Cần đổi luật chơi trên Biển Ðông
Sau bài viết về cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình với Obama ở California, một người Việt sống ở Ðức đã góp ý kiến. Ông Âu Dương Thệ, nhà nghiên cứu chính trị, đồng ý rằng hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể vì vùng Biển Ðông mà gây chiến với nhau; tuy nhiên, số phận dân tộc Việt Nam sẽ không nhờ thế mà được yên ổn.
Ông Âu Dương Thệ nhắc lại lời Tập Cận Bình nói rằng “biển Ðông đủ rộng cho hai nước;” ngầm hiểu là Bắc Kinh sẵn sàng chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Nhưng chính quyền Trung Cộng vẫn luôn nhấn mạnh rằng vùng “Chín đoạn” gồm cả biển Ðông của nước ta thuộc “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc,” không khác gì Ðài Loan và Tây Tạng. Suy ra, sách lược của Tập Cận Bình là: Không trực tiếp đối đầu với Mỹ nhưng sẽ tìm cách để Mỹ không thể can thiệp vào “quyền lợi cốt lõi” của họ.
Bắc Kinh phải làm gì để đạt được cả hai điều kiện, vừa đóng vai chủ nhân ông khai thác vùng “lưỡi bò,” vừa không “gây rắc rối” để Mỹ lấy cớ can thiệp? Tiến Sĩ Âu Dương Thệ, như nhiều người quan sát khác, đều thấy rằng sách lược tốt nhất của họ là làm sao tóm được cả nhóm người cầm quyền ở Việt Nam, bỏ vào trong túi! Nằm trong túi, phải giữ im lặng, không bao giờ gây ồn ào dù bị lấn ép.
Hiện nay mỗi lần Trung Cộng lấn bước, chính quyền cộng sản ở Việt Nam cũng được gửi văn thư lên tiếng phản đối, nhưng họ phải nói trong khuôn khổ “quan hệ song phương.” Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang luôn luôn theo đúng đường lối song phương này, được quy định bằng “16 chữ vàng.” Chấp nhận giải quyết các bất đồng bằng đối thoại song phương, nghĩa là chỉ được nói chuyện như các “đồng chí, anh em,” giữa hai đảng cộng sản, giữa hai chính quyền cộng sản. Họ không được phép nêu các bất đồng trước các hội nghị quốc tế, cũng không được thưa kiện ra các tòa án quốc tế khi có tranh chấp về chủ quyền. Giống như trong một gia đình mà người chồng vũ phu đánh vợ thường xuyên, nhưng lối xóm không thể nào can thiệp vì người vợ lúc nào cũng chỉ nhỏ nhẹ năn nỉ chồng xin tha, mà không bao giờ lớn tiếng kêu cứu!
Chúng ta biết rằng năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã nộp đơn thưa kiện việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa ngay sau khi hải quân ta không đủ sức giữ. Ðảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ làm một hành động tương tự, dù Trung Cộng đã chiếm đất, chiếm đảo, và lấn áp nhiều lần.
Khi đã ràng buộc được chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong quy tắc “song phương” này, Bắc Kinh không phải lo có nước khác cản trở việc xâm chiếm Biển Ðông theo lối tằm ăn dâu của họ. Chiến thuật của Trung Cộng là đặt cả thế giới trước một chuỗi những “sự kiện đã rồi.” Mỗi tuần, mỗi tháng, họ lấn thêm một bước bằng các hành động lấn áp. Mỗi sự kiện đã rồi này đánh dấu một bước thắng lợi của họ, thắng thế trên thực tế hoặc trên danh nghĩa. Họ tiếp tục tiến từng bước một trên con đường bành trướng từ năm 1974 đến nay, đặt thế giới trước cảnh “ván đã đóng thuyền.” Năm 1988 họ chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa, mở đường cho Mã Lai Á bắt chước. Trong hai chục năm qua, hải thuyền của họ lấn áp, cướp bóc, giết hại các ngư dân Việt Nam. Họ đưa tầu chiến hộ tống ngư dân Trung Quốc vào vùng biển này. Họ đặt ra đơn vị hành chánh Tam Sa để chính thức hóa việc chiếm đoạt Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Họ lập sân bay, tổ chức du lịch trên các đảo đã chiếm. Họ ngăn cấm các hãng khai thác dầu khí không được cộng tác với Việt Nam. Họ tấn công các thuyền đánh cá để dần dần ngư phủ Việt Nam chán nản không dám lái thuyền vào những vùng bị họ cấm đoán.
Khi Trung Cộng tiếp tục lấn dần, lấn dần mà chính quyền Việt Nam không công khai phản đối trước mặt thế giới, cũng không lên tiếng trong các hội nghị, không nạp đơn kiện ra tòa án quốc tế (như Phi Luật Tân đã làm), thì các nước khác trong vùng, kể cả nước Mỹ, không có lý do nào để can thiệp. Như vậy là Bắc Kinh có thể đạt được hai mục tiêu một lúc: Lấn chiếm Biển Ðông mà không gây tranh chấp với Mỹ, vẫn mặc nhiên công nhận Mỹ là một đấu thủ có mặt trong sân chơi Ðông Nam Á.
Trong cuộc chơi lớn trong vùng này, nhu cầu chiến lược của Trung Cộng là gì? Trước hết, họ cần bảo vệ con đường thông thương qua Eo biển Malacca, giữa Singapore và Indonesia. Dầu khí và nguyên liệu cung cấp cho nền kinh tế Trung Quốc tùy thuộc con đường huyết mạch này. Trung Cộng không thể bỏ qua bài học lịch sử Ðại Chiến Thứ Hai. Năm 1941 Nhật Bản phải tấn công xuống Ðông Nam Á; do đó phải gây chiến với Mỹ, cũng vì con đường tiếp tế này bị Anh, Mỹ ngăn cản. Ðầu năm 1944 quân đội Nhật Bản bắt đầu thua trận, cũng vì tất cả các tầu chở nguyên liệu và dầu khí qua đây bị chặn lại. Gia tăng các căn cứ hải quân trong vùng là một bảo đảm nguồn tiếp liệu cho kinh tế Trung Cộng.
Nhưng các cường quốc Ðông Bắc Á như Nhật Bản, Nam Hàn, cũng đều cần con đường biển qua vùng Ðông Nam Á, tại sao không nước nào bày những trò lấn áp hung hãn như Trung Cộng đã thi hành đối với Việt Nam? Vì các nước trên không sợ họ bị Mỹ ngăn cản. Họ đều là đồng minh của Mỹ, trong khi Trung Cộng vẫn coi Mỹ là một đối thủ, từ sau cuộc chiến tranh Cao Ly năm 1950. Giữa Mỹ và Trung Cộng còn một mâu thuẫn lâu dài là Ðài Loan. Ðể củng cố sức mạnh trước khi phải đối đầu trực tiếp với Mỹ, có thể trong thế kỷ tới, Trung Cộng sẽ bành trướng trong vùng Ðông Nam Á, dùng đó làm một nơi thử thách. Vừa để thăm dò phản ứng của Mỹ, Ấn Ðộ, vừa đe dọa các đồng minh của Mỹ trong vùng này. Hơn nữa, trong cuộc chơi lớn này, Trung Cộng có thể dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm các chiến thuật lấn lướt, ép buộc, xâm chiếm, trước khi đem thử áp dụng với các nước Ðông Nam Á khác. Họ đã thử một lần, với Phi Lật Tân, áp dụng các chiến thuật đã dùng ở Việt Nam.
Nếu Việt Nam bị khuất phục thì kế hoạch bành trướng của Trung Cộng trong cả vùng Ðông Nam Á sẽ thành công hơn một nửa. Kinh nghiệm từ năm 1974, 1988, cho họ thấy là đối với Việt Nam thì cứ tiến tới, mỗi bước tiến thêm thì chân họ càng vững chơn. Họ không cần một chính quyền Việt Nam “thân Trung Quốc,” vì chỉ cần người “thân” khi đối xử ngang hàng với nhau. Ðối với Trung Cộng thì ở Việt Nam chỉ cần có những người đó “sợ” họ là đủ. Mỗi lần bị Trung Cộng “nắn gân,” cho tới nay Cộng Sản Việt Nam đều cắn răng nhịn nhục, như Phạm Văn Ðồng (1958), Nguyễn Văn Linh (1992) đã làm. Các kinh nghiệm đó khiến cho Trung Cộng khinh thường, sẵn sàng dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm các hành động xâm lấn, trước khi áp dụng cho các nước khác trong vùng.
Một lý do khác khiến Trung Cộng muốn kiểm soát vùng Lưỡi Bò, Cửu Ðoạn Tuyến, là họ tin rằng chung quanh quần đảo Trường Sa có nhiều mỏ dầu khí. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, trong vùng Biển Ðông số lượng dự trữ dầu khoảng bảy tỷ thùng, nhiều lắm là 20 tỷ; tương đương với số dầu dự trữ của Trung Quốc bây giờ. Nhưng các nhà khảo sát Trung Quốc lại đoán rằng trữ lượng dầu trong vùng phải lớn gấp mười lần, tới 200 tỷ thùng; con số lớn hơn số dự trự của Canada (175 tỷ) và gấp đôi Kuwait. Do đó, họ tin là nếu khai thác được cả vùng lưỡi bò thì số dầu sản xuất ở đây, đại đa số trong quần đảo Trường Sa; mỗi năm có thể cung cấp một phần tư nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, trong hàng thế kỷ nữa. Hiện Việt Nam vẫn kiểm soát nhiều hòn đảo nhất trong vùng Trường Sa. Vì thế, lấn áp được Việt Nam thì sẽ dần dần chiếm được quyền khai thác tài nguyên dầu khí trong cả vùng.
Ðối với nước Mỹ, quốc gia nào làm chủ các mỏ dầu khí trong vùng này cũng không quan trọng. Họ chỉ cần bảo đảm tất cả đều cùng theo luật chơi kinh tế, tức là tự do trao đổi, tự do ký hợp đồng, tự do cạnh tranh. Trong 30 năm nữa, nước Mỹ sẽ không còn lệ thuộc vào dầu lửa như hiện nay, vì các nguồn năng lượng mới đang được tìm tòi, khai phá, trên khắp cả thế giới. Và trong tương lai ngay các xe hơi cũng sẽ không lệ thuộc máy chạy bằng xăng nữa. Nhưng dù nước nào làm chủ các mỏ dầu, dù công ty nào trúng thầu khai thác mỏ, thì cho tới nước Mỹ vẫn đứng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho công nghiệp dầu khí; mà trong tương lai chắc cũng khó nước nào theo kịp. Cho nên nước Mỹ có thể cứ khoanh tay đứng ngoài các cuộc tranh chấp ở Biển Ðông.
Cuối cùng, chỉ có người Việt Nam phải lo bảo vệ các quyền lợi của mình trong vùng Biển Ðông. Mà cho tới nay, người Việt thấy rõ ràng mình đang bị thiệt thòi.
Cho nên, tất cả mọi người Việt Nam đều thấy đã tới lúc quan hệ giữa nước mình và Cộng Sản Trung Hoa phải thay đổi. Phải đổi luật chơi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng thay đổi như thế nào? Làm sao để Trung Cộng phải chấp nhận thay đổi? Chúng ta có thể theo gương một nước, là Miến Ðiện. Miến Ðiện cũng từng theo một thứ chủ nghĩa xã hội, từng đóng vai một chư hầu của Cộng Sản Trung Hoa trong gần hai thế hệ. Bây giờ, họ giao thiệp theo các quy tắc mới. Mà Cộng Sản Trung Hoa vẫn phải chấp nhận. Chúng ta sẽ xem Miến Ðiện thay đổi luật chơi như thế nào.
Ngô Nhân Dụng