Một hôm, đang ngồi bán thuốc lá, Mẹ tôi tất tả vô nhà, kêu đứa em tôi ra ngồi bán để mẹ đi có việc gì đó. Một lúc sau Mẹ tôi trở về và kể cho chúng tôi một câu chuyện thật ngộ nghĩnh. Mẹ kể :
- « Mẹ đang ngồi ngoài đó thì nghe mấy bà rủ nhau chạy đi coi người ta treo Cờ Quốc Gia trên ngọn cây. Té ra không phải, có cái bao ny-lông màu vàng có dãi đỏ, chắc là gió thổi mắc tuốt trên ngọn cây cao lắm, người ta tưởng là Cờ Quốc Gia. Mà lạ lắm con, có con chó nó cứ dòm lên cây mà sủa ra vẻ mừng rỡ lắm, rứa mới lạ, chắc là điềm trời rồi ! ».
Mẹ tôi là vậy đó, bà hay tin dị đoan, nhưng chính ra là Mẹ tôi nhìn mọi việc bằng tình cảm trong lòng mình.
Thời gian trôi mãi không ngừng … Cuối cùng rồi Ba tôi cũng may mắn sống sót trở về sau gần 10 năm trong lao tù cộng sản, Mẹ tôi vẫn bán thuốc lá lẽ, chúng tôi sau nhiều lần bị đánh rớt Đại Học, đành phải tìm việc vặt vãnh để kiếm sống. Đôi khi tôi tự hỏi, cuộc đời mình sẽ ra sao, liệu mình có thể có một mái gia đình, vợ con như bao người khác không trong khi mà cả gia đình mình không hề thấy một con đường nào trước mặt để vươn lên, để sinh sống với mức trung bình ! ? « Mọi người sinh ra đều bình đẳng … và ai cũng được quyền mưu cầu hạnh phúc… » câu ấy nghe có vẻ hiển nhiên và dễ dàng quá; nhưng phải sống dưới chế độ cộng sản, việc gì cũng bị truy xét lý lịch đến ba đời, mới thấm thía ý nghĩa và hiểu được vì sao người ta dùng câu ấy để mở đầu cho bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bất hủ.
Một ngày khoảng đầu năm 1990, công an phường đến đưa cho Ba tôi một tờ giấy có tiêu đề và đóng dấu của Công An Thành Phố, nội dung vỏn vẹn “đến làm việc”. Gia đình tôi lo sợ là Ba tôi sẽ bị bắt vô tù lại, Ba tôi thì lẳng lặng mặc áo ra đi, hình như các ông «sĩ quan học tập» về đều trở thành triết gia, bình thản chấp nhận thực tại. Hay là thân phận của con cá nằm trên thớt, thôi thì muốn băm vằm gì tuỳ ý.
Rồi Ba tôi về nhà với một tin vui mà cả nhà tôi có nằm mơ cũng không thấy được, công an thành phố kêu Ba tôi về làm đơn nộp cho Sở Ngoại Vụ vì gia đình tôi được Nhà Nước “nhân đạo” cho đi định cư ở Hoa Kỳ! Thật không sao kể xiết nổi vui mừng của gia đình tôi với tin này, đang từ một cuộc sống tuyệt vọng nơi quê nhà mà nay được ra đi đến một quốc gia tự do, giàu mạnh nhất thế giới ! Những ngày sau đó lại cũng là Mẹ tôi đi vay mượn, bán những món đồ cuối cùng trong nhà chỉ để có tiền làm bản sao photocopy các giấy tờ “Ra Trại” của Ba tôi, khai sinh của chúng tôi, đóng tiền cho “Dịch Vụ”… để làm thủ tục xuất cảnh.
Chỉ khoảng 6 tháng sau là gia đình tôi lên máy bay để bay qua trại chuyển tiếp bên Thái Lan. Tôi lên máy bay, ngồi nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất dưới kia mà nước mắt cứ trào ra không ngăn được. Thế là hết, đất nước này của tôi, thành phố Sài Gòn này của tôi, nơi mà tôi sinh ra và lớn lên, một lát nữa đây sẽ vĩnh viễn rời xa, bao nhiêu vui buồn ở đây, mai sau chỉ còn trong kỷ niệm ! Tôi quay lại nhìn thấy Ba tôi mặt không lộ vẻ vui buồn gì cả, còn Mẹ tôi thì nhắm mắt như đang cầu nguyện và Mẹ tôi cứ nhắm mắt như thế trong suốt chuyến bay cho đến khi đặt chân xuống Thái Lan, Mẹ tôi mới nói :
- “Bây giờ mới tin là mình thoát rồi !”.
Sau khoảng 3 tuần ở Thái Lan, gia đình chúng tôi lên máy bay qua Nhật, rồi đổi máy bay, bay đến San Francisco, Hoa Kỳ.
Ngày đầu tiên đến Mỹ được người bà con chở đi siêu thị của người Việt, thấy lá cờ Việt Nam bay phất phới trên mái nhà, Mẹ tôi nói :
- « Úi chao, lâu lắm mình mới thấy lại lá cờ ni, cái Cờ Quốc Gia của mình răng mà hắn hiền lành, dễ thương hí? ».
Rồi Mẹ kêu tôi đi hỏi mua cho mẹ một lá Cờ Quốc Gia bằng vải, đem về cất vào ngăn trên trong tủ thờ.
Chúng tôi dần dần ổn định cuộc sống, cả nhà đều ghi tên học College, Mẹ tôi cũng đi học College nữa và xem ra bà rất hứng thú với các lớp ESL (English as a Second Language) ; đặc biệt là các lớp có viết essays (luận văn).
Mẹ tôi viết luận văn rất ngộ nghĩnh, thí dụ đề tài là « Bạn hãy nói các điểm giống nhau và khác nhau của một sự việc gì đó giữa nước Mỹ và nước của bạn » thì Mẹ tôi lại viết về lá Cờ Quốc Gia. Ý Mẹ tôi (mà chắc chỉ có mình tôi hiểu được) là nước Việt Nam có đến hai lá cờ khác nhau với hai chế độ tương phản nhau mà người Mỹ thời này hay ngộ nhận cờ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng của Việt cộng ; trong khi lá cờ đó không phải là lá cờ thiêng liêng của người Việt,và tại Mỹ. Rải rác trong suốt bài luận văn dài tràng giang đại hải của Mẹ tôi là những mẩu chuyện thật mà Mẹ tôi đã trải qua suốt thời gian sống dưới chế độ Việt cộng. Mẹ tôi kể là mẹ thấy bà giáo Mỹ đọc say mê (tôi nghĩ có lẽ là bà giáo Mỹ sống ở nước tự do, dân chủ không thể ngờ là có những chuyện chà đạp, bức hiếp con người như thế dưới chế độ cộng sản). Khi bài được trả lại, tôi cầm bài luận của Mẹ tôi xem thì thấy bà giáo phê chi chít ngoài lề không biết bao nhiêu là chữ đỏ : « interesting ! », « narrative», «I can’t believe it !” … . và cuối cùng bà cho một điểm “D” vì … lạc đề !
Cuộc sống chúng tôi dần dần ổn định, vô Đại Học, lấy được bằng cấp, chứng chỉ, rồi đi làm, cuộc sống theo tôi như thế là quá hạnh phúc rồi. Dạo đó, có anh chàng Trần Trường nào đó ở miền Nam California, tự nhiên giở chứng đem treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt cộng trong tiệm băng nhạc của anh ta làm cho người Việt quanh vùng nổi giận, đồng bào đem cả ngàn lá Cờ Quốc Gia, nền vàng ba sọc đỏ đến biểu tình trước tiệm anh ta suốt mấy ngày đêm. Mẹ tôi ngồi chăm chú xem trên truyền hình và nói với tôi:
- “Tinh thần của người ta còn cao lắm chớ, mai mốt đây mà về thì phải biết !”
Ý Mẹ tôi nói là sau này khi không còn cộng sản ở Việt Nam nữa thì chắc đồng bào sẽ hân hoan trở về treo lên cả rừng Cờ Quốc Gia chớ không phải chỉ chừng này đâu.