Tuesday, December 29, 2015

Cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi
 

Chúng ta thường nghĩ tu hành là phải buông bỏ hết thảy mọi thứ. Điều này hẳn làm cho nhiều người lo lắng vì nếu ai cũng như vậy thì có lẽ thế giới sẽ sụp đổ mất. Và vị đệ tử dưới đây đã đem thắc mắc ấy tới hỏi Sư Phụ của anh…

thay thế, hoán đổi, buông bỏ, Bài chọn lọc,

Đệ tử: “Thưa thầy đạo Phật khuyên người ta buông bỏ, cái gì cũng buông, buông bỏ hết mọi thứ đúng không?
Sư Phụ: “Không đúng”.

Đệ tử̉: “Vậy tại sao thường hay nói buông bỏ tất cả”.
Sư Phụ: “Buông bỏ tất cả để làm gì?”

Đệ tử: “Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất e ngại! Cảm giác Phật Pháp khiến người ta có cái nhìn theo xu hướng tiêu cực. Có một vài người hỏi đệ tử: Nếu tất cả đều đặt xuống và buông bỏ hết, vậy tiền từ đâu mà có? Quần áo và thực phẩm từ đâu ra? Đều không lao động làm việc gì hết. Vậy thì thế giới này không phải là sụp đổ rồi sao?”
Sư Phụ: “Mọi sự đều buông bỏ hết sẽ dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng sụp đổ”.

Đệ tử: “Như vậy phải làm thế nào?”
Sư Phụ: “Thay thế và hoán đổi”.

Đệ tử: “Xin thỉnh Sư Phụ minh thị chỉ rõ cho con”.
Sư Phụ: “Con có thể khiến người ăn mày cam tâm tình nguyện buông bỏ chấp mê vào những đồng tiền đang nắm chặt trong tay họ không?”

Đệ tử: “Không buông bỏ, họ ôm giữ chặt”.
Sư Phụ: “Con có thể dùng hòn sỏi đổi số tiền trong tay người ăn mày không?”

Đệ tử: “Không được”.
Sư Phụ: “Tại sao vậy?”

Đệ tử: “Vì tiền đáng giá hơn”.
Sư Phụ: “Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao?”.

Đệ tử: “Thế thì được”.
Sư Phụ: “Tại sao?”

Đệ tử: “Vì vàng đáng giá hơn”.
Sư Phụ: “Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta buông bỏ không được là vì không giành được thứ tốt hơn. Khi dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao giết mổ.

Dùng bố thí thay cho đòi hỏi, yêu sách con sẽ buông bỏ được tham lam. Dùng tín ngưỡng thay cho trống rỗng con sẽ buông bỏ được lạnh lẽo cô đơn.
Dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, si mê con sẽ buông bỏ được chấp mê. Dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được vọng niệm.
Dùng tùy hỷ, hảo tâm thay cho tật đố, con sẽ buông bỏ được ưu phiền.
Dùng nhẫn nhục thay cho oán giận, báo oán con sẽ buông bỏ được sân hận, hận thù.
Dùng từ ái thay cho tham ái, con sẽ buông bỏ được tâm bệnh.

Không hiểu được vấn đề bắt đầu khởi lên từ đâu sẽ không minh bạch biết rõ để buông bỏ. Muốn buông bỏ được gì đó, đầu tiên cần hiểu được là nó bắt đầu khởi lên từ đâu. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là để hiểu được lẽ hoán đổi”.

CÂU CHUYỆN KHIẾN TÔI RƠI LỆ
 

Mùa thu năm đó tôi 12 tuổi, đây là khoảng thời gian thê thảm nhất của gia đình tôi: Phụ thân tôi bệnh nặng phải phẫu thuật, mất khả năng lao động. Anh Hai tôi thi rớt đại học, còn mẹ tôi thì dùng lầm nông dược khiến cho mười mẫu lúa đang trổ bị thất thu. Cũng ngay thời điểm đó tôi bị bệnh thiếu máu nghiêm trọng, thở thoi thóp, cần phải truyền máu gấp.
 
Trong nhà tôi lúc này nợ nần ngập đầu, mẫu thân bóp trán nghĩ suy đủ cách cũng không biết kiếm đâu ra tiền để cho tôi truyền máu.
 
Đang lúc cả nhà lo lắng vì bệnh tình nguy cấp của tôi thì bà láng giềng họ Lý bước qua, nghiêm trang bảo mẹ tôi:
- Thím Tư à, mau ra phía sau mà xem, heo nhà bà đẻ rồi kìa!
Mẫu thân được nhắc như sực tỉnh, vội chạy nhanh ra chuồng heo phía sau, thấy heo mẹ đang le lưỡi liếm sạch máu dính trên mình heo con, mẹ tôi bật khóc. Bà mừng và cảm kích vì heo mẹ sinh lứa này xem như cứu nguy kịp lúc cho gia đình.

 Bà bèn trồng cây Dao Tiền gần chuồng heo tỏ ý tri ân cảm tạ…
 
Khi mẹ tôi giúp heo sinh con xong, thấy heo nái mệt lả đến sùi bọt mép, nó không ngừng thở lấy hơi. Mẫu thân biết tuổi nó đã cao, cũng đã làm giàu cho nhà tôi gần chín năm rồi…lứa heo này có đến 16 trự. Mẫu thân thấy heo mẹ mệt, vội sai anh tôi đem sữa đậu nành đến cho nó uống, heo mẹ cảm kích ve vẩy hai tai. Mẹ tôi nhìn lứa heo con hồng hào mập mạp, bảo anh tôi:
- Lần này tốt rồi, xem như thằng Sơn được cứu.
 
Nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”. Heo con phải nuôi dưỡng ít nhất ba tháng mới có thể bán, mà bệnh tôi mỗi ngày một nặng hơn. Ngay lúc heo con sinh ra mới được 10 ngày thì tôi phát bệnh nặng đến mức không thể bước xuống giường. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi lòng nóng như lửa đốt, cứ đi tới đi lui mãi trong nhà, cuối cùng bà thở dài nói với anh tôi:
- Tuyền ơi, con vào trong xóm mời Vương đồ tể tới, mình đem heo nái bán lấy tiền trị bệnh cho thằng Sơn.
 
Anh tôi nghe mẹ nói, buồn bã đứng chết trân, sau đó mới khuyên can:
- Mẹ ơi, heo mẹ đang còn sống và heo con rất cần bú sữa…Bệnh em Sơn dù quan trọng nhưng heo mẹ cũng rất cần được sống…
Nhưng cuối cùng, anh tôi mắt đầy lệ, đành lủi thủi đi vào trong xóm để tìm Vương đồ tể.
 
Mẹ tôi gấp rút dựng bếp, bắc một nồi lớn cạnh chuồng heo, lo nhóm lửa nấu nước…
Khi Vương đồ tể tới, ông đến gần chuồng heo săm soi quan sát rồi thở dài bảo mẹ tôi:
- Thím Tư à, coi như tôi giúp bà làm phước…Thực ra dù có giết con heo mẹ này thì cũng chẳng có được bao nhiêu thịt!
 
Nước trong nồi đã sôi sùng sục, mẹ tôi mở chuồng heo. Heo nái như đoán biết được, nên mặc cho mẹ tôi cầm ca sữa gọi nhữ đến mấy, nó vẫn đứng chết trân trong chuồng, không chịu ra. Nó hết nhìn mẫu thân, rồi nhìn anh tôi.
Sau đó, nó không ngừng dùng lưỡi liếm các con nó đang chơi giỡn đuổi nhau trong chuồng…Đột nhiên nó ngã lăn ra cái “rầm”, cất tiếng “Ột, ột” phát tín hiệu gọi bú sữa. Các bé heo con vừa nghe tiếng mẹ gọi, liền tranh nhau chạy tới nằm dàn hàng quanh bụng mẹ và bú chùn chụt…
 
Mẹ tôi thở dài bảo Vương đồ tể:
- Thôi ông ráng đợi chút nữa nhé. Để nó cho con nó bú sữa lần cuối vậy.
Vương đồ tể gật đầu.
Heo con bú sữa no nê liền tản ra chơi đùa, nhưng heo mẹ vẫn không ngừng cất tiếng kêu gọi con tới bú sữa. Mãi đến khi con heo cuối cùng rời vú mẹ thì lúc này heo mẹ mới ngóc dậy, từ từ đi ra ngoài.
 
Khi heo mẹ ra khỏi chuồng rồi, nó lại quay đầu nhìn đàn con với vẻ bịn rịn lưu luyến. Mẫu thân tôi bị tình mẫu tử của heo mẹ làm cảm động, bà quay mặt đi, lau nước mắt. Còn anh tôi thì đứng như chôn chân tại chỗ.
Vương đồ tể lẩm bẩm một mình:
- Thuở giờ tôi chưa thấy con heo nái nào thông minh, tính khí giống người đến như thế!
Heo mẹ hết nhìn mẫu thân thì nhìn anh tôi và Vương đồ tể. Bỗng nhiên nó quay mình, phóng như bay vào chuồng rồi chạy quanh trong chuồng như điên. Mẹ tôi thấy vậy ngơ ngác nhìn, rồi hỏi Vương đồ tể:
- Con heo mẹ này…nó muốn làm gì vậy?
 
Ông Vương lắc đầu, tỏ ý không hiểu.
Chạy một hồi, mọi người đều phát hiện hai hàng vú heo đã căng sữa đến sa cả xuống, từng dòng sữa trắng đang tuôn chảy…Té ra heo mẹ chạy như vậy là để kích thích tuyến sữa chảy ra. Nó muốn cho con mình được bú no đủ thêm lần nữa, nhưng mặc cho heo mẹ cất tiếng gọi, đám heo con ngây thơ vẫn không chút lay động.
 
Anh tôi bị nghĩa cử của heo mẹ làm rơi lệ đầm đìa. Một thanh niên 20 tuổi như anh đã bật khóc thật to, cất tiếng cầu cứu mẫu thân:
- Mẹ ơi, huhuhu….Con van xin mẹ, đừng giết heo nái có được không? Bệnh của em Sơn hãy để con nghĩ cách….Huhuhu….
 
Vương đồ tể lặng lặng ôm đồ nghề bỏ về. Mẹ tôi nước mắt đầm đìa, gật gật đầu. Lúc này heo mẹ chẳng để chủ tốn sức gọi mình nữa, nó từng bước đi ra khỏi chuồng heo…
Sau đó, tôi nhờ truyền máu mà được cứu, chính là do anh tôi đã hiến máu cho tôi.
 
Sau này, heo mẹ lại sinh cho nhà chúng tôi 7-8 lứa heo nữa. Trong lần sinh cuối cùng, heo mẹ bị sản nạn chết, cả nhà im lặng chảy nước mắt. Mẫu thân đề nghị đem nó chôn dưới cội cây cạnh chuồng heo.
Đến nay, mỗi lần anh em chúng tôi về nhà thăm song thân, luôn trìu mến nhìn cây đại thọ cành lá xum xuê cạnh chuồng heo và bồi hồi nhớ đến con heo mẹ nghĩa tình mà nhà mình đã từng nuôi.
 
Tôi kính xin mọi người hãy ăn chay, không nên vì một phút ham ngon khoái miệng mà hi sinh cha mẹ của các con vật nhỏ, hoặc ăn con hay đoạn mạng chúng.
Xin thành tâm cảm tạ mọi người.
 
Phật tử Thái Sơn
 (Trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo
Hạnh Đoan dịch)
@internet

Monday, December 28, 2015


Tôi đọc kinh Qur’an

“Hồi giáo là tôn giáo của hòa bình!” (Islam is the religion of peace) dường như đã trở thành một điệp khúc quen thuộc của người Hồi giáo sau mỗi vụ tấn công khủng bố gây ra bởi những kẻ nhân danh đạo Hồi. Họ bảo những kẻ khủng bố ấy thì không theo một tôn giáo nào cả, họ kêu gọi thế giới đừng nhập chung người Hồi với những kẻ ấy, và họ còn trích dẫn điều ghi ở chương 5, điều 32 trong kinh Qur’an: “Kẻ nào giết một người vô tội thì cũng như hắn đã giết toàn nhân loại” (“Whoever kills an innocent person it is as if he has killed all of humanity”)
 
Trước mặt tôi là quyển kinh Qur’an của một anh bạn học người Hồi tặng lúc tôi còn đang học trung học. Tình bạn của chúng tôi kết thúc trong một tình cảnh chẳng vui vẻ gì cho lắm. Số là bữa nọ anh đến nhà tôi mượn bài vở, nói chuyện lan man thì chả hiểu sao lại đi qua đề tài tôn giáo, và anh nhìn thẳng tôi bảo rằng nếu tôi không tin vào Allah thì sẽ bị hỏa thiêu đời đời trong địa ngục. Điên tiết, còn chưa biết trả lời thế nào thì tôi chợt nhớ trong tủ lạnh mình có một thứ mà anh ta ghét cay ghét đắng. Mở tủ lạnh, quăng miếng thịt heo lên bàn, tôi nói gọn lỏn là cần phải chuẩn bị cho bữa cơm chiều nay. Anh tái mặt, kiếm cớ bỏ một mạch ra về.

Chúng tôi không còn nói chuyện nữa, nhưng quyển kinh Qur’an mà anh tặng trước đó (để chiêu dụ tôi theo đạo Hồi) thì tôi vẫn giữ trân trọng. Tôi bực anh, nhưng nghĩ Hồi giáo thì cũng như bao tôn giáo khác và kinh sách của họ nào có tội tình gì. Tôi cũng nghĩ là biết đâu sau này mình lại cần kinh Qur’an cho mục đích nghiên cứu.

Quyển kinh ấy vẫn trên giá sách của tôi trong nhiều năm như vậy cho đến một lần tôi quyết định giở ra đọc nó xem những lời vàng ý ngọc được truyền xuống cho tiên tri Muhammad là như thế nào. Đọc xong, cảm giác của tôi chỉ gói gọn trong một chữ: “Choáng!”

Choáng, vì ngoài những lời nhắn nhủ về sự yêu thương, bố thí, cầu nguyện, v.v… thì tôi có cảm giác ngài Allah rất hằn học với những kẻ ngoại đạo (disbelievers hoặc unbelievers) như tôi. Này nhé, dưới mắt ngài thì chúng tôi - những kẻ ngoại đạo - là “thứ súc sanh xấu xa nhất” (Qur’an - chương 8 điều 55 “For the worst of beasts in the sight of Allah are those who reject Him; they will not believe.”) Ngài Allah còn ân cần dặn dò người Hồi giáo là “chớ có nên kết bạn với kẻ ngoại đạo. Gặp những kẻ này ở đâu thì cứ giết chúng!” (Qur’an - chương 4 điều 89 “…seize them and slay them wherever you find them; and (in any case) take no friends or helpers from their ranks”)

Có nghĩa là nếu theo tinh thần của kinh Qur’an, tôi sẽ chỉ có hai lựa chọn. Một là tin theo Hồi giáo, còn không thì phải chết, và chết rất thảm khốc. Như Allah đã hứa hẹn sau đây:
“Ta sẽ khiến trái tim của những kẻ ngoại đạo co rúm vì sợ hãi. Vì thế hãy chặt đầu chúng và chặt hết các đầu ngón tay của chúng” (Qur’an - chương 8 điều 12 “...I will instill terror into the hearts of the Unbelievers: smite above their necks and smite all their finger-tips off them”)
Chết, nhưng vẫn còn chưa yên, một hỏa ngục sẽ mở ra chào đón những người ngoại đạo với các hình phạt ghê rợn: “Những kẻ ngoại đạo sẽ được mặc quần áo bằng lửa, nước sôi sẽ được đổ lên đầu chúng. Cả thân người chúng từ trong lẫn ngoài sẽ bị tan chảy. Hơn nữa, chúng còn chịu nhục hình với các cầu gai sắt…” (Qur’an - chương 22 điều 19-21 “…for them will be cut out a garment of fire: over their heads will be poured out boiling water. With it will be melted what is within their bodies, as well as (their) skins. In addition there will be maces of iron (to punish) them”)

Và có vẻ là những người ngoại đạo, cho dù chọn cách sống yên phận không gây hấn với bất cứ một ai, vẫn là những phần tử phản động trong mắt ngài Allah, và như vậy, dù là hiền lành thì cũng cần bị tiêu diệt: “Hỡi những kẻ tin ta, hãy tuyên chiến với những kẻ ngoại đạo ở gần các ngươi. Cho chúng biết sự tàn độc của các ngươi, và biết rằng Allah ở bên cạnh những kẻ kính sợ Người” (Qur’an - chương 9 điều 123 “O you who believe! Fight the Unbelievers who are near to you and let them find harshness in you, and know that Allah is with those who fear Him”)
Cuối cùng, “chúng ta sẽ ngưng giết chóc khi không còn sự đàn áp trên thế giới này và tất cả mọi người đều tuân phục Allah” (Qur’an - chương 2 điều 193 “And fight them on until there is no more persecution and the religion becomes Allah’s”)

Gấp lại cuốn kinh Qur’an, cảm thấy ái ngại cho ngài Allah. Xuyên suốt từ đầu đến cuối của gần 1500 trang, cứ mỗi vài trang là những lời đả kích, nguyền rủa và hăm dọa những kẻ không tin đạo. Ngài có vẻ rất giận dữ với những kẻ như tôi, như thế rất không tốt cho sức khỏe.

Và lại thêm ái ngại cho các bạn đạo Hồi dám mạnh miệng tuyên bố “Hồi giáo là tôn giáo của hòa bình” và còn trích dẫn Qur’an. Thôi thì tin là các bạn ấy có khi cũng chưa đọc qua cuốn kinh này, hoặc có đọc qua thì đa số các bạn cũng làm ngơ trước bao nhiêu đoạn kêu gọi giết chóc người ngoại đạo - muôn phần đội ơn các bạn ở điều này.

Chợt nhớ có một câu truyện hay được lưu truyền trong Phật giáo. Truyện kể là có ngày nọ đức Phật đang đi khất thực trên đường thì gặp một giáo sĩ của đạo Bà la môn. Ngài giáo sĩ Bà la môn này rất căm ghét đức Phật, nên lẽo đẽo đi theo đức Phật và chửi mắng bằng những lời lẽ tồi tệ nhất. Nhưng mặc bị chửi, đức Phật vẫn điềm nhiên đi như không có chuyện gì xảy ra. Chửi một lúc, mệt, ngài Bà la môn thở hổn hển:
- Này, Cù đàm (tên của đức Phật), ông có bị điếc không?
- Không, ta không điếc.
- Không điếc thế sao ta chửi ông mà ông chẳng có phản ứng gì cả?
Đức Phật mỉm cười:
- Này nhé, để ta hỏi ông. Giả sử nếu có người đem một thùng rác tặng cho ông, ông không nhận. Thế thì thùng rác ấy sẽ về ai?
- Vậy mà cũng hỏi. Ta không nhận thì thùng rác ấy sẽ trở về lại với gã tặng ấy chứ ai!
- Thì với ông ta cũng vậy. Ông chửi ta nhưng ta không nhận, vậy thôi.
Cách giải quyết vấn đề của đức Phật với những kẻ ngoại đạo (đôi khi rất hung hăng), thật là… chuyên nghiệp, phải không mọi người?
 

Sunday, December 27, 2015

Mây Khói Bay Về


Trước Tháng Tư 1975, tại Saigon, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ ít năm trước đây, Thu Dung dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và nhận giải thưởng đầu tiên. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

* * *

Sương tháng chạp bắt đầu giăng mù phố núi… Cây Noel lóng lánh bạc sau lưng tôi đã lên đèn rực rỡ, Mike gật gù hài lòng:

- Thật đẹp, Dee, tôi rất vui.

Và ký cho tôi một cái check. Tôi biết, như mọi năm, nó luôn gấp đôi cái giá mà tôi thỏa thuận, không kể những món quà dễ thương mà vợ ông ta đã soạn sẵn, bỏ trước vào cốp xe với lời nhắn nhủ: Không được từ chối nhé, Honey.

Còn nhớ, khi đăng những thông tin quảng cáo về công việc trên các tờ báo địa phương:”Di dân từ Việt Nam (chứ sao, tôi hãnh diện điều này),tốt nghiệp khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng, nhận trang trí tất cả mọi thứ trong các mùa lễ hội. Gọi…”

Mà lễ hội ở Mỹ thì hầu như thường xuyên, khi đọc được thông tin đó, Mac đã hỏi tôi:

- Bạn có nhiều khách hàng không?

- Nhiều khi làm không hết việc, nhất là từ tháng 10 trở đi.

- Vậy bạn có muốn giúp đỡ một di dân lương thiện khác đến từ Iran và đang thất nghiệp?

- Dĩ nhiên, cùng là Đông Phương huyền bí cả mà…

Và tôi đăng cho Mac: “Di dân đến từ Iran, kỹ sư xây dựng, hiện vừa thất nghiệp, nhận sửa chữa điện, nước và những hư hại thông thường trong nhà, ngoài sân. Gọi…”

Tôi hồi nhỏ bị điện giật mấy lần khi cứ cố mở những máy hát để tìm kiếm những ca sĩ tí hon đang biểu diễn đâu trong đó… vì thế tôi sợ nhất là điện, cho nên Mac là một trợ thủ đắc lực khi tôi có những hợp đồng về trang trí, cậu ấy sẽ là người phụ trách phần ánh sáng.

Cái bọn cùng học ESL với tôi ngày ấy, bọn di dân từ 4 phương 8 hướng cứ điện thọai cho tôi không ngớt những khi thất nghiệp… từ đó, chúng tôi hình thành một mối dây liên kết để cùng nhau sống sót.


Ngày còn ở Việt Nam, gia đình tôi có một văn phòng địa ốc nhỏ nhưng các vệ tinh thì trải dài đến vô cùng vô tận. Khi tôi bán được một lô đất, A. sẽ vẽ kiểu nhà, B. sẽ đến xây, vật liệu xây dựng do C. cung cấp, E. thiết kế nội thất lẫn sân vườn, và D. (là tôi) cung cấp một số đá phong thủy để gia chủ tự tin hơn trong công việc và cuộc sống… Nghĩa là một vòng tròn khép kín từ D. tới D….

Tương tự vậy, tôi đem mô hình ấy áp dụng trên cái xứ sở tạm dung có nhiều bánh mì, hoa hồng và nước mắt. Có điều tôi luôn sống trong sợ hãi khi bất chợt thót tim lại, nghĩ rằng nếu Joss, Lou hay Drew… những di dân đến từ Bangladesh, Afghanistan, Iran hay Arabie Saudi bỗng một ngày nào đó hiện nguyên hình là một tên khủng bố ôm bom cảm tử! Không, xin Chúa xót thương con… cho họ thật sự chỉ là những di dân cần cù lương thiện đang cố hết sức học và làm việc để có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội này.

Có công việc rất tuyệt, đến thành phố Bel Air thuộc Los, dẫn 2 con chó Chihuahua đi dạo mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 tiếng trong 3 tháng khi chủ nhà là một chàng Rocker gốc Anh, rất nổi tiếng đi Vacation ở New Zealand! Ngôi biệt thự còn đẹp hơn cả một lâu đài cổ tích, có Camera theo dõi và có 3,4 vệ sĩ gác trước gác sau.

Có công việc rất buồn, chơi với một bé khiếm thị vào những ngày cuối tuần, và tuyệt vọng khi không thể nói cho bé hiểu thế nào là màu vàng của nắng khi nó đang rải từng giọt mật thơm và ấm áp, tôi chỉ có thể cầm đôi tay bé áp lên mặt mình, thầm thì… Sun shine in my eyes and your eyes… mà nghe từng giai điệu Forever vang đâu đây buồn thê thiết.

Có công việc khó lòng chịu đựng nỗi, massage những ngón tay biến dạng của một họa sĩ và nhìn những giọt nước mắt đau đớn tuyệt vọng của ông khi chung quanh chiếc xe lăn là những vỏ chai không và khói thuốc mịt mù… Ông đã bị tổn thương những dây thần kinh nào đó trong một accident của một lần leo núi và những ngón tay dần co rút lại.

Sương tháng chạp đã bắt đầu giăng mù trên phố núi, tôi lái xe loanh quanh thành phố để kiểm tra các cây Noel mình trang trí cho khách hàng.

Gia đình Ramie luôn muốn ngôi nhà xinh đẹp của họ thơm ngát mùi nhựa gỗ ứa ra từ những cây thông xanh tươi còn lạnh ngắt tuyết, mới được chở về từ đỉnh Big Bear.

Gia đình Todd yêu cầu trang trí nhiều màu rực rỡ.

Gia đình Selina chỉ thích đơn giản một màu thông bạc và những trái châu xanh lơ nước biển.

Gia đình Lorenzo thì luôn muốn những sắc màu cổ điển…

Những ai đòi hỏi quá nhiều hoặc những mẫu không có trong Catalog, bổn phận của tôi là dở chiêu bài thuyết khách. Tôi rất yêu nghề, nhưng tôi hơi làm biếng, phong cách tôi yêu thích nhất vẫn là những cây thông xanh phủ tuyết với lóng lánh những hạt châu và chấp chới những đôi cánh thiên thần… nhưng tôi vẫn cứ phải trang trí cây thông nhà mình đa phong cách để chào hàng theo từng thị hiếu


Năm nay, đã không còn thời gian để nhận thêm bất cứ một hợp đồng nào thì Luc gọi. Chiều 18, giọng Luc thật lạ:

– Dee, xin lỗi tôi gọi muộn, tôi đã không định làm gì năm nay.

– Hai bạn đi Vacation ở đâu chăng?

– Mình Jenny thôi, tôi mất Jenny thật rồi.

Tim tôi chậm đi một nhịp:

– Nghe này, tôi sẽ đến, tôi đang ở Diamond Bar…

– Dee, có ai đặt dưới cây Noel những chai rượu thay những món quà không? Bạn hãy làm thế cho tôi nhé!

– Nghe này, tôi sẽ đến…

Hàng năm tôi vẫn trang hoàng cây Noel cho Luc và Jenny từ đầu tháng chạp, năm ngoái, cả hai vui vẻ đùa nghịch ném vào nhau những bông tuyết giả, không ngớt làm tôi tức giận vì mất thời gian.

– Dee, Jenny đang khỏe mạnh… tại sao cô ấy lại chết chứ?

– Luc, tôi không biết, chuyện gì đã xảy ra, tại sao bạn không gọi tôi?

– Tôi đang gọi bạn đây thôi, tôi vừa mới về từ Forest Lawn. Jenny muốn ở trên đồi cao để nhìn thấy nhà mình, thấy chiếc xích đu màu xanh lá cây của cô ấy đong đưa… Tôi nhớ, bạn đã đọc cho Jenny nghe bài thơ của bạn… nhưng cuộc sống vốn mang hình giọt lệ… và cô ấy cứ nhắc hoài…

Tôi buông điện thọai, mở GPS tìm địa chỉ nhà Luc, nơi tôi đã đên mỗi năm vài lần mà lần nào cũng không nhớ đường đi bởi những con đường ven núi cứ giống nhau với những ngôi nhà đẹp như tranh vẽ. -Pudingstone, mặt hồ tĩnh lặng-.

Tôi ghé Cosco mua một chai Vodka cho Luc, vội đến nỗi không kịp ném nó vào cốp xe, thành phố vào đông, sương giăng mịt mờ phố núi, các chốt đường đều bị chặn lại để kiểm tra. Người Police nhìn qua cửa xe khi trả giấy tờ cho tôi:

– Bạn ở San Dimas?

– Vâng, có vấn đề gì ?

– Không, chỉ là kiểm tra D.U.I (“Driving Under The Influence “) cuối tuần thôi… những ngày lễ…

– Tôi nghĩ chắc là vì Tổng Thống đến San Bernardino nên phải thắt chặt an ninh.

– Xin lỗi…

– Với cái kiểu chặn đường kiểm tra cuối tuần như thế này, nếu có tên sát thủ ISS nào đó muốn hẹn giờ nổ bom cảm tử cũng khó, hắn sẽ bị nổ tung trên đường đi vì kẹt xe mà không kịp giết ai…

Đôi khi tôi hay bị đắm chìm vào tâm cảm của vài người nào đó để làm phiền một kẻ chẳng dính dáng gì đến vấn đề mình đang vướng víu.

Người Police ngạc nhiên nhìn tôi:

– Xin lỗi. Merry Christmas and Happy New Year.

Tôi cảm thấy mình hơi quá đáng nên cố gắng mỉm cười:

– Thanks, Happy Chirstmas and New Year.

Tôi nói tắt cho nhanh vì chợt thấy chai Vodka hững hờ nằm trên ghế chỉ bọc sơ lớp giấy.

Tôi biết, có những cái chết hầu như phi lý bên cạnh những cái chết giải thoát khỏi nỗi đớn đau… Tôi sẽ trang hoàng cho Luc một cây Noel hệt như năm ngoái: màu xám bạc, và những đôi cánh thiên thần xinh xắn đong đưa… Như Jen… Có lẽ Luc sẽ khóc, những giọt nước mắt của Luc rơi lạnh trên vai tôi như tuyết, nhưng rồi bạn sẽ nguôi ngoai…


Tôi không biết cách an ủi bất cứ ai khi họ gặp những buồn đau tuyệt vọng, tôi chỉ có thể làm được một điều đơn giản, là đến cạnh họ, để cho những giọt nước mắt của họ rơi trên vai mình, như tuyết, rồi sẽ tan nếu tìm được một chút ấm nồng của nắng… Tôi sẽ nói với họ, cũng đơn giản thôi, như nói với những bé thơ mà mình yêu quý: “thôi nào, thôi nào…” và những giọt nước mắt buồn đau tuyệt vọng đó, tôi nghĩ, sẽ là mây khói bay đi…

Bởi, một người, dù có lớn lao quan trọng đến chừng nào trong hiện tại thì họ vẫn từng là một bé thơ thuở trước, mà bé thơ nào lại không cần những âu yếm thương yêu?

Và, cũng như nhiều người khác… chúng ta vẫn phải đi tiếp trên hành trình cô độc mệt mỏi của mỗi kiếp người.


Tôn Nữ Thu Dung

Thursday, December 24, 2015

Những mùa Giáng sinh ở ngôi nhà thờ cổ


dsc08366_1Lại thêm một năm nữa, tiếng chuông đón mừng mùa Giáng sinh ngân vang trên một ngôi nhà thờ nhỏ ở Phố Hiến, Hưng Yên. Không gian cô quạnh khiêm nhường nơi này, lặng lẽ ôm trong lòng nó một ký ức lịch sử độc đáo của người Việt, mà khó nơi nào sánh được.

Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng / 1623-1652) để phục vụ cho những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.

Lý do của việc cho phép này, bởi chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn (lúc đó là Nguyễn Phúc Tần / 1620-1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đặc biệt là người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước ngoài ghé vào làm lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.

Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17-18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều đời Chúa Trịnh là người căn cơ Khổng giáo, nhưng chính thức cho phép việc xây dựng một nhà thờ ngoại giáo ở Việt Nam lúc đó, cũng có thể cho thấy một áp lực từ sự lớn mạnh của thương nhân ngoại quốc ở Phố Hiến và đạo Công giáo như thế nào. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có câu “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”

Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa phát triển. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá… (có thể khởi đầu còn dè dặt, vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần do hoả hoạn, mưa gió… Nên nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm 1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha với vẻ đẹp vừa kiêu kỳ, vừa dịu dàng hết sức quyến rũ.

Bên trong nhà thờ lại là một cảnh quan độc đáo khó tả, khi các kiến trúc sư ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp hoàn toàn Á Đông. Sự tinh tế từ chất liệu cho đến các chi tiết ráp nối bằng gỗ khiến người xem phải ngẩn ngơ về khả năng của người xưa – mà ngay cả việc xây dựng thời nay cũng khó mà bắt chước được. Tư duy của người đi trước mới đáng kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng Latin lẫn chữ Nho.

Cho đến trước năm 1954, nhà thờ Phố Hiến đã là một nơi quen thuộc của người Công giáo Hưng Yên. Tuy nhiên, khi hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam chọn một cuộc sống khác, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1300 giáo dân, hôm nay, nhà Thờ Phố Hiến chỉ có lại được 187 giáo dân, sau rất nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.

Đó là một giai đoạn đầy biến động. Miền Nam đột nhiên đón Giáng Sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa… khiến các mùa Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục… giảm thiểu mạnh, nên sinh hoạt của các nhà thờ miền Bắc cũng co lại. Theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu Ba Lan thì lúc đó, Công giáo miền Bắc mất đi khoảng hơn 450.000 giáo dân và 375 giáo sĩ. Người theo đạo chỉ còn chiếm 2% ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì tăng vọt, chiếm đến hơn 9%.

Những năm dài chiến tranh và khó khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt với những giai đoạn mà Công giáo bị chính quyền Cộng sản nghi kỵ, bị kỳ thị là thành phần không đáng tin cậy.

Sinh hoạt Nhà thờ Phố Hiến cũng như nhiều nhà thờ ở miền Bắc yếu đi. Qua các tác phẩm của giới văn bút thân chính quyền trong thời gian này, thành phần Công giáo vẫn bị nhìn với sự gán đặt là thành phần phản động, đáng ghét – tương tự như cách nền thông tin tuyên truyền sau năm 1975 vẫn nguỵ tạo ra hình ảnh tệ hại của các quân nhân VNCH hoặc giới tư sản ở miền Nam Việt Nam.

Vào thập niên 60, có những năm chỉ có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ, thì chính Nhà thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn. Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà… cùng với nơi ở của mình. Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà thờ độc đáo này, mục nát các sàn gỗ xưa… khiến không ít người yêu mến lịch sử của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.

Cho tới hôm nay thì mọi thứ dần dần đã khá hơn. Nhà thờ đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại, vì đó không phải là của riêng một giáo xứ, mà vì đó là dấu ấn của một thời đại có một không hai, đầy ngẫu hứng cho các thế hệ sau tìm về. Nhiều gia đình ở trong nhà thờ đã nhận được tiền để tìm chỗ ở mới. Cho đến nay thì chỉ còn một gia đình bộ đội và thường dân còn ở trong khuôn viên nhà thờ. Những giáo dân ít ỏi bắt đầu cùng nhau lau quét và sơn lại ngôi nhà chung đã hơn 3 thế kỷ.

Mùa Giáng sinh năm nay, nhà thờ lại chuẩn bị đón một đêm thánh với những gì đơn sơ nhất của mình có, giữa cái lạnh làm ai ai cũng nao nao, háo hức. Với 187 giáo dân của mình, nhà thờ Phố Hiến là nơi vô cùng giàu có về ký ức, nhưng đầy khó khăn vật chất. Thậm chí tiền lắc giỏ hàng tuần (quyên tiền cho nhà thờ) cũng không đủ trả tiền điện trong tháng.

Trong hàng ghế của nhà thờ, có một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí. Mắt cụ ngời sáng, thăm thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm không rời nơi chốn này để đón các mùa Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay. Khi hỏi vì sao cụ Dương Hồng Đức, tên đủ của cụ, không theo người chị gái ta đi vào năm 1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh “tôi thấy nhà thờ quạnh quẽ quá, tôi muốn lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi”.

Khi hỏi cụ rằng ở lại có gặp nhiều khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn giấu “vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương”.

“Khó khăn” – nghe chừng như đơn giản qua lời cụ Đức. Nhưng với lịch sử ghi lại bằng tài liệu của cả hai bên, cho thấy mọi thứ đã là máu và nước mắt. Từ năm 1955, lễ Giáng Sinh ở miền Bắc đã bắt đầu co cụm, và khó khăn bởi chính quyền Việt Minh bắt đầu lo ngại về số người ra đi nên tìm cách ngăn cản. Từ tháng 11/1954 đến tháng 1/1955, ở riêng tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam đã có gần 50.000 người muốn ra đi nhưng bị lính Việt Minh nổ súng ngăn lại và giải tán. Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu – Phát Diệm, nơi có hơn 50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp mũ là gián điệp.

Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khôn cùng hơn.

Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn ngập người đi, tràn ngập ánh đèn… nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam này, tiếng chuông nho nhỏ, dăm ba ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng của người giáo dân già, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất nước Việt Nam, đã qua muôn trùng khốn khó này.

  
Tài liệu tham khảo

– “Vấn đề công giáo miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan {1954-1956} được phổ biến trên Thời Đại Mới, số 4, tháng 3/2005, do Cô Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp viết tài liệu của phái đoàn tôn giáo BaLan, vào năm 1954.
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
– Các văn bản nghiên cứu của nhà sử học Công giáo Vũ Sinh Hiên.
– Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955 của Nguyễn Văn Lục.
– Giáo dân Dương Hồng Đức, Hưng Yên (sinh năm 1932).

Tuấn Khanh
@tkblog

Tuesday, December 22, 2015

18 TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH ĐẸP NHẤT
 CUỘC THI ẢNH QUỐC TẾ 2015 TẠI ITALY

           Giải cao nhất thuộc về Vladimir Prostate với bức ảnh chụp những ngư dân đánh
                        cá trên dòng sông tại Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa năm 2015.


        Giải về hiệu ứng màu sắc thuộc về bức ảnh khinh khí cầu Cappadocia ở Thổ Nhĩ Kỳ 
       của Giulio Montini. Cảnh tượng 100 khinh khí cầu lần lượt bay lên không trung trong 
      ánh mặt trời lên vô cùng ngoạn mục. Tác giả may mắn ở độ cao bên trên các 
       khinh khí cầu và chụp được một khinh khí cầu đơn lẻ.


Giải ba ảnh du lịch thuộc về Jørgen Johanson với tấm hình đoàn lạc đà đi lấy muối ở
Danakil Depression, Ethiopia. Đây là một trong những nơi nóng và khắc nghiệt nhất
trái đất, và cũng là một trong những điểm thấp nhất trái đất. Hồ Asale nằm ở 116m
dưới mực nước biển. Người Afar làm muối và dùng lạc đà để vận chuyển muối.



Bức ảnh bình minh trên đường đến Al Ain, Dubai của tác giả Lal Nallath
được vinh danh về hiệu ứng màu sắc. Mỗi buổi sáng, nơi đây lại
rộn rã với những chú ngựa phi nước đại, những con lạc đà thong
thả dạo bước, những con chim chao liệng trên bầu trời.


Ảnh vượt sóng của Joseph Mắm

Ảnh chụp đền Shwamibagh, Bangladesh của tác giả Noor Ahmed Gelal giành
giải về hiệu ứng màu sắc. Cộng đồng người Hindu tổ chức lễ hội Rakher
 Upabas kéo dài 3 ngày ở đền Loknath ở Barodi, gần Dhaka. Các tín 
đồ thắp đèn đất để cầu nguyện và ăn chay cho tới khi đèn cháy hết.

Ngày hè ở French Riviera của tác giả Sebastien Nogier giành giải hạng mục
du lịch. Những chàng trai trẻ nhảy từ trên cao xuống  biển Địa trung Hải
trong một ngày hè nóng nực ở Nice, miền nam nước Pháp năm 2014.

Dòng sông Yamuna của tác giả Bruno Tamiozzo đoạt giải du lịch.
Yamuna gần đền Taj Mahal là nhánh lớn nhất của dòng sông Hằng
linh thiêng được người Hindu sùng kính.

Bức ảnh chụp ở Sellin, đảo Rügen, Đức của tác giả Massimo della
Latta được vinh danh trong hạng mục du lịch. Những cabin này
được sử dụng phổ biến ở vùng duyên hải phía bắc nước Đức.

Giải nhất ảnh du lịch thuộc về bức ảnh Nhảy tàu ở Gazipur, Bangladesh,
của tác giả Noor Ahmed Gelal. Sau lễ hội thường niên Biswa Iztema
lớn thứ 2 của người đạo Hồi ở Bangladesh, nhiều người lao lên
tàu ở ga Tongi để cố kiếm một chỗ về nhà.

Ảnh chú tiểu ở Bagan, Myanmar của tác giả Kim Chi Kong đoạt giải ảnh du lịch.

 Bức ảnh chụp cảnh sát cơ động tác chiến tại một công viên gần sân vận động 
Dynamo Kiev, chuẩn bị trấn áp đoàn người biểu tình chống chính phủ tại phố 
Hrushveskoho giành giải hiệu ứng màu sắc.

Dòng sông Omo, Ethiopia của Fausto Podavini đoạt giải du lịch. 
Một cậu bé bộ lạc Dassanech ở nam Ethiopia dù còn nhỏ tuổi, 
nhưng người đã phủ đầy những vết thương biểu trưng cho 
sức mạnh thể chất của con người.

Bức ảnh Con đường của Vladimir Prostate chụp ở ngôi làng Kantaurovo, 
miền trung nước Nga giành giải hiệu ứng màu sắc. Người trong ảnh 
không làm việc mà chỉ sống bằng tiền quyên góp. Tấm hình phản 
ảnh số phận của con người, sự ựa chọn đời sống tâm linh và n
hững gì họ có thể đạt được dù thiếu tiền.

Một tác phẩm đoạt giải hiệu ứng màu sắc khác thuộc về Antonio Grambone
với hình ảnh cơn bão đang tới ở Vallo Scalo, một thị trấn nhỏ gần Salerno.

Bức ảnh chụp một trận bóng chày dưới cánh máy bay của 
tác giả Khalid Rayhan Shawon giành giải ảnh du lịch.

Bức ảnh David của tác giả Edmondo Senatore chụp một trong 
những người vô gia cư ở các thành phố tại Italy.

Kỷ niệm chiến thắng của tác giả Khalid Rayhan Shawon giành giải hiệu ứng 
hình ảnh. Một đứa trẻ ở tòa nhà đang xây dở gần sân bay quốc tế Dhaka 
thích thú ngắm máy bay hạ cánh, còn một bé khác đang phất cờ kỷ 
niệm ngày chiến thắng 16/12 của Bangladesh.