Đồng Tiền Khôn Ngoan
Xưởng làm giấy để in tiền Hoa Kỳ thơm sực nức mùi vỏ cây tươi, thật sạch mới lấy từ đống cỏ khô. Xưởng làm giấy in tiền được xây cất từ thời 1870’s ở thành phố Dalton, Massachusetts, vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Nguồn điện lực của xưởng lấy từ dòng sông Housatonic River giống hệt như ngày xưa. Mùi thơm của gỗ tươi tỏa ra từ trung tâm của nhà máy. Ngay giữa trung tâm là một quả cầu bằng sắt rất lớn, lớn hơn căn nhà, được đặt ở vị trí cao hẳn lên. Mỗi ngày, người ta rót vào quả cầu hàng tấn bông gòn nguyên chất, và vải lụa, cùng pha với nước được đưa vào. Rồi cứ thế quả cầu được hâm nóng, và xoay tít, giống như máy giặt quần áo, để gỡ bung các sợi trong vỏ cây và vải lụa. Sau đó, những sợi này được đưa vào một nhà máy khác, mới hơn, ở cuối con đường gần đó để làm thành loại giấy đặc biệt dùng riêng cho việc in tiền.
Cũng tại nhà máy lập ra từ thời thế kỷ thứ 19 này, người ta trang bị thêm những kỹ thuật tối tân, mới nhất trong nghệ thuật làm giấy bạc. Ví dụ, tờ giấy bạc 100 đô la, được lồng vào trong đó sợi băng mầu xanh bằng micro-optic để bảo mật. Đó là sợi giây mầu xanh dương ngay bên cạnh mặt ông Benjamin Franklin, lồng vào đó còn có hình bóng –image- của Chuông Tự Do, và con số 100. Đặc biệt là khi tờ giấy bạc được đặt nghiêng đi, thì con số 100 di chuyển lên xuống, hay chạy qua bên phải, bên trái. Đây là một kỹ thuật đặc biệt, sử dụng một triệu microscopic lenses vào trong đó, đặt chồng lên nhau ở mức độ hết sức tinh vi, nhỏ hơn sợi tóc của con người. Công ty làm giấy bạc Crane Currency là một công ty làm giấy bạc nổi tiếng từ hơn 140 năm qua, đảm nhiệm việc chế tạo giấy bạc cho hàng chục quốc gia trên thế giới đã đạt đến mức tinh vi như vậy. Ông Tod Niedeck, Trưởng ban tiếp thị của công ty khoe rằng, công ty Crane có khả năng làm những “image” siêu hơn nữa. Chẳng hạn khi tờ giấy bạc để nghiêng, người ta trông thấy một giọt nước chảy trên mặt hình người. Ông đã lấy cảm hứng từ khi xem cuốn phim Harry Potter. Ông muốn hình ảnh trông có vẻ sống động như thật. Trong tương lai, công ty còn có thể làm thêm những hình ảnh sống động hơn thế nữa. Ví dụ có thể để ông George Washington đi tới cái ghế, và ngồi xuống, hay để ông Fraklin nheo mắt, vẫy tay.
Lý do chính sử dụng những kỹ thuật tối tân này là để tờ giấy bạc khó bị làm giả. Nhưng lý lẽ đó không đủ để giải thích sự cầu kỳ này. Trong thực tế, những trường hợp làm giấy bạc giả hiếm khi xảy ra ở Hoa Kỳ. Lấy trường hợp năm ngoái làm điển hình: Nhân Viên Mật Vụ khám phá ra số giấy bạc giả, trị giá khoảng 64 triệu đô la, hơn một nửa là số giấy bạc bị tịch thu trong một cuộc ruồng bố ở Peru. Trung bình hàng năm có khoảng một trillion đô la giấy bạc lưu hành, như thế số giấy bạc làm giả chỉ vào khoảng 5 phần ngàn của tổng số giấy bạc lưu hành.
Ông Larry Felix, cựu giám đốc Văn Phòng In Giấy Bạc nói cho chúng tôi biết rằng đứng về khía cạnh tài chánh mà nói, những biện pháp chống làm tiền giả chẳng có ý nghĩa là bao. Bởi vì chi phí phòng ngừa làm bạc giả tốn kém gấp bội so với số tiền thực sự bị mất vì bạc giả, rất nhỏ. Nhưng những biện pháp phòng ngừa làm bạc giả có giá trị tâm lý rất lớn. Ông Felix nói: “Giấy bạc của ngân hàng hoàn toàn dựa vào lòng tin tưởng của công chúng.”. Tờ giấy bạc của Mỹ thực ra là tờ giấy nợ về mặt kỹ thuật, nói khác đi nó chính là một tờ I.O.U (tôi mắc nợ anh) do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang phát hành. Bạn nhận tờ giấy nợ ngân hàng bởi vì bạn biết rằng khi trao tờ giấy nợ đó cho người khác, người ta cũng sẽ chấp nhận. Đây chính là điều bí mật chính yếu của việc lưu hành của tờ giấy bạc: Giá trị của tờ giấy bạc được mọi người đồng ý tôn trọng. Đặc điểm, phẩm chất cụ thể của tờ giấy bạc chỉ làm tăng thêm giá trị khi lưu hành. Cầm tờ giấy bạc với loại giấy tốt làm bằng bông gòn, vải lụa, và hình ảnh kỹ thuật tân tiến như đồng đô la Mỹ làm cho người ta thêm tin tưởng tờ giấy bạc sẽ tiếp tục giữ giá trị của nó.
Lịch sử đã xảy ra trường hợp lòng tin vào tờ giấy bạc của một số nước bị sụp đổ trong một sớm một chiều. Nổi tiếng nhất là vụ tờ giấy bạc Weimar của Đức, và gần đây là tờ giấy bạc của nước Zimbabwe, nước Iraq, và nước Brazil. Vụ sụp đổ giá trị đồng Pengo của nước Hung Gia Lợi hết sức khôi hài: Năm 1944, một đô la Mỹ ăn 33 đồng Pengo Hung Gia Lợi, chỉ hai năm sau, một đô la Mỹ ăn hàng trillion đồng Pengo Hung.
Nói chung đồng đô la Mỹ có giá trị hết sức bền bỉ.
Cách đây một thập niên, có cuộc thảo luận nghiêm túc đòi thay thế đồng đô la Mỹ bằng đồng Euro, hay đồng Nhân Dân Tệ – renminbi- của Trung Hoa dùng làm đồng tiền chính cho toàn cầu. Sau đó, cuộc suy thoái kinh tế xảy ra, chủ yếu là vì sự thất bại của hệ thống tài chánh Mỹ. Sự kiện này tình cờ lại xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện loại tiền “ảo”, trả tiền qua internet, chẳng hạn như loại tiền “bitcoin” và Apple Pay, và sự xâm nhập của hệ thống trả tiền bằng cell phone trong các nước phát triển. Trong tình huống đó, đồng đô la Mỹ lại tái xuất hiện, và giữ vai trò chủ yếu. Sự kiện đó cho thấy không bắt buộc phải là đồng tiền tuyệt cú mèo thì người ta mới tin, chỉ cần đồng tiền đó đừng quá tệ là đủ. (Giới tài chánh ở Wall Street ví von rằng đồng đô la Mỹ vẫn là chiếc áo sơ mi sạch nhất.).
Ngày nay hơn một nửa số giấy bạc Hoa Kỳ được lưu hành ở ngoài nước Mỹ, đa số là loại giấy bạc $100 đô la. Đồng tiền Mỹ được tin dùng, và đáng tin cậy hơn cả tiền địa phương, ảnh hưởng của Mỹ lại có dịp nới rộng thêm.
Năm nay, nhiều định chế công quyền của Hoa Kỳ bị lôi ra chỉ trích chỉ vì Hoa Kỳ có một ông Tổng thống kỳ cục. Ông này hình như không để ý gì đến tầm quan trọng của những định chế công quyền. Cho đến nay, tờ giấy bạc của Mỹ vẫn chưa bị đụng chạm đến. Giá trị của giấy bạc Mỹ được Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang bảo vệ. Ngân hàng này đứng riêng hẳn ra ngoài, không dính líu đến những chuyện “điên khùng” đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Nhưng sang năm tới, Tổng thống có thể thay thế bà Janet Yellen, và ông Stanley Fisher, vị Thống đốc, và Phó Thống đốc khả kính của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang bằng những nhân vật mới. Người ta không lấy làm lạ khi ông Trump sẽ bổ nhiệm những kẻ bất tài chỉ ưa nịnh hót ông, những kẻ sẵn sàng thổi phồng, hay làm xẹp giá trị của đồng đô la để đạt mục tiên chính trị cho ông Tổng thống. Cố vấn kinh tế chính của ông Trump là ông Gary Cohn được coi là nhân vật đứng hàng đầu trong danh sách được ông Trump sẽ chọn làm Thống Đốc Ngân Hàng. Ông này là điển hình của những nhân vật khả ố trong chính quyền. Ông là cựu chủ tịch công ty đầu tư Goldman Sachs. Ông ta công khai nói rằng ông làm việc cho quyền lợi của các ngân hàng và những người giầu có. Tuy nhiên, quả thực ông ta là người có đủ khả năng làm Thống Đốc. Ông cũng thừa nhận rằng những chính sách liều lĩnh của ngân hàng dự trữ liên bang có thể làm tiêu tan lòng tin nơi đồng đô la, và gây ra những hậu quả tai hại lâu dài hơn cả sự tồn tại của chính quyền hiện nay.
Nguyễn Minh Tâm dịch
@How the Dollar Stays Dominant
@How the Dollar Stays Dominant