơn ho dữ dội , cơn ho đã khiến tôi phải hít thở rất sâu và điều đó làm tôi mắc nghẹn , tiếp tục ho không thể kiềm chế . Tôi di chuyển càng nhanh càng tốt xa khỏi cái lều đã bị tên lửa đánh trúng , nơi những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã trữ một lu nước mắm trên dưới 80 lít , một thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt . Sau đó tôi mới biết điều này và biết rằng lu nước mắm đậm đặc đó bị mảnh tên lửa bắn vỡ . Nước mắm tràn vào lều , chảy xuống chiếc mương nhỏ gần đó .

Nhưng có điều gì trong cái mùi nồng nặc đó làm tôi thích thú và nó lưu lại trong tôi . Một đôi lần ở trại căn cứ trên quốc lộ số 1 , nơi chiến trường đầy bom và lửa đạn , hoặc ở bãi đậu máy bay gần đó , tôi đã ăn cùng những người lính Việt Nam Cộng Hoà - những người đã vui vẻ cho tôi nhập cuộc . Tôi rất biết ơn họ vì tôi ghét cay ghét đắng lương khô được cung cấp cho lính Mỹ . Có một lần trong những bữa ăn chung đó , tôi hỏi họ về nước mắm . Họ rất vui khi tôi đề cập đến nó - lúc này tôi đã biết đôi chút về tính cách của người Việt - và họ nhanh nhảu rót ra một ít , chan lên một chén cơm trắng nhỏ và đưa cho tôi . Thật là ngon : một sự phối hợp tuyệt vời giữa sự đậm đà và ngọt ngào , và sự trù phú của một dòng sông chảy về bóng tối nơi thời gian chiếm hữu .

Kể từ lúc đó tôi ăn với nước mắm bất cứ khi nào có thể ở chiến trường Việt Nam , nhưng cơ hội đó không nhiều .Dĩ nhiên nước mắm không nằm trong khẩu phần lương khô hoặc trong những bữa ăn được chuẩn bị cho lính Mỹ nơi căn cứ trại . Nhưng tôi luôn giữ hương vị của nó trong tâm trí tôi và chỉ cần nghĩ về nước mắm là tôi đã ứa nước bọt . Tôi tìm hiểu nhiều hơn về nước mắm : nước mắm dùng làm nước chấm , dùng nấu ăn để thêm hương vị và thay cho muối . Trong chiến tranh , một số người Việt thậm chí còn uống nước mắm để giữ cho thân thể họ ấm áp , đặc biệt là khi họ phải ngâm mình xuống nước trong thời gian dài . Với cái mùi đặc biệt của nước mắm , nó cũng giúp mồi hoặc bẫy thú lợi hại hơn . Và nước mắm làm cho tất cả những thứ bạn ăn ngon hơn .

Khi rời chiến trường Việt Nam , tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại . Tôi mang theo rất ít văn hoá Việt về cùng , lý do chính là bởi nền văn hoá đó đã bị ngăn cách với chúng tôi . Tôi biết rằng nó đã bị biệt lập với chúng tôi vì nó là một nền văn hoá lâu đời , giàu có . Nó bị ngăn cách với chúng tôi để chúng tôi không thể nhìn thấy con người Việt Nam như những con người thật , nhất là những con người đang chiến đấu cho miền Bắc , chống lại chúng tôi ở chiến tuyến bên kia , để chúng tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi giết họ . Tôi không mang nhiều văn hoá Việt theo về cùng tôi sau chiến tranh , nhưng tôi mang theo tình yêu về một đất nước xanh như thiên đàng , nơi mà những con người tôi gặp luôn luôn tỏ ra tốt bụng và rộng lượng . Tôi cũng đem theo về một balô đầy những nỗi buồn sâu thẳm , một sự trống vắng niềm tin đối với chính phủ của mình . Và tôi đem theo một sự nghiện ngập đối với nước mắm .

Ở Lorain , bang Ohio , một thị xã có nhiều xưởng chế biến sắt nơi tôi sinh ra và lớn lên , không thể nào tìm thấy nước mắm vào tháng 12 năm 1968 . Tôi cũng không thể tìm thấy nước mắm ở Cleveland , không có một nhà hàng , cửa hiệu hoặc chợ bán đồ ăn Việt Nam nào . Lúc đó chưa có một người Việt nào sống ở khu vực xung quanh . Sau khi rời chiến trường , trở về quê hương , tôi thường nhìn đăm đắm qua cửa sổ căn nhà cha tôi , quan sát tuyết phủ đầy những khoảng sân để biết rằng không có ai đang trốn sau bụi cây để tìm cách giết tôi . Tôi cảm thấy an toàn nhưng tôi cũng thấy rất nhớ Việt Nam . Nhưng tôi không thể bày tỏ nỗi nhớ đó với những cựu binh khác và với cả gia đình của mình . Nếu biết , họ sẽ nghĩ rằng có điều gì không ổn với tôi và chiến tranh đã làm tôi mất trí . Vì thế tôi giữ nỗi nhớ đó cho riêng mình . Sau đó thời gian trôi đi như những mảnh vụn trên sông , tôi bị lạc vào cơn mộng tưởng không thể gọi tên . Tôi không là con người của một năm về trước , tôi đã bỏ lại một phần hồn vía của mình ở Việt Nam .

Khi mùa xuân tới , tôi làm một việc mà tôi luôn làm trong mỗi mùa xuân : câu những con cá hồi to đã nảy nở sinh sôi nơi những con sông , dòng suối gần nhà . Sau một ngày may mắn , tôi đem về ba con cá to , mỗi con nặng khoảng hai đến ba cân . Khi làm vảy chúng sau gara ôtô của cha tôi , tôi ngửi thấy mùi cá . Lúc đó tôi nhớ về cuộc trò chuyện với một người lính Việt Nam Cộng Hoà . Chúng tôi đã nói về nước mắm , về việc nó là gia vị quan trọng và đặc biệt nhất trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt Nam , rằng nó có sức mạnh huyền bí để biến đổi hương vị của những loại thức ăn khác nhau , theo những cách khác nhau và về cách làm nước mắm . Cuối câu chuyện , anh ta cho tôi biết cách làm nước mắm tại nhà . Tôi đã quên câu chuyện này cho đến khi tôi làm vảy cá vào mùa xuân mà tôi trở về nhà và bỏ lại rất nhiều trí nhớ của tôi nơi chiến trường xưa . Tôi nhớ anh ấy đã bảo tôi rằng chỉ cần mổ bụng , mổ ruột , xẻ đôi con cá , ướp muối và trải chúng trên những chiếc que xếp sẵn , sau đó cứ chờ chúng rã xuống chiếc nồi bên dưới . Anh ấy nói rằng khi mà chúng đã rã hết ra , tôi sẽ nấu chúng với lửa nhỏ cho đến khi chúng thật nhừ và quánh đặc thành một chất lỏng tuyệt đẹp . Ý nghĩ về nước mắm nơi căn lều của những người lính Việt Nam Cộng Hoà tại trại Evans đưa tôi trở về Việt Nam , và mùi nước mắm rất nặng thật sự đã trở thành mùi của một đất nước .

Vì thế tôi quyết định mà không cần suy nghĩ nhiều là mình sẽ tự làm nước mắm . Tôi ra cửa hàng vật liệu tìm mua dây thép và đinh . Dùng những thanh gỗ thừa trong gara ôtô của cha tôi , tôi dựng một giàn phơi nhỏ . Tôi lấy một chiếc chảo từ bếp của mẹ tôi , dùng gạch kê nó dưới giàn phơi để đón lấy chất lỏng từ những con cá đang rữa ra .

Tôi biết rằng tôi phải chờ chúng rữa , vì thế tôi vào nhà và quên mất nước mắm của riêng tôi đang lên men đằng sau gara ôtô của cha tôi tại thị xã Lorain , bang Ohio , cách cuộc chiến vẫn đang ác liệt mười hai nghìn dặm . Tôi quên như tôi đã để quên phần lớn trí nhớ của mình tại cuộc chiến ấy . Tôi quên cho đến một buổi tối , tôi đang ngồi trong nhà của cha tôi nhìn ra cửa sổ . Tôi không nhớ tôi đã nghĩ gì , nhưng tôi nhớ rằng lúc đó tôi đã loay hoay tìm lối đi cho mình . Tôi biết rằng chiến tranh đã ăn vào tôi và bám riết , không buông tha tôi . Ngồi trong ngôi nhà của cha , tôi nghe có sự náo động bên ngoài và bước sát đến cửa sổ , nhìn ra ngoài và thấy nửa tá xe cảnh sát đang đỗ bên đường và những khoảng sân ngập xanh màu áo cảnh sát . Tôi đi ra ngoài và nhập vào đám đông nơi hàng xóm của tôi đang tụ tập . Tôi hỏi người cảnh sát thường tuần tra quanh khu vực tôi sống rằng điều gì đang xảy ra vậy .

"Có người báo với chúng tôi có một xác chết ở một trong những căn nhà này" - anh ta nói .

"Tại sao họ nghĩ thế ?" - tôi hỏi .

"Chúa ơi - anh ta thốt lên - Vì cái mùi nồng nặc này . Anh không ngửi thấy nó sao ?"

Đứng giữa con phố , ban đêm , xung quanh tôi hàng xóm đang tụ tập như thể một nghi lễ, những khoảng sân nhà đầy cảnh sát , tôi hít hơi thở sâu đầu tiên từ khi tôi ra ngoài . Tôi biết ngay vấn đề và bảo cảnh sát tôi biết mùi nồng nặc phát sinh từ đâu . Ba người cảnh sát và một số hàng xóm đi theo tôi đến giàn phơi , đằng sau gara ôtô của cha tôi . Trước khi họ thấy cảnh tượng phơi cá của tôi , họ choáng váng bởi mùi nồng nặc và buộc phải quay chân .

"Đây là xác chết của anh" - người cảnh sát thường tuần tra khu vực của tôi đứng đằng xa và nói , chỉ tay vào những con cá đang thối rữa .

Sau khi mọi việc đã được giải quyết với cảnh sát và với những người hàng xóm tốt bụng của tôi , tôi hứa với họ rằng tôi sẽ tiêu huỷ những con cá càng sớm càng tốt . Tôi nhặt nhạnh những thứ còn lại của ba con cá hồi và bỏ chúng vào nồi . Bên ngoài nhà , tôi nhóm lửa và nấu những con cá này với lửa thật nhỏ , thật lâu cho đến khi chúng thật nát và hầu như biến thành chất lỏng . Tôi lược bỏ phần xác qua một chiếc rây và lại nấu tiếp . Cuối cùng , màu của chất lỏng trở nên giống màu mặt trời trước khi lặn xuống chân trời .Tôi đổ đầy chất lỏng vào một cái lọ , đậy nắp thật chặt và giấu nó trong phòng ngủ của mình .

Năm 1968 , ở cao nguyên Trung phần Việt Nam , một số người lính Việt Nam Cộng Hoà đã chia cho tôi ăn nhu yếu phẩm của họ , đã dạy tôi cách làm một loại nước từ cá lên men , loại nước giống như thuốc trường sinh bất lão diệu kỳ , như một phương thuốc chữa cho tất cả các loại bệnh thể xác và linh hồn . Đối với riêng tôi , mùi nước mắm đã trở thành mùi của đất nước Việt Nam khi tôi ở Mỹ và thương nhớ về đất nước thứ hai của tôi . Mùa xuân năm ấy , tôi làm nước mắm của riêng mình nơi sân sau của ngôi nhà cha tôi - một người công nhân làm ở xưởng chế biến sắt . Nước mắm ấy tôi đã đậy nắp thật chặt như một loại tinh hoa mà tôi cần phải mãi mãi giữ gìn . Tôi dùng nước mắm một cách bí mật cùng thức ăn , nhưng luôn luôn phải rất cẩn trọng vì mùi của nó rất nặng và vì cảnh sát đã đến thăm hỏi tôi chính vì cái mùi đó .

Sau rất nhiều năm , chiến tranh đã di trú vào tôi , mặc dù làm đủ cách để quên nó , có những điều cứ khắc sâu vào tâm khảm . Khi tôi ăn ở những cửa hiệu , nhà hàng Việt Nam trên đất Mỹ , tôi luôn nói với họ rằng hãy đừng cho tôi nước mắm kiểu Mỹ mà phải là kiểu chính hiệu Việt Nam . Tôi đã học được rằng thức ăn Việt Nam ngon hơn khi nấu với nước mắm ngon , hoặc chấm với nước mắm được pha khéo léo với đủ lượng tỏi , ớt , chanh , nước và đường . Từ một người hâm mộ nước mắm , tôi trở thành một người sành sõi khó tính , lùng sục những cửa hiệu châu Á ở Mỹ để tìm nước mắm ngon . Ở quê hương tôi , trong thập niên 1980 và 1990 , mặc dù người Việt bắt đầu di cư sang , rất khó tìm được nước mắm ngon .

Một số loại nước mắm hình như chỉ được pha bằng nước , muối và màu thực phẩm nhưng đã đánh lừa được những cái mũi to . Chỉ qua một quá trình tìm kiếm công phu , tôi mới tìm được những cửa hiệu tin cậy có thể cung cấp nước mắm tốt cho tôi . Thỉnh thoảng , khi nấu ăn mời bạn bè , tôi dùng một ít nước mắm để nấu những món ăn châu Âu mà họ yêu thích . Và thường sau bữa ăn , bạn tôi sẽ nói rằng thức ăn thật ngon và mùi vị rất đặc biệt , rồi hỏi "Anh đã dùng gia vị gì trong công thức chế biến đấy ...? Cái vị này rất đặc biệt" ... Tôi không bao giờ kể cho họ nghe . Cho đến hôm nay , tôi muốn giữ bí mật đó cho mình .
Tác giả : Bruce Weigl
Nguyễn Phan Quế Mai dịch