Saturday, November 13, 2010

Giáo dục Việt Nam


Một thời sinh viên

Trích đoạn:

Đã một thời sinh viên Đại học Đà Lạt

...Trong những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, tôi nghiệm ra sau này là tinh thần đại học của miền Nam mang tính chất tự do, khai phóng và nhân bản. Tự do vì ở nơi ấy, sinh viên được suy nghĩ tìm hiểu một cách tự do và độc lập. Xin ghi lại đây một vài hồi tưởng của Nguyễn Trọng Văn về thầy Gaultier chứng tỏ sự tôn trọng tư duy độc lập như thế nào?(Hình phải:Tác giả Nguyễn Văn Lục)

Đề tài bài thi tuyển sinh viên vào ban Triết đại học năm ấy như sau, “Triết học là một thái độ luôn luôn đi trên đường (en route). Và vì thế những câu hỏi triết học thường quan trọng hơn những câu trả lời. Anh chị nghĩ gì về tư tưởng trên?”

Tôi không biết Nguyễn Trọng Văn đã viết gì trong bài triết trên. Chỉ biết rằng anh ta đã viết ngược với quan điểm của các triết gia hiện sinh thời bấy giờ. (Đặc biệt là Karl. Jaspers). Thầy Gaultier chính là người đã chấm bài của Nguyễn Trọng Văn và cho anh đỗ cao.

Trong giờ đầu tiên học thầy, thầy đã hỏi ai là tác giả bài thi và khi biết rồi có nói với Nguyễn Trọng Văn: Anh viết như thế là giữa tôi và anh không có chút quan điểm đồng thuận nào cả. Và bình thường, tôi có thể cho anh rớt, nhưng tôi tôn trọng quan điểm và cách lý luận của anh nên vẫn cho anh đậu.

Phải chăng đây là bài học vỡ lòng mà những người sinh viên vừa bước vào ngưỡng của môn triết học đã học được để làm vốn vào đời?

Khai phóng vì với tinh thần tự trị đại hoc, người sinh viên được học, được tham khảo tất cả các trào lưu triết học từ triết lý Nho giáo, Lão giáo, Ân Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo đến Triết học Marx–Hégel, vv…

Tôi đã có may mắn được “gặp”, trao đổi với tất cả các nhà minh triết ở trên. Họ đã giúp “khai phóng”, mở rộng tầm nhận thức của một người trẻ tuổi…

Cạnh đó, quyền tự trị đại học được tôn trọng một cách triệt để không có sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các giáo trình của các vị giáo sư. Quyền ấy có thể bị lấn áp, vi phạm trong phạm vi hành chánh, bổ dụng hay thăng trật. Nhưng ở nơi chốn tôn nghiêm của giảng đường đại học, các trào lưu tư tưởng triết học cổ như Trung cổ, cận đại và hiện đại đều có chỗ. Khổng Tử điềm đạm ngồi đối diện với Mác bàn về giải pháp Nhân trị hay Phát trị hay dùng bạo lực giải phóng? Lão tử đàm đạo với Thích Ca Mầu ni thế nào là con đường giải thoát? Vô vi hay diệt dục là giải pháp tối ưu?

Các triết gia, các vị minh triết trên thường được xếp vào thời kỳ trục (Période axiale, quan điểm của K. Jasper, không đứng ở quan điểm tôn giáo) như Thích ca, Lão Tử, Khổng tử và cuối cùng là Jesus. Họ không hẹn mà cũng nhau xuất hiện trong cùng một thời điểm như “cái trục thời gian” sáng chói nhất của lịch sử nhân loại.

Trong tinh thần khai phóng, người sinh viên được tiếp cận với tất cả những bậc minh trí vừa kể trên trong tư thế bình đẳng về phạm vi tư tưởng.


Nhưng cái điểm trổi bật nhất của tinh thần đại học miền Nam vẫn là ở chỗ tôn trọng con người, tôn trọng những giá trị tự do, giá trị chọn lựa cá nhân, giá trị đạo đức, giá trị tinh thần cũng như các giá trị tôn giáo.(Hình phải:Dại học Đà Lạt)

Nhìn theo viễn tượng đường dài của tương lai thì đây là những khẳng định khác biệt không chối cãi được giữa hai miền Nam Nam Bắc trước 1975 và sau 1975.

Chỉ tiếc rằng sau khi rời khỏi “khung trời đại học”, những chọn lựa cá nhân trong cái nhìn trách nhiệm về thời cuộc thì những người bạn cùng lớp như Nguyễn Trọng Văn, Dương Văn Ba, Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu, học sau một lớp) và cả những người như Lữ Phương, (bỏ triết để học Việt hán), Bùi Văn Nam Sơn đã có những lý do riêng để “chia tay ý thức hệ”.

Phải nói thêm rằng cái mối liên hệ giữa cầm phấn viết bảng và cầm bút rất là gần. Nhiều người trong anh em chúng tôi là những cây viết sáng giá.

Trong số những người bạn ấy có Nguyễn Xuân Hoàng cái gì cũng hơn tôi một bước. Trẻ hơn mà học trước tôi. Trông thấy ông ấy đi sánh đôi với một trong những người con gái đẹp nhất trường ngó mà thèm. Đẹp trai mà hào hoa, tôi thì lôi thôi, lếch thếch. Ông trở thành nhà văn rất sớm có tên mà chưa đợi tuổi. Còn tôi thì có tuổi mà chưa có tên.

Đến nỗi nhà văn Uyên Thao khi phải giới thiệu cuốn sách: Hai mươi năm miền Nam không biết phải gọi NVL là gì? Nhà văn không phải, sử học cũng không, phê bình văn học cũng không.

Có lẽ cái danh xưng đúng nhất thì tôi là người cầm bút muộn.

Một điều an ủi nhất là tuyệt đại đa số những bạn bè khác như Hồ Công Hưng, Hồ Công Danh, Vĩnh Đễ, Nguyễn Đồng, Tô Văn Lai, Huỳnh Phan Anh, Phạm Phú Minh, chị Phi Loan (phu nhân nhà văn Sơn Tùng đã quá vãng) và hằng trăm người khác thì tự chọn chỗ đứng trong hàng ngũ những người chống lại những người cộng sản.

Những thứ triết lý nhân bản mà chúng tôi đã được tiếp thu, làm sao anh em bạn bè có thể xếp hàng trong hàng ngũ những người cộng sản?

Và đến một lúc nào đó tình bạn bị sứt mẻ vì chính kiến bất đồng. Trong một bữa ăn họp mặt năm 2005 đầu 2006, tại Sài Gòn. Một người bạn đã nhân cơ hội này đứng lên vạch mặt một người bạn khác hài cái tội “gài bẫy” anh em.

Bữa ăn họp mặt đó tưởng đã đủ là một bài học cho ai đó. Vậy mà bằng một lý do tiềm ẩn nào sau đó, Nguyễn Trọng Văn bắn phát súng lệnh mở màn phê phán nặng nề thày cũ của mình.

Tôi đã buộc lòng viết những bài báo đáp trả nặng nề lại Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương. Hầu như không có phản hồi. Ngưng bắn.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là một bổn phận người cầm bút miền Nam. Và cái tội danh ấy gây ra mâu thuẫn đối đầu giữa bạn bè cuối cùng phải nhìn thấy nguyên do là ở chính quyền cộng sản.

Cộng sản đã phá nát tất cả mọi giá trị con người trong đó có tình thầy trò, tình bạn và tình người.

Hóa cho nên, học cùng một trường, cùng một lề lối đào tạo mà tiêu chí của đại học là tinh thần tự do tư duy và tinh thần nhân bản trong sự tôn trọng con người chưa đủ để nối kết chúng tôi lại. Thời thế gay go, hoàn cảnh chính trị khuynh đảo đã là nguyên cớ tách rẽ một vài người bạn trở thành những kẻ đối đầu. Như Lê Mạnh Thát mang án trọng tội tử hình một lúc nào đó đổi chiều trở thành “người của thời thế” làm trung gian giữa thế quyền và thần quyền để rồi cũng mai danh, ẩn tích?

Nhưng trong buổi họp tháng bảy vừa qua, tại California với một số bạn bè cùng trường Đà Lạt, chúng tôi đã chẳng hề nhắc tên những người bạn ấy.

Tình bạn bè vẫn là yếu tố chính nối kết nối con người mà những nhân tố khác như chính trị tạm thời được “để trong ngoặc” hay đi chỗ khác chơi.

Vì thế chúng tôi chỉ nhắc lại những kỷ niệm vui buồn thời tuổi trẻ để mà cười như vỡ nhà.

Câu chuyện được kể lại và làm mọi người thích thú của Tô Văn Lai (Paris by night) kể là vào khoảng tháng 11, 12 gì đó, vào lúc gần nửa đêm, chẳng hiểu tại sao Tô Văn Lai thách: đứa nào bơi qua được hồ Hồ Xuân Hương với một tay thôi thì TVL mất cái Radio–Cassette. Trong lớp lúc ấy có ba Minh thì Minh “heo” nhận lời. Nửa đêm, sinh viên học xá ùn ùn kéo nhau chạy ra hồ để coi.

Phần tôi cũng choàng vội cái áo nhà binh 4 túi như thường lệ chạy theo ra coi. Đêm tối, trời lạnh quả là một lũ điên khùng mới làm như vậy… mọi người lo lắng hồi hộp theo dõi bóng của Minh. Đến giữa hồ, Minh heo sợ kêu to: cứu tôi với, cứu tôi với... Nhiều tiếng hét từ trên bờ kêu hắn quay trở lại, bơi vào bờ. Nguyễn Trọng Văn cũng to và mập cởi quần áo bơi hộ tống. Phần Minh, kêu thì vẫn kêu, nhưng anh ta vẫn cứ thế với chỉ một tay bơi vào bờ bên kia bằng mọi giá để chiếm cái Radio, một vật sở hữu không phải ai cũng có.

Nghĩ lại Tô Văn Lai nói, tại sao mình lại ngu thế: Nhỡ hắn bị syncope, cứng đơ chết đuối thì mình mang tội giết người mà nếu hắn bơi được vào bờ thì tư nhiên mình mất cái Radio! Khùng ơi là khùng! Cả thằng thách đố lẫn thằng nhận thách đố đều khùng.

Phải chăng đó là cái làm nên tuổi trẻ chúng tôi – những nghịch phá ngây ngô và khờ dại...

Đọc hết toàn bài : Một thời sinh viên

Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVonline