Thursday, November 4, 2010

Báo chí Việt Nam


Làng Báo Sài Gòn
Trích đoạn:

"...Khi Nhà Thơ VC Tố Hữu làm Thơ đại ý nói: “Khi chưa có Các Mác, Sít-ta-lin, nhân loại chửa thành Người. Sau khi có Các Mác, Sịt-ta-lin, và chủ nghĩa cộng sản, nhân loại mới thành Người” là hắn nói láo. Nhưng khi các ông Phóng Viên Việt Tấn Xã viết, đại ý:“Trước khi có ông Nguyễn Ngọc Linh và các ông Phóng Viên Việt Tấn Xã tài tuấn, làng báo Sài Gòn không ra cái thể thống gì cả, chỉ sau khi có ông NN Linh và các ông Phóng Viên VTX, làng báo Sài Gòn trước năm 1975 mới có bộ mặt đáng gọi là báo chí,” là các ông viết đúng.(Hình phải :Ký giả Hoàng Hải Thủy (năm 25 tuổi-1958)

Ðúng không còn gì có thể đúng hơn. Tôi là một trong số những anh ký giả Sài Gòn có những đặc tính được các ông Phóng viên VTX kể: “ngu dzốt, vô học, một chữ cắn làm đôi không biết, không có lương tâm, viết bậy, chuyên làm “săng-ta” tức dùng bài báo làm tiền, dọa bới móc đời tư hay kể việc làm vi phạm luật của người ta để người ta phải chi tiền, dùng ngòi bút “đâm thuê, chém mướn..v..v..” Mình dzốt người ta bảo mình dzốt là đúng thôi. Cãi hay chạy tội ký gì. Bọn ký giả Sài Gòn những năm từ 1954 đến 1965 hơn ai hết biết rõ tình trạng ngu dzốt của bọn ký giả Sài Gòn. Nhưng mình dzốt mà bị người ta chỉ mặt chửi: “Chúng mày là những thằng ngu dzốt.. Chúng mày là những thằng ký giả làm bẩn nền báo chí Quốc Gia VNCH,” thằng ký giả ngu dzốt nào còn chút liêm sỉ cũng thấy tủi thân. Vậy nên mới có bài Viết ở Rừng Phong này.

Tôi kể chuyện làm ký giả nhà báo của chính tôi. Năm 1952 anh Lê Minh Hoàng Thái Sơn, một trong những người kháng chiến chống Pháp từ khu Việt Minh về thành, tác giả những tiểu thuyết ăn khách một thời là Bên Hào Vạn Lý, Ðoàn Ó Biển, anh lấy bà chị họ của tôi nên tôi được quen anh. Anh bảo tôi:

“Tao gặp Thanh Sanh báo Ánh Sáng. Lúy nói Ánh Sáng cần một ri-pọt-tưa. Mày đến gặp Lúy xem. Nói tao giới thiệu.”

Lúc 9 giờ sáng tôi đến toà soạn nhật báo Ánh Sáng, trong một nhà in chủ nhân là người Pháp, ở đường Bonard, gần bên Restaurant Kim Hoa. Anh Thanh Sanh đưa tôi dịch một đoạn phóng sự chiến trường ở Bắc Việt cắt ra từ một tờ báo Pháp. Anh coi sơ bài dịch và nhận tôi vào làm việc ngay. Lương mở đầu – gọi theo tiếng Pháp là Lương Débutante – 1.500 đồng một tháng. Tôi về nhà nói với thầy mẹ tôi là con đi làm báo, ông thân tôi ngạc nhiên:

“Mày mà đi làm báo?”

Ông thân tôi có thành kiến “Người viết báo, người làm báo” phải là những người có học như ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Phạm Quỳnh, ông Nhất Linh. Còn tôi, anh con ông, ông biết tôi ngu dzốt đến là chừng náo. Trên cõi đời này không ai biết tôi ngu dzốt bằng ông bố tôi.

Lẽ ra khi thấy ông thân tôi ngạc nhiên như thế, tôi phải nói:

“Bố ơi.. Con làm báo đây là làm phóng viên nhà báo, loại phóng viên chuyên đi săn tin xe cán chó. Con có làm báo bằng cách viết báo đâu.’

Khi ấy tôi không thể nói với ông bố tôi như thế vì khi ấy tôi có biết quái gì về công việc làm phóng viên nhà báo đâu. Chỉ vào nghề rôi tôi mới biết công việc phóng viên nhà báo của tôi những năm tôi mới vào nghề là việc mà các ông phóng viên gọi là việc đi săn tin xe cán chó. Bởi vì những năm từ 1950 đến năm 1960 tình hình xã hội Sài Gòn và có thể nói là toàn cõi Quốc Gia VNCH gần như hoàn toàn an ninh. Sau năm 1954 đất nước không có chiến tranh, xã hội lại càng an ninh. Cả năm không có một vụ cướp của, giết người. Một sáng đầu năm 1952 chàng phóng viên trẻ tuổi tài không cao của nhật báo Ánh Sáng là tôi được tin có tai nạn xe ô-tô-buýt ở đường Gia Long. Từ toà báo Ánh Sáng tôi đi bộ đến chỗ xẩy ra tai nạn không quá 2 phút. Một xe búyt từ Tân Ðịnh chạy lên trên đường – duờng như năm 1952 tên đường là Charles De Gaule hay đường Général DeLattre De Tassigny – chắc vì tránh người đi xe đạp vượt ngã tư nên xe đâm vào cổng Dinh Gia Long. Khi tôi đến nơi chiếc xe không người còn đó. Tôi đang ghi số xe thì nghe tiếng người hỏi:

“Báo nào thế?”

Người hỏi là một thanh niên trạc tuổi tôi – 20 tuổi – anh là Nguyễn Ngọc Tú, người những năm 1970 là Ngọc Thứ Lang, dịch giả tiểu thuyết The Godfather của Mario Puzo ra truyện Bố Già. Ðây là lần thứ nhất tôi gặp Tú. Chúng tôi thành đôi bạn khá thân. Ngày Tú qua đời ở Trại Tù Khổ Sai Phú Khánh, khoảng năm 1978, tôi nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu.

Năm 1952 ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Tướng Chính phủ. Thủ Tướng bay lên Ðàlạt chủ toạ Lễ Mãn Khoá Trường Huấn Luyện Sĩ Quan. Có 3 ký giả của ba nhật báo Sài Gòn được cho đi theo. Tôi, phóng viên báo Ánh Sáng, là một trong số ba người. Sáng mai đi, buổi chiều tôi chạy đi muợn bạn tôi bộ com-lê vét-tông, mượn ca-vát và nhờ bạn dậy cách thắt nút ca-vát. Ðấy là lần thứ nhất tôi đến thành phố Ðàlạt Mộng Mơ Hồ Than Thở. Ðến bằng phi cơ tháp tùng Thủ Tướng. Xong Lễ Bế Mạc, Thủ Tướng và phái đoàn về Khách Sạn Palace ăn trưa. Bàn ăn dài, Thủ Tuớng và những vi VIP ngồi ở giưã, tôi – chàng phóng viên báo Ánh Sáng, nguời khách trẻ nhất, ngồi ở mút chỉ cuối bàn, hay đầu bàn cũng rưá, chỗ ngồi dành cho thực khách bét nhất. Cơm Tây. Người ta đẩy cái xe rượu đến mời rượu, tôi ngớ ngẩn không biết nên lấy thứ rượu gì. Năm ấy tôi chưa biết thế nào là apéritif, digestif.

Ngày tháng trôi qua. Những nhật báo Sài Gòn từ năm 1950 đến năm 1960 không sống bằng tin thời sự mà sống bằng tiểu thuyết. Người mua báo đọc tin thì ít mà người mua báo để đọc tiểu thuyết đăng nơi trang trong thì nhiều. Chỉ cần có một truyện dài hay, hấp dẫn, tờ nhật báo có thể sống nhờ có người mua. Ðó là trường hợp những truyện phơi-ơ-tông “Cô Bạch Mai” trên nhật báo Thần Chung do chính ông chủ nhiệm Nguyễn Kỳ Nam viết, truyện “Hồng và Cúc, Ngày Về, Sau Dẫy Nhà Lầu” của tác giả Ngọc Sơn trên nhật báo Tiếng Chuông, truyện “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà trên nhật báo Sàigònmới. Ða số người đọc tiểu thuyết đăng báo trong những năm này là phụ nữ.

Vì xã hội an ninh, nhật báo không có chuyện gọi là “chuyện giật gân, chuyện săng-sa-son-nen” để đăng. Tin không có, phóng sự lại càng không có. Cả năm mới có một vụ thời sự xẩy ra để những chàng phóng viên ngu dzốt vồ lấy bịa chuyện, thêm mắm, thêm muối làm thành những phóng sự biạ 80%, như vụ Bà Chủ Tiêm Giày Nam Việt đường Lê Tháng Tôn ngoại tình, giết ông chồng, vụ Vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt át-xít vì ghen, Phóng sự Khỉ Cà Mâu – Khỉ Rừng lấy người, sinh con – trên nhật báo Sàigònmới. Ðáng kể nhất và đặc biệt nhất là vụ “Em Khuy Nút Thị Gần mất tích.” Vụ này nói lên rõ nhất tình trạng Ðói Tin và cái tật Bịa Chuyện của đám ký giả Sài Gòn.

Chuyện xẩy ra vào khoảng năm 1960, 1961. Chiến tranh tàn phá những làng quê. Những cô gái quê dễ trở thành những nạn nhân của chiến tranh. Cha mẹ nhiều cô lo cho con gái lên Sài Gòn sống cho an ninh. Những cô này không thể trở thành những nữ thư ký làm việc văn phòng. Cái nghề các cô dễ học, dễ làm nhất là nghề thợ may. Những nhà dậy May mở ra. Nhiều nhà có chỗ cho các cô ở trọ. Cô Thị Gần trạc 20 tuổi là một cô gái như thế. Cô học may và ở ngay trong một nhà dậy May. Một hôm cô đi khỏi nhà và cô không trở về. Chủ nhà không biết cô đi đâu, và chắc là chủ nhà không báo cho cảnh sát biết chuyện cô đi không trở về. Những cô gái chưa chồng bỏ nhà đi ít lâu mang cái bụng chửa trở về là chuyện thường. Ông Chủ Nhà Dậy May chắc thấy ông không có trách nhiệm gì trong vụ cô học may đi mà không trở về. Nhưng người nhà cô Thị Gần từ dưới tỉnh đến Nhà Dậy May thăm cô không được gặp cô, chủ nhà trả lời ú ớ, thì không cho việc cô mất tích là chuyện thường. Họ đi cớ cảnh sát.

Chuyện các cô gái mất tích dù có đi trình báo cảnh sát cũng là chuyện thường. Như đã viết: 10 cô mất tích thì 10 cô ít tháng sau trở về với cái bụng chửa. Nhưng đùng một cái, người ta tìm thấy ở bãi biển giữa Vũng Tầu và Long Hải xác một thiếu nữ bị vùi trong cát. Xác đã nát nhưng cảnh sát vẫn biết đó là xác của một thiếu nữ bị giết. Không biết ông cảnh sát thông minh nào nẩy ra ý nghĩ: “Phải chăng đây là xác cô thợ may Thị Gần mất tích?”

Ý nghi ngờ ấy được “phuýt” ra, mấy anh phóng viên nhà báo đói tin vồ ngay lấy. “Ðúng Thị Gần dzồi. Còn ai vào đây nữa.” Các anh làm ra to chuyện, những cái tít giật gân được tung ra trên trang nhất các báo:

“Thị Gần bị giết. Ai giết Thị Gần? Tại sao Thị Gần bị giết..?” Phóng sự hấp dzẫn quá. Mấy phóng viên tha hồ phóng bút và phóng phét. Ông chủ Nhà Dậy May bị gán cho tội dzụ dzỗ rồi hiếp Thị Gần, Thị Gần có chửa, anh chủ bất lương giết cô, đem xác cô ra vùi ở bãi biển Vũng Tầu. Có phóng viên còn tả cái xe ô tô sơn đen nửa đêm đến mang xác nạn nhân đi. Bà vợ ông chủ Nhà Dậy May bị tố là đồng loã giết người với ông chồng. Gần như ai đọc cũng tin, cũng thấy Ông Chủ Nhà Dậy May là thủ phạm giết cô Thợ May Thị Gần.

Cuộc điều tra tiến hành, phóng viên các báo đua nhau bịa tin. Anh nào bịa nhiều nhất là có bài phóng sự hay nhất. Rồi cũng đùng một cái, Vụ Thị Gần Bị Giết sì hơi như cái bong bóng thủng. Thị Gần còn sống nhăn. Cảnh sát bắt được Thị Gần ở bên kia Cầu Hàng vùng Tân Thuận.

Nguyên nhân: Năm ấy nghề Mãi Dâm bị cấm ngặt. Ðúng thủ tục “Ðạo cao một thước, Ma cao một trượng.” Bị cấm hành nghề trong thành phố, những người khai thác Mãi Dâm đưa Mãi Dâm ra vùng ven đô. Một số nhà được dựng lên ở giữa cánh đồng bên kia cầu Tân Thuận. Nhà vách nứa, lợp tôn, giường cũng là giường tre, không ở ngay bên con đường xe ô tô chạy ven sông mà ở trong đồng cách đường xe chừng hai, ba trăm thước. Các em sáng đến đó, tối về. Có sự tính toán rất tinh tế và khoa học ứng dzụng là những căn nhà rẻ tiền đó được dựng lên ở giữa đồng, giữa hai quận nên không quận nào sốt sắng nhận thuộc quận mình. Khi đến bắt, cảnh sát quận chỉ có thể cho đến 1 hay 2 xe cảnh sát với nhiều nhất là 10 cảnh sát viên. Xe Zeep Cảnh Sát sơn xanh trắng vừa ngừng ở ngoài đường là các em chạy tứ tán ra khắp đồng, làm sao cảnh sát bắt được.

Thế rồi – chuyện nghe kể lại – một chiều thứ bẩy hay chiều chủ nhật, một ông Bộ Trưởng trong Chính phủ – nghe đồn là ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Lâm Lễ Trinh – ngồi ô-tô đi ngang. Mấy em trong khu nhà vẫy gọi:

“Dzô đây, anh ơi..!”

Ông Bộ Trưởng hỏi. Nhân viên của ông thưa đó là mấy em gái điếm. Ông Bộ Trưởng hỏi:

“Sao không bắt? Cảnh sát đâu? Sao không dẹp khu này? ” Thưa:

“Không dẹp được, vì xe cảnh sát vừa tới là trong ấy họ chạy hết ra đồng.”

Chính quyền bèn mở một cuộc ruồng bắt lớn, phối hợp giữa cảnh sát và quân đội. Khu nhà Mãi Dâm bị bao vây bốn mặt. Tất cả các em chạy ra đồng bị bắt hết. Nghe nói có em chết đuối vì nhẩy xuống sông bơi sang bờ Sài Gòn. Em Thị Gần bị bắt trong vụ đó. Em bỏ Nhà Dậy May em đi làm điếm. Không biết em có biết trong mấy tháng tên em xuất hiện mỗi ngày trên tất cả các tờ báo Sài Gòn hay không..."

Đọc toàn bài : Làng Báo Sài Gòn

Hoàng Hải Thủy
Nguồn hoanghaithuy.blog