Thursday, October 31, 2013

Quốc Ca VN

Lần đầu hát lại Quốc Ca
 
Video : DunglenviVN

 Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai Quốc dân, cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền
...
Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá
Vẻ vang nòi giống
Xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng 
 
 “Quốc ca Việt Nam” là bài nhạc mở đầu cho một cuốn băng những bản hùng ca thời chiến. Tôi thường tìm đến băng nhạc này mỗi khi lòng xôn xao nhớ về quê hương và những ngày xưa yêu dấu.  Trong lời ca điệu nhạc đầy hùng khí như vẫn còn vang dội những bước chân hiên ngang, nhịp nhàng, dáng vấp kiêu hùng, của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng của thời đại chúng tôi.  Băng nhạc này do một cựu Đại tá Việt Nam Cộng Hoà đã tìm thâu lại những bản nhạc của Cục Chính Huấn và gửi tặng, khi ông biết tôi rất nhớ những bản hùng ca ngày cũ.  Đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn giữ gìn nó như một món quà quí, và đã sang lại thêm băng thứ hai để cất giữ, phòng khi băng hư hoặc lạc mất.

Sống trên quê hương mới, thỉnh thoảng đi dự những buổi lễ hay những buổi họp mặt cộng đồng của người Việt, tôi có dịp hát lại bài Quốc Ca Việt Nam.  Mỗi lần cất tiếng hát, trong cảnh trang nghiêm của lá cờ vàng ba sọc đỏ, lòng tôi lại rưng niềm cảm xúc.  Bài hát này tôi đã hát biết bao lần, dưới lá cờ thiêng liêng trên đất nước mình, từ thuở bé thơ khi chưa hiểu đủ nghĩa lời ca, cho đến dài theo tháng năm của tuổi lớn lên, vào đời, mà mỗi khi hát, nghe mỗi lời ca rộn ràng xao động từ trong tâm thức.  Từ khi Sài Gòn bị đổi tên, bài Quốc Ca Việt Nam không còn được hát nữa.  Gần mười năm sau cuộc đổi đời, với bao cố gắng miệt mài theo đuổi mục đích chính của mình, cuối cùng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do.  Và nơi đây, trong trại tị nạn trên đất Thái, lần đầu tôi đã hát lại bài quốc ca Việt Nam dưới lá cờ vàng với những dòng nước mắt trong niềm cảm xúc dạt dào.

Rồi cái ngày mà chúng tôi trông đợi cũng đã đến.  Mười giờ sáng, tất cả khoảng chín mươi người, đươc tập trung lại, hàng một, nối đuôi nhau đứng dài sau cổng trại.  Đây là trại chuyển tiếp thứ hai của nhóm chúng tôi, nơi dành cho những người vượt biển, đã không may tắp vào đất Thái.  Nắng tháng ba trong vắt, sóng biển nhấp nhô theo làn gió nhẹ, mây trời cùng sóng nước xanh ngắt một màu.  Mặt biển SongKhla sáng nay mang đầy vẻ bình yên, hiền hòa, không mang sắc nét của biển trong những ngày thiên nhiên giao động, trở mình.  Nhưng cũng đâu biết được, có thể bên sâu dưới mặt nước êm đềm kia, đang có những đợt sóng ngầm mạnh mẽ, chờ đợi thời khắc để thả tung niềm phẩn nộ.

Trên bờ biển này, nơi tảng đá kia, hơn một tháng nay, tôi vẫn thường ngồi đó, chờ mặt trời lên mỗi sớm mai, ngắm buổi chiều tàn khi vầng dương dần chìm bên kia đỉnh núi.  Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi trong những ngày dài chờ đợi nơi đây.  Lòng chợt nghe bùi ngùi cảm xúc, khi nghĩ đến lúc phải chia tay với nơi chốn tạm dừng chân này, dù chỉ hơn một tháng trời ngắn ngủi.
           
 Hai nhân viên người Thái, súng lủng lẳng bên hông, cẩn thận kiểm điểm lại số người, ra hiệu cho chúng tôi tiến về bốn chiếc xe GMC chờ sẳn.  Tôi đảo mắt thêm một vòng, ngắm vội thêm phút cuối cái đẹp thơ mộng trên bờ biển này, một trại chuyển tiếp trên bước đường tị nạn của tôi.  Xa xa, mấy thân dừa lả ngọn, đong đưa những cành lá xanh mướt như vẫy chào chia biệt.
Chỗ ngồi đã ổn định, tấm bạt sau xe được kéo xuống, đoàn xe chuyển bánh.  Ngồi trong chiếc xe phủ kín khiến tôi liên tưởng đến những đoàn xe GMC, Motovah, tải đưa những người lính thất trận của Việt Nam Cộng Hoà, di chuyển đến các trại tù trên quê hương mình sau khi nước nhà thống nhất. 

Xe chạy khá lâu, dằn xốc trên những đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, chợt giảm tốc độ, chậm lại rồi dừng hẳn.  Bốn nhân viên Thái có nhiệm vụ chuyển người, nhảy xuống trước.  Họ nói chuyện lao xao bằng ngôn ngữ riêng.  Chừng mười lăm phút sau, tấm bạt phủ sau xe được kéo lên.  Chúng tôi lần lượt xuống xe, xếp hàng một, trước một cổng sắt thật lớn.  Thủ tục giao và nhận người vừa xong thì trời đã xế chiều nên chúng tôi không có dịp nhìn ngắm cảnh vật chung quanh.  Tuy nhiên quang cảnh con đường mòn vắng vẻ dẫn vào đây cho thấy sự biệt lập của nơi chốn này.  Chúng tôi lần lượt đi qua chiếc cổng.  Sự kiên cố và lớn lao của nó gây cho tôi cái cảm giác sợ hãi về đời sống tù nhân và sự giam cầm.  

 Ánh sáng đầu ngày đánh thức mọi người.  Sau khoảng ba tiếng đồng hồ chợp mắt, tôi đã nghe mình tỉnh táo hơn.  Người đại diện khu nhà tôi ở, đến dặn dò chỉ dẫn về giờ giấc và những sinh hoạt trong ngày.  Buổi sáng trước giờ chào cờ là thì giờ cho mọi người quét dọn, làm vệ sinh quanh trại.  Mỗi ngày hai buổi, 8 giờ sáng và 5 giờ chiều, cả trại phải đứng xếp hàng trước khu nhà của mình để chào cờ Thái.  Loa phóng thanh kêu gọi tập họp chào cờ trước mười lăm phút.  Nhân viên Thái giữ trật tự trại có nhiệm vụ tuần tra, với chiếc roi trên tay, đi kiểm soát quanh các dãy nhà, nơi vệ-sinh  v.v... Thật không may cho những ai bị bắt gặp còn lảng vảng đâu đó trong giờ này.  Trong giờ khắc chuẩn bị chào cờ, nhìn sự trống vắng trên các con đường đi lại, sự yên lặng hoàn toàn trong sân, từng dãy người xếp ngay hàng thẳng lối, người ta có thể liên tưởng đến cái kỷ luật ở sân trường quân đội.  Tôi đã nghe kể lại nhiều câu chuyện và cũng đã chứng kiến nhiều hình phạt của những trường hợp vi phạm kỷ luật trại tại đây.  Hình phạt được áp dụng như cạo đầu, treo tay, cho đứng ngoài nắng đến ngất xỉu, bị quất bằng roi cá đuối, v..v.. .  Tôi thấy thương và nghe xót xa cho thân phận người mình.  Những người đến được nơi này, bằng những con tàu mỏng manh trên biển cả, hay bằng đôi chân máu chảy lặn lội qua bao cánh rừng sâu, họ đã trải qua biết bao hiểm nguy, đối diện với sống chết, đói khát, cướp bóc và hãm hiếp.  Giờ đây họ còn bị người Thái đối xử như tù nhân trong các trại tị nạn khốn khổ này.  Còn những gian nan nào nữa tôi chưa đươc biết của gần hai triệu người dân Việt đã xả thân đi tìm TỰ DO ?!!.  Ôi dân tộc tôi, những người dân khốn khổ của một nước nhược tiểu, đã phải chiến đấu triền miên với đói nghèo, chiến tranh và tang tóc.  Giờ đây khi nước nhà thống nhất, người dân tôi không được hưởng thái bình.  Chúng tôi đang phải tuôn ra biển, trốn vào rừng sâu, đi vào cái chết để tìm sự sống, một đời sống tự do, nhân bản. 

Trong thời gian trại đóng cửa, không nhận thêm người, cũng không giải quyết cho người đi, dân tị nạn biết mình sẽ phải ở đây lâu nên đã tranh đấu xin mở trường ốc trong trại, để con em họ có nơi chốn học hành.  Nhóm đại diện trại đã bằng nhiều cách, thuyết phục được vị trưởng trại về đề nghị này, và ngôi trường đã được thành hình vài năm trước.  Trường mở rộng thêm lớp, đủ cho hai buổi sáng chiều.  Sau vài ngày nhập trại, biết được có trường sở, tôi đã liên lac với người có trách nhiệm để xin một chân dạy thiện nguyện.  Hai tuần lễ sau, tôi được thông báo đến nhận lớp.  Trường lớp được xây cất đơn sơ với cột kèo bằng tre, lá.  Giờ chào cờ sáng chiều của trường cũng cùng giờ chào cờ của trại.  Tôi xúc động biết bao khi biết được mỗi ngày thứ hai, sau phần chào cờ Thái còn có thêm phần chào cờ Việt.  Được kể trước đây, nhóm đại diện trường phối hợp với đại diện trại của người mình, đã khổ công tranh đấu với người Thái ở đây, để xin được phần danh dự chào lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà trong trường học.  Đây là một thành tích đáng kể của cộng đồng người Việt tị nạn của trại trong thời điểm này.

Trong sân trường của trại tị nạn Sikiew, buổi sáng tháng tư, nắng trong vàng màu lụa mới, mang đầy nét bình yên của một nơi chốn không chiến tranh.  Trên hai trụ cờ, lá cờ của đất nước Thái và lá cờ vàng ba sọc của VNCH đang nhẹ bay trong gió.  Nhìn lá cờ với màu sắc thân quen ngày nào đang tung bay trên một đất nước không phải là quê hương mình, tôi bỗng nghe lòng mình nao nao sóng vỡ.  Trên lá cờ như ẩn hiện những hình ảnh của một chiến trường đẫm máu, thân thể những người lính ngã gục với những vết thương máu chưa kịp chảy.  Hình ảnh những người lính, âm thầm, từng đêm, tay ghì súng, mắt không rời bóng tối, để giữ gìn từng tấc đất cho quê hương.  Đâu đây như có tiếng kèn tử sĩ thê lương, bên hình ảnh người quả phụ, đầu phủ tang trắng bên mộ huyệt, đưa tay nhận lá cờ được xếp lại ngay ngắn từ nắp quan tài của người chồng vừa tử trận. Và đứa trẻ thơ đầu chít khăn tang, ngơ ngác nhìn chiếc quan tài đựng xác người cha, đang từ từ được phủ đầy đất mà chưa đủ trí khôn để hỏi tại sao!!.  Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh những người lính trận, mặt đầy hào khí, đang dựng lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng-Trị năm nào khi vùng đất nầy được tái chiếm.  Như đâu đây vẫn còn âm vọng bi thương của những tiếng đạn cuối cùng từ những đứa con tổ quốc, chọn cái chết bên cạnh lá cờ, trong lòng đất mẹ trước cơn hồng thuỷ.  Biết bao xương máu đã đổ ra, biết bao hệ luỵ kéo theo, biết bao cuộc đời đã nằm xuống để giữ vững màu cờ, sao giờ đây lá cờ đang tung bay ở một nơi chốn không phải trên quê hương đất mẹ!!!.

Bài quốc ca Thái từ loa phóng thanh vừa dứt.  Một giọng ca cất lên bắt nhịp cho bài quốc ca Việt Nam:
 “Nầy công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi….”. 

Tôi cất giọng hát lớn theo.  Những lời ca bỗng trở nên quá thân thương, quá ngọt ngào, quá hùng tráng!. Những lời ca đang trên môi miệng tôi bỗng trở nên ấm, nồng.  Cảm xúc trong tôi chợt dâng lên, oà vỡ, thành những giòng lệ chảy dài trên môi má.  Ôi những lời ca mà tôi tưởng chừng không bao giờ được hát nữa!.  Trong tôi man mác cái cảm giác của sự trở về, gặp lại người thân đã ngỡ như xa rời vĩnh viễn.  Tôi nghe mình nấc lên theo tiếng ca, tiếng nấc tức tưởi trong trạng thái vui mừng lẫn tủi thân của một trẻ thơ lạc mẹ vừa được tìm về.  Nhìn màu sắc thân quen của màu cờ, tôi nghe lại một chút an ổn và niềm hy vọng. Trên đường lưu vong lạc loài nơi đất khách, tôi đã mang theo được trong tôi cả cái quê hương khốn khổ tội tình.  Hồn thiêng sông núi, anh linh của những người đã nằm xuống cho hai chữ TỰ DO, như đang quyện lấy chúng tôi và lá cờ vàng ba sọc đang tung bay ngạo nghễ. 

Quốc ca quyện lấy cờ vàng
Đường lưu vong vẫn ngập tràn hồn quê

Vương Hồng-Ngọc
@internet

Wednesday, October 30, 2013

Buddhism

Những Tên Trộm Trong Tâm Bạn

Mục đích của thiền là nắm sự vật lên và đưa vào phòng thử nghiệm để rõ thực chất của chúng. Chẳng hạn, khi nhìn hình dáng của một vật ta thấy nó xinh đẹp, trong khi đó Ðức Phật dạy chúng ta nó là bất tịnh, vô thường, và chất chứa đau khổ. Vậy quan niệm nào đúng theo chân lý?
 
Chúng ta như du khách đến viếng một xứ lạ. Không hiểu ngôn ngữ bản xứ nên chúng ta chẳng thấy thú vị. Nhưng một khi đã học nói, học nghe ta có thể cười và nói đùa với người bản xứ.
 
Quan điểm thông thường cho rằng những yếu tố của đời sống chúng ta - bắt đầu với cơ thể -- là ổn cố. Một đưa bé chơi bong bóng. Quả bóng vướng phải gai hay một vật nhọn và bị nổ tung; cậu bé khóc lóc tiếc nuối. Một cậu bé khác, khôn ngoan hơn, biết rằng bong bóng rất dễ vỡ nên không buồn rầu khi bong bóng vỡ. Con người đi vào cuộc sống như kẻ mù. Họ quên cái chết như người tham ăn, ngốn vào bụng thật nhiều thức ăn khoái khẩu mà chẳng nghĩ đến rằng mình phải bài tiết. Ðến khi đau bụng, vì không dự định trước, nên chẳng biết phải chạy đi đâu.
 
Thế gian đầy hiểm nguy -- hiểm nguy từ những yếu tố của cuộc sống, hiểm nguy từ những tên trộm. Trong chùa chiền cũng có những mối hiểm nguy như vậy. Ðức Phật dạy chúng ta truy tầm những mối nguy hiểm này và đặt tên "Bhikkhu" (Tỳ khưu) cho người xuất gia. Bhikkhu có hai nghĩa: người đi xin, và người thấy được hiểm nguy tham ái, trong luân hồi. Chúng sanh đầy tham lam, sân hận, si mê. Bị ba loại phiền não này chế ngự nên họ phải nhận lấy quả, gia tăng thói xấu, tạo thêm nghiệp, và lại bị ngã quị trước phiền não.
 
Tại sao không thể loại bỏ tham, sân, si? Nếu bạn có tư tưởng xấu, bạn sẽ đau khổ. Nếu bạn có sự hiểu biết đúng bạn có thể chấm dứt khổ đau.
 
Phải biết hiệu lực và sự tác động của nghiệp, của nhân và quả. Dính mắc vào khoái lạc sẽ nhận lấy quả khổ. Ăn quá độ thức ăn ngon thì dạ dày và ruột sẽ phản ứng và bạn sẽ nhận lấy hậu quả sau đó. Bạn vui mừng khi lấy trộm của ai vật gì; nhưng sau đó cảnh sát sẽ còng tay bạn. Khi quan sát theo dõi; bạn sẽ biết cách hành động, sẽ biết cách chấm dứt sự nắm giữ và phiền muộn. Ðức Phật thấy được điều này nên cương quyết thoát khỏi mọi hiểm nguy thực sự của thế gian.
 
Muốn thoát khỏi mối hiểm nguy của thế gian này phải chế ngự những mối nguy hiểm bên trong chúng ta. Hiểm nguy bên ngoài không đáng sợ bằng hiểm nguy bên trong. Những hiểm nguy bên trong gồm có: Gió, lửa, nước và những tên trộm.
 
Gió: Gió đến từ giác quan của chúng ta, thúc ép tham lam, sân hận và si mê khởi dậy, hủy diệt phần bên trong tốt đẹp của chúng ta. Thông thường chúng ta chỉ thấy gió khi gió thổi lá cây, không thấy được gió của giác quan. Gió giác quan này nếu không được theo dõi sẽ gây ra bão tố tham muốn.
 
Lửa: Chùa chúng ta có thể chẳng bao giờ bị hỏa hoạn. Nhưng tham lam, sân hận, si mê đốt cháy chúng ta luôn khi. Tham ái và sân hận khiến chúng ta có ngôn ngữ sai lầm. Si mê khiến chúng ta thấy thiện ra ác, ác ra thiện, xấu thành tốt, không có giá trị thành có giá trị. Những người không hành thiền thì không thấy được nên bị lửa đốt cháy.
 
Nước: Mối hiểm nguy ở đây là lũ lụt phiền não trong tâm chúng ta, nhận chìm bản tánh thực sự của chúng ta.
 
Trộm: Những tên trộm chính tông không ở ngoài chúng ta. Chùa chúng ta trong vòng hai mươi năm nay chỉ bị trộm một lần. Nhưng năm nhóm đạo chích của tham ái, ngũ uẩn, đã luôn luôn trộm cắp, đánh đập ta, hành hạ ta đủ điều.
 
Năm uẩn này gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức.
 
1) Sắc: (hay thân) Là mồi của bệnh hoạn và đau nhức. Khi nó không hợp với ý muốn của chúng ta, chúng ta sẽ sân hận và phiền muộn. Không hiểu được bản chất già và bản chất suy tàn của cơ thể nên chúng ta bị đau khổ. Chúng ta cảm thấy bị lôi cuốn bởi cơ thể kẻ khác hay có ác cảm với cơ thể họ là ta đã bị cướp mất sự an lạc thật sự.
 
2) Thọ: (hay cảm giác) Khi đau nhức hay thích thú phát sinh chúng ta quên rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta đồng hóa mình với những xúc động của mình và như vậy là chúng ta bị hành hạ bởi sự hiểu biết sai lầm của chúng ta.
 
3) Tưởng (trí nhớ hay tri giác) Ðồng hóa mình với những gì mình ý thức và nhớ tưởng đến chuyện đã qua khiến tham, sân, si phát sinh. Sự hiểu biết sai lầm của chúng ta trở thành thói quen chất chứa trong tiềm thức chúng ta.
 
4) Hành: (tác ý, chủ ý và những yếu tố khác của tâm) Không hiểu rõ bản chất của các trạng thái tâm (tâm sở), chúng ta phản ứng, suy nghĩ và cảm giác, yêu ghét, hạnh phúc và phiền muộn phát sanh. Quên rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã nên chúng ta dính mắc vào chúng.
 
5) Thức: Chúng ta chấp giữ các hiểu biết về bốn uẩn kia. Chúng ta nghĩ rằng: "Tôi biết, tôi là, tôi cảm thấy" và bị giới hạn bởi ảo tưởng về tự ngã, về sự phân ly giữa năm uẩn cho rằng Thức chính là Tự ngã.
Tất cả những tên trộm ấy - sự hiểu biết sai lầm - đưa ta đến hành động sai lầm. Ðức Phật không có ham muốn điều này. Ngài thấy không thể tìm được chân hạnh phúc ở đây. Thế nên Ngài đã ban danh từ "Bhikkhu" cho những ai thấy được mối hiểm nguy và tìm đường tránh thoát.
 
Ðức Phật dạy chư tăng bản chất của năm uẩn và cách buông bỏ chúng. Không dính mắc vào chúng, không xem chúng là ta hay của ta. Khi hiểu bản chất của chúng, chúng ta sẽ thấy chúng có tiềm năng làm hại lớn lao, có giá trị lớn lao, chúng không biến mất nhưng chúng ta không còn nắm giữ chúng như riêng của mình nữa.
 
Sau khi thành đạo, Ðức Phật vẫn còn có thân bệnh, có cảm giác đau khổ hay khoái lạc, có trí nhớ, có suy nghĩ, có tâm. Nhưng Ngài không dính mắc vào chúng, xem chúng là tự ngã, là ta, là của ta. Ngài biết, Ngài hiểu chúng đúng theo bản chất của chúng. Cái hiểu biết đó cũng không phải là ta, không phải là tự ngã.
Tách rời ngũ uẩn khỏi phiền não và tham ái chẳng khác nào phát quang những bụi cây nhỏ trong rừng mà không làm hại đến cây lớn. Chỉ có sự sinh và diệt tồn tại, phiền não không còn chỗ đứng. Chúng ta sinh ra và bị chết đi với ngũ uẩn. Ngũ uẩn đến và đi theo bản chất tự nhiên của chúng.
 
Khi có ai nguyền rủa ta, và nếu ta không có cảm giác về tự ngã, thì chuyện xảy ra chấm dứt theo với lời nói và ta không đau khổ. Nếu cảm giác không vừa lòng phát sinh, hãy chấm dứt chúng ngay tại chỗ và hiểu rằng cảm giác không phải là chúng ta.
"Nó hại tôi, nó quấy rầy tôi, nó là kẻ thù của tôi", một vị tỳ khưu không nghĩ như thế. Vị tỳ khưu cũng không nắm giữ sự kiêu căng hay ngã mạn. Nếu chúng ta không đứng trong tầm đạn chúng ta sẽ không bị bắn. Nếu thư không có người nhận thì sẽ được trả lại người gởi. Thong thả đi vào cuộc đời không bị dính mắc vào việc đánh giá các chuyện xảy ra, thầy tỳ khưu an nhiên tự tại. Ðó là con đường Niết Bàn, trống rỗng và giải thoát.
 
Theo dõi năm uẩn và làm sạch khu rừng, bạn sẽ là một người khác hẵn trước đây. Rất ít người hiểu được sự trống rỗng và thực hành theo, nhưng ai làm được điều này sẽ có niềm vui lớn lao. Tại sao không thử xem? Bạn có thể trừ khử những tên trộm trong tâm và xếp đặt lại mọi chuyện hoàn hảo mà!
 
Ajahn Chah
Trích "Mặt Hồ Tĩnh Lặng", Ajahn Chah,
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch,
Như Lai Thiền Viện, Hoa Kỳ, 1993.

Tuesday, October 29, 2013

TS Trương Nguyện Thành

Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN
trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ
 

Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn(R:Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn). Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.

Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.
 
Tiến sĩ Thành chia sẻ:
 
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.
 
Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:
 
“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”
 
19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.
 
Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.
 
Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?
Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
 
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?
 
Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
 
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
 
“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.
 
Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
 
Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”
 
Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.
 
Qúy vị và các bạn có những câu chuyện thành công muốn chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam qua Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, email số phone về địa chỉ vietnamese@voanews.com, Trà Mi rất hân hạnh được giới thiệu những tấm gương thành công của người Việt khắp nơi.
 
 Trà Mi

Monday, October 28, 2013

Ngô Nhân Dụng

Dạy sử theo lối ngu dân

Trên các mạng Internet, có người mới vạch ra một sai lầm lớn trong một cuốn sách về lịch sử xuất bản hồi giữa năm 2013 ở trong nước. Trong trang hai, bài Lời Giới Thiệu cuốn sách, người ta viết: “Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Ðảm lên ngôi năm 1820, lấy hiệu là Minh Mệnh.”
 
Bất cứ học sinh Việt Nam nào tốt nghiệp trung học cũng phải biết vị vua thứ hai triều Nguyễn, Minh Mệnh là con của vua Gia Long, chắc chắn không phải cháu nội. Vậy mà người ta viết sai như vậy, trong một cuốn sách nhằm làm tài liệu tranh đấu về ngoại giao, dịch ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa. Ðó là cuốn Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao xuất bản. Chắc người chủ trì việc xuất bản và ban biên tập ba người không ai đọc lại bản thảo trước khi in, hoặc chính một trong những người đó, người viết bài Lời Giới Thiệu, không có dịp học sử nước ta bao giờ.

Ðiều này có thể là sự thật. Học sinh Việt Nam có được học môn lịch sử thật hay không? Các em có được khích lệ để tìm hiểu lịch sử dân tộc hay không? Câu trả lời có thể là không, hoàn toàn không. Môn học Lịch sử đã bị cưỡng bức, biến thành một công tác tuyên truyền để củng cố địa vị độc quyền của các lãnh tụ đảng.

Ai cũng phải nhớ lại, cuối tháng 3 năm 2013, khi Bộ Giáo dục thông báo rằng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay sẽ không có môn Lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn nhau đem sách và tài liệu học sử ra xé đồng loạt, ném xuống trắng xóa sân trường. Các em xé sách, vì không cần dùng cho kỳ thi. Nhưng sách lịch sử, môn học về lịch sử, đâu phải chỉ cốt để đi thi? Các bạn trẻ có thể đọc sử để giải trí, để trau giồi kiến thức, để thỏa lòng yêu tổ tiên, đất nước. Cá nhân tôi, ngay từ lúc học lớp Ba, trường làng, khi vớ được một cuốn lịch sử chép tay, đã say sưa đọc các câu chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Trận Bạch Ðằng, Trận Chi Lăng, đọc đi đọc lại nhiều lần vì trong nhà không có cuốn sử nào khác! Tôi chắc rằng chính mình hồi trẻ cũng không yêu nước hơn các bạn trẻ bây giờ. Cũng không có trí tò mò tìm hiểu nhiều hơn, đặc biệt là tò mò tìm hiểu về quá khứ tổ tiên dân tộc mình. Tại sao các học sinh bây giờ lại xé cả các tài liệu giáo khoa môn lịch sử, khi biết không cần đến trong kỳ thi?

Có thể giải thích là do một trong hai nguyên nhân, hoặc cả hai. Thứ nhất, các tài liệu mà các em đem xé, vứt đi, không thật sự là lịch sử, mà các em đều biết như vậy. Thứ nhì, việc dạy môn sử trong trường học không nhằm giáo dục kiến thức và tinh thần yêu nước của các em; mà nó có một mục đích mờ ám khác; các em cũng biết như vậy. Cho nên, khi được “giải phóng,” các học sinh dang tay xé nát các trang sách giáo khoa môn sử; đó là một hành động phản kháng tiêu cực: Chúng ta được tự do, không phải học, thi môn học chán ngấy này nữa. Ném đống rác vụn đó xuống sân trường cũng là một hành động phản kháng: Chúng tôi không thể chịu nổi thủ đoạn lừa bịp này nữa rồi, hãy vứt chúng vào đống rác đi thôi!

Tại sao chúng tôi giải thích hành động xé sách môn sử của các học sinh theo tâm trạng như trên? Ðó là sau khi đọc các đề thi môn sử trong các kỳ thi vào đại học, từ 2008 đến 2013, theo đề nghị của bạn Nguyễn Duy Chính, một nhà nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn Tây Sơn.

Kỳ thi tuyển vào đại học thường phải đặt các câu hỏi bao gồm kiến thức của học sinh từ đầu tới cuối môn học, trong môn lịch sử thì phải khảo hạch những điều các em được học trong suốt lịch sử Việt Nam, từ thời Hùng Vương đến thế kỷ 20.

Nhưng khi đọc các đề thi trong sáu năm trên, chúng ta thấy tất cả các đề đều hỏi về thế kỷ 20, không một câu nào tỏ vẻ quan tâm đến lịch sử nước Việt Nam từ thế kỷ 19 về trước. Hơn thế nữa, tất cả các câu hỏi đều nhằm vào các bài dạy lịch sử theo quan điểm của đảng Cộng sản.

Xin nêu mấy thí dụ các đề thi như sau.

Thí dụ thứ nhất: “Tại sao đảng và chính phủ phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 19-12-1946?” (câu 2, năm 2008). Thứ nhì: “Trình bày và nhận xét chủ trương tập hợp các lực lượng cách mạng được đề ra tại Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam 1 - 1930, Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung Ương Lâm thời Ðảng Cộng sản Việt Nam 10-1930 và Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương 5-1941” (câu hỏi 2, năm 2009). Thí dụ thứ ba: “Luận cương chính trị tháng 10-1930 của Ðảng Cộng sản Ðông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945?” (câu 2, năm 2011). Thứ tư: “Cuối tháng 3 năm 1975, Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên các cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1975” (câu 3, năm 2012). Thí dụ năm: “Nêu những sự kiện chính trong 10 năm đầu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để làm rõ quá trình xác lập cục diện hai cực, hai phe - tư bản Chủ nghĩa và Xã hội Chủ nghĩa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cục diện đó là gì? (câu 4b, 2013) Thí dụ sáu: “Trình bày sự chuyển biến về giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất” (câu 1, năm 2013).

Trên báo chí trong nước, đã có nhiều người nhận xét về các đề thi năm 2013. Với câu hỏi trong thí dụ sau cùng kể trên, một giáo sư nói: “Câu này thuộc bài 12 của chương trình học và là bài đầu tiên của phần sử Việt Nam nên chỉ cần thuộc bài là có thể làm tốt.” Sang các câu hỏi sau, cũng vậy: “Thí sinh chỉ cần thuộc bài có thể làm tốt.” Nhưng một kỳ thi như vậy coi như vô ích, vì không phân biệt được học sinh trình độ giỏi với trình độ kém, khi hầu hết đều học thuộc lòng! Báo Thanh Niên Online, ngày 9 tháng 7 năm 2013 được nghe “Nhiều học sinh sau khi thi xong đã bày tỏ các em không thích một đề thi như vậy, vì sẽ khó đánh giá được trình độ thí sinh.”

Nhưng mục đích của đảng Cộng sản có phải là để đánh giá trình độ các học sinh trong môn sử hay không? Chắc là không. Họ bắt các học sinh phải học, các giáo sư phải dạy môn lịch sử, từ tiểu học lên tới hết trung học, và có thể ở bậc đại học, với mục đích tuyên truyền cho đảng Cộng sản, cho chế độ cộng sản, ý thức hệ cộng sản, mà sau cùng là để củng cố quyền hành và bám giữ các lợi lộc do quyền hành đem lại.

Tất cả các đề thi môn sử trong sáu năm qua cho thấy đảng cộng sản vẫn chưa từ bỏ một thủ đoạn quen dùng từ thời Hồ Chí Minh: Dùng giáo dục để tuyên truyền chính trị. Hồ Chí Minh đã nhập cảng lối trình bày lịch sử của Stalin và Mao Trạch Ðông vào nước ta, vì thấy đó là thủ đoạn củng cố quyền chuyên chế rất hiệu quả. Các bạo chúa Ðỏ xóa lịch sử, thay đổi sách sử theo nhu cầu giai đoạn. Mỗi năm Stalin lại cho sửa lại các sách giáo khoa lịch sử, cả các bức hình lịch sử in trên sách, báo; để xóa bỏ mặt mũi những người ông ta đã coi là phản động, hoặc đã thủ tiêu. Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn đi theo con đường đó. Như nhiều tờ báo ở Sài Gòn mới tiết lộ: Trong tất cả các sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9, lớp 12, có nêu diễn biến chiến dịch Ðiện Biên Phủ nhưng “không câu một lần nào nhắc tên Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy trận chiến này.”

Nhìn lại tất cả các câu hỏi, mỗi năm ra đề, sáu năm 30 đề, chúng ta thấy dã tâm của đảng Cộng sản là hướng dẫn học sinh học thuộc lòng các lời tuyên truyền để củng cố địa vị độc quyền cai trị. Học sinh phải thuộc lòng lối giải thích lịch sử theo ý thức hệ Mác Lê Nin và quan điểm của đảng Cộng sản. Hết năm này sang năm khác, đề thi cứ như vậy, thì mọi học sinh đều biết mình phải học thuộc lòng các bài sử nói về đảng, về chính sách, chủ trương của đảng, đến công trạng mà đảng tự vẽ và tô điểm lấy. Ngoài ra, các em không cần học gì khác. Muốn thi đậu vào đại học, phải chịu ngồi đó nghe đảng tuyên truyền, không khác gì những người bị bắt giam trong nhà tù học tập cải tạo. Học sinh phải thuộc lòng tất cả những điều viết trong tài liệu giáo khoa do đảng Cộng sản phân phối. Không có vai trò nào cho các sử gia đích thực trong việc dậy môn lịch sử, vì các sử gia phải có lương tâm, tôn trọng sự thật, không thiên lệch, không che giấu. Ðảng Cộng sản không cần thứ chuyên gia đó.

Suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ hết ngạc nhiên khi thấy cảnh các em học sinh xé sách giáo khoa môn lịch sử, ném xuống sân trường. Các em đang hô lớn: Hãy vứt bỏ cái trò ngu dân bẩn thỉu này đi! Chúng ta cũng bớt ngạc nhiên khi thấy có những nhà khoa bảng nhớ nhầm rằng vua Minh Mệnh là cháu nội vua Gia Long. Vì ngay trong khi còn học trung học, họ không có thời giờ đọc các chương sách về lịch sử thề kỷ 20. Tất cả các thí sinh đều lo học lịch sử đảng Cộng sản, đọc những chuyện đời Lê, đời Nguyễn làm gì co phí thời giờ!

Nhưng không riêng gì môn lịch sử, tất cả các môn khác về văn học, xã hội, đều chỉ nhắm mục đích tuyên truyền, để củng cố ách độc tài chuyên chế của đảng cộng sản; tức là bảo vệ quyền tham nhũng của các lãnh tụ cùng đảng viên cao cấp.

Chính sách giáo dục ngu dân này là đầu mối gây băng hoại xã hội và đạo lý ở nước ta hiện nay. Ðó là một trong những tội lớn nhất của đảng Cộng sản trong thế kỷ 20 và 21.

Ngô Nhân Dụng
 Xem thêm :
 


Sunday, October 27, 2013

Quyên Di

TÁCH CÀ PHÊ BUỔI SÁNG
 
Ít khi tôi uống cà phê, nên những tách cà phê thỉnh thoảng uống vào đầu một ngày rảnh rỗi thường vẫn làm cho tôi được hưởng trọn vẹn cái... ngất ngây của nó.

 Sáng sớm, trời hơi lạnh, tự tay đun một ấm nước nóng, mở nắp lọ cà phê, lấy muỗng xúc một ít chất bột đen nhánh cho vào trong cái tách sứ, rót nước sôi vào, thế rồi pha thêm đường, thêm sữa, thêm cream tùy theo ý thích. Ngần ấy động tác làm một cách tuần tự, chậm rãi, ta sẽ có được một tách cà phê thơm ngát, và rồi ta thường thức cái hương vị quyến rũ ấy, vừa bằng khứu giác vừa bằng vị giác, tưởng đó cũng là một niềm hạnh phúc, tuy nhỏ nhoi nhưng cũng rất đậm đà.

 Cà phê, tác dụng trước nhất của nó là làm cho người ta tỉnh táo. Đang cơn buồn ngủ, hoặc là để đề phòng cơn buồn ngủ kéo đến, người ta uống cà phê. Nhờ tác dụng của nó, người uống sẽ không còn buồn ngủ để rồi có thể làm những công việc cần thiết trong ngày

 Thế nhưng, thật sự nếu cà phê chỉ có tác dụng giúp người ta tỉnh táo, mà nó không có mùi vị và hương thơm quyến rũ, chắc hẳn cũng chẳng mấy ai thích uống cà phê. Người ta sẽ tìm một phương thức khác để tìm sự tỉnh táo, tránh cơn buồn ngủ. Sở dĩ người ta thích uống cà phê, bởi vì ngoài tác dụng giúp tỉnh táo, cà phê còn có một hương vị thơm ngon, quyến rũ đặc biệt.

 Điều này khiến cho tôi nhận ra rằng: nếu lòng ta là lòng thiện, nhưng bên ngoài ta khó ưa - do diện mạo hay do cử chỉ, lời nói - chưa chắc lòng thiện của ta đã được người khác chấp nhận. Muốn lấy cái đẹp cái tốt trong lòng ta ra phục vụ mọi người, ta cũng cần có hành vi, cử chỉ, lời nói bên ngoài gây được thiện cảm, để người khác chấp nhận ta trước đã. Chính vì thế, tôi thấy thật chí lí, khi trong phần "xướng kinh" của những ván kinh người Công giáo thường đọc, có lời cầu xin Chúa Thánh Thần "sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con." Không những chúng ta xin Chúa sửa tâm tính bên trong của mình cho tốt đẹp mà còn xin Ngài sửa đổi cả hành vi, cử chỉ, lời nói bên ngoài của mình nữa, để mình trở nên một người dễ ưa, và nếu dễ thương thì càng tốt.

 Ngày xưa, tính tôi bướng bỉnh. Khi tôi đã có ý hướng tốt, tôi cứ thế mà thực hiện cái ý hướng tốt ấy, chẳng cần cái cung cách, dáng vẻ bên ngoài của tôi có được chấp nhận hay không. Tôi sống theo chủ trương "tôi vậy đó, chịu thì chịu, không chịu thì thôi". Nhưng bây giờ, tôi cố gắng thay đổi cả con người bên ngoài của tôi, để người khác ''chịu'' tôi. Người khác có "chịu'' tôi, tôi mới có cơ hội đem cái ý hướng tốt của mình ra để phục vụ .

 Hồi trước ở Việt Nam, nhà tôi nằm trong một khu chợ. Các bà các cô bán quán trong chợ cũng thích uống cà phê lắm. Trong chợ có một chú bé bán cà phê dạo. Khi có một bà hay một cô nào gọi, chú rót cà phê ra ly, để ly trên một cái đĩa rồi bưng lại cho khách. Các bà các cô này có một cách uống cà phê rất lạ lùng: thay vì uống cà phê trong ly, các bà các cô đổ cà phê từ ly ra đĩa, rồi húp cà phê trong cái đĩa ấy. Sở dĩ các bà các cô uống cà phê kiểu đó, vì các bà các cô rất vội, phải uống cho lẹ để còn bán hàng, tiếp khách. Cà phê đổ ra đĩa, vì có một diện tích bốc hơi rộng nên mau nguội, dễ uống nhanh.

 Trước đây tôi cứ lấy làm buồn cười cho cái cách uống cà phê lạ lùng đó, nhưng sau này tôi tìm trong đó một bài học lất hay về cách xử thế: muốn được người khác chấp nhận mau chóng, mình cần mở lòng, trải lòng mình ra một cách đơn sơ và chân thực. Y như người ta có thể uống thật nhanh cà phê nóng, bởi vì cà phê nóng ấy đã được đổ ra cái đĩa cho mau nguội. Ngược lại, chất nước cà phê nóng, đựng trong một cái ly sâu, độ nóng được giữ thật lâu, người ta không uống vội được. Mà giả như vì lí do nào đó cần uống vội, người ta sẽ phỏng môi, phỏng lưỡi. Nếu tôi cất giấu mọi cái thật sâu kín trong lòng tôi, người khác khó chấp nhận tôi. Nếu tôi khăng khăng giữ lấy cái gì của riêng tôi, mà không chịu mở lòng, trải lòng ra, tôi sẽ gây đau khổ cho người khác.

 Kỹ nghệ sản xuất cà phê bây giờ rất tân tiến. Có những loại cà phê phải pha chế thật cầu kỳ, nhưng cũng có những loại cà phê ''instant'', cà phê pha chế sẵn. Tùy theo nhu cầu và sở thích, có người chỉ chấp nhận một thứ cà phê nào đó và chê các thứ khác. Có người chỉ chịu uống cà phê phin, chờ từng giọt cà phê đen nhánh nhỏ xuống ly cho đến khi có một tách cà phê đủ lượng, Những người này chê cà phê ''instant'', cho đó là thứ cà phê uống ''cho có uống'', cứ chẳng ngon lành gì. Nhất là uống cà phê ''instant'' thì chẳng có chút thi vị, chút nghệ thuật nào.

 Ngược lại, có những người chỉ uống cà phê ''instant''. Họ chủ trương rằng uống cho nó nhanh rồi còn làm việc. Cà phê phin pha chế cầu kỳ, tốn thì giờ vô ích.

 Ở một phương diện khác, có người chọn lấy một cách, một khung cảnh uống cà phê. Có người chỉ uống cà phê ngoài quán. Ngồi với vài người bạn, ngắm cô tiếp viên xinh xắn, nghe tiếng nhạc dập dìu, lâu lâu nhấp một chút cà phê, thấy thật là thi vị. Có người khác chỉ thích uống cà phê trong phòng khách sau bữa cơm; nếu trời lạnh, đốt lò sưởi lên, ngồi bên lò sưởi với tách cà phê trên tay mà trầm ngâm mộng tưởng, thật không còn gì thú hơn.

 Tôi được cái rất dễ tính trong việc uống cà phê. Cà phê phin ngon, mà cà phê ''instant'' cũng vẫn ngon. Uống cà phê ngoài quán cũng thú mà uống cà phê trong phòng khách cũng thú không kém. Cà phê uống buổi sáng cũng hay mà cà phê uống sau bữa cơm chiều cũng chẳng dở. Có người cho cách uống cà phê như vậy là quá xuề xòa bình dân, và như thế là chưa hưởng được trọn vẹn cái hương vị tuyệt vời của cà phê. Tôi nghĩ khác, chính vì cách uống xuề xòa như thế, tôi dễ dàng được hưởng cái thú vị do ly cà phê đem lại, dù ly cà phê ấy là loại gì, được uống trong thời điểm và khung cảnh nào.

 Tôi lại nghĩ, giá mà trong cách cư xử với tha nhân, tôi cũng dễ dãi như vậy, dễ dàng chấp nhận mọi người, mọi cảnh như vậy thì hay biết bao nhiêu. Người nhạy cảm, bộc trực là người thuộc loại ''instant'', họ phản ứng ngay trước mọi hoàn cảnh, hoặc xúc động ngay trước một biến cố. Người thâm trầm, kín đáo giống như cà phê phin, họ chậm rãi, đôi khi tính toán, phản ứng chừng mực nhưng kiên trì. Do bản tính hoặc do cảm tình cá nhân, tôi thường chấp nhận người này mà không chấp nhận người khác, chỉ muốn giao thiệp với loại người này mà không thích giao thiệp với loại người kia, chỉ chấp nhận hoàn cảnh này mà không chấp nhận hoàn cảnh khác. Những thành kiến ấy chính là những hàng rào cản do tôi tự dựng lên, khiến tôi trở nên xa cách với người đồng loại.

 Tách cà phê là một hợp chất với nhiều thành phần. Trong đó có chất lỏng và đắng của cà phê, có chất ngọt của đường hay sữa, có chất béo của cream. Tách cà phê, phải chăng là biểu tượng cho cuộc đời một người? Trong cuộc đời ấy có những đắng cay đau khổ, có hương vị ngọt ngào hạnh phúc, có những biến cố xảy ra làm cho cuộc đời thêm phong phú. Giống như tách cà phê, mà trong đó chất đắng, chất ngọt, chất béo hòa quyện với nhau; cuộc đời người ta cũng thế, cay đắng thương đau hòa hợp với niềm vui và hạnh phúc. Nếu người ta không uống xong một ngụm cà phê rồi cầm cục đường mà gặm, sau đó nuốt thêm một muỗng cream, thì người ta cũng không thể đòi hỏi mọi sự kiện, mọi hương vị cuộc đời phải tách biệt ra rành mạch. Trong hạnh phúc có khổ đau, trong đắng cay có ngọt ngào, trong đau đớn có ủi an. Khổ đau và hạnh phúc hòa hợp với nhau mới tạo thành cuộc đời thực. Ân cần và phũ phàng là hai mặt phải trái không thể tách rời của thái độ cuộc đời đối với tôi. Chấp nhận cuộc đời là tôi chấp nhận mọi khía cạnh, mọi trạng huống, mọi mùi vị của cuộc đời cùng một lúc.

 Có những hôm ngồi thưởng thức tách cà phê mà tôi mường tượng như được nhìn thấy lại cái đồn điền cà phê của người bạn ở Ban Mê Thuật dạo nào. Vào mùa hoa nở, hương hoa cà phê thơm ngát tỏa ra từ nhụy và những cánh hoa cà phê trắng muốt, làm cho hành khách ngồi trên những chuyến xe đò chạy ngang đồn điền ngây ngất. Ít lâu sau, hoa cà phê kết quả, thành những trái cà phê chín đỏ. Rồi đến một ngày nào đó, hạt cà phê được lấy về. Người ta rang cà phê trong chảo nóng. Thế rồi cà phê còn phải được tán nhuyễn, mới có thể trở thành một chất bột kì diệu đem ra pha thành cà phê thơm ngon.

 Tôi trộm nghĩ: để có thể trở thành một con người phục vụ tha nhân, tôi cũng phải chịu trải qua một tiến trình như thế. Tôi phải kiên nhẫn để được cải biến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Phải dám can đảm, dám hi sinh để chấp nhận thảy lên lò lửa nóng, bị tán ra thành bột, phải đánh mất chính hình thể nguyên thủy của mình; y như hoa cà phê phát triển thành quả, hạt của quả được hái về, được rang trong chảo nóng rồi được tán ra thành bột vậy.

 Hôm qua bạn tôi lại chơi, tặng tôi một gói cà phê, ân cần trao tận tay tôi và nói rằng: ''Cà phê chính gốc Ban Mê Thuật đấy! Uống vào, bạn sẽ thấy như được trở về với khung cảnh đồi núi cao nguyên của đất nước Việt Nam ngày trước. ''

 Tôi cảm động về mối chân tình của bạn. Tuy nhiên trong thâm tâm, tôi muốn nói với bạn rằng: ''Chẳng cần uống tách cà phê chính gốc Ban Mê Thuật, tôi mới thấy như được trở về với vùng đồi cao nguyên Việt Nam. Tôi ở xứ người đã ngót hai mươi năm, vậy mà lúc nào hình ảnh quê hương cũng vẫn đậm nét trong trí và trong tim tôi. Bởi vì bạn ạ, tôi yêu quê hương của tôi lắm.''

 Bạn về , tôi vẫn còn trầm ngâm suy nghĩ về câu nói âm thầm không thốt ra khỏi miệng ấy. Tôi trầm ngâm suy nghĩ, bởi vì tôi liên tưởng đến một khía cạnh khác của đời sống tôi: khía cạnh tâm linh. Tại sao trong tôi hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn mờ nhạt? Chung qui chẳng qua cũng chỉ vì tôi yêu Ngài chưa đủ . Nếu tôi yêu Ngài, ít nhất cũng chỉ bằng tôi yêu đất nước quê hương tôi, thì hình ảnh Ngài đã đậm nét trong tôi lắm. Tôi thở dài nhè nhẹ . Hình như có một nỗi buồn, mỏng manh nhưng kín và sâu

 Tách cà phê chính gốc Ban Mê Thuột! Giá mà mỗi khi uống một tách cà phê này, tôi lại tự nhắc tôi làm đậm đà thêm mối tình giữa tôi và Thiên Chúa! Nếu được như thế, tách cà phê ấy trở nên ích lợi và ý nghĩa cho tôi biết bao!
 
Quyên Di
@internet

Saturday, October 26, 2013

Lifestyles

TÌNH NGƯỜI BAO LA,
MỘT NGƯỜI MỸ LÀ ÂN NHÂN CỦA HƠN 100 NGƯỜI VN

Xin nhìn lại cảnh tượng Saigon trong giây phút nát lòng
phải từ ly - cuối Tháng Tư Đen, năm 1975. Nước mắt phải tuôn rơi, tâm hồn đau khổ, cõi lòng chùng xuống.
 
Xin cầu nguyện cho quê hương Việt Nam yêu dấu và cho dân tộc Việt Nam được tự do, no ấm và hạnh phúc. 
 
Cảm động.
 
Một nhân viên Ngân Hàng Mỹ tại Saigon trước 1975, ông được lệnh di tản một mình qua HongKong. Ở HongKong ông tìm mọi cách để cứu những nhân viênVN làm việc với mình cùng với gia đình ra khỏi VN. Xếp của ông hăm dọa nếu ông làm như vậy sẽ mất việc. Ông một mình trở lại VN nhưng máy bay thương mại không còn chuyến nào, một người bạn khuyên ông xin máy bay quân sự. Ông đã làm giấy tờ giả khai những người VN này là vợ là con, từng gia đình gửi lên máy bay quân sự, lần lượt đem đi hết mọi gia đình với bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm. Tổng cộng ông đa đem đi 105 người "con". Có người tuổi còn lớn hơn ông nữa. Nay sau 38 năm, mọi người tổ chức họp mặt đoàn tụ, các "con" của ông vẫn còn gọi ông là "Papa John" (Bố John). Mời xem.

Tough to believe he got away with claiming that many dependents.  Video runs 13 minutes.
 
 

nbgblog

Đại vệ Chí Dị

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

 Mùa thu năm ấy khai quốc công thần đại lão tướng quân họ Vũ lìa đời. Nhà Sản tổ chức quốc tang, nhưng ngắt mất phần bắn thần công tiễn biệt.

 Dân chúng đổ xô nhau đi đưa tang đại tướng quân. Hàng nghìn người nhỏ lệ.


 Bấy giờ có cái cây gần nhà đại tướng, bỗng nhiên lá vàng úa. Ở hồ Lục Thủy giữa kinh thành, có con rùa già sống mấy trăm năm cũng ngoi đầu lên mặt nước.

 Ai cũng cho đấy là điềm trời thương xót tướng quân.

 Lại nói bấy giờ cũng trong lúc quốc tang đại tướng, kho đạn quân nhu ở trấn Tây Bắc phát nổ long trởi, lở đất, chết mấy chục mạng người.Ngay đó bão lớn gây lũ lụt khắp miền Trung quê hương đại tướng, cảnh tang thương chết chóc chồng lên nhau. Đau đớn không biết bao nhiêu mà kể.

 Tiếng khóc mất người thân vang từ miền núi đến miền biển. Khiến đất trời trở lạnh đột ngột.

 Tháng Nhâm Tuất, năm Quý Tỵ, năm Vệ Kinh Vương thứ ba.

 Thầy thuốc họ Nguyễn mở phòng mạch lậu đồ sộ giữa kinh thành. Một hôm lỡ làm chết bệnh nhân, nửa đêm mang xác ra sông vất đi.

 Quan coi việc chữa tàu biển thủ mấy trăm ngàn lượng vàng mua nhà cho vợ lẽ.

 Người dân tộc thiểu số kéo về kinh thành kêu oan, dầm mưa dãi nắng ở vườn hoa kinh thành.

 Nước Vệ lâm vào cảnh bi thảm. Đạo đức bá tính băng hoại, dân chúng lầm than, quan lại nhũng nhiễu, thóc cao gạo kém, thất nghiệp, đổ nợ lan tràn.

 Trước cảnh đó, Vệ Kính Vương mới cho người sang phủ chúa, mời Bạo tể tướng cùng thiết triều bàn chuyện quốc gia đại sự.

 Gặp Bạo, Vương nói.

 - Nay tình trạng đất nước ta có nhiều điều không hay, tể tướng có cách gì chăng.?

 Bạo đáp.

 - Vua, chúa không đồng lòng. Việc lớn khó mà giải quyết được.

 Vương biết tể tướng hàm ý trách chuyện Vương phủ mấy năm nay có ý không bằng lòng với phủ Chúa. Tỏ vẻ khoan hòa, nhã nhặn, Vương nói.

 - Con đường đi lên xã nghĩa của nhà Sản, tất phải có những mâu thuẫn nội tại. Đó là chuyện không lớn, khi xưa tiên vương nói khi gặp chuyện bất hòa phải lấy chữ đoàn kết làm đầu, giữ đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt mình. Nay đất nước khó khăn, tể tướng là người anh minh lỗi lạc, lại đương là rường trụ quốc gia. Chớ nên vì chuyện nhỏ mà làm hỏng đại sự.

 Bạo thấy Vương có ý hòa hoãn, cũng tạm gác qua hiềm khích. Kéo ghế ngồi ngang hàng nói.

 - Vậy thì nay mỗi người lo phận của mình cho tốt. Bên Vương lo chuyện trấn an dân tình, vỗ về để lòng người không oán thán. Khiến cho lòng dân còn tin vào triều đình, tránh chuyện bất tín mà sinh ra trễ nải làm ăn, thất thu ngân sách triều đình.  Tránh dùng tuyên truyền thiếu nhất quán vạch vòi những chuyện chính sách kinh tế, chẳng những không giải quyết việc gì, gây xáo trộn niềm tin thêm.

 Vương gật đầu.

 - Chuyện ấy Vương phủ sẽ cho làm ngay, còn lại chuyện lo cho đất nước qua cơn khó khăn kinh tế này , trăm sự nhờ tay phủ Chúa.

 Bạo nói thêm.

 - Đàm Cận làm quan bao năm, một lòng tận tụy, trên bảo sao làm vậy. Triều đình không có ý kiến. Nhưng Phạm Gia làm thượng thư bộ lễ, thân sinh trước kia coi bộ này có nhiều điều khiến Tề mất lòng, đưa lên phó tể tướng sợ người Tề không ưng. Cái này để triều đình cân nhắc.

 Bạo đứng dậy cáo từ.

 Vương ngồi án thư, lôi bản dự thảo hiến pháp ra xem lại, sửa vội mấy chữ, chỉnh dấu chấm phẩy. Rồi soạn công văn gửi bộ Học. Chỉ dụ bộ Học phải ca ngợi rằng bản dự thảo này là thể hiện cho ý chí hào hùng của nhân dân ra dưới thời kỳ mới, đồng thời phải nhấn mạnh con đường đi lên thiên đường xã nghĩa vẫn còn dài toàn dân , toàn quân phải phấn đấu chịu đựng gian khổ nhiều hơn nữa.

 Lại nói về Bạo tể tướng, khi về phủ lập tức soạn công văn chỉ đạo tăng giá, tăng phí và tăng khai tháng khoáng sản.

 Mưu sĩ có người thắc mắc chuyện tăng phí, giá e sẽ khiến dân tình thêm khó khăn mà oán hận.

 Bạo nói.

 - Như thế bọn phủ Vương mới chuyên tâm vào việc đối phó dư luận. Không nhòm ngó việc nhà Chúa được. Hơn nữa chúng ta theo dõi phản ứng dân chúng đến đâu, sẽ điều chỉnh. Cái này để đánh lạc hướng tất các dư luận, để chúng ta tập trung cấp tốc gia tăng khai thác sản lượng tài nguyên, lo tìm cách mượn tiền bên ngoài. Đó mới là cách lớn để giải quyết vấn đề.

 Lời bàn.

 Nhà Sản phước lớn, lúc nào cũng có nhân tài trị nước. Đừng tưởng việc nói cho dân nghe là việc dễ, cũng đừng tưởng việc tăng giá, thuế và đào tài nguyên muốn là được. Nói sao cho dân tin, làm sao cho dân không biết. Đó mới là nghệ thuật cai trị độc đáo của nhà Sản.

 Bởi thế nhà Sản mới tồn tại đến nay gần 70 năm.

@facebook/nbg

Thursday, October 24, 2013

China

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rệu nát từ bên trong
    
Một sinh hoạt tưởng niệm tại Bắc Kinh, nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc thứ 64 hôm 01/10/2013.Chế độ Trung Quốc không tránh được sụp đổ hay bị lật đổ . Trên đây phân tích của hai nhà trí thức có uy tín tại Bắc Kinh nhân 64 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa : một người là thư ký riêng của cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương, một người là giáo sư đại học Bắc Kinh.(Một sinh hoạt tưởng niệm tại Bắc Kinh, nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc thứ 64 hôm 01/10/2013. REUTERS/Jason Lee)
 
Trung Quốc dường như đang chiếm thế thượng phong trong mọi lãnh vực ngoại giao đến quân sự nhờ vào nền kinh tế được xếp vào hạng thứ hai trên thế giới. Tại thượng đỉnh APEC và ASEAN  trong hai ngày 07 và 08 tháng 10, chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nổi bật như ngôi sao sáng trong khi lãnh đạo siêu cường Hoa Kỳ, Barack Obama phải vắng mặt vì khủng hoảng chính trị và ngân sách
.
Các nhà phân tích quốc tế không ngần ngại kết luận là chính sách « chuyển trục » sang Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ gặp vấn đề và Trung Quốc với sức mạnh kinh tế, quân sự đang lên sẽ « lấp khoảng trống ».
Tuy nhiên đây không phải là nhận định của những nhà phân tích dám suy nghĩ độc lập tại Hoa lục : xem vậy mà không phải như vậy.

Công luận đã biết giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba lãnh án 11 năm tù vì cùng với hơn 300 nhân sĩ (trong danh sách phổ biến đầu tiên) vào cuối năm 2008, công bố Hiến Chương 08 phân tích những nhược điểm của chế độ Trung Quốc và đề ra kế hoạch dân chủ hóa gồm 19 điểm để cứu nước, cứu dân và cứu đảng cầm quyền.

Vào lúc Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 64 năm chế độ được mệnh danh là « Cộng Hòa Nhân Dân » thì nhà ly khai Bào Đồng, nguyên là thư ký riêng của cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nhà lãnh đạo cải cách bị cách chức vì chống biện pháp đàn áp phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989, khẳng định : Trung Quốc thực chất không phải là nền cộng hòa mà cũng không tôn trọng nhân dân.
Trong một bài phân tích dài với tựa đề : « Trung Quốc ăn mừng 64 năm chế độ xây dựng trên sự áp bức nhân dân » được phổ biến trên mạng của Asia News.it, nhà ly khai nhận định một cách thẳng thừng : Hệ thống chính trị Trung Quốc mang bản chất trấn áp, bất công và tham nhũng. Từ khi Trung Hoa được « giải phóng », quyền của công dân bị xem là « tà ngụy ». Dưới bảng hiệu « chuyên chế vô sản » một hệ thống độc tài khác khai sinh : đảng Cộng sản tự cho mình có toàn quyền thống trị mọi lãnh vực xã hội, kinh khiếp hơn bất kỳ chế độ phong kiến hay độc tài cá nhân nào. Nhân dân « được giải phóng » phải tuân thủ mệnh lệnh của đảng Cộng sản.

Nếu trước năm 1949, những hành vi áp bức, bóc lột được xem là phi lý thì sau ngày « giải phóng » hiện trượng thối nát đó được sống lại và được đảng tôn vinh : sau khi kích động bần cố nông tước đoạt tài sản của địa chủ thì tài sản khổng lồ này bị đảng tóm thu hết nhân danh hợp tác xã. Thực chất thì đất đai, công ty xí nghiệp được « biến hóa » thành tài sản riêng của những người gọi là cách mạng và con cháu họ dưới nhãn hiệu « tài sản xã hội chủ nghĩa » dù Mao không nói đến « chia chác » như vậy.

Đó chính là lý do sâu xa mà bộ máy tuyên truyền lờ đi giai đoạn « cướp chính quyền » mà tập trung vào chuyện bí ẩn « xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa ».
Về niềm kiêu hãnh « nhờ Đảng mà Trung Quốc lên hàng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới » thì ông Bào Đồng nhắc dân Trung Hoa hãy nhớ là trước năm 1949, Trung Quốc đã chiếm thứ hạng này, và phải mất 64 năm mới trở về thứ hạng cũ. Ông bình luận một cách mỉa mai : Phải mất 64 năm học tập, người dân Trung Hoa mới ngộ ra « sự thật » là xứng đáng được những kẻ cầm quyền hiện nay lãnh đạo. Mà « sự thật » trong chế độ này là do đảng quyết định.
Hệ quả là người dân Trung Hoa từ thế hệ này qua thế hệ khác phải chịu đựng tệ nạn tham nhũng tràn lan, nạn ô nhiễm từ trên trên trời xuống lòng đất.

Đó là « mô hình » Trung Quốc được xây dựng trong 64 năm qua. Trong khi đảng cố gắng phô bày bộ mặt phấn son với quốc tế thì trong nội bộ, họ ý thức được các nhược điểm cốt lõi này với những lời « bôi nhọ lẫn nhau » hay biện minh là « cần học hỏi thêm ».
Để kết luận, nhà ly khai Bào Đồng khẳng định ông không có ý hạ nhục chế độ, nhưng một cơ chế chính trị không chấp nhận đối kháng là một cơ chế tiêu vong, trừ phi còn có những người có tinh thần can đảm cải cách nó.

Đây cũng là nhận định của giáo sư Hạ Vệ Phương. Ông không phải là nhà ly khai hay đối lập mà là một chuyên gia luật pháp của Đại học Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn của nhật báo South China Morning Post, giáo sư Hạ Vệ Phương cho biết ông Tập Cận Bình đã làm giới trí thức thất vọng. Nếu không chấp nhận tự do báo chí và tư pháp độc lập để trong sạch hóa guồng máy chính quyền, thì chế độ này, theo giáo sư Hạ Vệ Phương, sẽ bị cáo chung : « Khi dân chúng mất hết niềm hy vọng, khi không còn gì để mất, thì chỉ còn giải pháp sau cùng : nổi dậy làm cách mạng ».

Tú Anh
@rfi