Đảng CSVN và khả năng tàn ác vô giới hạn
Đầu năm, ngày 2 tháng 1 năm 2017 đọc tin tức tại Việt Nam, lại nhận được tin công an nhân dân lại đánh chết người thêm một lần nữa tại quê hương của tôi là Bình Định. Mở video theo dõi hình ảnh cái chết của anh Phạm Đặng Toàn 29 tuổi, tôi nghe văng vẳng giọng nói của một phụ nữ Bình Định quê mùa “tụi bây có ác thì ác vừa thôi, sao lại tàn ác quá vậy”.
Tuy câu nói này phát xuất từ một phụ nữ quê mùa, nhưng theo quan điểm của tôi, đánh thẳng vào một trọng điểm của lịch sử nhân loại đương đại, trong cuộc tương tranh ý thức hệ toàn cầu giữa Cộng Sản và Quốc Gia mà đến nay vẫn còn tiếp diễn tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào và Việt Nam.
Yếu tố then chốt làm người CS toàn thắng chính là nằm nơi khả năng tàn ác vô giới hạn này.
Một trong những vấn nạn căn bản của lịch sử mà không những người trí thức quốc gia, mà cả cộng sản ngày nay thường trăn trở suy tư: đó là tại sao các đảng CS thuộc hệ thống Đệ Tam Quốc Tế có thể dễ dàng đè bẹp các đối thủ chính trị, như nhóm Bolshevik của Lê Nin tiêu diệt nhóm Menshevik (1903) và chế độ cộng hòa tại Nga của Kerensky (1917), Đảng CS của Mao Trạch Đông chiến thắng Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc (1949) và đuổi họ ra đảo quốc Đài Loan, Đảng Lao Động Triều Tiên của Kim Nhật Thành tiêu diệt các đảng phái đối lập và thống trị Bắc Hàn với bàn tay sắt không đối thủ, cha truyền con cháu nối đến ngày hôm nay, và gần gũi với chúng ta nhất là Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của Ông Hồ Chí Minh đã tiêu diệt mọi đảng phái quốc gia hợp tác với CSVN trong phong trào chống Pháp Việt Minh, và sự thanh toán đẫm máu Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và những đồ đệ của ngài (1947). Sau đó đảng CSVN thống lãnh toàn bộ miền bắc Việt Nam từ năm 1954 và từ 1975 thống nhất giang hồ, với ý đồ muôn năm trường trị trên toàn cõi giang sơn Việt Nam.
Khi xưa người CS tin rằng, lý do họ chiến thắng các lực lượng quốc gia dễ dàng vì họ nắm trong tay chân lý, không những của sự vân hành lịch sử toàn nhân loại, mà cả chân lý của sự vận hành mọi hiện tượng trong vũ trụ khách quan, qua ý thức hệ Mác Lê khoa học bách chiến bách thắng nữa.
Dĩ nhiên, với sự bùng nổ của tin học, với bước đi bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, với ánh sáng của khoa học chiếu rọi vào từng góc cạnh của tâm thức nhân loại, và với sự phá sản kinh tế tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác, niềm tin trên đã đổ vỡ toàn diện, kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và các chế độ CS Đông Âu, cũng đồng thời kéo theo sự tái cấu trúc kinh tế của các nước CS Đông Á để sống còn, trừ Bắc Triều Tiên.
Sự sụp đổ toàn diện trên của ý thức hệ giáo điều Mác Lê giúp chúng ta có những điều kiện khách quan hơn để phân tách tại sao các đảng CS chiến thắng trong quá khứ.
Khi duyệt xét lịch sử, chúng ta nhận ngay rằng, người CS không phải là những tập thể duy nhất sử dụng bạo lực như là phương tiện thống trị và cũng chưa chắc họ là những người thành công nhất trong tác động sử dụng bạo lực.
Khi nói đến bạo lực, nhân loại đương đại thường nhắc đến Tần Thủy Hoàng tại Trung Quốc đốt sách và chôn sống học trò, đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn khai sinh, chinh phục từ Á sang Âu, mãi đến tận Trung Đông và miền Bắc Ấn Độ. Mức độ tàn ác và tàn sát người dân vô tội của họ thật khôn tiền khoáng hậu, đến mức độ nhiều dân tộc bị xâm chiếm, trong suốt nhiều thế kỷ, không dám phản kháng và chịu sự thống trị tuyệt đối của họ, cho đến khi chính những triều đại hay đội quân binh thống trị Mông Cổ tàn lụi theo thời gian, kéo dài nhiều thế kỷ, như đội quân Golden Horde chiếm giữ một phần lớn nước Nga bây giờ (từ thế kỷ 13 đến 19).
Tại Âu Châu phải nhắc tới Hitler và Đảng Quốc Xã của Ông, thống trị Đức Quốc và nhiều quốc gia khác trong bàn tay sắt. Nếu không bị Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đánh bại trong thế chiến thứ 2, thì sự thống trị bằng bạo lực của Hitler khó người sánh kịp trong lịch sử đương đại.
Tuy nhiên, ngay cả Hitler và Đảng Quốc Xã Đức, cũng không thể so sánh với các đảng CS trong hệ thống Đệ Tam Quốc Tế và cực điểm của hệ thống bạo lực này là Nhà Độc Tài Joseph Stalin của Cộng Sản Liên Xô.
Thế thì, các đảng CS chiến thắng vì họ tàn ác và sử dụng bạo lực nhưng muốn bạo lực lên ngôi tuyệt đối, một hệ thống độc tài cần những điều kiện nội tại và ngoại tại nào?
Những điều kiện nội tại bao gồm:
1. Một định chế sắc đá, toàn năng, kỷ luật tuyệt đối được điều hướng bởi quan điểm tập trung dân chủ bách chiến bách thắng.
Có thể nói, đây chính là một trong 2 đóng góp có tính sáng tạo nhất của Vladimir Illich Lenin và cũng chính là một trong những lý di vì sao, những người cộng sản đương đại được gọi là đồ đệ của chủ thuyết Mác – Lê, mà không phải chỉ đơn thuần là đồ đệ của chủ thuyết Mác Xít. Định chế này chính là Đảng Cộng Sản Liên Bang Xô Viết và hậu duệ của nó là tất cả các đảng CS trong hệ thống Đệ Tam Quốc Tế. Đây là vũ khí sắc bén nhất, nằm trong tay của Lê Nin, để thi hành quan điểm đấu tranh Mác Xít Lê Nin Nít.
Đóng góp thứ nhì của Lê Nin có tính sáng tạo nằm trong cuốn sách lừng danh của ông là “Đế Quốc Chủ Nghĩa- Giai tầng cao nhất của tư bản chủ nghĩa” (Imperialism, the highest stage of capitalism) trong đó ông đưa ra mệnh đề bổ sung cho Lý Thuyết Mác Xít thuần túy rằng cuộc đấu tranh giữa các cường quốc Thực Dân Tây Phương và các thuộc địa nổi lên dành độc lập cũng mang bản chất đấu tranh giai cấp, như chủ trương của Karl Marx trong cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital) vậy.
Qua các đảng CS, dưới sự điều hướng của quan điểm tập trung dân chủ, người CS có thể tiến hành các cuộc đấu tranh giai cấp và chống thực dân từ Âu sang Á và cho đến những góc ngõ của Phi Châu, bách chiến bách thắng.
Lê Nin đã nhận định rất chính xác ngay từ năm 1903 rằng, các phe nhóm hoặc đảng phái mang tính “dân chủ xã hội”, hoặc Menshevik, hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo một cuộc cách mạng không khoan nhượng, chống các thế lực tư bản. Chỉ có đảng cộng sản trong truyền thống Bolshevik của ông mới có khả năng này.
2. Một đội ngũ cán bộ chỉ có “đạo đức cách mạng” mà không có đạo đức truyền thống.
Trước hết, vì ý thức hệ Mác Lê là một ý thức hệ giáo điều khắc nghiệt, nó không thể dung túng những tư tưởng tự do, nằm ngoài vòng kềm tỏa của nó, luân lưu trong xã hội, nhất là những tư tưởng đang luân lưu trong nền văn hóa truyền thống. Tại Âu Châu đó là nền văn hóa La Hy và ảnh hưởng đạo đức Thiên Chúa Giáo. Tại Đông Á đó là nền văn hóa Tam Giáo và ảnh hưởng luân lý Nho Giáo.
Chính vì thế, Lê Nin và Stalin bên trời Tây nhận thấy có nhu cầu tạo ra một giai cấp cán bộ “đạo đức cách mạng” chân chính, hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những giá trị đạo đức Thiên Chúa Giáo như danh dự, trách nhiệm, lòng nhân ái, sự vị tha v.v... Tại Đông Á thì Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh đã học hỏi từ Lê Nin và Stalin, cũng nhận thấy nhu cầu tạo ra một đội ngũ cán bộ hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những giá trị luân lý Khổng Mạnh như nhân, nghĩa, lể, trí, tín, trung hiếu v.v… Từ đó chúng ta có Trường Chinh đấu tố cha mẹ.
Các đảng CS chỉ có thể phát huy toàn diện quyền lực nếu hàng ngũ đảng viên của họ gồm toàn những người hội đủ yếu tố đạo đức cách mạng nêu trên.
Câu hỏi đặt ra là thế nào là đạo đức cách mạng?
Lê Nin là một trong hai nhà ảo thuật chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Người kia là Tiến Sĩ Goebbels của Đức Quốc Xã. Dưới bàn tay ảo thuật của Lê Nin và những hậu duệ của ông thì trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Union of Soviet Socialist Republics viết tắc là USSR), danh từ “xã hội chủ nghĩa” giết chết khái niệm cộng hòa trong ý nghĩa bình thường của nó và hiện nguyên hình là một chế độ độc tài khát máu. Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng nằm trong truyền thống này.
Tại Trung Hoa thì đệ tử của Lê Nin là Mao Trạch Đông dùng danh từ “Nhân Dân” thay thế cho danh từ xã hội chủ nghĩa, trong cùng mục đích. Trong danh xưng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (People’s Republic of China), hay Dân Chủ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea) thì danh từ nhân dân cũng giết chết danh từ cộng hòa hay dân chủ tương tự.
Thuật ngữ này cũng áp dụng cho nhiều danh từ khác như pháp chế xã hội chủ nghĩa chính là phản đề của một nền pháp trị chân chính, kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là phản đề của kinh tế thị trường nghiêm chỉnh, tòa án tối cao nhân dân chính là phản đề của một tòa án tối cao của dân, do dân và vì dân chân chính, quân đội nhân dân, công an nhân dân v.v… cũng đều theo quy luật tương tự.
Và cuối cùng, đạo đức cách mạng có nghĩa là hoàn toàn phi đạo đức, chỉ biết vâng lời đảng tuyệt đối. Một đội ngũ cán bộ trang bị bằng đạo đức cách mạng như thế, trong hàng ngũ một định chế như đảng CS truyền thống Đệ Tam Quốc Tế mới có khả năng khủng bố toàn năng và gieo rắc sự tàn ác vô giới hạn.
Nêu trên là những điều kiện nội tại. Còn đâu là những điều kiện ngoại tại?
Có 2 điều kiện ngoại tại quan trọng:
1. Sự cô lập cá nhân và bưng bít thông tin tuyệt đối
Lê Nin từng là người bị chế độ công an trị của Nga Sa Hoàng đàn áp và đọa đày lâu dài tại Tây Bá Lợi Á và trong các nhà tù. Tuy nhiên Ông ý thức được rằng, lý do ông vượt thoát, vươn lên và lật đổ các đối thủ, trong đó có Nga Sa Hoàng là vì các chế độ đàn áp đó chưa đủ tàn ác. Muốn tàn ác hơn một cấp nữa phải cô lập từng cá nhân những thành phần chống đối và không cho thông tin được trao truyền giữa những cá nhân. Từ đó, những đồ đệ của ông kể cả Hồ Chí Minh, đều được các trường đảng huấn luyện và dạy rằng, các cá nhân chống đối không đáng sợ bằng các tập thể chống đối và sự kiểm soát tuyệt đối thông tin là yếu tố tối quan trọng để tiêu diệt tận gốc rễ mọi đối lập.
Từ đó, trong các chế độ CS, không có quyền tự do lập hội và không có báo chí độc lập. Mục đích chính là thông tin và tư tưởng đối lập không thể được truyền bá hầu tạo ra đối kháng có tổ chức.
2. Gieo rắt sự sợ hãi tuyệt đối:
Gieo rắt sự sợ hãi tuyệt đối phải qua một định chế quyền lực khác làm công cụ cho đảng. Đó là công an. Đức Quốc Xã của Hitler cũng sử dụng tuyệt hảo công cụ này. Trong cả hai chế độ độc tài bật nhất nhân loại đương đại thì mật vụ KGB (tên gọi từ 1954) của Stalin hình như còn tàn ác hơn Gestapo của Hitler một bật. Đêm khuya, công an mật vụ gõ cửa một người dân thấp cổ bé miệng, trước sự kinh hoàng bất lực của vợ con, sau đó bị thủ tiêu là chuyện bình thường xảy ra cho gia đình các quốc gia bị CS cai trị như tại Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Trong Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn. Thậm chí tại Liên Xô, những tướng lãnh cao cấp vẫn bị KGB gõ cửa dẫn đi và thủ tiêu không dấu vết, kể cả những tướng lãnh nổi tiếng anh hùng và toàn dân ngưỡng mộ trong cuộc chiến chống Đức Quốc Xã.
Ngày hôm nay, Kim Chính Ân cũng thỉnh thoảng xử tử các tướng lãnh cao cấp mà chỉ qua những phiên xử lấp liếm qua loa. Công an CSVN không kém phần tàn ác và những trùm công an luôn dành được cho mình những chức vụ cao nhất trong đảng và nhà nước, lấn lướt cả tướng Võ Nguyên Giáp một thời vàng son.
Chỉ có quyền lực vô giới hạn và vô hình của công an, đứng trên và ngoài hiến pháp lẫn luật pháp, mới gieo rắt đủ sự sợ hãi tuyệt đối trong mọi giai tầng xã hội.
Khi nhận điện được các yếu tố đem lại khả năng tàn ác vô giới hạn, chúng ta mới hiểu rõ lý do đơn giản tại sao các đảng CS chiến thắng dễ dàng trong lịch sử đương đại.
Chúng ta có thể tưởng tượng sự ngơ ngác, đáng thương của của giới trí thức lãnh đạo các đảng phái quốc gia theo truyền thống Thiên Chúa Giáo tại Nga Sô (Kerensky), Đông Đức, Ba Lan, Ukraine… khi đối phó với các đảng CS và những lãnh đạo mà “đạo đức cách mạng” thật triệt để như Joseph Stalin.
Không một lãnh tụ quốc gia nào tại Ba Lan có thể tưởng tượng nổi mức độ tàn ác không giới hạn của Stalin khi ra lệnh sát hại 22,000 sĩ quan Ba Lan, mặc dầu những người này trước đó được lệnh của chính phủ không kháng cự Hồng Quân Liên Xô. Toàn bộ 22,000 sĩ quan, tinh túy của quân đội Ba Lan bị lừa gạt và thảm sát lại rừng Katyn và tháng 4 năm 1940.
Chúng ta cũng có thể tưởng tượng sự ngơ ngác đáng thương của giới lãnh đạo các đảng phái quốc gia tại Đông Á từ Trung Quốc, Triều Tiên đến Việt Nam, tuy có nhiều người theo tây học nhưng vẫn thấm nhuần truyền thống đạo đức Khổng Mạnh như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu v.v.. khi phải đối phó với các đệ tử chân truyền của Lê Nin tại Đông Á như Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam, trong mặt trận Việt Minh, họ bị tiêu diệt hầu như toàn diện và cướp công lao và chính nghĩa trong công cuộc kháng Pháp. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng phải chịu số phận thảm thương tương tự.
Họ thua người CS không phải vì họ kém trí tuệ. Ngược lại trí tuệ của họ còn vượt xa người CS trên các bình diện quản trị đất nước, xây dựng cơ đồ lâu dài cho dân tộc. Nhưng khi 2 tổ chức đối diện với nhau, thì cả tổ chức lẫn những cá nhân của họ còn quá mang nặng truyền thống đạo đức của cả dân tộc. Họ không thể là đối thủ của một đảng CS gồm toàn những cá nhân mà khả năng tàn ác vượt ra ngoài sức tưởng tượng của họ và ra ngoài sức tưởng tượng của toàn nhân loại nữa.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, các đảng CS có phải là những công cụ bách chiến bách thắng nữa hay không?
Câu trả lời rõ ràng là không.
Lý do là vì cuộc cách mạng kỹ thuật (technological revolution) từ các thập niên 1950, rồi gia tốc vào các thập niên 1970 và sau đó bùng nổ vào các thập niên 1990 với các kỹ thuật vi tính và nối ráp thành mạng lưới toàn cầu đã đem sự hiểu biết, thông tin chính xác và các tư tưởng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đến từng công dân trên quả địa cầu.
Liên Bang Xô Viết sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa, chỉ còn 5 quốc gia CS hiện hữu hôm nay: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Chỉ trừ Bắc Triều Tiên còn chuyên chế nguyên thủy theo mô hình Stalin, các quốc gia khác thật sự không còn CS mà chỉ là độc tài tư bản đỏ.
Cuộc cách mạng tin học và bước đi bất khả vãn hồi của tư tưởng dân chủ đánh trực diện vào các yếu tố nội tại và ngoại tại nêu trên, khiến các đảng CS mất đi khả năng tàn ác vô giới hạn.
Một khi khả năng này bị mất, họ hiện nguyên hình là những tập thể có muôn ngàn khuyết điểm và đang thoái trào trước bước đi vững chãi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.
Chẳng hạn hiện tượng công an giết người nêu trên tại Bình Định. Nếu xảy ra vào năm 1950. Khi chưa có các phương tiện như Iphone có thể thu băng nhanh chóng những gì xảy ra. Cũng chưa có Facebook hoặc mạng lưới internet toàn cầu. Thì không ai biết. Nạn nhân lìa đời trong sự đau khổ của gia đình. Công an CSVN muốn giết ai thì tùy tiện. Công An CSVN tại Bình Định cũng không cần nhọc tâm yêu cầu vợ của người chết phải lên đài đính chính rằng chồng mình không phải do công an giết. Mặc dầu dân chúng sẽ không ai tin rằng vợ của nạn nhân không bị ép buộc để bẻ cong sự thật, mong được yên thân.
Cuộc cách mạng tin học đã bẻ gãy một yếu tố then chốt của sự tàn ác vô giới hạn bằng cách xuyên phá sự bưng bít thông tin.
Người dân cũng không còn sợ hãi tuyệt đối và đã bắt giữ 2 sĩ quan công an, bắt phải quỳ lạy trước thi hài người quá cố.
Thêm vào đó, chính các cán bộ nồng cốt của đảng cũng bị cuộc cách mạng tin học tha hóa. Đạo đức cách mạng theo truyền thống Đệ tam Quốc Tế đã không còn hiện hữu trong hàng ngũ đảng CSVN nữa.
Và cuối cùng, cấu trúc đảng CSVN như là một công cụ đấu tranh tuyệt vời của Lê Nin rèn luyện bây giờ là một định chế quyền lực và quyền lợi, gồm những đại gia phè phỡn vung vít, chẳng bao lâu sẽ bị vứt vào thùng rác thôi tha của lịch sử.
Cũng năm mới, lại nghe TBT Nguyễn Phú Trọng kêu gào vô vọng các đảng viên chống suy thoái đạo đức, chống tự diễn biến v.v…
Bề mặt thì có vẻ như ông Trọng muốn ngăn chậm tham nhũng và cán bộ thoái hóa. Tuy nhiên, với bản tính bảo thủ cố hữu, nguyên nhân chính Ông kêu gào vô vọng có thể là ông vẫn còn hoang tưởng gầy dựng lại thời đại hoàng kim xa xưa khi đảng CSVN và những đảng CS khác còn hội đủ các yếu tố để phát huy sự tàn ác vô giới hạn và thống trị giang hồ không đối thủ.