Thursday, January 7, 2010

Phạm Bá Hoa


Vài mẫu chuyện trong tù

Ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam (CSVN) đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, tôi cùng các bạn cấp Đại Tá bị đưa đến trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh do Đoàn 263 giam giữ. Ngày 23/10/1975, CSVN chuyển chúng tôi đến trại tập trung Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa do Đoàn 775 giam giữ. Ngày 16/06/1976, hầu hết chúng tôi bị chuyển ra Yên Bái do Đoàn 776 giam giữ. Cả ba Đoàn này thuộc Bộ Quốc Phòng cộng sản Việt Nam (CSVN). Tháng 4/1978, chúng tôi bị chuyển xuống trại Nam Hà A tỉnh Hà Nam Ninh do Công An CSVN giam giữ. Tháng 9/1987, tôi ra trại và đoàn tụ gia đình.

1. Thả tù. (trại Cốc)

Hạ tuần tháng 05/1977, có một đợt thả. Qua một số hình ảnh họ đem dán ở trại như để “quảng cáo cái chính sách khoan hồng nhân đạo của họ”, chúng tôi mới biết có 91 người thuộc 82 trại do Đoàn 776 giam giữ trong vùng rừng già thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn được thả. Trong số đó có hai bạn tôi là Y Sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, Cục Trưởng Cục Quân Y, và Trung Tá Nguyễn Cao Thăng, gốc Phật Giáo Hòa Hảo.
Khi ở trại tập trung Suối Máu trong Nam, lác đác cũng có anh ra về, như: Trung Tá Cầu (Tổng Cục Tiếp Vân), Y sĩ Trung Tá Hoàng (Tổng Y Viện Cộng Hòa), Đại Tá Nguyễn Văn Lộc (Tư Lệnh Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân thành lập vào những ngày cuối tháng 4/1975). Tôi không biết nguyên nhân được thả.
Sau đợt tha đó, lác đác cũng có anh được tha, nhưng cách tha của họ chẳng khác một hành động bí mật. Chẳng hạn như một sáng sớm, anh em chúng tôi vừa tập xong vài động tác thể dục, đang rửa mặt, tên quản giáo bên bộ chỉ huy trại sang khu vực chúng tôi. Hắn hỏi khi tôi đang bên ngoài cửa:

“Anh Sơn đâu?”
“Báo cáo cán bộ, anh Sơn đây.”
Vừa nói tôi vừa chỉ anh Huỳnh Thanh Sơn (Đại Tá Bộ Binh) đang ngồi rửa mặt.
“Anh họ gì?”
“Báo cáo cán bộ, tôi họ Huỳnh.”
“Không. Tôi gọi anh Dương Thanh Sơn.”
Anh Dương Thanh Sơn (Đại Tá Truyền Tin) từ trong nhà nghe, anh bước ra:
“Báo cáo cán bộ, tôi đây.”
Anh Sơn là em ruột của Đại Tướng Dương Văn Minh, sau khi giành được chiếc ghế Tổng Thống từ tay Tổng Thống hợp hiến Trần Văn Hương, Tổng Thống Minh đã đầu hàng cộng sản!

“Anh chuẩn bị tư trang mang ra cổng chờ lệnh chuyển trại”.
“Đi ngay hả cán bộ?”
“Chuẩn bị xong là đi ngay. Khẩn trương lên”. (chữ khẩn trương hiểu theo chúng ta là nhanh lên).

Khi Tổ chúng tôi xuất trại lên núi đốn cây về làm cầu, trông thấy bọn chúng đang khám xét đồ đạc, và xét cả người anh Sơn nữa. Anh em chúng tôi lên đến đỉnh núi, ngồi lại bàn tán nhau xoay quanh cái việc “anh Sơn chuyển trại”. Đại ý rằng:

“Rất có thể ảnh được về.”
“Về cái gì mà bọn nó xét dữ vậy.”
“Bọn nó lúc nào cũng hành động theo cái kiểu đánh lừa tụi mình. Đừng có nghe nó nói, cũng đừng thấy nó làm để rồi căn cứ vào đó mà phán đoán không đúng đâu. Ảnh cũng đâu phải là tình báo hay phản gián gì mà chuyển trại đặc biệt vậy. Chỉ có về thôi. Dù sao thì ảnh cũng là em của Tổng Thống đầu hàng cộng sản, không chừng cộng sản thưởng cho ông Minh bằng cách thả em của ổng đó.”
“Có lý. Sau khi mình sập tiệm, cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc cũng như nhiều vị Bộ Trưởng trong nội các của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đều vô tù, ông Minh chẳng những không vô tù mà chúng nó còn cho ông cầm lá phiếu đi bầu cái gọi là thống nhất đất nước. Đã hết đâu, lúc bỏ phiếu ổng còn nói lần đầu tiên ổng được bầu cử tự do nữa đó. Dám bọn nó thưởng cho ông Minh lắm à.”
Anh khác thêm vào:
“Mấy anh quên là anh Dương Thanh Sơn còn có người anh hay em đã theo bọn cộng sản ra Bắc từ mấy chục năm rồi.Hổng chừng ông Minh với người anh hay em gì đó cùng bảo lãnh cho ảnh cũng nên. Ôi! Cái chiến tranh của mình nó giây mơ rễ má chuyện gia đình đủ kiểu đủ cách, thiệt khó mà lường.”

Cũng như những lần trước, bàn mãi cũng không có gì để kết luận. Chúng tôi tản mác trên đường đỉnh, tìm cây để đốn khiêng về cho Tổ kia làm lại cây cầu từ đường đá vào Trại Cốc bị sập.
Tháng sau, tôi được thư vợ tôi cho biết anh Dương Thanh Sơn đã về nhà. Vợ tôi và mấy chị bạn hay tin, cùng đến nhà anh Sơn để nghe anh ấy kể chuyện về những ông chồng của mình.

2. Con gái xã hội chủ nghĩa. (vẫn tại trại Cốc)

Cây cầu mà tôi vừa nói ở trên, dài khoảng 6 thước, làm toàn cây rừng, xe bốn bánh loại nhỏ qua lại được, nhưng chẳng mấy khi có chiếc xe đến đây. Mấy hôm trước, Tổ chúng tôi đẩy 2 xe cải tiến đến Liên Trại 1 lãnh gạo đại mễ của Trung cộng “bán chịu” cho CSVN. Chiếc xe có chút xíu mà chở 4 bao loại 50 kí lô. Hai chiếc qua cầu cùng một lúc, chiếc xe cải tiến nhóm tôi vừa đến “mang cá” cầu bên kia, chiếc còn lại mới đến giữa cầu, thì cầu sập. Sáu anh em chúng tôi phóng xuống suối, cũng may không anh nào bị va đầu va mặt vào những tảng đá dưới suối. Hôm nay chúng tôi trách nhiệm lên rừng đốn cây đem về chỗ cầu sập, còn làm là Tổ khác trách nhiệm. Tên quản giáo giao kích thước:
“Gỗ làm trụ cầu và đà cầu phải có đường kính ít nhất là 2 tấc (0,2m), dài phải 5 thước trở lên. Gỗ lót sàn cầu có đường kính 1 tấc (0.1m) và dài 5 thước trở lên.”
Nặng nhất là 5 cây có đường kính 2 tấc trở lên: Hai cây làm trụ, một cây gác lên đầu hai trụ cầu, và hai cây làm đà cầu. Cây tươi nó nặng lắm quí vị quí bạn à! Mà cho dẫu có nặng bao nhiêu cũng phải tìm cho ra, đốn cho xong, còn phải tìm cách khiêng nó về. Trời đất ơi! Từ trên đỉnh núi về đến chỗ cầu sập, ít ra cũng đến 2 cây số trên núi và 3 cây số trên đường chớ có gần gủi gì đâu. Với cây lót sàn cầu, từng cây thì chẳng bao nhiêu nhưng 60 cây cũng nặng nhọc lắm! Hôm ấy không biết do đâu mà tên “khẩn trương” lịch sự với chúng tôi quá. Hắn bảo: (“tên khẩn trương” là tên cầm súng theo giữ chứng tôi, vì hắn thường hối thúc chúng tôi bằng hai chữ “khẩn trương” nên chúng tôi gắn luôn hai chữ đó làm biệt danh của hắn)
“Gỗ lót sàn cầu tôi chỉ cho các anh vác.”

Chúng tôi nghe rõ ràng là hắn nói “vác” chớ không phải đốn. Vậy là ở đâu ra. Mặc kệ, chờ hắn chỉ thì biết chớ thắc mắc làm chi cho mệt.
Tìm được, đốn xong, làm sao đây? Năm khúc cây này, chúng tôi cột giây ở đầu cây để hai anh kéo, phía sau dùng cái cây khác làm bẫy để xeo từng nhích một. Phía trước hai anh kéo, phía sau một anh xeo. Vừa kéo vừa xeo, khi mặt trời nghiêng bóng thì 5 khúc gỗ rừng nặng ơi là nặng, cũng đến được “giàn phóng”. Không biết có từ lúc nào, nhưng hằng chục đỉnh núi mà chúng tôi lên xuống, đều có “giàn phóng” để phóng cây xuống chân núi. Thế rồi người và cây yên ổn xuống đến chân núi. Tôi với anh Hồ Văn Thành (Đại Tá Quân Vận) một cây. Cứ đi một quảng đường là dừng lại nghỉ chân, nhưng khúc gỗ vẫn trên vai chớ không dám để xuống, vì để xuống rồi lên vai lại khổ hơn là đứng dựa vào thân cây để nghỉ chân. Cứ như vậy, rồi cũng về đến nơi.
Còn cây lót sàn cầu, tên võ trang dắt chúng tôi đến những đống cây bồ đề để sát bên lề đường, có lẽ chờ xe đến chở. Hắn nói như quát vì ăn cắp mà:
“Các anh khẩn trương. Mỗi anh một cây hoặc hai anh khiêng hai cây rồi chạy. Sau đó, quay trở lại lấy tiếp cho đến khi đủ số.”
Hắn đứng gác cho chúng tôi ăn cắp. Và rồi việc ăn cắp cũng êm xuôi vì chẳng thấy bóng dáng nhân viên Lâm Trường đâu cả, nhưng tất cả 18 anh em chúng tôi đều mệt lả! Áo quần đẫm mồ hôi! Bụng thì đói!
Sau khi cung cấp cây xong, chúng tôi tiếp tay với Tổ kia, và hai ngày sau thì xem như hoàn tất phần căn bản, cầu sử dụng được nhưng cần một ngày nữa để hoàn chỉnh. Xế chiều, hai nữ công nhân Lâm Trường từ đâu lù lù tới. Một giọng nữ rất đàn ông mà là giọng đàn ông vừa nhậu xong:

“Cây này các anh lấy ở đâu ra?”
“Tôi không rõ. Cô hỏi cán bộ trong nhà kia kìa.”
“Tôi hỏi anh.”
“Thì tôi vừa trả lời cô đó.”
“Anh đùa với chúng tôi hả? Chúng tôi lập biên bản số cây bồ đề này.”
“Mời cô tự nhiên.”
“Anh tên gì?”
“Tôi tên gì cũng chẳng liên quan đến Cô. Cô nên vô trại mà hỏi.”

Con nhỏ trời ơi này cũng đanh đá lắm, cô ta lên giọng:

“Anh đùa với tôi đấy hả?”
“Không. Tôi rất nghiêm chỉnh.”
“Được. Tôi sẽ biết tên anh.”
“Rất hân hạnh. Ở tù mà phụ nữ muốn biết tên cũng hay hay.”
“Anh ăn nói cái kiểu gì thế?”
“Cô nghe rồi mà còn hỏi.”

Nhìn kỷ một chút, bốn bàn tay của hai cô công nhân này không khác da cây mù u bao nhiêu. U nần nổi đầy phần trên bàn tay. Nghĩ cho cùng, tội nghiệp cho thân phận đàn bà con gái 20 năm xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc! Chẳng thấy đường nét gì của đàn bà con gái hết trơn. Người suông đuột như thân cây bồ đề đến tuổi chờ người ta đốn đem về nhà máy làm giấy, da dẻ sần sùi, dáng đi thô kệch, ăn nói chẳng thanh tao chút nào. Nhưng mà đàn bà con gái của cả cái xã hội xã hội chủ nghĩa này như nhau, chẳng ai hơn ai cũng chẳng ai kém ai, hà tất phải thắc mắc làm chi về cái việc con gái xã hội chủ nghĩa ế chồng hay không ế chồng.

3. Lớn lên làm “tù áo hoa”. (trại Nam Hà A)

Mỗi khi bưu điện xã Ba Sao gọi Ban Giám Thị trại ra nhận quà của thân nhân tù chính trị gởi đến, trực trại bảo Tổ Văn Nghệ của anh Phạm Kim Qui (Đại Tá Cảnh Sát) đi nhận.
Đẩy xe cải tiến ra bưu điện Ba Sao nhận bưu kiện, cũng là niềm vui nho nhỏ của tù chính trị chúng tôi. Cứ mỗi lần đi như vậy, một số anh em chúng tôi lén gởi tiền cho các bạn ra đó mua thức ăn, con gà con cá củ khoai bó rau. Thường khi hướng dẫn ra bưu điện Ba Sao là tên Dục (Tổ Văn Hoá trại) phụ trách, cùng với một tên võ trang. Tổ Văn nghệ đưa tiền cho tên Dục giữ lúc ra cổng trại, trên đường ra Ba Sao thì hắn đưa lại anh em. Tất nhiên khi mua hàng thể nào cũng mua cho hắn món gì đó để gọi là sòng phẳng, thế là mọi việc đâu vào đó. Đến Ba Sao, mấy bà trong cái chợ chồm hổm này thấy tù chính trị chúng tôi là mừng lắm, có món gì cũng mời gọi vì các bà ra giá bao nhiêu chúng tôi mua bấy nhiêu, chẳng những không cần trả giá mà lại mua nhiều nữa. Các bà bán hàng gọi chúng tôi là “tù miền Nam” trong khi đám thanh thiếu niên gọi chúng tôi là “tù áo hoa”. Cả hai tên gọi mà người dân ở đây gắn cho chúng tôi, nghe như chỗ thân tình chớ không châm chọc.

Một hôm, anh Thanh (Tổ Văn Nghệ) hỏi mấy cậu bé đứng xem mua hàng:
“Em học lớp mấy?”
Mấy đứa cùng trả lời, đứa lớp 5 đứa lớp 4. Anh Thanh hỏi tiếp:
“Lớn lên mấy em muốn làm gì?”
Đám trẻ như tranh nhau trả lời, tuy cách dùng chữ có khác nhau nhưng cùng chung một nghĩa:
“Em muốn làm tù áo hoa”.
Không phải riêng anh Thanh mà các anh cùng đi đều ngạc nhiên. Một anh hỏi tiếp:
“Tù áo hoa tức là như mấy anh đây phải không?”
Thằng bé tỉnh bơ, cứ như trong sự suy nghĩ non nớt của nó hình thành từ bao giờ:
“Phải”.
“Tại sao em muốn làm tù áo hoa?”
“Tại vì làm tù áo hoa sướng hơn”.

Trả lời xong là cả đám “cháu ngoan” của tên bán nước HCM vừa cười vừa chạy, cứ như chúng nó bằng lòng với lời bày tỏ ước vọng tương lai của chúng nó vậy.

Thưa quí vị quí bạn, “tù áo hoa” vì những bộ đồ rằn ri tức đồ trận mà anh em chúng tôi mặc, bọn CSVN lấy trong các kho của Tiếp Vận chúng ta đem cho chúng tôi sử dụng, và chúng tôi thường mặc khi thời tiết vào đông. Do vậy mà các “đấng nhi đồng với thanh thiếu niên xã hội chủ nghĩa” nơi đây gọi chúng tôi là “tù áo hoa”. Nhưng tại sao các “đấng thiếu niên” đó nói như một ước vọng khi lớn lên làm tù áo hoa sướng hơn? Chữ “sướng hơn” mà cậu bé lớp 5 sử dụng, trong một mức độ nào đó, đã thể hiện rõ nét về đời sống người dân quá khổ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc này, hay ít nhất cũng là trong khu vực nơi đây! Khổ đến mức tuổi lên mười cũng nhận ra được mức sống của tù chính trị chúng tôi trong trại tập trung, để rồi so sánh với cuộc sống gia đình ba má chúng nó và những gia đình trong cái thị trấn Ba Sao này, dẫn đến ước vọng cho tương lai của chúng nó.

Xin nói thêm cho rõ. Tại trại Nam Hà A này từ năm 1980 khi CSVN cho phép “gia đình tù chính trị nuôi tù” bằng cách gởi hoặc mang những gói thực phẩm đến trại, từ đó chúng tôi lén chuyển tiền vào trại do những nữ Công An mang vào trại cho chúng tôi với “tiền công 10%” trên số tiền chúng tôi nhận. Chẳng phải bọn chúng thương gì chúng tôi đâu mà sự cho phép đó rất có lợi cho chúng, vì giảm bớt chi phí (để chia nhau bỏ túi chăng?) cùng lúc chúng quảng cáo cái gọi là “chính sách nhân đạo” của chúng với những phái đoàn ngoại quốc đến thăm trại nhìn thấy tù chính trị chúng tôi chưa đến nỗi da bọc xương đó thôi. Khi anh em chúng tôi có quà có chút tiền do thân nhân từ trong nước mang đến và từ ngoại quốc gói ghém gởi về, chúng tôi mua chuộc chúng nó, khi thì gói thuốc đầu lọc, bịt bột ngọt, viên thuốc cảm cúm nhức đầu, khi thì tách cà phê, vài viên đường hóa học, ..v..v… Nhờ vậy mà bọn cai tù dễ dãi với chúng tôi, ngoại trừ tên Công An ác ôn Thịnh “khuỳnh”, tổ trưởng tổ trực trại là chúng tôi không mua chuộc được hắn./.

Phạm Bá Hoa
Trích trong:“Ký Sự Trong Tù”-2008