Sunday, December 5, 2010

Cộng đồng Việt Nam


Cô gái Việt sinh trên tàu chiến trở lại nơi ra đời.

Video Lienkhuc

PEARL HARBOR (NNS) - Ðược sinh ra ở bến xe, trên máy bay, trong công viên, là những hoàn cảnh bất ngờ thuộc loại chuyện lạ bốn phương. Nhưng có một cô gái Việt Nam ra đời trên một chiến hạm.(Hình phải: Cô gái Việt Grace Tarawa Trần, sinh ra trên chiến hạm USS Tarawa)

Ngày 29 tháng 11, 2010 vừa qua, một người Mỹ gốc Việt, cô Grace Tarawa Trần, đã đến thăm nơi cô chào đời là một chiến hạm Hoa Kỳ, USS Tarawa, cách đây 30 năm, theo tin của Phòng Báo Chí Hải Quân Hoa Kỳ.

Chiến hạm USS Tarawa là loại tàu đổ quân tác chiến (amphibious assault ship) hiện đã được giải nhiệm và đậu tại quân cảng Hải Quân ở Pearl Harbor, Hawaii.

“Thật tuyệt vời.” Cô Grace Tarawa Trần nói. Cô đã chào đời ngày 10 tháng 5, 1979, hai ngày sau khi 442 người Việt Nam vượt biên bằng đường biển được chiến hạm nói trên vớt trên biển Ðông.

Ra đời trên một tài sản thuộc chính phủ Hoa Kỳ, cô tự động trở thành công dân Mỹ. “Tôi chưa hề nghĩ rằng tôi có ngày thăm viếng như hôm nay. Gặp tất cả các người lính TQLC và đến thăm chiếc chiến hạm nơi tôi đã ra đời, cha mẹ tôi đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Tôi chưa hề tưởng tượng được là cuộc thăm viếng này có thể xảy ra.”

Chữ lót (tên đệm, middle name) của cô chính là tên chiến hạm Tarawa như một ký hiệu mà cha mẹ cô muốn cô nhớ cả đời.

Cô Grace Trần sau đó lại càng ngạc nhiên hơn khi gặp lại trên sân bay của tàu, người y tá quân y đã đỡ đẻ giúp mẹ cô sinh nở, Trung Sĩ Richard Reed mà hồi đó được gọi là “Ðốc tờ Reed.”

Tàu đổ quân tác chiến USS Tarawa, thời đó là một trong những chiếc tàu mới nhất, mới được Hải Quân Mỹ sử dụng từ năm 1976, sau khi cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt một năm. Nó có sân bay tuy nhỏ hơn sân bay của hàng không mẫu hạm nhưng cũng đủ lớn để đậu và đáp 35 trực thăng chuyển một tiểu đoàn lính TQLC, và 8 chiến đấu cơ lên thẳng Harrier II VSTOL làm nhiệm vụ yểm trợ tác chiến.

Khi đến vùng biển Ðông năm 1979, chiến hạm được giao phó thêm nhiệm vụ cứu vớt người tị nạn Việt Nam vượt biên bằng đường biển.

“Thật kỳ diệu.” Ông Reed nói như vậy và ông đã không có dịp gặp lại cô kể từ khi gia đình cô rời tàu. “Cô đã lớn lên thành một phụ nữ xinh đẹp. Tôi không thể ngờ rằng một ngày mình ẵm cô trong tay rồi ngày hôm sau cô trưởng thành khôn lớn.”

Khi bà mẹ cô sanh, ông Reed quấn khăn đắp người cho cô và lo cho cô mọi thứ cần thiết của những ngày đầu đời.

“Grace như là con của chính tôi, một người con gái từ một xứ sở khác.”

Grace Trần đã khóc khi ông Reed cho cô biết ông là ai và tặng cô một bó hoa cùng với các tấm hình chụp, các mảnh báo cắt từ các tờ báo đầy biến cố đặc biệt của chiến hạm. Ông đưa cho cô xem những tấm hình chụp khi mấy trăm người trên chiếc ghe nhỏ được cứu, các tấm hình chụp những ngày cô mới ra đời mà hầu hết chưa bao giờ cô được nhìn thấy.

“Các biến cố, những kinh nghiệm của tôi trên chiến hạm USS Tarawa và nhìn thấy những thống khổ mà người tị nạn Việt Nam phải chịu đựng, đã thay đổi đời tôi.” Ông Reed nói: “Ðó là lý do tại sao tôi trở thành mục sư ngày hôm nay. Ðó là lý do tôi trở thành mục sư suốt 26 năm qua, cũng vì có cô gái trẻ này đây. Mọi chuyện đã thay đổi đời tôi. Ðây là sự ngạc nhiên thật đặc biệt đối một người y tá như tôi. Tôi vẫn thường săn sóc bệnh binh, khâu vết thương, chích thuốc nhưng làm nhiệm vụ đỡ đẻ quả thật là một kinh nghiệm hoàn toàn mới đối với tôi. Ðây là thứ kinh nghiệm xảy ra chỉ một lần trong đời. Cô là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi giúp ra đời.”

Grace Trần cho hay lòng cô tràn ngập xúc động khi gặp ông Reed và được ông cho xem các tấm hình của các người tị nạn và chiếc thuyền gỗ mà họ dùng vượt biên.

“Không có lời nào đủ để tôi diễn tả sự biết ơn của chúng tôi về sự giúp đỡ và săn sóc mà tất cả mọi người trên chiến hạm đã dành cho chúng tôi khi ở trên chiếc USS Tarawa.” Cô Grace Trần nói: “Gia đình tôi và 400 người tị nạn khác chạy trốn khỏi Việt Nam để có đời sống tốt đẹp hơn. Mọi người chen chúc nhau trên một chiếc ghe gỗ gắn máy dài có 7 mét. Chạy không được bao lâu thì hỏng máy. Trong khi tàu lênh đênh trên biển thì bị cướp biển Thái Lan đến cướp 11 lần trong một tuần lễ. Tình trạng trên ghe thì vô cùng thảm hại vì chỉ có rất ít đồ ăn và nước uống cho bằng đó con người. Mệt lả và đói nên chẳng ai còn nghĩ đến sợ nữa. Cho nên, quí vị có thể tưởng tượng mọi người sung sướng thế nào khi có tàu Mỹ đến cứu.”

“Cha mẹ tôi muốn chạy trốn chiến tranh và chế độ Cộng Sản.” Cô Grace Trần nói. “Bởi vậy, cùng với 400 người khác họ đã vượt biên. Họ không biết sẽ đến nước nào, mà chỉ biết mình phải trốn khỏi Việt Nam. Mẹ tôi nói bà rất sợ hãi nhưng đây là cơ hội để rời khỏi Việt Nam và đi tìm tự do. Họ đã chấp nhận sự nguy hiểm vô cùng lớn lao.”

Sau khi cứu các người Việt vượt biên tị nạn Cộng sản, chiến hạm USS Tarawa chuyển gia đình cô và các người khác đến một trại tị nạn ở Thái Lan.

Nơi đó, họ được làm thủ tục để tới Hoa Kỳ định cư.

Gia đình cô Grace Trần định cư ở vùng Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Hiện nay, cô là một phân tích gia tài chính cho một công ty bảo hiểm ở thành phố Philadelphia.

Chiến hạm USS Tarawa được giải nhiệm từ tháng 3, 2009 hiện đang đậu tại West Loch, Pearl Harbor và được coi như tài sản dự phòng của Hải Quân Hoa Kỳ.


Nguồn nguoi-viet.com