Thursday, September 21, 2017

Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương,Tùy Bút Mai Tho
imageszim12119244741-9885vanmuoi
(Chân Dung và Tác Phẩm của Vũ Hoàng Chương)
Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh.
Con đường thoạt đầu nhỏ hẹp vào tới sâu phình rộng dần dần và mở thành một vùng ngoại ô tràn lan náo nhiệt khác là vùng Khánh Hội. Tại đây hai bên hàng quán, chợ búa chen chúc ngổn ngang không hàng lối, sáng chiều là bụi cát rác rưởi đủ loại dấy bốc mù mịt do chân trần những bầy trẻ nhỏ đen đúa nhếch nhác chạy nhẩy la thét hất tung lên. Cuối đáy con đường là phường Cây Bàng. Nó đứng chắn ngang với những rào cây um tùm như một biên giới tươi xanh ngăn chia chợ búa thị tứ ồn ào trước mặt với phía sau, cũng chỉ là những xóm ngõ bình dân lao động, nhưng một ngày đã trở thành tao nhã, tao nhã từ vết nắng sớm đến nét trăng chiều, từ ngọn cỏ bờ đến cụm hoa đồng, vì còn là một địa chỉ lẫy lừng của văn chương, nơi một mái lầu thi ca lừng lẫy.
Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương.
Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố tháng tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến.
Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.
Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: “Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa.”
Tôi đến thăm Gác Bút thường ngày như vậy và thường vào buổi chiều. Thường, vì muốn, vì cầu, với tôi. Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua ông đúng một giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần. Ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản. Ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ. Rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Nhưng nhiều lần cũng chỉ có nghĩa hàng tuần, hàng tháng. Với Gác Bút, gần như chiều nào tôi cũng từ Sài Gòn đạp xe sang phường Cây Bàng và tới Động Hoa Lư.
Lý do là miền Nam mất, thời thế xập đổ tan tành, tôi đã sống với đổi đời trong một tâm trạng cực kỳ trơ trọi, thất lạc và cảm thấy cần thiết hơn lúc nào hết cho đời mình những gặp mặt với Vũ Hoàng Chương, nhập vào vùng phong thái an nhiên trầm tĩnh của ông, chờ ông pha trà cho uống, nghe ông nói chuyện thơ và quên hết với ông trong cái không khí thoát tục và xa đời của những buổi chiều trên Gác Bút lừng tiếng.
Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa.
Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh. Những thiếu thốn vật chất, mặc dầu thi sĩ chẳng còn nhu cầu gì -ông đã bỏ thuốc phiện- càng làm trầm trọng mau chóng sự mong manh ấy. Ở Gác Bút, ông gầy teo, gần như không đi xuống tầng dưới nữa. Nhiều buổi chiều tôi tới, ông đắp một tấm chăn mỏng, nằm mỏi mệt thiêm thiếp trên mặt sàn trống trải, hình ảnh cuối đời hợp nhập với hình ảnh hoàng hôn thẫm mầu đang hắt hiu buông xuống ở chung quanh.
Điều này cũng là một lý do nữa để hàng ngày tôi lặn lội đạp xe sang thăm người Gác Bút. Thần trí ông vẫn minh mẫn, lấp lánh. Thần thái ông vẫn nhẹ nhàng ung dung. Nhưng thịt xương không phải là thần trí và thần thái. Thi sĩ đã hơn sáu mươi tuổi. Và không phải là linh cảm nữa mà là tôi đã nhìn thấy tài thơ cự phách, chẳng còn chịu ở hơn nhiều lắm nữa với đời. Những ngày tháng còn lại của Vũ Hoàng Chương ở Gác Bút là số ngày tháng cuối cùng.
Vậy mà, ngược nghịch, lạ lùng những ngày tháng cuối cùng này lại là thời kỳ sung sướng nhất của thi sĩ.
Bạn hữu ở gần nhìn thấy rất rõ ràng những tỏ hiện nhảy nhót niềm sung sướng cuối đời không ngờ có ấy. Qua đột biến lạ lùng: một thân thế non tây lồng trong một bình sinh xế tà thình lình đuổi dạt được khỏi nó tấm mùng khói sương cô tịch vây phủ, tự thắp sáng lại bằng một thắp sáng rực rỡ. Giữa thắp sáng lại này, một Vũ Hoàng Chương rất hài đồng, rất tươi thắm và cũng rất lớn đi ra.
Làm xanh thắm lại cái úa héo, giữ chặt trên cành sinh trái tử sắp rụng, chất lục diệp tố đến tự những nguồn hô hấp nào? Tự hai nguồn. Một của thơ. Một của đời sống. Hai nguồn, trong một liên hệ tuyệt diệu.
Nếu tài thơ lớn bao giờ cũng ung dung chuyển đẩy được nó tới nhiều đất trời khác biệt, không chôn chết một đất trời cố định -những sức thơ tần thường không bao giờ thực hiện được vận động này của thơ- cõi thơ sau, cõi thơ sáu mươi, cõi thơ phơi phới vô cùng riêng Vũ Hoàng Chương đưa mình tới được là một thoát vượt, một bỏ lại rất xa cách sau lưng mọi cõi thơ Vũ Hoàng Chương trước. Và với cõi thơ sau này, ánh sáng của ngôi sao bắc đẩu mới khởi sự trong suốt, thật sự vòi vọi.
Hãy nhớ lại ba ngọn đỉnh của vòm trời cũ. Là Mây, Hoa Đăng và Rừng Phong.
Tâm thức ba vùng trời cũ là:
Đêm hỏa táng trần tâm cõi đời nghiêng đổ
Thịt xương ơi, nằm nhé đất oan khiên
Trần cấu lâng lâng ngoài cửa mộ
Ta thoát hình nương khói bay lên
Đâu đó tà dương hề treo ngọn bấc
Đâu đó cuồng phong hề reo đáy chai
Mùa chi ngày chi tuổi bao rồi nhỉ
Quanh chiếu rộn tang thương hề tinh anh ngoài đời
Đó là tâm thức hình giảo quấy động quằn quại trong một thạch động kín bịt. Hồn tuy tắm đẫm khổ đau những muốn bay lên cùng khinh thanh, chướng nghiệp chưa rũ được, căn chưa thông tỏ làm sao phá tung được nhà ngục hình hài. Tưởng là thoát hình, đâu có thoát hình. Thịt xương ném trả đất oan khuất, đâu có ném trả. Thực hiện cuộc thiêu hủy trần tâm bằng một lửa. Thì thiêu hủy. Nhưng khác nào ngọn lửa hủy giận dữ của Hồ Dzếnh: “Lửa giận tan rồi, than tối đen.”
Đâu đó tà dương. Đâu đó cuồng phong. Đâu đó trần cấu lâng lâng. Đâu đó thôi. Thảy là đâu đó, hư vong, cái bay cái thoát không hề có một điểm khởi hành đích thực. Ở nội tại, trong thực thể, là trường hợp một tâm thái giải phóng khỏi hệ lụy chưa thật sự trở thành. Một làn mây vướng. Một ngọn đèn thấp, nội giới không phóng thoát là cái chao đèn giam nhốt hết ánh sáng. Một cánh rừng, rễ cành nghìn nhánh xiềng xích trong đất, không có ngọn đi lên với trời.
Đó là những Mây, là Hoa Đăng, là Rừng Phong, ba cõi ngôn ngữ vĩ đại về hệ lụy trần thế, trần thế không tự nó là hệ lụy, là bể khổ, hệ lụy trần thế từ nơi tâm hồn người. Cái ngục anh giam anh. Cõi đời không phải ngục. Cõi đời không bao giờ là ngục.
Rồi Vũ Hoàng Chương ra thoát được cái ngục mình. Cuộc phục sinh thành, đã trao cho thi sĩ một chìa khóa ngọc mở vào những ngày tháng cuối cùng, những ngày tháng sung sướng.
Và Vũ Hoàng Chương đã mang con người sung sướng ấy của mình đi qua đổi đời, đi qua cộng sản đi vào vĩnh viễn. Thời gian ấy sống gần ông (mấy tuần chót ở Gác Mây, mười tháng ở Gác Bút trước bắt giữ), cho tới buổi trưa ngày 30 tháng 11 năm 1976, từ chỗ ân một vùng ngoại ô Chợ Lớn âm thầm trở lại phường Cây Bàng lần cuối để thắp một nén hương vĩnh biệt trước di ảnh bạn, cho tới những buổi trưa đảo nằm một mình trong một đáy rừng Mã Lai Á khuất tịch, tôi thường suy nghĩ, tìm kiếm lý giải, về một vận động từ bi thảm đưa tới thăng hoa sung sướng phóng thoát của một đời người. Vũ Hoàng Chương đã có được thăng hoa ấy. Qua thái độ ông, buổi sáng bị bắt. Trong bốn tháng nằm trong hầm tối. Trong năm ngày cuối cùng trở về Gác Bút. Bằng vào những chi tiết chị Vũ kể lại, sẽ được nói tới ở phần sau này. Tâm thức tôi, thiếu hụt tầm vóc, không sao đạt tới được thăng hoa như bạn. Bởi vậy mà giải thích hiện tượng, rất buồn thảm. Và cũng rất cực nhọc.
Đó là ngọn lửa và trái tim Thích Quảng Đức, ngọn lửa và trái tim tươi thắm phóng thoát trần thế từ một ngã tư đường Lê Văn Duyệt? Những cuộc đàm đạo trong tao nhã, tịch lặng với Thượng Tọa Thích Trí Thủ, một tâm thái phóng thoát khác, ở cái hiên sau xa đời của ngôi chùa Gia Định (thời gian sau này, Già Lam tuần nào cũng cho đón thi sĩ tới chùa, giữ ông cả buổi)? Hay đơn giản đó chỉ là sự bắt gặp trên một mức độ tràn đầy của bản thể viên mãn với đời sống, với nghệ thuật, với thi ca, qua những biến thiên cùng ý nghĩa và chân tướng biến thiên được soi tỏ qua cái hình ảnh một người đi mãi, đã vượt khỏi đỉnh núi bấy lâu chắn lấp, thấy được từ cái chết chắn lấp cả biển, cả trời và cả chính mình? Hay là sự màu nhiệm của tuổi? Sự mà nhiệm mà Nguyễn Khuyến đã thấy trong bài thơ Khóc bạn bất hủ: “Tuổi già hạt lệ như sương”.
Thế còn vai trò của thơ?
Thơ đóng vai trò gì trong tâm thức phóng khoát?
Nhà thơ lớn nào cũng nô lệ cho ngôn ngữ của chính mình. Tôi chỉ nói những nhà thơ lớn. Vì là một hiện tượng đặc thù chỉ có ở những nhà thơ lớn, những tầm thơ, những vóc thơ đích thực phát minh sáng chế ra ngôn ngữ. Khởi thủy là sự phá vỡ, sự vượt bỏ những biên thùy đã có, ngôn ngữ mới được sáng chế ra bởi tri thức thần diệu của thiên tài khi đã hình thành, đều có một hiệu năng ghê gớm giam nhốt kẻ đã sáng tạo chúng, là thiên tài, trong chúng. Mỗi chữ, mỗi lời của ngôn ngữ sáng tạo đều hiển lộng cái hiệu năng ghê gớm đó. Và rõ nhất ở địa hạt thi ca. Thiên tài bị giam nhốt trong cái lồng ngôn ngữ nguy nga vừa sáng tạo ra, tới khi phá được lại để rơi vào một cái lồng vừa mới sáng chế. Như thế mãi mãi không ngừng. Đó là quy luật của ngôn ngữ siêu việt, ngôn ngữ thơ. Đó là định mạng khốc liệt của thiên tài, trước ngôn ngữ mình.
Quy luật và tương quan vừa nói thể hiện rất rõ từ Mây, tới Hoa Đăng, tới Rừng Phong. Trời thơ thi sĩ càng triển khai tới đâu, ông càng bị ngôn ngữ ông chi phối, khống chế và giam cầm tới đó. Hiện tượng này còn nhìn thấy ở một nhà thơ lớn khác, Bùi Giáng nhưng ở trong một trạng thái mịt mùng mê loạn, với Bùi Giáng ngôn ngữ mê sảng biến tướng, quy luật và tương phản chìm ẩn không định hình rõ rệt, và Bùi Giáng cũng không đạt được cho mình sự phóng thoát, như Vũ Hoàng Chương.
Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya, tới sát giờ giới nghiêm cộng sản. Xã hội thê lương nằm phục bốn chung quanh tường Gác Bút. Ông đưa tôi xem một lá thư Trần Dần. Bị trừng phạt nặng nề, bị treo bút vĩnh viễn, nhà thơ Trần Dần, tài thơ trác tuyệt nhất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, không được vào Nam, đã gửi cho ông một lá thư đầy những lời lẽ kính trọng, như ông vẫn nguyên vẹn là thi bá của cả một thế hệ thi sĩ đã hai miền chia cách suốt 30 năm chiến tranh. Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này: “Thơ anh, thơ Đinh Hùng, sống muôn đới với thi ca Việt Nam.” Đêm đó, cầm nỗi kính phục của Trần Dần đối với ngôi sao Bắc đẩu miền Nam trên tay, tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia xẻ được với thi ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả. Kính phục của Trần Dần chắc còn lớn lao gấp bội. Nếu nhà thơ miền Bắc còn nhìn thấy được cõi thơ cuối đời và cái hiện tượng thăng hoa của tâm thức phóng thoát, ở thi sĩ!
Ông đưa tôi coi tiếp những thư từ bạn bè ngày trước viết vào từ Hà Nội. Thư Lưu Trọng Lư. Thư Hoàng Lập Ngôn. Thư Hoàng Cầm. Lá thư ngắn nhất của Nguyễn Tuân. Vỏn vẹn: “Mấy lời hỏi thăm cố nhân. Thư bất tận ngôn.” Ông cười:
– Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ thư bất tận ngôn.
– Mày trả lời bọn họ không?
– Có. Thằng nào viết thư thăm, tao cũng phúc đáp cho phải lễ. Bằng một vài đoạn thơ.
Ông cười thành tiếng, ánh mắt tinh nghịch vui thú:
– Thằng Địch vào, nói bọn chúng nhận được thơ tao thích lắm, vác đi khoe cùng nhưng chỉ dám khoe với bạn thân. Tao trêu chúng mà. Với thằng Hoàng Lập Ngôn, tao hỏi mấy chục năm cộng sản, cái xe mê ly đãng tử có còn lăn bánh? Và bánh thực hay bánh vẽ. Thằng Tuân, tao gửi cho nó một bài thơ chữ Hán, lấy điển người xưa mừng nó vẫn là nó không bao giờ thay đổi. Nó đọc, nó hiểu, chắc buồn lắm. Đã đi theo Đảng, Nguyễn Tuân bây giờ còn là Nguyễn Tuân ngày trước thế nào được nữa.
Địch là Vũ Hoàng Địch, em ruột thi sĩ. Bạn thân của Trần Dần, Địch không viết bài nào đả kích lãnh đạo trên Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng chỉ thân với Trần Dần vẫn bị hạ tầng công tác, sống uất ức và bất mãn ngấm ngầm cho đến ngày vào Nam thăm anh. Chị Vũ Hoàng chương kể cho tôi nghe hôm Địch vào, thân tàn ma dại, hai anh em ôm chặt lấy nhau giây phút trùng phùng, Địch bật khóc nức nở khiến Vũ cũng phải chảy nước mắt. Địch ở trên Gác Bút năm ngày. Suốt đêm, hai anh em Vũ uống nước trà, trò chuyện. Hôm Địch trở về, nhà còn mấy chỉ vàng và cái cassette là quý nhất người anh cho hết người em. Địch ngậm ngùi từ biệt: “Em khó lòng vào được nữa. Bọn nhà văn nhà thơ Hà Nội ai cũng nhớ đến anh. Đều thèm gặp lại anh lắm, nhưng họ sợ liên lụy chắc không ai dám tới. Em vào thăm anh thế này, về thế nào cũng có chuyện với đoàn thể. Em rất lo cho anh. Anh liệu giữ lấy thân.”
Vũ Hoàng Chương gật, điềm tĩnh: “Anh hiểu cả. Khỏi phải lo cho anh.” Rồi ngồi yên nhìm em đi. Quả nhiên, lần hai anh em gặp nhau lại là lần cuối cùng. Khi thi sĩ mất, Vũ Hoàng Địch cũng không được vào đưa đám. Thăm anh về, Địch bị báo cáo và bị đoàn thể khiển trách nặng nề vì không được Đảng cho phép mà dám ở với Vũ Hoàng Chương. Đúng như lời Vũ Hoàng Địch, Hà Nội văn nghệ vào Nam đủ mặt, chỉ một hai người dám liều tới thăm Gác Bút, như Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Lưu Trọng Lư, còn nhóm người cùng một thời Tự Lực với ông như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Hoài Thanh, hoặc vì đố kỵ với tiếng thơ lẫy lừng của thiên tài, hoặc vì hèn nhát sợ bị liên lụy, đều tránh mặt. Tôi nghĩ là trong thâm tâm, Vũ Hoàng Chương hẳn buồn lắm trước tư cách hèn đớn của nhóm bạn bè cũ, nhưng điều này ông không bao giờ nói ra. Ông hiểu cho họ, tâm thức phóng thoát là một trời thơ trong suốt bát ngát, thế thái ấm lạnh chỉ có thể là một bóng mây chốc lát rồi tan đi.
Có điều là chính vì thái độ đố kỵ, hèn đớn của nhóm nhà văn, nhà thơ Hà Nội cùng một thế hệ với ông mà Vũ Hoàng Chương đã bỏ Gác Mây về Gác Bút. Chuyện như thế này:
Khi nhóm nhà văn nhà thơ tiền chiến theo Đảng đã đủ mặt ở Sài Gòn, họ đến gặp Lê Tràng Kiều, Bàng Bá Lân, Quách Tấn, cả Vũ Bằng nữa, mà không một ai chịu tới thăm nữ sĩ Mộng Tuyết ở Úc Viên biệt thự. Là phụ nữ, lại thiếu cao ngạo, thiếu bản lãnh, sự “tẩy chay” này khiến Mộng Tuyết rất đỗi lo sợ. Nữ sĩ hốt hoảng đi tìm hai người viết nằm vùng là Sơn Nam và Vũ Hạnh để tìm hiểu lý do. Bà than:
– Năm 1934, tôi đã được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Các anh Xuân Diệu, Thế Lữ bao nhiêu năm vẫn giao du với tôi và Đông Hồ rất thân thiết. Tôi lại chỉ làm thơ vịnh hoa, vịnh trăng, không chống cộng, chống cách mạng. Nay các anh ấy vào, đi thăm hết cả mà không một ai đến tôi là làm sao? Tôi có tội phải cho tôi biết chứ!
Vũ Hạnh lắc đầu:
– Chị được coi là không có tội. Các đồng chí không tới thăm chị chỉ vì Vũ Hoàng Chương hiện đang ở đó!
Lần chót tôi tới Gác Mây, Vũ Hoàng Chương thuật lại nguyên nhân trường hợp Mộng Tuyết bị tẩy chay cho tôi nghe. Ông nói:
– Tao không trách Mộng Tuyết. Chẳng thể bình tĩnh thản nhiên như mình được. Vợ Đinh Hùng lên nhiều lần, lần nào cũng khẩn khoản mời vợ chồng tao về ở cùng, nói sống chết thế nào còn có nhau. Chính tao cũng đã định về phường Cây Bàng từ lâu. Chỉ ngại dọn nhà. Gặp Vũ Hạnh về, Mộng Tuyết không dám nói rõ sợ tao giận, nhưng tao đã hiểu. Mày nghĩ tao có nên rời khỏi Gác Mây?
Một tòa biệt thự lạnh lẽo. Hai cánh cổng sáng chiều đóng chặt. Một nữ chủ nhân hoang mang lo sợ trước đổi đời. Thời thế tối thẳm, hung dữ đã giết chết cái không khí thanh lịch, đài các của hoa lan, hoa quỳnh. Gác Mây đâu còn là Gác Mây nữa. Úc Viên biệt thự tầm thường đâu còn xứng đáng là chỗ ở của thi bá. Từ ngày Vũ Hoàng Chương bị làm khó ở căn nhà vách ván lụp xụp ở khu Bàn Cờ, rồi Mộng Tuyết hết lời mời mọc, thi sĩ đành tới nhờ Úc Viên, tôi biết ông miễn cưỡng và chúng tôi cũng không thích ông dời vào cái chốn phong lưu trưởng giả ấy. Trong truyền thống những thi sĩ lớn của dòng thơ Việt mọi thời, hoàn cảnh đời sống hàng ngày của Vũ Hoàng Chương phải được trải mãi trên tấm thảm gấm của Bần Bách và Đạm Bạc như trên tấm thảm ấy đã Tú Xương, đã Tản Đà, đã Nguyễn Bính, đã Đinh Hùng, đã Hàn Mặc Tử. Tôi mừng rỡ:
– Bọn khốn nạn khởi sự làm khó mày rồi đấy. Làm khó từ chỗ ở trước. Ở đây ra vào kiểu cách, khó chịu lắm. Về phường Cây Bàng đi. Ngại dọn nhà sẽ có bạn bè đến dọn.
Vũ Hoàng Chương thật sự có vẻ vui thích trước ý nghĩ ông về sống trên căn gác xép ngày trước của Đinh Hùng. Ông đã gần Đinh Hùng một đời. Bây giờ gần thêm nữa. Và tôi chia xẻ với ông niềm sung sướng đó. Ông nói:
– Một tuần lễ nữa, tao đi.
Năm ngày sau tôi trở lại Úc Viên, để thấy Vũ Hoàng Chương đã đi sớm hơn ông đã hẹn. Hai ngày trước, một nhóm sinh viên Luật yêu thơ ông, trước là học trò ông, tới thăm thầy đã đi mướn xe, khuân đồ đạc dùm thầy xuống khỏi Gác Mây, hộ tống thầy về đất Hoa Lư. Lần trở lại Úc Viên này, tôi không vào. Chỉ đứng lại với Mộng Tuyết ít phút ở cổng. Mộng Tuyết có vẻ ngượng:
– Anh Chương đi rồi. Giữ ảnh ở thêm ít ngày thế nào cũng không chịu.
Tôi không giấu được buồn bã:
– Từ phút anh Chương rời khỏi đây, Hà Nội đã chấm dứt tẩy chay chị rồi chứ? Những ai đã tới thăm chị rồi? Chúng mình cùng một cảnh ngộ, đã sống thân thiết với nhau mấy chục năm trời, bây giờ chết cũng phải tình nghĩa cố kết hơn lúc nào hết. Cho họ khỏi coi thường. Không ai đến thăm thì thôi. Chị đã bẩy mươi tuổi, còn sợ gì nữa?
Về sau tôi được biết Vũ Hoàng Chương về phường Cây Bàng buổi chiều thì ngay buổi tối ngày hôm đó, Vũ Hạnh chở Vespa Xuân Diệu tới thăm Mộng Tuyết. Rồi hôm sau, Huy Cận, Chế Lan Viên tới. Khi Mộng Tuyết nói thi sĩ đã rời khỏi Gác Mây, đám nhà thơ miền Bắc đặc biệt đố kỵ với riêng ông chỉ vì trời thơ hai miền hào quang ông át lấn mọi hào quang khác, đã giả vờ tỏ vẻ hối tiếc không biết trước để tới thăm thi sĩ sớm hơn, những tâm địa tầm thường ấy không dám thú nhận thái độ tiểu nhân của họ, trước cái phong cách đĩnh đạc và trầm tĩnh của thi sĩ. Mặc cảm tự ti đưa tới ghen ghét hạ đẳng ấy là một của những nguyên nhân đưa tới bắt giữ thi sĩ ngót một năm sau, buổi sáng ngày 13 tháng 4 năm 1976.
Sống với cộng sản, trường hợp của miền Nam là ở lại, là vẫn có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, kẻ sĩ, nhà thơ, nhà văn thất thế, khi mọi phương tiện lên tiếng đã bị triệt hủy hoàn toàn, chỉ còn một cách thế biểu hiện nhân phẩm duy nhất là giữ vững bản ngã, giữ vững nhân cách giữa bi thảm, không cho sa đọa. Và như vậy, đối diện với nghịch cảnh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết. Bi thảm này tên là Định Mệnh. Hàng ngàn nhà văn nhà thơ trên khắp mọi phần đất thế giới đã đứng trước định mệnh khốc liệt như thế, trên tổ quốc đất nước họ, trước bạo lực quân phiệt và chuyên chính vô sản. Anh em văn nghệ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền.
Tôi sẽ đi vào phong cách và bản lĩnh Thanh Tâm Tuyền trước chuyên chính đỏ một dịp khác. Khi viết về Thanh Tâm Tuyền. Riêng ở Vũ Hoàng Chương nếu như vẫn đứng thẳng được trước một kẻ thù đòi ta quỳ gối, vẫn bảo toàn được nhân cách và bản ngã giữa một chế độ dồn tận lực nó vào nghiền nát nhân cách và bản ngã, phải có một bản lĩnh hơn người, bản lĩnh Vũ Hoàng Chương nằm ở nơi ông, trước nguy cơ mà không hề rút thu vào một chìm ẩn an toàn. Như thường là phải vậy. Mà ngược hẳn, ở ông là một tiếp tục triển khai bản chất thể hiện nhân cách ông -và từ đó thơ ông và đời sống ông- một cách hết sức rực rỡ, hết sức tận cùng, không một phút giây e dè khiếp sợ.
Nói một cách khác, giữa cộng sản, Vũ Hoàng Chương vẫn sống tự do và đường hoàng như không có cộng sản. Như không có lá cờ đã đỏ chói ngoài phường Cây Bàng. Như không có cái lưới an ninh đã dầy đặc khắp vùng Khánh Hội. Như miền Nam chưa mất. Như vẫn là như trước. Chân lý Vũ Hoàng Chương, riêng ông đạt tới chân lý tuyệt diệu này, tóm gọn ở một chữ “không”. Đối phó với cộng sản bằng không đối phó, không đối phó gì hết. Chấp nhận cộng sản bằng không chấp nhận gì hết. Đất trời thảng thốt lật xấp đi như vậy, đêm biến thành ngày, ngày biến thành đêm như vậy, nguyệt thực nhật thực, địa chấn, hồng thủy bàng hoàng là vậy, mà quạt nan trong tay, áo nâu màu Phật, cốt cách trích tiên, thần thái phiêu hốt, đệ nhất đương thời thi sĩ vẫn ung dung đi tới những ngày tháng còn lại của mình. Với toàn vẹn Vũ Hoàng Chương là Vũ Hoàng Chương. Với tận cùng Vũ Hoàng Chương là Vũ Hoàng Chương hơn bao giờ hết.
Thêm thương tiếc và căn giận cộng sản đã hủy diệt của văn chương ta một trí tuệ như Thanh Tâm Tuyền biết bao nhiêu. Bọn chúng tôi, Thanh Tâm Tuyền trẻ nhất mà có một tầm nhận thức rất viễn kiến, rất xa rộng Ai cũng thấy những điều hắn thấy. Nhưng thường là hắn thấy trước nhất, sớm nhất. Nhớ năm đó là 1974. trước cảnh cùng quẫn của thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Phan Lạc Phúc, Thanh Nam, Hoài Bắc và tôi cùng đứng ra tổ chức một Đêm Thơ Vũ Hoàng Chương, mời bạn bè yêu thơ tới dự, lấy tiền giúp gia đình thi sĩ. Mục đích chỉ là vậy. Nếu không có Thanh Tâm Tuyền: “Thi ca Tây phương có truyền thống mỗi năm, mỗi thời, tôn vinh một nhà thơ lớn nhất, tại sao chúng ta không nhân đêm thơ, tôn vinh trước thi ca và người đời nhà thơ lớn nhất của chúng ta. Một thứ vua thơ. Và không ai xứng đáng hơn Vũ Hoàng Chương sự tôn vinh ấy.” Thế là với bài nói chuyện mở đầu của Thanh Tâm Tuyền, trình bày ý nghĩa tôn vinh một người của nghệ thuật, đêm thơ đó đã là đêm tôn vinh Vũ Hoàng Chương.
Kích thước cao ngất của Vũ Hoàng Chương mà Thanh Tâm Tuyền đã nhìn thấy rất sớm, tôi tiếp nhận được những minh chứng sáng rỡ suốt thời gian mấy tháng cuối cùng ở gần thi sĩ. Cộng sản tới Sài Gòn, mọi người viết miền Nam đều ngừng viết. Kinh nghiệm sống rất giàu có với cộng sản của nhà văn miền Nam từ 1945 cho biết người viết miền Nam ý thức và tự trọng chỉ có hai thái độ: hoặc đối kháng, hoặc im lặng. Duy Vũ Hoàng Chương không im lặng. Bằng không im lặng rất hơn người, rất thi bá của ông đã nói, sống giữa cộng sản mà ông coi như không hề có cộng sản. Đã nói, giữa đại nạn, trước nguy cơ, ông phiêu hốt an nhiên, không thèm bận tâm, không thèm đối phó. Trời đêm cộng sản, mây đen phủ trùm mà ánh sáng của Bắc Đẩu vẫn sáng, sáng buổi sáng bị bắt, sáng bốn tháng trong ngục, sáng tới lúc từ trần.
Trên suốt giải đất từ Nam Quan đến Cà Mau, thơ đích thực là thơ đã bị giết chết. Mà trên sàn Gác Bút hiu quạnh, thơ đích thực là thơ vẫn phun châu nhả ngọc, lại như tới lúc đó, cõi thơ tuyệt luân ấy, trời thơ lồng lộng ấy mới viên mãn, mới tràn đầy.
Chúng tôi ở lại, đem cái con người xã hội của mình ra đối phó với chế độ. Trước bạo lực man rợ, tri thức kiếm tìm phương thức đối phó, bắt buộc phải đặt nó trên cùng một bình diện với bạo lực man rợ. Đương nhiên vậy. Không thể khác. Thái độ này đúng, nhưng Tây phương. Và bi đát, bi thảm khôn tả. Bởi tri thức cuối cùng vẫn bị bạo lực man rợ nghiền nát. Vũ Hoàng Chương không thế. Ông “muôn đời” hơn chúng tôi, Đông phương hơn chúng tôi, “thơ” và “thi sĩ” (vẫn hiểu theo tinh thần Đông phương muôn đời) vẫn hơn chúng tôi. Nên thể hiện được trước định mệnh chân lý đơn giản mà kỳ ảo này: bản ngã đạt tới đại thành là một bản ngã bất khả xâm phạm, bất khả hủy diệt. Một bản ngã cõi biếc. Không gợn, không bợn. Thành ra giữ cộng sản, chúng tôi kéo lết cái cái ý thức bi thảm quằn quại, rất nặng nề, bên cạnh một Vũ Hoàng Chương hết sức khinh thanh.
Những ngày tháng cuối cùng của thi sĩ óng ánh như vậy, tinh khiết như vậy. Rất thơ, như vậy. Đôi khi ông xuống đời thăm bạn. Xuống. Và hàng tuần tôi tới ông, từ dưới một mặt đất xã hội mà đi lên với Gác Bút đã cởi giải mọi oan khiên hệ lụy với đời.
Bấy giờ là khoảng tháng 7, tháng 8, 1975. Thời kỳ yên ổn vẫn còn, nhưng các nhà văn nhà thơ quân đội như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Văn Quang, Phan Nhật Nam, đã bị gọi đi trình diện học tập, và thời gian một tháng đã qua mà không thấy họ trở về. Thêm một lần nữa, chân tướng sảo trá của Đệ Tam hiện rõ trong một lừa dối bất cố liêm sỉ. Phòng trưng bày tội ác mở cửa. Và nhà văn miền Nam là tội ác. Những loạt bài đả kích dữ dội mở màn. Và trên mỗi đầu mỗi cổ người viết miền Nam, khởi sự một chồng chất những tội trạng tầy đình. Trong cái không khí không thể thở không thể sống như vậy, tôi sang Vũ Hoàng Chương, lần tới Gác Bút nào cũng mang ý định bàn với tri kỷ một cách thức đối phó. Lần nào, nhìn tôi lên ông cũng cười:
– Mấy ngày rày không thấy mày sang. Đang tính bảo vợ Đinh Hùng đi hỏi. Tưởng bị bắt rồi chứ?
– Chưa nhưng rồi sẽ. Không thể không được.
Ông điềm đạm:
– Tao cũng nghĩ như vậy.
Tôi đọc những người có tên trong bản danh sách được gọi là danh sách Hoàng Trinh cho ông nghe. Hoàng Trinh là thông gia với Trường Chinh. Y vào Nam sớm nhất và được Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Ủy cho toàn quyền xử lý vụ “Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam”. Sau này thêm bớt con số người bị bắt, có nhiều danh sách khác. Như danh sách 21, danh sách 44. Nhưng danh sách Hoàng Trinh, 16 người được lập ra sớm nhất và tôi được biết ngay nhờ sự tiết lộ của một cán bộ đảng quen biết ngày trước, hắn đi theo Hoàng Trinh lên Đà Lạt, và được cho xem bản án tử hình này. Ông nghe rồi hỏi:
– Vậy là có hết tên chúng mày mà không có tên tao.
– Ít nhất cũng phải vậy.
– Mày nói thế là thế nào?
Tôi nói thế qua ý nghĩ về ông như một trường hợp riêng biệt. Từ một địa vị văn học văn chương riêng biệt. Và chính vì cái lợi của chúng, cho chúng, mà riêng ông, cộng sản phải để ông yên. Đúng vậy. Cộng sản đặt ông vào trường hợp đặc biệt thật. Duy sự đặc biệt ấy khi xảy ra, ngược hẳn với điều tôi nghĩ. Ông nhìn tôi rồi trầm ngâm:
– Tao cũng không biết thế nào.
Đó là phút trầm ngâm duy nhất với tôi, của Vũ Hoàng Chương về cộng sản, về số phận. Tôi nhớ không lầm. Phải, chỉ có một phút trầm ngâm một lần duy nhất ấy. Rồi Gác Bút được trả ngay cho nó, cho Thơ. Nhưng không ai nói ra mà Vũ Hoàng Chương thừa biết những ngày tháng cuối cùng của ông chẳng còn bao lâu nữa. Bởi vậy mà ông đã dành hết thời gian còn lại đó cho thơ ông.
Phải, cho thơ, phơi phới cho thơ, đêm ngày cho thơ. Thơ người, thơ mình. Khoảng 60 bài thơ cuối cùng được làm trên Gác Bút mà cộng sản đã lấy đi buổi sáng đến bắt ông, tôi hy vọng anh Bàng Bá Lân còn giữ được một số. Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Từ Mẫn một số khác, nếu đúng như chị Vũ Hoàng Chương đã nói với tôi như vậy. Về 60 bài thơ ấy, tôi chỉ còn nhớ được cái không khí, cái thần thái rất phiêu hốt, rất Lý Bạch. Thời gian này, giảng cho tôi cái hay của Đường Thi qua một số hạt ngọc của thơ Đường, thi sĩ cũng nói đến Lý Bạch nhiều nhất. Một lần, ông đọc lại tất cả những bài thơ về Lầu Hoàng Hạc cho tôi nghe rồi nói:
– Bài của tên Thôi Hiệu vẫn hay nhất. Bài Nguyễn Du lần đi sứ qua Hoàng Hạc cũng được lắm. Tên Lý Bạch cũng vịnh một ngôi lầu, không phải Hoàng Hạc thì bài nó lại tồi. Kết mà bằng cái ý lầu xưa còn đây người xưa đâu tá là cái ý sáo và yếu. Chẳng hiểu sao nó không có bài cho Hoàng Hạc. Đã thế tao làm thay cho thằng Lý Bạch.
Và ông cười, đọc bài Hoàng Hạc Lâu của Lý Bạch đời Đường do Vũ Hoàng Chương nước Việt và đời sau làm thay cho. Thằng Lý Bạch. Tên Đỗ Phủ. Thằng Thôi Hiệu. Ở một người khác đó là cách nói ngạo sược, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy sự ngạo sược ấy ở Vũ Hoàng Chương. Thơ ông, lúc cuối đời, đã bay vào muôn đời. Có như là nói tới Lý Bạch, tới Đỗ Phủ nghìn cũ, Vũ Hoàng Chương không ngược đường trở lại với một không gian thơ và một thời gian thơ xa thẳm, mà chỉ như ông đang cùng ngồi một chiếu cỏ, đi cùng một con đường dương liễu, đang cùng sánh vai giữa một vùng non xanh nước biếc nào đó với họ Đỗ, họ Lý mà thôi. Đó là thơ, thơ trong hằng cửu. Đó là cái chiều thứ ba, thơ Vũ Hoàng Chương đã từng bao lần nói tới.
Thêm một chút về Lý Bạch. Một buổi chiều, ông nằm thiếp trên sàn Gác Bút, mãi mới gượng ngồi dậy được.
– Tao vừa ở nhà Mộng Tuyết về. Mệt quá.
– Còn tới đó làm gì cho mệt?
– Nể quá. Đào Duy Anh vừa vào. Ở nhà Mộng Tuyết, nói rất muốn gặp tao và muốn có một tập Rừng Phong đem về Hà Nội. Tao mang lên cho. May quá, còn đúng một tập. Thấy tao, Đào Duy Anh mừng lắm. Hắn cũng già quá rồi. Bây giờ ngồi một chỗ soạn tự điển thôi. Mày biết hắn nói với tao gì không? Tôi vào Nam chỉ để gặp anh. Thơ trước sau tôi vẫn chỉ yêu nhất có hai người. Là anh và Lý Bạch.
Tôi chép miệng, hồi tưởng lại một Đào Duy Anh trắng hồng, mạnh mẽ ngồi trước mặt ở hội nghị văn nghệ Lam Sơn, Cầu Bố ngày nào.
– Thế thì làm sao sống được bấy nhiêu năm ở Hà Nội?
– Phải sống. Làm thế nào. Trương Tửu bây giờ còn phải ngồi sao tẩm thuốc Bắc, xem tướng tay trên một vỉa hè Bạch Mai thì Đào Duy Anh được họ cho ngồi yên với vài trang tự điển còn là may lắm.
Tháng 9, tháng 10, 1975. Đã nửa năm từ những buổi chiều tím thẫm hoang mang của Sài Gòn, thi sĩ từ một đầu hiên Tý Ngọ nhìn thấy câu thơ tuyệt diệu “trời ơi, giọt biển chứa dư tang điền” của mình hiện hình thành cái giọt biển đích thực long lanh trên dòng nhân thế tan tác đổ qua chân tường Gác Mây. Đã năm tháng trên Gác Bút không hề gác bút. Và thơ sống những ngày tháng của thơ giữa một đất Hoa Lư đã túng quẫn đến cùng cực. Cái quán cà phê Đêm Trắng của cháu Đinh Hoài Ngọc ở đầu ngõ đã phải dẹp vì không có khách tới. Ngọc xoay sang nghề sửa xe đạp. Thằng cháu, trưởng thành hẳn trước đời sống cộng sản, can đảm gánh vác trách nhiệm trong nhà như một người đàn ông lớn; chị Đinh Hùng, da bọc xương, đen thui vì mưa nắng dầu dãi, hàng ngày ngồi ngoài chợ Khánh Hội, mua đi bán lại vài cái quần áo cũ. Đôi lúc mất tinh thần, chị bảo tôi, tươi cười một cách ghê rợn: “Vẫn có một liều đấy. Và một con gà mái béo dưới bếp. Chẳng cần gì nữa. Chán thì nấu một nồi cháo, sẽ mời anh sang ăn cùng, nếu anh cũng chán. Rồi cả nhà ta về quê.” Liều đây là một gói nhân ngôn. Lặng lẽ ở một góc tường Gác Bút, chị Vũ Hoàng Chương cặm cụi ngồi dán những tờ giấy cũ thanh bao gói hàng. Dán cả ngày được chừng 300 bao, giao cho Tầu Chợ Lớn được một đồng tiền mới.
Đương nhiên trong hoàn cảnh này, Vũ Hoàng Chương không muốn bỏ cũng phải bỏ thuốc phiện. Cũng khổ sở ít ngày rồi ông qua được. Đó là sung sướng thứ hai của Vũ Hoàng Chương, sau sung sướng thơ. Ra thoát được trói buộc một đời tưởng chẳng bao giờ thoát, thi sĩ trẻ trung, nhẹ nhõm hẳn trong thanh bạch trong suốt, và ngọn đèn dầu lạc đôi khi được thắp không lên, chỉ để ấm áp một mặt chiếu. Và hơi lửa là để khô mau những nét chữ rồng bay phượng múa còn ướt mực hơ nghiêng dưới ánh đèn.
Dưới ánh đèn ấy, một tối ông lục trong chồng sách rồi liệng cho tôi một tập Nhị Thập Bát Tú.
– Hôm đó, anh em cùng ký tên vào trang đầu sách ghi lại buổi họp mặt. Bằng ấy thằng có tên ký đã đi xa chỉ còn mày. Mày không chỉ ký thôi còn viết thêm câu đó. Mà sao lại câu đó?
Tôi mở tập Nhị Thập Bát Tú. Chữ ký Thanh Nam, Phan Lạc Phúc. Chữ ký Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền. Nhớ rồi. Lần đó còn ở Gác Mây. Một vài ngày gì đó sau Đêm Thơ Vũ Hoàng Chương. Bọn chúng tôi họp mặt với thi sĩ, lúc ngà ngà hơi rượu, đã cùng ký tên mình vào một bản Nhị Thập Bát Tú. Lượt tôi, vui tay tôi viết thêm một câu thơ của Vũ hiện đến trước nhất với trí nhớ lúc đó. Câu thơ đó là: “Xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?”
Câu thơ của bạn câu thơ ngờ vực kiếp người, ghi xuống một tập thơ của bạn, tập thơ kết đúc một ngôn ngữ thơ trác tuyệt với Nguyễn Du, bác học với Nguyễn Gia Thiều, và tới Vũ Hoàng Chương và Nhị Thập Bát Tú, rồng bay phượng múa từng khuôn 28 chữ toàn bích, đẩy trí nhớ tôi đêm đó ở Gác Bút, trở lại với từng thời điểm đời sống nhân thế của thi sĩ.
Thời điểm tới, trôi qua, rồi chìm khuất vào quá khứ. Nhưng thời điểm nào mang tên Vũ Hoàng Chương cũng là một trọng điểm của thi ca Việt Nam suốt ba mươi năm trời. Khởi đầu là tính chất đại diện. Thi sĩ, giữa chúng tôi là một đại diện. Từ Đinh Hùng mất đi, vị thế đại diện ấy rõ rệt và duy nhất. Ông là người đại diện cuối cùng của dòng thơ tiền chiến. Dòng đại lưu ấy của thơ bị ngăn chặn lại bởi biến động 45, xuôi chảy yếu ớt đứt khúc với toàn dân kháng chiến, bị cộng sản hủy diệt dần dần cho tới chết hẳn, duy Vũ Hoàng Chuơng là người mang được nó chảy xiết vào thi ca miền Nam, khi hai miền đất nước tổ quốc đã chia lìa, miền Bắc không còn thơ nữa.
Dòng tiền chiến còn những đại diện khác của nó. Như Quách Tấn, Bàng Bá Lân. Khi Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư đã bị Đảng bức bách khai tử con người thi sĩ ở họ, họ thần phục và hết là thi sĩ, thi sĩ là giống nòi không chịu biết thế nào là ý nghĩa hai chữ thần phục. Nhưng ở cái bóng mờ Bàng Bá Lân, tính chất đại diện cũng bóng mờ. Quách Tấn cũng vậy. Quách Tấn cuối đời cũng chỉ là một chống chọi tuyệt vọng và bất thành trước đào thải đã là. Ngày một thăng hoa khiến vị thế đại diện tồn tại nguyên vẹn trước đào thải nhiều mặt, khiến ông vừa là người khai sáng vừa là người chuyển tiếp, khiến ông là một gia tài thơ cho cả một thế hệ thơ sau được kế thừa, chỉ có Vũ Hoàng Chương trong thơ chúng ta. Chỉ có Vũ Hoàng Chương mà thôi. Có nhìn Vũ Hoàng Chương trên trình tự thời gian khá dài của thơ, có đặt ông vào cuộc vận động cực kỳ lớn lao của thơ Việt từ 50 năm trở lại đây, mới nhận thức được trên mọi chiều hướng kích thước của nó, cái tài thơ phi thường ấy, nhà thơ vĩ đại của thơ Việt chúng ta. Tôn vinh ông là đệ nhất đương thời thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ lớn nhất của một dòng thơ khác, đã không đi theo một xô đẩy tình cảm nào. Chỉ là Thanh Tâm Tuyền nhìn nổi ông, bằng một cái nhìn lớn.
Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá.
Bởi vậy mà với một chế độ tử thù với thơ, sau ngày 30 tháng 4-1975, Vũ Hoàng Chương phải bị giết chết. Ngày bắt ông, 13 tháng 4-76. Ngày ông mất 19 tháng 8 cùng năm. Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất.
Trở lại với Gác Bút và câu thơ “Xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?”, tôi nói:
– Trí nhớ tao lúc đó bắt gặp câu thơ ấy, vậy thôi.
Ông không chịu:
– Tại sao trí nhớ mày không gặp một câu khác?
Vui thú ông ngồi xổm lên, như một đứa trẻ vui thú:
– Bây giờ, bây giờ. Mày xem, lạ thật chứ, kiếp người đó ư?
Ông mở lại tập Nhị Thập Bát Tú, chỉ xuống chỗ ghi ngày tháng buổi họp mặt ở Gác Mây:
– Lúc đó chưa sao, đã có gì đâu. Chưa mất Buôn Mê Thuột nữa. Hay lúc đó trí óc mày đã linh cảm thấy cái sắp xảy ra, cuộc bể dâu này, mà chính mày không ngờ tới?
Tôi cười, lắc đầu, nhận lấy cho mình sự tình cờ thôi và trả về cho ông cái hiệu năng cách cảm tuyệt diệu với vị lai nhân thế, hiệu năng này là một hiệu năng thi sĩ, như ta đã thấy trên cái bình diện tri thức nhìn suốt tám cõi, thấy suốt nghìn đời của thiên tài Nguyễn Du ngày trước. Đêm đó Gác Bút khá vui. Ông nhắc lại cùng tôi một số câu thơ có tính chất tiên tri của Đoạn Trường Tân Thanh. Rồi nhìn bữa nhậu thanh đạm chị Chương, chị Hùng đã tôi đã hết, ông moi ở dưới chiếu lên một tờ giấy mười đồng mới, sai cháu Ngọc đi mua thêm rượu cho tôi uống. Cả Gác Bút cùng tròn mắt kinh ngạc trước Vũ Hoàng Chương có tiền. Ông cười:
– Hôm qua, hai thầy Từ Mẫn và Thích Đức Nhuận tới đây. Ở trọn buổi, lúc về đưa tặng tao mười đồng. Tiền bạn bè cho tao nhận được hoài. Nhưng nhà chùa tặng, lần đầu tiên có. Có lẽ hai thầy cũng tiên tri, biết phải đưa tiền cho tao để hôm sau mua rượu cho mày.
Có thêm rượu, tôi ở lại thêm, hưởng thêm một lần nữa, cái thú ngất ngưởng ngồi xếp chân vòng tròn, đối diện với bạn, lấy được cái phong cách coi đời như không của bạn, an nhiên trước mọi chuyện và thây kệ ngày mai. Kéo dài câu chuyện những lời thơ tiên tri như “Xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?” Tôi kể cho ông nghe về một Hoàng Hải Thủy mới. Từ sau ngày 30 tháng 4, Thủy đóng cửa nằm nhà và tìm được một nguồn vui mới: làm thơ. Thủy dịch thơ Mỹ thành thơ Việt, dịch thơ Thủy sang Anh ngữ, chép thành một tập nắn nót, mỗi lần tôi đến mang ra đọc, cười cười như có ý nói: với thơ, tao là một thằng ngoại đạo nhưng tao thích và thơ tao đây này, hay dở bất cần. Mỗi bài thơ, Thủy đề tặng một người bạn. Thơ Thủy, tinh thần và khí thơ Nguyễn Bính, rất minh bạch. Làm thơ về nhạc Hoài Bắc, tặng Hoài Bắc, về tiếng hát Thái Thanh, tặng Thái Thanh, về đới sống lang thang của Lê Trọng Nguyễn, tặng Lê Trọng Nguyễn. Vui lắm. Coi như mỗi bài thơ là một bức chân dung, vẽ xong tặng ngay cho người mẫu. Duy hôm đọc cho tôi nghe bài tặng Vũ Hoàng Chương, Thủy cười trước khi đọc:
– Cái này tao láo đây. Thơ tao để tặng bạn thôi thì được. Dám tặng cả bậc thầy là xấc. Nhưng bài thơ có từ một dòng kính trọng. Nói đến lòng kính trọng ấy. Bây giờ tao mới thấy phục Vũ Hoàng Chương vô tả. Thấy thơ ông ta tiên tri không?
Tôi hiểu Hoàng Hải Thủy muốn nói gì. Bấy giờ cuộc di tản hơn trăm ngàn người Sài Gòn ra Đệ Thất Hạm Đội vừa qua.
Câu chuyện hàng ngày của những người ở quê hương là những người đang lênh đênh trên mặt biển. Về những đắm ngọc chìm châu đã diễn ra ngoài biển Đông nghìn trùng. Về con tầu Thương Tín, đến không đến, về chưa về, lắt lay số phận. Mặt khác, hàng triệu người Sài Gòn bắt đầu bị báo chí và cán bộ cộng sản từ Bắc vào chửi rủa là đầu cơ chiến tranh, ôm chân thằng địch. Chịu trận, hàng ngàn người Sài Gòn, những lúc trà dư tửu hậu với nhau, đều đọc hai đoạn thơ này của Vũ Hoàng Chương:
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nói khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyển ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.
Một lần Thanh Tâm Tuyền đã nói với tôi về một hiện tượng ngôn ngữ đặc biệt thường thấy và chỉ có ở những tài thơ lớn, qua một số câu thơ bất chợt có được một số mệnh đặc biệt khi trở thành, từ một lúc nào không hay biết, ngôn ngữ thường dùng của quảng đại, như lời nói thường, trong đời sống hàng ngày. Những người chưa từng biết đến thơ, trọn đời chẳng hiểu thế nào là thơ, bỗng sống thơ, nói thơ, bởi tâm trạng đám đông một thời đã được nói hết trong một câu thơ và quảng đại đã hồn nhiên xử dụng câu thơ ấy như lời nói thường ngày mà không hề biết rằng lời nói thường ấy chính là một lời thơ, của một thi sĩ. Nhà thơ lớn không chỉ bất hủ với văn học, mà còn bất hủ với đồng loại, với cùng thời, với cái cao quý nhất của đời sống là đời sống hàng ngày là vậy. Dân gian đã nói thường với nhau, chứ không phải đã đọc thơ, như thế, hàng trăm câu thơ Nguyễn Du.
Từ cộng sản chiếm được miền Nam, hơn ba triệu người Sài Gòn đều “nói” Vũ Hoàng Chương. Thấy nhau là “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa.” Gặp nhau là “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ…” Thật cảm động và cũng thật tức cười. Và đó cũng là một lý do nữa trong những lý do gây tai họa sắp tới cho thi sĩ.
Sau đêm ở lại Gác Bút tới sát giờ giới nghiêm mới về và được thi sĩ đãi một bữa rượu bằng tiền của Thượng Tọa Thích Đức Nhuận mà tôi không ngờ là bữa rượu cuối cùng của mình ở đất Hoa Lư, bẵng đi hai tuần, tôi không sang phường Cây Bàng. Thời gian này, ngày bầu cử Quốc Hội Thống Nhất mà Hà Nội thực hiện trong mục đích xóa bỏ hoàn toàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sắp tới. Trong chiều hướng hạ nhục, không cho văn nghệ sĩ miền Nam có tội đi bầu và như vậy mặc nhiên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, một chiến dịch đả kích thô bạo và cực kỳ dữ dội lại bùng nổ trên báo chí, đài phát thanh cộng sản. Lần này là nhất tề khai pháo. Là đồng loạt tấn công. Từ tờ Cộng Sản, tờ Học Tập, tờ Văn Nghệ, tờ Giai Phẩm Mới tới các tờ Giải Phóng hàng tuần và hàng ngày ở Sài Gòn. Kết tội. Lên án. Đòi trừng phạt. Nhằm vào các “nhà văn chống cộng” của miền Nam, nặng nề nhất là nhóm Sáng Tạo. Từ cơ quan được gọi là Bảo Vệ Văn Hóa đặt tại một căn nhà số chẵn đường Hai Bà Trưng, nơi bọn Vũ Hạnh, Sơn Nam hàng ngày thì thọt lui tới, với những bản báo cáo mật (thực ra cơ quan này là một bộ phận của An Ninh Thành Ủy Đảng, đặc trách về văn nghệ “ngụy”), bản danh sách 44 người sẽ bị bắt đã được hoàn tất, mỗi nhà văn miền Nam có tên trong sổ đen đã mỗi người có một hồ sơ tội trạng riêng.
Tôi được thấy một phần hồ sơ tôi. Bởi nữ ca sĩ Mỹ Hòa. Hòa bây giờ ở Pháp, lúc đó có nhà riêng ở Thị Nghè, trước rạp Cao Đồng Hưng và giao du rất thân thiết với Hoài Bắc. Một tối Hòa mời tôi và Hoài Bắc sang nhà ăn cơm. Rồi nói với tôi:
– Từ nay anh đừng ở mãi một địa chỉ nữa. Mà phải có ba bốn địa chỉ khác mới được. Một thằng an ninh đuơng chạy theo bọn em, em nói khéo, nó cho xem hồ sơ. Anh Hoài Bắc không sao. Chúng định bắt rồi thôi. Tên anh thì chắc có rồi. Tội một chồng đầy. Chỗ nào tội nặng đều có khoanh bút chì đỏ. Anh phải sống lưu động đi mới được. Đừng chịu trận một chỗ cho chúng đến bắt làm chi.
Tôi không nói gì. Cũng chẳng nghĩ gì, chẳng tính được gì trước tự do của mình chỉ còn đếm từng giờ, từng phút. Lòng như đã chết, từ Thanh Tâm Tuyền, từ Phan Lạc Phúc, từ Tô Thùy Yên lưu đầy xa. Chúng ta trồng tình bằng hữu khít liền. Thơ Thanh Tâm Tuyền đó. Tình bằng hữu một đời của bọn chúng tôi trồng thành một cánh rừng xanh ngắt. Cánh rừng ấy đã bốc cháy, bị đốn gẫy, từng gốc một. Những bạn bè khác đã đi xa, đã ở bên kia chân trời, bên kia trái đất. Các anh Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế cũng đã có tên trong bản án tử hình. Trước sau cũng như nhau. Cũng bị bắt. Chẳng có vấn đề gì nữa. Riêng còn Vũ Hoàng Chương. Tôi vẫn còn nuôi ý nghĩ và hy vọng là riêng ông, riêng địa vị văn học đặc biệt của ông, cộng sản sẽ để ông yên. Trên ý nghĩ đó, tôi trở lại phường Cây Bàng buổi tối hôm sau. Có như biết mình lâm nguy rồi, mà không đến từ biệt bạn ở lại, ở tôi có điều gì không phải vậy.
Đó là lần gặp mặt cuối cùng với Vũ Hoàng Chương. Không bao giờ tôi còn được gặp ông nữa.
Nhớ hôm đó trời khô ráo, nhưng phố xá tối thẳm, tôi phải dắt xe đi bộ vào Gác Bút từ ngoài đường lớn. Đêm cộng sản hàn băng trong tâm hồn người. Thê lương trên khắp một vùng Khánh Hội. Gác Bút le lói ánh đèn cuối cùng đáy một con ngõ biệt khuất khúc và tối thui. Tôi để tựa cái xe đạp vào một bên tủ thờ Đinh Hùng, đi theo chị Vũ Hoàng Chương trên cái cầu thang nhỏ hẹp. Mọi người chừng như đã sửa soạn đi ngủ. Riêng thi sĩ còn thức, đang ngồi xổm trước một ấm đồng nhỏ xíu. Thấy tôi ông mừng rỡ:
– Hay lắm tưởng cái ấm trà này, tao phải uống một mình chứ. Ngồi xuống đây. Cả tuần nay mày đi đâu? Vừa bảo với Kiều Oanh, mai không thấy mày sang, sẽ sang mày, nhân tiện tới thăm Hỷ Khương một chút.
Tôi cười, lòng đang nặng chĩu, bất chợt mọi buồn bã tiêu tan, như lần nào cũng vậy, từ ngoài nhân thế ưu phiền tới Gác Mây, Gác Bút, ngồi xuống, xếp chân vòng tròn, đối diện với tri kỷ, đối diện với Vũ Hoàng Chương. Ông pha xong khay trà, đẩy tới:
– Thứ trà này gọi là Kỳ Chưởng. Chỉ có một tiệm Tàu trong đường Khổng Tử Chợ Lớn có mà thôi. Đắt quá. Những ngàn rưởi một lạng. Gấp bốn lần trà thường. Thành ra hết lại phải lặn lội vào trong ấy mua, đi về mất cả buổi, và lần nào cũng chỉ dám mua một lạng.
Kỷ Chưởng thật đắng. Ngẫm nghĩ mãi mới thấy vị ngọt ngào nổi dần trong đầu lưỡi. Rất hợp với sở thích về trà của Vũ Hoàng Chương.
Ông nheo mắt nhìn tôi nhấp nhấp Kỳ Chưởng nóng bỏng. Rồi lại nhắc đến Nguyễn Tuân:
– Thằng Tuân ngày trước đi cô đầu đòi bằng được Thiết Quan Âm. Thiết Quan Âm cũng ngon ở cái đắng. Nhưng không sánh bằng Kỳ Chưởng.
Tôi im lặng uống trà, tròng mắt, theo thói quen có từ trí nhớ đã suy yếu, cố gắng ghi nhận trong một lần chót cảnh tượng một nơi chốn thân thiết lưu luyến lát nữa rời bỏ, không hy vọng có ngày trở lại. Gác Bút đây. Đất linh Hoa Lư đây. Chỗ ở cuối đời của thiên tài đây. Người xưa tiễn nhau nơi chân cầu có liễu rủ in hình trong bóng nước, bẻ gẫy một nhành liễu từ tạ đưa tay người lên đường. Và thơ Vũ Hoàng Chương: “Ai về đất cũ giùm ta nhắn, rằng kẻ vào Ngô nhớ Lạc Dương.” Gió đêm từ ngoài phường Cây Bàng thổi vào Gác Bút đêm đó niềm u uất quan ải, đúng vô tả giữa thế giới cộng sản hiu hắt, và tôi, trấn áp mọi xúc động từ biệt, uống thêm một tách Kỳ Chưởng nữa trong cái tinh thần Lạc Dương ngậm ngùi. Trước mắt tôi, bên kia ngọn đèn, Vũ Hoàng Chương ngồi lùi lại, tựa lưng vào tấm chăn bông cuộn tròn.
Biết mình sắp bị bắt, có thể đã bị theo dõi, tôi nghĩ không nên ngồi lâu nữa. An ninh cộng sản có cái kiểu bắt được một người ở đâu, bắt luôn chủ nhà theo. Tôi lục tìm trong đám sách vở, bản thảo để bừa bãi trên mặt chiếu, lấy ra tập Nhị Thập Bát Tú có câu thơ “Xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?” viết thêm vào đó một câu nữa. Rồi ký tên và đề ngày tháng. Hôm đó là ngày 28 tháng 3 năm 1976.
Thi sĩ cười:
– Mày viết thêm gì đó?
Tôi lẳng lặng liệng tập Nhị Thập Bát Tú qua ngọn đèn. Ông đón lấy, dùng kính hiển vi, soi sát trang sách rồi ngạc nhiên:
– Không phải thơ tao.
Tôi gật:
– Không. Văn tao.
Câu tôi viết là “Cứ coi như từ biệt.”
Đoạn, trước chị Chương, chị Hùng, cháu Ngọc tới ngồi chung quanh, tôi nói rõ lý do tại sao tới Gác Bút đêm nay là lần cuối cùng. Mọi người im lặng. Một lát cháu Ngọc nói:
– Nếu phải rời nhà, mời bác đến ở đây với bác cháu và mẹ con cháu.
Chị Đinh Hùng thở dài, hậm hực:
– Vậy là chúng nó không để ai yên nữa!
Rồi chị chửi thề bọn khốn nạn.
Riêng Vũ Hoàng Chương không nói với tôi một lời nào. Chỉ rất cẩn thận, pha thêm cho tôi một tách trà nữa. Lúc tôi đứng lên, đi tới đầu lối xuống cầu thang, ông mới gọi:
– Ở đâu, tìm cách cho tao biết.
Tôi gật, nhưng sau đó, không làm theo. Và thơ cuối đời của Vũ Hoàng Chương vì vậy mà có thêm một bài thơ năm chữ. Bài Cứ Coi Như Từ Biệt.
Buổi sáng ngày 13 tháng tư năm 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút.
Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Sau này tôi được biết là đến bắt các anh Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, vợ chồng Trần Dạ Từ và tôi, an ninh đỏ chỉ điều động một lực lượng từ 4 đến 6 đứa, trên một hoặc hai xe Jeep là cùng. Thường thường điều động thế này, như trường hợp đến vây bắt tôi: hai đứa đứng ở vỉa hè đối diện, bên kia đường, hai đứa đứng sát hai bên cửa ra vào, hai đứa vào. Bắt được người rồi, bốn đứa ở ngoài mới vào theo, cùng lục soát tịch thu tài liệu. Vây bắt công khai nhưng tránh gây náo động. Trường hợp Vũ Hoàng Chương khác hẳn. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: “Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại.”
Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi.
Suốt thời bọn Khuyển Ưng Khuyển Phệ tới làm tan hoang Gác Bút với sự hôi tanh kinh tởm toát ra từ con chó chết xã hội chủ nghĩa chúng mang theo (tôi dùng lại danh từ của Soljenitsyne), tâm thức phóng thoát rời đứt với thân thế ô trọc ở thi sĩ thể hiện một lần nữa. Lần cuối cùng. Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín.
Bọn quỷ dữ ở lại trên Gác Bút hơn hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: “Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?” Thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ ấy. Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa.
Khoảng 11 giờ sáng ngày 3-4-1976, một ngày sau Nguyễn Mạnh Côn, 5 giờ sau Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, An ninh Thành mang lệnh truy nã của Ủy Ban Quân Quản tới bắt tôi ở nhà riêng đường Phan Đình Phùng. Nhờ sự tình cờ vừa ra khỏi cửa lúc đó, tôi thoát lưới và đi luôn vào ẩn lánh.
Mọi liên lạc giữa tôi và thi sĩ đứt đoạn hẳn. Từ chỗ ẩn, ném những đường dây tìm hiểu tin tức ra ngoài đời sống, đặc biệt về số phận những nhà thơ, nhà văn miền Nam mà cuộc đàn áp văn nghệ đã làm chấn động dư luận dân chúng Sài Gòn, tôi vui mừng được biết Vũ Hoàng Chương vẫn còn ở phường Cây Bàng, không bị bắt. Chúng để ông yên thật sao? Như chưa bắt giáo sư Nguyễn Đăng Thục? Như còn để đó học giả Hồ Hữu Tường? Trong suy luận tôi, chúng “phải” để cho Vũ Hoàng Chương yên. Bởi cái địa vị đặc biệt của ông trong văn học, không phải từ 1954, mà từ xa trước, từ tiền chiến. Bởi bắt chúng tôi, để yên Vũ Hoàng Chương chúng sẽ thành công phần nào trong việc chia rẽ hàng ngũ văn nghệ sĩ miền Nam, như chúng đã để yên Lê Tràng Kiều, Đỗ Đức Thu, không bắt Vũ Bằng. Tôi lầm. Ở chính trong cái đúng của mình. Cùng thành danh thời tiền chiến nhưng kích thước Vũ Hoàng Chương trước “đánh giá” của cộng sản không cùng một kích thước với Lê Tràng Kiều, Đỗ Đức Thu và Vũ Bằng. Mà lớn lao hơn gấp bội. Do đó nguy hiểm hơn gấp bội. Không để cho thiên tài được sống. Đó là quy luật đỏ. Đại trí thức, đại thi sĩ phải dồn vào ngục tối. Đã như vậy ở Bắc Kinh, ở Mạc Tư Khoa. Để cho sáng ngời ngôi sao Bắc Đẩu trên vòi vọi nền trời thi ca hai miền, thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, sao còn là thơ được nữa? Vũ Hoàng Chương bị bắt chậm hơn chúng tôi ít ngày chỉ vì Đảng Ủy Miền, riêng trước ông không dám quyết định mà phải chờ Hà Nội.
Một đêm, trên đường rời một chỗ trú ẩm bị động đến một chỗ ẩn mới, tôi tạt vào nhà một người bạn, anh H. ở đường Cao Thắng. Như tôi, anh H. rất yêu thơ Vũ Hoàng Chương. Là một trong ít người, ngày 30-4-75 vẫn lui tới Gác Bút thăm hỏi thi sĩ những ngày nằm bệnh. thấy tôi H. ngạc nhiên và mừng rỡ. Và nói ngay với tôi về Vũ Hoàng Chương:
– Trời, anh đang ở đâu? Tôi vừa sang phường Cây Bàng, anh Chương đã biết anh bị truy nã, nhưng khônh biết anh nằm ẩn ở chỗ nào. Nhờ tôi cố gửi cho anh cái này đây.
H. lấy ở dưới chân cây đèn ra một tờ giấy gập nhỏ. Tôi mở ra đọc. Đó là một bài thơ năm chữ. Đề gửi M.T. Tựa đề của bài thơ là câu tôi đã viết vào tập Nhị Thập Bát Tú, lần cuối cùng trước khi bị truy nã tôi từ biệt thi sĩ ở Gác Bút: Cứ coi như từ biệt. Tôi đọc bài thơ. Xúc động. Mang theo nó về chỗ ẩn mới. Bây giờ chỉ còn nhớ được đoạn đầu và hai câu cuối bài:
Cứ coi như từ biệt
Liền tay thảo một chương
Bút vạch không thành nét
Chữ viết không thành hàng
Bây giờ trở về trước
Là mây trời dọc ngang
Từ nay là bóng tối
Chia hai từ dao vàng
Liền tay thảo một chương. Bài thơ được làm ngay đêm đó, đêm tôi rời Gác Bút. Tôi không chắc chắn. Nên chỉ viết: Cứ coi như. Nhưng ông tri thức về trước sau, về mất còn thâm sâu hơn tôi nghìn lần, ông đã biết. Biết tôi không thể nào còn trở lại Gác Bút. Biết chẳng thấy nhau nữa. Mãi mãi. Và còn biết, chính ông cũng chẳng còn sống thêm bao nhiêu nữa, trước kẻ thù.
Thi sĩ ngồi tựa vào thành ghế, hai mắt nhắm lại, nét mặt khép kín, xa vắng. Bọn quỷ dữ vội vã rút khỏi phường Cây Bàng, nơi chúng vừa gây nên tội ác lớn lao nhất đối với thi ca và văn học Việt Nam. Buổi trưa Khánh Hội sững sờ, chấn động. Bốn chiếc xe Jeep mở hết tốc lực trở về Sài Gòn, hướng về khám Chí Hòa. Đó là tất cả những hình ảnh cuối cùng người đời thấy được ngày 13 tháng 5 năm 1976, về thi sĩ Vũ Hoàng Chương, 61 tuổi, với cõi thơ trác tuyệt mở ra với nó một thời và đóng lại với nó một thời.
Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: “Tôi còn sống đây.” Rồi nói đùa: “Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ.” Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: “Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?” Ông trả lời: “Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết.” Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 tháng 9, 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm.
Mãi hơn hai tháng sau, một đêm mưa lớn, từ một chỗ ẩn mới bên quận Bình Thạnh vùng xa lộ Biên Hòa lặn lội trở lại khu Cao Thắng Bàn Cờ thăm H., cũng là để có tin tức về bạn từ bài thơ từ biệt, tôi mới được H. ngậm ngùi cho biết tin thi sĩ đã qua đời.
Đêm đó, con ngõ dẫn vào nhà H. ngập nước. Tôi bì bõm lên tới căn gác xép nơi họp mặt ngày trước của các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng và bọn nhà văn chúng tôi say rượu đêm đêm chán đời kéo nhau về đó tán chuyện trên trời dưới biển, thân thể tôi còn ướt đầm, chân tay lạnh cóng. Và nghe tin bạn mất, tôi không còn một phản ứng nào hết. Chỉ lẳng lặng ngồi xuống, hơ hai bàn tay lạnh lên ngọn đèn, nhìn đăm đăm những ngón tay ấm dần, hồng dần trên lửa. Một đêm cộng sản, tin dữ về thiên tài thơ, một tri kỷ được đón nhận như thế. Trong thờ ơ nhân thế, trong hiu quạnh cõi đời, trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng vô tận. Trên một sàn gác xép hiu quạnh.
Một lát thật lâu. Mưa ào ạt trên mái. Rồi H. hỏi:
– Anh không biết gì sao?
Tôi lắc đầu, nói nơi ẩn náu lần này xa khuất, ra ngoài gần như không được, tôi đứt hết mọi liên lạc, kể từ gặp H. lần trước.
Rất ít người biết. Chúng tôi cũng không biết. Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè. Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm. Thành ra đưa anh Chương tới nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có mấy người trong nhà đi sau linh cữu. Bọn Phường Khóm được lệnh còn cấm cả hàng xóm láng giềng phường Cây Bàng không cho tới chia buồn và phúng viếng. Nhà không còn một đồng một chữ, chị Chương cuống cuồng không biết xoay sở thế nào. May được Thầy Thích Đức Nhuận và Từ Mẫn tới, lo liệu mọi chuyện. Từ áo quan tới xin đất nghĩa trang.
– Anh Chương nằm ở đâu?
– Xa lắm. Một nghĩa trang làng mới có từ sau 30 tháng tư. Hết vùng Chí Hòa, Lê Văn Duyệt còn phải đi một quãng nữa. Năm mươi ngày của anh Chương cũng không được làm ở nhà, sợ Phường, Khóm gây khó dễ. Mà ở chùa Giác Minh.
– Có những ai tới?
– Chừng mươi mười lăm người, trong số đó có Nguyễn Hoạt, Bàng Bá Lân, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển. Mọi người đều yên lặng cả. Chỉ có Nguyễn Hiến Lê, trước lúc ra về, nắm lấy tay chị Chương, an ủi: “Chị đừng đau buồn nhiều. Anh mất thế là thoát. Bọn chúng tôi bây giờ sống cũng như chết, muốn được như anh mà không được.” Thế nhưng cái tang văn học này, Lê Tràng Kiều cho tôi hay ở ngoài nước nhiều nơi lại biết ngay. Như ở Đài Loan, Hội Văn Bút bên ấy đã tổ chức ngay một lễ truy điệu rất trọng thể. Buổi lễ có thuật lại sự nghiệp, tiểu sử và bình một số thơ dịch ra chữ Hán của thi hào Việt Nam vừa bị cộng sản sát hại. Đâu như ở Paris, một số kiều bào yêu thơ Vũ Hoàng Chương cũng đã làm một lễ tưởng niệm tương tự.
Đêm đó, tôi ra khỏi nhà H. trận mưa đã dứt, nhưng con ngõ còn ngập nước. Suốt dọc đường trở về chỗ ẩn, tôi cứ nghĩ mãi đến mấy câu thơ từ biệt của bạn:
Từ nay trở về trước
Là mây dọc ngang trời
Bây giờ là bóng tối
Chia đôi từ dao vàng.
Dao vàng. Tại sao dao vàng? Con dao vàng chặt đứt âm dương, đảo lộn trình tự thời gian, có phải lấy ý từ câu thơ “Tóc mây một món chiếc dao vàng” của Đoàn Phú Tứ? Hay từ một điển tích nào của thơ Tống thơ Đường? Tôi không chắc chắn được là thế nào. Người sử dụng đắc địa và thần sầu nhất cái kho tàng điển tích, sử dụng và không bao giờ nô lệ cho điển tích, chỉ có một người trong thi ca Việt Nam và người đó đã mất. Ngẫm câu triết liễu còn sa lệ. Cái giọt lệ nhỏ xuống cho bằng hữu, cho tri kỷ ấy, đêm ấy trên đường trở về chỗ ẩn, tôi đã muốn có cho tôi biết chừng nào. Trời thơ Việt Nam, từ chuyên chính đỏ, từ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên đã xa, từ Bùi Giáng đã khóc cười giữa chợ, ánh sáng của phong cách và biểu tượng của trí tuệ thu gọn vào một người. Mọi cõi thơ đáng gọi là những cõi thơ bậc thầy đã mất. Chỉ còn cõi thơ đất Hoa Lư. Mọi tiếng thơ đáng gọi là những tiếng thơ một thời đã chết. Chỉ còn tiếng thơ Gác Bút. Người anh cả của thi ca Việt Nam suốt nửa thế kỷ đó. Ngọn núi sừng sững cao ngất đó, cây cờ súy ngạo nghễ phất phới đó của trận tuyến văn học ta, khi trận tuyến đã vỡ, và tới hơi thở cuối cùng. Tri kỷ của tôi nữa. Lấy cái riêng mà đo, lấy cái chung mà lường, tính chất tiêu biểu, đại diện của Vũ Hoàng Chương cho thơ ta ở thi sĩ, trong những ngày tháng cuối cùng, giữa cộng sản, càng chói lọi hơn bao giờ hết. Ông mất đi, sự mất mát càng lớn là vì thế. Trong một tuyệt vọng ý thức hơn là một đau đớn thường tình, tôi trở về chỗ ẩn đêm đó dưới trời khuya. Trời mưa đã dứt. Nhìn lên, những vì sao lác đác. Nhưng trời thơ Việt Nam đêm đó tối thẳm. Chỉ còn lại một ngôi sao Bắc Đẩu và Bắc Đẩu cũng đã tắt.
Trước ngày vượt biển, tôi trở lại phường Cây Bàng hai lần. Lần đầu, tới sát Gác Bút chỉ còn mấy bước lại phải quay trở ra. Lần đó trong nhà đầy tiếng nói. Nghe qua ngôn ngữ chúng, đúng là bọn thanh niên phường khóm. Chúng đang chỉ dẫn cho cháu Ngọc khai báo gì đó. Lần sau, tôi chọn tới vào buổi trưa, khu xóm vắng vẻ hơn, và ngồi ở một quán cóc đầu ngõ cho người liên lạc chở xe gắn máy tới vào trước xem tình hình trong nhà thế nào. Năm phút sau, người liên lạc trở ra. Nói nhà không có ai, bà Vũ Hoàng Chương mời ông vào.
Đen xạm, gầy quắt trong bộ tang phục lem luốc, khăn trắng ngang đầu, chị Vũ Hoàng Chương đứng sau cánh cửa mở hé, gật đầu ra hiệu cho tôi vào. Cái tôi nhìn thấy đầu tiên là tấm hình phóng lớn của thi sĩ. Vũ Hoàng Chương rất thích chụp hình. Riêng nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh đã chụp hàng trăm tấm hình ông và tấm hình nào cũng được ông cất giữ rất cẩn thận. Nhưng tấm hình phóng lớn đặt sát Đinh Hùng trên cái bàn thờ nhỏ ở góc nhà là một tấm hình cũ, chụp đã rất lâu về trước, từ ở ngoài Hà Nội. Vũ Hoàng Chương trong hình cười tươi và rất trẻ. Y phục màu sáng, cực kỳ chải chuốt, tóc chải mượt, đường ngôi thẳng tắp. Tóm lại, đó là một tấm hình chụp từ trước Mây, trước Thơ Say, rất tiền chiến, rất Hoàng Lang.
Nhìn Hoài Điệp Thứ Lang ra đi từ trước với Hoàng Lang vừa lên đường cùng sánh vai nhau từ hằng cửu tươi cười nhìn về, niềm xúc động tràn ngập ở tôi phút đó, tôi nhớ là gửi cho chính tôi, kẻ sống sót trơ trọi một buổi trưa cộng sản về đứng lặng một mình trước di ảnh bạn.
Một lát. Rồi tiếng chị Chương sau lưng:
– Anh ấy đi thư thái và sạch sẽ. Cả nhà cùng khóc lóc một lúc rồi ai nấy đều thấy lòng yên tĩnh lại. Thay quần áo cho anh ấy, đưa xuống nhà dưới, anh ấy nhẹ nhõm như một đứa trẻ con. Chị nhắc lại, như điều này với chị rất quan trọng, khiến chị rất sung sướng và muốn tôi cùng thấy:
– Anh nhớ bài Nguyện Cầu không? Đêm nào ta trở về ngôi, hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian. Anh ấy muốn được về trong đêm thì đúng nửa đêm là về. Ước sao được vậy.
Nửa đêm. Bắc Đẩu rụng. Giờ hoa quỳnh nở, Vân Muội hiện. Giờ “đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối”. Giờ “nhạc thấp cung Hồ mộng phớt lam”. Nhắc đến giờ lên đường của thi sĩ giữa nửa đêm tinh khiết trong suốt, giờ mở vào đời sống sâu thẳm của sự vật thức tỉnh giữa thế giới sinh vật ngủ thiếp, chị Vũ Hoàng Chương đã nhắc luôn cho tôi nhớ tới hàng trăm câu thơ tuyệt tác, diễm lệ của Hoa Đăng, của Mây, của Rừng Phong, về Đêm, cái phần ngày của “Bắc Đẩu ngang trời bạch lạp”, của “chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi”, ở đó hành trang thơ của Vũ Hoàng Chương, và duy chỉ có hành trang này là đạt tới những bến bờ huyền ảo nhất. Văn học Đông Tây thường đã luận về trường hợp một thiên tài mất đi, mỗi người của nhân thế, không trừ một kẻ nào, bỗng chốc cảm thấy mình què cụt, mù lòa, bởi sự thăng hoa của mỗi người không thành hình nổi với cái chính nó hữu hạn tầm thường đã thành hình nơi thiên tài, nhờ thiên tài, thiên tài là kết tinh mọi thăng hoa của giống nòi và đồng loại, trong một. Đứng trước di ảnh bạn, tôi thấy được cho tôi, cực kỳ rõ rệt, điều đó. Tôi bỗng chốc tàn tật. Tôi thình lình bất toàn. Cái guồng máy, cái chế độ triệt hủy thiên tài cũng vậy, càng trăm ngàn lần như vậy. Nó mù lòa, nó què cụt và nó bất toàn một cách thảm thương.
Biết không thể ở được lâu, tôi hỏi xin chị Vũ Hoàng Chương một thẻ hương. Châm lửa, cắm mấy nén hương gầy guộc lên cái bát hương nhỏ. Đoạn, không khấn, chỉ thân mật nói với tấm hình bạn mờ mờ sau làn khói:
– Bài thơ mày gửi cho tao, tao đã nhận được. Đang bị truy nã, nhưng tao cũng cố về đây trưa nay thắp một nén hương lên bàn thờ mày, cho trọn đạo bằng hữu. Mày đã hiểu tại sao, mày mất không bạn bè nào có mặt. Tao không được ủy nhiệm nhưng cũng cứ thay mặt cho tất cả nói với mày một lời vĩnh biệt. Vĩnh biệt. Vĩnh biệt Vũ Hoàng Chương.
Quay lại, tôi ngồi xuống cạnh chị Vũ thổn thức khóc. Bảo chị:
– Chị đừng khóc nữa. Tôi chỉ ở thêm được dăm phút. Chị còn cho tôi biết thêm gì về anh ấy lúc chết không?
– Anh ấy có đọc cho tôi chép một bài lục bát. Đó là bài thơ cuối cùng làm ở trong tù.
– Bài thơ ấy đâu?
– Tôi đã đưa cho anh Bàng Bá Lân.
– Thế là được rồi. Thôi, chị và chị Đinh Hùng ở lại bình yên mạnh khỏe, tôi đi. Chị đừng đau buồn nhiều. Lời Nguyễn Hiến Lê nói với chị hôm 50 ngày anh ở chùa Giác Minh là rất đúng.
Tôi rời khỏi Gác Bút trở về chỗ ẩn và vượt biên 15 ngày sau.
Một bài thơ vĩnh biệt cõi đời, làm trong giam cầm, trên một sàn ngục thất ẩm lạnh. Sống với thơ tới hơi thở cuối cùng. Đó là chi tiết cuối chót trí nhớ tôi còn ghi được về Vũ Hoàng Chương, thời gian sau 30-4-75, ở gần ông cho tới ngày vượt tuyến. Sang tới Mã Lai, ở trại tỵ nạn Pulau Besar, tôi được biết thêm một số chi tiết khác về Vũ Hoàng Chương 4 tháng ở Chí Hòa, do một người đi cùng tàu cùng bị giam ở Chí Hòa cùng thời gian với thi sĩ. Như ông rất đau yếu, bọn quản ngục đỏ nhiều lần phải khiêng ông xuống bệnh viện khám. Như một vài lần, ông được ra ngoài, lần nào cũng phải có bác sĩ Phan Huy Quát dìu đi. Như đêm khuya, đám tù nhân cùng hành lang nghe thấy tiếng ngâm thơ vọng ra từ phòng giam số 6.
Rời trại Pulau Besar lên Kuala Lampur, ở nhà thờ Chiras, cây số 7, chờ máy bay sang Hoa Kỳ, tôi ở cùng phòng với con gái lớn của họa sĩ Mai Lân. Chị cho tôi biết thêm một chi tiết nữa: buổi sáng ngày thả thi sĩ về, bọn quản ngục làm bộ nhân nghĩa vào vấn an ông, khuyên ông nên từ bỏ thái độ chống đối cách mạng, ông nín thinh không trả lời, chúng dọn cho ông một bữa ăn “đặc biệt” có một món “đặc biệt” là một đĩa trứng tráng.
Vậy thôi. Trạng thái mịt mùng vây phủ lên lúc mất, lên sự tắt lặng vĩnh viễn của tài thơ Việt Nam lẫy lừng trác tuyệt, tôi nghĩ chính thi sĩ đã nhìn thấy cho mình trước nhất. Ông muốn cho lên đường của ông như vậy, đã được như vậy. Lên đường này, một bài thơ trong những bài thơ cuối cùng của ông đã nói rất rõ.
Lúc đó là cuối nam 1974. Chỉ mấy tháng nữa là thất thủ Buôn Mê Thuột, là mất miền Nam. Tôi tới Gác Mây, xin một bài thơ mới về đăng trên Văn. Tôi vừa làm xong số đặc biệt Vũ Hoàng Chương. Ông cười:
– Lạ quá, cứ vừa có thơ mới là thấy mày tới. Có bài này đây, đăng sau số đặc biệt, như là một phụ lục, rất hợp.
Đó là bài Lòng Đá. Bài thơ cuối cùng của Vũ Hoàng Chương đăng trên bán nguyệt san Văn số phát hàng ngày 15 thắng 11 năm 1974, tôi chép lại nguyên văn dưới đây:
Không chuyến đi nào làm ta xúc động
Kể cả chuyến ngược chiều lên tuổi mộng
Vì ngay trong vòng tay đồi mươi cũng chỉ là trống rỗng.
Thì không còn chuyến đi nào làm ta ngạc nhiên
cho dẫu đi bằng không thuyền
khắp đâu đâu cũng chỉ là những mảnh vỡ tan ra từ một khối thuyền quyên.
Họa may còn chuyến đi vào hư vô tên gọi văn chương của những nấm mồ.
Đi chuyến ấy dòng đời ta tự xóa
ta không còn gì
cũng không là ức triệu mảnh hồn ghen kia mới thỏa mới chịu về nguyên mối tình si mang hồn phiến đá
Đá sẽ dựng cho Không-là-gì-hết
một phiến cao tận cùng sâu tận tuyệt
mà không chữ nào viết không âm nào ghi
Cao sâu lòng đá phẳng lì
mãi mãi chỉ riêng Nàng được biết
từ đầu những chuyến gã ra đi.
Một tài năng bình thường phải những bóng gương thời thế phản ánh, những bóng nước xã hội phản chiếu, những vận động lịch sử làm nền, tóm lại phải bằng những thời điểm ngoại giới và khách quan cùng giải thích cùng soi sáng mới tỏ hiện được vóc dáng, quy định được hình tích, thấy rõ được trở thành. Những cõi thơ Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Hồ Dzếnh lộng lẫy nguy nga một thời là vậy, mà tách khỏi dòng tiền chiến, bỏ khỏi trào lãng mạn, bờ cõi tức khắc mịt mùng tan vỡ, thấy liền ngay cái định mệnh bơ vơ. Một tài năng bình thường rất hữu hạn vì vậy. Nó lệ thuộc vào cái thời của nó, chỉ là một sản phẩm do cái thời của nó tạo ra, thực chất và kích thước của thời thế nào, thực chất và kích thước của tài năng thu nằm trong đó. Những công trình đẻ ra từ một tài năng bình thường chỉ thực hiện được cái hiệu năng ghi chép và tường thuật. Về những điều đã có. Về những sự đã là.
Một tài năng xuất chúng khác. Ở ngoài mọi sắc dạng xã hội, vượt khỏi mọi quy luật đời sống. Tách rời với mọi chạm đụng nhân thế, không cho thâm nhập, không cho chi phối, nó sáng tạo ra những vòm trời, những vũ trụ riêng, là riêng đứng một góc trời, là riêng dựng một thế giới.
Đó là điều cuối cùng tôi muốn phân biệt về tài thơ xuất chúng Vũ Hoàng Chương.
Phân biệt thôi. Chưa đi tới một nhận thức gì hơn.
Cho nên buổi sáng ngày 13 tháng 4 năm 1976, khi bọn đốn mạt của cái guồng máy chuyên chính đến bắt thi sĩ ở Gác Bút, chúng đã tới muộn trên dưới ba bốn chục năm trời. Thế giới ngôn ngữ và tư tưởng tuyệt vời của Vũ Hoàng Chương đã dựng xong. Cõi thơ bất hủ, tiếng thơ thần sầu của ông đã hoàn tất. Thơ Say. Mây. Rừng Phong. Hoa Đăng. Đã từng cánh hạc vàng đậu trên từng chót vót. Vân Muội. Tâm Sự Kẻ Sang Tần. Nhị Thập Bát Tú. Đã mỗi đền thơ tuyệt kỷ hàng hàng lời thơ châu ngọc tồn tại với đời đời. Đóng góp vĩ đại ấy cho thi ca đất nước, không kẻ thù nào của thơ phá hủy và giết chết được. Xá gì lòng đố kỵ hèn mọn của đám thợ thơ Hà Nội.
Bởi vậy mà tôi thấy không cần thiết vội -cũng chẳng đủ tư cách nhận thức và khái niệm văn học- một phân tích tường tận và có tính chất chung quyết vào cõi thơ thi sĩ. Nhưng tiếng thơ ông, cõi thơ ông đã hoàn tất lại một kho tàng nguyên vẹn chỉ vừa mở ra. Và từ ông vừa mất đi, sự kế thừa của hậu thế cũng vừa thực sự bắt đầu.
“Mãi mãi chỉ riêng Nàng được biết
Từ đầu những chuyến Gã ra đi.”
Mới chỉ riêng Nàng thôi. Văn học chưa. Chúng ta chưa. Về điểm này, kể cả những tri kỷ của ông chưa một ai nói được điều gì đáng kể về tiếng thơ Vũ Hoàng Chương mà sự thăng hoa càng tới cuối đời càng hoàn hảo càng rực rỡ hơn mọi phần thời gian về trước. Đó cũng là một trạng thái đặc biệt của thiên tài. Một tài năng bình thường chấm dứt trong trạng thái đã suy thoái rõ rệt với thăng hoa không còn của nó. Thiên tài mất giữa đang còn rực rỡ thăng hoa.
Với những cõi thơ như Vũ Hoàng Chương phải vận dụng trí tuệ mới mong mở được lối vào. Thơ là trí tuệ. Không phải là rung động. Về điểm này, thấy được, nói được những điều xứng đáng về tiếng thơ Vũ Hoàng chương, cũng phải từ một tâm hồn, một trí tuệ xuất chúng.
Hồi ký này chỉ muốn được coi như một ghi nhận gấp rút một số sự kiện trước trí nhớ đe dọa lọt thoát về khoảng thời gian cuối đời của thi sĩ, thời gian ông ở lại với đất nước đã mất vào tay chuyên chính đỏ cho tới ngày ông từ trần sau hơn 4 tháng bị giam cầm trong khám Chí Hòa. Ghi nhận và trân trọng đóng góp với người viết văn học ngoài nước của chúng ta muốn thực hiện một công trình nghiên cứu và nhận thức về thân thế, hoặc về tất cả các nhà thơ miền Nam sau 30-4-75, hoặc riêng về Vũ Hoàng Chương. Công trình đó, theo ý tôi, nếu bỏ qua phần ngày tháng của Vũ Hoàng Chương trong cộng sản, ở đó thái độ và phong cách của thi sĩ đã hiển lộng cao ngạo và chói lòa thay thế cho tiếng thơ ông đã bị dập tắt, sẽ là một thiếu sót lớn.
Riêng kẻ viết những dòng này, với thi sĩ, kể từ cái buổi trưa hắn trở lại phường Cây Bàng thắp nén hương vĩnh biệt lên bàn thờ bạn rồi vượt biển, tâm thức hắn trong trôi dạt lữ thứ hiu quạnh chừng như lại mật thiết gắn bó với tri kỷ đã vĩnh viễn xa khuất hơn là những thời gian có tri kỷ còn sống ở gần mình. Phải đó cũng là một hiệu năng nữa của thơ, của thơ trác tuyệt?
Ai về đất cũ giùm ta nhắn
Rằng kẻ vào Ngô nhớ Lạc dương
Chỉ biết hai câu thơ trên của Vũ Hoàng Chương, hắn đã nhớ lại, trên từng đoạn đường trôi dạt. Trong bảy ngày bảy đêm trên biển Đông. Trong năm tháng ở trại đảo. Và sau đó sau đó. Tôi đã đi vào đất Ngô muôn dặm lạnh lùng. Gặp anh, anh về xin nhắn dùm với bằng hữu tôi là tấm lòng tôi mãi mãi ở Lạc Dương. Lạc Dương có Gác Bút, Gác Mây. Lạc Dương có thiên tài, tri kỷ.
Bao nhiêu năm hắn vẫn còn muốn nhắn. Như bạn hắn còn sống. Như tri kỷ chưa xa. Phải đó là cảm thông kỳ diệu của thơ. Cũng lại không rõ nữa. Chỉ biết hết thảy là sai lạc, tất cả là ngờ vực. Xiết bao ngờ vực. Duy chỉ còn thơ của một người như một ngậm ngùi vô tận. Duy chỉ còn thơ của một người như một niềm ấm áp vô cùng. Duy chỉ còn thơ của một người là sự thật.
Mai Thảo
@nguoitinhhuvo