Sunday, January 17, 2010

Hải Chiến Hoàng Sa 1974



Kỷ niệm Hải Chiến Hoàng Sa(19-01-1974)

LTS - 19 Tháng Giêng, 1974, trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng nổ ra tại quần đảo Hoàng Sa. Nhân kỷ niệm 36 năm trận hải chiến, và nhân dịp các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức “Ngày Hoàng Sa” tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cách đây 36 năm, Người Việt xin ghi nhận một số ý kiến của những người từng tham gia trận đánh, ở nhiều góc độ, và trình bày trong loạt bài viết nhiều kỳ sau đây. Bài viết này được xây dựng cốt yếu dựa trên hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, với sự đồng ý của tác giả.


Kỳ 1- Ai sẽ khai hỏa trước?

Ngày 15 Tháng Giêng, 1974: Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16), hạm trưởng là Trung Tá Lê Văn Thự, được lịnh của Bộ Tư Lịnh Vùng 1 Duyên Hải đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa thay thế toán đang ở ngoài đó đã hết nhiệm kỳ. Ðịa phương quân báo cáo thấy “một vài ghe đánh cá xuất hiện rất gần bờ tại đảo Pattle.” (Hình phải: Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ 10), Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng, hy sinh theo chiến hạm trong trận hải chiến Hoàng Sa. (Hình: Từ hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại.)

Sáng 16 Tháng Giêng, 1974: Có báo cáo, rằng một số tàu đánh cá chạy về hướng Bắc và đồng thời khi người nhái của Hải Quân Việt Nam đổ bộ thám sát các đảo Duncan và Drummond thì đụng ngay một toán quân nhân Trung Cộng.

Chiều 16 Tháng Giêng, 1974: Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại tiếp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và một số tướng lãnh và đơn vị trưởng khác.

Sáng 17 Tháng Giêng, 1974: Tuần dương hạm HQ 16 báo cáo, hai tàu đánh cá Trung Cộng không tuân lịnh của chiến hạm Việt Nam ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Xuất hiện hai tàu chở quân của Trung Cộng đến gần đảo và trên bờ có cắm nhiều cờ Trung Cộng. Trung Tá Thự cho một toán đổ bộ nhổ hết cờ Trung Cộng và thay bằng cờ Việt Nam Cộng Hòa.

8 giờ sáng, 17 Tháng Giêng, 1974: Tổng Thống Thiệu ra chỉ thị: “Không để mất một tất đất nào cả.”

10 giờ sáng, ngày 18 Tháng Giêng, 1974: Thám sát đảo Cam Tuyền vì thấy có chiến hạm Trung Cộng thả trôi gần đó. Cắm cờ Việt Nam lên đảo. Có tối thiểu bốn chiến hạm Trung Cộng tại Hoàng Sa. Chiến hạm Việt Nam ra dấu hiệu đuổi chiến hạm Trung Cộng ra ngoài lãnh hải. Trên chiến hạm Trung Cộng, các thủy thủ cũng ra dấu yêu cầu chiến hạm Việt Nam phải ra xa các đảo. Buổi chiều: tình hình Hoàng Sa căng thẳng!

Sáng ngày 19, theo hồi ký của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, khoảng 10 giờ sáng, các c
hiến hạm Trung Cộng vẫn không thay đổi vị trí và bám sát chiến hạm Việt Nam. Ðề Ðốc Thoại nhắc Ðại Tá Hà Văn Ngạc rằng, đã có chỉ thị “nếu dùng tín hiệu mà chiến hạm Trung Cộng không thi hành thì nhớ bắn trước mũi tàu họ trước chớ dừng bắn trúng họ.”

Lúc đó, tàu của cả hai phía rất gần nhau, không thể bắn dọa. Theo Ðề Ðốc Thoại, thì Ðại Tá Ngạc cho biết hai bên ở thế “cài răng lược,” tức là ở vị trí xen kẽ với nhau, nếu tác xạ có thể trúng bạn.

Ðề Ðốc Thoại ghi lại, rằng ông “cảm thấy không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc rời khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm.” Nhưng, cũng vào giây phút ấy, ông nghĩ ngay thủ bút của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Sáng ngày 17 Tháng Giêng, 1974, Tổng Thống Thiệu và phái đoàn gồm Trung Tướng Lê Nguyên Khang, (Tổng Tham Mưu Phó), Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, (Tư Lịnh Quân Ðoàn 1), Chuẩn Tướng Trần Ðình Thọ, (Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu), đến Bộ Tư Lịnh Vùng 1 Duyên Hải.” Tại đây, Ðề Ðốc Thoại “trình bài cặn kẽ địa hình địa thế của các đảo Hoàng Sa, lịch sử của các hải đảo này và những diễn tiến trong mấy ngày qua.”

Ông nói “...tình hình trong 24 giờ qua cho thấy Trung Cộng có ý định khiêu khích...”

Sau khi nghe Ðề Ðốc Thoại trình bày, “Tổng Thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng mười lăm phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó.”

Tổng Thống Thiệu nói: “Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ.” Trên đầu trang giấy có mấy chữ “Chỉ thị cho Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải.” Ðề Ðốc Thoại nhớ lại: “Những chữ này làm tôi hơi khó chịu vì ông Thiệu không ghi Tư Lịnh Quân Khu 1 hay Tư Lịnh Hải Quân mà lại đề thẳng chức vụ của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng với chức vụ Tổng Tư Lịnh của Quân Ðội, ông có toàn quyền chỉ thị trực tiếp mỗi đơn vị trưởng trong quân đội. Trong trang chót thì có đoạn ‘Chỉ thị cho Thủ Tướng Chánh Phủ.’”

Sau khi trao thủ bút cho Ðề Ðốc Thoại, Tổng Thống Thiệu nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tất đất nào cả.”

Trở lại tình hình buổi sáng ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Ðề Ðốc Thoại viết trong hồi ký, rằng ông và Ðại Tá Ngạc cùng đồng ý “là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hỏa trước để giảm thiểu thiệt hại. Ðại Tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hỏa trước.” (Hình phải: Phóng đồ Hải Chiến Hoàng Sa của Trần Ðỗ Cẩm và Vũ Hữu San. (Hình: Từ hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại.)

Ðề Ðốc Thoại nhắc thêm: “Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hỏa cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hỏa!”

(Kỳ sau: Khai chiến Hoàng Sa trong một “tâm trạng không bao giờ quên,” theo lời cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Tổn thất bao nhiêu? Và người Mỹ đã hành xử ra sao trong trận chiến ấy? Xin theo dõi kỳ sau: “Chuyện phải đến đã đến.”)

Đọc tiếp kỳ 2 : Chuyện phải đến đã đến
Kỳ 3: Hai chữ 'Tổ Quốc' không còn trừu tượng

Ðông Bàn - Ðinh Quang Anh Thái
Nguồn nguoi-viet.com