Tuesday, January 12, 2010

Prof.Niall Ferguson


Sự sụp đổ của Chimerica,
tức cuộc hôn nhân Hoa Kỳ -Trung Quốc

(Tuần báo WPROST phỏng vấn Giáo sư Niall Ferguson)
Lời giới thiệu: Giáo sư Niall Ferguson là một trong những sử gia nổi tiếng nhất thế giới của thế hệ trung niên. Ông giảng dạy môn lịch sử tại Đại học Harvard và môn quản trị tại Harvard Business School. Tác phẩm được phát hành gần đây nhất của ông nói về lịch sử tài chính thế giới: “The Ascent of Money: A Financial History of The World”. Bài được đăng trên tuần báo Ba Lan WPROST
(Hình phải Giáo sư Niall Ferguson)

WPROST: Làm thế nào để có thể duy trì được quan hệ đối tác chiến lược của những quốc gia như Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi mà một trong họ có chính sách cơ bản là tiết kiệm, còn bên thứ hai thì xài phung phí.

Niall Ferguson: Với người bạn Moritz Schulaick vào cuối năm 2006 chúng tôi đã nói chuyện về Chimerica. Chúng tôi cố gắng cắt nghĩa sự bùng nổ tài chính toàn cầu kéo theo sự gia tăng giá của tất cả các loại cổ phiểu. Lúc ấy chúng tôi đã đưa ra kết luận rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thực tế đã thiết lập một cơ cấu kinh tế: Chimerica. Người Trung Quốc xuất khẩu. Người Mỹ nhập khẩu. Người Trung Quốc cho vay, còn người Mỹ thì đi vay.

Bởi vì chọn chiến lược tăng trưởng thông qua xuất khẩu, Trung Quốc không muốn đồng tiền của họ tăng giá trị so với đồng USD. Can dự nhịp nhàng vào thị trường tiền tệ, Trung Quốc đã có dự trữ quốc tế là 2,1 nghìn tỷ USD, trong đó có khoảng 70% bằng USD. Một phần lớn của số lượng dự trữ này là trái phiếu của Hoa Kỳ.

WPROST: Phải chăng do hệ quả của cuộc khủng hoảng, Chimerica sẽ sụp đổ?

Niall Ferguson: Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, trên thị trường tài chính chấm dứt thời kỳ kích đòn bẩy (tức là hỗ trợ đầu tư bằng tín dụng), do đó những khách hàng Mỹ đang thiếu nợ không thể vay tiền được nhiều hơn nữa. Ở Hoa Kỳ đang gia tăng nhanh chóng mức tiết kiệm, còn nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống đáng kể. Các dữ liệu củaTrung Quốc cũng nói lên hình ảnh tương tự – Trung Quốc xuất khẩu cũng ít hơn nhiều. Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng, Trung Quốc sẽ không còn mua đô la. Họ không thể cho phép tăng giá trị đồng tiền của mình, khi rất nhiều công ăn việc làm tại các công ty sản xuất hàng xuất khẩu đang bị đe dọa. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là Trung Quốc đang bắt đầu đặt câu hỏi cho chiến lược “Chimerica”. Với Trung Quốc và Mỹ, có một chút giống như cuộc hôn nhân mà trong đó một người thì tiết kiệm, người thứ hai ăn xài. Trong một thời gian nào đó, mối quan hệ như thế có thể được chấp nhận, nhưng rồi đến lúc người tiết kiệm bắt đầu xem xét đối tác của mình ném tiền đi. Khi tôi được nghe những phàn nàn của người Trung Quốc về sự chi tiêu quá mức của Mỹ, trong tâm trí của tôi luôn luôn mường tượng đến một gia đình cãi vã, trong đó người tiết kiệm nói với người chi phí xa hoa: “Anh mài thẻ tín dụng ghê quá nên tôi phải đóng lại”. Sự khác biệt nằm ở một thực tế là người Trung Quốc chưa thể nói ra mối đe dọa này.

WPROST: Chính quyền Obama đang cố gắng đạt được các khoản vay của Trung Quốc để tài trợ cho những chương trình kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không mua trái phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nữa?

Niall Ferguson: Chúng ta hãy nhìn vào các con số. Vào tháng 5 năm 2009, Trung Quốc đã có các trái phiếu của Mỹ giá trị 801,5 tỷ USD, tức là tăng 5% so với tháng 4, khi giá trị là 763,5 tỷ USD. Chỉ trong vòng một tháng, tổng giá trị tăng 40 tỷ USD. Chúng ta cứ giả định rằng, Trung Quốc sẽ làm như vậy trong cả năm tài chính. Điều này có nghĩa là sẽ mở ra một hạn mức tín dụng cho chính phủ Hoa Kỳ với số tiền là 480 tỷ USD. Đứng trước dự kiến bội chi ngân sách khoảng 2 ngàn tỷ USD trong kịch bản như vậy, Trung Quốc không đủ cung cấp tiền thậm chí cho một phần tư số nợ của chính phủ liên bang (trong khi một vài năm trước đây, trong thực tế Trung Quốc đã cung cấp tiền cho toàn bộ khoản thâm hụt).

WPROST: Người Trung Quốc đã nổi cáu?

Niall Ferguson: Người Trung Quốc dường như cảm thấy rằng họ đã có quá đủ trái phiếu của Hoa Kỳ. Tôi đã rất lo lắng rằng, chính sách tài khoá của chính phủ Obama rất hào phóng và được chọn bởi chính sách “giảm nhẹ định lượng” của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, mà trong ngôn ngữ thế tục gọi đơn giản là in tiền, sẽ dẫn đến sự suy giảm giá trị trái phiếu của Hoa Kỳ, hoặc giảm sức mua của đồng đôla. Có thể dẫn đến điều thứ nhất và điều thứ hai. Trong trường hợp nào thì Trung Quốc cũng sẽ thiệt hại. Trong chiến lược đầu tư hiện nay họ tập trung vào đoạn cuối ngắn của đường cong lãi suất thay vì mua trái phiếu thời hạn mười năm. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được những vấn đề liên quan với nguy cơ ngoại hối.

WPROST: Một sự thay thế nào cho Trung Quốc, nếu họ quyết định ly hôn với Hoa Kỳ?

Niall Ferguson: Tôi sẽ gọi nó như là một khả năng đế chế hoặc cường quốc. Thay vì kéo dài cuộc hôn nhân không thành công, người Trung Quốc sẽ lựa chọn sự cô đơn, với toan tính rằng, tiềm lực kinh tế của họ ngày càng tăng (đến năm 2030, tổng sản lượng của Trung Quốc có thể cân bằng với Hoa Kỳ) sẽ đảm bảo cho họ vị thế siêu cường hành động đơn phương. Trong một mức độ nào đó Trung Quốc đã bắt đầu. Kế hoạch chiến lược đã được thông qua về lực lượng hải quân đặt ra mối đe dọa quyền bá chủ của Hoa Kỳ trong khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương. Đầu tư vào các mỏ ở châu Phi và cơ sở hạ tầng, trong quan điểm của tôi chắc chắn chứng minh tham vọng quyền lực rất lớn. Thêm vào đó chương trình chính thức của Thủ tướng Wen Jiabao, với dự định đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược “tiến ra ngoài” và kết hợp sử dụng dự trữ ngoại tệ với chiến dịch “tiến ra ngoài” của các công ty (Trung Quốc). Điều này nhìn thấy ở sự khởi đầu của chiến dịch, khi Trung Quốc mua một số lượng lớn các cổ phiếu nước ngoài. Đồng thời Trung Quốc có nhu cầu cấp bách làm sao để người tiêu dùng trong nước của họ thay thế cho người Mỹ nợ nần. Nền kinh tế của Trung Quốc trước hết là một tập đoàn sản xuất. Nếu không có ai đi mua sắm, các nhà máy của Trung Quốc phải tập trung nguồn hàng vào kho. Trung Quốc sau khi Chimeica không những là cường quốc mà còn là xã hội của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là phải tìm cách thuyết phục công dân của họ ít tiết kiệm hơn và tiêu tiền nhiều hơn.

WPROST: Có vẻ là Trung Quốc muốn sử dụng giỏ tiền tệ, tạo dự trữ quốc tế và đồng đô la để thay thế đơn vị quyết toán quốc tế SDR (Special Drawing Rights). Phải chăng là Trung Quốc sẽ tiến tới phá vỡ Chimerica và đang “thu thập biên lai” cho vụ ly hôn?

Niall Ferguson: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự chuẩn bị cho vụ ly hôn, hoặc ít nhất là họ đe doạ như thế. Tôi không nghĩ rằng, việc chuyển đổi đơn vị SDR của Quỹ tiền tệ quốc tế qua một loại tiền tệ mới trên thế giới là một giải pháp thiết thực. Đây chỉ là đơn vị quyết toán chứ không phải là đồng tiền theo nghĩa thích hợp. Nhưng tôi lưu ý sự nổi lên của đồng Euro và đồng Yên trong dự trữ của Trung Quốc. Tôi cũng tin rằng trong năm hay mười năm tới người Trung Quốc sẽ không còn kiểm soát tỷ giá trao đổi và cho phép đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành một loại tiền tệ quốc tế. Lúc ấy cuộc hôn nhân Chimerica thực sự kết thúc. Với Moritz Schularickiem chúng tôi đã gọi là cuộc hôn nhân Chimerica, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng, một mối quan hệ bất bình đẳng cuối cùng chỉ là một chimera (ảo tưởng).

WPROST: Hậu quả chiến lược cho toàn thế giới là gì sau cuộc ly dị?

Niall Ferguson: Có thể tưởng tượng một Chiến tranh Lạnh mới, nhưng lần này thì hai siêu cường sẽ có cùng một sức mạnh kinh tế. Chiến tranh Lạnh vào nửa cuối của thế kỷ XX thì khác, vì Liên Xô luôn luôn nghèo hơn nhiều so với Mỹ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy sự tương tự trong các thời đại trước đó. Như vậy sẽ có khả năng lặp lại cuộc xung đột Anh-Đức từ đầu thế kỷ XX. Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò của Vương quốc Anh, Trung Quốc sẽ là siêu cường Đức. So sánh như vậy tốt hơn, vì nó cho thấy mức độ quan trọng của hội nhập kinh tế không nhất thiết phải kìm hãm một sự đối đầu chiến lược, mà cuối cùng có thể dẫn tới xung đột. Để dẫn tới cuộc chiến thường xuyên còn rất xa, bởi vì những quá trình này diễn ra chậm. Nhưng các mảng kiến tạo địa chính trị đang di chuyển, và nhanh chóng. Chimerica đưa đến sự thắt chặt liên minh giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Điều này tạo ra cơ hội cho Moscow có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.


Nguồn ledienduc.wordpress.com