Saturday, November 6, 2010

China vs Japan


Bắc Kinh hung hăng với Tokyo :
Hình ảnh của Trung Quốc bị sứt mẻ


Sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu Nhật Bản tại biển Hoa Đông, cho dù Tokyo đã liên tục tỏ dấu hiệu hòa hoãn, Bắc Kinh vẫn có hành động cứng rắn, thậm chí khiêu khích nước láng giềng. Theo giới phân tích, thái độ hung hăng này gây quan ngại nơi các nước Châu Á, thúc đẩy họ tìm kiếm đối trọng ngoài khu vực để cân bằng thế lực của Trung Quốc.(Hình phải:Biểu tình về sự kiện Senkaku tại công viên Hibiya,Nhật Bản ngày 6/11/2010,với sự tham gia của Cộng đồng Người Việt Tự Do)

Hành động quyết đoán mới nhất của chính quyền Bắc Kinh là ào ạt cử tàu tuần tra qua vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Tokyo trên chủ quyền ở khu vực vùng biển phân chia hai nước, trong đó có vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, đang do Nhật quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Theo Tân Hoa Xã vào hôm nay, thì Trung Quốc vừa cử thêm một một tàu tuần tra đến vùng biển tranh chấp để tăng cường lực lượng của họ trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho biết là sẽ triển khai thêm 36 chiếc tàu nữa đến hiện trường. Mục tiêu, theo tuyên bố của một viên chức cao cấp thuộc Cục Hàng hải Quốc gia Trung Quốc, là để « củng cố năng lực của đội tàu tuần tra trên biển » của nước này.

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc hiện có khoảng 260 tàu tuần tra trên biển, trong đó có 200 chiếc tàu nhỏ của lực lượng tuần duyên. Về phía Nhật Bản, nước này có 421 tàu tuần tra và 13 tàu khảo sát. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên ngành tuần duyên Nhật Bản, không phải tất cả mọi chiếc tàu đều tập trung vào những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.

Thông báo về quyết định ào ạt cử tàu tuần tra qua biển Hoa Đông là một động tác cứng rắn mới của Trung Quốc nhằm răn đe Nhật Bản, nối tiếp theo vụ cho hai chiếc tàu ngư chính của họ tiến đến gần vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư tối 24/10.

Trong lãnh vực ngoại giao cũng thế, bất chấp việc Tokyo liên tiếp kêu gọi tổ chức một cuộc gặp song phương giữa thủ tướng hai nước bên lề các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội vào tuần này, Bắc Kinh vẫn giữ thái độ không dứt khoát. Cho đến hôm qua, 26/10, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không cho biết là liệu có cuộc họp đó hay không. Không những thế, ông Mã Triêu Húc còn tiếp tục gây sức ép trên Nhật Bản, khi tuyên bố là Bắc Kinh hy vọng Tokyo « có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện và bầu không khí thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ giữa hai bên ».

Ngoài những áp lực kể trên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc còn sử dụng vũ khí kinh tế nhằm gây sức ép trên Nhật Bản, khi giới hạn đáng kể việc bán đất hiếm cho Nhật. Trung Quốc hiện gần như là độc quyền sản xuất loại nguyên vật liệu sống còn trong công nghiệp điện tử và ô tô, hai ngành kinh tế mũi nhọn của Nhật Bản.

Nhật Bản càng qụy lụy, Trung Quốc càng cao ngạo.

Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận việc ngừng vận chuyển đất hiếm cho Nhật vì lý do chính trị, nhưng cho biết là chính sách chung của họ là giới hạn toàn bộ việc sản xuất và xuất khẩu đất hiếm để nguồn dự trữ của họ không bị suy kiệt, cũng như tránh cho môi trường không bị tổn hại.

Xin nhắc lại là quan hệ Trung - Nhật đã xấu đi đáng kể từ đầu tháng trước sau vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản gần vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đã phản ứng dữ dội và tiếp tục duy trì thái độ căng thẳng bất chấp những động thái hòa dịu liên tiếp của Nhật Bản từng bị dư luận đánh giá là quá quỵ lụy Trung Quốc.

Theo ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Đương đại tại Đại Học Temple ở Tokyo thì trong cuộc đọ sức này, chính Trung Quốc là kẻ bại do thái độ cao ngạo của họ. Ông giải thích : « Nhật Bản đã quỳ mọp trước Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại là phía thực sự thất bại. Các tuyên bố và hành động của Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận hòa hoãn hơn của Nhật Bản, đã thêm củi lửa cho phái ‘’diều hâu’’ chống Trung Quốc. Những người Nhật, người Mỹ hay người những nước khác, từng khẳng định rằng đà vươn lên của Trung Quốc là một điều tốt, hiện đã bị mất thể diện ».

Còn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề an ninh tại Châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì cho rằng các nước Châu Á sẽ e dè Trung Quốc hơn và sẽ thiên về phía Mỹ và Nhật Bản nhiều hơn. Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, giáo sư Thayer ghi nhận là « đa số các nước trong vùng đều ngạc nhiên, thậm chí bị sốc trước đường lối cứng rắn của Trung Quốc ».

Thế nhưng, vì Bắc Kinh là nguồn viện trợ và đầu tư quan trọng cho các nước đang vươn lên trong vùng, do đó ít ai dám trực diện thách thức Trung Quốc. Đối với giáo sư Thayer, « trong thực tế, nhiều quốc gia không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Họ hy vọng là chính Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ làm điều này ».

Tóm lại, thái độ lấn lướt của Trung Quốc, tại cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, đang
khiến cho Trung Quốc thất bại trong chiến lược nâng cao uy tín của mình trong khu vực và đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản.

Trọng Nghĩa

Nguồn rfi.fr
Đọc thêm :fooyoh.com - rfi.fr
- vietnamexodus -