Sunday, May 4, 2014

TRỊNH HƯNG

Yếm Vải Xứ Thanh




Từ một tình sử đau buồn trong đó người vợ trẻ bị chết đuối sau đám cưới có bảy ngày, một anh bộ đội vệ quốc quân đã kể cho tôi nỗi đau buồn tê tái của mối tình đầu xuất hồn khỏi con tim ra thành bài thơ bất hủ. Chính bài thơ đó đã tạo nên tên tuổi anh. Cô dâu mới vô phúc kia là Lê Đỗ Thị Ninh. Đại tác phẩm thi ca nói trên mang nhan đề “Màu tím hoa sim” thuộc về nhà thơ Hữu Loan.
Nhà thơ già kể lại cho tôi(Hình phải :Nhạc sĩ Trịnh Hưng) nghe tình sử ấy một cách say sưa với nét mặt hằn vết nhăn tuổi tác như sống lại với kỷ niệm xa xưa cách nay nửa thế kỷ, rồi chua chát mỉm cười hỏi tôi:
- Thỏa mãn chưa, chú Hưng?
Tôi trả lời :
- Thưa anh, em thật thỏa mãn, vì đã hơn năm mươi năm rồi mới gặp lại anh, lại được chính anh kể cho nghe về tình sử đó. Từ trước tới giờ, không riêng em mà nhiều người từng yêu mến bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” cũng chỉ hiểu sơ qua lời tâm sự chứ không biết cặn kẽ về cuộc tình tuyệt đẹp mà đau buồn đó. Bây giờ, xin anh cho em biết thêm một chuyện khác về cuộc đời riêng của anh từ cuối năm 1952, sau ngày em về Hà Nội.
Khi ấy, với chiến thắng Điện Biên Phủ cùng tái lập hòa bình cho xứ sở, rồi trở về đến thủ đô, lý do gì mà anh và anh Quang Dũng, những sĩ quan trung cấp ưu tú và văn nghệ sĩ nổi danh, lại không được nhà nước ưu đãi như đối với các người có công khác. Ngược lại, các anh còn bị bỏ rơi, gạt ra khỏi giới nhà văn nhà thơ, bị treo bút và không cho công ăn việc làm. Đến nỗi anh Quang Dũng từ ngày về thủ đô chịu đói khổ, không có được một bữa cơm ăn đơn sơ cho no lòng. Còn anh thì bị trục xuất về quê và còn bị quản thúc, không được phép liên hệ với bất cứ ai. Tại sao lại như vậy, thưa anh?


Thi sĩ Hữu Loan lại mỉm cười chua chát bảo tôi:
- Chú muốn biết, anh sẽ kể rõ hết cho chú nghe. Chú, anh chị Trạch, và anh Trần Chánh Thành về Hà Nội, anh nào có hay. Sau đó, anh được anh Quang Dũng cho biết là anh ấy có đi đưa tiễn gia đình chú về Hà Nội. Anh bảo Quang Dũng(Hình phải:Nhà thơ Quang Dũng) rằng như thế là may cho anh chị Trạch và anh Trần Chánh Thành (1), chứ nếu ở lại hậu phương thì khổ, vì các anh ấy vốn thuộc giới trí thức làm quan lại cho Tây hồi xưa.

Đến cuối năm 1952 đầu năm 1953, chính phủ ta đi theo đường lối chính sách của Tầu. Đó là rập theo mô hình đấu tố của Mao đề ra đang được thi hành bên Tầu. Chúng gửi cố vấn sang Việt Nam, bắt buộc chính phủ ta phải thi hành việc đấu tố như Tầu.
Cố vấn Tầu đưa Trường Chinh lên làm chủ tịch và Hoàng Quốc Việt làm phó, bắt đầu mở màn phát động chiến dịch đấu tố cái mà chúng gọi là “địa chủ cường hào”. Tụi cố vấn Tầu chỉ định đưa bà Nguyễn Thị Năm, tên hiệu là Cát-Thành-Long chủ một đồn điền lớn ở Thái Nguyên ra đấu tố làm điển hình.

Trong quá khứ, bà Cát-Thành-Long là một phụ nữ rất hiền hậu, yêu nước, thương người. Bà có tiệm ở Hà Nội lấy nhãn hiệu Cát-Thành-Long và là một nhà giàu nhất nhì Hà Nội trong thời Pháp thuộc. Chính bà đã nuôi nấng, giấu giếm trong nhà nhiều cán bộ cộng sản, giúp họ khỏi bị Tây bắt. Trong số cán bộ được bà Cát-Thành-Long che chở nuôi ăn có cả Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Đến khi Việt Minh có chân trong Hội Đồng chính phủ, già Hồ ngầm tổ chức Tuần Lễ Vàng lấy tiền mua súng để thành lập quân đội thì người ủng hộ nhiều vàng nhất Hà Nội bấy giờ cũng chính là bà Cát Thành Long tức Nguyễn Thị Năm.

Rồi cuối năm 1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Dân thành phố Hà Nội bỏ nhà bỏ cửa đi tản cư khắp trong vùng quê tỉnh nhỏ. Bà Năm cùng gia đình chạy lên Thái Nguyên ở vùng Việt Bắc vì nơi đó bà có một đồn điền lớn với nhiều tá điền. Những người này được bà Năm quý mến, lại tận tình giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, và họ cũng đều thương mến kính trọng bà.

Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội phải sống rất vất vả trong nghèo nàn đói khát. Gạo không có mà ăn cho đủ no. Thường thường mỗi bữa mỗi người chỉ được hai miệng bát cơm gạo mục mốc đầy thóc và sạn. Cho nên, nhiều khi bộ đội hành quân qua đồn điền của bà Năm, quân số lên cả tiểu đoàn. Bà mời họ ở lại, sai người nhà mổ bò heo, làm gà vịt để bộ đội ăn no cho có sức ra trận đánh Tây. Vì thế bộ đội ở Việt Bắc lúc đó ai cũng thương bà, gọi bà là Mẹ chiến sĩ. Thêm vào đó, bà có hai con trai đều đi bộ đội. Người con lớn làm đến sư đoàn trưởng, người con thứ làm đến trung đoàn trưởng. Cả hai đánh giặc rất hăng.

Ấy thế mà sau này tụi cố vấn Tầu lại bắt Trường Chinh phải đem bà Năm ra đấu tố làm điển hình. Tên Trường Chinh quá sợ nên y theo lệnh. Hoàng Quốc Việt còn chút lương tâm, viết thư về trình cho Hồ Chí Minh hay vì hắn tin rằng chỉ có già Hồ mới đủ sức can thiệp cứu mạng cho bà Năm mà thôi. Nhưng không ngờ già Hồ làm ngơ khi đọc thư tường trình của hắn, để mặc Trường Chinh mang bà ra đấu tố cho đến chết. Hai con trai bà cũng sợ, không dám về hoặc kiếm cách can thiệp gì cả.

Sau khi hoàn thành việc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, bọn họ phát động phong trào đấu tố toàn tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố đến huyện xuống tới xã thôn, nơi nào cũng có cán bộ đến giải thích kích động hô hào. Biểu ngữ căng đầy đường. Ngày đêm, họ tụ họp các thanh niên nam nữ, thiếu niên, nhi đồng, đi thành từng đoàn, hô to những khẩu hiệu được học thuộc “Hãy giết sạch lũ địa chủ cường hào ác bá!” “Đào tận gốc, trốc tận rễ!” “Cường hào ác bá ra tro!”… Khắp chốn, các đội cán bộ đến lôi dân chúng ra tuyên truyền nhồi sọ những lời vu oan giá hoạ dùng để áp đặt lên những người bị đem ra đấu tố. Dân chúng kinh hoảng khi thấy đội cán bộ vào làng để học tập việc đấu tố. Quyền hành sinh sát trong tay họ. Dân chúng sợ quá nói với nhau “Nhất Đội, nhì Trời”! Đội gieo tang tóc, máu đổ thịt rơi, gây kinh hoàng, làm cho từng người dân đêm nằm ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo có người trong đội hoặc du kích rình rập bên ngoài nghe trộm.

Nhà thơ Hữu Loan ngừng nói, nhấp vài hớp trà, rồi nhìn tôi đăm đăm, kể tiếp :
- Lúc đó, anh còn là chính trị viên tiểu đoàn. Anh thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Hơn nữa, mình là người có học, hiểu biết luân thường đạo lý, lại có tâm hồn nghệ sĩ, nên anh cảm thấy chán nản quá và không còn kính trọng già Hồ cũng như chủ nghĩa cộng sản nữa. Tuy nhiên, anh đã trót làm đảng viên được mấy năm rồi. Thú thật với chú, lúc đó anh thất vọng vô cùng!

Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa anh ở độ mười lăm cây số, có một gia đình địa chủ rất giầu nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Ông địa chủ giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội sư đoàn 301 của anh thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ bộ đội. Anh là Trưởng Phòng Tuyên Huấn và Chính Trị nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông ta, đồng thời đề nghị lên Sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Riêng anh rất quý mến và luôn luôn nhớ đến ông.

Thế rồi một hôm anh nghe tin gia đình ông địa chủ ấy bị đội đấu tố mang cả hai vợ chồng ra cho dân đấu tố, sỉ vả, nhục mạ, rồi chôn xuống đất để hở có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ xấu số chỉ còn có một cô con gái mười bảy tuổi được tha chết nhưng bị đội đấu tố đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo. Dã man hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm dân chúng cả việc lấy các con cái của địa chủ làm vợ làm chồng.

Anh Hữu Loan chớp chớp đôi mắt nhăn nheo có hai vành mi ướt đỏ đượm mầu thương cảm. Anh mím miệng, nuốt nước bọt cho bớt nghẹn cổ, rồi kể tiếp :
- Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà địa chủ mà anh hằng nhớ ơn, anh trở về xã đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia anh cũng biết mặt cô ta. Lúc gần tới nơi, may sao anh gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Anh quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra. Anh lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô bị đấu tố chết ra sao. Cô ta khóc mếu nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hàng ngày cô phải đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong cái miếu hoang; cô rất đói khổ lo lắng, không biết ngày mai còn sống hay sẽ chết vì đói khát!

Anh nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Anh bèn đem cô ta về quê của anh, rồi bất chấp lệnh cấm, anh đã lấy cô ta làm vợ. Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho anh mười người con ngoan. Khi xưa, quê anh nghèo, nhà anh cũng nghèo, anh lại còn ở trong bộ đội nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no.
Sau khi lấy vợ, anh trở lại đơn vị làm đơn xin bỏ ngũ và trả lại thẻ đảng, rồi về quê luôn không chờ cấp trên có chấp thuận cho anh giải ngũ hay không. Được một năm, vợ anh sinh cho anh một cháu trai rất kháu khỉnh.

Năm 1954 Việt Minh thắng thực dân Pháp. Cuối năm đó, nhà nước bảo Tố Hữu đặt Nguyễn Đình Thi là một văn nô làm chủ tịch hội nhà văn miền Bắc cộng sản, quy tụ hết nhà văn vào hội. Anh ở dưới quê nhưng Nguyễn Đình Thi cho mời anh lên Hà Nội nhận chức tổng thư ký hội nhà văn Bắc Việt. Anh thương vợ con cả năm sống ở nhà quê với mảnh vườn ba trăm thước, nên bàn với vợ anh: “Nhân dịp hội nhà văn mời cộng tác, vợ chồng mình lên đó có lương và tiêu chuẩn gạo cũng đỡ khổ hơn là ở quê nhà.” Thế là hai vợ chồng thu xếp lên Hà Nội ngay. Anh thi hành chức vụ tổng thư ký, được cấp một căn nhà nhỏ, được lĩnh gạo cho hai vợ chồng và hai đứa con trai. Hàng tháng, anh còn lĩnh số lương khiêm tốn để mua thức ăn.

Sau ít tháng, Tố Hữu ra lệnh cho Nguyễn Đình Thi tổ chức Đại hội Nhà văn toàn thể miền Bắc quy tụ tất cả anh chị em văn nghệ dân sự cũng như quân sự. Tất cả mọi người kéo về Hà Nội họp mặt đầy đủ, ai nấy hồ hởi lắm.
Hội Nhà văn mời hết khách quý trong các ngoại giao đoàn. Anh được chọn làm thư ký ngày Đại hội. Cán bộ đảng và nhân viên chính quyền tới tham dự, có Hồ chủ tịch ra đọc diễn văn khai mạc cho long trọng. Trong bài diễn văn, ông Hồ chú trọng nhất đến trách nhiệm nặng nề của nhà văn lúc đó và vạch ra đường hướng cho anh chị em nhà văn đi theo. Tựu trung, ông muốn đưa ra một chỉ thị…
Nghe anh Hữu Loan kể đến đây, một ý nghĩ nảy ra trong đầu, tôi vội giơ tay ngăn anh lại, rồi ôn tồn nói:
- Xin anh vui lòng kể chi tiết buổi khai mạc Đại hội nhà văn có ông Hồ chủ tọa.
Anh Hữu Loan bóp trán, rồi chậm rãi nói :
- Lúc ông Hồ ra đọc diễn văn khai mạc, ông cúi chào và cám ơn các quan khách, cán bộ đảng cùng nhân viên chính quyền, và các văn nghệ sĩ (mà ông gọi bằng “các chú”). Đọc xong diễn văn, ông nói thêm: ”Các chú văn nghệ sĩ hãy nghiêm túc học tập để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.” Đoạn ông hỏi: “Ai có ý kiến gì thì cứ mạnh dạn góp lời để bổ túc thêm. Tôi rất hoan nghênh.”
Trong số anh em nghệ sĩ đi họp hôm đó có nhiều vị thuộc loại nhà văn tiền chiến nhiều tuổi hơn hoặc bằng tuổi ông Hồ. Thế mà ông ta cứ ngang nhiên gọi tất cả là “các chú”. Điều này làm anh nổi tự ái và nóng mắt. Anh liền giơ tay lên xin góp ý. Ông Hồ thấy anh xung phong liền đi lại bắt tay anh cười thân mật nói: “Chú có ý kiến gì đóng góp, cứ tự nhiên phát biểu để mọi người cùng nghe.” Anh khoanh tay lễ phép cúi đầu: “Dạ thưa Chủ tịch kính mến của dân tộc Việt Nam, tôi được Chủ tịch cho phép đóng góp ý kiến, do vậy tôi xin mạo muội đưa ra một đề nghị nho nhỏ thô sơ, nếu có gì sơ suất thất thố xin Chủ tịch rộng lòng tha thứ cho.” “Không sao. Chú cứ tự nhiên góp ý.” Già Hồ nói.

“Kính thưa Chủ tịch kính mến, tôi thật là vui sướng được chỉ định làm thư ký trong những ngày Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Đại hội này là biến cố trọng đại sẽ được ghi vào lịch sử đồng thời cũng là niềm hãnh diện cho tất cả anh chị em văn nghệ sĩ khắp nơi được về thủ đô hội họp gặp mặt cùng nhau học tập chuẩn bị cho hướng đi ngày mai như lời dạy bảo của Chủ tịch nói trong bài diễn văn khai mạc. Vinh dự lớn lao cho anh chị em văn nghệ sĩ là được Chủ tịch anh minh kính mến làm chủ tịch danh dự của ngày Đại hội cũng như đọc diễn văn khai mạc trước các quan khách ngoại giao đoàn, các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước ta mới độc lập và có chủ quyền. Để Chủ tịch giữ trọn vẹn cương vị và tư thế của một vị lãnh đạo anh minh có công đuổi được thực dân Pháp giành độc lập cho quốc gia, tôi xin phép Chủ tịch góp một ý kiến thô thiển là xin Chủ tịch hãy gọi các văn nghệ sĩ là “anh chị em văn nghệ sĩ” thay vì “các chú văn nghệ sĩ”. Bởi vì đây là ngày trọng đại có đủ quan khách quý hóa chứ không phải là một buổi họp tọa đàm thân mật của văn nghệ sĩ. Nếu ở trong buổi họp thân mật mà Chủ tịch gọi chúng tôi là “các chú” văn nghệ sĩ thì anh chị em sẽ vui lắm vì đó là lời thân mật của gia đình văn nghệ.”
Nói xong, anh lễ phép cúi đầu chào Chủ tịch và các quan khách cùng văn nghệ sĩ ngồi dưới. Anh nghe có một vài tiếng vỗ tay. Liền đó, ông Hồ tiến lại bắt tay rồi ôm lấy anh với nụ cười rất xã giao của nhà chính trị. Ông nói: “Tôi thành thật khen chú đã góp ý hay cho tôi. Tôi xin ghi nhận.” Nói xong, để tỏ ra mình là người trên biết ghi nhận lời kẻ dưới, ông Hồ quay lại nói với văn nghệ sĩ cùng quan khách bên dưới: “Kính thưa văn nghệ sĩ, tôi xin thành thật ngợi khen lời góp ý của nhà thơ Hữu Loan, và bây giờ xin anh em ai có ý kiến gì hay cứ việc mạnh dạn lên đây phát biểu. Chúng ta là văn nghệ sĩ cần phải nói thẳng nói thật để sáng tác phục vụ cho nhân dân.”

Anh đi xuống bàn thư ký. Khi bước ngang qua hàng ghế đầu, anh liếc nhìn thấy Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi mặt lạnh như tiền, hai cặp mắt nhìn anh không một tí thiện cảm. Anh biết hai ông thầy của anh rất ghét và tức anh, nhưng anh làm lơ về chỗ ngồi tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Tiếp theo đó, là phần thảo luận các đề tài trong bài diễn văn của ông Hồ nêu ra. Đến mười hai giờ, mọi người nghỉ đi ăn, chờ buổi chiều bàn tiếp. Anh cũng rời chỗ đi ăn cơm. Khi ra phòng ngoài, nhiều bạn bè xúm lại bắt tay anh ôm anh và tỏ lời khen ngợi anh can đảm nêu ý kiến rất hay. Tuy nhiên, một số đông nhìn anh bằng cặp mắt không những tỏ ra thiếu thiện cảm mà còn khinh khi nữa. Trong số bạn bè yêu mến và ca ngợi anh, có một anh bạn vỗ vai anh bảo nhỏ: “Cậu hay lắm! Nhưng hãy giữ mình thận trọng đó.

Yếm Vải Xứ Thanh 2

Sau đó ít lâu ở miền Bắc xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Trong đám Nhân Văn có cụ Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng bị kết tội rất nặng. Cụ Phan Khôi tuổi đã quá cao nên không bị bắt đi trại cải tạo như Trần Dần, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng. Nhưng cụ bị cô lập, không được tiếp xúc với ai, và người nào cũng sợ hãi không dám liên hệ với cụ vì cụ bị coi là kẻ phản động xấu xa, đến nỗi cụ bị chết đói!
Trong số những người liên can đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, có tôi, anh Quang Dũng, và cả nhạc sĩ Văn Cao cũng dính líu vì có bài viết. Nhưng Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi chỉ bắt chúng tôi lên làm kiểm điểm. Sau đó, họ đuổi chúng tôi ra khỏi Hội Nhà Văn, nghĩa là bị treo bút không được đi làm. Cho nên, anh Quang Dũng sống trong cảnh nghèo đói, cho đến lúc chết chẳng bao giờ được hưởng một bữa cơm ăn độn cho no lòng. Anh Văn Cao cũng bị trừng phạt, nhưng anh ấy còn nhờ vả được vợ là chị Băng. Trước đó, chị thuộc con nhà tư bản ở Hà Nội nên còn dành dụm được một ít tiền bạc đem ra nuôi chồng con. Anh Văn Cao buồn rầu quá đâm ra nghiện rượu nặng. Riêng tôi được lệnh phải về quê để chịu an trí quản thúc, cấm không được liên hệ với bất cứ ai. Thế là hai vợ chồng lại lếch thếch bồng con về ngôi nhà cũ nát: nhà mái lá, mỗi khi trời mưa, nước dột khắp nơi, nên ngày cũng như đêm, chúng tôi phải thay phiên nhau nằm chống tay lấy thân che cho đứa con nhỏ ngủ.

Lúc đó, nhờ còn trai tráng sức vóc, nên sáng sớm tôi đi đánh giậm kiếm vài con tôm con tép, mang bán lấy tiền, chỉ giữ một ít đem kho muối mặn chát ăn với cơm. Buổi chiều, tôi ngồi xe trâu đi thồ đá, đổi công lấy gạo và ngô. Tuy vậy, hai vợ chồng yêu thương nhau, sống rất hạnh phúc. Nhà tôi chịu cực rất nhiều, lại sinh đẻ cho tôi những đứa con. Khi đứa đầu 7 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi, và đứa thứ ba 3 tuổi, thì trong bụng bà ấy mang một đứa nữa sắp chào đời!

Trong thời gian ấy, ngoài Bắc gặp khó khăn trầm trọng, là thiếu gạo cho dân ăn. Mọi người sống bằng mì của Liên Xô viện trợ. Tiêu chuẩn mua gạo hàng tháng bằng tem phiếu. Nhưng đâu có được mua gạo đầy đủ. Có tháng mỗi đầu người chỉ mua được 30% gạo, còn 70% là mì Liên Xô. Nhà nước ra lệnh cấm ngặt không ai được dùng bột gạo làm quà bánh bán cho dân. Từ tỉnh thành đến thôn quê, người ta thèm ăn quà có bột gạo, nên con buôn đã làm “chui” các món quà có bột gạo để bán cho dân, như là bánh cuốn, bánh đúc, và các loại bánh khác. Công an và tụi quản lý chợ kiểm soát rất gắt gao. Ai bán hàng bột gạo “lậu” vô ý để công an bắt được, sẽ bị tịch thu hết hàng hóa và phạt tiền rất nặng. Thế là hết vốn! Mặc dù vậy, nhưng vì cần phải sống nên người ta cứ phải liều lĩnh mà làm “chui” bán “chui”.


Để có số thu nhập cho cuộc sống gia đình đỡ khổ một phần nào, vợ tôi cũng liều bắt chước người ta làm bánh cuốn mang ra chợ bán(Hình phải:Nhà thơ Hữu Loan và vợ). Bà ấy nẩy ra một sáng kiến bán “chui”, và thực hiện ngay. Bà đi mua “chui” gạo giá chợ đen. Ban ngày bà xay gạo ra bột. Đến khuya, lúc 2 giờ sáng, bà dậy tráng bánh để sáng ngày đem ra chợ bán. Biết dân đói khát thèm thuồng, bà tráng bánh bánh thật dầy và to, khác với bánh cuốn tráng mỏng và nhỏ như ở thành thị thời xưa. Làm xong, bà cho bánh cuốn cùng nước mắm chanh pha sẵn vào thúng, đậy lên bằng hai, ba cái mẹt nhỏ. Đoạn bà đội thúng bánh lên đầu, tay dắt theo hai con lớn, đứa bảy tuổi đứa năm tuổi. Mẹ con lần vào trong ruộng mía hoặc ruộng ngô um tùm kín đáo, từ bên ngoài không trông thấy được. Ở đó, bà lẳng lặng xếp bánh và nước chấm ra hai cái mẹt, mỗi mẹt chỉ có ba phần ăn thôi, rồi cho hai con đem vào chợ bán, còn bà ngồi lại chờ. Bà dặn dò hai con phải cùng nhau trông chừng công an và quản lý chợ; đứa nào bán hết ba phần thì trở lại lấy tiếp bánh cuốn đem bán. Làm như vậy là để tránh việc đem đi nhiều, nhỡ công an bắt được là hết vốn. May Trời thương Thánh độ, và hai thằng bé cũng tinh khôn, nên không bị bắt lần nào! Nhờ vợ tôi mà gia đình bớt khổ!
Bọn trẻ con mang bánh cuốn đi bán được các bà nhà quê đi chợ mua ăn. Họ rất thương mến hai đứa, còn bảo chúng: “Các cháu hãy về nói với mẹ là nên thêm vào trên mỗi cái bánh cuốn một ít hành mỡ. Bánh sẽ ngon hơn và bán được nhiều hơn.” Nghe các con nhắc lại ý kiến khách hàng, vợ tôi thấy hợp lý nhưng khó khăn, vì “đường, gạo, thịt” là những loại hàng bị cấm.
Ấy thế mà bà ấy cũng chạy chọt mua “chui” được mỡ để trộn với hành cho bánh ngon hơn! Tuy nhiên, có mỡ đã là khó rồi, đến lượt rán mỡ ra nước rồi phi với hành lại là vấn đề gian nan. Ở nhà quê không khí trong lành, hành mỡ phi vàng lên bốc mùi thơm bay đi rất xa. Công an hay du kích ngửi thấy mùi thơm của hành phi mỡ, sẽ đánh hơi tìm ra nơi mình làm bếp “chui” ngay! Cho nên cứ phải đến 4 giờ sáng bà ấy mới nhóm bếp, kê chảo, cho hành thái nhỏ vào chảo phi lên. Trong lúc bà ấy làm, tôi có bổn phận ra ngoài cửa canh gác xa xa. Tôi định bụng nếu thấy bóng công an hoặc du kích đi tới là tôi sẽ bước ra ngăn chặn, kiếm cớ to tiếng cãi nhau, để trong nhà có thì giờ mang cái chảo hành mỡ ra vứt xuống cái ao bên cạnh bếp cho phi tang. Cũng may là không bao giờ xảy ra chuyện gây cấn đó cả!

Trong hai ba năm đầu bị đuổi về an trí quản thúc tại quê nhà, tôi thấy thương xót vợ con vất vả khổ cực nên nhiều đêm tôi trằn trọc thao thức không ngủ được. Tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, cố tìm ra lời giải đáp chính xác cho câu hỏi : Tại sao đảng lại an trí quản thúc đầy đọa tôi tại quê nhà như thế này? Tôi nghĩ đến các bạn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, và tự đưa ra các câu hỏi:
- Những người bị kết tội nặng đi tù đã đành, còn anh Quang Dũng, anh Văn Cao và tôi chỉ bị kiểm điểm vì mắc tội nhẹ, mà sao họ lại đuổi ba chúng tôi ra khỏi Hội Nhà Văn, treo bút, không cho công ăn việc làm?
- Các anh Quang Dũng, Văn Cao không bị đuổi ra khỏi thành phố, không bị quản thúc tại quê nhà, mà chỉ mình tôi chịu hình phạt như vậy, là do nguyên cớ nào?
Tôi cần biết rõ lý do để tự giải đáp thắc mắc cho mình. Tôi nghĩ là phải có một lý do đặc biệt nào đó nên họ mới đối xử với tôi như thế.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi kiểm điểm lại mọi thứ. Tôi nhớ lại thời gian tôi được đề cử làm Thư ký Hội Nhà Văn. Hàng ngày tôi gặp Chủ tịch Hội là ông Nguyễn Đình Thi. Ông ta chỉ trao đổi với tôi về các công việc của Hội thôi chứ không tỏ thái độ thân thiện, đôi khi còn có vẻ lạnh nhạt nữa. Còn người đỡ đầu ông Thi là ông Tố Hữu. Ông ấy có tuổi đảng và chức vụ cao. Mỗi lần gặp tôi, ông chỉ bắt tay sơ qua rồi quay đi, nét mặt ông tỏ ra rất khó chịu và có vẻ ghét tôi nữa. Tôi nghĩ có lẽ hôm họp đại hội nhà văn, tôi đã cả gan phê phán ông Hồ, nên vì thế mà ông ghét tôi chăng. Tuy vậy, vì tự trọng của một văn nghệ sĩ, tôi cũng chẳng cần săn đón để họ tưởng là mình nịnh bợ.

Rồi tôi chợt nhớ ra một chuyện xảy vào năm 1951 khi mà tôi còn ở quân đội khu 4. Tôi chợt hiểu rằng Tố Hữu không những ghét tôi mà còn thù tôi là khác. Hắn nhỏ nhen ích kỷ ghen tức với tôi vì hắn biết là vợ hắn yêu tôi đến độ say mê. Đã một lần cô ta dọa ly dị và nói cho hắn biết cô ta yêu tôi, sẽ đi tìm tôi để lấy tôi sau khi vợ thứ nhất của tôi mất mấy năm.

Vợ Tố Hữu tên là Thanh, gái Huế khá đẹp, con nhà danh giá. Có một thời gian cô ta học trường Collège tỉnh Thanh Hóa. Hồi đó tôi đã đậu xong Tú Tài Pháp, nhưng tôi không làm việc với Pháp mà trở về Thanh Hóa sống với gia đình, thay cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ các em, đồng thời đi dạy học tư cũng như kèm cho các em dự bị thi trung học.
Trong số các em đến nhờ tôi kèm luyện thi, có một số là nữ sinh gồm bảy, tám em tuổi chừng 16, 17. Mỗi tuần tôi dạy kèm ba buổi. Trong số có một em lớn hơn cả tên là Thanh. Nàng tỏ ra rất yêu mến tôi, chăm sóc tôi. Đặc biệt là Thanh năn nỉ tôi phải cho cô ta tới học mỗi ngày chứ không cách ngày như các em khác.

Tôi lúc đó là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, đẹp trai. Các em nữ sinh học tôi em nào cũng tỏ ra thương mến tôi. Nhưng bản tính tôi rất đứng đắn, hết sức tôn trọng các đức tính làm người như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, của Ông Cha truyền dạy. Nên tôi lúc nào cũng coi các nữ sinh học lớp tư của tôi như chính em gái ruột mình. Tôi luôn luôn nghiêm nghị, không hề có ý tưởng thấp hèn đối với họ. Do đó, các em rất nể phục tôi, coi tôi vừa là thầy giáo vừa là người anh của họ.

Một hôm, tôi thấy Thanh đến nhà tôi trước lớp học cả giờ. Nét mặt buồn thiu, Thanh nói: “Hôm nay em lại sớm vì em muốn mời anh đi ăn cơm và nói chuyện, chứ không học bài, và có lẽ mãi mãi em không còn được đi học cũng như gặp anh nữa!” Tôi hiểu là Thanh đang có tâm sự gì đau buồn, muốn gặp riêng tôi để giãi bày, nên đồng ý đi ăn cơm hiệu với cô ta. Đến một quán ăn, Thanh chọn chọn một bàn ở trong cùng. Hai thầy trò ngồi xuống, gọi nước uống trước khi bảo làm món ăn.
Lúc đó, Thanh khóc lóc bảo tôi:“Hôm nay, em mời anh ăn một bữa lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, có lẽ không bao giờ em còn gặp lại anh nữa. Em sẽ phải giã từ bạn bè, mái trường, và cả cuộc đời ngây thơ của một nữ sinh nữa!” Thanh chấm nước mắt, nói tiếp :”Chiều hôm qua, có đứa em trai ở Huế được cha mẹ em sai ra đây đưa thư cho em, bảo em phải xin nghỉ học về Huế ngay để thu xếp cho kịp ngày đi lấy chồng. Trong thư, cha mẹ em còn cho em biết là người chồng em sắp lấy là con trai của người bạn đồng môn cũ. Hai bên đã hứa hẹn từ lâu rồi, và cũng là chỗ môn đăng hộ đối. Cha mẹ em nói thêm là chồng chưa cưới của em hiền lành, đã có bằng trung học Pháp. Bổn phận em là con gái phải vâng lời cha mẹ đặt đâu ngồi đó, nên em đành tuân theo. Chỉ vài hôm nữa em về Huế, nên phải đến gặp anh hôm nay để nói lời từ giã, cảm ơn anh đã tận tâm dạy em học trong thời gian qua! “

Nhìn Thanh vừa khóc vừa nói, tôi xúc động và cảm thương cho thân phận Thanh, nhưng không biết phải nói gì để an ủi Thanh. Tôi chầm chậm nói vài ba lời khuyên: “Anh rất cảm thông cho nỗi buồn của Thanh. Nhưng việc vâng lệnh cha mẹ về lấy chồng của Thanh chứng tỏ rằng Thanh là người con gái ngoan, có hiếu, biết tuân theo lời cha mẹ. Đó là điểm son đáng quý ở người con gái Việt Nam. Hơn nữa, là trai hay gái, lớn lên trước sau cũng phải lập gia đình, đó là bổn phận của con người mà Tạo Hóa ban cho để nối tiếp dòng dõi. Và, nói cho cùng, mỗi con người sinh ra đều có một định mệnh do Trời dành cho. Đời con gái đi lấy chồng mười hai bến nước trong nhờ đục chịu. Anh cũng buồn lắm khi thấy em phải xa trường xa bạn, xa anh là thầy dạy kèm. Bây giờ anh chỉ mong em có đủ nghị lực làm tròn bổn phận người con; mai sau, em có hạnh phúc là anh mừng rồi.”
Thế là sau bữa ăn tiễn biệt, Thanh đã âm thầm ra về, và từ đó tôi không có tin tức gì về hoàn cảnh của Thanh nữa.

Vào đầu mùa Hè năm 1951, tôi đi làm về, ăn uống xong, ra nằm trên võng trước cửa nhà hóng mát, trong đầu nghĩ tới người vợ chết đuối mấy năm trước. Chợt tôi thấy một người đàn bà đầu đội nón sụp xuống che mất hẳn cái mặt đang đi từ ngoài ngõ vào và tiến về phía tôi nằm. Tôi ngơ ngác chưa biết đó là ai thì người đàn bà đó đến chỗ tôi nằm, quỳ xuống ôm chầm lấy người tôi, vừa khóc vừa giở nón ra miệng nói:“Anh Hữu Loan ơi! Anh còn nhận ra em không? Em là Thanh trước học ở Collège Thanh Hóa, từng học lớp tư của anh rồi chia tay với anh về Huế lấy chồng đây nì!” Lúc đó tôi mới nhìn rõ ra Thanh, đúng là cô nữ sinh của tôi ngày xưa. Tôi vội vàng ngồi dậy. Thanh ngồi dưới đất gục đầu lên gối. Tôi đi vào nhà lấy cái ghế ra, đỡ Thanh ngồi lên. Nàng lả người vào mình tôi. Tôi vội bảo nàng: “Em có chuyện gì buồn, để thủng thẳng nói ra sau. Bây giờ em hãy nín đi, đừng khóc lóc nữa. Hãy ngồi thẳng người trên ghế đàng hoàng, kẻo lỡ có ai trông thấy em sát cạnh anh, họ hiểu lầm, là mất danh dự và xấu hổ lắm đấy!

Yếm Vải Xứ Thanh 3

Thanh nghe lời tôi, ngồi thẳng người lên, không khóc nữa. Nàng yên lặng nhìn tôi đăm đăm bằng đôi mắt đẫm lệ. Tôi ôn tồn hỏi:”Em từ đâu đến đây tìm anh? Có chuyện gì mà buồn thế? Em cứ nói hết cho anh nghe. Nếu anh có thể giúp gì được cho em, anh sẽ hết lòng.”

Thanh lấy vạt áo chấm lệ, mím miệng thở dài rồi cất giọng gái miền Trung dịu dàng quen thuộc thuở xưa:”Em ở tận trên Việt Bắc, trong rừng thuộc tỉnh Thái Nguyên. Từ đó về đây, nơi nào có thuyền em đi thuyền, còn không thì đi bộ, mất ba ngày mới đến nơi, anh ạ. Chủ đích của em về đây gặp anh để cho anh biết chuyện của đời em, quan trọng mà buồn lắm!” Thấy tôi cũng yên lặng nhìn nàng, Thanh chớp chớp cặp mắt to đen, bắt đầu kể:”Một ngày sau buổi chia tay với anh ở quán ăn tại Thanh Hoá, em và thằng em trai trở về Huế sớm vì em rất sợ phải gặp lại bạn bè trong nỗi đau buồn. Chúng em đi xe đến Huế đã mười giờ tối. Cha mẹ em thấy em khoẻ mạnh thì mừng lắm. Mẹ em dọn cơm cho hai đứa ăn. Xong, mẹ em bảo em:”Đường xa về mệt, con hãy đi ngủ ngay. Sáng mai, cha mẹ sẽ nói chuyện tương lai của con.” Hôm sau, em dậy sớm. Chờ em rửa mặt ăn sáng xong, cha em bảo:”Như đã nói trong thư, cha mẹ gọi con về lập gia đình, xây dựng tương lai cho con. Con trai con gái lớn lên, ai cũng phải lập gia đình, như cha mẹ, rồi sinh con đẻ cái nối tiếp giống nòi. Chồng sắp cưới của con là con trai một người bạn thân của cha từ nhỏ. Gia đình anh ta danh giá, môn đăng hộ đối với nhà ta. Anh ta đã học xong trung học, lại biết khá nhiều về văn thơ và lấy bút hiệu là Tố Hữu. Tuy hai con chưa bao giờ có dịp gặp nhau, vì cả con lẫn anh ta phải đi học phương xa, nhưng cha mẹ thấy anh ta hiền lành nên rất ưng. Cha mẹ luôn luôn ước mong cho con có nơi nương tựa xứng đáng.”

(Đến đó, Thanh lắc nhẹ mái tóc đen hơi bù rối, kể tiếp). Cha mẹ em còn nói thêm là nhà trai xin làm lễ cưới vào tháng sau cùng ngày vì đó là ngày lành tháng tốt. Em không có ý kiến nào cả, chỉ biết chờ đợi sự diễn tiến của số mệnh mà thôi. Trước ngày cưới nửa tháng, người chồng tương lai của em theo cha mẹ đến trình diện chào hỏi cha mẹ em. Lúc đó, em nấp trong buồng nhìn ra để biết mặt chồng chưa cưới, chứ không được phép ra tiếp chuyện. Em thấy anh chàng dáng dấp thư sinh, không cao ráo khoẻ mạnh đẹp trai, nhưng cũng không phải là người xấu trai, có vẻ hiền lành trong bộ quần áo dài cổ xưa chứ không mặc âu phục như các thanh niên thời nay. Hơn nữa, em thấy anh chàng có nhiều nét quê mùa là đằng khác.
Thế rồi, ngày cưới đến. Đám cưới được tổ chức linh đình cho đẹp mặt hai họ, vì cả hai gia đình đều khá giả. Lần đầu tiên đi làm dâu, xa gia đình, đến ở nhà chồng, cái gì cũng lạ lẫm. Cha chồng em rất hiền lành ít nói, duy có bà mẹ chồng người Huế đầu óc còn nặng phần cổ hủ phong kiến nên bà tỏ ra hơi khắt khe. Về phần các cô các cậu em chồng, chẳng ai tỏ ra thân thiện thương mến em cả. Thái độ chồng em lúc nào cũng lầm lì, khô khan, nên đời sống tình cảm của em thật buồn, nhưng số phận đã lỡ như vậy, em đành phải chấp nhận mọi thứ, kể cả việc làm vừa lòng mẹ chồng cùng các em chồng.
C
hồng em hay vắng nhà. Khi ở nhà, anh ấy chẳng nói năng gì hoặc làm cử chỉ nào để biểu lộ sự yêu thương chiều chuộng vợ cả. Em chỉ biết có bổn phận làm vợ mà thôiỳ chứ không tài nào yêu chồng em được. Cứ như thế, em lầm lũi làm tròn bổn phận dâu hiền vợ ngoan. Được hơn một năm, em sinh con trai đầu lòng. Tới lúc đó em mới tìm thấy nguồn vui sướng và an ủi ở đứa con trai, nên em dồn hết tình thương vào nó, quên đi những chuyện xảy ra hàng ngày.
Thế rồi tới ngày 19 tháng Tám năm 1945, Cách Mạng tháng 8 của Việt Minh thành công. Lúc đó em thấy chồng em có vẻ vui sướng khác thường, lại đi họp đi hành liên miên. Có lần em tò mò hỏi Tố Hữu chồng em:”Sao anh đi họp hoài vậy?” Chồng em hơi cau mày, lạnh lùng nói:”Bây giờ cách mạng thành công, bổn phận làm trai phải đóng góp chứ.” Rồi anh ấy gật gù nói thêm:”Sau này, nước ta sẽ không còn cảnh nhà giầu nhà nghèo, sẽ hết chuyện người bóc lột người hoặc dùng quyền hành áp bức đồng loại bắt người ta làm nô lệ nữa.”
Rồi một hôm, trong khi thu dọn quần áo của chồng đem đi giặt, em thấy chồng em để quên cái bóp đựng giấy tờ. Em tò mò giở ra xem thì thấy một giấy chứng nhận anh ấy là đảng viên cộng sản từ năm lấy em. Khi đó em mới hiểu, vì là đảng viên cộng sản nên chồng em hay vắng nhà đi hoạt động, chẳng ngó ngàng chú ý gì đến vợ con cả. Và khi cách mạng thành công, anh ấy lại hăng say hơn.

Đến cuối năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Nghe lời kêu gọi của chính phủ cộng sản, người dân ở thành thị tản cư và theo chính sách tiêu thổ kháng chiến. Gia đình nhà chồng em cũng đi tản cư về vùng quê, còn em thì bế con theo chồng đi lên Việt Bắc. Ở có chính phủ trung ương lãnh đạo kháng chiến đặt bản doanh. Chồng em được cử làm chủ tịch văn nghệ kháng chiến. Anh ấy rất hăng hái hoạt động, làm thơ ca ngợi cách mạng, quên hết vợ con. Em thui thủi một mình lo lắng nuôi nấng chăm sóc đứa con và hầu hạ chồng mỗi khi anh ấy về thăm nhà. Có lẽ vì quá hăng say làm việc, đầu óc căng thẳng, nên anh ấy đâm ra khó tính, hay cáu gắt với em dù chỉ là một việc nhỏ nhặt chẳng đáng gì. Hơi tí anh ấy cũng lôi em ra phê bình gay gắt. Em buồn quá đâm ra lì lợm.

Cách đây hai năm, em sinh thêm một con trai nữa. Hai đứa con đem lại cho em niềm vui, làm em khuây khỏa, chứ nói thật với anh, lắm lúc em chán đời không thiết sống nữa! Từ khi lớn lên ở tuổi con gái học trò ngây thơ đầy mơ mộng, em chưa được hưởng hạnh phúc tình yêu. Năm học ở Thanh Hoá với anh, em chỉ có một tình yêu đơn phương câm lặng. Người em yêu là anh mà anh đâu có biết. Lúc nào anh cũng mang vẻ nghiêm nghị đạo mạo của một ông anh, ông thầy. Em là con gái, lại là con nhà nề nếp, nên tuy rất yêu mà không dám thổ lộ tình cảm với anh. Em sợ anh sẽ khinh em là con gái Huế lãng mạng thiếu giáo dục, nên em đành ôm mối tình câm và sau đó phải trở về nhà tuân theo lời cha mẹ đi lấy chồng, một người xa lạ mà em không yêu.

Lúc ấy, em nghĩ rằng vì không có hoàn cảnh gặp nhau để phát sinh ra tình yêu, nhưng sau này thành vợ thành chồng sẽ nẩy nở tình cảm. Nhưng số em không may. Từ ngày lấy chồng đến nay đã có hai mặt con rồi mà em chưa hề được hưởng một cử chỉ âu yếm lời nói ngọt ngào từ người chồng mà chỉ nhận được sự hững hờ cay đắng thôi. Nhất là từ khi vợ chồng dắt nhau đi tản cư lên Việt Bắc, anh ấy quá ham mê quyền lực danh vọng, xa lánh vợ con. Hôm nào anh ấy về nhà là có chuyện, không chuyện này thì chuyện khác. Em chỉ còn biết ôm con khóc thôi, trong bụng mong cho anh ấy đi cho sớm và càng ít về càng hay!

Kể đến đây, anh Hữu Loan chợt ngừng lại, nhìn tôi hỏi:
- Chuyện dông dài quá nhỉ?
Tôi vội nắm tay anh, miệng ân cần:
- Em phục trí nhớ của anh. Anh em mình gặp nhau lần này, biết bao giờ em mới trở lại đây để đàm đạo với anh nữa. Những chuyện thâm sâu ấy cần được phơi bày hết ra một lần cho đồng bào hải ngoại và có thể quốc nội được hiểu rõ mọi chuyện. Xin anh cứ kể tiếp.
Anh Hữu Loan thở dài, cất giọng trầm trầm đặc sệt âm điệu Thanh Hoá:
- Anh cũng chiều ý em, Hưng ạ. Có một điều anh cần cho em biết thêm. Đó là Thanh tuy là gái Huế, nhưng qua nhiều tháng tiếp xúc với bạn bè tứ xứ và nhất là sau biết bao cuộc trò truyện riêng với anh, tiếng nói của nàng rất đặc biệt. Nó vừa mang âm thanh Huế cổ kính và âm sắc du dương của Hà Nội, vừa đượm âm hưởng xứ Thanh Hoá rất nhẹ nhàng của anh, khiến người nghe dễ bị “thôi miên”. Thế mà anh chàng Tố Hữu không hề cảm động. Có lẽ đó là hiện tượng chung cho đa số thanh niên Bôn-Chê-Vích chăng? Riêng anh là một ngoại lệ, cũng như một số nhỏ thanh niên trong thế giới cộng sản này, nên anh không khỏi mủi lòng trước cảnh “nhi nữ trường tình”. Và, anh đã chú ý nghe Thanh kể lể…

Thanh vén tóc, vạch áo cho anh thấy những vết bầm tím trên đầu trên người, trông thật phũ phàng với những dấu đòn thù thô bạo in vào làn da trắng mịn vô tội! Thanh ngước mắt nhìn anh, mấp máy cặp môi mềm đầy quyến rũ, hiến cho đời và cả anh những lời nỉ non của một sầu nữ diễm tình:
“Anh Hữu Loan ơi! Từng giây từng phút trôi qua trong cái quá khứ nhạt nhẽo ấy mà chỉ riêng em buồn tủi một mình, không có ai thân thiết mà tâm sự cho vơi đi niềm đau nỗi khổ. Em đã dằn lòng nhịn nhục hết sức rồi mà vẫn không thay đổi được gì. Cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng. Sự chịu đựng của con người cũng có hạn thôi chứ, khổ nhục quá ai chịu nổi! Con giun xéo lắm cũng quằn mà! Cách đây một tuần lễ, anh Tố Hữu về nhà. Em lo cơm lo nước cho anh ấy, cố làm tròn bổn phận người vợ. Em nhận thấy nét mặt anh ấy lúc nào cũng đăm chiêu đầy khó chịu. Thằng con lớn của chúng em lại hay nghịch ngợm phá phách. Thế là anh ấy kiếm chuyện đay nghiến em:”Ở nhà cả ngày, có hai đứa con mà cũng không biết lo dạy dỗ, để chúng nó phá phách thế à! Mai sau lớn lên sẽ hư hỏng!” Em bực mình quá nên cãi lại, dần dần hai vợ chồng thành to tiếng. Cơn nóng giận của anh Tố Hữu nổ bùng lên. Anh quát tháo mắng em là “con nhà mất dạy vô giáo dục” dám cãi lại cả chồng. Trời ơi! Chửi em là “con nhà mất dạy vô giáo dục” là đụng đến cha mẹ em rồi! Em không dằn được nữa, nên em cãi lại hăng hơn, không còn nể nang gì anh ấy nữa. Em cũng dùng những câu nặng nề chỉ trích gia đình anh ấy, làm anh ấy càng nổi nóng thêm, miệng hét toáng lên, lao người tới chỗ em đứng, một tay nắm lấy tóc em quấn chặt lại! Rồi anh ấy vừa đè em xuống vừa dùng tay kia đánh em một trận không nương tay. Đánh xong, hả cơn giận, anh ấy vơ lấy áo quần cho vào cặp, xách ra cửa đi luôn

Sau trận đòn, khắp, người em đau ê ẩm. Tủi thân quá, em vào buồng ôm hai đứa con thẫn thờ vì hoảng sợ, em khóc sưng cả mắt. Với mối uất hận ngập trời, em tự nhủ em không bỏ phí cả cuộc đời, sống trong cảnh khổ đau mãi như thế được. Chồng gì mà vũ phu quá! Cuối cùng, em quyết định xin ly dị để không còn sống trong cảnh địa ngục trần gian như thế này nữa! Suy đi tính lại suốt đêm, sáng hôm sau, em dậy lo cho hai con ăn uống xong, tuy thân thể mặt mũi còn đau, em lấy giấy bút ra thảo ngay một lá đơn xin ly dị với các lý do đến từ câu chuyện xung đột giữa hai vợ chồng. Em ký tên sẵn một bên và để trống một bên cho anh ấy ký sau.
Kèm theo lá đơn xin ly dị, em còn viết riêng cho anh Tố Hữu một bức thư dài, trong đó có đoạn như sau:
“tôi lấy anh là do lệnh của cha mẹ tôi. Từ ngày ấy cho đến nay, tôi âm thầm chịu đựng cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ làm dâu con. Thật ra, tôi chưa hề xúc động một tí nào với anh mà cũng chẳng cảm thấy yêu thương anh một giây phút nào cả. Thêm vào đó, tôi chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc dù cũng chỉ là giây phút. Trái lại, cuộc sống vợ chồng chứa chất toàn chuyện cãi cọ do anh gây sự mắng nhiếc tôi. Vừa rồi, anh lại giở thói vũ phu thuộc loại côn đồ ra đánh đập tôi. Cho nên, tôi không còn muốn sống chung với anh nữa. Anh nên ký tên vào tờ giấy ly dị mà tôi viết sẵn kèm theo đây…”

Kể đến đó, Thanh ngửng đầu nhìn anh bằng ánh mắt vô cùng tha thiết. Nàng nhắm mắt vài giây rồi mở ra như quyết định lần cuối cùng trước khi thổ lộ một điều hệ trọng. Bằng giọng nói run run như của thiếu nữ lần đầu trao đổi lời yêu đương với người tình, Thanh nói trong hơi thở:
“Anh Hữu Loan ơi! Em đã nói trong thư gửi cho anh Tố Hữu những lời sau đây:”Lúc còn con gái đi học ở Thanh Hoá, tôi đã quá yêu anh Hữu Loan. Đó là một con người có học thức, nhiều đạo đức, và là một nhà thơ nổi tiếng thời nay với bài thơ khóc vợ nhan đề Màu Tím Hoa Sim. Chắc anh cũng biết bài thơ đó. Lúc ấy, tôi đã yêu anh Hữu Loan một cách đơn phương, câm lặng, chỉ mình tôi biết cho chính tôi mà thôi. Anh Hữu Loan rất đứng đắn. Anh ấy dạy tôi và các chị em bạn tôi trong lớp riêng tại nhà. Ai ai cũng mến anh ấy, nhưng anh ấy quá nghiêm trang, coi tụi tôi như những người em gái mà thôi. Đó là mối tình đầu của tôi và tôi đã chân thành dâng hết con tim cho anh Hữu Loan. Tuy không được đáp lại, nhưng tôi luôn luôn tôn thờ mối tình cao đẹp đó.
Thế rồi bỗng dưng cha mẹ tôi gọi về, gả tôi cho anh. Tôi nào có quen anh yêu anh đâu. Chỉ vì chữ hiếu nên tôi phải vâng lời cha mẹ. Còn anh Hữu Loan lấy vợ được vài ngày thì chị ấy chết đuối.
Ngày mai, tôi sẽ gửi hai con cho người bạn, và tôi sẽ đi thật xa, về tỉnh Thanh Hoá, tìm đến anh Hữu Loan, kể cho anh ấy hết tâm sự của tôi. Tôi sẽ nài xin anh ấy hãy thương tôi và nhận cho mối tình sâu đậm chân thành mà tôi đã từng dành cho anh ấy. Nếu anh ấy chấp nhận tình yêu của tôi, tôi sẽ ở lại với anh ấy đến bạc đầu. Còn hai con, nếu anh lo cho chúng được thì càng hay, bằng không anh biên thư về Phòng Chính Trị khu Tư cho tôi biết, tôi sẽ về nhận hai con để nuôi nấng dạy dỗ chúng cho nên người sau này, vì tôi thương hai con tôi vô cùng.”
Viết xong, em để cả hai tờ giấy trên bàn, rồi mang con đi gửi. Đoạn, em thu xếp quần áo thường dùng vào tay nải, lên đường ngay. Suốt trong ba ngày lặn lội bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, em tới được Thanh Hoá, hỏi thăm chỗ anh ở và tìm đến gặp anh đây nì, anh Hữu Loan yêu dấu ngàn đời của Thanh ơi!!!

Yếm Vải Xứ Thanh (đoạn kết)

Nghe Thanh thổ lộ trong nước mắt tâm sự đau buồn của nàng, tôi (Hữu Loan) vừa xúc động vừa thương hại Thanh. Nhưng điều này đưa tôi vào cái thế vô cùng khó xử. Thật tình tôi không hề biết việc Thanh đã yêu tôi từ ngày còn học ở Collège Thanh Hoá. Khi ấy, trong các lớp tư gia của tôi có nhiều nữ sinh. Tôi đều coi họ như em gái thôi. Bản tính tôi rất đứng đắn đối với phụ nữ, luôn luôn tôn trọng đạo đức làm người. Cho nên, tôi hằng quan niệm tình yêu giữa thầy trò là chuyện không trong sáng.

Giờ đây, tôi chỉ ngồi yên lặng nghe Thanh khóc lóc kể lể hết quãng đời làm vợ của nàng cho vơi đi nỗi buồn khổ của nàng. Chờ cho đến khi nàng ngừng nói một lúc, tôi mới nhẹ nhàng khuyên Thanh :
- Anh rất xúc động và cảm ơn Thanh đã dành cho anh một tình yêu cao đẹp. Anh sẽ giữ trong lòng cảm tình đó như một kỷ niệm quí báu suốt đời anh. Giờ đây, mọi việc đã lỡ rồi. Ta hãy coi đó là số mệnh do Trời an bài cho mỗi con người. Em hãy tạm quên đi những u uẩn của đời mình. Bây giờ, anh dẫn em đi ăn cơm nhé. Sau đó, về đây anh sẽ chỉ chỗ cho em nghỉ ngơi qua đêm cho thân xác khoẻ khoắn, tinh thần yên ổn. Tất cả mọi việc rồi sẽ qua đi một cách êm suôi. Em đừng suy nghĩ nhiều quá, không những có hại cho sức khoẻ mà còn ảnh hưởng không tốt đến tương lai.

Nghe tôi bình tĩnh khuyên bảo, Thanh nín khóc. Nàng chấm nước mắt, ngoan ngoãn theo tôi ra phố ăn cơm. Khi trở về nhà, tôi sửa soạn chỗ cho nàng ngủ ở gian trong, nhường cho nàng cái giường của tôi có mắc màn. Còn tôi ra ngoài thềm nhà có mái hiên, mắc võng vào hai cái cột, ngủ cho mát.
Sáng hôm sau, chờ Thanh dậy sớm rửa mặt mũi xong, tôi lại dẫn nàng đi ăn điểm tâm. Khi trở về nhà, tôi quyết định nghỉ làm việc một ngày để có thì giờ tiếp tục khuyên nhủ Thanh. Tôi lựa lời hỏi nàng :
Đêm qua em ngủ có ngon không ? Em đã lấy lại sư bình thản của tâm hồn chưa ?
Thanh cười gượng, đáp :
- Em đi bộ đư?ng xa mệt mỏi quá nên nằm xuống là ngủ ngay và ngủ ngon lắm, anh Hữu Loan ạ ! Còn tâm hồn em chắc không bao giờ bình thản được đâu !
Tôi nhìn Thanh, khoan thai nói :
- Lấy tư cách thầy cũ đáng tuổi một người anh lớn của em, anh có vài lời khuyên nhủ đối với em. Nếu em yêu anh, em hãy lắng nghe và làm theo lời anh chỉ bảo nhé ?
Thanh gật đầu, long trọng hứa sẽ tuân theo những gì tôi sẽ nói. Nhìn sâu vào cặp mắt nhung còn vương nét chân thật của cô nữ sinh ngày xưa, tôi nhẹ nhàng nói :
- Anh rất thông cảm nỗi đau buồn của em. Chính anh cũng đã phải gánh chịu nỗi đau đớn không kém gì em. Anh lấy vợ. Đó là người con gái anh yêu lần đầu tiên trong đời anh. Thế mà chỉ có bảy ngày sau đám cưới, tử thần đã cướp đi người vợ yêu quí của anh trong một tai nạn chết đuối. Em tưởng tượng và sẽ thấy không còn gì có thể làm anh đau khổ hơn nữa. Nhưng rồi anh cho đó là một định mệnh do Trởi đã đặt để cho anh cũng như cho từng con người chúng ta. Chính em cũng không thoát khỏi cái thuyết định mệnh đó. Vậy thì chúng ta chỉ còn một cách là cố gắng chịu đựng nó mà thôi.
Giờ đây, anh thương mến em nhiều hơn trước, lý do là em đã làm tròn bổn phận của một người con gái có hiếu, biết vâng lời cha mẹ. Đó là một đức tính cao quí của con người. Tuy em không nhận được tình yêu lòng thương của người chồng, nhưng em có được tình yêu thương của các con. Anh tin chắc rằng tình mẫu tử em dành cho chúng đã và sẽ giúp em vơi dần đi sự đau khổ. Em đã từng hy sinh thì hãy tiếp tục hy sinh để thi hành trọn vẹn Tứ Đức Tam Tòng. Em hãy nghe anh, trở về với các con. Em có thể bỏ chồng, nhưng anh chắc em không nỡ bỏ con đâu, phải không, Thanh. Con trẻ không có tội tình gì cả. Tội lỗi là do người lớn gây ra. Lẽ nào con trẻ phải gánh chịu tội lỗi ấy ! Hơn nữa, chúng còn quá nhỏ, rất cần sự trông nom săn sóc với tất cả tình mẫu tử. Nếu chẳng may gia đình đổ vỡ, chúng sẽ bơ vơ khốn khổ biết chừng nào ! Trong hoàn cảnh chia ly, con trẻ ở với mẹ thì mất tình phụ tử cần thiết, mà ở với cha lại thiếu tình mẫu tử thiêng liêng. Từ lúc ấu thơ đến khi niên thiếu, chúng nó sẽ ra sao ? Nhất là ở tuổi biết suy nghĩ, chúng sẽ buồn rầu lạc lõng. Điều đó rất có hại cho tương lai của đứa trẻ mất cha hoặc thiếu mẹ. Trong thực tế, trẻ con cần mẹ hơn ai hết.
Hơn nữa, nếu em ly dị với chồng, đi tìm hạnh phúc mới, em sẽ làm buồn lòng cha mẹ em khi các người còn ở trên dương thế. Tai tiếng sẽ bay xa, dư luận ngoài đời sẽ phê phán cha mẹ em vô phúc không dạy nổi con, để con gái tự do “trốn chúa lộn chồng” ! Cha mẹ em sẽ đau lòng vô cùng ; em mang thêm tội bất hiếu.
Do đó, anh tha thiết khuyên em hãy vì các con mà hy sinh bản thân, trở về với gia đình.
Về phần anh, tuyệt đối anh không thể nào chấp nhận chung sống với em, dù biết rằng em yêu anh từ lâu một cách chân thành. Sự tự trọng của người đàn ông và đạo đức làm người không cho phép anh phá hoại gia cang người khác bằng hành động cướp vợ người ta, để mang tiếng nhuốc nhơ muôn đời !
Từ thuở sơ sinh đến khi khôn lớn, anh được thừa hưởng dòng sữa trong trắng của người mẹ trung trinh dưới lần yếm vải của phụ nữ Việt Nam nói chung và của người đàn bà xứ Thanh Hoá nói riêng. Em sinh trưởng trong một gia đình xứ Huế cổ kính và đã từng được giáo dục tại đất Thanh Hoá nổi tiếng về truyền thống Lạc-Việt, nên anh nghĩ rằng trong con người của em phải chứa đựng đầy đủ căn bản đạo đức tuyệt vời của gái miền Trung. Em hãy gìn giữ những đức tính ấy, để mọi tầng lớp phái đẹp mang yếm vải không hổ thẹn với đời.
Hơn nữa, đối với Tố Hữu, dù chỉ là quen biết qua vài lần hội họp văn nghệ, hai người chúng anh không phải là bạn bè, nhưng dầu sao anh Tố Hữu và anh cùng là những người đồng tâm đồng chí trong Hội Nhà Thơ cũng như trong cuộc chiến đấu chống thực dân.
Em cứ yên tâm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ở đây vài bữa, dành thì giờ suy nghĩ cân nhắc về những điều anh vừa khuyên nhủ em. Nếu em nhận thấy đó là những lời chân tình phát xuất ra từ thâm tâm của một người thầy, một người anh, và nhất là một người mà em yêu, anh xin em hãy vui vẻ trở về với các con của em. Anh thiết tha mong ước như vậy.

Thanh chăm chú nghe tôi nói, nhưng không làm một cử chỉ hoặc thốt ra một tiếng nào bày tỏ sự đồng ý chấp thuận cả. Khi tôi ngừng nói, Thanh thở dài cúi xuống ôm mặt. Tôi biết là đang đụng phải bức tường đá kiên cố mà những đợt tấn công vừa rồi không làm lay chuyển một ly ! Tôi tự nhủ :”Mình phải kiên nhẫn với thiếu phụ con cháu bà Trưng bà Triệu này, may ra mới lay chuyển được !”
Những đêm kế tiếp, trong khi tôi chật vật ngủ trên võng, làm bạn với muỗi, chịu đựng sự giằng xé của bảy thứ tình Trời ban cho người trần tục, người đẹp mang tên thứ nhất của danh hiệu Thanh-Hoá êm ấm ngủ trong giường mắc màn, thân hình phô bày tất cả đường nét yêu kiều cám dỗ cao độ của một thiếu phụ đang xuân thì !
Tôi chợp mắt, thấy mình đang tiến gần khu vườn điạ đàng với biết bao mỹ nữ chào mời không ngớt !

Tôi thức giấc theo tiếng gà gáy tinh sương, nhỏm dậy, đi xuống bếp đã thấy Thanh lom khom nhóm lửa. Chiếc lưng thon trong lần áo cánh mỏng chạy xuống bờ mông cong cong nở nang dưới làn vải thâm của chiếc quần hơi chật đong đưa nhè nhẹ khiến tâm can tôi như đang bị chính ngọn l?a do hai bàn tay nàng đang nhóm đốt cháy ! Tôi phải đưa ngón tay cái lên miệng, ghé răng cắn mạnh, và thấy ngọn lửa tình thấp hèn trong tôi vụt tắt !
Thanh dọn bữa điểm tâm đơn sơ lên chiếc bàn mộc cũ, rồi hai chúng tôi cùng ngồi xuống ăn. Thanh cười như hoa nở, cất tiếng ríu rít như chim sơn ca, chớp chớp cặp mắt nhung đầy cám dỗ. Tôi lặng lẽ nhai nuốt miếng cơm mảnh cà, mang theo xuống bụng một cảm giác bồi hồi khó tả ! Tôi ăn thật nhanh, rồi đứng lên bảo Thanh :
- Em ở nhà nghỉ ngơi, đừng chợ búa cơm nước gì nhé. Anh đi làm, đến trưa về đưa em đi ăn cơm.
Thanh nhìn tôi bằng ánh mắt tha thiết, cho tôi một nụ cười ám ảnh cả buổi sáng hôm đó, cũng như những buổi kế tiếp. Ra khỏi nhà, tôi vừa đi vừa cúi đầu suy nghĩ. Buổi trưa cũng như buổi tối, sau giờ làm việc, tôi về nhà dẫn Thanh đi ăn cơm. Khi ngồi ăn trong góc quán kín đáo, hoặc khi đối diện tại nhà, bất cứ lúc nào hai anh em bắt đầu tâm sự là tôi lại xoay câu chuyện vào điệp khúc khuyên nhủ đã trình diễn với Thanh như trên, qua những lời hết sức nhẹ nhàng mà cương quyết. Tôi cố gắng giúp Thanh nhận ra lẽ phải đường ngay, làm cho nàng ý thức rằng không còn con đường nào tốt hơn nữa. Ba ngày hai đêm trôi qua. Buổi tối ngày thứ ba, sau khi ăn cơm ở quán xong, về nhà, tôi nhận thấy nét mặt Thanh đoan trang hẳn lên. Nàng dịu dàng nói với tôi :

Thưa anh Hữu Loan, mấy hôm nay nghe lời khuyên của anh, em suy nghĩ rất nhiều. Đêm hôm qua, nằm vắt tay lên trán, em nhận ra rằng những gì anh nói với em là những điều hay lẽ phải. Em chợt thấy thương các con em quá ! Em cần chúng nó và chắc chắn chúng nó đang cần có em bên cạnh. Em nhớ các con vô cùng. Em tự hứa sẽ làm theo lời dạy bảo của anh. Sáng mai, em xin được từ biệt anh để quay về với các con. Em đi cũng khá lâu rồi, chắc chúng nhớ mẹ chúng lắm !
Sáng hôm sau, ăn điểm tâm xong, Thanh chào từ giã tôi. Tiếng nói của Thanh trong trẻo đầy chịu đựng tuy có thoáng hương vị ẩm ướt :
- Em cám ơn anh rất nhiều. Suốt quãng đời còn lại của em, em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh quí mến cùng những lời dạy bảo tốt đẹp của anh. Đó sẽ là những kỷ niệm tươi đẹp nuôi sống tâm hồn em. Em xin nguyện sẽ ăn ở thật xứng đáng với phái mang yếm vải Việt Nam !

Nói xong, Thanh vội vàng quay lưng bước ra khỏi cửa. Kể từ ngày đó, tôi không bao giờ gặp lại Thanh nữa. Tôi thở dài nhẹ nhõm, trong lòng mừng rỡ vô hạn, vì đã thực hiện được một việc tốt lành.
Năm 1955, tôi làm thư ký cho Hội Nhà Văn nên thường xuyên gặp Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi. Mỗi lần gặp nhau, Tố Hữu bắt tay tôi với đôi lời chào hỏi xã giao kèm theo ánh mắt cùng gương mặt lạnh lùng, trái với truyền thống thân mật giữa anh em cùng giới văn nghệ sĩ. Tôi hiểu là Tố Hữu với bản tính nhỏ nhen ích kỷ đã rất khó chịu khi biết rằng vợ hắn yêu tôi. Chắc hắn nghĩ rằng tôi cũng tầm thường như bao người khác đã lợi dụng vợ hắn mê trai nên đã làm điều xằng bậy với Thanh. Chẳng bao giờ hắn biết rằng chính tôi đã cố gắng hàn gắn cho gia đình hắn không đổ vỡ. Việc hắn biết ơn tôi lại càng mơ hồ hơn.

Vì luôn luôn ghen tức với tôi, thêm vào việc tôi đã tự ý bỏ hàng ngũ “cách mạng”, lấy con nhà địa chủ, phản đảng mà lại dám phê bình lãnh tụ, nên nhân dịp vụ Nhân Văn Giai Phẩm xảy ra, hắn ra lệnh quản thúc tôi nơi quê nhà tại Thanh Hoá cho bõ ghét. Đó là lý do tôi bị quản thúc.

Hữu Loan ngừng nói, khoan thai nhồi thuốc vào nõ điếu cầy, châm lửa rít một hơi dài. Tôi (Trịnh Hưng) rất thích được nghe tiếng điếu cầy kêu tong-tóc, rồi nhìn các cuộn khói đặc quánh bay ra khỏi cửa miệng mở rộng, dâng lên cao, tan mờ trong không gian. Đôi mắt lờ đờ vì khoái cảm hương vị ngậy đắng nồng cháy, Hữu Loan cất tiếng ấm hơn lúc nãy :
- Chắc chú không còn lạ gì đường lối chủ trương của đảng đối với văn nghệ sĩ vốn mang tiếng là tiểu tư sản mang nặng đầu óc lãng mạn ngả nghiêng. Đảng chỉ cần văn nghệ sĩ trong giai đoạn cần thiết như cuộc kháng chiến đánh Tây thôi. Khi đó, đảng hết mực chiều chuộng vuốt ve anh chị em văn nghệ sĩ. Sau khi chiến thắng, họ chẳng cần quái gì văn nghệ sĩ nữa ! Họ chỉ cần “văn nô” thôi. Anh chị em văn nghệ sĩ chân chính ai cũng tự trọng, không chịu làm “văn nô”, tức là sáng tác theo chỉ thị đặt hàng đồng thời ca ngợi đảng một cách trơ trẽn ! Ai chịu làm “văn nô” thì được ưu đãi ; ai không chịu, đảng thẳng tay gạt ra bên lề xã hội, đuổi ra khỏi Hội Nhà Văn, không cho công ăn việc làm, đẩy những văn nghệ sĩ ấy vào cảnh đói khổ chung với gia đình họ !!!

Cộng sản xưa nay chắc chắn rằng văn nghệ sĩ dù cứng đầu đến đâu cũng mềm lòng trước cảnh vợ con đói khát khốn khổ mà phải khom lưng đầu hàng chúng, chấp nhận làm “văn nô” cho tập đoàn cộng sản. Nhưng chúng đã lầm. Dù bị quản thúc trù dập liên miên, các văn nghệ sĩ này vẫn hiên ngang tranh đấu cho cuộc sống của gia đình họ. Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, .. .. .. Một phần không nhỏ, sự tranh đấu cương cường của họ đã từng được bàn tay các hiền thê trợ lực. Những nữ tướng âm thầm này mang tâm hồn đầy hy sinh cao cả, một lòng thờ chồng nuôi con. Dù phải vất vả trăm chiều, các bà vợ văn nghệ sĩ kia không bao giờ nản chí. Đức tính này từ từ lan rộng như vết dầu loang trong giới phụ nữ sống dưới chế độ cộng sản có những ông chồng mang danh cán bộ cao cấp mà tâm hồn nhỏ nhen ti tiện. Một số những người vợ vô phúc đó vẫn duy trì được tâm hồn cao đẹp, một mặt theo gương tốt của các bạn cùng phái, một mặt làm sánh danh tình mẫu tử bao la của người Mẹ Việt Nam. Chính vì thế, cái xã hội bị chủ thuyết vô luân làm nhão nát cho đến nay không bị hoàn toàn băng hoại. Phải chăng các phụ nữ ấy đang nuôi dưỡng tinh thần nữ anh hùng của bà Trưng bà Triệu, gây mầm mống quật khởi cùng nam phái nổi lên phá sập chế độ cộng sản Việt Nam độc tài man rợ, xây dựng cho đất nước m?t tương lai sáng lạn vừa làm sống lại truyền thống con Rồng cháu Tiên vừa
theo kịp đà văn minh Tự Do Nhân Bản ?!


Nhạc sĩ TRỊNH HƯNG

@cothommagazine

Đọc thêm (1 ) :   Luật sư Trần Chánh Thành