Monday, November 29, 2010

WikiLeaks


Bí Mật Được Bật Mí

Video VB/QGVN

Vào đầu tuần này báo chí phổ-biến tin-tức cho thấy WikiLeaks vừa tung ra trên web site của họ những tài-liệu tối mật và nhạy cảm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Đó là các công-điện trong ngành ngoại giao Mỹ chứa đựng các tin-tức liên quan đến các cuộc tiếp-xúc và nội-dung các cuộc nói chuyện giữa các giới chức có thẩm-quyền của một số quốc gia với các đại-diện ngoại-giao của Mỹ hoặc các ý kiến hay yêu cầu cuả các nhà lãnh-đạo Trung Đông đối với Hoa Kỳ về trường hợp Ba Tư.

Những bí mật bỗng dưng bị bật mí như thế này đã làm cho các viên-chức chính-trị và ngoại giao Hoa Kỳ cảm thấy xấu mặt muốn độn thổ và các nhà lãnh đạo thế giới có liên-hệ với Hoa Kỳ mất thể diện và uy-tín đến mức lúng túng chẳng biết phải giải-quyết vấn-đề ra làm sao.

WikiLeaks là một mạng lưới tư nhân chuyên đăng tin giật gân về quốc phòng, ngoại giao và tài chánh khiến cho giới chính trị và tài phiệt bị đẩy vào thế thụ động không còn cách nào khác chỉ còn có la làng lên mà thôi.

Người chủ trương WikiLeaks là Julian Assange, gốc Úc năm nay khoảng 39 tuổi. Gần đây ông đã cho tung các tài liệu mật của Hoa Kỳ liên-quan đến trận chiến Iraq và Afghanistan, rất bất lợi cho Mỹ và vì thế đã bị chính-phủ này yêu cầu WikiLeaks chấm dứt phổ biến các tài-liệu ấy. Nhưng họ không chịu nghe. Không những thế họ dự định tung ra các tin liên quan đến ngành ngoại giao của Mỹ và các nước và tin tức của ngành ngân hàng Hoa Kỳ nữa. Những công diện mật của chính phủ Mỹ do họ lấy được lên đến trên 250.000 sẽ được họ tuần tự phổ biến trước công luận qua mạng lưới của họ. Họ chỉ mới tung ra một số rất nhỏ các tài liệu này trong vài ngày qua đã làm xôn xao dư luận các giới. Vì vụ này, nhà lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ đang phải liên-lạc với các nhà lãnh đạo của các nước để trấn an họ. Về phía Hoa Kỳ, họ bắt đầu thi hành các biện pháp bảo mật gắt gao để tài-liệu không bị thất thoát ra ngoài. Bộ Tư Pháp Mỹ đang cho mở cuộc điều tra và hăm he truy-tố các ra tòa hình-sự các người liên can đến loại tội phạm này.

Người cung-cấp tin-tức cho WikiLeaks nghe nói là một quân-nhân trẻ tuổi Hoa Kỳ 22 tuổi có tên là Bradley Maning. Anh này có chức vụ rất khiêm-nhường, binh nhì, đã từng làm việc tại một căn cứ của Mỹ tại Iraq với tính cách chuyên viên phân tích tình báo. Trong thời-gian làm việc tại Iraq, anh này đã mô tả với bạn thân của anh là tình trạng làm việc của anh rất lỏng lẻo đến độ anh có thể đem vào sở một cái dĩa nhạc thu lấy ở nhà rồi xóa đi phần nhạc và thế vào đó bằng các tin mật,và vừa làm việc anh vừa hát nhái giọng của một ca sĩ. Anh nhận xét hệ thống điện toán tại đó thuộc loại được bảo vệ yếu, sổ sách yếu, kiểm-soát an-ninh yếu, phân tích dấu hiệu lơ là thiếu theo dõi. Anh tóm tắt, đó là một trận bão hoàn hảo. Anh nói với bạn anh rằng anh đã chẳng dấu diếm bất cứ cái gì. Mục đích việc làm của anh chỉ là phơi bày sự thật mà thôi. Xem ra anh Bradley này có sự thú vị trong lúc làm việc. Anh đã bị khám-phá, bị điều động sang Kuwait và cuối cùng đã bị bắt và đang ở trong tình trạng bị giam giữ nhiều tháng nay để chờ bị giải ra tòa-án quân sự về tội lấy trộm và phổ biến tài-liệu. Phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng nói rằng có thể sẽ có nhiều người chịu trách nhiệm nếu họ đã coi thường quy tắc an ninh hoặc đã tải xuống các tài-liệu mà không được phép.

Nhìn bà Hillary Clinton bị phờ phạc hốc hác vì vụ này khi phát-biểu:"Tôi muốn các quý vị hiểu cho rằng chúng tôi đang thi hành các biện pháp gắt gao nhằm qui trách kẻ nào đã lấy trộm tin-tức" người xem thấy đáng thương cho sự vất vả của bà ngoại trưởng quá sức. Chỉ có hai nhân vật còn trẻ như thế tung ra một phần tin-tức bảo mật mà đã làm cho chính-quyền nao núng.

WikiLeaks hứa là họ sẽ tung ra 251.287 tài-liệu ngoại giao Hoa Kỳ. Vào cuối tuần qua họ mới phổ-biến khoảng 250 tài-liệu mà phần lớn là các công-điện ngoại giao. Nội dung của các công điện ấy gồm có những gì khiến chính phủ các nước xốn xang đến thế? Báo chí tiết lộ vài chi tiết như sau:

- Trung quốc và Nga muốn nhìn thấy một nước Đại Hàn thống nhất dưới sự cai trị của chính-phủ Nam Hàn. Trung quốc đã cảm-thấy khó chịu về việc nhìn thấy 'đứa trẻ hư đốn' Bắc Hàn có những hành động nguy hại cho an ninh trong vùng qua thái độ gây hấn, thử nghiệm võ khí, làm giàu chất uranium, chế tạo bom nguyên-tử, bắn chìm tàu Hải quân Nam Hàn giết chết 46 thủy thủ đoàn. Nội dung tài liệu cho thấy Bình Nhưỡng rất ương ngạnh không nghe theo đề nghị hay khuyên bảo của Bắc Kinh. Cứ cái đà này kéo dài, có ngày đàn anh sẽ mang họa lây. Vì các lý do ấy Trung Hoa đồng ý cho sự thống nhất của hai miền Nam Bắc theo thể chế miền Nam. Ngày 23 tháng 11 vừa qua Bắc Hàn đã nã trọng pháo vào một đảo nhỏ của Nam Hàn khiến cho bốn người chết. Dư luận Đại Hàn quốc nội và quốc ngoại đã nổi giận và Tổng Thống Lee Myung-bak đã phải nương theo dư luận bằng cách công-khai ra lệnh cho quân-lực Hàn quốc phản-công mạnh mẽ và ồ ạt nếu Bắc Hàn vẫn tiếp tục gây hấn. Làm như thế Trung quốc dù không muốn có ngày sẽ phải can dự vào một cuộc chiến tranh quy mô. Sau khi thế giới được biết ý định của Trung Hoa liên-quan đến việc "giao" đàn em khó bảo miền Bắc cho miền Nam qua mạng lưới WikiLeaks, giới chức ngoại-giao Tàu đã công-khai xác-nhận đó là việc có thật, nhưng họ giải-thích thêm rằng thủ tục thống nhất đòi hỏi một thời gian dài chứ không phải qua một đêm mà được. Còn Nam Hàn, dù là một nước mạnh đứng hàng thứ 15 về kinh tế trên thế giới, ngược lại, không muốn thống nhất nhanh mà chỉ muốn từ từ là vì họ không muốn cáng đáng cả một gánh nặng nghèo đói Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ và Nam Hàn tiên đoán với tình trạng kinh tế kiệt quệ của miền Bắc như hiện nay trước sau gì miền Nam cũng thâu gồm miền Bắc nhưng lại ngại đó sẽ là một trở ngại cho sự tiến bộ kinh tế Nam Hàn. Lịch sử thế giới cho thấy vận mạng của nước nhỏ thường tùy thuộc vào quyết định của nước lớn. Ngày xưa Triều Tiên bị chia đôi tại vĩ tuyến 38 là do quyết-định phất phơ của Nga. Bắc Hàn rất ức và đã không công nhận lằn ranh chia cắt trên biển cho nên thỉnh thoảng biểu lộ sự bất mãn bằng phương tiện quân sự.

Nhưng vụ tiết-lộ tài-liệu liên quan đến Iran liên quan đến nhiều nước trong thế giới Hồi giáo Trung Đông là quan-trọng hơn cả. Hình ảnh trên báo chí gần đây cho thấy nguyên thủ các nước Trung Đông khi tiếp-kiến Tổng Thống Ba Tư Mahmoud Ahmadinejad đã tỏ ra hớn hở vui mừng tay bắt mặt mừng hôn hít nhau tưởng chừng như ruột thịt thân thiết lắm. Coi vậy mà không phải vậy. WikiLeaks xì ra tin-tức cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Đông rất bực mình vì việc Iran cố tình theo đuổi chương trình nguyên-tử. Ba Tư để lộ tham-vọng bá chủ toàn vùng. Lãnh tụ nước ấy ngoan cố nhắm đạt mục đích riêng. Trước đây Iran là kẻ thù của Iraq. Chỉ có Saddam Hussein dám ra mặt đánh nhau và ngăn cản sự bành trướng của Iran và oái oăm thay chính Hoa Kỳ, một cựu thù của Iran, đã giúp một tay cho Iran trở thành mối nguy cho cả Trung Đông lẫn thế giới sau khi Tổng Thống Mỹ George W. Bush ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ tiến vào Iraq để hạ bệ Saddam Hussein. Được rảnh tay, Iran tiến hành chương trình chế tạo nguyên tử. Vì tham vọng và vì triển vọng có bom nguyên-tử của Iran trong một ngày rất gần này không chừng cách-mạng hồi giáo từ Iran sẽ lan-tràn đến các vương quốc lân-cận và ngai vàng của các vua chúa vì thế dám theo đuôi 'Shah of Iran'. Hoặc với thái độ ương-ngạnh của lãnh-tụ Ba Tư hiện nay có ngày cả khối hồi giáo sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nguyên-tử. Nếu sự việc này xảy ra chẳng còn người nào trong vùng Trung Đông có hy vọng sống sót để mà tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý cho nên họ muốn dẹp bỏ mầm mống hậu hoạn là các cơ sở nguyên tử của Iran. Không có khả năng làm việc ấy, các lãnh tụ Trung Đông muốn nhờ Hoa Kỳ. Từ Bahrain, Jordan, các nước Tiểu Vương của Ả Rập Thống Nhất, Ai cập cho đến Saudi Arabia đều có cùng ý muốn như thế.

Vua Hamad bin Isa Al Khalifa của Bahrain mạnh mẽ kêu gọi dùng bất cứ phương tiện cần thiết nào để nhằm triệt hạ chương trình nguyên tử của Ba Tư, rằng sự nguy hiểm để cho chương trình ấy tiếp tục to lớn gấp bội sự nguy-hiểm trong việc dẹp bỏ nó. Chủ tịch Thượng viện Jordan Zeid Rifai nói với viên-chức Hoa Kỳ rằng chỉ có các sự chọn lựa là bom Ba Tư hay là sống với bom của Ba Tư, áp dụng sự trừng phạt, dùng chính sách củ cà rốt, khuyến khích thu phục, cách nào được thì thôi không thành vấn-đề. Thái Tử Sheik Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi thuộc các nước Tiểu Vương coi Tổng Thống Ba Tư là người trẻ tuổi và hung hãn và tin rằng tên này sẽ lôi kéo tất cả vào một cuộc chiến... Và vấn đề chỉ là thời-gian mà thôi. Tổng Thống Hosni Mubarak của Ai Cập mô tả người Ba Tư là những phường ăn gian nói dối và lên án họ trong việc mưu toan xuất cảng cách-mạng Hồi giáo Shiite sang các nước Hồi giáo Sunni tại Trung Đông.

Nhưng phản ứng chống đối Iran mạnh nhất phải kể là từ Quốc Vương Adbullah của Saudi Arabia, một đồng minh lớn của Mỹ trong vùng Vịnh. Ngài thường-xuyên thúc giục Hoa Kỳ phải dẫn đầu cuộc tấn công Ba Tư, cắt đứt đầu con rắn độc, làm tê-liệt chương trình võ-khí nguyên tử được xem là nguy cơ cho cuộc chay đua võ khí nguyên-tử đáng sợ. Quốc Vương nay đã già lão lắm rồi. Ngài đang bị bệnh. Ngài tin-tưởng nền y khoa Hoa Kỳ rất mực cho nên vào lúc này ngài đang nằm trị bệnh tại một bệnh viện Hoa Kỳ.

Ngoài mặt thì anh em Hồi giáo cười cười nói nói xem thân-thiện lắm nhưng trong bụng lại chứa đầy gươm đao có thể sống mái với nhau như không. Oái oăm thay nước có khả năng làm được việc này, phá hủy cơ sở nguyên tử Ba Tư, lại là kẻ thù của thế giới Hồi giáo là Do Thái. Nhân vụ này, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel mới đề nghị thành-lập một mặt trận thống-nhất với các quốc gia Hồi giáo đồng loạt chống Iran và xem đó là giải-pháp khả thi để đem lại hoà bình toàn vùng Trung Đông. Ông Thủ Tướng nói rằng xem ra các nước Trung Đông và Do Thái có cùng quan-điểm và nếu họ nhất loạt nói ra công khai những gì họ nói riêng với nhau thì kể như xong ngay thôi. Trước đây, Tổng Thống Iran đã tuyên bố không hề có chuyện Đức tàn sát người Do Thái và Israel cần phải bị xóa khỏi bản đồ thế giới. Do Thái vì thế sẽ là mục tiêu ưu-tiên số một cần bị triệt hạ bởi Ba Tư khi họ chế tạo được bom nguyên-tử. Chắn chắn vì vấn-đề sinh tồn và nhờ can-đảm, khả-năng siêu việt, và sự thông minh Do Thái sẽ không chờ cho chương trình nguyên tử của Ba Tư thành công. Hai đối tượng của Iran mà Do Thái luôn theo dõi và tìm cách triệt hạ là các khoa học gia nguyên-tử Ba Tư và cơ sở nguyên tử.

Vào hôm qua, 29/11, một ngày sau khi WikiLeaks phổ biến tài-liệu mật nói trên, hai khoa học gia Iran tên là Majid Shahriar và Fereidoun Abbasi trong lúc đi làm bằng xe hơi vào buổi sáng tại thủ đô Tehran đã lãnh trọn quả bom gài vào xe cùng một lúc. Bom nổ. Kết quả, một người chết và một người bị thương. Tổng Thống Ba Tư cương quyết nói rằng chương trình nguyên tử của nước họ không vì thế mà bị trở ngại vì sự ám sát này hay vì sự tấn công bởi vi khuẩn điện toán. Trong vài năm gần đây có hai khoa học gia Iran đã bị giết trong đó có một người bị hại như lần này. Mới đây vào tháng 11 chương trình nguyên-tử của Iran đã bị tam ngưng vì sự xâm nhập của virus. Ba Tư đổ tội cho cơ quan tình báo Do Thái Mossad và Tây phương là thủ phạm. Về phía Do Thái, họ giữ im lặng như thường lệ. Còn Hoa Kỳ, qua lời của phát ngôn viên Bộ Ngoai Giao, đã lên tiếng chỉ trích các hành động khủng bố xảy ra ở bất cứ đâu và cho biết họ không có bất cứ tin-tức nào về việc vừa xảy ra.

Nhân đề cập đến khủng bố, cách thức Do Thái dò tìm khủng bố cần được đề cập thêm. Do Thái là một nước nhỏ bao quanh bởi toàn các nước Hồi giáo thù địch. Do Thái có lưu lượng hành khách hàng không chỉ bằng một phần sáu mươi của Hoa Kỳ. Ấy nhưng trên thực tế, họ dò la khủng bố rất hữu hiệu. Họ nhắm ưu-tiên vào người chứ không phải võ khí. Thay vì khám xét kỹ lưỡng hành khách tại phi-trường như Hoa Kỳ đã và đang làm khiến cho dân chúng bất mãn phản đối và không sẵn sàng hợp tác triệt để, Do Thái buộc các hành khách trả-lời một số câu hỏi trên giấy, từ đó họ có thể phăng ra kẻ tình nghi. Các câu hỏi gồm có hành khách đến nơi dự định với mục đích gì, sẽ cư ngụ với ai, có người nào khác đóng gói hành lý cho họ hay không v.v...Hành khách có vẻ ú ớ thiếu hợp lý trong lúc trả lời các câu hỏi này sẽ gây sự hoài nghi của nhân viên an ninh phi trường và vì thế sẽ bị tách ra để truy hỏi thêm. Nhân viên an-ninh phi trường được huấn luyện kỹ về chuyên-môn để làm việc và nhận diện kẻ tình nghi, họ phải có bằng đại học bốn năm. nếu phạm một sai lầm trong lúc hành-sự là bị đuổi việc ngay lập tức. Chính vì thế mà cơ hội bi khủng bố tại Do Thái nằm ở mức độ rất thấp. Cơ quan an ninh phi trường cứ tập trung nhân lực vào việc tìm kiếm vũ khí dấu kín làm sao mà tìm cho ra hết được. Nếu các tên khủng bố gởi chất nổ không thôi theo các chuyến bay chở hàng hóa thì kể như xong. Một vụ chất nổ mới được khám phá ra trên một chuyến bay chở hàng vào Mỹ gần đây là do may mắn mà ra.

Về một mặt nào đó, vụ xì tin của WikiLeaks cũng có cái hay. Hoa Kỳ bị mất chút uy tín nhưng bù lại biết được một sự thật là các nước Hồi giáo xưa nay ngoài mặt chống đối Mỹ nhưng trong bụng vẫn thích Hoa Kỳ và vẫn muốn dựa vào nước này. Đã bảo Hoa Kỳ là một đàn anh khổng lồ, ngông nghênh nhưng lại đáng tin cậy nhất. Lịch sử chứng minh mỗi lần thế giới gặp chuyện nan giải, hầu như chỉ có Hoa Kỳ nhúng tay vào giải-quyết mới xong. Cái lợi kế tiếp đối với Do Thái và Tây phương vì vụ xì tin lần này cho thấy là thế giới Hồi giáo ở trong tình trạng chia rẽ, không thống nhất như nhiều người nghĩ. Mà càng phân hóa thì lại cần đến Hoa Kỳ và Mỹ lại càng có dịp làm cao. Và Do Thái càng vững như bàn thạch. Giải quyết chương trình nguyên tử của Iran chẳng cần đến bàn tay của Chú Sam, một mình Do Thái là đủ rồi. Phá hoại solfware nguyên tử Iran bằng virus, ám sát các khoa học gia nguyên-tử Iran mà không xong thì phi cơ Do Thái sẽ bom ngay cơ xưởng nguyên-tử của Iran mấy hồi. Nhất cử nhất động của các nhà bác học Ba Tư và các cấp chỉ huy Palestine mà Do Thái biết rõ mồn một và có thể ám sát bất cứ lúc nào như thế thì cái lò nguyên tử nằm chình ình bất động tại chỗ của Iran có nếm phải bom của không lực Do Thái cũng là chuyện bình thường thế thôi. Mọi người cứ chờ mà xem cái màn ngoạn mục do Do Thái biểu diễn tiếp nay mai. Mà việc này để cho một nước nhỏ có đầy đủ khả năng như Do Thái giải quyết gọn ghẽ tốt hơn anh khổng lồ Hoa Kỳ nhúng vào dễ gây thêm dị nghị.

Nhân vụ tin-tức mật bị WikiLeaks tiết-lộ, một độc-giả Hoa Kỳ của nhật báo địa phương Daily Breeze hôm nay nói rằng nhờ đó ông ấy mới nhận thấy nước Mỹ ôm đồm nhiều việc quá. Ông độc giả nói rằng ông biết thêm về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và ông có ý kiến là khi Quốc Vương của Saudi Arabia bí mật muốn Mỹ tấn công Iran và dứt điểm cái lò nguyên tử của nước ấy thì Hoa Kỳ hãy bảo với Quốc Vương là Saudi Arabia là họ nên tấn công thẳng Iran đi, chứ tại làm sao mà Hoa Kỳ lại phải làm cái công việc dơ dáy ấy và làm cho binh sĩ Hoa Kỳ gặp nguy hiểm. Cũng thế đối với Nam Hàn. Đưa hết lính Mỹ về nước và để cho miền Bắc và miền Nam tự giải quyết. Nếu tình hình trở nên tồi tệ, Trung quốc và Nhật Bản tốt hơn nên nhảy vào bởi vì họ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chiến tranh nguyên tử xảy ra. Hoa Kỳ dứt khoát không phải là nước lo toan cho cả thế giới như thế được. Ông độc giả này hoàn toàn hợp lý. Ấy nhưng không biết chính phủ Hoa Kỳ có sẵn sàng nghe theo cao kiến của ông hay không. Rất tiếc ông lại không phải là Tổng Thống Barack Obama hay Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton cho cả nước được nhờ.

Hình như có một cái gì mâu thuẫn đâu đây. Ông Tổng Thống xưa nay chủ trương duy trì mọi hoạt động chính quyền trong sự trong sáng, nay WikiLeaks giúp chính phủ đạt mục tiêu này, làm sáng bưng guồng máy nhà nước, làm tiêu tan bóng tối và khuất tất, nguồn gốc của sự nghi kỵ mất thiện cảm của công chúng thì Bộ Tư Pháp lại qui trách và xúc tiến đưa các "thủ phạm" ra tòa. Quân nhân Bradley Maning đang bị giam trước khi được giải giao cho tòa án quân sự. Chính phủ theo dõi hành tung của chủ chốt Julian Assange. Ông này phải thường xuyên di chuyển cả ngày lẫn đêm để tránh bị bắt giữ bởi các chính phủ Tây phương. Ông ấy tính xin cư trú tại Thụy Điển bèn bị nước này hăm he bắt giữ về tội danh bạo hành tình dục cho nên đã không dám héo lánh đến nơi ấy. Ông Assange bảo rằng Thụy Điển bịa ra chuyện ấy để lấy cớ bằt ông. Thì đây chính phủ Ecuador đáp ứng ngay. Nước này có chính sách thiên tả sẵn sàng tiếp nhận ông để ông có cơ hội tiếp tục sự-nghiệp xì tin mật và diễn thuyết tại đại học. Hollywood có sản-xuất phim 'No country for old man', không có xứ cho khứa lão, nhưng Julian Assange là một 'young man' thanh-niên thì phải có nước nhận chứ, điển hình là Ecuador, chẳng lẽ cứ lăng ba vi bộ mỗi ngày như thế này mãi hay sao, chịu sao cho thấu. Phải khách quan nhìn nhận ông này có thừa sáng kiến và can đảm. Một mình đương đầu với bao nhiêu nước lớn nhỏ như thế không phải là việc dễ dàng ai cũng làm được.

Đọc thêm : Và cái gì chờ đợi cũng đã đến, khi tổ chức Wikileaks công bố một tài liệu “tuyệt mật” động trời liên quan đến Việt nam. Đó là biên bản họp kín giữa ông Nguyễn Văn Linh Tổng BT Đảng CSVN, ông Đỗ Mười Chủ tịch HĐBT đại diện cho phía Việt nam và ông Giang Trạch Dân Tổng BT và ông Lý Bằng Thủ tướng Chính phủ đại diện cho phía Trung quốc trong hai ngày 3-4/9/1990 tại Thành đô.

Trong tài liệu tuyệt mật liên quan tới Việt nam này của mình, Wikileaks khẳng định thông tin dưới đây nằm trong số 3.100 các bức điện đánh đi từ Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh của cơ quan ngoại giao Hoa kỳ tại Việt nam gửi chính phủ Hoa kỳ, tài liệu này có đoạn ghi rõ “… Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng thành công CNCS, Đảng CSVN và nhà nước Việt nam đề nghị phía Trung quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt nam xin làm hết mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp trong quá khứ và Việt nam bảy tỏ mong muốn đồng ý sẵn sàng chấp nhận và đề nghị phía Trung quốc để Việt nam được hưởng quy chế Khu tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc kinh như Trung quốc đã từng dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng tây…. Phía Trung quốc đã đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, cho thời hạn phía Việt nam trong thời hạn 30 năm (1990-2020)để Đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung quốc”.


"Hoa Kỳ có thể tin được để làm đúng việc sau khi các giải pháp khả dĩ khác đã được thử qua."(The U.S. can be counted on to do the right thing, after having tried all other conceivable alternatives. - Winston Churchill)

"Cái khuyết điểm chính của chúng ta là chúng ta được nói về các sự việc nhiều hơn là làm những việc ấy." (Our chief defect is that we are more given to talking about things than to doing them.- Jawaharlal Nehru)


Nguyễn Văn Huy
Đọc thêm: baotoquoc - rfa.org - en.wikipedia.org - wikipedia - thirdage.com