Sunday, October 18, 2009

Chiêm Minh Nhựt


Ba về khi má vừa ra đi!

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng những điều mẹ tôi đã kể...

Ðó là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Cộng Sản đã bao vây khắp nơi. Những người làm việc cho chính quyền VNCH đều phải ngay lập tức ra đi. Ba tôi có cơ hội ra đi bằng trực thăng nhưng ông không thể để vợ con lại. Ba muốn sự ra đi phải an toàn và chắc chắn cho cả vợ, con trai và người chị gái gần gũi nhất của mình. Vào phút cuối, ba người cậu phía bên mẹ tôi cũng tháp tùng cùng chúng tôi.(Hình ông Chiêm Thành Kỷ trong ngày Lễ Tốt Nghiệp Ban ĐS Khóa 15 (1967-1971)tại Học Viên Quốc Gia Hành Chanh-số 10 đường Trần Quốc Toản-Saigon -Hình: Chiêm Minh Nhựt cung cấp)

Chuyến đi đến Indonesia diễn ra trong đêm lạnh, tối, và khổ sở vô cùng. Khi đến nơi, cảm giác tồi tệ chúng tôi có không hề vơi đi, trái lại, càng chất chồng nhiều hơn nữa khi mảnh đất chúng tôi đặt chân lên như một miền hoang vu, mờ mịt trong đêm. Buổi sáng, ba tôi đến gặp những người dân địa phương và mua một số vật dụng cần thiết như thức ăn, nước uống.

Trong điều kiện thiếu thốn nước sạch và thức ăn, đứa bé lên một tuổi, là tôi, đã kiệt sức trong hành trình đó. Tôi bị sốt cao và tiêu chảy. Giao tôi cho dì trông, ba má tôi đi tìm thuốc cho đứa con trai mình.

Ba má tôi bơi thuyền đến đảo bên cạnh nhưng, thật là bất hạnh, trên đường đi, chiếc thuyền đã bị đắm. Ba tôi là người bơi giỏi, nhưng má tôi thì không. Biết vậy nên ba đã cứu lấy má, giữ má không chìm xuống nước trong khoảng 30 phút, cho đến khi tàu cứu nạn chạy đến. Thế nhưng trong suốt 30 phút đó, chân ba tôi đã bị “vọp bẻ” trong làn nước biển lạnh cóng. Khi những người cứu hộ kéo được má tôi lên bờ, thì cũng là khoảnh khắc sau cùng của ba tôi...

Ba đã thành công trong việc giữ lấy cuộc sống của người mình thương yêu, trong những gắng gượng cuối cùng, bằng chính mạng sống của mình. Ba đã không muốn để lại gia đình để ra đi một mình, thế mà ông trời đã không thấu hiểu được điều đó.

Sáng hôm sau, má tôi tỉnh lại trong vị khô đắng, mặn chát của nước biển, khó nhọc trong hơi thở và hầu như mê sảng bởi những điều đã xảy ra. Nhưng một điều gì đó sâu thẳm bên trong đã vuột mất, tựa như một phần trái tim má đã mất đi. Tận cùng nỗi đau, má cảm nhận rằng ba đã ra đi...

Những ngày sau đó là những ngày thực sự khó khăn, thêm việc chăm sóc tôi, nỗi khó khăn càng chồng chất. Tôi là hình ảnh của ba tôi. Dòng máu ba tôi đang chảy trong người tôi. Tôi là điều duy nhất ba để lại, và cũng là điều duy nhất má tôi có. Chưa hết, vài ngày sau cái sinh nhật đầu tiên của tôi đã ghi dấu ngày mất của ba tôi.

Chỉ có thời gian mới nói lên được sức chịu đựng của con người. Từ những hình mẫu của những người mẹ, người cha, má tôi biết mình phải trở nên mạnh mẽ. Má phải sống, và con trai má, giọt máu còn lại của Chiêm Thành Kỷ, cũng phải sống, và sống tốt.

Cuộc sống khó khăn, nhưng má đã vững vàng hơn. Trong vài năm đầu mới đến Mỹ, má tôi đã có thể đạt được những mục đích và ước mơ mà người ta vẫn gọi là “Giấc Mơ Mỹ Quốc.” Là một người di dân, má tôi bắt đầu công việc làm cho tiệm bánh kẹo See's Candy, rồi cùng một người bạn mở một nhà hàng Pháp trong một thị trấn nhỏ ở San Francisco. Sau đó, má tôi dọn đến Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, nơi bà sống cho đến cuối đời, mở một tiệm nail, một siêu thị gia đình, và cuối cùng là một công ty sản xuất nhựa plastic.

Trong suốt thời gian đó, má tôi đã thành công trong việc bảo lãnh ông ngoại, anh chị em của má và con cái họ, tổng cộng 11 người đến Mỹ. Má tôi đã chu cấp cho họ nơi ăn chốn ở, việc học hành, và công việc làm để xây dựng cuộc sống cho họ trên vùng đất mới...

Tôi lớn lên, học hành ở Sacramento và tốt nghiệp đại học UC Davis với bằng cấp chuyên ngành giao tế. Công việc làm toàn thời gian của tôi là giúp đỡ việc xây dựng trường học ở khu vực Sacramento. Tôi là một người làm việc thiện nguyện, yêu thương cộng đồng mình và đã nguyện dấn thân cho việc giúp đỡ tha nhân.

Năm vừa qua là một năm khó khăn nhất của tôi. Trước đó, má tôi bị phát hiện ra căn bệnh ung thư phổi. Tôi đã cố gắng chăm sóc má tôi bằng tất cả khả năng của mình. Nhìn về quá khứ, tôi như đang đền đáp lại tình yêu thương và sự chăm sóc mà má đã dành cho tôi những ngày còn nhỏ. Má đã lo cho tôi bằng tất cả tình thương của bà, và giờ đây, tôi cũng đang làm một việc như vậy với má tôi.(Hình chụp anh Chiêm Minh Nhựt cùng mẹ lúc sinh thời, bà Mã Kim Diệp. -Hình: Chiêm Minh Nhựt cung cấp)

Má tôi ra đi thanh thảnh vào buổi sáng ngày 20 Tháng Tư năm 2009. Má đã nói với tất cả bạn bè và gia đình rằng má đã sống trọn vẹn cuộc đời má.

Bản thân tôi đã cố gắng tìm kiếm ngôi mộ ba tôi trong kí ức xa xăm, qua những điều má kể. Nhưng khi đó, phần thì tuổi còn nhỏ, chưa đủ kinh nghiệm, và điều kiện để có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ má cho hành trình đến Indonesia, nên chuyến đi bất thành.

Khi lớn hơn, tôi lại muốn thực hiện điều đó. Tôi đã thử ghi danh đi lính, lên kế hoạch nếu có đến Indonesia thì sẽ có một đội 8 người “green berets” giúp đỡ tôi. Thế nhưng má tôi đã không cho phép, bởi những cuộc bạo động và những thay đổi xảy ra liên miên ở Indonesia. Và đó là lần sau cùng trong ý nguyện tìm kiếm mộ ba tôi cho đến ngày má tôi phát hiện ra căn bệnh ung thư.

Hôm Thứ Hai, 12 Tháng Mười, 2009, tôi mở email ra và thấy tin nhắn của một người bạn ba tôi sau khi ông đọc bài viết về chị Carina Oanh Hoàng trên báo Người Việt. Trong bản tin cho biết chị Carina Oanh Hoàng đã tìm thấy bia mộ của ba tôi. Tôi không thể tin được nhưng cứ tiếp tục tìm hiểu, đến khi mở bức hình ra với những dòng chữ trên bia mộ thì tôi biết chính xác đó là cha mình.

Tôi đã bật khóc ngay khi tôi nhìn thấy, cũng như tôi đang khóc khi ngồi viết những dòng này. Vào thời điểm má tôi mất thì tôi lại được tìm thấy ba, hai thứ cảm xúc hòa quyện, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và cũng thấy lòng thật buồn.

Trong niềm hạnh phúc mới mẻ này, tôi lại hướng về hành trình tìm kiếm ba tôi một lần nữa. Nhưng thực sự là lần đầu tiên trong kí ức của mình, tôi chỉ biết về ba tôi trước đây qua những câu chuyện, những bức ảnh và bằng cách nhìn chính mình trong gương. Tôi biết má tôi sẽ hạnh phúc nếu gặp lại ba.

Và mục đích tiếp theo, tôi sẽ làm bằng được, để gia đình tôi lần đầu được hội ngộ sau 30 năm!

Chiêm Minh Nhựt

Nguồn nguoi-viet.com
Đọc thêm nguoi-viet.com