Monday, June 10, 2013

Ba Tri-Bến Tre.


Ðịa danh quê nhà

Nào ai đi Bắc đi Nam
Ba Tri xứ lụa, thêm danh vườn cò

Thơ về Ba Tri
 
 
Ba Tri là tên huyện Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre.
Bến Tre cách thành phố Sài Gòn 87 km về phía Tây.
Từ Sài Gòn đi Trung Lương. Ðến Trung Lương đi thẳng vào TP. Mỹ Tho để đi về cầu Rạch Miễu. Qua cầu Rạch Miễu là quốc lộ 60. Chạy theo quốc lộ 60 vào TP. Bến Tre. Ði hướng về cầu Bến Tre 2 đi Ba Tri.(Mộ của cụ Phan Thanh Giản, ở Ba Tri, Bến Tre. (Hình:nguoibentre.vn)

Do vị trí thuận lợi, nằm giữa hai cửa sông lớn, đất đai cao ráo, cho nên Ba Tri là một trong những điểm định cư sớm nhất của những lưu dân người Việt từ miền ngoài vào. Những tài liệu thu thập được cho thấy rằng từ đầu thế kỷ XVIII, đã có nhiều người từ miền Trung đến đây định cư, làm nghề biển và khai phá đất đai.

Một ít lịch sử Ba Tri


Ðầu thế kỷ XVIII, một số cư dân người Việt gốc miền Trung đã đến đây định cư, làm nghề biển và khai phá đất đai.
Năm 1900, tỉnh Bến Tre được thành lập gồm 2 cù lao Minh và Bảo. Hiện nay, cù lao Bảo gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thị xã Bến Tre.

Thời Gia Long, cù lao Bảo được đặt là tổng An Bảo. Ðến triều Minh Mạng, 1832, tổng An Bảo được thăng lên huyện với tên mới là Bảo An. Ðến năm 1837, huyện Bảo An được chia thành hai huyện: Bảo An và Bảo Hựu. Huyện Bảo An (mới) nằm ở phía Ðông cù lao Bảo, có diện tích gần tương đương với huyện Ba Tri ngày nay.

Quận Ba Tri lập năm 1942 thời Pháp thuộc.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận: Ba Tri, Bình Ðại, Ðôn Nhơn, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Hàm Long, Hương Mỹ, Trúc Giang.

Sau 30 Tháng Tư 1975, Ba Tri là huyện của tỉnh Bến Tre.

Huyện có diện tích 355km2 và dân số 18,7398 người (đông nhất của tỉnh). Huyện lỵ là thị trấn Ba Tri nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 30km về hướng Ðông Nam.


Ông già Ba Tri, Thái Hữu Kiểm

Tự điển Tiếng Việt của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ giải thích thành ngữ “Ông già Ba Tri” là “Người già mà quắc thước, can đảm, có công sửa làng, giúp nước, lập chợ, mở đường”.

Cho tới nay cụm từ này đã trở thành một thành ngữ chỉ những ông già kiên quyết hành động, bất chấp trở ngại tuổi tác, chứ không riêng cho Bến Tre.

Thành ngữ Ông Già Bến Tre từ lâu đi vào trong ký ức dân gian, trong sử sách và đã vượt khỏi địa giới của Bến Tre, trở thành một giai thoại.
Chuyện bắt đầu do việc đắp đập, ngăn sông đưa đến sự tranh chấp giữa hai làng ở gần nhau trên cùng con rạch Ba Tri. Mâu thuẫn của hai dân làng ở nơi đây không giải quyết được, phải kiện lên quan tỉnh Vĩnh Long. Kết quả phân xử của quan tỉnh không làm họ hài lòng, nên dân làng góp tiền gạo, cử ba bô lão mang đơn ra triều đình Huế thưa kiện.

Hồi đó đường từ Ba Tri đến kinh đô Huế dài cả ngàn cây số và lúc bấy giờ chỉ có hai cách đi: Một là đi bằng ghe, phải chờ mùa gió thuận, chưa nói đến bão tố nguy hiểm xảy ra thường xuyên; hai là bằng đường bộ thì lại lắm đèo, nhiều dốc hiểm trở, đầy cọp, beo và giặc cướp ở dọc đường.

Thế nhưng những trở ngại to lớn ấy đã không ngăn được ý chí và quyết tâm của các vị bô lão, đại biểu của dân làng Ba Tri. Các cụ già đã ra tận kinh đô Huế bằng sức của đôi chân, đã diện kiến được nhà vua để trình bày mọi lẽ, và cuối cùng các cụ đã thắng cuộc, trở về.

Lẽ phải ở về phía dân làng đi thưa kiện.

Câu chuyện trên đây đã lưu truyền trong dân gian và cũng đã được ghi lại trong một số sách như: Monographie de la province de Bến Tre (Chuyên khảo tỉnh Bến Tre) do một người Pháp soạn năm 1929, Kiến Hòa xưa và nay của Huỳnh Minh (1965), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1954) của Nguyễn Duy Oanh (1971). Cũng như các truyện kể lưu truyền trong dân gian, hoặc được người sau ghi lại trên giấy trắng mực đen, với nhiều dị bản khác nhau.

Nếu ở quyển Monographie de la province de Bến Tre và Kiến Hòa xưa và nay chỉ nói đến một ông lão phiếm định, thì ở quyển Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1954), tác giả lại đưa ra một ông già cụ thể có tên, họ hẳn hoi, gắn liền với dòng dõi, con cháu hiện nay vẫn còn sống ở xã An Ðức, huyện Ba Tri tên Thái Hữu Kiểm mà dân gian gọi là Ông già Ba Tri.

Cốt lõi của câu chuyện là sự đề cao tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm của các bô lão địa phương - người đại diện cho nguyện vọng, phẩm cách và ý chí của dân làng. Có lẽ đó là điều mà mọi người quan tâm nhiều nhất.

Nhân vật lịch sử ở Ba Tri


Ba Tri là đất “địa linh, nhân kiệt”. Có cụ Phan Thanh Giản làm quan đến chức hiệp tá đại học sĩ, nhậm chức thượng thư bộ hộ. Cuối năm 1867, quân Pháp đem binh chiếm ba tỉnh miền Tây là Hà Tiên, An Giang và Vĩnh Long. Phan Thanh Giản (người làng Bảo Thạnh, quận Ba Tri) giữ thành không nổi. Do không làm tròn mệnh vua, ông dặn dò con cháu không được làm tay sai cho Pháp, rồi uống thuốc độc tự vận.

Sau đó từ năm 1867 đến 1870, các cuộc khởi nghĩa do các con của Phan Thanh Giản là Phan Liêm, Phan Tôn và Phan Ngữ vẫn diễn ra không chỉ ở Bến Tre. Năm 1870, trong một cuộc giao chiến ở Giồng Gạch, Phan Tôn và Phan Ngữ tử trận.

Ba Tri còn có cụ tú tài Nguyễn Ðình Chiểu - một nhà thơ mù yêu nước - tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên với 2 câu thơ nổi tiếng.
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Trước năm 1945, Ba Tri có nghề ươm tơ, dệt lụa và lụa Ba Tri đã từng nổi tiếng trên thị trường Nam Kỳ.

Do chiến tranh, nghề này đã bị mai một dần và cho đến như nay chưa đủ điều kiện để phục hồi.
Nào ai đi Bắc đi Nam
Ba Tri xứ lụa, thêm danh vườn còThơ về Ba Tri
Ba Tri gần đây nổi tiếng với làng nghêu.

Nghêu về cửa sông Bình Ðại, Ba Tri Thạnh Phú ngập bãi. Dân quanh vùng và cả từ những nơi khác kéo nhau tới bắt từ nghêu to tới nghêu nhỏ.

Nghêu đưa đến không ít cuộc chiến tranh giành bãi nghêu đã khiến con nghêu “đi biệt xứ” cả thời gian dài đến nay mới trở lại.

Nam Sơn Trần Văn Chi
Sách mới phát hành
Tuyển tập biên khảo
Phong Tục-Văn Hóa
Trần Văn Chi
Xin liên lạc:
tranvannamson@gmail.com
Cell: 714-702-4048