Tuesday, July 21, 2015

Nguyễn Văn Hảo

Đại gia Nguyễn Văn Hảo,
huyền thoại bị quên lãng

Ngay trung tâm Sài Gòn có một tòa nhà kiến trúc Pháp tuyệt đẹp tọa lạc ở bốn mặt tiền đường.
Trên mặt tiền ngôi nhà (phía đường Trần Hưng Đạo và hai bên hông Ký Con – Yersin) có khắc dòng chữ NG.V.HAO nên những người sống xung quanh thường gọi đó là tòa nhà Nguyễn Văn Hảo.

Đó từng là nhà của một thương gia nổi tiếng cả miền Nam: Nguyễn Văn Hảo – một trong những thương gia giàu có nhất ở Sài Gòn từ thời Pháp đến năm 1975.

Phía trước và hai bên hông tòa nhà có dòng chữ NG.V.HAO - Ảnh: Độc Lập

Ông Nguyễn Văn Hảo cũng chính là ông chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng một thời, được ví là nhà hát “hàng không mẫu hạm” có sức chứa tới hàng ngàn người và là thánh đường của cải lương.

Tuổi thơ ở ruộng đồng

Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890, quê ở ấp Long Thuận, xã Nhị Long, H.Càng Long (Trà Vinh). Nhìn vào gia sản đồ sộ mà ông Hảo từng sở hữu, nhiều người sẽ có suy nghĩ ông phất lên một phần do thừa hưởng gia sản của ông cha để lại. Tuy nhiên, ông Hảo xuất thân trong một gia đình trước đó mấy đời đều làm nông. Cha của ông có ba người vợ. Ông Hảo là con thứ ba của người vợ thứ ba.

Những năm tháng tuổi thơ, theo những người trong gia đình kể lại, cậu bé Hảo chỉ quanh quẩn ở quê. Chưa bao giờ cậu bé Hảo lại nghĩ có một ngày mình sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp.

Một người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo là ông Nguyễn Văn Kiệu, làm chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh (Q.1). Công việc làm ăn phát đạt, ông Kiệu cần thêm người phụ giúp. Quay qua ngó lại anh em trong gia đình, ông Kiệu thấy ông Hảo là người thông minh, lại lanh lợi, phù hợp cho việc kinh doanh. Thế là ông Kiệu xin phép cha đưa em trai lên Sài Gòn phụ mình buôn bán phụ tùng xe hơi.

 Lên Sài Gòn, công việc đầu tiên mà ông Hảo làm là phụ anh trai mình buôn bán. Vốn là người thông minh, ở quê được cha cho ăn học dù không nhiều, ông Hảo đã học những bài học cơ bản từ người thợ đi trước. Cứ ai giỏi là ông Hảo đeo theo để học. Chẳng mấy chốc từ người thợ học nghề, ông Hảo thành người thợ chính tại tiệm buôn bán phụ tùng xe của anh mình.


Ngoài việc rành kỹ thuật để sau này mở tiệm không để thợ qua mặt, những ngày làm công ở tiệm anh trai, ông Hảo đã âm thầm học cách kinh doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng riêng cho mình sau này. Sau khi đã ổn định công việc, ông Hảo đưa vợ mình lên Sài Gòn. Năm 1929, vợ ông sinh người con trai đầu đặt tên Nguyễn Tâm Thạnh. Thời gian này, sau khi tích lũy một số vốn liếng, ông Hảo xin phép ông Kiệu cho phép mình ra lập nghiệp riêng. Được anh trai đồng ý, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 – 23 đường Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo.

Cửa tiệm trên được ông Hảo thuê lại của gia đình Chú Hỏa, một trong những người giàu có nhất Sài Gòn. Song song với buôn bán phụ tùng xe hơi, trước cửa hiệu, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt. Không biết đó có phải là cây xăng tư nhân mở đầu tiên ở Sài Gòn hay không nhưng với độ nhanh nhạy, số lượng cây xăng ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên đa phần khách mang xe đến sửa chữa, thay thế phụ tùng, khi quay ra chỉ biết đổ ở cây xăng ông Hảo.

Những năm đầu 1930, ở miền Nam, nhất là các tỉnh miền Tây, ngành giao thông, vận tải đường bộ phát triển. Khắp nơi rộ lên phong trào thành lập các hãng xe đò để chở khách. Các tiệm mua bán phụ tùng xe hơi làm không hết việc.

 Tiệm bán phụ tùng xe của ông Hảo nằm ở trung tâm Sài Gòn, chỉ cách chợ Bến Thành mấy bước chân, hàng nhập cảng bán đúng giá lại càng thu hút khách, nhất là giới tài xế miền Tây lên Sài Gòn mua phụ tùng thay thế. Khi đó ở Sài Gòn cũng có vài cửa hàng mua bán phụ tùng xe hơi nhưng chỉ có cửa hàng ông Hảo đủ lớn để cạnh tranh với các tiệm người Pháp trong vùng.


Cạnh tranh với người Pháp

Hạn chế của các hãng do người Pháp làm chủ là nhân viên ít nói tiếng Việt, trong khi đa phần giới tài xế lại không rành tiếng Pháp nên ngại vào, họ thích qua tiệm của ông Hảo để mua hàng.

 Khi chuyện kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông Hảo ngoài việc có duyên buôn bán còn là người chịu thương, chịu khó. Bất cứ giờ nào, kể cả 2 – 3 giờ sáng, nếu có khách gọi cửa, bà đều sẵn sàng bán dù thứ khách mua chỉ lời không hơn một đồng.


 Vợ ông Hảo còn có kiểu kinh doanh khá đặc biệt. Đó là khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà Hảo còn trích ra vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Cách làm của bà Hảo giống như kiểu “khuyến mãi” bây giờ. Dù số tiền “lại quả” không đáng là bao nhưng lại thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.


Nhờ kiểu kinh doanh gần gũi, bình dị và lấy công làm lãi đó mà tiệm của ông Hảo dù mới mở nhưng kẻ mua người bán tấp nập, tiền đếm mỏi tay. Kinh doanh ngày càng phát đạt nên ngoài cửa tiệm chính ở Sài Gòn, ông Hảo kết hợp với một người bà con ở Trà Vinh mở thêm chi nhánh dưới miền Tây.

Khoảng năm 1933, ông Hảo mua mảnh đất nằm ở bốn mặt tiền đường – mà nay là Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Hồ Văn Ngà – để xây nhà. Đồng thời, ông cũng trả lại cửa tiệm ở số 21 – 23 đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) cho gia đình chú Hỏa.

Về chỗ mới, ông Hảo vẫn kinh doanh phụ tùng xe hơi, xăng dầu. Đến khoảng năm 1940, khi công ty đủ mạnh, vốn liếng dồi dào, ông Hảo nhập xe hơi nguyên chiếc về bán ở Sài Gòn. Những thương hiệu xe hơi mà ông Hảo nhập về là Fiat, Lancia, Nash… được bày bán phong phú như các showroom xe hơi ngày nay.

Mỗi lần ông Hảo nhập về 2 – 3 chiếc Nash, sau đó nhập xe hiệu Fiat, Lancia… Giá xe hơi khi đó chừng 2.000 đồng bạc Đông Dương (1 đồng đổi được 17 franc Pháp). Ngoài việc buôn bán xe hơi, garage của ông Hảo còn làm luôn chuyện sửa các loại xe (do hãng bán cũng như các hiệu khác), cạnh tranh ngon lành với các garage Charner bán xe Peugeot, garage Auto Hall bán xe hiệu Citroen, garage Scama bán xe Ford của người Tây nằm gần đó.

 Ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) – một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian đó.
Cái hay của ông Hảo là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho dân có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt sự sang hèn của khách.


 Cũng chính vì cung cách làm ăn niềm nở như thế nên một lần garage xe của ông Hảo tiếp một vị khách hết sức đặc biệt.


 Một buổi sáng khi garage vừa mở cửa, có một vị khách trông rất quê mùa, mặc áo dài khăn đóng khá cũ vào hỏi mua xe hơi. Nhân viên bán hàng tính ra đuổi vì nghĩ ăn mặc như vậy thì không thể có tiền mua xe hơi mà có khi tính đường chôm chỉa. Nhưng ở gần đó, ông Hảo vừa tính sổ sách vừa quan sát nên nhân viên không dám vô phép.


 Vị khách này sau khi coi xe đòi nhân viên đề máy. Ông khách nghe tiếng máy kêu êm êm xong cất tiếng hỏi ngắn gọn: “Bao nhiêu tiền?”. “Gần 3.000 đồng bạc”, anh nhân viên trả lời mà giọng vẫn e dè.
Ông khách mở cửa ngồi lên xe nhún vài cái rồi nói: “Hình như nhíp hơi kêu. Anh cho thêm miếng dầu vô nhíp đi”. Nói xong, vị khách kêu tính tiền.

Sau cuộc mua bán nhanh gọn, ông Hảo sai người đưa chiếc xe ra cây xăng trước nhà tính “khuyến mãi” cho khách một thùng xăng đầy. Tuy nhiên, vị khách không chịu mà chỉ “xin” 5 lít. Ông Hảo ngạc nhiên hỏi lý do. Lúc này vị khách mới kể thực ra ban đầu ông không thích nhãn hiệu xe Nash của ông Hảo đang bán mà thích chiếc xe Ford (Mỹ) bán ở garage Scama người Pháp (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay). Trước đó, ông khách đã ghé garage này để hỏi mua. Tuy nhiên, viên quản lý người nước ngoài và nhân viên khi thấy bộ dạng rách rưới và kỳ quái của khách đã đuổi khách đi. Ông ta buộc phải tìm qua hãng xe của ông Hảo.

Đổ xăng xong, vị khách sai người làm chở xuống garage xe đã đuổi ông, rồi tới trước mặt vị quản lý người Pháp nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp: “Vì mày đuổi nên tao phải qua garage ông Nguyễn Văn Hảo mua chiếc này. Bây giờ tao chạy xe qua tiệm mày để mua xăng”. Nghe vị khách kể lại, ông chủ người Pháp đuổi việc luôn cả viên quản lý người Pháp và nhân viên người Việt.
 
Vụ đó, ông Hảo lời 600 đồng Đông Dương sau khi bán được chiếc xe Nash. Sau khi tính tiền và làm thủ tục xong, ông khách rút sau lưng cái mo cau gập làm đôi trong đó từng xấp tiền 100 đồng bạc Đông Dương nhiều không thể tả.

Sau này tìm hiểu ông Hảo mới biết vị khách lập dị kia là một trong những người giàu nức tiếng ở miền Tây khi đó, từng là bạn khá thân với ông Trần Trinh Trạch (thường gọi Hội đồng Trạch) – thân phụ của công tử Bạc Liêu.


“Hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo

Là người mê cải lương nên khi kinh doanh phát đạt, ông Nguyễn Văn Hảo mua đất xây dựng nhà hát mang tên ông. Nhà hát này một thời được coi là “thánh đường” của giới cải lương có sức chứa hơn 1.200 khách.

Người con trai độc nhất của ông Hảo là Nguyễn Tâm Thạnh, năm nay cũng đã 86 tuổi, cho biết dù là dân kinh doanh nhưng do lớn lên ở miền Tây nên ông Hảo rất mê cải lương. Trước nhà có một gánh hát bội nhỏ nên thường những tối cuối tuần sau những giờ kinh doanh căng thẳng, ông Hảo lại ghé xem hát.

“Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, ông Thạnh hồi tưởng.

Khoảng đầu những năm 1940, ông Hảo mua đất để xúc tiến xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Mặt tiền của rạp hướng về đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo), một con đường tráng nhựa rộng lớn và huyết mạch từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường Bùi Viện.

Theo soạn giả Nguyễn Phương, rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1.200 ghế, chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn nên được các nghệ sĩ gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo.

Ở khoảnh đất mặt tiền còn lại giao các đường Galliéni và Bùi Viện, mỗi bên ông Hảo xây hơn 10 căn phố lầu để cho thuê. Góc đường mũi tàu Bùi Viện, Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học) và Galliéni, là cửa lên lầu hai của vũ trường Tour D’Ivoire (Tháp Ngà).


Trong những năm từ 1943 đến năm 1954, Sài Gòn có bốn rạp dành cho hát cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Aristo ở đường Lê Lai, rạp Thành Xương ở đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đa Kao. Trong số các rạp này thì rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất, khán giả đến xem đông nhất. Đây chính là những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.

Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt. Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ.

Đoàn cải lương Hoa Sen (đoàn hát có doanh thu cao nhất trong các đoàn hát cải lương cuối thập niên 1950) của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở đây. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhất định đoàn phải có tuồng mới, có những tranh cảnh, y trang mới và nhất định là phải có những cải cách kỹ thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn hơn các đoàn hát khác.


 Ông Nguyễn Tâm Thạnh, con trai ông Hảo, cho biết thời vàng son cải lương của rạp Nguyễn Văn Hảo kéo dài chừng 30 năm. Đến năm 1970, ông Hảo cho ông Nguyễn Văn Đối mướn lại rạp sửa sang một số công năng để làm rạp… chiếu bóng.


Khi trở thành một trong những người nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn, việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ông Hảo lại bất ngờ về quê, xây chùa ở ẩn…

Trung Hiếu – Tấn Cư/TNO
@thanhnien