Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Về Phán Quyết Hôn Nhân Đồng Tính
Ngày 29 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Kurtz, chủ tịch HĐGM HK, viết trên báo Our Sunday Visitor (OSV) quan điểm cuả Giáo Hội Hoa Kỳ về phán quyết hôn nhân đồng tính, và cách thức mà Giáo Hội sẽ phải hành động từ đây, như sau:
Quyết định mới đây của Tòa án tối cao thay đổi định nghĩa của hôn nhân đòi hỏi một phản ứng. Tôi đã tuyên bố quyết định là một “lỗi lầm bi thảm”, không phải vì tôi muốn hạ giá bất kỳ một nhóm người nào, nhưng là vì tôi quan tâm đến lợi ích chung và lợi ích của tất cả mọi người. Chúa Giêsu, với tình yêu bao la, đã dạy rõ ràng rằng hôn nhân ngay từ đầu là sự kết hợp trọn đời của một người nam và một người nữ. Giáo Hội, trong việc tìm kiếm để làm chứng cho Chúa Kitô qua mọi thời đại, đã chào đón tất cả mọi người và đối xử mọi người cùng một phẩm giá như nhau. Chúng tôi đồng ý với những người tìm kiếm sự thay đổi định nghĩa hôn nhân chỉ trên một điều là: mỗi người đều có phẩm giá như nhau. Chúng tôi không đồng ý với họ về bản chất của hôn nhân.
Trong một xã hội tự do, người công dân chúng ta không áp đặt niềm tin của riêng mình trên những người khác, nhưng tìm cách để mời gọi. Tòa án tuyên bố rằng luật dân sự của chúng ta sẽ định nghĩa hôn nhân dựa trên sự đồng thuận và tình yêu của hai người lớn không có liên hệ huyết nhục. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng hôn nhân là một cơ chế tự nhiên đã có một ý nghĩa trước cả (sự xuất hiện của) nhà nước và tôn giáo. Ngay từ đầu, sự bổ sung tình dục giữa nam giới và phụ nữ là cơ sở của sự hiệp thông duy nhất thể hiện một cái gì đó là hình ảnh cuả Thiên Chúa và phản ảnh sự hiệp thông Ba Ngôi của Người. Chúng tôi tiếp tục tin rằng Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa một người phụ nữ đã được rửa tội và một người đàn ông lên hàng bí tích, là một dấu hiệu của sự tham gia vào mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội. Bí tích này được xây dựng dựa trên các thực thể tự nhiên của hôn nhân – chứ không xóa bỏ nó – và sự khác biệt tính dục là điều cần thiết cho cả hai người. Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy, nếu không dựa vào quan hệ tương tác giữa các giới tính thì chúng ta sẽ không thể hiểu được “những gì là một người đàn ông và những gì là một người phụ nữ.”
Giáo Hội nhìn nhận hôn nhân và gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Sự kết hợp vĩnh viễn, trung thành, và hiệu quả của hôn nhân là cơ cấu chuẩn mực và đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã thiết kế để cho các cá nhân kết hiệp với nhau thành một mối quan hệ của tình yêu trao ban sự sống. Chúng ta được định nghiã qua sự liên hệ với những người khác. Đầu tiên là thông qua gia đình của chúng ta. Mạnh mẽ nhất là thông qua cha mẹ và con cái mà mỗi người “học được sự lãnh nhận tình yêu và sự ban cho tình yêu” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy. Cùng với những món quà khác của Thiên Chúa, thiết kế này nhằm đem lại sự tốt lành cho chúng ta trên cả hai bình diện cá nhân và xã hội. Giáo Hội công nhận ơn gọi xinh đẹp này là một phương thế để tiếp nhận ân sủng và là con đường nên thánh cho nên đã tìm cách để đi đồng hành với các cặp vợ chồng, làm phép rửa cho con cái họ và cung cấp cho họ Bí tích Thánh Thể và bí tích sám hối để duy trì những món quà thiêng liêng trong cuộc hành trình.
Chúng tôi đã có lẽ không làm đủ để dạy về vẻ đẹp của hôn nhân và mục đích và thiết kế vốn có của cuộc sống gia đình, nhưng Giáo Hội vẫn ở đây để cùng đi với các cặp vợ chồng khi họ thực hiện sự lựa chọn dũng cảm để theo đuổi ơn gọi trao ban sự sống này. Chúng tôi sẽ cầu nguyện với họ và sẽ nâng đỡ họ. Đây là một thời điểm tốt để tái cam kết – tất cả chúng ta dù là tu sĩ hay giáo dân – phải đặt hy vọng vào hôn nhân và nhìn vào con cái của mỗi cuộc hôn nhân là những niềm vui, là nơi để yêu thương và là con đường dẫn đến đạo đức và thánh thiện. Nếu bạn chưa biết về những vẻ đẹp sâu sắc cuả giáo lý Giáo Hội về hôn nhân và về cuộc sống gia đình, tôi mong bạn hãy dành một chút thời gian để đọc và đặt câu hỏi. Đã có nhiều vị thánh lớn nói về gia đình như là một Giáo Hội tại gia, là phẩm giá của mỗi người, và về bí tích hôn nhân như là một con đường nên thánh, là món quà dâng hiến toàn thân, và về niềm hạnh phúc của một cuộc hôn nhân tốt đẹp và về các chủ đề khác đáng suy ngẫm và theo đuổi .
Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của phán quyết của Tòa án Tối cao, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực lớn hơn nhằm mục đích bịt miệng chúng ta. Theo như ý kiến cuả các thẩm phán bất đồng đã nêu ra, thì sự tự do hành đạo và sự tuân giữ lời dạy của Chúa Giê-su của chúng ta trong quảng trường công cộng có thể sẽ bị thử thách. Luật pháp và các quy định sẽ bị thay đổi để tuân theo quyết định của Tòa án, và những yêu cầu pháp lý mới có thể sẽ đe dọa cuộc sống và công việc của Giáo Hội cũng như cuả các tổ chức tôn giáo và trên đức tin cuả cá nhân. Vì vậy, tôi yêu cầu bạn hãy nhìn xa hơn và ghi nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên – và dường như sẽ không phải là lần cuối cùng – mà Giáo Hội vì niềm tin của mình đã bị coi là phản văn hóa.
Chúng ta phải, trong sự trung tín và vâng lời, kiên trì và cam kết hoàn toàn với những gì Chúa Kitô đã dạy chúng ta; nhưng chúng ta cũng phải nói và hành động với sự thương yêu, thu hút mọi người vào vẻ đẹp của sự thiết kế của Thiên Chúa trong khi vẫn giữ trái tim của chúng ta gần gũi với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện. Sự làm chứng của chúng ta là cần thiết nơi công cộng và trong cuộc sống riêng tư và sống theo con đường phúc âm thường thì không dễ dàng. Nhưng giống như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích chúng ta, “Niềm vui của phúc âm lấp đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những người chấp nhận món quà cứu rỗi sẽ được cứu khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn rầu, sự trống rỗng nội tâm và sự cô đơn. Với Chúa Kitô, niềm vui được liên tục tái sinh.”
Cuối cùng, làm thế nào để chúng ta phản ứng với quyết định của Tòa án tối cao về hôn nhân là một cái gì đó mà chúng ta biết là không đúng? Đầu tiên, hãy là một nhân chứng tốt. Hãy đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng và phẩm cách. Yêu tất cả mọi người giống như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.
Hãy là một nhân chứng hân hoan về những chân lý mà Chúa Kitô đã mạc khải và Giáo Hội đã dạy. Thứ hai, cùng nhau, chúng ta hãy nói lên sự thật này với sự yêu thương. Đôi khi việc rao giảng chân lý có nghĩa là nói về tội lỗi, của chính mình và của xã hội. Nhưng đức tin của chúng ta bắt nguồn từ sự hòa giải; Chúa Kitô không ngừng mời gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của tình yêu đầy thương xót của Ngài. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta, chúng ta đều là những kẻ tội lỗi và mọi tội nhân đều là đáng thương. Vì vậy, chúng ta sẽ không từ bỏ vấn đề hôn nhân và gia đình và chúng ta cũng sẽ không bỏ cuộc trong việc làm chứng cho sự thật và mời gọi người khác cùng tham gia. Thứ ba, sống những điều chúng ta tin. Tiếp tục định hình cuộc sống của chúng ta theo những chân lý và thúc giục người khác cũng làm như vậy, bằng lời nói cũng như bằng gương sáng. Tiếp tục biện hộ để xã hội thừa nhận rằng sự kết hiệp vĩnh viễn, hiệu quả, trung thành giữa một người đàn ông và một người phụ nữ là một đóng góp độc đáo cho công ích, và như vậy xứng đáng – một lần nữa – được pháp luật bảo vệ và hỗ trợ cách đặc biệt. Điều này sẽ, trong ngắn hạn, làm cho xã hội có cái nhìn khoan dung hơn về quan điểm đáng kính này của hôn nhân, và trong dài hạn, quyết định bi thảm này sẽ được duyệt lại, tất yếu là thế, một ngày không xa.
Tổng Giám mục Kurtz.
Trần Mạnh Trác 6/29/2015